Hôm nay,  

Bảo Lãnh Con

18/04/200800:00:00(Xem: 160570)

Người viết: Khanh Vũ
Bài số 2276 -16208253-vb4160408

Tác giả là cư dân Nam California, cho biết ông cùng gia đình định cư tại Mỹ theo diện Ho. năm 1992, riêng cô gái đầu lòng, vì đã có gia đỉnh riêng, nên phải ở lại Việt Nam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Khanh Vũ kể về tiến trình bảo lãnh cho gia đình người con gái sang đoàn tụ.

*

  Từ sau biến cố tang thương 30-4-1975, hầu như nguời Việt Nam nào khi đã ra được nước ngoài rồi cũng nghĩ ngay đến vấn đề bảo lãnh thân nhân; mục đích không ngoài mong muốn có sự đoàn tụ gia đình đồng thời giúp người thân có một đời sống tốt đẹp, một tương lai xán lạn hơn. Ở Mỹ thông thường tùy hoàn cảnh người được bảo lãnh cũng như tùy thời điểm mà việc bảo lãnh cho người thân từ VN sang có kết quả nhanh hay chậm. Theo kinh nghiệm những năm đầu thập niên 1990 tùy trường hợp con độc thân hay có gia đình mà thời gian bảo lãnh là ba năm hay năm năm.
Riêng trường hợp tôi bảo lãnh con có gia đình từ cuối 1999 đã phải kéo dài hơn 8 năm mới có kết quả. Cháu vừa sang đoàn tụ với gia đình vào đầu năm 2008. Ngày đón cháu và gia đình nó năm người gồm hai vợ chồng và ba đứa cháu ngoại dưới 21 tuổi ở phi trường Los Angeles là ngày rất vui sướng đối với tôi, có lẽ không thua gì lúc chính tôi đã đến đây vào một ngày cách nay hơn 16 năm.
 Gia đình tôi sang định cư tại Mỹ theo chương trình HO từ cuối năm 1992 gồm vợ chồng và hai đứa con, đứa gái lớn đầu lòng phải ở lại vì đã có chồng với hai con nhỏ (mấy năm sau thêm một đứa thứ ba). Luật lệ di trú của Mỹ vào năm ấy không cho phép người đi theo diện HO được mang theo con đã lập gia đình. Thế nên khi vừa ổn định chỗ ăn ở, có công việc làm rồi tôi nghĩ ngay đến việc bảo lãnh cháu gái còn kẹt lại ở VN.
Tôi hỏi thăm thể lệ bảo lãnh với một người bạn học cũ đang làm việc trong ngành di trú thì được biết người có thẻ xanh như tôi chưa có thể làm giấy tờ bảo lãnh con có gia đình được mà phải đợi đến khi có quốc tịch Mỹ.
Năm năm gần qua đi, ngày chúng tôi có thể nộp đơn xin thi quốc tịch chờ đợi mãi mới đến. Chúng tôi nộp đơn ngay với biết bao hi vọng, viễn ảnh tốt đẹp trong tâm trí. Tính ra thời gian từ lúc nộp đơn đến lúc trở thành công dân Mỹ này đối với những người khác thường chỉ mất khoảng sáu tháng đến một năm là xong, riêng trường hợp của vợ chồng tôi không biết vì trục trặc gì nên đã phải gần hai năm mới hoàn tất.
Ngay khi đã cầm bằng quốc tịch trong tay, tôi liên lạc ngay với anh bạn Q lúc này vẫn đang làm việc ở văn phòng Word Relief, một cơ quan chuyên phụ trách các dịch vụ di dân, để tiến hành thủ tục bảo lãnh cho đứa con ở VN. Anh Q vốn là người bạn học cũ rất tốt nên khi tôi nhờ đến anh vui vẻ sốt sắng hướng dẫn tận tình giúp tôi hoàn tất mau lẹ hồ sơ. Anh Q giúp tôi điền mầu đơn bảo lãnh thân nhân (Mẫu I-130) và gởi cho Sở Di trú và Nhập tịch INS thuộc Bộ Tư Pháp ngay sau khi hoàn tất.
Khoảng hai tuần sau thì tôi nhận được thư báo (Mẫu I-797C) của INS cho biết đã nhận được hồ sơ bảo lãnh của tôi. Và bảy tháng sau nữa thì tôi nhận được thư báo (Mẫu I-797) cũng của INS cho hay hồ sơ của tôi được chấp thuận và đã được chuyển tiếp đến Trung tâm Chiếu khán Quốc gia NVC thuộc Bộ ngoại giao để thi hành những bước thích hợp kế tiếp. Đó là vào giữa năm 2000 khi các hồ sơ nộp vào năm này và những năm trước đó được cứu xét đều đặn nhanh lẹ.
Sau khi được giấy báo hồ sơ của tôi đã được chấp thuận tôi rất mừng hỏi anh Q liệu chừng bao lâu việc bảo lãnh có kết quả, anh cho hay theo kinh nghiệm những năm qua thì khoảng chừng 5 năm đối với con có gia đình. Sau khi làm thủ tục bảo lãnh tôi thông báo cho con tôi ở VN biết, cháu rất vui mừng và hỏi tôi chừng nào gia đình cháu có thể sang Mỹ, tôi cũng trả lời nó là vào khoảng 5 năm như lời anh Q đã nói với tôi.
Yên tâm thời gian đoàn tụ với con còn xa, tôi lại chú tâm vào sinh kế và gia đình, đặc biệt ba đứa con sống gần bên trong đó một đứa vượt biên đến Mỹ trước tôi vài năm, hai đứa kia thì đi cùng với tôi theo diện HO. Đến thời điểm này, hai đứa đã tạm học xong và đi làm, đứa thứ ba còn tiếp tục học lên. Thời gian lặng lẽ trôi với sự trông mong chờ đợi hàng ngày, tôi cứ đinh ninh đến năm năm gia đình đứa con ở VN sẽ sang đoàn tụ nhưng đã bốn năm ngoài vẫn chưa thấy động tịnh gì. Rồi 5 năm đến, 5 năm đi mà theo bản tin chiếu khán định kỳ hàng tháng, ngày đáo hạn của hồ sơ con tôi vẫn còn xa vời vợi. Tôi cảm thấy vô cùng sốt ruột mỗi lần nghĩ đến điều này rồi không khỏi băn khoăn thắc mắc, không biết hồ sơ của mình có gì trục trặc, thiếu sót.
Sau này tôi mới biết thời gian những năm sau gần đây, việc cứu xét hồ sơ bảo lãnh bỗng trở nên trì trệ, chậm hẳn lại. Tôi có liên lạc anh Q để hỏi thăm tin tức thì cũng không biết được gì hơn ngoài việc có sự chậm trễ không rõ nguyên do từ sở di trú Hoa Kỳ. Hỏi thăm những bạn bè cùng hoàn cảnh bảo lãnh con, tất cả đều không có câu trả lời dứt khoát về tình trạng chậm trễ mà chỉ có thể đưa ra những lời phỏng đoán: có thể chậm trễ do số hồ sơ bảo lãnh ngày càng nhiều mà cấp khoản cho nhập cư hàng năm không thay đổi, do tình hình an ninh của nước Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9-2001 khiến mọi hồ sơ cần được cứu xét kỹ hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn, do tình hình bang giao giữa hai nước .v.v.
Một vài người bạn thân hiểu tình trạng hai nơi của gia đình tôi lâu lâu lại hỏi thăm: "Tình trạng của cháu gái được bảo lãnh đến đâu rồi " Mỗi lần bị hỏi như thế là mỗi lần tôi không biết trả lời gì hơn là "Chưa đến lượt, phải chờ thêm nữa thôi!" mà trong lòng thì buồn rười rượi. Khi nỗi buồn qua đi tôi lại tự an ủi lấy mình thôi ta cứ gắng đợi, một ngày gần đây sẽ đến lúc khai thông, hồ sơ sẽ được cứu xét nhanh chóng hơn.
Năm năm trôi qua, rồi sáu năm cũng hết mà vẫn chưa có tin tức gì vui. Trong lúc đó tuổi tác ngày càng cao, từ gần cuối sáu mươi, đến bảy mươi rồi bảy mươi ngoài vẫn chưa nghe có gì tiến triển, hồ sơ bảo lãnh con có chồng vẫn tiến triển rất chậm. Tâm trạng lo âu ngày càng cao, đôi khi tôi chợt có ý nghĩ bi quan. Ở tuổi trên thất thập, quỹ thời gian cạn lần, sức khoẻ ắt hẳn đã hao mòn nhiều vì đã có thời gian gần mười năm trong các nhà tù cộng sản từ Nam chí Bắc thì việc chẳng may bất ngờ phải nằm xuống cũng không phải là việc chẳng thể xảy ra. Nếu chuyện không hay xảy ra thì sao" Hồ sơ bảo lãnh sẽ bị hủy hay cứu xét lại khi có người bảo lãnh khác" Dù là người bảo lãnh kế tiếp có là người phối ngẫu thì thời gian chờ đợi hẳn cùng sẽ lâu hơn. Những ý nghĩ miên man này càng làm cho tôi thêm nôn nóng, buồn nản, nhất là thời gian này lại thêm tin trên báo chí từ một dự luật cho hay chánh phủ Mỹ sẽ siết lại việc di dân, không cho bảo lãnh con có gia đình, anh em bảo lãnh cho nhau .v.v. nhưng rất may dự luật này đã bị chìm xuồng nhanh chóng sau đó.
Cho mãi đến đầu năm thứ bảy tức là đầu 2007 một hôm tôi bỗng nhận được cú điện thoại của người anh họ ở Ohio vui vẻ cho hay vừa nhận được giấy tờ của Trung tâm Chiếu khán Quốc gia NVC yêu cầu đóng lệ phí cứu xét các hồ sơ cho những người được bảo lãnh. Ông này đã bảo lãnh đồng lúc cho ba người con có gia đình ở VN, gồm cả thảy mười một người; các đơn bảo lãnh nộp trước tôi sáu tháng. Không biết ông này vui đến thế nào sau thời gian dài chờ đợi khi nhận được tin trên, chỉ biết là ông đã cấp tốc chia xẻ tin vui với tôi và tiến hành ngay những yêu cầu của Trung tâm chiếu khán quốc gia NVC. Tôi cũng vui lây với ông và liên tưởng ngay đến hồ sơ bảo lãnh con của mình, lòng khấp khởi mừng thầm hi vọng rồi gần đây sẽ đến lượt mình khi được báo tin như thế.
Từ lúc này tôi siêng theo dõi bản tin chiếu khán cập nhật mỗi giữa tháng trên trang nhà của Bộ ngoại giao, các vấn đề liên quan đến di trú trên các báo chí địa phương kể cả các thông tin, giải đáp thắc mắc trên đài phát thanh do ông N.L (USCC) phụ trách. Qua đó tôi biết được nhiều thông tin cập nhật về tình trạng bảo lãnh thân nhân tiến triển ra sao, đặc biệt chú ý đến trường hợp bảo lãnh con có gia đình.
Bản tin chiếu khán hàng tháng cho biết ngày chiếu khán đáo hạn của nhiều diện xin nhập cảnh xếp theo thứ tự khởi đầu bằng F1. Tôi chú ý đến F3 là diện dành cho những người con có gia đình và cũng từ lúc này tôi nhận thấy việc xét hồ sơ tiến triển khá nhanh, có tháng tăng thêm được cả mấy tháng chứ không khựng lại hay rề rà tăng chỉ vài ngày như thời gian trước đây. Suy từ trường hợp ông anh họ nộp hồ sơ trước tôi sáu tháng tôi ước tính nếu cứ đà cứu xét như thế này thì độ giữa năm 2007 là đến lượt ngày đáo hạn hồ sơ của tôi. Lúc đó tôi sẽ được yêu cầu bổ túc hồ sơ, tôi sẽ chuẩn bị nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc để sẵn sàng đón gia đình con gái sang. Bao nhiêu hi vọng vụt đến trong tâm trí, những niềm vui nhen nhúm trong tôi chẳng mấy chốc lan tỏa đến cả mọi người trong gia đình khi tôi thổ lộ những điều dự đoán và ý định này.


Sau đó quả nhiên như tôi dự đoán, đầu tháng 8-2007 thì anh Q báo cho tôi biết đã có giấy báo của NVC về hồ sơ bảo lãnh của tôi. NVC yêu cầu tôi đóng lệ phí cứu xét hồ sơ bảo trợ và đóng lệ phí cứu xét đơn xin cấp chiếu khán di dân cho các thân nhân được bảo lãnh. Tôi mừng rỡ đến gặp anh ngay và hoàn tất nhanh chóng những điều NVC đòi hỏi bởi trước đó tôi đã chuẩn bị sẵn sàng giấy tờ và số tiền cần thiết dựa theo những thông tin mà người anh họ ở Ohio đã cho biết.
 Từ lúc này anh Q tận tình giúp đỡ, liên hệ thẳng với NVC về mọi giấy tờ liên quan đến hồ sơ bảo lãnh của tôi. Theo yêu cầu của anh, tôi cung cấp tất cả chi tiết cá nhân tôi cũng như của gia đình đứa con ở VN mà sau đó anh cho sẵn vào các mẫu đơn liên hệ trong máy điện toán. Khi cần đến chi tiết nào anh chỉ cần mở máy là có ngay những dữ liệu cần thiết. Do vậy khi có yêu cầu đầu tiên này của NVC anh chỉ bảo tôi mua chi phiếu (cashier's check hay money order) trả cho NVC rồi kèm theo giấy tờ do anh đã điền sẵn để tôi gởi đi ngay.
Khoảng một tháng sau thì anh Q báo cho biết vừa nhận thư của NVC yêu cầu nộp đơn xin chiếu khán di dân (Mẫu DS-230) cho mỗi cá nhân được bảo lãnh và các giấy bảo trợ tài chánh (Mẫu I-864) của người bảo lãnh cũng như của người đồng bảo trợ (joint sponsor) với các chứng từ cần thiết như bản sao khai thuế lợi tức năm vừa qua, bản sao kê khai lương bổng và thuế (Mẫu W-2) ba năm vừa qua. Điều anh Q lưu ý tôi nếu người bảo lãnh không đủ lợi tức trong năm theo quy định của NVC thì người đồng bảo trợ phải có đủ số lợi tức/năm cần thiết theo tiêu chuẩn của NVC cho năm lập hồ sợ.
Cũng như lần trước, tôi cố gắng nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi của NVC nhưng lần này đơn xin chiếu khán di dân buộc phải có nhiều chi tiết lý lịch của những người ở VN và phải nhờ đến một đứa con làm người đồng bảo trợ cần nhiều giấy tờ về tài chánh và cá nhân nên có lâu hơn vì phải mất khá nhiều thời gian mới tập trung đủ các dữ kiện, chứng từ cần thiết. Sau đó tôi phải đem tất cả giấy tờ này đến anh Q để anh hoàn tất các hồ sơ xin chiếu khán và bảo trợ tài chánh. Khi xong anh đưa lại cho tôi để cấp tốc gởi đi. Lúc này, tôi hỏi anh Q liệu tôi có còn phải làm gì nữa không, anh cho biết nếu mọi giấy tờ đã đầy đủ, đúng theo yêu cầu của NVC thì không còn phải làm gì hơn ngoài việc đợi nơi này gởi thư báo hồ sơ đã hoàn tất và gởi về Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở VN, thời gian chờ đợi chỉ độ từ một đến hai tháng.
Quả nhiên đến tháng mười 2007 thì anh Q cho biết đã nhận được thư của NVC báo cho hay đã hoàn tất cứu xét hồ sơ bảo lãnh thân nhân của tôi và đã chuyển về Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sàigòn. Tin này đã giúp tôi lên tinh thần tin tưởng rất nhiều vào kết quả tốt đẹp trong những ngày sắp tới. Theo kinh nghiệm những người đi trước từ lúc nhận được tin này của NVC thì chỉ còn đợi khoảng đôi ba tháng là sẽ có giấy báo ngày giờ đi phỏng vấn với giới chức di trú Hoa Kỳ tại thành phố Sàigòn là xong.
Thời gian chờ đợi có ngày phỏng vấn cũng một lần nữa khiến tôi trông mong từng ngày. Thời gian này tôi thường xuyên liên lạc với con, trao đổi những thông tin, kinh nghiệm phỏng vấn của người vừa đến Mỹ, dặn dò chuẩn bị chu đáo hồ sơ khi phỏng vấn.v.v..Hơn tháng sau thì con tôi vui mừng gọi điện thoại báo tin vừa nhận được giấy của Lãnh Sứ Quán cho biết ngày giờ phỏng vấn.  Thế là theo kinh nghiệm những người đi trước truyền lại, cháu đến nhờ ngay một văn phòng dịch vụ chuyên môn về xuất ngoại, hi vọng mọi việc sẽ được dễ dàng nhanh chóng hơn. Khởi đầu là chích ngừa, khám sức khoẻ và chụp hình để làm giấy chiếu khán cho cả gia đình, mỗi việc đều có cái gía tiền tương ứng phải trả.
Sau khi hoàn tất xong tất cả các việc vừa kể mới là lúc sẵn sàng chờ ngày phỏng vấn và đây là giai đoạn chờ đợi nôn nóng nhất. Cứ đôi ba ngày tôi lại gọi cháu để hỏi thăm tình hình chuẩn bị phỏng vấn, thu xếp gia đình nhà cửa ra sao v. v.. Đến ngày phỏng vấn, cháu và gia đình đi thật sớm, giấy hẹn 9 giờ sáng nhưng 7 giờ gia đình cháu đã có mặt nhưng đã thấy thiên hạ xếp hàng trước mình khá đông rồi.
Sau khi phỏng vấn xong cháu điện thoại báo cho tôi biết kết quả ngay. Cháu kể lại lúc ngồi nơi hàng ghế dành cho diện đoàn tụ với tập hồ sơ mang theo mà lòng hồi hộp nôn nao vô cùng. Kế bên là các hàng ghế dành cho diện xin đi du học, du lịch, diện xin đi theo hôn thê, hôn phu bảo lãnh. Mỗi khi thấy một người được phỏng vấn xong đi ra, chỉ nhìn nét mặt của họ là đoán biết kết quả phỏng vấn ra sao; nếu nét mặt tươi vui hớn hở là đoán biết kết quả tốt, ngược lại vẻ mặt buồn xo là biết hồ sơ có vấn đề đã bị bác, và cháu lại thêm hồi hộp, suy nghĩ miên man. Rất may cuối cùng, hồ sơ cháu đã được chấp thuận chỉ sau vài phút gặp gỡ với giới chức phỏng vấn. Nơi đây cũng cho biết độ hai tuần sau cháu sẽ đến lấy sổ thông hành với chiếu khán nhập cảnh.
Đợi đúng ngày hẹn, cháu lên văn phòng Lãnh sứ quán lấy sổ thông hành đã có dán giấy chiếu khán sẵn. Đến đây thì con tôi mới thở phào khoan khoái, một giai đoạn dài gay go hồi hộp đã qua, bây giờ là lúc tính toán ngay ngày đi sao cho nhanh nhất lại khớp với ngày thuận tiện ra phi trường đón gia đình nó của chúng tôi. Liền đó cháu nghĩ đến việc chọn hãng máy bay và đặt mua vé. Thời gian sau này ở Sàigòn có đại lý của rất nhiều hãng hàng không nào là EVA, Cathay, United .v.v.., giá cả tùy thời điểm và tùy theo hãng, khách hàng thì tùy nhu cầu cũng như túi tiền mà tha hồ lựa chọn.
Đặt mua cho cả gia đình 5 vé xong cháu lo chuẩn bị "hành trang lên đường", nghĩ đến việc phải mua sắm đem theo những gì cho phù hợp với các quy định của chánh quyền cũng như của hãng máy bay. Trước đó cháu có hỏi chúng tôi cần gì cháu sẽ mua đem sang, tôi đã trả lời ngay là không, bên này rất đầy đủ, ngay cả thức ăn VN cũng chẳng thiếu chi và cũng khuyên cháu nên mang gọn nhẹ cho khỏe vì là lần đầu mới xuất ngoại chắc còn nhiều bỡ ngỡ. Do vậy khi đi cháu mang theo rất ít đồ đạc, tất cả được bỏ vào trong những thùng giấy cạc-tông thay vì đựng trong các va-li vừa phải mua tốn kém vừa nặng nề.
Theo tiêu chuẩn của hãng máy bay và số người trong gia đình, cháu có thể đem được mười va-li, mỗi cái không nặng quá 70 lbs, thế nhưng cháu chỉ đem theo 5 thùng cạc tông, mỗi cái nặng độ 50 lbs và vài túi xách tay nhẹ. Ngày cháu ra phi trường Tân sơn Nhất gia đình bên nội ngoại đến đưa khá đông, người nào cũng vui mừng chúc may mắn vừa nghẹn ngào vì sắp phải xa cách người thân thương đã từng sống gần gũi từ thuở nhỏ. Lúc chờ qua cổng cách ly để vào khu cân đo hành lý, cháu gọi điện thoại cho tôi hay đang làm các thủ tục trước khi lên máy bay.
Ở bên này chúng tôi phân công chuẩn bị đón gia đình cháu, người ở nhà lo bữa ăn sum họp đầu tiên, người ra phi trường Los Angeles đón về nhà. Theo lịch các chuyến bay, phi cơ sẽ đến đúng giờ, vào 1 giờ trưa, bởi sáng hôm đó người nhà đã gọi điện thoại đến hãng hàng không để kiểm giờ đến của chuyến bay và biết là không có gì thay đổi.
Chúng tôi ra phi trường sớm nhưng chỉ phải chờ đợi độ hơn một tiếng thì gia đình con tôi ra đến. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết kể cả vấn đề di trú. (Thủ tục di trú này có mất thêm ít thời giờ nhưng lại rất hay vì sau khi về nhà chưa đầy một tháng thì thẻ an sinh xã hội cũng như thẻ xanh (thẻ thường trú) được gởi thẳng về nhà mà không cần phải đi đâu xin cả.)
Từ phi trường chúng tôi đưa các cháu về đến nhà khoảng 3 giờ chiều. Trời tháng hai không lạnh mà có nắng ấm áp thật dễ chịu. Người lớn và cả đám con nít trong nhà nghe tiếng xe đậu trước sân xen lẫn tiếng ồn ào vội vàng chạy ùa ra cửa, ra xe chào mừng, phụ đem hành lý vào nhà. Thật chưa có hôm nào nhà tôi có buổi họp mặt gia đình đông đảo như thế, ngoài vợ chồng chúng tôi là bốn đứa con trai, gái với dâu rể đầy đủ và bảy cháu nội ngoại; tiếng cười tiếng nói chào mừng nhau, lời giới thiệu, thăm hỏi pha lẫn tiếng cười nói reo vui líu lo của đám con trẻ chạy nhảy tung tăng, tạo thành bầu không khí ồn ào nhưng rất vui vẻ đầm ấm.
Gần hai mươi năm tất cả người trong gia đình đến Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, từ vượt biên đầy hiểm nguy, HO lắm cam go đến đoàn tụ nhiều chờ đợi mòn mỏi, giờ đây mới quy tụ được trên cùng một đất nước, dưới cùng một mái nhà. Bữa ăn sum họp đơn sơ nhưng những mẩu chuyện, tin tức chân tình khiến ai cũng cảm thấy vui vẻ khoan khoái trong không khí chan hòa thương yêu của gia đình. Nhìn con cháu hân hoan vui vẻ lòng tôi không khỏi xúc động, chưa bao giờ trong đời, nhất là kể từ khi đặt chân đến nước Mỹ, tôi cảm nhận được một niềm sung sướng trọn vẹn như lúc này.
Hành trình bảo lãnh con có dài, có gay go qua bao chờ đợi, hồi hộp lo âu nhưng nhờ chính sách di dân nhân đạo hào phóng của Hoa Kỳ, nhờ sự giúp đỡ tận tình của người bạn thân và sự chung lo bền bỉ tận tình của cả gia đình, chúng tôi có được ngày đoàn tụ thật hạnh phúc hôm nay.
Tôi liên tưởng đến những người bạn cũng như những đồng hương cùng cảnh ngộ bảo lãnh con có gia đình đang còn trong tình trạng chờ đợi, hi vọng họ sớm được toại nguyện hơn tôi để có những niềm vui, hạnh phúc đoàn tụ gia đình trên đất nước Mỹ tự do và giầu lòng nhân ái.

 KHANH VU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,318,103
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa