Hôm nay,  

Cừu Đen, Hoàng Tử Thơ

29/05/201000:00:00(Xem: 101240)

Cừu Đen, Hoàng Tử Thơ

Tác giả: Thu Thuyền
Bài số 2905-28205-vb7052910

Nhà văn Thu-Thuyền sinh năm 1958 tại Sàigòn. Sau 1975, học Sư phạm, dạy tại Huỳnh Mẫn Đạt. Sống ở Pháp từ 1979. Sang Mỹ từ 1981, tốt nghiệp đại học tại Cincinnati Ohio. Hiện là cư dân Dallas, Texas. Bắt đầu viết từ 1998. Tác phẩm đã xuất bản: "Những Nhánh Sông Mất Biển" (tập truyện, Văn Mới, 2004). Ngày 20-3-2002, nhà văn góp cho Viết Về Nước Mỹ  hồi ký về  30 Tháng Tư 1975, "Chặng Đường Chông Gai Cuối" kể về Mẹ và cuộc di tản. Sau đây là bài viết thứ tư của cô, kể về kỷ niệm với người anh trai, từ Việt Nam tới Mỹ.

***
Anh Thơ và tôi lâu lâu rảnh, vẫn vào Skype tán gẫu. Thấy tôi ở Philippines chẳng làm gì ngoài việc nhà, anh bàn:
"Phí thời giờ quá, đến lúc quay lại Mỹ sẽ tiếc sao không đi đây đó. Hay là em về Việt nam một tuần" Tháng này anh cũng tính nghỉ hè ở Sàigòn, luôn tiện ghé thăm các chú, các bác ở Hà nội." 
“Đi cũng được nhưng... nhưng ai lo cơm nước, thức ăn Phi ngấy lắm, chồng con nuốt không vô."
"Trời ơi! Một tuần, mấy cha con nó không chết đâu!"
"Từ từ, để xem..."
Ba tuần sau, tôi có mặt ở Sàigòn!
 Bước ra cổng Tân Sơn Nhất, tôi sớn sác nhìn quanh. Chợt nghe giọng anh Thơ ơi ới từ bên phải. Tôi mừng quýnh, không ngờ vừa tới nơi đã gặp được anh quá dễ dàng. Anh đáp máy bay sớm hơn tôi một tiếng rưỡi, đến cùng với nhóm bạn. Cả bọn đem hành lý ra ngoài xong thì vừa kịp đón tôi. Lâu lắm tôi mới gặp lại anh. Anh thay đổi chút đỉnh, tóc thưa, dăm vét chân chim ở đuôi mắt. Da dẻ vẫn trắng trẻo thư sinh, vẫn nụ cười mỏng môi và bộ dạng lăng xăng như gà mái bị mất trứng. Anh tha về mấy thùng sách rặt những toán lý hoá, kỹ thuật... cho nhà dòng để các linh mục nghiên cứu. Hòm xiểng nặng như cùm làm anh phải đóng thêm bộn tiền cước cho hãng máy bay. Đã vậy lại lích kích kẹo bánh, quà cáp cho cô nhi viện ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc. Điểm này anh làm tội ngạc nhiên cực độ.
 Lúc nhỏ anh Hoàng Tử Thơ thuộc loại ham vui khét tiếng trong xóm Nhà Bò (còn gọi là dốc Đào Duy Từ) Đàlạt. Có lần anh lái xe đưa tôi đi thâu hụi. Gần về đến nhà, chỉ còn nửa cây thì anh lái lên lề, lủi vào gốc mai anh đào làm tôi chúi nhủi. Anh hoảng hồn de xe, đi được vài trăm thước, anh lại ủi lề lần nữa. Thế là tôi mất bình tĩnh, hét toáng: "Anh vừa mới phi xì ke phải không" Thôi không đi xe nữa. Thắng ngay lại!" Anh nhất quyết mọi sự ổn thỏa nhưng nhìn hai con mắt cá ươn của anh, tôi phát chết khiếp. Vậy mà tôi cũng ngồi yên cho anh chở vào tới sân nhà. Sao lúc ấy tôi ngu thế không biết"
 Anh Thơ đi chơi với bạn, được bao cà phê mười lần thì cũng phải trả lại một. Không có tiền túi, anh bèn "chà đồ nhôm". Một hôm tôi bắt gặp anh đang tom góp các cuốn băng nhạc, định đem đi phát mãi. Anh ỉ ôi làm tôi mủi lòng bỏ ý định mách lẻọ. Thoát nạn, anh vác thùng băng, hô biến! Đến hai ba giờ sáng, khi cửa nẻo đều khóa chặt và mọi người cùng say giấc nồng, tôi nghe ngoài cửa sổ vang lên: Cạch! cạch! Tôi mở bừng mắt, vểnh tai nghe ngóng. Cạch! Cạch! Thôi đúng rồi, Hoàng Tử Thơ đi chơi khuya không vào nhà được, phải cầu cứu em gái. Tôi chìa mỏ ra cửa sổ: "Chờ một tí!" Rồi khệnh khạng đi mở cửa cho anh vào. Hai mắt tôi lừ lừ nhìn anh. Chưa kịp mở miệng nhằn, anh đã mỏng môi cười rất tươi, dúi vào tay tôi cái bánh dừa nướng. Tôi thích mê nhưng bày đặt nhíu mày ra cái điều không muốn nhận của phi nghĩa. Anh biết ý, hề hề: "Bạn anh mua đó, thôi ăn đi!" Biết bạn anh là anh nào" Anh bạn hút xăng xe jeep của bố hay anh bạn bỏ nhầm tiền vào túi trong lúc bán cà phê phụ mẹ"
 Trong nhóm bạn, anh Thơ là một ngôi sao sáng. Vào trường, anh còn sáng rực rỡ hơn. Cả trường ai cũng biết danh anh qua xì căng đan 1972. Ban giám học đưa anh ra hội đồng kỷ luật vì lén chép đề bài thi cho bạn bè cùng học. Bằng chứng là bạn anh bị bắt gặp trong giờ thi, đang lui cui quay cóp, khai tuột tên Hoàng Tử Thơ ra. Cả đám cùng hưởng đề thi, chỉ có một nhân vật lười đặc biệt đến độ không chịu học tủ, lại còn chép chữ con kiến dấu tay áo. Anh nhận tội một mình. Bị mắng, anh đứng như tượng. Đầu gục xuống. Mắt chớp. Vẻ ăn năn trào ra từng lỗ chân lông. Ban giám học trông thấy thương tình, phát cho anh tấm giấy cảnh cáo...
Bạn bè anh Thơ gồm đủ thành phần, ngoài "mực đen" Dốc Nhà Bò ra, anh còn có một số "đèn sáng" là bạn sinh viên học sinh, bạn lính tráng, bạn hướng đạo... Đi trại hè hướng đạo ở Nha Trang, anh chẳng xin gia đình đồng nào. Hướng đạo sinh kẻ đem gạo củi, người đem dầu muối. Sống chắt bóp mà vẫn vui. Lúc trở về, anh móc túi trên túi dưới ra đủ thứ quà. Biết tôi thích kim cương chớp nháy, anh cho tôi mặt đá pha lê cắt nhiều cạnh, phía sau có phết ngân nhũ, bắt ánh sáng chiếu lấp lánh làm tôi hét váng lên vì mừng.
Anh Thơ chiều gia đình thì chắc chắn biết chiều người đẹp. Khối cô yêu anh dù tiền túi anh chẳng có. Anh cũng không được phát tiền may quần áo nhưng y phục lúc nào cũng tươm tất. Lâu lâu, tôi thấy anh cặm cụi bên bàn máy may, chiết cái eo sơ mi, nới cái ống quần... Sửa xong, mặc lên không thua người mẫu. Anh ít ôm điện thoại tán tỉnh ai, lại càng không thấy anh rủ cô nào về nhà. Tôi chỉ biết tên các cô bạn gái qua những lá thư đọc lén trong phòng anh. Nói ra thì ngượng. Anh vẫn khóa cửa trước khi ra ngoài nhưng phòng tôi thông qua bên ấy bằng một ô cửa sổ. Tôi bắc ghế leo lên nóc tủ, chuồi mình qua cửa sổ, tụt vào phòng anh dễ hơn chùi mép. Thơ tình của anh cực kỳ mùi mẫn, đọc lên, tôi liên tưởng ngay đến giọng Bắc Kỳ ấm áp thì thầm vào tai người yêu: Anh tên Thơ, em tên Thơm. Tên của chúng mình lồng vào nhau như một định mệnh... Chao ơi, thế này thì mười cô Thơm cũng phải động lòng!
Anh Thơ lúc nào cũng cười mím chi beo, coi hiền lành với các cô nhưng thật ra đánh lộn rất hung hăng. Có lần anh bị một nhóm du côn trong khu ấp Ánh Sáng vây đánh, anh tháo chạy về, hú vài tiếng là rần rần một phái đoàn Nhà Bò, Nhà Làng túa đến trả thù cho anh ngay. Tôi kinh hoàng chạy theo cản ơi ới nhưng may lần ấy không đổ máu vì có sự đầu hàng quy phục ngay từ đầu. Nghe đâu trong đám gậy gộc, ống nước còn có cả súng và lựu đạn của mấy ông bạn Lôi Hổ quen bố!


Nhắc đến du côn, tôi nhớ đến câu chuyện anh Thơ kể cho cả nhà nghe khi anh bị đi tù sau ngày giải phóng. Chả nhớ tù vì tội gì, có lẽ tóc dài hay trốn thủy lợi nhưng đó không phải là điểm chính. Điểm chính là anh vô tù mà không bị ăn đòn dằn mặt. Đám ma cũ toàn dân anh chị. Một ông mặt sẹo tai gấu bảo anh ra ngủ gần cầu tiêu. Chỉ thấy đầu trâu mặt ngựa hầm hè chung quanh, cũng đủ làm xám mặt những tay giang hồ hảo hớn, huống hồ là một sinh viên đại học như anh. Anh Thơ đang chuẩn bị ăn đòn thì anh Hai đảng trưởng hất hàm hỏi anh một tràng: "Mày mấy tuổi" Tên gì" Con cái nhà ai" Tại sao vào đây"" Anh ấp úng xưng tên tuổi và cho biết tên bố mẹ.  Anh Hai ngẩn ngơ nhìn anh một hồi rồi cười ha hả: "Tưởng ai, hóa ra là con đạo diễn HAT. Hèn gì cái tên nghe lạ!" Nói xong, anh Hai quay qua lũ đàn em, kể lung tung hồi xưa đi chơi gặp bố thế nào, bá vai bá cổ nhậu nhẹt mày tao chi tớ ra sao. Cao hứng, anh Hai phán thêm: "Cho tên này ra khỏi cầu tiêu. Kiếm hai thằng trọc đầu cho nó ngủ ở giữa!" Anh thắc mắc nhìn tay anh chị bên cạnh, hắn ta giảng nghĩa: "Mày ngủ với mấy thằng trọc, khỏi sợ lây chí!" Lúc đó anh mới vỡ lẽ. Thế là từ lúc vào tù cho đến khi ra, anh Thơ được anh Hai đùm bọc, săn sóc rất chu đáo. Đi tù có trưởng phòng đỡ đầu thì còn gì may mắn bằng!
Những người được đời ưu đãi như anh Thơ có khuynh hướng hưởng nhiều hơn cho. Ở Việt Nam, anh đi hướng đạo, mỗi tuần phải làm việc thiện và ghi sổ đàng hoàng. Tôi thấy anh nặn đầu nghĩ đã làm những việc gì trong tuần mà buốt óc thay cho anh. Huống gì qua Mỹ, quay mòng mòng với gia đình công việc. Nhất là từ ngày anh mở công ty điện toán, làm việc cho bộ quốc phòng Mỹ, phải đối phó với những hãng cạnh tranh lẫn khách hàng khó tính nhất thế giới. Chẳng bao giờ ngờ là anh còn lòng dạ nghĩ đến những công tác từ thiện. Lần đầu tiên có dịp thấy mặt trái mang đầy tính nhân bản của anh, tôi bắt đầu nhìn anh với cặp mắt khác: Anh chắc chắn không là con cừu đen như anh vẫn thường tự trào!
 Đến ngày hôm sau, anh Thơ mới đưa tôi đi thám thính Sàigòn. Về lại xóm cũ, này là nhà 30 Thi Sách nay đổi ra May Hotel. Nơi đó một thời chứng kiến bố và anh Thơ bị công an còng tay đưa vào tù vì tội gián điệp nhị trùng (đó là tôi tưởng tượng cho vui vì sau giải phóng, tụi tôi coi khá nhiều sách của James Hadley Chase!). Kia là góc Lê Thánh Tôn nơi có một người đàn bà bị treo cổ (tôi chỉ dám lấp ló nhìn từ xa)... Anh em tôi như hai con chó săn sục sạo cùng khắp. Gánh hàng rong, quán vỉa hè nào anh cũng muốn sà vào ăn thử. Cả hai anh em rất thích vào quán đêm. Nhìn dân nhậu sinh hoạt, nhìn người qua đường đi lại, nhìn đoàn xe gắn máy túa đi như châu chấu... Chúng tôi như những người bị bỏ đói lâu ngày, tận dụng tất cả giác quan để nhồi cho đầy não bộ: Cảnh Việt nam, người Việt nam, âm thanh Việt nam, mùi Việt nam...
 Hai anh em lên xe xuống ngựa, lội bộ thăm thú khắp nơi xong, đói ngấu. Quay ra kiếm Làng Nướng, kêu đủ các món xì xèo mỡ cháy thơm điếc mũi, vừa ăn uống, vừa ôn lại những kỷ niệm... Nhớ đến những ngày chúng tôi cùng đi làm ở hãng SAFEL bên Pháp. Trời còn đen mịt. Đứng chờ xe buýt, lạnh run lập cập. Xe buýt chở hai anh em ra ga La Celle Saint Cloud, đáp xe lửa về hướng Paris, đổi ba lần xe điện để đến Bruyères le Chatel, bỏ xe điện lên xe buýt rồi lểnh mểnh đi bộ đến hãng. Mấy tuần đầu tôi còn đem theo cuốn chuyện tiếu lâm đọc cho đỡ chán. Sau đó tôi dẹp. Ngoẹo cổ ngủ như anh. Mỗi lần đến trạm đổi là ô tô ma tích bừng mắt, nhảy ra. Bây giờ nhìn lại phải phục hai anh em có linh tính rất nhạy. Chưa bao giờ lỡ chuyến xe nào cả.
 Hãng SAFEL của tụi tôi chuyên làm nguyên mẫu các bảng điện tử. Tôi là thợ chụp hình bản vẽ mạch điện. Chụp xong, đem xuống cho anh Thơ in lên bảng rồi kéo vẹc ni. Anh kéo mạnh nhưng đều tay, lớp nhựa màu xanh lá cây trải ra láng mướt. Cực khéo! Tôi làm, thế nào cũng lổm ngổm chỗ dày chỗ mỏng. Có lần hết việc, tôi lân la xuống xưởng xin gia nhập khâu đục lỗ, đục gẫy một hơi ba cây kim, xếp lót tay lá chuối mời tôi trở về phòng chụp hình làm tôi sượng sần rút vào trong, bày phim tứ tung rồi vặn đèn đỏ "cấm vào" (ai mở cửa, hư phim thì ráng mà đền!). Trong ánh đèn đỏ tù mù, tôi ngồi ngủ gục chờ giờ ăn trưa. Anh Thơ đập cửa kêu đi ăn tôi mới đủng đỉnh xếp phim, tắt đèn đi ra.
Hãng xưởng bên Pháp có lệ bán phiếu ăn trưa với giá đặc biệt cho nhân viên. Tôi đưa cả cho anh Thơ dùng. Phần tôi sợ mập, chỉ kêu dĩa xà lách có cá thu trộn dầu giấm. Quán ăn bình dân mà món nào cũng hấp dẫn, thả lỏng là tôi biến thành cái lu biết đi ngay. Anh Thơ thì như bị sán rút, ăn mãi chẳng chịu lên cân. Có hai phiếu ăn, anh... chơi kiểu, gọi món thịt ngựa xay. Ăn một miếng, anh muốn bổ ngửa: Chịu thua 100%! Tôi tò mò lấy nĩa khều miếng thịt. Bên trong cái vỏ cháy xém là một màu đỏ tươi. Hon Hỏn! Trời ạ, thịt sống đến độ có thể nhúc nhích được. Tôi tò mò xắn thử một miếng. Bao tử tôi dội lên vì vị hoi hoi của thịt ngựa lẫn với mùi máu tươi. Kinh quá. Tôi nhổ bẹt vào khăn ăn. Hai anh em nhìn nhau một đỗi rồi không nhịn được, bật cười rung cả bàn...
 Hai anh em ra Hà nội đúng hai ngày để thăm gia đình, nếm phở cuốn, ngan nướng, nhấm nháp tí Lúa Mới với ốc bươu luộc ở Ngũ Xã. Đủ để ghi vào nhật ký: Hai anh em là người thân đầu tiên đặt chân đến Hàng Mã và Ngũ Xã, đại diện cho cả nhà đến chào đại gia đình họ ngoại. Sau đó, đi ngắm ba điểm chính trong bài Mưa Sàigòn, Mưa Hà nội: "Hồ Gươm về nương chiều tà", "Đau lòng Tháp Rùa", "Thê Húc bơ vơ".  Không ngờ trong lúc ngoạn cảnh vào buổi sáng sớm, anh Thơ khám phá ra hàng xôi Lúa. Những hạt bắp, hạt đậu, hạt nếp bùi béo thơm ngậy bất ngờ đánh thức vị giác và khứu giá của chúng tôi, anh Thơ mê quá trở lại mua thêm dăm gói nữa. Ngoảnh lại thấy một số đông người đi đường cũng xúm vào... xem anh mua xôi!
 Trở về Sàigòn trước giờ bay qui cố hương Philippines 5 tiếng đồng hồ, tôi cấp kỳ sửa soạn hành lý. Dồn quà lưu niệm, mấy ổ bánh mì thịt, đòn chả lụa, mấy quả na vào bị cho chồng con, tôi náo nức mong gặp lại gia đình. Nhìn qua anh Thơ, anh cũng hăm hở thu xếp hành lý. Thấy ánh mắt tò mò của tôi, anh bảo, Ngày mai thăm cô nhi viện, hơi xa Sàigòn tuy mệt nhưng rất đáng công đi. Mấy em nhỏ đáng yêu lắm, nghe tụi nó hỏi "Ba ơi, có tính trở lại với tụi con không"", không cầm được nước mắt. Về Việt nam, anh tự hứa bất cứ giá nào cũng phải ghé qua đó thăm các em một chuyến. Thấy tôi chú ý hơn, anh móc túi lấy mẩu giấy dúi vào tay tôi:
Trường Nuôi Dạy Trẻ Mồ Côi Pháp Võ
Ni Sư Thích Nữ Như Thảo (Nguyễn thị Hương Thảo)
28/1 Huỳnh Tấn Phát, Ấp 3
Xã Phú Nhuận, Huyện Nhà Bè Sàigòn
Anh bảo, Địa chỉ liên lạc của cô nhi viện đấy. Khi nào có dịp ghé đến đó thăm. Ở đó thiếu đủ thứ nhưng thiếu nhiều nhất là tình thương... Nói xong anh lại lui cui nhồi nhét bàn chải đánh răng, xà bông, kẹo bánh vào xách tay. Tôi mân mê cái thánh giá đeo cổ, ngần ngừ: Cái ... cái cô nhi viện này của Phật giáo, sao không lựa cô nhi viện của các cha hả anh" Anh bật cười, Trẻ con nó quý mình, không cần biết mình là ai, hành nghề gì, theo đạo nào thì không lẽ mình không làm được như tụi nó"
 Anh tôi, người anh thuở nhỏ vẫn làm tôi thót tim vì lối sống cừu đen hoang đàng. Giờ đây, anh Thơ chính là con cừu trắng dẫn đưa tôi về hướng tâm đạo. Vâng, tôi sẽ đưa gia đình đến thăm Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ. Không phải để cho mà để nhận...
Thu Thuyền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến