Dẫn Trẻ Đi Làm
Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2920-28220-vb3061610
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA., đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới nhất của Bảo Trân kể về một tập tục tốt đẹp trong nhiều công sở Mỹ.
***
Cũng như mọi năm, vào tháng Tư, tất cả các nhiệm sở của Quận Thiên Thần (Los Angeles County) đều có một ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm".
Chẳng phải là Ban Giám Sát Viên của Quận có "nhã ý" cho nhân viên đem theo con cái đi làm để cha mẹ khỏi phải tốn tiền giữ trẻ cho ngày đó đâu, mà mục đích của Quận là để cho con trẻ có một cơ hội làm việc chung với cha mẹ, để chúng có một chút kinh nghiệm với khung cảnh việc làm chuyên nghiệp, giúp những đứa trẻ có một tầm nhìn thực tiễn về môi trường làm việc để hiểu thế nào là "lao động vinh quang", và sau nữa là để chứng kiến công việc làm của những người được mệnh danh là "công bộc của dân".
Tôi nhớ hồi năm, bẩy năm trước, cái ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" này được chia ra làm hai ngày riêng biệt, một ngày dành cho con gái (Take Your Daughter to Work Day) vào tháng Tư, và một ngày dành cho con trai (Take Your Son To Work Day) vào tháng Bẩy. Nhưng sau này thấy phải tổ chức hai ngày trong hai tháng khác nhau lách cách quá, nên Ban Giám Sát đã sát nhập thành một ngày cho tiện việc.
Năm nay, Ban Giám Sát Viên Quận đã ấn định ngày thứ Ba, 20 tháng 4 năm 2010 là ngày "Take Our Daughters and Sons to Work Day." Tuy mang tiếng là "Ngày Dẫn Con Gái và Con Trai Đi Làm" nhưng Ban Giám Sát lại ra thông báo là những đứa trẻ mà nhân viên dẫn đi làm không nhất thiết phải là con ruột, mà có thể là cháu, bà con, hay thậm chí đến con của bạn hay con nhà hàng xóm. (Tôi nghĩ nếu gọi là "Take the Kids to Work Day" có vẻ hợp tình, hợp lý hơn.) Toàn thể nhân viên của Quận Thiên Thần, ở mọi từng lớp, cơ sở được khuyến khích tham gia vào ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm". Nhưng cho dù là tự nguyện tham gia, những nhân viên muốn dẫn con vào sở ngày này phải làm đơn xin phép và phải được Giám Đốc của sở chấp thuận trước ngày 13 tháng 4. Nhân viên nào không nộp đơn kịp ngày và không được chấp thuận trước thì sẽ không được tham dự vào chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm".
Văn phòng của tôi cũng tuân theo lệnh của bề trên, hội họp để hoạch định chương trình cho cái ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" này. Tôi thì đâu có "sons" hay "daughters" hay relatives, neighbors nào ở trong tuổi 9 tới 16 đâu để mà đem tới sở, bởi vậy, tôi đâu có để ý chi đến cái ngày dẫn trẻ đi làm này. Nhưng khổ nỗi, bà sếp mới của tôi lại xung phong lãnh cái nhiệm vụ làm người điểu khiển chương trình (coordinator), vì bả muốn dẫn đứa con gái vừa lên 9 của bả tham gia vào chương trình làm việc với cha mẹ trong sở. Đã vậy, bả còn "volunteer" tôi làm phụ với bả để xếp đặt chương trình. Chả lẽ tôi dám nói tiếng... không. Thôi thì cũng đành mang tiếng hăng hái "volunteer" vào những công việc có ích lợi. Thế là tôi cũng ôm bút, giấy đi họp, đi hành.
*
Sau bao nhiêu ngày hoạch định chương trình rồi thì cái ngày chính thức đã đến. Khác với ngày "Giáng Sinh Cho Trẻ" (Christmas for Kids) được dành cho trẻ ở trong mọi hạng tuổi (từ sơ sinh cho tới trưởng thành), ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" bị giới hạn trong số tuổi từ 9 tới 16 nên chẳng có bao nhiêu đứa trẻ tham gia. Nhân viên của sở tôi, phần đông là những cô thư ký tuổi dưới 30, nên con cũng còn rất nhỏ, chưa đủ tuổi để mẹ chúng dắt đi làm. Một phần còn lại (như tôi) thì có con đã trưởng thành, đã vượt quá cái tuổi hạn định nên cũng không được theo cha mẹ tới sở làm. Còn lại khoảng chừng 1/3 nhân viên trong sở là hội đủ điều kiện để nộp đơn tham dự vào chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm".
Thế nên, tổng cộng chỉ có 10 đứa trẻ tham gia trong chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm" năm nay. Đứa trẻ nhỏ nhất là con bà sếp của tôi, Bonnie, vừa đúng 9 tuổi hai tuần trước, và đứa trẻ lớn nhất là Robin, con của cô Staff Assistance Nezhla, cũng còn trong tuổi "sweet 16". Cô thư ký Ana chuyên phụ trách hồ sơ lưu giữ đem 2 đứa con: Hilda và Maria, 12 và 15 tuổi. Gerado, một người worker bên Home Visit Unit đem theo thằng con trai: Ruben, 13 tuổi. Sheri, một cô worker bên Unit Hỗ Trợ Đặc Biệt đem theo đứa con gái lên 10: Tania. Bindu, người bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh cubicle của tôi đem theo hai đứa con gái sinh đôi: Veena và Kabita, 14 tuổi . Và Sochay, người thư ký ở phòng tiếp tân thì đem theo hai đứa con 1 trai,1 gái: Sothi, 11 tuổi và Kassandra 12 tuổi.
Mấy đứa trẻ đã theo chân cha mẹ đến từ sáng sớm. Trong lúc chờ đợi đến giờ khai mạc chúng được đưa vào tập họp trong phòng ăn của nhân viên để ăn điểm tâm, và để làm quen với nhau.
Đúng chín giờ sáng, loa phóng thanh trong văn phòng đã kêu gọi mấy đứa trẻ và toàn thể nhân viên có mặt trong ngày ra phòng tiếp tân để tham dự buổi khai mạc ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm". Bà Giám Đốc văn phòng tôi bắt đầu chương trình với 1 bài diễn văn ngắn gọn, chào đón 10 nhân viên tập sự trẻ tuổi. Tiếp theo đó bà giới thiệu cha mẹ và thành phần tập sự viên tham dự chương trình "Dẫn Trẻ Đi Làm" ngày hôm nay.
Bà sếp của tôi, dưới vai trò "coordinator" đã thay thế bà Giám Đốc để tiếp nối chương trình. Trước hết, bà nói cho đám trẻ biết về tổng số nhân viên làm việc trong văn phòng tôi, về những chức vụ khác nhau và tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn cùng kỹ năng đòi hỏi để giữ những chức vụ đó. Sau đó, bà giới thiệu về chương trình GAIN với đám trẻ, nói cho chúng biết GAIN là chương trình giúp những người lãnh trợ cấp xã hội tìm kiếm công ăn việc làm để họ có thể tự lực cánh sinh. Bà dẫn giải cho đám trẻ biết về những công việc mà chúng tôi phải làm, tuần tự từ lúc hồ sơ mới được chuyển sang từ văn phòng Welfare, được ghi danh vào GAIN và được chuyển sang tủ hồ sơ điện toán của worker, cho đến ngày khách hàng đến gặp worker. Công việc tiếp theo đó là việc đưa khách hàng sang văn phòng tìm việc, hay là phải đưa khách hàng sang gặp những cố vấn tâm thần, nghiện ngập, bạo hành... rồi đến những việc phụ thuộc phải làm như là giúp tiền hỗ trợ về xe cộ, chuyển sang dịch vụ giữ trẻ. Bà cũng giải thích cho đám nhân viên trẻ biết về luật lệ của GAIN, nếu khách hàng Welfare mà không hợp tác tham gia vào chương trình GAIN thì sẽ bị cúp Welfare ngay. Bà cũng nhấn mạnh cho bọn trẻ biết là tất cả những dữ kiện của hồ sơ đều phải được giữ kín, không được tiết lộ với bất cứ một ai, ngay cả những cơ quan liên hệ nếu không có sự chấp thuận của khách hàng.
*
Sau buổi lễ bế mạc, tôi dẫn Bonnie về phòng làm việc của sếp, "babysit" nó trong lúc chờ đợi bà sếp của tôi hội thảo với với bà Giám Đốc về bản báo cáo thành quả gửi về văn phòng trung ương. Tôi hỏi Bonnie:
- Em có thích ngày "Dẫn Trẻ Đi Làm" không"
Con bé vừa bóc bánh ăn vừa ngây thơ nhìn tôi:
- Thích chứ, em không phải đi học hôm nay nè, được ăn pizza với ice cream nè, được phụ mẹ làm việc và còn được lãnh lương...
Ngẫm nghĩ sao đó con bé lại cười hóm hỉnh:
- Nhưng mà mẹ trả lương ít quá, em làm cả ngày mà chỉ được có $10.
Tôi gật gù:
- Được ít lương là phải rồi, tại Bonnie chỉ tập sự thôi mà, Bonnie chưa có kinh nghiệm, và đã làm việc thực thụ đâu. Bonnie nhớ nghe, nếu muốn lãnh nhiều lương thì phải học cho giỏi, ra trường với số điểm kha khá mới dễ tìm việc làm, và khi có nhiều kinh nghiệm rồi mới có thể nghĩ đến việc tìm được nhiều tiền.
Bảo Trân