Hôm nay,  

Người Vợ Gỗ

02/08/200800:00:00(Xem: 252806)

Tác giả: Bồ Tùng Ma

Bài số 2367-16208443-vb7020808

Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, LA. là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ với các bài viết "Ông Mỹ Chết Nhát" và "Ông Ba Đau Khổ". Năm tiếp theo, ông viết "Tái Sinh", như tự truyện của một cựu sĩ quan hải quân, cựu H.O., hiểu ra lẽ "tái sinh" trong sức sống ồ ạt tại Mỹ. Năm 2008, ông nhận giải Việt Bút, giải đặc biệt dành cho tác giả Viết Về Nước Mỹ đã “vượt được chính mình” khi có thêm những bài mới hay hơn bài đã từng nhận giải.

***

Huy là bạn học của tôi từ nhỏ. Tôi thân Huy vì tính cách của nó. Tôi thích nhất một điểm nơi Huy: Hắn không biết phô trương. Hắn thường để người khác tự tìm hiểu về hắn, lần lần thấy hắn có nhiều "cái hơn người" hơn là họ nghĩ. Đôi khi hắn tự hạ thấp mình xuống, để sau đó người ta thấy hắn là người khiêm nhường. Ngoài ra, hắn không bao giờ hứa với ai những gì hắn không làm được. Trước đây, đối với người vợ sắp cưới cũng vậy, Huy chẳng bao giờ nói hắn sẽ đem đến cho cô ta những gì nhiều hơn lòng yêu thương. Do đó hắn không làm cho vợ hắn vỡ mộng. Hắn đã củng cố được hạnh phúc gia đình, dù vợ hắn có nhiều cái vượt trội hơn hắn : trẻ hơn, đẹp hơn, thuộc gia đình giàu có hơn. Dù sao tôi cũng chỉ nghe nói về vợ hắn cho đến giữa năm1975. Tôi đã gặp lại hắn trong ngày giỗ Đức Thánh Trần tại nhà hàng Paracel. Tôi nghĩ đến những "ưu tiên" của người phụ nữ trên xứ Mỹ nên đã... hồi hộp hỏi thăm vợ hắn. Huy đã nói nhiều về người vợ. Tôi sắp xếp lại chuyện hắn kể cho mạch lạc hơn.

***

Tôi hơn vợ tôi 10 tuổi. Không chênh lệch quá nhiều, nhưng vợ tôi hơi nhỏ con, mặt tròn, biết cách ăn diện, trông bà ấy giống như ...con gái tôi. Trước đây mỗi khi cùng nhau ra chỗ đông đúc, tôi hay tránh né cái khoèo tay tình tứ của vợ vì không muốn thấy những cặp mắt khó chịu của các bà trạc tuổi tôi. Có lần về Việt Nam chơi, tôi chở vợ tôi bằng xe Honda, bà ấy ngồi phía sau ôm eo ếch tôi. Có người xầm xì :

-Việt kiều nào cũng thích bồ nhí. Con vợ già bên Mỹ biết được, khỏi có ngày về thăm quê hương.

Vợ tôi nghe kể lại, cười hồn nhiên: "Tôi biết vậy chớ! Nhưng không đáng quan tâm. Họ nói vậy hả " Nói vậy cũng không sao. Cũng vui mà."

-Anh không hiểu sao em không đi tu.

Nghe tôi nói, bà ấy cười:

-Việc gì phải đi tu, làm sao có con, mình đi nhà thờ, đi chùa, không làm hại ai là được.

 Nhớ lại ngày mới qua Mỹ. Chúng tôi theo đạo ông bà, nhưng nể lời mời của một ông mục sư, chúng tôi đi nhà thờ nhiều lần. Một hôm ông mục sư tuyên bố vợ tôi đã ...(cái gì đó tôi quyên mất), rồi vợ tôi cùng vài ba người nữa lên quỳ trước bàn thờ Chúa, trở thành tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm. Tôi không phản đối, chỉ hỏi :

-Sao em có đức tin nhanh vậy"

-Em thấy các tín hữu ở đây ai cũng dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, nhường nhịn nhau. Em thích lắm. Em muốn giống như họ.

Nhưng sau này thỉnh thoảng vợ tôi vẫn đi chùa và treo lên tường, nơi trịnh trọng nhất, bức liễn có ghi 10 điều tâm niệm của Phật.

"Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thì ân có mưu tính". Thích câu tâm niệm này, vợ tôi đã treo bức liễn bên cạnh cái thánh giá.

Sau này chúng tôi định cư tại Los Angeles, ở một nơi không có nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm, vợ tôi đi nhà thờ Tin Lành. Tín hữu Tin Lành ở đây cũng dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, nhường nhịn nhau. Trong một buổi lễ, vợ tôi và một người khác quỳ trước bàn thờ Chúa, ông mục sư nói gì đó, vợ tôi trở thành tín đồ Tin Lành. Lúc đầu tôi nghĩ bà ấy tào lao nhưng sau suy nghĩ kỹ, tôi biết bà ấy là người hướng thượng, thấy tất cả mọi tôn giáo đều khuyên con người tìm lành tránh dữ, nên bà ấy muốn làm một việc khác đời là...theo tất cả các tôn giáo. Nếu ngày nào đó gia đình tôi dời qua Afghanistan, chắc chắn vợ tôi sẽ trùm khăn và bằng lòng cho tôi có 4 vợ.

Như trên đã nói, vợ tôi đã thi ân, không cầu đền đáp. Bà ấy có con cháu họ xa, nhà nghèo. Theo lời năn nỉ của nó, vợ tôi cho nó mượn tiền ăn học suốt mấy năm, cho nó mượn tiền làm hồ sơ du học. Khi qua đến Mỹ, nó than chán, đòi về. Không những đòi về mà còn oán vợ tôi làm nó xa quê hương, nơi rất vui vẻ, có bạn bè bồ bịch, muốn đi đâu chỉ cần nhảy lên xe Honda là đến ngay, chớ không phải như ở Mỹ, như ...què chân. Nó còn nói đã lầm khi sang đây. Nó mượn laptop tôi, chat với thằng em, quên sign out nên tôi đọc được. Tôi không muốn đọc nhưng nó nằm chình ình trước mắt , khó tránh được. "Dì về Việt Nam thì thấy oi ghê, thần tượng ghê, mà ở đây, cũng...thường thôi. Tưởng làm cái bà gì bên Mỹ. Không ngờ...." "Dượng thì sao"" "Dượng trông bệ vệ như ông bí thư thành uỷ mà cũng rửa chén, lau nhà". "Dượng bụng phệ mà ngồi lau nhà được hả" Chắc phải bò. He, he"

Nghe nói nó muốn về Việt Nam, tôi đâm hoảng, nó mà về thì chắc chắn không trả nỗi số tiền đã mượn với số lương ba đồng ba cọc bên Việt Nam. Nhưng sau nghĩ lại, tôi thấy thà để nó về, mất chừng đó tiền còn hơn mất thêm một số tiền ăn học cho nó.

-Cái tướng nó coi bộ khó làm ra tiền trả nợ lắm.

-Nó không trả cũng chẳng sao. Cùng lắm tôi "cày" thêm ban đêm chừng một năm là đủ số tiền cho nó mượn.

Vợ tôi thản niên nói. Tôi nhìn bà ấy, tự hỏi không hiểu sao bà ấy chịu "cày" như vậy, để đem tiền cho người không đáng cho. Tôi thì xin thua. May mắn cho chúng tôi, có anh chàng con nhà ...vô phước, đã đến rước nó đi. Nó có thẻ xanh, làm Việt kiều, rồi về thăm quê hương nói dóc. Được 2 năm nó li dị, lấy thằng khác. Số tiền nợ chúng tôi vẫn chưa trả.

Nghe Huy nói, tôi thấy hơi bực cho lòng tốt của vợ nó vì vợ tôi cũng có tánh vị tha, nếu không nói là tào lao, chẳng khác chi vợ nó. Mỗi lần về Việt Nam tôi rất khổ vì phải tìm địa chỉ những người quen của vợ tôi để giao những món quà, những số tiền bà ấy biếu. Tôi cũng thấy hảnh diện có người vợ tốt tánh như vậy. Nhưng một lần ở Vịêt Nam tôi đã "nhăn" bà ấy gần 10 phút trong điện thoại: "Anh bảo bạn em lên Sài Gòn nhận tiền, anh không có thì giờ xuống Tân An" "Anh chịu khó xuống thăm bạn em đi" "Anh xuống thăm cũng được nhưng anh thấy không ... đáng xuống. Bạn em nói bận coi cửa hàng, lên Sài Gòn là mất nguyên một ngày thu nhập 500 đô". "Nó có tiền kệ nó, mình cho con nó. Em thương thằng Cu Tý . Anh còn nhớ ngày mình xuất cảnh không" Vợ cán bộ gì mà tới nhà xin quần áo cũ, thằng Cu Tý thì ốm nhôm như cây Tăm" "Mười tám năm rồi, chồng bạn em đã là giám đốc một công ty liên doanh, vợ nó có cửa hàng buôn bán lớn, thằng Cu Tý nay đã 25 tuổi, cán bộ phục vụ tại một cơ quan hái ra tiền. Đa số dân Việt Nam nghèo nhưng một số người có quyền thế, dựa dẩm, mánh mung, trở nên giàu có, họ ...mua em đem bắn cũng được. "Kệ nó.." "Kệ nó cái con khỉ. Em ngu như con bò. Không nói chuyện với em nữa." Vợ tôi khóc. Tôi hối hận. Nhớ lại, thấy mình thô lỗ. Sau, tôi lấy 200 đô mua quà gởi xuống Tân An. Tôi nói với Huy dù sao nó cũng có một người vợ hiền, tốt tánh, thật là hạnh phúc. Huy nói không hẳn như vậy đâu, nó chưa nói hết chuyện mà.

Huy ngập ngừng một chút rồi kể tiếp.

Không ai tưởng tượng nỗi đã trên mười năm tôi không làm "chuyện ấy" với vợ tôi. Sau khi sinh đứa con gái út, vợ tôi tự nhiên mắc bệnh lạnh nhạt nặng. Tôi tìm mọi cách chửa trị cho bà ấy nhưng vô hiệu. Lúc đầu tôi còn năn nỉ, có khi ép bà ấy, bà ấy cũng chiều tôi. Một tháng mới có một lần. Trong lúc đêm hôm, tôi ngỏ ý muốn..., vợ tôi thường từ chối bằng 3 tiếng:

-Buồn ngủ quá!

Tôi nghe nói ở trong những môi trường khác, thơ mộng hơn, lạ hơn, có khi trong một khu rừng, một cánh đồng, một cái nhà nhỏ...cũng khiến người vợ cảm thấy hứng khởi, vì chuyện lạnh nhạt nơi họ thường do tâm lý. Tôi đề nghị hai vợ chồng về Việt Nam thăm ông bà ngoại sắp nhỏ tuổi đã khá cao, đồng thời "chửa bệnh tâm lý" cho vợ tôi. Tôi rủ vợ tôi ra Đà Nẵng, nơi tôi gặp bà ấy lần đầu tiên. Nghe nói dọc bãi biển Tiên Sa người ta có cho thuê những ngôi nhà rất nhỏ riêng biệt, đầy đủ tiện nghi và an toàn, tôi dắt vợ tôi qua đó. Chỗ này không lạ lùng gì đối với tôi. Đây là một bãi biển nhỏ, xinh đẹp, thơ mộng, trước năm 1975 được kiểm soát bởi Sở Phòng Vệ Duyên Hải, một lực lượng hải quân đặc biệt thuộc Nha Kỷ Thuật. Quân đội Mỹ gọi nơi đây là Spanish Beach vì có mấy ngôi mộ cỗ của giáo sĩ Tây Ban Nha. Trên ngọn đồi nhỏ sát bãi biển có cái nhà nguyện Công Giáo với hình dáng một chiếc hải thuyền xưa. Tại cái vịnh nhỏ xíu này vào năm 1974 tôi đã cùng vợ tôi trốn bạn bè bơi ra một ghềnh đá kín đáo, ở đó vừa đủ thời gian tình tự rồi bơi về, lên bờ trong dáng vẻ mệt mỏi dưới những cặp mắt tò mò soi mói nhưng vui vẻ của các bạn. Bãi biển ngày nay đã khác xưa. Có hai quán ba lớn với những cô bán hàng xinh tươi trẻ trung, dáng điệu mời mọc. Trên bãi biển, ...da thịt nhiều hơn áo quần. Nhưng đối với tôi, tất cả đều không hấp dẫn bằng người vợ tóc đã có vài sợi bạc, đôi mắt với nhiều vết chân chim, mà lát nữa đây trong một cái nhà nhỏ cách biệt đằng kia, chúng tôi sẽ cùng nhau lui về quá khứ, sống lại thời son trẻ say đắm bên nhau. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ như đồ ăn thức uống, những dĩa nhạc vợ tôi ưa thích, một ít thuốc men cần thiết. Khi vào nhà tôi hỏi vợ tôi:

-Em thấy sao"

-Em thấy nếu không nhìn bờ, chỉ nhìn ra biển, thì cũng chẳng khác chi trước: Hải đảo, những chiếc tàu và hải âu.

-Phải, anh thấy những con hải âu này hình như cũng là những con hải âu xưa kia. Còn vầng trăng trên ngọn đồi nữa. Tất cả đều cũ như hồi anh và em mới quen nhau.

Tôi đâm ra lãng mạng, nói như muốn làm thơ. Tôi chọn một bản nhạc trước đây vợ tôi rất thích: Paloma. Tôi không quên khép bớt một trong hai cái cái cửa sổ dù biết chắc không có ai tò mò nhìn vào phòng chúng tôi. Hai ngôi nhà nhỏ ở gần đã có hai cặp còn trẻ thuê. Chắc chắn ai cũng...lo phần nấy. Đã hai tháng nay chúng tôi không ăn nằm với nhau, nên tôi hơi vội vã và hùng hổ. Tôi thấy hình như vợ tôi hơi run, làm tôi thêm hứng thú. Sẽ không còn nữa, những ngày chúng tôi kề lưng vào nhau nằm ngủ như hai đứa bé. Bắt đầu từ đây chúng tôi là đôi vợ chồng mới cưới. Tôi đang phấn chấn, bỗng thấy vợ tôi co rúm người lại.

-Em nghe có mùi gì...giống như mùi...tử thi.

-Làm gì có chuyện đó. Những ngôi mộ giáo sĩ đã cổ hàng mấy trăm năm, không chừng người ta đã dời đi rồi.

-Rõ ràng em thấy có mùi người chết

-Anh không thấy gì cả, một là mũi anh, hai là mũi em, có vấn đề.

-Anh đóng kín cửa sổ lại đi.

Tôi đóng cửa xong một lát thì đèn vụt tắt, tiếng nhạc cũng không còn, chỉ còn vầng trăng lấp ló ở cái cửa sổ nhỏ trên cao, phía sau. Tôi bật thử ngọn đèn chính trong nhà nhưng vẫn không có ánh sáng. Có tiếng người bảo vệ trả lời câu hỏi của ai đó:

-Cúp điện bất thường. Không có chi lạ đâu.

Tôi lại hứng khởi và hùng hổ. Bỗng nhiên tiếng nhạc lại trổi lên, đèn vụt sáng. Lần này có thêm ánh điện sáng quắc của cái đèn mà tôi vừa bật Mặt vợ tôi tái xanh, răng nghiến lại. Tôi hốt hoảng hỏi:

-Gì vậy"

-Không sao cả.

-Sao lại "không sao cả"

Vợ tôi vừa mặc lại áo ngủ vừa nói:

-Vì những lần trước cũng gần như vậy. Những lần trước đèn không sáng lên thình lình nên anh không thấy.

-Anh tưởng lần này có thể thay đổi được em. Hay tại cái mùi hôi. Bây giờ anh mới nhớ ra. Đó là mùi cá ương phơi khô. Người ta phơi cá ương để làm phân bón, không phải để ăn. Lúc mình mới đến đây không nghe thấy mùi hôi vì gió chưa đổi chiều.

-Mùi hôi làm em nhớ lại ngày vượt biên, mấy xác người sình thối trong nước biển. Cũng cái vịnh nhỏ. Cũng cái mùi này. Nhưng không hẳn vì cái mùi. Từ lâu em đã cố gắng chiều anh, đã chịu đựng. Hôm nay lại thêm cái mùi hôi.

Tôi im lặng, mở tủ lạnh lấy lon bia tu một hơi, ngủ cho đến sáng. Tôi có tật hể uống bia vào là ngủ say liền. Lúc thức dậy tôi thấy vợ tôi, quần áo chỉnh tề, nằm ngủ như một đứa trẻ. Tôi khẻ đụng vào người bà ấy. Tôi nghe giọng ngái ngủ:

-Buồn ngủ quá.

-Ai làm gì em mà em buồn ngủ!

Trở về Mỹ, một hôm tôi nói với bà ấy:

-Em muốn li dị không"

Mặt vợ tôi tái đi, trên đó có đôi mắt rưng rưng. Tôi nói tiếp:

-Vợ chồng sống với nhau mà libido không có, làm sao được. Anh có ôm em, vuốt ve em, em cũng không có cảm giác. Em là một khúc gỗ không hơn, không kém. Một người vợ gỗ. Anh muốn biểu lộ tình yêu của anh đối với em, anh phải làm sao" Nhìn thôi hả"

Vợ tôi rụt rè sợ sệt đưa mắt nhìn tôi như có ý nói: "Anh yêu thương em thì hảy để em yên, đừng làm chuyện ấy".

Hôm sau tôi đến đứng sau lưng vợ tôi trong lúc bà ấy đang ngồi trang điểm.

Tôi chỉ vào trong gương nói:

-Anh thích cô kia.

-Em chứ ai

-Em mà không phải em, nghĩa là có những cái ngược với em, em có cái nốt ruồi bên trái, "cô này" có nuốt ruồi bên phải; em có mái tóc lệch về bên phải, "cô này" có mái tóc lệch về bên trái, chắc "cái ấy" của "cô ta" cũng khác em. Anh muốn ôm cô ta. Nhưng khổ nỗi, ôm cô ta thì phải ôm em, một điều em không thiết tha gì.

Vợ tôi đưa mắt nhìn tôi như muốn lặp lại. "Anh yêu thương em thì hảy để em yên".

Từ đó, nghĩa là hơn 10 năm rồi, chúng tôi không hề ăn nằm với nhau. Dĩ nhiên bà ấy có thể chiều tôi, nhưng tôi không muốn có một người vợ gỗ. Gỗ thì không thiếu.

- Mình không chấp nhận một người vợ như vậy. Người vợ ấy có trăm nghìn nết hay tánh tốt mình cũng không cần. Cái đó là cái chính của tình vợ chồng mà, sao lại mất đi được. Có chồng làm gì, có vợ làm gì.

Một người bạn của tôi nói vậy sau khi nghe tôi kể lại chuyện trên bằng cách bỏ đi vài chi tiết làm hắn không biết tôi là người trong cuộc.

Hắn còn nói thêm:

-Nếu mình có người vợ như vậy, mình sẵn sàng "đổi" ngay, để lấy một người vợ có những cái ngược lại, nghĩa là một người vợ bình thường như phần lớn những người vợ khác.

Tôi nói:

-Mình thì nghĩ khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến