Sống Một Mình Cho Nhiều Người
Tác giả: Trần Nguyên Đán
Bài số 2758-1628829- vb7101709
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng có 11 năm gây dựng một hội thánh ở Maryland. Khi ông đến, họ đạo gốc Việt tại đây là khu đất còn bỏ hoang. Tháng Tám 2007, một ngôi giáo đường khang trang được làm lễ cung hiến. Từ tháng Tám 2008, ông là quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả tiêu biểu Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút Viết Về Nước Mỹ 2009. Ngoài 18 bài viết về nước Mỹ hiện phổ biến trên Việt Báo Online, bạn đọc có thể đọc thêm “Chữ Nghĩa Của Đán” thi tập gồm 100 bài thơ Trần Nguyên Đán đã xuất bản.
1.
Buổi tối đó Trịnh nằm mơ thấy mình về Việt Nam. Giấc mơ y như thật. Chiếc xe hơi thả anh xuống một vùng đất mà người ta đang cày xới, rào chắn, chuẩn bị làm một khu nhà ở mới, giống như các khu nhà riêng biệt ở Mỹ. Bên trong các hàng rào, Trịnh nhìn thấy một khung cảnh thật trái ngược đến nỗi anh phải ngay lập tức lấy cái camera trong giỏ ra chụp liền vài tấm (hy vọng sẽ gởi đi dự thi ảnh đẹp thế giới (!!!). Một căn nhà, đúng hơn là một túp lều xiêu vẹo, ngay bên cạnh nó là một căn nhà lầu mới toanh. Giống như một bức tranh mà anh xem đã lâu và rất thích, chụp từ sau lưng một đứa bé da trắng đang ngồi bên cạnh, nắm tay một đứa bé da đen bên một dòng sông, hai mầu da tương phản nổi bật lên trên nền bầu trời xanh, như hình ảnh hai căn nhà anh đang nhìn thấy, nổi bật lên nền trời xám xịt buổi chiều.
Hình ảnh hai đứa bé hai mầu da gợi lên cho người ta một cảm giác an lành, hình ảnh một thế giới hòa hợp, hòa bình, còn hình ảnh hai căn nhà này lại gây cho người ta một cảm giác bứt rứt, bất nhẫn, có một sự xa cách quá lớn giữa các lối sống và đời sống, có một sự phân biệt thản nhiên lạnh lùng như sự nhẫn tâm bình thường của cuộc đời. Sao các buổi chiều ở Việt Nam thường buồn. Có lẽ mình chỉ tưởng tượng thế thôi. Chiều ở đâu lại chẳng buồn. Anh đang lưỡng lự không biết nên bước vào căn nhà nào để hỏi thăm, thì thức dậy.
Tâm hồn Trịnh vốn nhạy cảm. Dù chỉ là giấc mơ, nhưng anh không thể ngủ lại, trằn trọc suy nghĩ trong bóng tối. Tại sao mình lại phân vân không biết nên vào căn nhà nào để hỏi thăm. Tại sao mình ngần ngại" Tại sao mình không bước ngay vào căn nhà lụp xụp đó để hỏi" Tại sao mình còn đứng ngắm căn nhà lầu sang trọng với vẻ chiêm ngưỡng, và dường như cái ý định bước vào căn nhà sang trọng đó đã lên đến hơn sáu mươi phần trăm rồi. Sứ mệnh của mình là căn nhà lụp xụp đó, đâu phải là căn nhà lầu kia. Tại sao" Có phải Chúa muốn nhắc lại lời hứa nguyện của con cách đây hơn 10 năm" Lời hứa nguyện ấy chân thành, rõ ràng, chi tiết không hề nhầm lẫn. Anh cứ trở mình qua lại, dù đã cố gắng trở rất nhẹ, nhưng cũng làm Duyên thức giấc, cô hỏi: anh không ngủ được hả, sao vậy"
Trịnh nói khẽ không có gì, cho vợ yên tâm, rồi cố dỗ giấc ngủ trở lại, cố gắng không xoay trở qua lại nữa, sợ làm mất giấc ngủ của vợ, cô cần ngủ để mai còn đi làm sớm. Vẫn trằn trọc. Anh ráng nằm yên một chút, chờ nghe tiếng thở đều đều của vợ, khe khẽ ngồi dậy ra khỏi giường, đi nhẹ vào phòng làm việc. Phòng nằm cách xa phòng ngủ của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Trịnh ngồi yên trên ghế một lúc, hai tay ôm đầu.
Sáng hôm sau trong sở làm Trịnh gọi điện thoại cho ông Mục sư của mình và hẹn chiều nay đi làm về sớm đi uống cà phê. Ông Mục sư lớn hơn Trịnh khoảng 10 tuổi, mà anh vẫn gọi là anh một cách thân mật. Ông đối với anh giống như là một người bạn đối với một người bạn hơn là một Mục sư với tín đồ. Anh nói sau một lúc trầm ngâm:
-Em nghĩ là đã tới lúc phải thực hiện lời hứa với Chúa mười mấy năm trước.
-Chuyện như thế nào kể cho anh nghe.
-Anh có nhớ Đại Hội ở New Orleans vào khoảng năm 1998 không, sau khi Mục sư Mitchell giảng và kêu gọi dâng mình đi truyền giáo em đã đi lên và cầu nguyện dâng mình. Dù đã hơn 10 năm rồi nhưng khi được nhắc lại em vẫn nhớ y nguyên khung cảnh hôm đó, với những cảm xúc như đang đối diện với Chúa, nghe tiếng Ngài nói. Nhưng rồi sau đó bận rộn với việc học, rồi sau đó việc làm, rồi sau đó lại lấy vợ. Trịnh cười. Rồi sau đó lại có con, không chỉ một, mà hai đứa. Rồi lời hứa với Chúa đi vào quên lãng.
- Rồi gì nữa" Ông Mục sư cũng cười.
-Tối hôm qua em có một giấc mơ. Trịnh kể lại.
Anh lại trầm ngâm một lúc. Anh nhìn ra đường, lác đác vài cành lá vàng làm anh thấy nhớ mùa thu ở Maryland, có lẽ thu đã đến rồi. Anh ao ước được trở lại, đi trên những con đường mùa thu tràn ngập sắc mầu, hoặc lái xe một mình đi vào những khu rừng nhỏ, một nét đặc trưng của tiểu bang miền đông này, có rất nhiều khu rừng nhỏ, nhiều hồ, mà người ta có thể đến bất cứ khi nào muốn, bất cứ khi nào cần. Điều đó rất phù hợp với tánh tình của Trịnh, trầm lặng, yêu nghệ thuật, thiên nhiên.
-Anh hiểu tâm trạng của chú. Ông Mục sư nói.
-Từ lâu em vẫn thường hay băn khoăn về những khoảng cách của con người trong cuộc sống. Em thấy cuộc đời sao vô tình quá, có chút bất công nữa. Tại sao những người ở trên không thể chia xẻ cho những người ở dưới, để cho khoảng cách gần lại.
-Thật ra người ta cũng cố gắng làm điều đó nhiều chứ. Nhiều hội từ thiện, những non profit organization mở ra khắp nơi, với ý muốn góp phần chia xẻ sự bất công của xã hội.
Trịnh cười, nói với vẻ xin lỗi:
-Em không nói câu này ra với ý định trách móc người khác. Người đáng trách móc đó phải chính là mình. Mình không làm mà nói ai, hả anh"
-Thế chú nghĩ sao về điều đó. Ông Mục sư hỏi.
-Em nghĩ đã đến lúc em phải làm, thay vì nói.
Ông Mục sư thấy cần phải để cho một khoảng trống im lặng trước khi nói một điều quan trọng. Cả hai cùng im lặng một lúc, cùng để mình suy nghĩ. Ông nhìn người đàn ông trẻ thành đạt ngồi trước mặt, vẻ suy tư.
Một giây phút yên lặng thoáng qua:
-Chú có suy nghĩ gì chi tiết chưa, như là hoạch định một kế hoạch chẳng hạn.
-Dạ chưa, em muốn hỏi ý kiến anh trước.
-Em có gọi cho Mục sư Viễn chưa"
-Dạ có, nhưng Bố đi Anh chưa về.
-Cụ thể là em muốn đi truyền giáo, trở thành một giáo sĩ"
-Dạ phải.
-Truyền giáo hay giáo sĩ" Theo anh đó là hai vấn đề khác nhau.
-Anh thấy cái nào tốt hơn, cho em"
-Chú muốn cái gì"
Đó là lý do tại sao Trịnh thích gần gũi người anh tinh thần này, thường chạy đến mỗi khi có những nan đề cần giải quyết. Dường như lúc nào anh ấy cũng chỉ đưa ra những câu hỏi để người khác trả lời, bày tỏ ý muốn của mình, tự chọn cho mình một đường lối giải quyết hơn là đưa ra một lời khuyên. Trịnh ném một trái bóng khác:
-Em muốn anh cho em một lời khuyên. Anh thấy điều nào là thích hợp cho em trong hoàn cảnh này"
Ông Mục sư mỉm cười:
-Chú có nói chuyện với cô chưa"
-Dạ rồi, nhưng...
Trịnh lại nhớ cách đó vài ngày hai vợ chồng đi bộ một vài vòng trong sân tennis, sau khi thi đấu giao hữu với nhau vài set để tập thể dục cuối tuần, mà Trịnh hay nói đùa là Rafael Nadal giao đấu với Justine Henin, hai tennis players hàng đầu thế giới mà cả hai vợ chồng là fan. Bề ngoài trông cũng hơi giống, Justine Henin Duyên hơi nhỏ con, đứng bên cạnh Rafael Nadal Trịnh thua gần cả ...cái đầu.
-Mấy hôm nay em thấy anh hơi khác khác, có vẻ suy nghĩ. Có chuyện gì không anh" Trong sở có gì không" Duyên hỏi.
Trịnh nhân tiện nói luôn:
-Cách đây nhiều năm, khoảng hơn 10 năm, anh có hứa với Chúa là dâng mình làm giáo sĩ, đi truyền giáo. Nhưng bị thất hứa sau khi gặp ...em.
-Đổ thừa hả" Duyên cười.
Trịnh cũng cười:
-My fault. Mấy ngày nay quả thật là Chúa có nhắc nhở anh về lời hứa đó. Anh đang suy nghĩ, hẹn Chúa sẽ trả lời. Em nghĩ sao"
Duyên không cười nữa, cô nói một cách đắn đo:
-Nếu anh đã nghe tiếng Chúa gọi thì em không dám cản. Nhưng xin anh nghĩ lại về hoàn cảnh gia đình mình bây giờ, và cầu nguyện thêm. Em cũng sẽ cầu nguyện nhiều về điều này. Đây là một quyết định quan trọng đó anh ạ.
Trịnh nói lại với ông Mục sư về lần nói chuyện đó
-Anh cũng định hỏi em. Khi nghe tiếng gọi của Chúa, em nghĩ sẽ thu xếp gia đình thế nào" Mục sư hỏi.
Trịnh trầm ngâm:
-Em cũng chưa biết tính sao. Hoàn cảnh gia đình em bây giờ cũng khó để thực hiện hoài bão, ước mơ, lời hứa. Duyên cũng đi làm, cháu bé mới 4 tuổi. Căn nhà lớn chưa trả xong, khi nghĩ lại em thấy hối tiếc, giá mình đừng mua căn nhà lớn như thế, giá mà có... một đứa con thôi, giá mà... biết bao nhiêu cái giá mà, bây giờ là một cái giá phải trả.
Mục sư đặt tay lên vai Trịnh:
-Nếu thật sự mình làm gì theo ý của Chúa thì Chúa sẽ giải quyết những khó khăn cho mình em ạ. Nhưng hãy xem lại có thật đó là ý của Chúa hay không. Và còn vấn đề thời điểm nữa. Chúa gọi, nhưng lúc nào. Em hãy cầu nguyện thêm. Anh sẽ gặp em thêm để nói chuyện và cầu nguyện với nhau.
Trịnh nói thêm:
-Hình ảnh những đứa bé nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh cứ lẩn quẩn trong đầu em, không dứt ra được.
Lúc hai người đứng dậy. Trịnh chợt thấy mình rất buồn, buồn đến muốn khóc.
2.
Trịnh vốn là một đứa bé có vấn đề với xã hội trước khi giải quyết được những vấn đề với xã hội để hòa nhập vào giòng chảy của xã hội. Khi chảy được thì chảy rất êm ái. Đến Mỹ một mình không cha mẹ, sống một mình với gia đình người bảo trợ, tuy sống chung với gia đình người bảo trợ có đến năm người con cùng trang lứa, nhưng sống một mình, vì luôn luôn ẩn mình rất kín trong cái vỏ của mình, không giao thiệp với những đứa trẻ cùng trang lứa đó, ngoại trừ vài câu nói thông tin khi ăn chung, đi học chung. Cuộc sống nội tâm quá khép kín đó cũng có lúc bùng nổ, bùng nổ về hướng không tốt, Trịnh giao tiếp với những đứa trẻ xấu trong trường mà thằng bé con 14 tuổi thấy có vẻ gì hay hay, bất cần đời, sống tự nhiên. Chỉ là cái vỏ đường bọc ngoài của viên thuốc đắng. Nó dẫn đến việc trở thành một thiếu niên băng đảng, thực sự không phải là điều mà thằng bé cô đơn muốn. Khi nó hiểu ra thì dường như cũng đã lún hơi sâu rồi. Băng đảng con nít ấy được chỉ huy bởi một đứa lớn hơn, và có một thằng nhỏ Việt Nam chơi thân với nó, thường hay nâng đỡ nó, bảo vệ nó.
4.
Ông Bố, người anh lớn, và vợ, đưa Trịnh ra phi trường.
Trước cửa check point, Mục sư Viễn ôm đứa con trai vào lòng, nó đã quá lớn rồi, vậy mà ông vẫn ôm nó, siết chặt nó trong lòng:
-Bố Mẹ sẽ cầu nguyện cho con luôn luôn.
-Anh sẽ cầu nguyện cho em. Người anh Mục sư nói.
Cuối cùng là vợ. Duyên cười, tỏ vẻ không quá bùi ngùi như hai người đàn ông:
-Em và hai con sẽ cầu nguyện cho anh.
Đó là hình ảnh cách đây 3 năm. Ba năm sau, cũng hình ảnh ở phi trường, nhưng chỉ còn gia đình Trịnh, vợ và hai con, nay đã lớn hơn một chút, và sẵn sàng bay đi, đến một nơi mà họ sẽ phải sống một mình nhưng với nhiều người đang cần họ, cho nhiều người đang cần họ. Chuyến đi này sẽ rất dài.
Tôi là người duy nhất đến tiễn vợ chồng Trịnh hôm đó, vì anh không muốn ai đưa tiễn, sợ họ buồn lây đến anh. Anh nghĩ tôi là người cứng rắn, anh cho tôi đi.
Trịnh không hề biết rằng khi máy bay bay lên, tôi phải cúi xuống để giấu khuôn mặt đầm đìa nước mắt.
Trần Nguyên Đán