Hôm nay,  

Gặp Ma

30/10/201200:00:00(Xem: 244172)
viet-ve-nuoc-my_190x135Thứ Tư 31 tháng Mười, sẽ là Halloween 2012. Trước ngày vui với ma quỉ, mời đọc chuyện ThaiNC gặp ma. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ mỗi lần nghe ông anh họ đi lính về phép ngồi kể chuyện chiến trường, anh ấy hay xen vào những chuyện ma rùng rợn. Tụi tôi còn nhỏ chứ cũng khôn lắm, hỏi vặn anh chuyện đó...có thiệt không? Anh nói : thiệt chứ.- Vậy thề đi. Thề nè...

Tôi không dám thề như anh tôi, nhưng hứa là chuyện sắp kể sau đây là có thiệt.

Câu chuyện xảy ra khá lâu rồi. Lúc đó ba tôi đang đau nặng và nằm ở bệnh viện hơn hai tháng. Trong khoảng thời gian này tôi và thằng em chia nhau ngày chẵn ngày lẽ, đêm nào cũng có một đứa vào ở lại đêm với ba. Nói nào ngay, cho dù là bệnh viện ở Mỹ cũng không thể nào chu tất cho tất cả bệnh nhân cả ngày 24 tiếng được. Ban ngày thì nhân viên y tá đông đảo, bác sĩ đi khám thường xuyên nên tương đối mọi việc đều chu đáo. Nhưng đến đêm thì rất khó khăn bởi vì bệnh nhân thì vẫn vậy, nhưng y tá và y công bị giảm đi nhiều nên khó mà lo cho hoàn hảo tất cả. Không phải là họ bê trễ, mà vì nhân viên ít nên phải làm việc gấp rút mới đủ thì giờ lo cho đủ chừng đó người.

Thông thường thì bệnh viện không cho thân nhân ở lại đêm, nhưng cũng có vài trường hợp ngoại lệ như ba tôi là bệnh nhân dài hạn mà không nói được tiếng Mỹ nên rất khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn y tá mỗi khi cần thiết. Cho nên, tôi được họ cho ở lại để giúp đỡ săn sóc thêm cho ba, và nhân tiện cũng thỉnh thoảng giúp họ thông dịch dùm cho một vài cụ bệnh nhân VN khác gần đó, đêm hôm khuya khoắt không có con cháu bên cạnh để nhờ cậy…

Bạn có thể hình dung bệnh viên là một hình vuông có 4 cạnh và 4 góc. Tại mỗi góc đều có một nhà vệ sinh restroom. Phòng của ba tôi nằm gần cuối dãy nên rất gần với nhà vệ sinh này. Dãy bên kia vốn không có phòng nằm của bệnh nhân mà chỉ là khu phòng Lab và hồi phục (rehab. area), tức là dành cho những bệnh nhân tập đi tập đứng trở lại sau thời gian nằm bệnh. Cho nên trọn một dãy đó chỉ sinh hoạt ban ngày. Ban đêm là tối om không một bóng người lai vãng (ý dza!!!).

Một đêm khoảng hai ba giờ sáng, tôi bỗng thấy đau bụng, đi xong xuôi về phòng rồi mới nhớ là để quên tờ báo trong restroom, bèn trở lại lấy. Tôi mới vừa trở về phòng rồi trở ra lại chỉ khoảng hai ba phút chớ mấy, vậy mà khi tới restroom tôi thấy đã có 4 người ngồi chung trên một cái ghế nhỏ trước cửa tự hồi nào. Đàn ông lẫn đàn bà, cả Mỹ lẫn Á châu. Tôi biết có bốn người cả thảy, nhưng trời tối vì khu bên kia không có y tá hay sinh hoạt nào ban đêm cả, nên thực sự chỉ thấy mờ mờ vậy thôi, trừ mặt một người đàn ông Á châu lớn tuổi là thấy rõ ràng nhút. Tôi lúc đó cũng đã rất mệt mỏi, đầu óc mù mờ, có nghĩ gì xa xôi đâu. Cứ nghĩ rằng đây cũng là những người có thân nhân nằm bệnh như tôi bỗng nhiên nửa đêm rủ nhau ra đây hóng mát. Tôi cảm thấy một sự thông cảm với họ vô cùng vì nghĩ rằng họ cũng mệt mỏi giống như tôi. Nhất là có một bà già lắm, không nhìn được rõ mặt, nhưng tôi thấy mái tóc bạc trắng. Lúc đó tôi nghĩ trong đầu tội nghiệp bà đã già như vậy mà còn đi nuôi bệnh. Con cháu bà đâu? Tôi đang tuổi trẻ như vậy mà chịu không thấu làm sao bà chịu được những buổi thức đêm như vầy? Chỉ thắc mắc và cảm thấy tức cười là cả 4 người như vậy mà cũng ráng chồng chất nhau trên cái ghế nhỏ mới lạ chứ ! Thấy tôi gật đầu chào, người đàn ông Á châu đó gật đầu chào lại.

Bây giờ bạn thử đếm 1,2,3,4,5 sau cánh cửa rest room tôi bước vào 5 bước là lấy lại tờ báo, trở lưng bước 5 bước nữa là mười, trở ra khỏi cửa. Tất cả bọn họ đều đâu mất cả rồi. Tôi không để ý sự kiện lạ lùng trên, thản nhiên bước về phòng ba tôi, lúc đó mới ngồi suy nghĩ.

Tôi ở đây cả tháng hơn rồi, tên tuồi y tá bác sĩ đều thuộc, và nhất là những bệnh nhân quanh đây, ai nằm ở phòng nào tôi cũng khá rõ. Phòng của ba tôi là gần cái restroom này nhứt, rồi phải cách hai ba phòng nữa mới có một bệnh nhân khác. Bệnh nhân khu vực này tương đối ít so với mấy dãy kia, chỉ vài người, thì lấy đâu ra tới 4 người thăm nuôi ở lại đêm như tôi? Nếu có, tại sao tôi chưa bao giờ gặp? Luật của bệnh viện tôi rõ; đặc biệt lắm họ mới cho một người ở lại đêm nuôi bệnh. Vậy thì 4 người này phải có ít nhứt 4 bệnh nhân, gần đây. Làm gì có! Hơn nữa 4 người nuôi bệnh này dĩ nhiên là không quen biết nhau, vừa Mỹ, vừa Á châu… không lý gì nữa đêm hai ba gìờ sáng hẹn nhau tới trước cửa restroom hóng mát.

Thực ra thì lúc đó đang mùa Đông. Ở trong phòng ấm cúng hơn nhiều. Ngồi đây chỉ là hóng lạnh thì có! Mà đã 4 người vừa Mỹ lẫn Á mà cùng chen chúc đủ trên cái ghế nhỏ xíu chỉ cho hai người ngồi mới thật lạ. Bởi vì như vậy phải có hai người ngồi chồng lên hai người kia! Chưa hết, như tôi đã đếm là chỉ 10 giây thôi từ khi tôi bước vào bên trong lấy tờ báo, và trở ra, thì đã không thấy một ai. Tôi biết từ restroom này trở lại căn phòng gần nhất có bệnh nhân khác nằm ít nhứt cũng phải mười mấy mét, vậy thì không thể nào cả bốn người cùng về phòng của mình cùng lúc mau lẹ như vậy. Và nếu họ đi thì phài có tiếng chân giữa đêm khuya vắng như vầy chắc chắn tôi phải nghe. Hoặc là tiếng mở cửa đóng cửa chứ! Hoàn toàn không một tiếng nói chuyện hay một tiếng động nào cả. Không một chút gì chứng tỏ từng có 4 người mới đây chồng chất nhau trên một cái ghế nhỏ, rồi chỉ trong vòng 10 giây là tan biến đâu mất.


Bạn nghĩ sao?

Bình tĩnh tâm hồn suy nghĩ, tôi chắc mình đã gặp ma, nhưng cũng không sợ lắm. Những ngày tháng đó, thương ba tôi bệnh tật triền miên, bổn phận làm con, tôi và thằng em chia nhau mỗi đêm. Nhưng dù tình thương tới đâu cũng không chối bỏ được sự mệt mỏi của thể xác. Đó là thực tế. Cho nên ma thì ma có gì mà sợ?

Hôm sau, tôi hỏi người y công quen làm ca đêm ở đây có ai như tôi được ở lại đêm nữa không. Hắn ngạc nhiên nói hoàn toàn không có ai nữa. Tôi là trường hợp đặc miễn duy nhất mà thôi. Tôi lại kể chuyện này cho thằng em, vì nó cũng ở lại đêm với ba như tôi. Nó thú thực là tuy chưa có dịp thấy mặt như tôi, nhưng thỉnh thoảng giữa đêm khuya phải dùng restroom này nó có cảm tưởng như có ai bên cạnh đang nói gì đó với nó. Tuy nhiên em tôi lại nghĩ vì tự kỷ ám thị, giữa đêm một mình thì yếu bóng vía vậy thôi. Già đầu, vợ con cả rồi mà nói sợ ma thì thiên hạ cười.


Ai cười thì cười chứ sau hôm đó, anh em tôi thay đổi đi restroom ở dãy đầu bên kia. Chịu khó đi xa một chút nhưng đằng kia đèn đuốc sáng hơn, và cũng gần với nurse station có y tá trực ngồi gần đó cho nó yên tâm. Cái restroom này xin chừa.
Đó là lần đầu tôi gặp ma.

...
Lần thứ hai, không phải ma trong bệnh viện, mà là ma…ở sở làm.

Mấy năm trước, có lúc tôi làm production supervisor cho một hãng tiện. Hãng có khoảng 60 nhân viên, chia làm 3 khâu chính. Mỗi khâu (hay gọi là department) có một sản phẩm riêng, trên dưới 15 thợ và dưới sự diều hành tổng quát của một supervisor. Trách nhiệm khá nặng nề nên tôi phải đến hảng thường xuyên lắm. Giờ làm việc của thợ thì cũng như mọi người khác Thứ Hai đến Thứ Sáu, còn Thứ Bảy khi thợ làm overtime, mình làm lương tháng đâu được lãnh thêm đồng nào, nhưng cũng phải có mặt để hướng dẫn và chuẩn bị cho ngày thứ Hai đầu tuần tới thợ vào biết việc mà làm cho khỏi lộn xộn.

Ngay cả những hôm thợ không làm over time thứ Bảy, tôi cũng phải vào sở một mình làm việc vài tiếng chuẩn bị cho tuần tới. Được cái nếu chỉ làm việc một mình thì tùy hì, muốn dzô hảng khi nào cũng được. Thông thưòng thì tôi vào buổi sáng hoặc trưa, tà tà làm vài tiếng, khi nào xong thì về.

Một lần bận chuyện gì không rõ, tôi không đi làm thứ Bảy, đến Chủ Nhật lại mê mấy trận Football đến chiều tối mới chợt nhớ phải vào hãng chuẩn bị cho ngày mai.

Trúng ngày có bão đâu đó nên mưa rỉ rả. Mới sáu bảy giờ chiều mà trời tối đen như mịch. Nghĩ đến việc giữa cơn mưa tầm tả, tối Chủ Nhật, mọi người khác chắc đều trong nhà cùng gia đình ấm cúng, mình phải lặn lội vào trong một toà bin-dinh rộng lớn mà chỉ có một mình…thiệt là ngại. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp và nhất là …vì nồi cơm nên cắn răng đi.

Cả một hảng dĩ nhiên im như tờ, đâu có ai ! Chỉ có tiếng nước mưa theo máng sối chảy xuống nền xi măng róc rách là tiếng động duy nhất. Tôi cũng ngán lắm, nhưng lỡ rồi nên đành đánh liều đi vào, đi tới đâu bật đèn tới đó, ca hát inh ỏi cho đỡ tủi.

Phòng làm việc của tôi sát với cái sân bên hông nên mọi tiếng động bên ngoài như tiếng nước từ mái nhà chảy xuống sân, hay tiếng gió rít đều nghe rõ mồn một. Trời mưa khá nặng hạt và gió thỉnh thoảng thật mạnh thồi nước mưa tạt vào cửa kiếng nghe lộp độp… Nhưng tôi bật đèn đuốc sáng trưng nên cũng yên tâm.

Đang làm sắp xong, bỗng tôi nghe vài tiếng động bên ngoài. Ban đầu tưởng là thằng chủ hãng hay hai thằng supervisors kia cũng tới làm việc trễ như mình, làm mừng húm vì có bạn, nhưng nhìn sang phòng tụi nó thì vẫn tối om.

Tôi tự trấn an là gió thổi làm rớt cái gì đó ở ngoài thôi! Không việc gì phải sợ. Nhưng tiếng động này kỳ lắm nó cứ liên tục “cạch.. cạch, cạch- cạch...” hai tiếng một như có ai cầm hai miếng gỗ gỏ lên nhau theo một chu kỳ nhứt định. Tôi lắng nghe tiếng gỏ khoảng chục lần “cạch …cạch” nữa, mới bặm gan nói lớn một mình

-“Có ngon thì gõ 3 tiếng nghe chơi”. Nói bằng tiếng Việt giỡn vậy thôi.

Mèn ơi, mới nói xong là tôi nghe liền một tràng “cạch…cạch…cạch”, “cạch…cạch…cạch”, nó gõ bốn năm lần liên tục một cách gấp rút và dữ tợn giống như muốn nạt tôi “Mày thách tao hả? mày thách tao hả?…”

Đến nước này thì có là thánh cũng không dám ở lại một phút giây nào nữa. Công việc chưa xong, computer chưa tắt, đèn đóm gì cũng kệ m…nó (excuse me!). Cả cây dù che mưa cũng không dám mó tới, tôi cắm đầu dông thẳng một mạch ra cửa. Trời ơi đoạn đường từ đó ra cửa chính có bao xa mà tôi thấy nó dài đăng đẳng. Tôi đâu dám ngoái lại phía sau, nhưng rõ ràng nghe thêm một loạt “cạch…cạch…cạch, cạch…cạch …cạch” sát bên tai như nó đang rượt ngay bên hông.

Tôi tông cửa chạy ra ngoài. Mưa ướt và lạnh, nhưng vẫn cảm thấy thật là sung sướng được trở lại với thế giới loài người.

Sau hôm đó tôi thề là không bao giờ vào hãng ban đêm một mình nữa. Công việc lỡ chưa xong cũng mặc. Kệ. Tránh ma chẳng xấu mặt nào.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
08/11/201204:35:46
Khách
Đừng nhát quá. Lâu lâu mới gặp ma mà sợ gì. Bây giơ người ta đang buôn quan tài nghĩa địa ngay chốn phồn hoa kìa. Không tin cứ mở mấy cái đài TV của VN coi. Họ quảng cáo mại dô mại dô. Nghĩa địa mà sầm uất kể như phồ phường buồn thảm, quan tài mà đắt hàng kể như cuộc đời tiêu tùng. Đấy là cái đáng sợ mà con chưa sợ nữa là.
31/10/201216:43:56
Khách
Ma thì ai cũng sợ nhưng truyện ma ai cũng thích đọc.
Cám ơn tác giả
02/11/201203:52:37
Khách
Tui thì không tin ma quỷ chút xíu nào lại còn tự chế một câu "gặp ma thì bóp cổ, gặp quỷ thì bẻ gãy giò?!" nhưng đọc chuyện ma này thì sợ vẫn hoàn không sợ mà chỉ mắc cười "hà hà" một mình. Rất cám ơn tác giả vì "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,663
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến