Hôm nay,  

Tôi Không Là Ai Cả

17/03/201200:00:00(Xem: 243700)
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Ngay năm đầu, có tác giả Nguyễn Văn ở Chicago tham dự với bài “Dưới Mái Trường Senn.” Sang năm Nhâm Thìn 2012, năm thứ 12 của giải thưởng, có thêm bài “Chuyện Của Bill” của Nguyễn Văn. Được biết, tuy cùng bút hiệu và cùng gửi từ Chicago, nhưng Nguyễn Văn 2012 không liên hệ tới tác giả cũ. Cũng như “Chuyện của Bill”, bài viết thứ hai của ông cho thấy cách viết tinh tế và sống động hiếm có. Tất mong ông tiếp tục.

Một sáng thứ bảy, lúc tôi đang dùng điểm tâm với mấy người bạn trong một quán café ở khu thương mại Việt Nam trên đường Argyle thì nghe được bản tin của đài truyền hình thành phố phát ra từ chiếc tivi ở quán ăn. Bản tin cho biết, có một người đàn ông chết vào thế treo cổ trong một basement ở khu Albany Park, thuộc thành phố Chicago.

Sự việc được tay chủ nhà phát hiện khi gõ cửa để đòi tiền thuê phòng. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và đang tiến hành khám xét. Theo hình ảnh ghi được thì đó là một người đàn ông châu Á, tuổi khoảng trên ba mươi. Người chết có khuôn mặt trắng tái với đôi chân mày xếch, để ria mép. Đôi quai hàm bạnh, ương ngạnh. Tóc chải ngược về phía sau ót, được kết dính bằng một lớp keo bóng mượt.

“Lại một thằng cha chán đời đi toong!” Tiếng ai đó lầm bầm.
“Treo cổ à?...”
“Tôi biết tay ấy!- Một giọng nói vang lên- Hình như anh ta tên là Phong.”
Khách khứa trong quán bắt đầu ồn ào hẳn.
“Đúng là hắn!”
Giọng nói kia quả quyết.
“Tay này về Việt nam lấy vợ mấy năm trước. Thiên hạ đồn rằng gã lấy một cô chân dài làm người mẫu ở Sài Gòn. Nghe nói ả sexy đến nỗi tuyết cũng phải tan chảy. Chẳng hiểu hai người sống với nhau ra sao. Chỉ biết một năm sau đó, cô ả bỗng cuốn gói bỏ theo người đàn ông khác.”
“Có thiệt không cha nội?” Tiếng một người hỏi.
“Thiệt. Chuyện này nhiều người biết mà! Nghe đâu, ả theo một lão đứng tuổi, người Việt gốc Hoa gì đó, lại là chủ của một tiệm tạp hóa trong khu thương mại này.”
“Đẹp thế mà theo lão già. Tiếc quá!” Tay có chòm râu dê ngồi ở cuối quán chép miệng.
“Chắc vì tiền thôi chứ yêu thương nỗi gì…”
“Thế, anh ta có cha mẹ gì không?” Một người hỏi.
“Có!” Bà chủ quán đứng sau quầy tính tiền nói xen vào.
“Họ ở đâu thế? Tội nghiệp quá!”
“Tôi nghĩ họ vẫn ở đâu đó trong thành phố này. Ông bà cũng già rồi, chắc khoảng gần bảy mươi. Chẳng biết họ còn sống hay không nữa! Tôi không gặp họ lâu lắm, dễ đến mười năm rồi…”
Bà chủ quán đưa tay xoa trán. Đôi chân mày bà nhíu lại như cố lục lọi đâu đó trong mớ ký ức vốn bị cái thời buổi đầy dẫy thông tin này làm cho bội thực. Một lúc sau, bà thủng thỉnh kể:
“Mẹ cậu ấy là bà Vân, người hiền lành, ít nói. Còn người cha thì ngược lại, hơn nữa tính tình nóng nảy. Ông tên Phần. Nghe kể, ông là đại úy cảnh sát trước đây. Hồi mới qua, ông cũng có tham gia công việc cộng đồng. Mấy lần lễ lạt, thấy ông diện lại bộ quân phục của ngày trước với đủ cả lon lá, mũ giày…”
“Chiến tranh đã chấm dứt mấy mươi năm rồi mà tiếng súng vẫn chưa ra khỏi đầu các bố nhà ta. Thật rõ khổ!” Một thanh niên mặt non choẹt xía vô.
“Nghe bảo, Phong thất nghiệp nên vợ mới bỏ đi…”
“Anh ta làm gì thế?”
“Chắc là kỹ sư gì đó….”
“Sao nghe nói Phong nghiện hút?”
“Biết đâu!..”

Câu chuyện cứ thế. Người góp một câu. Chẳng hiểu đúng sai thế nào! Sau đó tôi có hẹn phải đi. Thời gian thấm thoát trôi. Tôi cũng quên bẵng đi câu chuyện và hình ảnh người chết dạo nào.

Dễ đến một năm sau. Một hôm, có người nhờ tôi đi thông dịch giùm cho một ông già ở chỗ văn phòng xã hội. Tôi đến nơi hẹn lúc chín giờ sáng. Văn phòng nằm trên đường Lawrence.

Tiếp tôi là một bà da đen, dáng người phốp pháp. Bà giới thiệu tên là Joyce, người đã hẹn ông Phan Nguyen. Bà nói chuyện uể oải, dáng điệu chậm chạp. Có lẽ đây là đặc điểm chung của hầu hết những người làm công việc cạo giấy. Theo các cuộc khảo sát nghề nghiệp cho biết thì nhân viên bàn giấy là thứ công việc tẻ ngắt và buồn chán nhất. Một thứ việc khiến cho các bà dễ tăng cân và phát phì.

Bà Joyce nhìn tôi, nói trong tiếng thở dài:

“Tôi gửi giấy mời ông Phan đến để bổ túc lại hồ sơ. Hẹn đã một lần rồi, nhưng ông không tới. Chẳng hiểu thế nào nữa…”
Nói xong bà lắc đầu. Khuôn mặt trông mệt mỏi, ủ dột vì những cuộc hẹn cứ không bao giờ xảy ra theo ý bà.
“Chờ thêm nửa giờ đồng hồ nữa, nếu ông không đến thì chúng ta đành phải tới chổ ở của ông ấy xem sao? Tôi sợ rằng ông ấy đang ốm. Hy vọng là tôi lo lắng sai. Anh muốn dùng một chút cafe trong lúc chờ đợi không?”
“Vâng. Làm ơn!”
Trong khi tôi ngồi nhấm nháp café thì bà Joyce bận sắp xếp giấy tờ vào một chiếc cặp sách. Xong xuôi đâu đấy, bà bảo:
“Chúng ta đi thôi!”
Ông Phan sống trong khu chung cư trên đường Lakeside. Căn phòng của ông nằm ở tầng một. Tôi đưa tay gõ cửa. Mãi một lúc sau, chúng tôi nghe tiếng dép kéo lét xét trên sàn nhà. Một khuôn mặt đàn ông nhàu nát, hom hem thò ra khỏi cánh cửa mở.
“Xin chào! Bác có phải là bác Phan không ạ?” Tôi lễ phép.
“Chuyện gì?” Ông ta gắt lên như muốn tống khứ những người khách không mời đang quấy rầy mình.
“Ông Phan! Hôm nay ông có hẹn với văn phòng xã hội lúc chín giờ rưỡi sáng. Không thấy ông đến nên chúng tôi phải đến đây. Ông không ốm chứ?” Tiếng bà Joyce.
“Hôm nay à? - Ông hỏi thẩn thờ - Thế mà tôi quên mất!”
“Chúa ơi!..” Bà Joyce thốt lên.
“Chúng tôi vào được không?” Tôi hỏi.
“Ồ! Xin mời!” Ông mở rộng cửa.

Trước mặt tôi là một ông già dáng người gầy guộc. Ông mặc chiếc áo ngủ màu xám, dài phủ tới gót chân. Cả cái thân hình khẳng khiu của ông trông cứ như lọt thỏm giữa mớ vải rộng thùng thình quanh người. Mái tóc muối tiêu rậm rịt, rối rắm từng lọn trên đầu. Khuôn mặt ông đã trổ da mồi, nhăn nhúm. Những vết nám đen trông như hạt đậu nằm lỗ chỗ, rải rác hai bên má. Trán ông đầy những nếp nhăn vắt ngang, chúng hằn thành rãnh sâu chạy dài đến tận chân tóc.Trông ông già hơn cái tuổi sáu mươi tám trong giấy tờ của mình rất nhiều.Ông dẫn chúng tôi vào phòng khách. Căn phòng bày biện khá lộn xộn. Quần áo vất đây đó trên ghế. Sách báo nằm rải rác trên sàn nhà. Trên chiếc bàn duy nhất nằm ở giữa phòng đặt một chiếc tivi nhỏ, kiểu dáng cũ kỹ như thể nó được sản xuất ra từ thời thuộc địa. Một ít thức ăn thừa từ bữa trước còn vương vãi lại trên mặt bàn. Vài vỏ lon bia Budweiser bị bóp dẹp. Mấy chiếc ly thủy tinh dùng để đựng nước uống. Gần bên bếp nấu còn có chiếc tủ lạnh to tướng đứng choáng hết cả một góc phòng. Với chiếc tủ lạnh như thế, ông Phan có thể chứa thức ăn cho mình đến hết cả mùa đông. Phía trên bệ cửa sổ trồng hai chậu ớt cảnh. Loại ớt cho trái màu tím ngắt.

Đưa tay kéo ghế, ông nói như thể xin lỗi:

“Nhà bề bộn quá! Mời ngồi.”
Bà Joyce ném người xuống một chiếc ghế. Rồi hướng về phía ông Phan, bà thở hắt ra:
“Có một số giấy tờ cần ông ký lại.”
Nói xong, bà đưa tay mở chiếc cặp sách, lôi ra một tập hồ sơ.
Ông Phan rón rén ngồi xuống chiếc ghế đối diện, phía bên kia bàn.
“Đây, ông ký tên vào chỗ này.”
Bà Joyce vừa đưa ông cây bút bi vừa chỉ tay vào khoảng trống giữa những hàng chữ chi chít.
“Còn một tờ nữa… Thế là xong xuôi! Các khoảng trợ cấp đã thay đổi so với tháng trước vì chỉ còn một mình ông. Thẻ khám bệnh vẫn giống như cũ. Mỗi năm một lần cũng vào tháng này, chúng tôi sẽ gửi thư mời ông đến văn phòng xã hội để bổ sung lại hồ sơ. Ông nhớ đến đấy! Nếu thấy trong người không ổn, ông phải đi khám bác sĩ. Ông sẽ không phải trả thêm bất cứ xu teng nào cho các dịch vụ y tế. Nếu phòng khám đòi thêm tiền, ông hãy gọi điện thoại báo cho chúng tôi biết.” Bà Joyce nhắc.
“Tôi hiểu. Cảm ơn!” Ông Phan đáp rụt rè.
“Ông có yêu cầu gì không?” Bà hỏi thêm.
“Không! Không yêu cầu gì!...” Ông Phan trả lời ngơ ngác.
Bà Joyce thu dọn lại mọi thứ giấy tờ trên bàn cho vào chiếc cặp sách. Xong, bà đứng lên.
“Cậu là người Sài Gòn à?” Ông Phan đột nhiên hỏi tôi.
“Dạ không! Cháu quê ở ngoài trung.”
“Thế à!”
Thấy chúng tôi còn muốn nói chuyện, bà Joyce xin phép trở lại văn phòng làm việc.Tôi đưa bà ra cửa. Lúc tôi quay lại, ông Phan đề nghị:
“Ta uống một chút trà nhé?”
Rồi không đợi tôi trả lời, ông lăn xăn bắt ấm nước lên chiếc bếp gas.

Tôi ngồi nhìn bâng quơ vào những tấm ảnh gia đình treo rải rác trên tường. Có một tấm hình màu khổ lớn, chụp ông Phan xúng xính trong bộ vét tông đen ngồi bên cạnh một người đàn bà mặc bộ áo dài bằng nhung màu xanh nhạt. Khuôn mặt người đàn bà hiền lành, có một chút lo âu xen lẫn niềm mãn nguyện đến nhút nhát. Đứng phía sau họ là đôi trai gái mặt mày rạng rỡ. Cả hai vận cùng áo dài màu đỏ với đủ thứ họa tiết lòe loẹt, thứ y phục cổ truyền bị cách tân theo thị hiếu hiện đại chỉ xuất hiện trong những dịp cưới hỏi hoặc vào những ngày lễ hay tết cổ truyền. Một thứ thời trang mang chút hơi hướm của lối sống khoe khoang, trưởng giả thời thượng. Người thanh niên trong ảnh nhìn hơi quen, hình như tôi đã gặp anh ở đâu đó…
“Đây là hình chụp nhà ta hả bác?” Tôi mở lời.
“Hả?...”
Tôi lập lại câu hỏi. Nghe xong, ông không trả lời, chỉ gật đầu. Tôi có cảm giác ông hơi lãng tai.
“Thế bác gái đâu rồi bác?”
“Nhà tôi à?... Mất rồi! Hôm nay vừa đúng một tháng...”
“Cháu xin lỗi!”
“Không sao. Ai rồi cũng chết mà!”
“Còn anh chị đây?...”
“À! Đó là con trai tôi và vợ nó. Hình chụp hôm đám cưới…”
“Anh ấy đang sống ở Việt Nam hả bác?”
“Nó à? Không. Nó ở đây…. nhưng chết rồi! Chết một năm trước.”

Tôi nhìn ông bối rối. Tôi vừa hỏi thăm hai người thân của ông thì cả hai đều đã không còn. Ông không nói gì thêm, lọ mọ pha trà, xong lại ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Khuôn mặt ông trông ủ ê mệt mỏi như người vừa mới qua một trận ốm nặng. Mắt cứ nhìn đăm đắm vào khoảng tường trống vắng trước mặt. Đôi mắt có chút ngấn nước, mờ đục. Không gian chùng lại, im ắng. Tôi ngồi đối diện với ông mà bỗng như vô hình, tan biến vào đâu đó trong khoảng không gian chật hẹp của gian phòng. Ông cứ ngồi mân mê cái ly trà nóng ấm giữa hai lòng bàn tay như thể nếu rời nó ra ông sẽ không biết phải làm gì với đôi tay trơ trọi của mình. Mãi một lúc sau, ông mới nhận biết có sự hiện hữu của tôi trong căn phòng. Ông đưa ly trà lên môi, nhấp một ngụm. Tiếng nói lào thào như cơn gió thoảng qua:

“Chuyện dài lắm cháu…”

Ông bắt đầu kể. Giọng nghe đều đều nhạt nhẽo như đọc lại một câu chuyện đã cũ. Ông nói chuyện mình mà tôi cứ tưởng là ông đang nói về ai đó, một cuộc đời nào khác.

Vợ chồng ông qua Mỹ năm 1975. Lúc đó ông chỉ hơn ba mươi, lứa tuổi đã chín chắn và mạnh mẽ nhất của đàn ông. Nhưng khi rũ bỏ áo lính để làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng ở xứ người, ông cảm thấy mình bỗng trở thành kẻ lỡ thầy lỡ thợ. Ông rơi vào một cơn sốc, hụt hẫng như kẻ bị đày ải. Ông phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống; từ công việc lau chùi trong khách sạn đến việc đi cắt cỏ thuê, làm vườn cho các nhà giàu có ở khu Lincolnwood, rồi xin phụ bếp và rửa chén ở các nhà hàng ăn uống. Miếng cơm ông nuốt vào miệng trong những ngày đầu ở xứ người thấm đẫm những giọt nước mắt tủi nhục.

Thời thế đổi thay đã biến ông từ một người đang có quyền hành trong tay bỗng chốc trở thành kẻ tha phương cầu thực. Nếu được chọn lựa để làm lại từ đầu, ông sẽ làm khác đi. Không biết bao lần ông đã rớt nước mắt, tự nguyền rủa chính bản thân mình kể từ cái ngày vợ chồng ông quyết định dắt díu nhau chen chân bước lên tàu di tản. Ngày ấy, ông chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải ra đi. Nếu ở lại, ông sợ bị trả thù, sợ bị giết. Ông chưa có một chút ý niệm nào về nơi mình sẽ tới, về cuộc sống của mình sẽ ra sao ngày sau. Mãi tới khi đặt chân đến Mỹ, ông mới thấm thía nỗi buồn của kẻ làm thân viễn xứ. Cũng từ ngày ấy, ông chợt hiểu ra rằng được sống ngay chính trên quê hương mình là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời người. Người ta nói gì ông mặc kệ. Cuộc sống ở xứ này ông coi như cõi tạm. Ông như con ốc co mình trong chiếc vỏ vốn có từ lúc sinh ra đời. Tiếng Anh ông xem như thứ ngôn ngữ ngoại chủng, không thèm học. Ông cứ sống trong hào quang xưa cũ, chìm đắm vào quá khứ của một thời vàng son như một cách để tự an ủi, xoa dịu những ê chề khổ ải trong hiện tại. Càng ngày ông càng xa lạ và ngơ ngác trước hiện thực, dù là thứ hiện thực ông phải trả bằng mồ hôi và nước mắt để được tồn tại. Đến cả cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt cho cũng bị người ta kêu khác đi, ông không buồn đính chính. Ông tập sống chung với nỗi phiền muộn và cũng đánh mất luôn cả cái tôi vốn có của bản thân mình từ đó. Khi nhìn cảnh người vợ yếu đuối và cũng ngơ ngác giống như ông, cùng với đứa con vừa mới chào đời, bao nhiêu ý nghĩ yếm thế trong ông chợt tan biến. Họ chính là sợi dây ràng buộc để ông đương đầu với hiện tại. Đứa con trai là mầm sống duy nhất tiếp nối hình ảnh của ông mà vợ ông gần đến bốn mươi tuổi mới sinh ra được. Ông chăm bẵm nó từng ngày, dạy dỗ rất khe khắt. Ông hun đúc tâm hồn nó bằng ước mơ lẫn thất bại và cả nỗi sợ hãi của chính cuộc đời mình.

Mỉa mai thay, ông đã vì họ mà sống thế mà họ lại chết đi bỏ ông một mình bơ vơ, trơ trọi trên cõi đời này.

Vợ ông, người đàn bà hiền từ và bao dung đúng mực. Bà đã âm thầm chịu đựng đức ông chồng càng lúc càng trái tính trái nết của mình, như một thói quen hơn là một đức tính hy sinh to lớn. Bà sống như một chiếc bóng lầm lũi, ngơ ngác đi bên ông cho đến tận ngày xuôi tay nhắm mắt. Suốt trong những năm tháng chung sống với ông, bà chưa một lần lớn tiếng cãi lại chồng mình. Tất cả mọi an ủi bà đều dành cho đứa con trai. Bà gần như suy sụp hẳn sau cái chết của đứa con mà bà yêu hơn mạng sống của mình.

Thằng con độc nhất của ông bà, không hiểu nó cảm nhận thế nào về tình yêu thương của hai đấng sinh thành. Nhưng rõ ràng nó là đứa trẻ rất sáng dạ. Bằng chứng là nó tốt nghiệp đại học khi mới bước sang sinh nhật lần thứ hăm mốt. Với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong tay, nó không mấy khó khăn lắm để tìm một công việc thích hợp cho mình. Ai cũng nghĩ một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt nó.

Nhưng cuộc đời của con người ta không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thẳng tắp như những con đường. Thằng con ông cũng không ngoại lệ. Nó gặp phải một thứ rối rắm khác.

Hồi mới ra trường, nó quen một con bé bạn học, dân Mỹ trắng. Hai đứa quấn quýt lắm, đã thuê nhà sống chung. Vợ chồng ông những tưởng chúng nó sẽ cưới nhau. Rồi bỗng nhiên chúng gây lộn. Ông cũng không biết chúng gây vì chuyện gì nữa. Con nhỏ xách va li bỏ đi, nhẹ nhàng như người ta bước ra khỏi căn phòng trọ sau một dịp nghỉ phép.

Cũng lạ cho cái xứ này! Chia tay rồi nhưng tụi nó cứ gặp mặt như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lâu lâu lại hẹn nhau đi ăn tối. Mẹ nó khuyên nên tìm vợ Việt. Mình là dân da vàng mũi tẹt lấy vợ Mỹ trắng, văn hóa khác biệt khó sống hạnh phúc.

Một hôm, thằng con bảo ông rằng nó sẽ về Việt Nam lấy vợ. Ông tưởng nó nói đùa. Qua lời giới thiệu của bạn bè, chỉ hai tuần về Sài gòn nó đã cưới được vợ. Con nhỏ đến là xinh. Ai cũng bảo chúng đẹp đôi. Rồi một năm sau, vợ nó sang. Ông bà cứ thấp thỏm chờ ngày có cháu để ẵm bồng, để được lên chức ông chức bà như người ta. Chờ mãi chẳng thấy con dâu đẻ đái gì cả. Vợ ông đâm sốt ruột. Bà cứ nói gần nói xa nhắc đứa con trai. Mười lần như chục, vợ chồng nó cứ lắc đầu bảo chưa muốn có em bé.

Khoảng sau hơn một năm chung sống, chúng lại bắt đầu hục hặc nhau vì tính nết và lối sống không hợp. Con nhỏ bảo thằng chồng có lối sống quá Việt, gia trưởng đến bảo thủ. Thằng nọ nói con vợ học đòi cách sống Mỹ, không giữ gìn truyền thống. Vợ chồng ông cố khuyên răn, giảng hòa cũng không xong. Chúng cãi nhau đến hầu như cơm bữa.

Thằng con tính tình nóng nảy hệt như ông. Trong một lần không kềm chế được cơn giận, nó bộp con nhỏ một bạt tai. Con vợ gọi cảnh sát. Thế là nó bị tống vào tù cả tuần lễ vì tội bạo hành người khác. Chuyện phải nhờ đến mấy tay thầy cãi. Sau bận ấy, con dâu ông bỏ đi. Thằng con ông cũng mất luôn cả việc làm.

Cũng từ dạo đó tính tình nó biến đổi…

Bản tin truyền hình ngày ấy còn cho biết, người đàn ông treo cổ tự vẫn không mang bất cứ một thứ giấy tờ tùy thân nào trong người. Tại hiện trường, cảnh sát chỉ tìm thấy được vỏn vẹn một mảnh giấy viết tay mà ý nghĩa của nó đến tận bây giờ vẫn còn gây ít nhiều thắc mắc trong dư luận: “ I am nobody!”

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
24/03/201203:46:47
Khách
Một người cha gia tưởng sinh ra một dứa con trai cũng là một bản sao rất giống cha. Đây là hình ảnh rất tiêu biểu của người đàn ông ở Việt Nam hồi thế kỷ trước! Cuộc sống bây giờ đã thay đổi rồi nhất là tai Mỹ nếu không thích nghi được thì phải bị tự "đào thải" thôi. Một bài viết hay để mọi người cần suy nghĩ.
17/03/201215:37:27
Khách
Chuyen nay co that khong? Neu co, thi cau trai trong truyen nay qua yeu duoi. Co le dong chu " I am nobody" anh ta de lai , la loi noi day nghien " You are nobody" cua con vo chan dai nguoi Viet chang? Khong co vo nay thi lay vo khac, chang viec gi phai chet vi mot nguoi dan ba ca!
Dang thuong cho ong gia, phai song ham hiu mot minh ma thoi !
17/03/201215:36:20
Khách
Truyện lạ quá! Nguyễn văn là ai thế? Toà soạn có thể giới thiệu chút tiểu sử của ông không?
18/03/201211:42:55
Khách
Nguyễn Văn là ai thế? Toà soạn có thể nói đôi nét về tác giả không? Có lẽ đây là một trong số ít truyện ngắn hay mà tôi đọc gần đây. Cảm ỏn tác giả.
17/03/201223:51:02
Khách
truyen hay!
17/03/201216:20:31
Khách
Cả cốt truyện và cách hành văn đều rất hay. Cảm ơn tác giả.
17/03/201216:01:15
Khách
Đọc truyện cứ ngậm ngùi sao ấy. Còn nhiều những cảnh đời li hương bất hạnh chung quanh mình. Cảm ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,344,521
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa