Hôm nay,  

Ba Tháng Đầu Du Học Mỹ

15/06/201000:00:00(Xem: 146948)

Ba Tháng Đầu Du Học Mỹ

Tác giả: Phu Si Huynh
Bài số 2919-28219-vb2061510
 
Tác giả là một du học sinh đến từ Việt Nam, hiện theo học chuyên ngành tại Minnesota. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của PhuSi Huynh kể chuyện lần đầu xa nhà, ở trọ trong nhà một bà Mỹ tại Seattle.

***

Cái se lạnh của mùa đông và cơn mưa rào như trút nước của bang Washington đã làm cho tôi không thể nào quên được cảm giác đầu tiên khi vừa đặt chân tới Mỹ. Với tâm lý hoang mang ngơ ngác của người lần đầu tiên xa nhà, tôi không hề nghĩ là tôi có thể một mình đi từ Việt Nam sang đây.
Khi vừa ra khỏi sân bay Seattle, trong đầu tôi thầm nghĩ "Chuyến hành trình lớn nhất trong đời tôi sẽ bắt đầu từ đây".
Mưa ướt, gió lạnh thổi xuyên qua chiếc áo khoác mỏng manh mà má và tôi đã đi mua trước khi đi qua Mỹ làm tôi nhớ nhà da diết. Tôi thấy hình ảnh ba má, chị hai và thằng cháu bà con hiện ra trước mắt như lúc tôi bước vào sân bay Tân Sơn Nhất. Người ta nói con trai không được khóc, nhưng lúc còn đi học tôi tình cờ đọc đâu đó một chuyện có tựa là "Big Boys Do Cry". Lúc đó tôi muốn khóc lắm vì nhớ nhà nhiều quá nhưng nước mắt không tự nó lăn ra có lẽ sự hoang mang bần thần đã lấn áp hết mọi cảm giác khác.
Hôm đó tôi may mắn được bạn của cậu tôi - tên T   bay từ Minnesota qua đón  nhưng tôi  chưa thể đi chung xe với ông T, vì phải đợi xe của trường tới đón về làm giấy tờ và gặp gia đình tôi sắp ở chung trong những tháng đầu.
Một lát sau, gần chập tối, thì người ta cho tôi với một số du học sinh khác (có người tới từ Hàn Quốc và Đài Loan) biết xe của trường tới rồi. Chiếc xe van chắc đươc sản xuất năm 80 kót két tới, nguyên đám nhảy lên xe với "niềm tin và hy vọng" là không bị chết máy giữa đường. Ông tài xế tuổi chừng ba mươi mấy, mặt mày múp míp, thân thiện. Chắc bác tài có dịp tiếp xúc nhiều với sinh viên tới từ những đất nước khác nhau nên nhờ bác mà tôi biết đươc ít nhiều về bang Washington này.
Xe chạy chừng nửa tiếng sau thì tới trường. Mưa vẫn còn lâm râm. Ông T chay xe riêng theo sau nhưng hình như bị lạc đường nên tới trễ một chút. Ngườ ta chỉ nguyên nhóm xuống dưới tầng hầm của một trong những tòa nhà của trường.  Đây là khu giải trí của sinh viên, phía sau là chung cư (dorm) dành cho sinh viên. Một vài sinh viên đang chơi banh bàn, nhìn mấy người đó mà tôi lẩm nhẩm trong đầu "Mấy đứa đó là ma cũ rồi nên quen với cuôc sống ở đây, chừng nào mới tới lượt mình. ỞØ đây sao buồn quá!"" So với cuôc sống ồn ào náo nhiệt hỗn độn của Sài Gòn thì nơi này quá yên tĩnh, vắng vẻ.
Thường thì gia đình mà du hoc sinh sắp ở chung sẽ tới gặp ở trường để đón họ và làm quen. Xui cho tôi là gia đình tôi sắp ở chung đi du lịch chưa về nên người ta dẫn tôi và ông T tới nhà của gia đình đó. Ông T và tôi đi riêng, trên đường đi tôi gọi về cho ba má  cho biết là tôi đã tới nơi và mọi chuyện bình an.
- Tới bên đó chưa"   Má hỏi.
- Con tới rồi, ông T qua đón. Con đang đi tới gia đình người Mỹ sắp ở chung.
Nghe giọng má mà tôi nghĩ "Ở đây buồn quá, con muốn về nhà. Con nhớ nhà lắm" nhưng không dám nói ra vì sợ làm má tôi lo lắng. Lúc đó tôi đâu biết rằng tôi vừa bước vào giai đoạn đầu của khoảng thời gian mà người ta gọi là "bị sốc vế mặt văn hóa (cultural shock)".
Xe dừng lại trước một ngôi nhà sơn màu nâu đỏ bên trái cửa trước có để một cái ghế nệm và một cái bàn nhỏ. Mấy cái này chắc để trang trí thôi chứ thời tiết mưa gió tầm tã vốn là đặc trưng của bang này thì ai dám ngồi ở ngoài thưởng ngoạn. Sân trước và sau hơi nhỏ, nhìn qua cửa sổ đằng trước thì thấy bên trong hơi tối. Người ta dẫn tôi và ông T vô bằng cửa sau nằm bên hông trái nhà và chỉ phòng cho tôi ở. Vừa ngồi nghỉ và sắp xếp đồ đạc được một lát thì có tiếng mở cửa, bước vào là một phụ nữ lớn tuổi   bà M, 71 tuổi, tóc bạc trắng ngang vai, dáng người cao khệnh khạng chủ nhà.
Tôi vừa định ra chào thì nghe có gì đó gắt gỏng và giận dữ trong giọng nói của bà ta. Bà có thái độ bực dọc vì người ta đã để ông T vô nhà với tôi. Tôi nghĩ đây đâu phải là lỗi của chúng tôi vì lẽ ra bà ấy nên có mặt ở nhà khi tôi tới. Sự khởi đầu này là điều tôi không muốn. Đứng nhìn ông T lái xe đi bên ngoài trời mưa gió làm tôi thấy tủi thân. Dù sao mọi chuyện cũng kết thúc với dĩa gà chiên KFC. Miếng gà như mắc nghẹn ở cổ. Đây là lần đầu tiên tôi ở nhà một người hoàn toàn xa la.
Gần trưa hôm sau, Ông T quay trở lại chở tôi đi ăn và mua giày dày tốt hơn để mùa đông đỡ lạnh. Khu mua sắm cũng nhỏ thôi nhưng vì cuối tuần nên đông đúc. "Đi nhanh lên đi" là những từ tiếng Việt đầu tiên tôi tình cờ nghe khi đang đi trong đó. Mới có ba ngày thôi chứ đâu có lâu gì mà tôi đã thèm nghe tiếng Việt. Mỗi lần thấy người Châu A, tôi quay qua nói với ông T "Chắc là người Việt đó" và tôi mong muốn được nói chuyện dù chỉ hỏi thăm vài ba câu.
Hên cho tôi hôm đó tiệm giày bán giảm giá nên tôi chụp liền một đôi tennis shoes hy vọng là đôi này sẽ "cứu mạng" mình qua khỏi mùa đông mặc dù so với Minnesota mùa đông ở Washington không hề hấn gì.
Tôi đâu ngờ là nhờ đôi giày này mà tôi chụp đươc nhiều "ếch" nhất trong đời.
Chiều hôm đó ông T đưa tôi về lại nhà của bà M rồi đi qua khu vực lân cận để thăm bà con. Tối hôm đó tôi bị sốc lần thứ hai. Bà M biểu tôi và thằng bạn người Hàn ở chung tìm thông tin và coi bản đồ để sáng mai tự đón xe bus đi học. Tôi lo sợ lắm vì mới chân ướt chân ráo qua bên này một hai ngày thì làm sao biết đường đi lại. Nhà có internet nhưng bà M không cho tụi tôi xài vì bà nói tiền nhà không có gồm tiền internet. Tối đó tôi thức khuya để coi bản đồ xe bus, chuẩn bị tiền lẻ để trả tiền vé và ác một điều là cả anh ạn người Hàn và tôi đều không chắc nên đứng phía bên nào của đường để đón xe.
Quả nhiên, sáng hôm đó tụi tôi đón nhầm xe bus. Ngồi một lát mà sao không thấy dấu hiệu của trường học đâu, tôi bay tới bác tài hỏi thì mới biết là tụi tôi nên đứng phía bên kia đường mới đúng. Vậy là phải đi ngược lại, tốn tiền, trễ học, trễ luôn buổi hướng dẫn đầu tiên (orientation).
Bên Mỹ trường nào cũng rộng, lần mò hỏi thăm một hồi thì tụi tôi cũng tới được chỗ tập trung của du học sinh để làm hướng dẫn. Nghe một bàn nói toàn tiếng Việt tôi liền sáp lại để hỏi thăm. Trái với những gì mong đợi, tôi hoàn toàn không có được một chút thông tin cần thiết hay giúp đỡ từ hội du học sinh ở trường này, vậy là phải một mình một ngựa xông trận. Tôi chỉ muốn biết là làm sao để chuyển trường vì tôi chỉ muốn học một khóa tiếng Anh ở đây thôi và trường này cũng không có chuyên ngành (major) mà tôi muốn học.
Do có quá nhiều du học sinh mà trường không chuẩn bị kỹ việc tư vấn nên có nhiều hiểu lầm dẫn đến việc đăng ký những môn học không cần thiết làm lãng phí tiền bạc và thời gian. Tôi nghe nhiều du học sinh truyền tai nhau chuyện có người qua đây cả hai năm trời mà chưa học xong ESL.Tôi biết ba má làm việc cực nhọc lắm mới để dành tiền cho tôi qua bên này đi học nên tôi thực sự không muốn tốn quá nhiều tiền cho chuyện học tiếng Anh. Vậy là nguyên ngày đầu tiên không làm được gì hết.
Chiều tới tôi và thằng bạn chuẩn bị đón xe bus về. Không nằm ngoài dự đoán tụi tôi bị lạc đường hai lần trong ngày. Lần này còn thê thảm hơn buổi sáng tại trời tối rồi mà hai đứa còn lội bộ. May mắn là ông T đã ghé lại thăm tôi lần cuối trước khi trở về Minnesota nên tôi gọi điện nhờ ông tới giúp. Về tới nơi, chia tay ông T. tôi vào phòng ngồi trên giường nhìn quanh bốn bức tường thấy trống vắng kinh khủng.

*
Ngày thứ hai tôi lên trường tự tiàm hiểu và quyết định chỉ học một khóa ESL thôi để vừa có thời gian chuẩn bị thi TOEFL (Test of English as a Foreign Language) vừa tiết kiệm tiền học và sau ba tháng là có thể chuyển đi. Đóng tiền học xong xuôi hết tôi lót tót lên xe buýt về nhà.
Buổi học đầu tiên, thấy lớp nào cũng đông toàn là du học sinh. Sau hai ngày học tôi mới nhận ra những lớp này toàn dạy những điều căn bản mà tôi đã học lâu rồi. Về sau nhờ nói chuyện với nhiều người thì tôi cũng lần lần hiểu ra sồ tiền học phí thu vào từ những lớp ESL dành cho du học sinh là hoàn toàn không nhỏ, chưa kể khi đã thực sự vô chương trinh học rồi (college level) du học sinh phải trả gấp đôi cho mỗi tín chỉ học phần (credit).
 Gần đươc ba tuần sau tôi quay lại chỗ tư vấn dành cho du hoc sinh (student services) nằm trong khuôn viên nhà trường. Đang đứng chờ thì tôi gặp một bà tư vấn người Hoa chuyên trách về du học sinh tôi liền chạy lại hỏi vì không biết hẹn chừng nào mới gặp được những người này.
- Bà làm ơn cho tôi hỏi tôi hỏi về chuyện chuyển trường...
- Bây giờ tôi bận lắm, không có thời gian đâu mà nói chuyện chuyển trường. Tai sao mấy người du học sinh mới tới đều muốn chuyển trường liền"... - Bà sạc tôi một trận ngay sau khi tôi mở miệng nói chữ "chuyển trường (transfer)".
Lúc đó tôi sượng chín người vì mọi cặp mắt đổ dồn về phía tôi. Cố gắng không làm mọi chuyện tệ hơn tôi lập lại là tôi chưa có ý định chuyển đi bây giờ tôi chỉ cần biết là tôi cần những gì vì dù sao đi nữa tôi cũng không thể chuyển trường cho tới khi kết thúc khóa học này. Nghe xong, bà đơn giản nói:
- Hiểu nhầm thôi (miscommunication), có gì hẹn gặp sau.
Một lần trong lớp có kiểm tra.  Sau khi nôp bài ra ngoài thì thấy nhỏ người Việt học chung lớp tôi bay tới.
- Bạn nhìn quen quá, lúc trước có gặp ở đâu rồi thì phải"


- Vậy hả" Ở Việt Nam, anh ở đâu"   Nhỏ hồi âm liền.
- Sài Gòn.
- Em Đà Lạt. Sao mà quen đươc.
Cảm giác như bị tạt  nước vô mặt, tôi tắt đài luôn.
Suốt hai tháng tôi tự học thêm tiếng Anh để chuẩn bị thi TOEFL. Ác một cái là cách thi kỳ này hoàn toàn đổi mới và người ta chỉ mới áp dụng ở một vài nơi ở Mỹ và một số nước khác. Thay vì thi ba môn nghe, đọc, viết tiếng Anh trên giấy kỳ này người ta đưa thêm vào môn nói và thi trên máy vi tính nên tôi cũng không biết ra sao.
Đóng tiền xong (150 đô la) tôi nhờ bà M tới bữa thi thì chở tôi tới đó. Tôi còn nhớ rõ là tôi nói "M, can you take me to the highschool to take the TOEFL test"" Đột nhiên bà nổi giận nói là không được ai biểu bà làm cái gì hết. Tôi không lớn lên ở đây, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ nên mỗi lần nói điều gì với người khác tôi rất thận trọng. Tôi không hiêu sao bà lại nạt tôi; tôi đành phải hỏi lại "Could you please take me there for the test"" Bà liếc nhìn không nói gì hết rồi hai bữa sau mới hỏi tôi thời gian và địa điểm thi ở đâu.

*
Ba tháng ở trọ nhà bà M. cho tôi nhiều khá căng thẳng. Từ cửa sau vô nhà là bộ máy giặt và máy sấy 2000 đô la mà bà M luôn tự hào mỗi khi nhắc tới chuyện giặt giũ. Theo "nội qui" ở nhà này thì không đươc giặt đồ ngày chủ nhật.
Gần nửa căn nhà phía bên trái là nhà bếp, cái bàn ăn và một góc đề coi tivi - đây là "lãnh địa" riêng của bà M. Niềm kiêu hãnh của bà là có 1000 kênh truyền hình -  không biết làm sao coi cho hết. Ngôi nhà kính ăn thông với phần nhà bếp nên nhờ đó việc chuyển đố cũng dễ. Vô sâu một chút là phòng khách chính nơi tụi tôi được phép coi ti vi và phần còn lại là nhà tắm và phòng ngủ.
Một buổi sáng dậy trễ không kịp tắm chỉ lo thay đồ cho mau rồi chạy ra đón xe buýt. Chiều về tranh thu tắm rửa sạch sẽ. Vừa ra khỏi nhà tắm thì bà M liền hỏi:
- Đây là lần thứ hai cậu tắm trong ngày không"
- Không. Đậy là lần đầu tiên   Tôi trả lời
Qua vụ này tôi mới biết  nhà này có một bản nội qui dài viết tay dán trong nhà tắm mà tôi không để ý.  Tôi  chỉ nhớ một vài điều như là: mỗi lần tắm 10 phút, mỗi ngày một lần, không giặt đồ ngày chủ nhật... - cảm giác như đang trong trại lính.
Mỗi ngày hai bữa cơm sáng và tối, còn buổi trưa thì phải tự chuẩn bị bánh mì sandwich để đem theo đi học. Bánh mì khô chịu không nổi; so với bánh mì ở Sài Gòn bánh mì của Mỹ không bằng một góc. Mỗi lần cắn một miếng là uống hai ba ngụm nước như đang uống thuốc. Có bữa bà M nấu cơm tối trễ, bung đói cồn cào mà không dám hỏi vì biết thế nào cũng bị la. Khi có cơm rồi tôi xuống phụ dọn bàn ghế chén dĩa.
Ở đây sau gần hai tháng tôi mới đươc phép sử dụng bếp để nấu nước sôi ăn mì gói vì bà M nói là cái bếp đó mắc tiền lắm nên sợ tụi tôi làm hư. Mỗi lần tui tôi xớ rớ ở dưới bếp hay gần tủ lạnh thi đều bắt gặp cặp mắt liếc nhìn của bà. Ăn xong, mỗi đứa rửa sơ chén dĩa rồi để trong máy rửa chén và dọn dẹp bàn ăn. Sau mỗi buổi ăn tối là phần chuẩn bị bánh mì sandwich cho buổi trưa hôm sau. Một lần bà M biểu tôi bỏ cá Tuna vô bánh mì ăn cho ngon; tôi làm thử và kể từ đó tôi ghét cá này kinh khủng.
Buổi sáng thường lệ là ăn canh tàu hủ, rong biển của Nhật và trứng ốp la (omelette). Nếu buổi tối còn dư đồ ăn thì đem ra ăn luôn. Bà M đươc cái là nấu ăn ngon, bà thường khoe lúc trước có viết sách dạy nấu ăn. Tôi muốn coi thử sách đó thì bà nói là mai mốt cho coi nhưng cho tới giờ cũng chưa thấy được cái bìa sách ra sao.
Một bữa, bà M bận chuyện gì nên không nấu cơm mà dắt tụi tôi ra ngoài ăn. Bà lái xe chở tới một khu chợ nhỏ. Trên đường đi bà không ngừng "chia sẻ" kinh nghiệm đã từng chạy xe ở Alaska do đó chuyện lại xe vào mùa đông ở Washington thì nhằm nhò gì. Mặc dù ở tuổi 71 phải công nhận bà M đúng là "tay lái lụa".
Trong suốt thời gian ở bang này, đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất tôi ghé qua khu downtown. Tôi không biết chợ nằm trong khu nào, chỉ nhớ là trên đường đi tới đó có một con rồng lớn trong truyện thần thoại Châu Âu treo trên một cây cột gần cái đèn đường. Dưới ánh đèn đường lập lòe nhìn sợ chết người.
Chạy xe vòng vòng một hồi cũng vô được tới chợ. Khu này có nhiều tiệm ăn nhỏ nằm sát nhau, có tiệm phở nữa. Thấy đồ ăn Việt là mừng nhưng niềm vui và cảm giác thèm được ăn ngon của tôi nhanh chóng bị dập tắt. Lúc vào khu hàng ăn, tụi tôi đứng đợi bà M trả tiền. Đột nhiên bà quay lại liếc có ý biểu tụi tôi đứng tranh ra xa trong khi bà rút cái thẻ ngân hàng ra khỏi bóp. Một tay che cái keyboard, bà khom người che luôn cái máy trong lúc bấm số pin để trả tiền. Lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ khi mấy người bán hàng nhìn tụi tôi như những đứa không đàng hoàng.  Xong rồi bà nói như ra lệnh biểu tụi tôi muốn ăn gì thì ăn. Tôi chạy lại tiệm phở ăn cho đỡ đói vậy thôi chứ còn đâu tâm trạng mà thưởng thức nữa.

*
Chỉ còn vài ngày nữa là tới kỳ thi TOEFL, tôi hồi hộp lo lắng nhưng cũng rất mong cho kỳ thi tới sớm để chuyển trường cho nhanh. Tôi dành nhiều thời gian để học và ngồi nói chuyện một mình để tập phản xạ nhanh khi trả lời vì thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi là có giới hạn. Tôi lên thư viện trường rồi thư viện gần nhà để thu thập tài liệu học. 
Rồi ngày thi cũng tới, vừa nôn lại vừa lo. 6 giờ chiếu bắt đầu thi nên tôi ăn cơm không vô cứ thấp thỏm chờ tới 5 giờ để nhờ bà M chở đi. May mắn là chỗ thi không xa và đường không bị kẹt xe nên khoảng 20 phút sau thì tới. Trường này hình như là trường đạo, tương đối nhỏ. Phòng thi là phòng lab nhỏ có chừng 15 máy vi tính, mỗi máy được ngăn bằng một miếng cạc-tông của thùng đựng hàng chắc là để đừng có coi bài qua lại, nhìn thấy một cái là nhớ về quê hương liền   vô cùng thô sơ. Thi xong tôi mới nghe mấy người ở trường nói là đây là lần đầu tiên tổ chức thi loại này ở đây nên chưa chuẩn bị kỹ. Mới đầu phòng thi yên ắng lắm vì đó là phần thi đọc và viết. Khi phần thi môn nói bắt đầu thì cả phòng tràn ngập tiếng rù rì, mạnh ai nấy nói vô cái microphone của cái headset để trả lời câu hỏi và phần trả lời sẽ được thu âm trực tiếp để chấm điểm.
Lo làm bài tôi không để ý thời gian, lúc xong thì gần 10.30 tối. Tôi gọi nhờ bà M tới đón và dĩ nhiên không thể nào không kèm theo chút giọng năn nỉ "Could you please..."
Khoảng 10 ngày sau là có kết quả thi TOEFL, đêm trước ngày biết điểm tôi không ngủ được, cứ trằn trọc cho tới 5 giờ sáng để gọi điện thoại sang Minnesota nhờ ông T coi kết quả vì bà M khộng cho xài internet.
Kết quả, lần đầu tiên trong suốt ba tháng tôi tươi cười trở lại. Điểm cao hơn tôi dự đoán vì vậy tôi yên tâm hoàn toàn vào chuyện chuyển trường và không còn lo lắng nhiều nữa.
Điểm thi ESL cũng có luôn. Khi thi vào khóa ESL này, tôi làm bài tốt nên được cho vào học lớp cuối khóa. Do vậy học xong người ta làm lễ tốt nghiệp luôn. Quái lạ ở chỗ là tôi không hề hay biết gì vế chuyện tốt nghiệp.
Tình cờ một bữa tôi lên trường gặp bà tư vấn (counselor) để nói chuyện trước khi chuyển đi thì thấy có nhiều người đi vào trong tòa nhà nơi trường thường tổ chức sự kiện. Tò mò, tôi mon men lại coi, mấy đứa học chung mới hỏi là sao tôi không đi lấy áo tốt nghiệp. Mặt mày ngơ ngác, tôi  nghĩ "Giỡn ha"! ESL cũng có tốt nghiệp nữa". Tới coi danh sách, thấy có tên mình nên tôi chạy tôi chạy lại nhận nón, áo và một giấy chứng nhận. Buổi tốt nghiệp rất vui mà cũng có cái xui. Vừa chụp hình xong ông thầy biểu quăng nón lên, một cái nón từ hàng trên bay thẳng vô mắt bên trái tôi. Con mắt bị trúng mạnh tới nỗi tôi không thể nào mở mắt ra được và đau chịu không nổi. Rốt cuộc tôi phải ráng lết tới trạm xe bus để về nhà không có cơ hội chụp hình thêm.
Bữa sau mưa lâm râm, tôi đi bộ tới cửa hàng cách nhà cà cây số để mua băng keo về dán thùng đồ lại vì con hai ba bữa nữa là tôi đi rồi. Trên đường đi tôi nhìn ngó xung quanh, những ngôi nhà và những hàng cây dọc bên đường vì không biết có dịp trở lại đây không. Con đường đi bộ từ trạm xe bus về nhà không biết tự khi nào bỗng trở nên thân thương.
Đang đi tôi dừng lại nhìn quanh coi con mèo mà tôi thường thấy gần trạm xe buýt có lang thang đâu đó không. Mỗi lần tôi đi học về là con mèo chạy lại nằm uốn éo dưới chân rồi lăn ngửa ra đường. Lần đầu tiên tôi thấy một con mèo khôn vậy vì chỉ cần ngoắt tay là nó chạy lại liền nhưng bữa nay không thấy nó.

*
Hôm tôi rời Seattle để chuyển trường sang Minnesota trời mưa lớn hơn nhiều so với lúc tới.  Kéo hai cái va li và thùng đồ ra khỏi nhà tôi không quên để lại trên gối một tấm thiệp cám ơn cho bà M. Tôi không vui vẻ gì với những tháng ngày ở đây nhưng dù sao ba tháng đó cũng mang lại ít nhiều kỷ niệm và có lẽ nhờ những khó khăn này mà tôi thấy mình lớn lên một chút.
Người ta chở thẳng tôi ra sân bay. Không còn gì vương vấn, tôi gửi ngay hành lí và vô đợi bên trong. Tôi vừa mừng vì mình đợi chuyển đi nhưng cũng vừa lo không biết cái gì đang chờ đợi mình ở nơi sắp tới. Dù gặp nhiều khó khăn, tôi nhìn lại những người xung quanh mình và thấy rằng tôi may mắn nhiều lắm. Thành thật mà nói những chướng ngại này làm sao so sánh được với những người Việt đi trước. Người ta qua bên này bằng đường biển, ngôn ngữ không rành, vô cùng khó khăn nhưng họ đã vượt qua tất cả để tồn tại được ở đất nước này. Tại sao tôi lại không"!      
Phu Si Huynh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến