Hôm nay,  

Dẫn Trẻ Đi Làm

16/06/201000:00:00(Xem: 199692)

Dẫn Trẻ Đi Làm

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2920-28220-vb3061610

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA.,  đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới nhất của Bảo Trân kể về một tập tục tốt đẹp trong nhiều công sở Mỹ.

***

Cũng như mọi năm, vào tháng Tư, tất cả các nhiệm sở của Quận Thiên Thần (Los Angeles County) đều có một ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm". 
Chẳng phải là Ban Giám Sát Viên của Quận có "nhã ý" cho nhân viên đem theo con cái đi làm để cha mẹ khỏi phải tốn tiền giữ trẻ cho ngày đó đâu, mà mục đích của Quận là để cho con trẻ có một cơ hội làm việc chung với cha mẹ, để chúng có một chút kinh nghiệm với khung cảnh việc làm chuyên nghiệp, giúp những đứa trẻ có một tầm nhìn thực tiễn về môi trường làm việc để hiểu thế nào là "lao động vinh quang", và sau nữa là để chứng kiến công việc làm của những người được mệnh danh là "công bộc của dân". 
Tôi nhớ hồi năm, bẩy năm trước, cái ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" này được chia ra làm hai ngày riêng biệt, một ngày dành cho con gái (Take Your Daughter to Work Day) vào tháng Tư, và một ngày dành cho con trai (Take Your Son To Work Day) vào tháng Bẩy. Nhưng sau này thấy phải tổ chức hai ngày trong hai tháng khác nhau lách cách quá, nên Ban Giám Sát đã sát nhập thành một ngày cho tiện việc.
Năm nay, Ban Giám Sát Viên Quận đã ấn định ngày thứ Ba, 20 tháng 4 năm 2010  là ngày "Take Our Daughters and Sons to Work Day."  Tuy mang tiếng là "Ngày Dẫn Con Gái và Con Trai Đi Làm" nhưng Ban Giám Sát lại ra thông báo là những đứa trẻ mà nhân viên dẫn đi làm không nhất thiết phải là con ruột, mà có thể là cháu, bà con, hay thậm chí đến con của bạn hay con nhà hàng xóm. (Tôi nghĩ nếu gọi là "Take the Kids to Work Day" có vẻ hợp tình, hợp lý hơn.)  Toàn thể nhân viên của Quận Thiên Thần, ở mọi từng lớp, cơ sở được khuyến khích tham gia vào ngày  "Dẫn Trẻ Đi Làm". Nhưng cho dù là tự nguyện tham gia, những nhân viên muốn dẫn con vào sở ngày này phải làm đơn xin phép và phải được Giám Đốc của sở chấp thuận trước ngày 13 tháng 4. Nhân viên nào không nộp đơn kịp ngày và không được chấp thuận trước thì sẽ không được tham dự vào chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm".
 Văn phòng của tôi cũng tuân theo lệnh của bề trên, hội họp để hoạch định chương trình cho cái ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" này.  Tôi thì đâu có "sons" hay "daughters" hay relatives, neighbors nào ở trong tuổi 9 tới 16 đâu để mà đem tới sở, bởi vậy, tôi đâu có để ý chi đến cái ngày dẫn trẻ đi làm này.  Nhưng khổ nỗi, bà sếp mới của tôi lại xung phong lãnh cái nhiệm vụ làm người điểu khiển chương trình (coordinator), vì bả muốn dẫn đứa con gái vừa lên 9 của bả tham gia vào chương trình làm việc với cha mẹ trong sở.  Đã vậy, bả còn "volunteer" tôi làm phụ với bả để xếp đặt chương trình.  Chả lẽ tôi dám nói tiếng... không.  Thôi thì cũng đành mang tiếng hăng hái "volunteer" vào những công việc có ích lợi.  Thế là tôi cũng ôm bút, giấy đi họp, đi hành.

*
Sau bao nhiêu ngày hoạch định chương trình rồi thì cái ngày chính thức đã đến.  Khác với ngày "Giáng Sinh Cho Trẻ" (Christmas for Kids) được dành cho trẻ ở trong mọi hạng tuổi (từ sơ sinh cho tới trưởng thành), ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" bị giới hạn trong số tuổi từ 9 tới 16 nên chẳng có bao nhiêu đứa trẻ tham gia.  Nhân viên của sở tôi, phần đông là những cô thư ký tuổi dưới 30, nên con cũng còn rất nhỏ, chưa đủ tuổi để mẹ chúng dắt đi làm.  Một phần còn lại (như tôi) thì có con đã trưởng thành, đã vượt quá cái tuổi hạn định nên cũng không được theo cha mẹ tới sở làm.  Còn lại khoảng chừng 1/3 nhân viên trong sở là hội đủ điều kiện để nộp đơn tham dự vào chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm".
Thế nên, tổng cộng chỉ có 10 đứa trẻ tham gia trong chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm" năm nay.  Đứa trẻ nhỏ nhất là con bà sếp của tôi, Bonnie, vừa đúng 9 tuổi hai tuần trước, và đứa trẻ lớn nhất là Robin, con của cô Staff Assistance Nezhla, cũng còn trong tuổi "sweet 16". Cô thư ký Ana chuyên phụ trách hồ sơ lưu giữ đem 2 đứa con:  Hilda và Maria, 12 và 15 tuổi.  Gerado, một người worker bên Home Visit Unit đem theo thằng con trai: Ruben, 13 tuổi.  Sheri, một cô worker bên Unit Hỗ Trợ Đặc Biệt đem theo đứa con gái lên 10: Tania.  Bindu, người bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh cubicle của tôi đem theo hai đứa con gái sinh đôi: Veena và Kabita, 14 tuổi .  Và Sochay, người thư ký ở phòng tiếp tân thì đem theo hai đứa con 1 trai,1 gái:  Sothi, 11 tuổi và Kassandra 12 tuổi.
Mấy đứa trẻ đã theo chân cha mẹ đến từ sáng sớm.  Trong lúc chờ đợi đến giờ khai mạc chúng  được đưa vào tập họp trong phòng ăn của nhân viên để ăn điểm tâm, và để làm quen với nhau.
Đúng chín giờ sáng, loa phóng thanh trong văn phòng đã kêu gọi mấy đứa trẻ và toàn thể nhân viên có mặt trong ngày ra phòng tiếp tân để tham dự buổi khai mạc ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm".  Bà Giám Đốc văn phòng tôi bắt đầu chương trình với 1 bài diễn văn ngắn gọn, chào đón 10 nhân viên tập sự trẻ tuổi.  Tiếp theo đó bà giới thiệu cha mẹ và thành phần tập sự viên tham dự chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm" ngày hôm nay.
Bà sếp của tôi, dưới vai trò "coordinator" đã thay thế bà Giám Đốc để tiếp nối chương trình.  Trước hết, bà nói cho đám trẻ biết về tổng số nhân viên làm việc trong văn phòng tôi, về những chức vụ khác nhau và tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn cùng kỹ năng đòi hỏi để giữ những chức vụ đó.  Sau đó, bà giới thiệu về chương trình GAIN với đám trẻ, nói cho chúng biết GAIN là chương trình giúp những người lãnh trợ cấp xã hội tìm kiếm công ăn việc làm để họ có thể tự lực cánh sinh.  Bà dẫn giải cho đám trẻ biết về những công việc mà chúng tôi phải làm, tuần tự từ lúc hồ sơ mới được chuyển sang từ văn phòng Welfare, được ghi danh vào GAIN và được chuyển sang tủ hồ sơ điện toán của worker, cho đến ngày khách hàng đến gặp worker.  Công việc tiếp theo đó là việc đưa khách hàng sang văn phòng tìm việc, hay là phải đưa khách hàng sang gặp những cố vấn tâm thần, nghiện ngập, bạo hành... rồi đến những việc phụ thuộc phải làm như là giúp tiền hỗ trợ về xe cộ, chuyển sang dịch vụ giữ trẻ.  Bà cũng giải thích cho đám nhân viên trẻ biết về luật lệ của GAIN, nếu khách hàng Welfare mà không hợp tác tham gia vào chương trình GAIN thì sẽ bị cúp Welfare ngay.  Bà cũng nhấn mạnh cho bọn trẻ biết là tất cả những dữ kiện của hồ sơ đều phải được giữ kín, không được tiết lộ với bất cứ một ai, ngay cả những cơ quan liên hệ nếu không có sự chấp thuận của khách hàng.


Nói xong, bà nhường micro phone cho hai nhân viên của cơ quan dịch vụ giữ trẻ và văn phòng tìm việc.  Hai người này thay phiên nhau giải thích cho đám trẻ nghe về sự liên hệ của hai cơ quan này với văn phòng chúng tôi.  Trước khi trở về với công việc, họ đã mời đám trẻ sang thăm hai văn phòng này sau khi chúng đã được hướng dẫn đi thăm thú hết mọi nơi trong văn phòng GAIN. 
Hai nhân viên trong văn phòng tôi: 1 nam, 1 nữ, đã tiếp nối chương trình.  Họ trình bày cho đám trẻ nghe lý do họ đã chọn đời công chức, và tại sao họ lại thích làm việc ở văn phòng GAIN. Hai người còn chỉ bảo cho đám trẻ về cách ăn mặc cho thích hợp với mỗi nơi chốn làm việc, ngoại trừ những cơ quan bắt buộc phải mặc đồng phục thì làm việc ở kho hàng phải ăn mặc như thế nào,  làm việc ở văn phòng thì nên phục sức như thế nào...  Thí dụ như cách phục sức của nhân viên trong văn phòng tôi, phải theo quy luật rõ ràng, không được mặc quần jean, không được mang giày ba ta, các bà thì không được mang mấy đôi dép lẹp kẹp, không được mặc giầy hở mũi... Quần áo lúc nào cũng phải tươm tất, gọn gàng vì mình đại diện cho cả 1 cơ quan.  Đàn ông không mặc áo vest cũng được nhưng ít nhất phải là quần tây, áo chemise và thêm 1 cái cà vạt nhìn cho trang trọng.  Còn các bà thì tha hồ diện, áo đầm, dài, ngắn, suit, scraf đủ mầu, nhưng phải nhìn cho chuyên nghiệp, trang nhã, chứ không phải như đang đi dự party...
Sau đó đám trẻ được hướng dẫn đi "tham quan".  Vì hai cơ quan tìm việc và dịch vụ giữ trẻ ở hai văn phòng ngay cạnh phòng tiếp tân nên bọn trẻ được hướng dẫn đi hai nơi này trước hết.  Thăm hai nơi này xong rồi thì đám trẻ được nhân viên trong ban tổ chức chương trình ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" tháp tùng đi thăm viếng văn phòng GAIN.  Chúng được hướng dẫn đi một vòng từ khung cửa bên phải, bắt đầu là văn phòng của bà Giám Đốc rồi đi dần sang từ khu vực riêng của từng Unit, duy có văn phòng của cashier là nơi tối quan trọng, có tủ sắt đựng tiền nên chúng chỉ được đứng ở ngoài nhìn qua khung kính cửa sổ.  Mấy đứa trẻ vừa thong thả đi theo chân cha mẹ và ban tổ chức, vừa cười nói với nhau.  Thật ra thì chúng tôi chỉ hướng dẫn chúng đi cho có lệ chứ chúng đã quá quen thuộc với văn phòng làm việc này, vì chúng vừa tham gia vào ngày "Giáng Sinh Cho Trẻ" cách đây chỉ có mấy tháng thôi.   
Chương trình "tham quan" chấm dứt vào lúc mười giờ rưỡi.  Mấy đứa trẻ được nghỉ giải lao 15 phút đúng theo quy luật của sở lao động, sau đó mới đi vào phần chính của ngày:  bắt tay vào công việc.  Ba đứa trẻ lớn tuổi nhất được đưa ra phòng receptionist để phụ công việc tiếp đón khách hàng, gọi phone vào thông báo với thư ký ở phòng làm việc phía trong.  Những đứa trẻ nhỏ hơn một chút thì được phụ với những người thư ký ở những Unit khác nhau ngồi xếp những cái hồ sơ "chết" (inactive files) để đưa vào nhà kho giữ hồ sơ.  Một đứa theo người thư ký chuyên lo thu nhặt những giấy tờ được fax tới văn phòng, xếp ra theo tên từng worker một rồi bỏ vào hộp thư của Unit...   Những đứa trẻ khác nhỏ hơn thì được làm việc với cha mẹ chúng (để cha mẹ chúng canh chừng luôn cho tiện việc).  Chúng phụ bấm lỗ mấy cái folders, bỏ Acco fastener vào, đóng dấu "mật" (confidential) lên folders, rồi bỏ lại vào hộp đựng để sẵn sàng đem phân phối cho các Unit. 
Mười hai giờ đúng là giờ nghỉ trưa, mấy đứa trẻ được đưa vào phòng ăn trưa cùng với cha mẹ.  Bữa ăn trưa này đã được ban Giám Đốc văn phòng tôi bảo trợ.  Chúng tôi đã soạn sửa một bữa ăn đơn giản với pizza và salad mua từ Costco.  Nước giải khát thì có ba loại để lựa chọn: Coke, Seven Up và nước lạnh trong chai.  Mỗi đứa trẻ còn được ăn tráng miệng với một ly kem nhỏ.   Chúng vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa vui vẻ.
Đúng một giờ là bọn trẻ phải trở lại với công việc làm.  Lúc này thì mấy đứa trẻ thoải mái vì đã quen với công việc làm nên vừa làm vừa nói chuyện với cha, mẹ hay người chúng đang phụ việc.  Thỉnh thoảng, chúng cũng đứng lên duỗi tay, duỗi chân hay chạy đi lấy nước uống. 
Ba giờ rưỡi, mấy đứa trẻ lại được nghỉ giải lao 15 phút.  Lúc này là giờ worker chúng tôi tập thể thao theo chương trình Sống Vui, Sống Khỏe.  Vài đứa trẻ hiếu kỳ cũng theo chúng tôi vào phòng họp để nhảy múa theo cái DVD "Quick Fix" của "Wellness Program".  Mấy đứa khác thì  túm năm tụm ba lại ở phòng ăn để "đấu hót" với nhau về công việc đã làm.
Bốn giờ, là giờ tan ca của đám nhân viên tập sự 1 ngày này.  Cô receptionist của văn phòng tôi đã nhắn trên máy phóng thanh yêu cầu đám trẻ tập họp ngay trước cửa sổ cashier để chuẩn bị... lãnh lương.  Trong buổi họp hoạch định chương trình cô receptionist này đã có ý kiến trả lương cho trẻ, để chúng còn hăng hái tham gia vào ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" năm tới, và tất cả cha mẹ của đám trẻ tham dự ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" đã nhiệt liệt tán thành việc bỏ ra $10 để trả lương cho mỗi đứa con của họ.  Bọn trẻ cũng phải ký nhận vào danh sách phát lương đàng hoàng như nhân viên chúng tôi trong những kỳ lãnh lương thường lệ.
Bọn trẻ lãnh lương xong là cũng đến bốn giờ rưỡi.  Chúng tôi lại tụ tập ở ngoài phòng tiếp tân để dự lễ bế mạc. Bà sếp của tôi đã gọi tên từng đứa trẻ một để tuyên dương công trạng của chúng trong ngày.  Mỗi đứa trẻ được cấp phát 1 chứng chỉ đã hoàn tất việc tham dự ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm", kèm thêm 1 túi bánh cookies nho nhỏ. Đứa nào cũng vui vẻ nói cười hỉ hả.

*
Sau buổi lễ bế mạc, tôi dẫn Bonnie về phòng làm việc của sếp, "babysit" nó trong lúc chờ đợi bà sếp của tôi hội thảo với với bà Giám Đốc về bản báo cáo thành quả gửi về văn phòng trung ương.  Tôi hỏi Bonnie:
-  Em có thích ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" không"
 Con bé vừa bóc bánh ăn vừa ngây thơ nhìn tôi:
-  Thích chứ, em không phải đi học hôm nay nè, được ăn pizza với ice cream nè, được phụ mẹ làm việc và còn được lãnh lương...
Ngẫm nghĩ sao đó con bé lại cười hóm hỉnh:
-  Nhưng mà mẹ trả lương ít quá, em làm cả ngày mà chỉ được có $10.
Tôi gật gù:
-  Được ít lương là phải rồi, tại Bonnie chỉ tập sự thôi mà, Bonnie chưa có kinh nghiệm, và đã làm việc thực thụ đâu.  Bonnie nhớ nghe, nếu muốn lãnh nhiều lương thì phải học cho giỏi, ra trường với số điểm kha khá mới dễ tìm việc làm, và khi có nhiều kinh nghiệm rồi mới có thể nghĩ đến việc tìm được nhiều tiền.
Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,935,407
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.