Hôm nay,  

Cho Để Được (giving To Gain)

30/09/200500:00:00(Xem: 152169)
- Người viết: QUẢNG THÔNG-P.D.L.
Bài số 837-1427-263-vb5092905

Tác giả tên thật là Phạm Duy Liêm, trước 1975 là tư chức tại Việt Nam, hiện là cư dân Maryland và sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông,

Nhiều lúc nhìn lại khoảng thời gian dài đã qua kể từ khi tới nước Mỹ này, vợ chồng anh Chín thấy an vui và hạnh phúc với những gì gia đình anh chị có được.
Thật ra, khách quan mà nói, anh chị Chín thấy rằng những điều anh chị có được ngày nay không phải hoàn toàn do khả năng cá nhơn, vì khi anh chị đến Mỹ tuổi anh chị đã tròm trèm nửa đời người; còn bốn đứa con đứa lớn nhứt chưa được mười tám, đứa nhỏ nhứt vừa tròn sáu tuổi.
Anh chị thường nói mười bốn năm ở Mỹ được cơ ngơi như vầy chỉ có Trời Phật giúp được mà thôi. Bốn đứa con gồm ba trai và một gái. Hai đứa con trai và đứa con gái lớn đã ra trường và tất cả đã có việc làm và cơ ngơi riêng; còn đứa con trai út vừa bước vào đại học và vẫn đang sống chung với anh chị. Về phương diện đi làm, đi học thì mỗi thành viên một chiếc xe. Gia đình thường gặp nhau vào cuối tuần, cùng vài bạn thân, vừa trao đổi việc làm ăn và cũng vừa quan tâm lo lắng cho nhau, bên đây cũng như bên quê nhà.
Mười bốn năm trước, khi quyết định ra đi anh Chín đã bỏ lại tất cả: Một căn nhà di sản của cha mẹ để lại, một biệt thự ở khu sang trọng ở quận 3 Sài Gòn do dì mẫu có ý cho vì dì của anh Chín vốn là một bác sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn và còn độc thân. Mọi việc ở nhà Dì do một tay anh quán xuyến kể từ khi đổi đời. Vì vậy khi Dì Mẫu anh nói để ra chánh quyền làm giấy sang tên nhà cho anh thì anh suy nghĩ rất nhiều giữa đi và ở. Cuối cùng anh quyết định ra đi. Anh ra đi vì tương lai của bốn đứa con mà thật ra cũng vì an nguy bản thân, anh vốn là nhơn viên cơ quan MACV.
Mười sáu năm sống kẹt lại dưới chế độ mới, anh chẳng làm việc gì bởi cái "background" cồm cộm của anh. Lúc thì căn cứ "LB", lúc thì căn cứ HQ "BL", lúc thì chương trình "DIOCC", lúc thì "CIDG" và cuối cùng là phục vụ tại BTLCS. Vậy đó, làm sao vô được các cơ quan chế độ mới, với ba đời lí lịch, chỉ cần một đời thôi đã không đủ lọt rồi, vả lại ba má anh là điền chủ mà! Còn ra tiệm buôn bán thì rà lại gia phả từ bao đời nay, trong dòng họ anh không một ai có tài thương buôn, mua đi bán lại. Chị Chín tuy là giáo viên cấp ba, lương hàng tháng nuôi bản thân chưa đủ nói gì tới việc trang trải trong gia đình. Anh Chín định ra đứng bán chợ trời, gia đình anh ngăn cản sợ lỡ bị "tó" (bị bắt) thì vốn mất mà thân cũng nguy. Thôi đành sống "ẩn dương nương Phật". Dì mẫu anh biết hoàn cảnh nên mới bảo bọc cho gia đình anh từ đó.
Anh gọi Dì là Dì mẫu vì mẹ anh qua đời đã lâu nên anh coi Dì như mẹ ruột. Còn ba anh là một công bộc tại một Bộ nọ, mà vì quá thanh liêm nên khi về hưu chỉ sống nhờ vào đồng lương hưu trí mà thôi. Mang tiếng là điền chủ khi Việt Minh nổi dậy, ba anh dìu dắt đàn con lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng để lánh nạn. Ruộng vườn để lại các tá điền chăm lo, Ba anh không nhận được đồng nào tiền mướn vườn, cũng như chẳng có một hột gạo để ăn. Ba anh nói:
- Thôi chạy giặc lên Sài Gòn được là may rồi. Việc ruộng vườn để người khác ăn không mất đâu!
Má anh Chín cũng được ông bà ngoại anh chia cho một số ruộng, nên đôi khi anh thấy một vài tá điền biết điều từ dưới quê khệ nệ mang lên biếu Ba Má anh vài chục kí gạo, trái cây và một số tiền bán lúa.
Vừa mới chạy giặc lên thành phố, gồng gánh đàn con đông, chỉ một mình Ba anh đi làm, nên gia đình anh sống tạm bợ trong một khu nhà lá, vách ván (tình lối xóm vậy mà nồng ấm, đậm đà. Những tưởng chỉ có gia đình anh nghèo, vậy mà còn có người nghèo hơn). Dù vậy, Ba Má anh vẫn cố gắng khuyến khích và lo cho đàn con ăn học. Trong xóm lao động, nhà lá vách ván, tình lối xóm luôn nồng ấm, đậm đà. Bà con chung quanh thấy gia đình anh sống đề huề, có con đi học, nên họ cùng đề nghị.
- Hay là ông bà hai mở lớp dạy học trò cho trẻ con trong xóm đi.
Thế là lớp học được mở ra tại nhà. Học phí có thì đóng không thì thôi. Ngoài ra nhiều lần hàng xóm tới xin thuốc trị những bịnh thông thường như nhứt đầu, cảm sốt, đau bụngà vì họ biết gia đình anh có tủ thuốc sẵn. Đó là những loại thuốc mẫu do Dì anh cho gần đây sau khi Dì anh ra trường y khoa ở Pháp về mở phòng mạch. Cũng nhiều lần họ tới nhà anh mượn hay xin chút nước tương, chút muối, chút đườngà nhưng ít khi hoàn lại.
Cũng nhiều lần, một người lối xóm tới nhà anh mượn gạo. Thường thì người này tới mượn đều gặp anh. Anh đong sáu lon sữa bò đầy vun cho hai lít gạo, đúng ra cứ mỗi ba lon sữa bò gạt miệng bằng một lít gạo, cứ đều đều như vậy. Một lần người chú anh đến nhà chơi. Tình cờ thấy anh đong gạo cách đó, mới hỏi:
- Con đong gạo bán hay cho mượn vậy"
- Dạ, con cho mượn.
- Cho mượn sao con đong vun quá"
- Thôi kệ nó chú à. Họ nghèo mà!
- Nghèo thì nghèo đong đủ thôi chớ con!
Đó là những tháng năm anh Chín được đâu khoảng 13-14 tuổi.
Theo thời gian, dần dần gia đình Ba Má anh gượng lên. Sau đó, Ba Má anh cùng gia đình dọn đến căn nhà khang trang hơn, mặt tiền đường ở Gia Định. Căn nhà này tọa lạc gần một dốc cầu. Các anh chị của anh lần lượt ra trường và có việc làm xa nhà. Phần anh là con út nên vẫn còn ở chung với Ba Má anh để học cho xong.
Khoảng giữa thập niên 60, chiến cuộc bắt đầu gia tăng. Tuy vậy anh may mắn kiếm được việc làm ở căn cứ "LB". Trong thời gian làm tại đó, anh đã giúp đỡ rất nhiều đồng bào, một số ở quê lên thành phố lánh nạn chiến tranh, để có một việc làm. Đây là một căn cứ đang mở rộng, xe cơ giới đủ loại rất nhiều. Cả một khu sửa chữa bảo trì rộng mênh mông nên rất cần thợ máy và thợ phụ.
Anh Chín là một nhơn viên trong xưởng máy này, hàng ngày anh làm việc trong văn phòng, đôi khi theo trưởng Mechanic ra tận bãi để trông coi thợ làm và nếu cần làm thông dịch luôn, vì xét "background", xếp máy đã biết anh Chín dù gì đã xong các lớp ở hội Việt Mỹ (VAA)
- Ê, Chín vui lòng ra đây chút coi! Xếp máy người Mỹ đứng ngay cửa văn phòng nói với vào.
- Dạ, xếp có việc gì vậy"
- You theo tôi, dẫn ứng viên này ra bãi xe để phỏng vấn. Xếp nói.
Anh Chín hiểu ngay người này đến xin việc làm. Nhìn dáng người, mặt mày biết đây là người ở quê mới lên thành phố. Khoảng cách từ văn phòng tới bãi xe chừng vài chục thước, đủ thời gian để anh Chín hỏi han, dặn dò:
- Anh từ đâu đến vậy"
- Thưa anh, em ở quê mới đến.
(Thường là từ một số tỉnh phía nam và vài tỉnh từ Biên Hòa trở ra)
- Anh biết gì về xe cộ không"
- Dạ, từ nhỏ đến lớn làm ruộng hoặc làm rẫy chẵng biết gì cả
- Anh nghe tôi dặn nè - Anh Chín nói vừa đủ hai người nghe - Khi người Mỹ này chỉ anh món đồ nào trên máy xe thì anh cứ nói đại ra một tiếng gì đó như vỏ xe, kèn, đèn... tôi sẽ thông dịch trúng tên món đồ giùm cho anh, để anh có việc làm. Anh mà ấp úng hoặc ngậm miệng thì rớt nha.
- Dạ, cám ơn thầy.
Cứ như vậy, ở shop máy hàng trăm người phụ, trong số đó có đến vài chục người do anh giúp để có việc làm từ lúc anh Chín bắt đầu vô đây.
Anh Chín nhớ lại một chuyện cay đắng như sau. Một hôm đang ngồi trong văn phòng, một phụ thợ lấp ló ở cửa:
- Anh tìm ai vậy" Anh Chín hỏi.
- Dạ, em có việc muốn thưa với thầy. Với vẻ ấp úng và e dè anh ta đáp.
Anh Chín đứng dậy, bước ra ngoài cửa, đối mặt với anh thợ phụ:
- Có chuyện gì vậy anh"
- Dạ, em vừa bị đuổi rồi! Anh ta ngập ngừng nói.
- Sao vậy, anh làm gì ra nông nổi"
- Dạ, em lỡ đánh cắp vài món đồ sửa xe bị bắt gặp. Anh ta đáp vơí vẻ mặt ưu tư.
Anh Chín phán một câu nhẹ nhàng vừa trách vừa thương.
- Khổ thân chưa, anh ham lợi nhỏ đánh mất lợi lớn.
Tuy nói vậy, trong đầu anh Chín suy nghĩ mông lung. Anh muốn nghĩ ra cách nào để giúp anh ta được ở lại làm, vì mất việc là mất lương, mà mất lương một thợ phụ ở thời điểm đó đâu phải nhỏ. Mỗi một kì lương hai tuần lễ, người thợ phụ làm đủ giờ trung bình lãnh trên dưới hai ngàn đồng. "Lực bất tòng tâm", anh Chín cuối cùng nói.
- Liệu tôi làm gì được cho anh đây"
- Hồi em mới vào làm cách đây trên một tháng em đã chịu mất một tháng lương. Anh ta chậm rãi nói từng lời.
- À ra vậy. Mà anh đưa cho ai"
- Em đưa cho anh cai thợ và anh ấy nói chia cho thầy một nửa.
Nghe qua lòng anh Chín phát nóng lên. Anh nghỉ sao ở đâu cũng có loại người như thế. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh nói vẻ chua chát:
- À, vậy sao! Thôi vầy nha, anh ra xưởng kêu anh cai thợ nào mà anh đã đưa tiền vô đây nói chuyện với tôi trước mặt anh cho rõ ràng. Nếu anh ấy xác nhận tôi sẽ đưa lại cho anh phần đó.
Anh thợ phụ quay đi và không bao giờ trở lại.
Sau đó hai năm anh Chín xin vào làm tại căn cứ HQ "BL". Ở đây, cũng với một việc như trước, anh đã giúp hàng mấy chục công nhân mặt này mặt nọ đang làm trong căn cứ, mà không bao giờ đòi hỏi một sự đền bù. Sau vài nhiệm sở nữa, cuối cùng anh về Sài Gònlàm trong BTLCS. Thời gian này anh Chín vẫn sống chung với Ba anh (đã nghỉ hưu). Sau đó Ba anh được giới thiệu vào làm bí thư cho một ông dân biểu ở Hạ viện.
Một ngày nọ ba anh nói:
- Ba vừa nhận đơn kêu oan của một ông xã trưởng ở... và ông ta bị đưa lên giữ tại BTLCS. Theo đơn kêu oan ông dân biểu và ba thấy có điều gì uẩn khúc đây.
- Ba cứ nói hết đi!
- Ba biết con làm ở BTLCS, cho ban cố vấn, có cách nào đến thăm và hỏi ông ta được không"
- Ba muốn con hỏi điều gì, Ba"
- Tùy con, tùy tình hình mà hỏi và coi có giúp ông ta được gì"
- Dạ, để con coi. Mà, thưa ba, ông ta tên gì"
- À, để ba nhớ lại coi. Ông ta tên A.
Vào sở làm, nhơn một lúc rảnh rỗi, anh Chín kể sự việc cho một vị cố vấn nghe, và hỏi ông ta liệu anh có thể làm gì được. Vị cố vấn khuyến khích anh Chín cứ tìm hiểu xem sao.
Được cố vấn như thế, anh Chín mạnh dạn dò hỏi. Thực ra, đây không phải là phần hành của ngành anh Chín phụ trách, nhưng có lẻ ở đâu cũng vậy " nhứt thân nhì thế". Lúc đầu anh Chín hỏi các chú tài xế cho cố vấn, coi phòng điều tra ở chỗ nào, vì ban BTLCS rộng mênh mông, nhiều ban nhiều ngành, làm đâu biết đó không thể nào la cà cho hết được.
Một buổi trưa ít việc, xin phép xong anh Chín bước vội đến phòng điều tra, không ngờ chẵng xa phòng cố vấn là bao.
- Chào đại úy!
Một viên đại úy đang ngồi sau bàn giấy ngay cửa ra vào ngẩn đầu lên, thấy người mặc thường phục lạ, tuy có kẹp thẻ làm việc tai BTL, ánh mắt ông hơi ngạc nhiên. Thấy vậy anh Chín nói thêm.
- Thưa tôi là Chín, làm cho ban cố vấn gần đây.
- Chào anh! Anh đến đây có việc gì" Viên đại úy hỏi giọng nhẹ nhàng.
- Thưa, tôi muốn biết có ông xã trưởng tên A đang bị giữ ở đây không"
Viên đại úy đưa tay với lấy quyển sổ trên bàn ông đang ngồi rồi lật từng trang dò tìm
- Đây rồi. Ông ấy được đưa vào đây ngày.... gần một tuần rồi.
- Tình trạng ông ta ra sao, thưa đại úy"
- Chúng tôi đang điều nghiên hồ sơ vì có người thưa ông ta về tội....
- Đại úy thấy có trầm trọng lắm không"
- Chưa kết thúc và xem chừng cũng không đến nỗi nào. Viên đại úy hơi ngập ngừng hé lộ.
- Vậy sao! Anh Chín buột miệng nói, rồi anh tiếp luôn giọng ôn tồn
- Có thể nào đại úy vui lòng cho tôi gặp mặt ông ta được không"
Suy nghĩ giây lát, viên đại úy gật đầu nhẹ. Ông gọi vào bên trong và một nhân viên thừa hành xuất hiện. Vị đại úy nói.
- Nhờ anh vào dẫn ông A ra đây!
Lát sau, nhơn viên thừa hành điều ra một người đàn ông trung niên, trong bộ đồ bà ba đen; thoáng qua gương mặt còn nét đăm chiêu, ưu tư, dáng vẻ sợ sệt. Ông ta được đưa sang phòng kế bên, cùng lúc viên đại úy ngó anh Chín.
- Mời anh qua phòng kia ngồi.
- Cám ơn đại úy!
Anh Chín cũng ngỏ lời cám ơn nhơn viên thừa hành vừa điều ông Xã trưởng ra. Nhơn viên nay vừa lui vào trong anh Chín lên tiếng.
- Chào ông, mời ông ngồi.
Ông Xã trưởng ngập ngừng vừa ngồi vừa nói cám ơn.
- Tôi tên là Chín.
Anh Chín không tự giới thiệu anh là ai và đang làm gì, ở đâu, mà anh chỉ muốn vào đề ngay. Anh Chín nhìn vào đôi mắt ông xã trưởng.
- Ông tên là A, làm xã trưởng ở...
- Dạ phải, thưa ông.
Giọng ông ấy run run, nhỏ nhẹ trả lời anh Chín. Nhìn gương mặt ông ta lúc này gần và rỏ hơn, anh Chín nhận thấy có lẻ ông dân biểu và ba anh nhận xét đúng.
- Ông bị đưa lên đây bao lâu rồi"
- Dạ, được năm ngày.
- Ông biết ông bị bắt về tội gì không"
- Dạ, không rỏ lắm. nhưng nghe nói có người tố cáo tôi về một vụ gì đó, dường như là hối lộ.
- Ông có làm việc đó không"
- Dạ không. Tôi xin thề có Phật trời làm chứng.
- Lúc bị bắt gia đình ông biết không"
- Dạ, lúc đó tại văn phòng xã nên tôi có nhờ nhơn viên xã báo cho vợ tôi hay và dặn làm đơn khiếu nại.
- Vậy à! rồi mấy hôm nay gia đình ông có ai đến thăm chưa"
- Dạ chưa! chắc vợ tôi đang đi tìm!
- Ông yên tâm đi. Thế nào vợ ông cũng tìm gặp thăm ông nay mai!
- Dạ!
Anh Chín chợt chồm thế ngồi tới một khoảng và hỏi nhỏ lại ngắn gọn.
- Điều tra mấy lần rồi"
- Dạ, mới sơ thẩm lần đầu.
- Ông có bị "đòn" không"
Như biết ý anh Chín, ông ta đáp lại trầm giọng.
- Dạ, không!
Anh Chín sửa lại thế ngồi như trước. Sau một lúc im lặng quan sát, anh Chín chợt lên tiếng giọng trở lại bình thường.
- Ông có cần gì không"
- Dạ, họ đưa đi bất ngờ nên không kịp đem theo quần áo, đồ dùng cá nhơn.
- À, tôi hiểu rồi. Tôi sẽ đem vô cho ông.
- Dạ, cám ơn ông.
- Thôi, ông đi vô nha. Có sao khai vậy. An tâm. Vụ của ông tôi cũng biết qua.
Anh Chín trở qua phòng bên, gặp lại viên đại úy. Ngó thẳng ông ta, anh Chín nói.
- Cám ơn đại úy nhiều. Ca này ông dân biểu mà ba tôi là bí thư cho ông ta, đã nhận đơn kêu oan.
- Vậy sao!
- Đúng vậy! cho nên tôi mới biết và đến đây xin tìm hiểu thêm.
Vừa định ra về, anh Chín chợt xoay người lại.
- Thưa, đại úy thấy có cách nào giúp ông ta không"
- Luật pháp mình có công thì thưởng có tội thì trừng. Chúng tôi thấy vụ này thật ra không đáng gì, nhưng vì có người thưa chúng tôi mới thi hành phận sự. Thôi vầy nha, anh thưa với ông dân biểu để ông viết cho vài lời. Có như vậy chúng tôi mới dễ dàng làm việc. Dầu sao ông xã trưởng cũng là một công bộc quốc gia. Có thể phía bên kia thù ghét ông ta vì thấy ông ta được lòng dân làm chúng khó hoạt động.
- Thôi một lần nữa xin cảm ơn đại úy. Xin chào!
- Xin chào anh!
Buổi chiều làm về, anh Chín ghé chợ mua cho ông xã trưởng số đồ dùng cần thiết như đã hứa. Trong buổi cơm tối anh Chín thưa lại với Ba anh sự việc như vậy. Hôm sau, anh tạt qua phòng thẩm vấn với gói đồ đề tên ông xã trưởng, và hôm sau nữa anh lại đến nhưng lần này với tấm card có in chức danh của ông dân biểu cùng mấy dòng gởi gấm và trao cho vị đại úy hôm nọ.
Chẵng bao lâu sau đó, Ba anh Chín cho biết văn phòng ông dân biểu có nhận được thư cảm tạ của ông xã trưởng và gia đình báo tin được đoàn tụ. (Thật ra đến nay anh Chín vẫn còn thắc mắc tự hỏi sao một ông xã trưởng bị BTLCS giữ mà không thông qua hệ thống quận và tỉnh")
Thời gian đó anh Chín được khoảng gần ba mươi tuổi. Sau khi chịu tang mẹ anh được ngoài ba năm, vì Ba anh hối thúc, nên nhơn lúc về quê nhà nơi sanh quán để nghỉ hè, anh đã gặp chị Chín và hai người làm lễ cưới, khoảng ba năm trước khi vận đổi sao dời.
Năm đó quân đồng minh lần lượt rút về và các cơ quan ngoại quốc ở Sài Gòn bắt đầu thu gọn lại. Hơn một năm sau ngày cưới chị Chín cho ra đời một bé trai. Hai năm sau chị Chín sanh thêm một bé trai nữa, giữa lúc phần đất phía Nam đã mất và bao nhiêu người bỏ nước ra đi. Lòng ngổn ngang trăm mối, anh Chín ra đi không nở mà ở lại cũng chẵn đành!
Anh không nở ra đi vì tính đến cuối tháng tư năm 1975 thì chị Chín đã mang thai đứa con thứ hai được bảy tháng. Anh muốn đưa vợ và đứa con đầu gần hai tuổi cùng ra đi, song lo ngại sẽ không an toàn, vợ yếu và con còn nhỏ quá!


Hạ tuần tháng tư, mỗi ngày anh đều đến trước cơ quan anh làm việc nhìn các đồng nghiệp lũ lượt vào cơ quan, lên xe bus đậu chờ bên trong sân để ra phi trường. Anh Chín ngậm ngùi vẫy tay chào các đồng nghiệp, trong khi đầu óc miên man suy nghĩ, dằng co giữa đi và ở lại. Thêm một lí do không kém phần bức xúc là Dì mẫu của anh Chín có nhà ở gần cơ quan của anh. Dì mẫu anh không chồng không con và đang nuôi dưỡng mẹ già tức bà ngoại của anh đã ngoài bát tuần. Hình ảnh Dì và Ngoại đang căng thẳng âu lo trước biến cố khủng khiếp đan quyện với hình ảnh vợ và con thơ của anh ở nhà nhảy múa quay cuồng trong đầu anh. Nhưng nếu anh ở lại là cả sự liều lĩnh ghê gớm! Chánh quyền CS nếu biết được quá khứ của anh, chắc chắn không để anh yên hít thở không khí thành phố lâu dài. Chẵn hạn như một người anh của anh Chín, ai đời sĩ quan cấp tá ngành TB, đã từng thẩm vấn cán binh CS, dù anh cả quyết rằng chưa bao giờ ra lịnh cho đàn em "đấm bóp" cán binh CS, vậy mà vẫn bị cho đi đổi gió ra Bắc vô Nam mất 13 năm rưởi.
Lừng khừng mãi, ngày qua ngày, tháng sang tháng, anh Chín coi như mặc nhiên ở lại. Hai vai nặng gánh, bên tình cảm gia đình, bên an nguy bản thân, anh Chín thấy bên nào cũng nặng trĩu âu lo.
Dầu sao cuộc sống gia đình anh Chín khá tạm ổn vì phần lớn do Dì mẫu anh bảo trợ. Chị Chín vẫn tiếp tục đi dạy học, coi như là một hình thức để địa phương không chú ý, soi mói như là kẻ "ăn không ngồi rồi". Anh Chín hàng ngày tới nhà Dì mẫu để trông coi nhà cửa và sắp xếp bịnh nhơn cho Dì mẫu anh khám và trị bịnh.
Sau năm 75, Dì mẫu anh Chín đã đóng cửa phòng khám bịnh đã mở từ khi ở Pháp về, và mở lại một phòng nhỏ tại nhà riêng. Và cũng kể từ đó cho tới lúc gần cuối đời, Dì mẫu anh khám và trị bịnh miễn phí hoàn toàn. Bịnh nhơn mỗi ngày mỗi đông thêm, đa số từ các tỉnh lên Sài Gòn tìm đến Dì mẫu của anh. Thứ nhứt, họ không phải trả tiền, mà có khi còn được Dì mẫu anh cho thuốc trị bịnh. Thứ hai, bịnh nhơn nào có bịnh đúng chuyên môn của Dì mẫu anh thì chỉ cần đến tối đa ba lần hết hẳn bịnh. Thuốc Dì mẫu anh cho bịnh nhơn đều do các bạn của Dì mẫu anh ở bên Pháp gởi về qua sự yêu cầu của Dì mẫu anh. Dì mẫu anh thường nói.
- Thấy người ta ngày càng nghèo, lao động cực khổ, Dì làm phước để được phước.
Mỗi buổi sáng, khoảng hai chục, có khi ba chục, cũng có lúc gần bốn chục bịnh nhơn có mặt thật sớm trước nhà chờ mở cổng, vì ai đến trước vô trước. Tùy theo sức khỏe của Dì anh mỗi ngày, vì mấy năm đó Dì mẫu của anh Chín đã ngoài sáu mươi, anh Chín nhận vô hết hoặc chỉ một nửa hoặc hai phần ba số bịnh nhơn có mặt mà thôi.
Một ngày nọ Dì mẫu anh nhận được thơ của phòng thuế quận gởi đến. Hai dì cháu đọc giấy mời mà không rỏ vụ thuế gì. Kiểm điểm lại các sắc thuế về nhà đất, môn bài hành nghề trước 75 đã đóng đầy đủ, vậy họ còn mời vụ gì nữa đây" Đúng ngày giờ hẹn, anh Chín đưa Dì mẫu anh đến văn phòng thuế. Trao giấy mời cho nhân viên phụ trách, cô ta đọc qua hỏi.
- Chị là bác sĩ Th"
- Dạ phải!
- Mỗi ngày đi làm ngang nhà chị, thấy nhiều bệnh nhân đợi bên ngoài. Chị mở phòng khám bệnh tại nhà bao giờ"
- Dạ, từ sau 75.
- Sao từ đấy đến nay không đóng thuế"
- Tôi khám trị bịnh miễn phí cho bà con nên lấy tiền đâu mà đóng!
- Có ai làm chứng cho chị"
- Thì cô cứ hỏi tổ trưởng dân phố hoặc bịnh nhơn trước nhà tôi mỗi sáng sẽ rõ!
- Chị không nhận tiền làm sao sinh hoạt"
- Thì bịnh nhơn nào nhớ ơn mang cho tôi gạo, nếp, trái cây, nước tương, nước mắmà tôi nhận hết. Tôi giữ đủ ăn còn lại cho người nghèo. Ai không cho cũng không sao!
Nghe Dì mẫu anh Chín nói như vậy, cô nhân viên thuế đổi giọng
- Thế, bà có trị bịnh đàn ông không"
- Dạ không, tôi chuyên về đàn bà!
- Thôi, bà về đi nhé!
Khi Dì mẫu anh Chín vừa quay ra, anh Chín nán lại đứng trước bàn của cô ta nói vừa đủ nghe
- Xin lỗi, người nhà cô có việc gì cần, cô cứ viết cho vài chữ giới thiệu, đến cổng nhà gặp tôi, tôi sẽ thưa với Dì mẫu tôi giúp cho!
Cô ta mỉm cười, đôi mắt sáng lên, nói lới cám ơn.
Vài bạn bè của anh Chín biết việc anh làm ở phòng mạch có nhiều bịnh nhơn, họ nói:
- Tôi mà được như anh, sau khi bà bác sĩ ra toa, tôi chạy đi mua thuốc cho bịnh nhơn mỗi ngày kiếm được khá tiền.
Anh Chín nói với họ
- Dì tôi đã không lấy tiền trị bịnh, lẽ nào tôi bán thuốc kiếm lời những bịnh nhơn nghèo. Vả lại Dì tôi có dặn "Đừng nghe Chín. Đừng mua đi bán lại thuốc mang tội. Mình cho không hết có đâu..."
Đúng vậy, ngoài việc làm phước của Dì mẫu anh mỗi ngày, hàng năm khoảng một tháng trước tết, Dì anh biểu anh đưa đi chợ mua sắm nào vải vóc, khăn các loại, và bánh kẹo để mang đến làm quà cho trại dưỡng lão, trại cô nhi và trại phong cùi.
Cứ như vậy, thời gian dần trôi qua, hai đứa con anh theo đà khôn lớn. Nhờ ơn trên che chở và có lẻ nhờ anh chị Chín khéo ăn khéo ở với lối xóm trước cũng như sau năm 75, nên mọi khó khăn rồi cũng vượt qua. Tuy vậy anh Chín vẫn nuôi ý định ra nước ngoài lúc nào có cơ hội.
Ông bà mình thường nói "Cha nào con nấy". Anh Chín ở căn nhà gần dốc cầu đã lâu. Thỉnh thoảng chứng kiến cảnh nạn tai xảy ra đắng cay, cười ứa nước mắt. Số là như vầy: thuở đó còn loại xe xích lô là loại phương tiện chuyên chở thô sơ và loại xe "ba gác" dùng chở hàng hóa. Nhìn chung cả hai loại xe nầy không cân bằng nên không an toàn. Từ dưới dốc lên, khi xe chở nặng, người phu xe còng lưng đạp lên dốc không nổi, họ phải xuống xe để đẩy từ phía sau, hoặc họ ra phía trước mũi xe để hì hục kéo lên, có khi kéo không nổi đẩy không xong. Mỗi khi thấy vậy, anh Chín vội chạy ra phụ đẩy lên hết dốc. Hai đứa con anh tuy còn nhỏ, vẫn theo anh Chín phụ một phía. Nhưng đáng nhớ nhất là khi xe từ dốc cầu xuống, lúc chở nặng hoặc khi "vắng hàng" nếu người điều khiển hoặc vì vô ý hoặc vì liến thoắng thả dốc ào ào thì xe dễ dàng mất thăng bằng lật nhào. Khi nghe tiếng "rầm rầm" thì hết chín phần mười anh Chín đoán xe bị tai nạn và chắc chắn người lái không u trán cũng trầy đầu, trợt da, tuôn máu. Với tủ thuốc gia đình luôn "ứng chiến" anh Chín vội mang băng, thuốc chạy ra, đôi khi với hai đứa con để giúp băng bó người bị nạn.
Dùng dằng việc đi việc ở đã mười sáu năm! Suốt thời gian đó mọi việc sanh sống do Dì mẫu anh Chín lo toan. Anh chị không thể làm gì hơn để có của dư của để, mà ông bà mình gọi là "hào của"; ngược lại anh được "hào con", thêm hai đứa con nữa ra đời. Vậy là khi anh Chín tới nước Mỹ, gia đình anh gồm một vợ và bốn con nhỏ và là một gia đình vô sản vì chẵng được mang theo gì quí giá ngoài đồ dùng cá nhân và một số tiền trong hạn định.
Nhớ lại buổi sáng đưa gia đình đến phỏng vấn đi Hoa Kỳ diện đoàn tụ anh em, anh Chín mặc một bộ áo có bốn túi. Sau khi được gọi vào phòng phỏng vấn, ngồi xong, viên phỏng vấn người Mỹ mở tập hồ sơ và gọi anh đứng lên, bước đến trước bàn giấy của ông ta, trong tay anh Chín cũng cầm một số hồ sơ, hình ảnh. Người phỏng vấn vừa hỏi câu đầu tiên, anh Chín nói lời xin lỗi ông ta, tức khắc quay sang cô thông dịch viên đang ngồi bên cạnh bàn, anh nói.
- Xin lỗi cô, cho tôi trực tiếp nói chuyện với ông đây.
Cô ta hơi ngạc nhiên ngước nhìn anh Chín, im lặng và có vẻ khó chịu. Trước khi vào phỏng vấn, anh Chín đã xác định quyết tâm. Đây là cơ hội duy nhứt, lành dữ thể nào chưa biết, song khi gặp người Mỹ phỏng vấn, anh sẽ tung ra tất cả "bửu bối" còn giữ bấy lâu nay để người Mỹ này thấy rõ hơn về anh. Anh thật sự không biết hồ sơ của anh mà người Mỹ này đang có trước mặt, phía chánh quyền CS có biết không. Lúc nhờ người anh ở Mỹ bảo lãnh, anh Chín chỉ dám gởi qua bưu điện loại giấy "thường thường" để làm hồ sơ mà thôi. Nhưng hôm nay coi như đã vào hang cọp rồi, dù có việc gì bất trắc, anh Chín vẫn tin tưởng phía Hoa Kỳ đã có trong tay hồ sơ của anh.
Cuộc hỏi đáp bằng tiếng Mỹ qua lại có vẻ như "hỏi thêm cho biết sự tình", cuối cùng anh Chín mở phong thư ra trao cho phỏng vấn viên.
- Xin ông coi qua những thứ này!
Đó là một số hình ảnh và giấy chứng nhận, giấy khen của chánh phủ Hoa Kỳ. Phỏng vấn viên tò mò nhìn kỹ mấy tấm hình anh chụp hồi phục vụ "CIDG" ông tỏ ra thích thú, mỉm cười, gật nhẹ đầu. Nhìn hình một lần nữa, rồi ngước nhìn anh Chín trong bộ áo bốn túi, ông ta nói đùa.
- Nếu ông quàng chiếc khăn ở cổ nữa trông giống tướng lãnh lắm.
Cả hai ông ta và anh Chín cùng cười nhẹ. Khi ông nhìn qua tấm giấy khen có vết lem luốc, ông hỏi.
- Sao giấy này bị lem thế"
- Vì khó khăn lắm tôi mới có thể dấu nó suốt mười sáu năm nay!
Ông ta gật đầu nhẹ, biểu lộ đồng tình.
- Thôi, mọi việc xong rồi, Ông Chín. Ông bà có thể ra về.
Nhưng anh Chín nán lại
- Thưa ông tôi có thể yêu cầu một việc"
- Ông yêu cầu việc gì"
- Tôi có người anh ruột, là sĩ quan đã học tập mười ba năm rưỡi, đã có giấy xuất cảnh, và đang chờ bên ngoài. Ông có thể luôn tiện phỏng vấn"
- À, trường hợp đó, anh của ông phải chờ đợi sáu tháng nữa!
- Xin cám ơn ông rất nhiếu! Xin chào ông!
- Xin chúc ông một ngày vui tươi.
Anh cũng không quên chào và cám ơn cô thông dịch viên.
Không bao lâu sau gia đình anh Chín lên đường. Nếu văn sĩ pháp Francois Sagan nổi tiếng với tiểu thuyết "Buồn ơi! Chào mi", ngày anh Chín ra đi, gần như ứa lệ, anh nghĩ "Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt em"
Một tháng sau khi đến Mỹ, anh Chín đậu bằng lái xe, còn chị Chín cũng trở lại trường thi đậu xếp lớp vào college. Một mình anh luôn bận bịu sáng đưa con đi học, trưa rước về. Và còn nhờ người kèm chị Chín học lái xe nửa!
Nửa năm trợ cấp tị nạn vừa chấm dứt, anh Chín phải bung ra đi làm. Anh đã hỏi xin việc vài nơi, cuối cùng anh Chín nhận làm lái xe giao bánh Pizza cho một hãng pizza lớn nhứt nước Mỹ. Nhờ giờ làm uyển chuyển, không ràng buộc thời khắc khó khăn, anh có thể tiếp tục đưa rước các con anh đi học và cuối tuần đưa rước chị Chín đi làm thêm.
Đất lạ đãi người mới, gia đình anh Chín từng bước vươn lên. Tuy "Vạn sự khởi đầu nan", gia đình anh Chín rồi ra thấy mọi việc đều trôi qua rất tốt đẹp. Hai đứa con trai lớn tuy còn đi học, đã tìm được việc làm bán thời gian. Tiện tặn dần rồi cũng khá lên. Hơn một năm sau, anh chị Chín bắt đầu gởi về quê nhà giúp gia đình. Dường như gia đình nào cũng có người dư ăn, kẻ thiếu mặc "không ai giàu ba họ, khó ba đời" mà. Nói là giúp gia đình, chứ thật ra anh chị Chín gởi về biếu bà con phần đông ở quê thiếu ăn, thiếu mặc. Mỗi khi tết đến gần hai ngàn đô gởi về kèm một danh sách bà con vài chục người.
Cho không mất! Sau hai năm ở Mỹ, điều anh Chín học ở xứ nầy bài học sâu sắc nhứt là năm 1992, trận bão mang tên Andrew tàn phá bang Florida khá nặng nề. Trên đường đi làm về ngang một thành phố nọ, anh Chín thấy tấm băng nhựa giăng dọc đường kêu gọi đóng góp cứu trợ nạn nhơn. Không dằn được xúc động, anh viết một lá thư gởi cho ban lạc quyên của cộng đồng thành phố đó, kèm theo số tiền 30 đô la. Lá thư ngắn gọn, anh Chín nói "Đây là sự đóng góp ít oi của một gia đình đông con tị nạn CS mới qua nước Mỹ. Tục ngữ chúng tôi có câu 'Lá lành đùm lá rách', nhưng đối với chúng tôi đây là 'lá rách đùm lá nát'. Thư phúc đáp cảm ơn là một bài học cho anh Chín. Anh Chín nhớ trong bức thư có câu "Quan tâm và chia xẻ làm cho quốc gia này vĩ đại" (Caring and sharing has made this nation great !)
Số tiền cứu trợ như hạt cát trong sa mạc, vậy mà ban cứu trợ đó đã nhờ phóng viên tờ "Công báo" đến nhà phỏng vấn và chụp hình để lên báo. "Giving to gain"! Thực ra, khi làm những việc vì tình nhơn đạo, anh Chín không nghỉ "cho để được" có ngờ đâu sau bài báo đó thì có hai người, một bà gởi check 20 đô la cho anh Chín và một bà đề nghị offer cho việc làm. Anh Chín viết thư cảm ơn bà đã gởi cho tiền, luôn tiện báo tin và xin phép bà để cho anh gởi số tiền đó cho ban cứu trợ. Anh Chín cũng cảm ơn và từ chối bà đã đề nghị cho việc làm vì anh đã có việc rồi.
Lần lượt, hai đứa trai lớn của anh chị Chín ra trường. Còn đang tìm việc làm thì một ngày cuối tuần một đứa nói.
- Ba mẹ đi với con tới viếng Thiền Viện Tây Tạng
- Ở đâu vậy, con"
- Trên đường River Road, chừng ngoài 20 miles.
Lúc đến cửa, anh Chín thấy một sơ đồ phát triển Thiền Viện rộng ra 60 mẫu đất. Thiền viện đang kêu gọi sự đóng góp và một danh sách tên người thiện tâm đã lên đến con số 32. Toàn là tên ngoại quốc. Mỗi người tùy hảo tâm góp bao nhiêu mẫu cũng được. Giá một mẫu là $6,500. Thời điểm này vào khoảng năm 1998. Trên vách lối vào chánh điện treo nhiều hình bà viện trưởng người Mỹ chụp chung với tổng thống Mỹ, vị Đạt Lai Lạt Ma, Hoặc với các giới chức cao cấp khác. Người ta nói rằng bà viện trưởng là hóa thân của một vị Lạt Ma bên Tây Tạng.
Sau một vòng viếng Viện, đứa con anh chị Chín vào văn phòng hỏi gặp vị trực viện. Anh chị Chín theo con vào. Ngồi vào bàn xong, con anh chị nói.
- Hôm nay con đưa ba mẹ đến đây để chứng kiến con phát tâm đóng góp cho Thiền viện này một mẫu đất.
Nói xong nó quay sang vị trực viện.
- Tôi muốn góp một mẫu đất thủ tục ra sao thưa ông"
Hơi sững sờ, vợ chồng anh Chín quay nhìn nhau không biết nói sao đây. Hai người cùng chung ý nghĩ "Con nó đào ở đâu ra tiền để hiến tặng. Số tiền không phải nhỏ và nó mới ra trường chưa có việc làm" Nhưng nếu ngăn cản con thì không phải đạo chút nào, vì nó đang làm một việc phước thiện, tuy có vẻ vượt khả năng, vẫn là một việc nên làm.
Cuối cùng thủ tục hiến tặng hoàn tất. Anh chị Chín thở phào nhẹ nhõm khi đứa con cho biết số tiền được đóng từng phần nhỏ mỗi tháng chừng nào đủ thì thôi! A Di Đà Phật!
Đứa con gái của anh chi Chín cũng vậy. Ngày nọ, cháu đưa về nhà một người bạn trai cậu này có ý định hỏi cưới con gái anh chị Chín. Anh Chín thăm dò vài câu.
- Cháu thấy AL ra sao mà cháu xin cưới"
- Dạ, cháu thật sự cũng có vài bạn gái, nhưng với AL cháu thấy không giống những bạn gái cháu quen.
- Cháu thấy không giống điểm nào"
- Dạ, cháu thấy AL là cô gái có lòng nhân
- Cháu hãy nói rõ hơn!
- Dạ, nhiều lần đi chung, ngừng xe đèn đỏ có người homeless đứng bên lề AL đếu lấy tiền cho. Hoặc mỗi khi đến chùa AL luôn cúng dường.
- Vậy à!
Anh Chín từng nói với các con của anh "Phước bất hưởng tận", vì hưởng hết rồi thì không còn gì để hưởng. Cũng đơn giản như khi có tiền mà xài hết thì hết tiền để xài. Các con phải biết chia sớt cho những người kém may mắn hơn. Chúng ta có được ngày hôm nay không phải tự dưng mà có. Đó là do ta biết tích lũy công đức nhiều đời. Đến thế hệ các con tính ra đã bốn đời rồi. Thường thường bực trung, qua những biến cố, Ba đã chứng kiến nhiều cảnh đời tan nát. Tỉ phú bỗng chốc trắng tay; triệu phú khi chết không hòm chôn. Ba mẹ rất an tâm và hạnh phúc khi thấy các con biết đùm bọc nhau và biết giúp làm việc thiện, các con đừng chần chờ khi cho, dù là ít ỏi. Đừng nói rằng lúc nào con có nhiều sẽ cho, vì đến lúc đó, hoặc người đó đã có được điều họ cần, hoặc là họ đã đi xa.
Anh Chín cũng nói với gia đình "Em và các con thấy không điều mình cho đi không bao giờ mất". Xen với những câu theo anh Chín hiểu được gần như là châm ngôn, nào là "God needs no organ! Give to other"; "Give another chance, give blood!"; "Some gifts only God can give" là câu "Giving to gain", câu mà anh Chín tâm đắt nhứt. Đây là một trong rất nhiều câu in trên những miếng stickers được dán ở cản sau một số xe chạy trên đường, anh Chín đọc được trong lúc rong ruổi cùng con ngựa sắt để giao Pizza.
Vâng, thưa quí bạn "giving to gain" Lão tử thì có lẽ khác đi một chút "Kindness in giving creates love" còn Wintons Churchill có lần đã nói "We make a living by what we get but we make a life by what we give".
QUẢNG THÔNG-P.D.L.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến