Hôm nay,  

Bốn Anh Con Lai Ăn Tết Mỹ

23/01/201100:00:00(Xem: 140883)
Bốn Anh Con Lai Ăn Tết Mỹ

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3101-28401 vb8012311
(trích Việt Báo Tết Tân Mão, 2011)

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể về cuộc đời của anh, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả tại cuộc họp mặt 10 năm Viết Về Nước Mỹ 2000-2010. Hiện Nguyễn Thơ Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố. Bài viết của anh là chuyện Tết thời đầu ở nươc Mỹ. Bốn chàng trai trẻ, ba anh lai Mỹ một anh lai tầu, sôi nổi chuyện tết. Và bàn chuyện “con mèo mà trèo cây cau”...

***

Trong số mười hai con giáp của ta, tôi thấy con mèo của người Việt khiến cho hệ thống tính lịch của người Giao Chỉ mình độc lập hẳn với hệ thống tính niên lịch của người Hoa. Ta có con mèo. Nhất định thế. Không thể khác đi được. Trải qua bao nhiêu năm bị Bắc thuộc lấn lướt, văn hóa Việt ta vẫn tồn tại như một đỉnh núi đá sừng sững. Vì vậy với ông cha ta có một năm là mèo (tiểu hổ) chứ không thể nào là thỏ được.
Năm nay tết Tân Mão, tôi nhớ đến câu chuyện con mèo, vì nó là một câu chuyện ít nhiều gắn bó với kinh nghiệm của những ngày đầu tiên tôi bỡ ngỡ, chân ướt chân ráo đến xứ xở tự do này. Hẳn là các vị tiền bối cũng như các người thuộc thế hệ tôi, và một số đông các bạn trẻ, câu ca dao về chú chuột và chú mèo là một câu chuyện ngụ ngôn bằng thơ đầy ý nghĩa:

Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột, đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối, giỗ cha chú mèo.

Mới đó mà tôi đã đến Hoa Kỳ được mười tám năm rồi. Hồi mới đến Mỹ, tôi không có nhiều bạn như ở Việt Nam, và phần vì nhớ nhà, thành ra gặp ai tôi cũng làm quen. Nhờ vậy được gặp gỡ mấy anh bạn kề cà bên đĩa gỏi gà, nhâm nhi cùng mấy lon bia (loại rẻ tiền). Nhân đầu năm tết con mèo, tôi viết những dòng cảm xúc chia sẻ cùng các bạn về những ngày đầu mới đến xứ sở này. Hồi đó bốn thằng đực rựa bọn tôi được Hội Bảo Trợ thuê cho một căn phòng ở Silver Spring, Tiểu bang Maryland. Nói là ở như vậy cho nó nhẹ tiền. Một hôm tôi ngồi nhìn ra cánh rừng mùa đông trước mặt. Tôi ngồi thừ, thẫn thờ. Hồi mới đến Mỹ, tôi trộm đoán ai cũng vậy. Gặp mấy người có chút máu thơ phú như tôi, tình hình xem ra càng tệ hơn rất nhiều.
-Nè, nhìn chi nhìn dữ vậy, anh Sinh. Rừng toàn là cây khô không chứ có gì đâu mà nhìn.
Thằng bạn Lai trắng tên Minh nhìn tôi. Nó thua tôi một tuổi, vậy mà nói chuyện lễ phép. Lúc nào cũng kêu tôi bằng anh. Trên tay nó là lon bia rẻ tiền.
Tôi uể oải đáp, giọng đầy vẻ hồi tưởng. Quả thực lúc đó tâm hồn tôi đang chan chứa những tâm sự dĩ vãng xa xôi. Tôi nhớ đến mẹ ở quê nhà
-Nhìn thấy rừng cây khô nhiều quá trời. Phải chi ở Việt Nam, tha hồ đốn củi cho mẹ tao nấu cơm. Chứ ở nhà mẹ tao chụm bằng trấu với lá cao su, lá tre, mắt mẹ tao kèm nhèm, tội nghiệp bả, nhứt là mấy bữa trời mưa. Nấu được bữa cơm trần ai, khoai củ luôn...
- Ờ. Củi nhiều vậy, tha hồ nấu bánh chưng. Thằng Tuấn chen vô.
- Sạo cái miệng mày nghen. Nhà mày nghèo rớt mồng tơi. Nếp, thịt, đậu... đâu ra để gói bánh chưng. Bày đặt nói tới chuyện củi lửa... Thằng Quyền người Việt gốc Hoa, mập chù ụ, vợ nó lai đen. Vừa đưa nhau qua Mỹ chưa kịp xong thời gian huấn luyện xai-cồ (cycle) đã lo làm giấy tách-phôm (split form) li dị. Coi như rã gánh. Thằng này ngó bộ chỉ muốn đi Mỹ nên lấy con người ta. Qua cầu xong là rút ván. Thiệt tệ. Mà thây kệ thằng này. Con vợ nó cũng chẳng phải đứa hiền lành tử tế gì. Gặp đàn ông con trai hai con mắt sáng rỡ, ăn nói đẩy đưa. Đàn bà con gái có chồng rồi, như vậy đâu ai coi được. Vậy mới biết chuyện ở đời, lúc nào cá ăn kiến; lúc nào kiến ăn cá; phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận.
Tôi nghe thằng Quyền nói chuyện bằng cái giọng trịch thượng mà thấy bực. Nhưng mà nói vậy thôi, kể ra cái thằng Tàu lai này cũng tốt bụng lắm. Nó có bà cô ở Chicago (qua Mỹ hồi trước năm 1975) gởi tiền qua cho xài tạm, chờ khi nào có đủ giấy tờ (thẻ xanh và sô-kiu-ri-ty) sẽ dông về chỗ bà cô. Lon bia thằng Tuấn đang uống cũng là tiền của nó bỏ ra. Thôi thì cái miệng nó bạc bẽo mà cái bụng nó không bạc, vậy cũng đáng chơi. Còn như mấy thằng miệng nói chuyện lịch sự, văn vẻ ngọt ngào, cái bụng chứa đầy một bồ dao găm, thứ đó không thể nào chơi được.
-Thì tao nói vậy đó. Thằng Tuấn cãi lại, giọng nó hậm hực. Nó với thằng Quyền mập lúc nào cũng xung khắc. Mở miệng ra là gây. Nhà tao nghèo thì nghèo thiệt, nhưng tết năm nào cũng có gói bánh chưng à nghen...
-Nhà mày chắc gói được hai cặp bánh là cùng... Tốn hết bao nhiêu củi mà dữ vậy. Thằng Quyền vẫn nhây nhây cái giọng dạy đời.
-Thôi. Tụi bay cãi hoài chi ba cái chuyện đó. Tôi buộc phải thày lay chen vô. Củi nhiều thì nấu cái gì cũng được, nấu bánh chưng, nấu cơm, nấu cám, nấu rượu... Cái gì nấu cũng được mà. Mắc gì tụi bay cãi rùm trời lên...
Thường là vậy, mỗi lần tụi thằng Tuấn, thằng Quyền, với thằng Minh trong nhà mà có chuyện, tôi phải nhảy vô. Nhà có bốn thằng đực rựa, ba thằng lai Mỹ, một thằng lai Tàu; trong nhà chỉ có khí dương, không có khí âm. Thành ra mỗi lần có chút chất hơi men vô, y như rằng tụi này không cãi vã, lớn tiếng, cái miệng tụi nó ngứa, lạt lẽo không chịu được.
-Anh Sinh nè, - Thằng Minh, một thằng lai đen, cặp môi nó dày cui, dòm như bị ong châm sưng chù vù, hỏi tôi. Vậy chứ tết năm nay mấy anh em mình có gói bánh chưng, hay bánh tét gì hôn anh"
-Bánh người ta gói sẵn, bán ê hề ngoài chợ rẻ rề. Gói chi cho mệt. Thiệt khùng. Vẫn là giọng thằng Quyền chen vô. Nó còn nhay giọng. Thiệt là cái thằng, đầu óc hổng sáng sủa gì hết ráo. Đầu mày chẻ ra chắc óc lớn cỡ bằng trái ổi.
-Tao hổng có óc mà tao sống được sau khi ông ngoại tao mất. Hổng cần ai nuôi. Còn mày có óc, vậy chứ lúc nào nói chuyện cũng than van, kể lể như đàn bà... Hả nói chuyện là xin tiền... Có óc nhiều như mày, tao thà có óc lớn bằng chái ổi.
-Ha ha ha. Thằng Tuấn cười ha hả, tiếng cười sảng khoái gần như đổ dầu vào lửa.
-Thôi. Tụi bay mỗi đứa im đi. Một câu nhịn, chín câu lành. Bộ hổng gây lộn, tụi bay ăn cơm hổng vô hay sao chớ. Tôi lại phải nhảy vào cuộc.
Tết năm đó tụi tôi không gói bánh chưng. Thằng Minh tiếc hùi hụi luôn. Rồi nó kể lại là hồi nhỏ ông ngoại nó lúc còn sống gói bánh chưng cho người ta. Loại bánh nhỏ, mỗi chiuều dài cỡ một tấc, bán dạo ở bến xe. Nó ngồi nhìn ông ngoại gói bánh hoài, riết quen. Nó nói nó còn được ông ngoại cho gói thử. Thấy bánh của nó gói đẹp, ông ngoại xếp luôn vào mớ bánh ông gói giao cho người ta. Nghe thằng Minh nói chuyện, tôi thấy thương nó quá trời. Không biết nói sao cho thấu tình cảm tôi giành cho nó. Tôi nghĩ trong đầu: Ở Việt Nam, nghèo đến nỗi không có việc gì làm; phải đi gói bánh chưng thuê cho người ta. Bánh đem giao, đâu có được ăn. Qua tới Mỹ, không phải vì nghèo, mà vì đời sống dư giả, cuối cùng cái thú của nó là được gói bánh đã bị tước đoạt. Tôi phải an ủi nó:
-Minh à. Bên này làm gì có lá chuối mà gói bánh chưng hay bánh tét. Bộ chứ mày hổng thấy người ta bán bánh chưng gói giấy bạc sao" Tôi xoa dịu thằng bạn lai đen. Nhìn thằng bạn thua tôi một tuổi nhưng rất lễ phép, tôi thấy bùi ngùi. Chắc là nó không có nhiều anh em.
-Thì mình cũng gói bằng giấy bạc. Sợ gì chứ. Để em gói, ăn hổng ngon, hổng lấy tiền... Nó mỉm cười. Nhưng vẫn có chút hậm hực trong câu nói của một thằng lai bị người ta kỳ đà cản mũi.
-Nhưng mà nồi niêu không có, lấy bếp ga mà hầm bánh thì chịu gì thấu. Còn chuyện cây củi ngoài kia, ai cho mình đốn chứ... Nấu ngoài trời thì không được. Phú-lít (police) bắt chết. Mà nấu trong nhà thì bất tiện... Mấy thằng mình trong nhà ăn giỏi lắm bất quá chừng mấy cái là chán, gói chi cho lắt nhắt, mệt... Nói vậy nghe đúng hôn.
Nghe tôi nói chuyện, thằng bạn lai đen làm thinh. Có thể nó phục tôi bên ngoài, nhưng trong bụng vẫn ngấm ngầm manh nha những liên tưởng xa xôi. Tôi đọc thấy trong ánh mắt nó những ngứa ngáy muốn được trổ nghề gói bánh.
Cũng tết năm đó, người qua Mỹ trước tặng bốn anh em tôi một cái máy cassette cũ. Thời đó chưa có CD nhạc như bây giờ. Cái máy đó là một món quà thật có ý nghĩa. Thằng Quyền đi chợ thấy người ta bán băng cassette của Tuấn Vũ hát nhạc Xuân. Nó mua về một cái. Đêm đó phòng tắt đèn, bốn thằng nằm ngoài phòng khách nghe nhạc. Trời lạnh. Gần tết. Nhớ nhà muốn khùng luôn. Lát sau băng quay hết một mặt. Máy nhảy cái tạch một tiếng. Không gian sau đó im bặt. Tụi tôi bỗng nghe tiếng sụt sịt của thằng Tuấn. Thì ra khi nghe Tuấn Vũ hát bài Xuân Này Con Không Về, thằng này nhớ mẹ chịu không thấu, nên bật khóc.

Lòng tôi ngậm ngùi hẳn lại. Nước mắt cũng muốn trào ra theo. Cuộc đời là bể khổ. Những mảnh đời của kẻ lưu lạc sinh chẳng bao giờ được trọn vẹn. Bao giờ cũng bủn mủn, chắp vá bởi một thứ nợ đồng lần vô hình và lưu cữu. Im lặng chùng xuống. Bài hát như sợi chỉ mảnh mai, nhưng có thể xuyên thấu qua những hạt đá tâm sự, kéo bốn thằng đực rựa tụi tôi lại với nhau.
Thằng Quyền lần này im bặt chứ không ồn ào rổn rảng như mọi khi. Có lẽ nó nhớ bà mẹ ở quê nhà. Con người mà. Đâu phải từ lỗ nẻ chui lên. Công lao người mẹ của mình vất vả nhọc nhằn, ẵm ru, bú mớm. Làm con mà ngày tết không nhớ mẹ, nhớ mẹ, điều đó tôi không thể hình dung được. Làm người, ngày tết, còn cha mẹ mà không nhớ, tôi cho đó sẽ là một mất mát tổn thất lớn lao không gì so sánh được. Người không nhớ mẹ, nhớ cha trong những ngày đầu năm thì có khác nào "gia sản tinh thần" của họ đã hoàn toàn khánh kiệt. 
-Hồi chiều đi chợ em quên mua nhang...
Thằng Minh bỗng cất tiếng. Trong bóng đêm, lời nó nói nghe thật chân thành, càng khiến lòng tôi thêm phần quặn thắt. Cái thằng da đen thui, vậy mà tâm hồn nó hiền lành, thuần khiết. Hồi nhỏ, nhìn thấy nước da đen như than của mấy người Mỹ đen như nó, tôi nghĩ chỉ cần họ nhảy xuống hồ tắm một lát, nước đen thui như có ai đổ mực tàu vô. Vậy mà tấm lòng cái thằng thiệt hồn hậu chân thuần. Nó nhắc chuyện mua nhang bỗng nhắc nhở anh em tụi tôi đừng bao giờ quên cội, quên nguồn.
Nghe thằng Minh nói chuyện mua nhang, thằng Tuấn ngứa miệng, chen vô: 
-Ê Minh. Vậy chứ mày có biết xếp một mâm trái cây như hồi mấy ngày tết ở Việt Nam trong chùa người ta vẫn hay xếp, hôn" Thằng Tuấn lên tiếng. Hình như nó nghĩ đến chuyện phải làm một cái gì đó cho ngày lễ cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.
-Tao biết xếp. Tao làm được. Thằng Quyền chen vô. Giọng nó vẫn vậy. Nghe lấc cấc như giọng đàn anh, nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy lần này nó nói chuyện có phần dễ nghe hơn.
Tối hôm đó, lần đầu tiên bốn thằng độc thân nói chuyện ăn tết. Đèn vẫn để tối, ánh sáng đèn đường mờ mờ phía bên ngoài hắt vô đủ để tôi nhìn thấy thằng Minh mở tủ lạnh lấy ra bốn lon bia. Tiếng khui lon bia nghe lớn hơn bình thường. Nó mời tôi, mời thằng Tuấn, rồi mới mời thằng Quyền uống. Trong đêm, anh em tôi vừa nhâm nhi bia suông, vừa nói những câu chuyện xoay quanh ngày tết. Thằng Minh một lát sau nói tiếp:
-Ngoại em mất mùng ba tết năm Đinh Mão. Nếu được, năm nay em làm cơm giỗ ngoại, mấy anh ủng hộ em nghen.
Nghe giọng nói chân thành của thằng Minh, tôi càng xúc động nhiều hơn nữa. Thú thật, câu nói của thằng Minh khiến tôi hổ thẹn. Vì tôi đã từng nghĩ về nó như thằng Quyền nghĩ về thằng Tuấn hồi chiều: Thứ này, đầu óc kém cỏi, chỉ là loại tầm thường, biết gì mà nói chứ. Nó có oang oác cái miệng, chắc cũng chỉ vì bia rượu thôi.
Sàng tới sàng lui, câu chuyện xoay quanh câu ca dao ban đầu tôi đã nhắc qua với các bạn:

Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột, đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối, giỗ cha chú mèo.

Trong tủ lạnh còn đủ bia cho mỗi thằng làm ba lon. Tôi đã có phần ngà ngà nên bày chuyện thơ phú. Vì vậy câu ca dao truyện ngụ ngôn đó mới xuất hiện trong bối cảnh của ngày giỗ ông ngoại thằng Minh. Tuấn khơi chuyện:
-Thú vật coi vậy chứ cũng là loại có nghĩa có tình. Con người nhiều lúc hổng được như vậy, họ rất nên nhìn loài vật ứng xử để rồi bắt chước. Thằng Tuấn lên tiếng, giọt nó bữa nay bất ưng thật khó hiểu.
-Thì như con chuột với con mèo đó, đó hai loài là thù hận nhau truyền kiếp, vậy mà con chuột sống rất có nghĩa có tình với con mèo. Thấy hôn. Giỗ cha con mèo, nó đi chợ mua đồ làm đám giỗ. Đó là lời giải thích của thằng Tuấn.
-Thì nghĩa tử là nghĩa tận. Cách tôi giải thích nghe có phần văn vẻ lý sự hơn. Con người một khi chết đi, thì đâu còn ai để bụng mấy chuyện tư thù này khác.
Thằng Quyền nghĩ ngợi một lúc rồi cất tiếng:
-Mấy cha khờ quá đi hà. Thiệt không thể hiểu nổi. Con chuột nó nói nó đi chợ mua mắm mua muối giỗ cha con mèo là nó chửi trên đầu trên cổ con mèo đó. Mua đồ làm đám giỗ phải mua thịt, mua cá, mua rau, chứ ai mua mắm mua muối bao giờ... Con chuột là thứ láo tôm láo cá, giả dạng hiền lương, nhân từ tốt bụng, thực ra nó chơi trèo, ngồi trên đầu, trên cổ người ta. Có vậy mà mấy ông cũng không biết nữa.
-Vậy chứ con chuột là người xấu hay người tốt vậy, anh Sinh" Thằng Minh chợt hỏi. Nó có vẻ hứng thú với câu chuyện, nhưng nó bối rối không biết tin theo ai.
-Thì con chuột phải là người tốt chứ. Con chuột có tâm hồn cao cả... Khi đối diện với người chết là cha con mèo, nó đã nghĩ người còn sống nên hiếu hòa, gạt mọi chuyện khác qua một bên... 
Tôi cố gắng nói để lay chuyển suy nghĩ của thằng Minh.
-Thì mấy ông muốn nghĩ sao thì nghĩ. Theo tôi, con chuột chửi đổng ông cha của con mèo thôi. Tử tế gì thứ nó.
Câu chuyện càng nói càng đi vào ngõ cụt, bất phân thắng bại, không thể ngã ngũ. Quyền một mình một phe. Cái họng ông ổng, tôi với thằng Tuấn cãi không lại. Có lẽ ngay cả chuột với mèo mà có trò truyện với nhau, như trong nhiều hình ảnh vui vui tôi thường thấy, chắc chúng cũng không căng thẳng bằng bốn anh em chúng tôi hôm ấy.

*
Thời gian trôi đi...
Tôi nghe người quen nói Quyền đã có vợ mới. Tin cuối cùng tôi biết hắn làm ở một công ty chế biến thịt gà của Tyson. Nghe đâu lên làm cai, càng ngày càng béo hơn. Sinh ra được thằng con trai thì bị bệnh si khờ (down syndrome). Còn Tuấn thì sau này dính vào một băng đảng có trang bị vũ khí. Rồi vào khám vì có dính dáng đến một vụ cướp và buôn thuốc phiện. Sau đó nó biến mất. Sống chết ra sao không rõ nữa.
Hồi đó tôi muốn nhận Tuấn làm em kết nghĩa để bảo bọc hướng dẫn cho nó. Nhưng Tuấn là một con ngựa hoang. Để nuôi được nó người ta cần đến cả một thảo nguyên mênh mông để nó tha hồ chạy nhảy. Ngựa mà. Đâu phải gà đâu mà biểu nuôi trong chuồng là được. Vì vậy nó đã không thể ở lại được.
-Xin lỗi anh nghen anh Sinh. Bản tánh em là vậy. Ngang tàng lắm. Cảm ơn anh lúc nào cũng dặn dò em sống làm người tốt. Em sẽ cố gắng. Sẽ cẩn thận với trường đời nhiều hơn nữa. Nhưng em không thể làm việc cần cù, bấm thẻ như anh được...
Nói xong câu ấy, Tuấn lặng lẽ thu gom mớ đồ ít ỏi nhồi vào một cái va-li cũ lượm được ngoài thùng rác. Tôi đưa Tuấn 100 USD. Tuấn nhứt định không chịu lấy. Khăng khăng. Cái đầu lắc nguầy nguậy. Hai con mắt nó đỏ sọc. Cuối cùng tôi ép hoài, Thằng Tuấn mới chịu lấy nguyên cây thuốc lá hiệu Montclair (loại thuốc lá rẻ tiền anh em tôi hút hồi đó).
Có lần đi Minesota, tôi gặp lại nó. Ông nội ơi. Trái đất không vuông. Cái thằng tưởng chết bờ chết bụi, ai dè "dớc" được một cô vợ người Mã-Lai-Á. Có nhà hàng bán thức ăn Tàu. Thiệt không ngờ. Nó ôm tôi chặt cứng: Thiệt hổng ngờ, em còn gặp lại được anh.
Minh vẫn độc thân. Đó là tin tôi nghe lâu lắm rồi. Có tin nói thằn Minh làm chủ mấy tiệm nail liền. Tiệm nào cũng lớn. Đồ sộ, sầm uất. Sống rất khá. Có thể những thông tin đã không còn chính xác nữa. Dù sao tôi vẫn tin nó sẽ thành công. Người hiền lành như nó, không thành công mới là chuyện lạ.
Bọn tôi gần như tán lạc sau những bôn ba của cuộc sống đời thường. Những mùa xuân sau này đi qua, lật từng trang, như thể cuốn sách số phận cuộc đời chẳng ai có quyền lựa chọn mình sẽ đọc (hay từ chối) nó. Những lần sau này nghe Tuấn Vũ hát Xuân Này Con Không Về, buồn thì có, nhưng không thấy nước mắt chảy dài xuống nữa.
Tôi không biết thằng Quyền vẫn còn nghĩ chú chuột trong câu ca dao là kẻ xấu hay nó đã thay đổi. Phần mình, tôi vẫn nghĩ chú chuột hôm xưa đã đối xử tốt với chú mèo. Tôi mong mỏi con người luôn xích lại gần nhau hơn. Sự chia sẻ. Ý nghĩa hàn gắn vết thương cuộc đời. Tình cảm con người. Đó là những giá trị cao đẹp, không có chúng, dù bất cứ ở đâu, tôi và bạn sẽ chẳng thể có được một cái tết an bình thật sự.
Mùa xuân là khởi điểm của lá cành, của cây cỏ, của vạn vật tự nhiên. Đó cũng là thời gian để chúng ta ôn lại, lần dở, đi tìm trong những tháng ngày cũ những hạt ngọc ân cần để xây dựng những tháng ngày tươi mới.
Nước Mỹ cũng như mùa xuân, với tôi, đó là sự đổi đời... Chuyện được gì và mất gì, tôi nghĩ cảm xúc của mỗi người cũng khó nói như chuyện chúng ta nghĩ về tấm lòng của chú chuột (xem chú ta là người xấu hay tốt). Riêng bản thân mình, tôi tin tưởng nơi lòng thành của chú chuột.
Ngoài sân, tôi hình dung ra những nụ cườm đang hé nở trên cây đào mặc dù tiết trời còn đang rất lạnh. Tết Tân Mão đang gần tới. Gió xuân đang thổi về miên man. Nhìn bọn trẻ ngồi chăm chú làm bài tập ở trường, tự nhiên tôi nhớ đến ánh mắt của bạn bè, của người thân ở Mỹ cũng như ở Việt Nam. Tôi nghĩ đến những tâm hồn biết tri ân cuộc sống. Và tôi nghĩ tiếp: Chỉ khi nào chúng ta biết trân quý cuộc đời này, tâm hồn chúng ta mới thấy rộn ràng những âm vang tiếng pháo trong ba ngày tết.

Nguyễn Thơ Sinh

Ý kiến bạn đọc
28/01/201116:49:15
Khách
Hay he^'t xa^?y
31/01/201108:42:00
Khách
mot tam long de thong nen co duoc mot cau truyen dep .
26/01/201113:33:51
Khách
Bai viet nao cua Nguyen Tho Sinh cung rat sau sac va co long nhan hau viet nhu ke truyen nen rat tu nhien. Viet van hay va co mot tam long cao quy . That dang khen .
25/01/201117:26:47
Khách
Nguyen Tho Sinh viet van rat hay, thay bai viet nao cua Nguyen Tho Sinh toi doc xong deu doc lai cho ong xa cung thuong thuc .
24/01/201118:12:57
Khách
Bai viet rat chan thanh & de thuong. Cau mong moi nguoi luon thuong yeu nhau.
25/01/201103:33:38
Khách
CAM ON BAI VIET CUA EM,RAT NHAN HAU VA HIEU THAO
THAN CHUC EM NOT NAM MOI "VAN SU NHU Y "
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,059,192
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến