Hôm nay,  

Mất Tiền, Kể Chuyện... Không Có Sao!

10/09/200700:00:00(Xem: 160256)

Bài số 2089-1952-656vb8100907

*

Iris Đinh, cư dân San Jose,  là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết "Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh", thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản rồi thành bà bầu ở trại tị nạn và thành bà mẹ nuôi con trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, kể chuyện đi xe đò Hoàng về dự  lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ.

*

Hôm đó là ngày 25 tháng 6 năm 2007. Trời cuối hè nóng nực gì đâu, chưa tới 8 giờ sáng mà đã như gần trưa. Tôi vừa ngồi xuống yên ổn trên chuyến xe đò đi miền nam Cali là lo chuẩn bị tiền để trả tiền vé. Mở ví ra tôi mới biết cái phong bì trong có 400$ đã không cánh mà bay.

Còn 15 phút nữa xe mới chạy, tôi xuống xe và vội vã đi vào tiệm tạp hóa bên cạnh bến xe đò, gần góc đường King và Tully đối diện chợ Lion ở San Jose. Hồi nãy, trước khi lên xe, tôi có vào đây mua nước uống và có thể đã làm rớt ở đây. Hỏi người tính tiền và đi kiếm khắp tiệm cũng không thấy bóng dáng cái phong bì màu trắng của tôi. Nếu có làm rớt, chắc cũng không thể nào kiếm được, vì dễ gì người lượm được chịu trả cho mình. Tôi cũng không muốn gọi Bé, thằng con trai đã chở tôi từ nhà ra bến xe. Tôi nghĩ, nếu có rớt trong xe thì thằng nhỏ đã gọi tôi rồi. Nếu không có trong xe mà tôi gọi thì có thể thằng nhỏ sẽ lo lắng thêm, không ích lợi gì. Buồn buồn, trở lại xe đò cho kịp giờ, tôi tự nhủ:

-Thôi! Của đi thay người. Xuống dưới đó, nếu thiếu tiền mua sách Viết Về Nước Mỹ thì mình sẽ mượn anh Tân Ngố cũng được. Không sao cả.

Tôi đi tham dự lễ tiệc phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) lần này là lần thứ ba. Lần đầu, năm 2004, cùng với gia đình lái xe đi. Lần thứ hai, năm 2005, đi một mình, có chuẩn bị trước, nên mua vé máy bay được giá rẻ. Lần này, vì phân vân mãi nên khi quyết định đi một mình thì đã trễ, vé máy bay mắc quá. Hơn nữa, tôi cũng muốn đi xe đò một lần cho biết với người ta. Nhân tiện có được mấy ngày nghỉ nên cũng không gấp gáp gì.

Qua điện thoại cho tôi, anh Tân Ngố rên rỉ:

-Tôi đã đặt cô Quyên 4 vé. Chung Mốc phỏng vấn rớt, không qua đây được. O Điểm thì ham ở nhà chơi với cháu nội, không chịu đi. Cô không xuống nữa thì không lẽ tôi đi một mình.

-Mấy cô đẹp đẹp bên Gia Long bạn anh đâu"

-Cô đừng nói lớn. O Điểm nghe được thì khổ tôi lắm.

Cũng may sở làm cho tôi nghỉ bù mấy ngày vì tôi đã làm giờ phụ trội cả tháng nay, và họ không muốn trả tiền phụ trội cho nhân viên, nên tôi có thể đi xe đò về lại San Jóse ngày thứ hai 27 tháng 8 mà không phải lo đi làm. Dịp này, về Nam Cali tham dự buổi tiệc phát giải thưởng VVNM để gặp lại bạn bè, những người tôi hâm mộ, và nhất là đi bảo vệ cho ông anh họ "hiền lành bé nhỏ" khỏi bị các người đẹp Gia Long và Việt Báo ăn hiếp.

Quyết định đi xe đò đã làm tôi thấy vui vui từ mấy ngày nay, nghĩ mình tiết kiệm được mấy chục đô cho mỗi chuyến đi về. Ôi thôi! Người đẹp đâu chưa thấy, tiệc tùng chưa được ăn, mới chỉ có chai nước lạnh và ổ bánh mì nguội anh lơ xe phát cho còn giữ ở đây, mà đã mất toi mấy trăm tiền đô nóng hổi, mới rút trong nhà băng ra từ chiều hôm trước. Nếu xúi ông anh mượn tiền O Điểm thì lại sợ bà chị nghĩ anh mình đưa tiền đi chiêu đãi mấy cô thì bỏ xừ cả anh lẫn em, rất bất lợi.

Chẳng bao lâu sau, nhờ máy lạnh trên xe làm không khí mát mẻ, nhờ ổ bánh mì Lee Sandwich và nửa chai nước lạnh đã chui vô bụng, và cũng nhờ anh lơ xe vui tính chọc cười một cách thoải mái, dễ thương, nên tôi tạm nguôi ngoai nỗi buồn mất tiền.

Vừa qua khỏi khúc quanh co của đường 152 và những hồ nước xanh biếc, chiếc xe đò lăn vào xa lộ 5 thẳng tắp, êm êm cắt đôi những cánh đồng nho xanh rì, những vườn cây ăn trái ngay hàng thẳng lối, những thửa ruộng rau xanh và bông vải trăng trắng ngút ngàn. Trên sườn đồi và hai bên đường, lác đác những đám nhân công lom khom thu hoạch mùa màng, những con ngựa nâu thảnh thơi đang ăn cỏ, và vài ba khu trại nuôi bò chen chúc những con bò vàng mập ú, làm cho quang cảnh bớt phần hoang vắng.

Ngồi trên xe đò ngắm cảnh và suy nghĩ lơ mơ về những lần đi tham dự VVNM những năm trước, tôi tự hỏi mình:

-Không biết năm nay lễ phát giải thưởng sẽ được tổ chức ra sao" Mấy ngàn bài viết đã được đăng. Hàng trăm người đã trúng giải, nhưng không biết đã có tất cả bao nhiêu người đọc, trên mặt sách báo và cả trên mạng lưới Internet"

Có một số tác giả tôi đã được gặp mặt và trò chuyện trao đổi trong những bữa tiệc phát giải thưởng. Tuy vậy, ngoài anh Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích đã mời tôi tham dự ra mắt sách của anh vài lần ở San Jose, tôi chưa có dịp nào để gặp gỡ và liên lạc với các tác giả khác, nhất là những người mà tôi đặc biệt mến mộ như anh Nguyễn Văn Hưởng, chị Lê Tường-Vi và nhiều nhiều người khác nữa.

Ban điều hành và ban biên tập toà báo thì tôi quá nể. Những con người âm thầm miệt mài làm việc. Giống như lời chào cuả anh Trần Dạ Từ khi chúng tôi ghé thăm Việt Báo trưa ngày 26 tháng 8 vừa qua:

-Đây là cái toà báo không người lái cô ạ. Bà Nhã và tụi nhỏ "chạy" đâu mất rồi. Anh Tân và cô cứ việc ngồi đây chơi đọc sách mới nhé. Tôi phải viết cho xong bài tường thuật cho báo ra ngày mai.

 

Anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca, những người sáng lập tờ báo, nghe nói đã lớn tuổi lắm rồi, phải lo toan cho Việt Báo và giúp anh Phạm Quyến (Minh) duy trì giải thưởng VVNM chắc cũng đã oải lắm. Sao họ tài thế và kiên trì thế. Phần tôi, năm thì mười hoạ mơí hí hoáy được ba bốn trang giấy là đã thấy kiệt sức. Những người này ăn uống những thức gì mà họ dẻo dai như vậy. Có thể do họ đọc báo chí bài vở quá nhiều mỗi ngày, nên họ có được nội công thâm hậu chăng" Bác Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh nghe nói đã 86 tuổi rồi; còn bình luận gia Nguyễn Xuân Nghiã không biết bao nhiêu tuổi, mà sao ngòi bút của họ sắc bén, tinh tế, và liên tục như vậy" Việc đọc hết các bài dự thi VVNM để chấm giải, chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ thấy ớn lạnh. Thế mà năm nào tôi, và chắc nhiều người khác chẳng hạn như chi Huyền Thoại, cũng phải công nhận rằng bài viết được trúng giải rất xứng đáng.

Khi chiếc xe đò ì ạch leo lên con dốc Baker Field thì tôi đã đang nghĩ đến anh Phạm Quyến Minh. Anh này hay mặc áo sơ mi trắng, có cái dáng gầy gầy, cao khều, nét mặt vui vẻ thản nhiên như người không hề có bills/no+. để trả.

Anh Tân dụ khị tôi:

-Cô xuống đây đi. Anh Minh sẽ đưa cô và tôi đi uống cà phê.

Đã 8 năm rồi, chúng ta biết rằng giải thưởng mỗi năm lên đến 40 ngàn đô la. Theo tôi quan sát, số sách bán tuy nhiều và giá thì khá rẻ, nhưng ngoài những sự đóng góp của các nhà bảo trợ, tôi thắc mắc rằng anh Minh đã xoay sở như thế nào để có thể nuôi dưỡng và phát triển một công việc vĩ đại, rất ích lợi và ý nghĩa mà hầu như ai biết đến cũng phải nức nở khen tặng.

Các tác giả VVNM thì khỏi nói. Có những người viết rất nhiều mà bài nào cũng hay, cũng lâm li thú vị, như tác giả Bồ Tùng Ma, Trần Nguyên đán, Anne khánh Vân.... Kỳ này khi gặp được người cũ lẫn người mới, tôi nhất định hỏi thăm những bí quyết, hay ít nhất cũng tìm cách để liên lạc sau này.

Khi xe đổ dốc đi vào địa phận của vùng Los Angeles, dòng xe cộ ào ạt như thác chảy làm tôi nghĩ đến con số độc giả khổng lồ của VVNM. Chỉ một bài viết của Phương Toàn mới đăng lên vài tuần đã có hơn 20 ngàn người đọc. Những bài của Anne Khánh Vân nghe nói đã có trên 200 lần đọc. Nếu mỗi người đóng góp vài chục hay mua một vài cuốn VVNM, thì tôi nghĩ cái trán nhăn nhăn của anh Trần Dạ Từ sẽ nhăn đi mỗi năm với một tốc độ chậm hơn; ánh mắt sâu thẳm trên khuôn mặt khả ái trầm ngâm của chị Nhã Ca sẽ long lanh hơn; chiếc áo sơ mi trắng của anh Minh sẽ bớt thùng thình đi; và tất cả chúng ta sẽ không còn phải lo lắng về sự tồn tại của giải thưởng và các sinh hoạt của VVNM.

Chuyến xe đã qua khỏi thành phố Pasadena, đưa chúng tôi tiến vào thành phố Hollywood sang cả, mượt mà với những ngọn đồi xanh tươi làm bình phong cho những toà cao ốc ngất trời của thành phố Los Angeles phía nam. Tôi thầm chặc lưỡi:

-Tại sao không"

Trong đầu tôi nảy ra không biết bao nhiêu tư tưởng. Nếu như ai cũng cứ đắm chìm trong những giới hạn, khó khăn riêng của mình, hoặc quanh quẩn trong những "nếu", "giá", "có khi nào" thì chắc không có báo chí với sách vở cho mình đọc hằng ngày. Sẽ thiếu đi những hồi hộp thú vị, mong ngóng bài mình được đăng hay được tuyển chọn cho giải thưởng; sẽ thiếu dịp biết đến những câu chuyện lý thú, những kinh nghiệm, những tin tức, đáng giá. S ẽ thiếu bớt đi những lần thấy bùi ngùi cảm động, khi ngầm chia sẻ những tâm tình chân thành, với những đồng bào gần gũi của mình. Tại sao mình không làm cái gì hay hơn là chỉ viết bài lai rai, chờ được tham dự giải thưởng, lãnh giải thưởng, hay (riêng tôi mấy năm nay) chỉ lãnh và ăn ké.

-Thôi đi! Cái đầu óc lung tung mơ mộng viển vông quá, xe đã đến chợ ABC rồi đây.

Giữa cái nắng gay gắt của buổi chiều cuối hè, anh Tân Ngố đang giơ tay vẫy vẫy trước cửa chợ cùng với hai đứa cháu nội của anh, nhỏ xíu và trắng trẻo dễ thương như hai con chuột bạch trong cái lồng sắt là chiếc xe đẩy đựng đồ ăn. Nhìn bộ mặt ân cần vui vẻ của ông anh họ cùng với xe đồ ăn đầy nhóc, tôi quên hẳn nỗi buồn đánh mất tiền sáng nay.

 Ngày hôm sau là ngày 26 tháng 9. Một ngày quan trọng mà những ai có quan hệ với hay là độc giả cuả giải thưởng VVNM có lẽ đã biết. Một số các tác giả như Huyền Thoại, Anne Khánh Vân, Trần Nguyên Đán... đã viết rất tỉ mỉ về buổi họp mặt các tác giả và buổi lễ phát giải thưởng rồi. Tôi chỉ xin kể thêm một vài chi tiết vuì bên lề của cái ngày đặc biệt này thôi.

 Anh Trần Dạ Từ trong buổi họp mặt tác giả trưa ngày 26 có thông báo rằng:

-Tuyển tập "Cay Đắng Ngọt Bùi" bao gồm 70 bài viết, của 70 tác giả tham dự VVNM, đã được in ra 2000 cuốn ở bên Trung Quốc, nhưng chưa chuyển về kịp. Việt Báo muốn có sách để ra mắt luôn trong dịp này, nhưng tiền vận chuyển bằng UPS quá mắc, còn mắc hơn cả giá tiền bán cuốn sách. Vì thế mới chỉ có 90 cuốn được gửi về. Trong số này, khoảng 30 cuốn đã được các tác giả có mặt ký tên. Số sách này sẽ được mang ra bán đấu giá với một giá đặc biệt là 100 đô la mỗi cuốn. Số tiền thu được sẽ dùng để trang trải phần nào chi phí in ấn và vận chuyển.

Sau buổi họp mặt các tác giả tại toà soạn Việt Báo, anh Tân Ngố hăm hở ôm vào một thùng sách của riêng anh, "Chuyện Miền Thôn Dã" để tặng các tác giả VVNM. Anh bận bịu, tíu tít, vừa ký tên vừa cười cười, nói nói với các chị Gia Long và các tác giả có mặt. Anh đâu có nhớ anh Trần Dạ Từ đã nói gì. Tôi thì hăng tiết vịt, ký cái check duy nhất còn lại trong bóp, trả tiền niên liễm năm tới cho hội "Bút Việt" mà chúng tôi, các tác giả VVNM, sắp thành lập. Tất cả mọi người đều vui trong cái không khí thân tình, phấn khởi, hứa hẹn với nhau nhiều điều tưởng chừng như khó thực hiện được.

Buổi chiều, tại nhà hàng Seafood Restaurant ở thành phố Westminster, sau khi đã kiếm được chỗ ngồi và chào hỏi gia đình tác giả Bích Du ngồi cùng bàn với chúng tôi, hai anh em hớn hở đi ra quầy bán sách gần cửa. Anh Tân lựa 3 bịch sách đầy trao cho tôi. Trong số sách có 5 cuốn "Cay Đắng Ngọt Bùi". Hai anh em đã đự định mua một số sách VVNM để đọc, để tặng cho bạn bè và người thân, cũng như để ủng hộ cho VVNM. Trước khi đi đến đây tôi đã hỏi anh:

-Em làm mất gần hết tiền mặt, chỉ còn lại một cái check duy nhất đã trả tiền niên liễm rồi. Không biết họ có lấy credit card (thẻ tín dụng) không"

-Cô đừng lo. Thiếu gì tiền mặt đây. Cứ mua đi. Tha hồ cho cô xách về đọc cho đã.

Tôi thấy hơi kỳ kỳ. Bình thường Tân Ngố làm gì có nhiều tiền mặt trong túi bao giờ.

Sách gói xong, anh hiên ngang móc hết số tiền trong bóp ra rồi hùng dũng hỏi một cô bán hàng trẻ và xinh nhất:

-Hết bao nhiêu vậy cô"

-Thưa anh! Tổng cộng là 860 đô la!

Anh lúng túng một giây rồi quay qua tôi:

-Chắc không đủ rồi.

Tôi đã cầm sằn số tiền mà tôi có trong tay nên đưa thêm cho đủ. Hên gì đâu, tôi vẫn còn dư tiền để hôm sau mua vé xe đò Hoàng 35$ mà về lại San Jose.

Ông anh tôi dù có mê gái đẹp đến thế nào, lúc thường dù có hào hoa cách mấy, đôi khi cũng thật thà ngây thơ một cách rất dễ thương như cái tên tục của anh. Anh đứng ngẩn tò te:

-Cô ơi, vậy là hết số tiền O Điểm đưa để đóng tiền nhà tháng này rồi!

-À thì ra thế, chứ bình thường khi nào ông anh lại có nhiều tiền mặt trong túi như vậy.

Tôi đoán anh không tiếc tiền mua sách, vì tôi biết anh rất thích sách và rộng rãi với anh em. Anh mới đem tặng cả thùng sách hồi chiều đấy thôi. Anh cũng muốn ủng hộ VVNM, nhưng ngặt nỗi lấy đâu ra để đóng tiền nhà tháng này đây. Tôi cười:

-Cho anh chết! Ai bảo nhắm tít mắt lại mà không chịu hỏi trước giá bao nhiêu một cuốn. Hồi chiều ông Từ nói anh cũng chẳng để ý nghe. Vì mấy ấn bản này đặc biệt có chữ ký của các tác giả nên giá sẽ được bán là 100 đô la, chứ không phải 25 đô như giá chính thức. Anh cứ an tâm, đây cũng là một cách đầu tư, vì chừng 100 năm sau, sách này sẽ có giá trị bạc ngàn chứ chẳng chơi.

Ngay lúc đó, trên sân khấu đang tưng bừng, có tiếng Nữ Tài tử Kiều Chinh giới thiệu anh Trần Dạ Từ là "Mr. Không Sao Cả."

Tất cả mọi người cười rần khi nghe kể về lịch sử thú vị ngày thành lập Việt Báo và sự ngông cuồng dễ thương của những người sáng lập tờ báo (anh Từ, chị Nhã và bé Hoà Bình) với 200 đô la trong tay.

Tôi cười, cả bàn cùng cười còn anh Tân vẫn cứ đứng đực người ra, không biết là vì tiếc tiền, vì sợ con "gấu bông" hỏi tội tối nay, hay vì nụ cười tủm tỉm trên khuôn mặt tươi tắn của cô gái mặc áo lụa màu nâu, trông mặt anh càng lúc càng ngố gì đâu ấy!

 

Mãi đến chiều tối ngày 27 tôi mới về đến nhà, vừa mở cửa phòng ngủ là tôi đã thấy cái phong bì màu trằng nằm chình ình trên giường, thì ra lúc đi vì qua vội vàng, tôi đã quên nhét nó vào bóp.

-Ông Từ ơi, tôi giàu gấp đôi ông hồi năm 1992 rồi nhé, với 400 đô la, ông và anh Minh có lập nổi hội Bút Việt như ông đã lập ra Việt Báo ở một chái nhà năm xưa với 200 đô la hay không"

Chắc là không rồi. Nhưng lần tới tôi xuống thăm anh Tân, anh em tôi sẽ rủ ông đi nhậu như ông đã yêu cầu. Sau đó, tôi sẽ nhắc anh Minh gầy đưa chúng ta đi uống cà phê. Còn chuyện "Việt Bút" hay "Bút Việt" cứ để cho các tác giả thân mến của chúng ta lo. Nghe đâu họ đang có nhiều kế hoạch xôm tụ lắm.

Nguyền Duy An tài hoa (lúc bỏ dấu, xin anh để ý đừng viết thành tai hoạ nhé) và làm việc miệt mài hăng hái. Nguyễn Văn Hưởng chín chắn, nghiêm túc, và thâm trầm, rất xứng đáng vai trò lănh đạo. Lê Tường Vi, Anne Khánh Vân, và Thụy Nhã như ngọn gió mát mang tươi vui đến cho mọi người, và khi cần người quậy phá thì cứ kiếm Iris Dinh, nếu cô ta không trốn dưới gầm bàn. Đằng sau họ còn không biết bao nhiêu tác giả và thân hữu khác sằn sàng yểm trợ.

Cứ chờ xem.

Tôi mở phong bì coi lại tiền. Còn nguyên si. Không Sao Cả.

Năm tới tôi lại sẽ để quên tiền ở nhà một lần nữa. Còn chị Nhã Ca có thêm cô cháu xinh đẹp lịch lãm nào, năm tới cứ nhờ ra đứng ở quầy sách nhé, các cô chỉ cần cười cười (nhìn thôi ... mà không nói) và thâu tiền bán sách, mọi chuyện khác chị đừng có lo, sẽ... “Không Có Sao!”

*

Thưa các anh chị Viết Về Nước Mỹ,

Trời đã khuya, tôi vẫn cầm chiếc phong bì đứng nhìn qua khung cửa sổ. Trăng 14 đã lên cao trên bầu trời không ánh sao, dù khuyết một chút nhưng vẫn sáng vằng vặc và đẹp thanh thoát. Tôi đồng ý với tác giả Trần Nguyên Đán, "Nuớc Mỹ Vẫn Còn Trăng" và đầy dẫy cơ hội cho những người có quyết tâm thực hiện mơ ước của mình.

Ngày mai ngày rằm, trăng sẽ tròn hơn và sáng hơn. Cũng có nghĩa là những người yêu mến Việt Báo và VVNM sẽ thức khuya hơn. Thức khuya để ngắm trăng, để viết, và để đọc. Thức khuya để bắc nhịp cầu cảm thông, nối sợi dây liên kết, và cùng nhau tìm ra những phương cách để duy trì và phát huy tiếng Việt, cái linh hồn bất tử của dân Việt. Tiếng Việt cũng là khí giới, là phương tiện, là kho tàng văn hóa, là niềm vui, là tình yêu, là qúa khứ, hiện tại và tương lai, không ai có thể chiếm đoạt hay huỷ diệt được, nếu ta không cho phép họ.

Hẹn tất cả các Ngưu Lang và Chức Nữ (của chị Trương Ngọc Bảo Xuân), sang năm chúng ta sẽ gặp lại với Việt Báo, VVNM, và cả Bút Việt nữa. Nhớ để dành tiền mua sách mới tặng người thân nhé, và đừng để quên ví hay phong bì ở nhà. Lỡ có cố tình quên, giống như tôi đã quên, thì nên tìm anh Tân Ngố mà mượn. Anh ấy lại sắp bán căn nhà mới xây nữa đấy, thiếu gì tiền.

Thân mến

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,100,794
Giải Thưởng Việt Báo Hoàng Minh
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến