Hôm nay,  

Những Mối Tình Trên Đất Mỹ

03/08/200300:00:00(Xem: 186098)
Người viết: PHAN NGỌC QUỲNH
Bài số 3260-856-vb2280703

Tác giả Phan Ngọc Quỳnh sinh năm 1933. Năm 1957, ông gia nhập Không Quân Việt Nam và đã có dịp sang Mỹ theo học ngành cơ khí hàng không tại căn cứ không quân Sluppard-Texas. Hiện nay, ông Quỳnh đang sinh sống ở Miền Nam Việt Nam. Bài viếtõ về nước Mỹ do bà Thu Thảo, một tác giả Viết Về Nước Mỹ đang sống tại Hawaii chuyển dùm tới Việt Báo. Bài đầu tiên của ông là "Những Kỷ Niệm Khó Quên Trên Đất Mỹ" kể lại chuyến du học Mỹ lần đầu. Năm 1969, ông Quỳnh lại có dịp đi Hoa Kỳ tái huấn luyện và sau đây là hồi ký của ông về chuyến đi này.
*

Hồi ký này tôi mến tặng những người đã học tại trường sinh ngữ Lackland (Texas) và trường chuyên nghiệp Chamite (Ilinoit).

Lời tựa đề trên co hấp dẫn nhưng thật ra đó không phải là những mối tình lãng mạn. Như bài trước tôi đã kể khi Viết Về Nước Mỹ, chỉ là một tình yêu với một cô gái thổ dân Hawaii;tình bạn với một thanh niên da đen phục vụ trên chuyến xe lửa lục địa Mỹ và tình quân ngũ với vị trung tướng đáng kính chỉ huy trưởng trường Sheppard năm 1957.
Sau lần du học từ năm đó về nước, tôi làm việc qua các đơn vị như Công xưởng không quan, Liên phi đoàn 1 vận tải, Phi đoàn 83 phản lực B57 rồi A37 và sau cùng là Sư đoàn 4KQ.
Trong suốt 12 năm trời đó, cuộc đời quân đội tôi đã tiến từ binh nhì đến thượng sĩ nhất và với tỷ lệ thuận cuộc đời dân sự của tôi cũng tiến từ độc thân đến 1 vợ, 4 con.
Cấp bậc thì nhỏ mà gia đình ngày càng bành trướng nên trách nhiệm để lên đôi vai không còn thì giờ để nhớ đến những mối tình ngày xưa trên đất Mỹ nữa. Có một vài đêm, nằm mơ thấy mình đang cắp sách đến trường xưa bên Mỹ và cũng có khi mơ thấy đang tắm với người yêu cũ trên bãi biển thơ mộng Hạ Uy Di. Nhưng rất đáng tiếc, tiếng ngáy ro ro của vợ thổi bên tai làm giật mình thức giấc, tỉnh giấc mộng vàng rồi giấc mơ cũng tan biến nhanh như bọt biển và tiếng gió biển thực tế vẫn thổi ro ro bên tai.
Thế rồi, bất ngờ và may mắn những ước mơ và giấc mộng gặp lại đất Mỹ biến thành sự thật.
Tôi nói may mắn là vào năm thăng cấp cuối cùng tôi phải từ giã đời thợ máy để "bị" đưa vào làm ở phòng kiểm soát bảo trì sư đoàn 4KQ. Ai cũng sợ và nản chí khi vào làm ở phòng này vì tẻ nhạt. Đó là nơi chuyên thống kê tình trạng tất cả phi cơ của đơn vị hàng phút về bộ tư lệnh, cộng trừ nhân chia tỷ lệ phi cơ tốt xấu hàng ngày, hàng tháng.
Thế rồi như “tái ông mất ngựa,” trong cái xui gặp cái hên. Năm 1969 phòng du học tuyển hạ sĩ quan đi Mỹ học khóa chuyên môn nghề tôi đang làm với điều kiện thi đủ 70 ECL (English Compre-hemsion Level: trình độ hiểu biết anh ngữ). Thi 2 lần, chỉ có tôi và một bạn ở SĐ3KQ trúng khoảng 60 ECL mà thôi. Tuy nhiên 2 đứa vẫn được gọi du học vì không ai có số điểm cao hơn (hai thằng chột làm vua xứ mù mà lỵ).
Và rồi, thêm một lần, được sống lại với những mối tình trên đất Mỹ.

Tình Đồng Khóa
trường Lackland.
Nói là đồng khóa chứ hai thằng tôi cái gì cũng đồng giống nhau, từ cấp bậc, số tuổi, tình trạng gia đình cùng nghèo, đang ở Trại Gia binh và đã từng đi Mỹ học một lần. Chỉ có khác một điều là anh ta thích ăn rau muống hơn tôi.
Riêng tôi nhờ chuyến đi này mà tôi có thể so sánh được chuyến đi Mỹ trước đây một con giáp.
Đi lần đầu vào năm 1957, tôi mang cấp bậc đơ gièm cùi bắp, quân phục chưa có, phải lãnh trong kho những bộ đồ cũ của những người đi học lính tây về trả lại. Học viên 7 người độc thân, được bay qua Mỹ bằng loại máy bay cánh quạt và đến nơi bằng xe lửa trong thời gian 15 ngày.
Lần thứ hai vào năm 1969 cấp bậc thượng sĩ I, học viên 2 người đã lập gia đình quân phục tề chỉnh lon lá uy nghi 3 vạch gãy, 2 gạch ngang mề đay, huân chương lộng lẫy, vợ con đưa tiễn sân bay. Chỉ có điều duy nhất trùng hợp là cả hai khóa đều lọt vào tháng 7 nên tôi đều được tham dự ngày Lễ độc lập (4-7) được xem diễn hành ở phố và đốt pháo bông về đêm.
Vì là hàng năm đều có lễ July 4 nên người Mỹ coi đó không phải là điều lạ nhưng chúng tôi xem đây là điều may mắn.
Bây giờ tôi đề cập về trường sinh ngữ quân đội Lackland. Tôi nghĩ đây là một trường quốc tế, tập trung quân nhân đa quốc gia. Trường có nhiều phòng ốc máy móc trợ thính, nhất là có những phương pháp dạy độc đáo, thực hành nhiều hơn lý thuyết. Bây giờ tôi không biết như thế nào chứ vào năm tôi nhập học chỉ trong vòng 8 tuần mà tôi đã thu thập được nhiều kiến thức anh ngữ lẫn phát âm. Phương pháp sơ đẳng là cho sống chung với bạn ngoại quốc.
Khi chúng tôi trình diện nhà trường thì được đưa đến nhà ở lầu 1 (barrack) bằng gỗ có nhiều phòng, mỗi phòng cư ngụ 2 người, quốc tịch khác nhau. Như vậy bắt buộc 2 bên đều phải nói chuyện bằng tiếng Anh.
Chẳng biết buồn hay vui khi tôi không được ở chung với anh bạn đồng khóa mà phải cùng phòng với anh bạn lạ hoắc người Ấn Độ. Trông anh ta khá đẹp trai nhờ bộ râu quai nón tỉa gọn, nhưng tôi rất khổ tâm vì mỗi lần về phòng là phải hít cái mùi hành sống mà lúc nào cũng có sẵn trên bàn và anh chàng ăn ngon lành như đang ăn trái lê vậy. Ba nngày sau chịu không nỗi tôi xin đổi phòng khác thì lại gặp anh chàng Iran. Thỉnh thoảng chàng lại quỳ xuống sì sụp lạy và đọc kinh.
Trường còn tạo ra phương pháp thực hành ưu việt hơn là thu xếp cho học viên sống chung với gia đình người Mỹ. Đó là nhà trường hợp tác với các tín đồ nhà thờ tin lành tổ chức để các học viên tiếp xúc trực tiếp với đời sống gia đình người Mỹ trong 2 ngày cuối tuần. Học viên sẽ tập nói chuyện ứng dụng điều mình đã học, tìm hiểu lối gia huấn, sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái. Sáng chủ nhật hôm sau, học viên có đạo hay không cũng phải vận quân phục chỉnh tề để cùng gia đình đi dự lễ nhà thờ.
Cứ vào mỗi đầu tuần, trên bảng thông báo của trường có dán một tờ giấy trắng dài ghi số thứ tự từ 1 đến 50 với tựa đề “American Home.” Ai muốn đi thì điền tên vào. Hai chúng tôi không bao giờ vắng mặt trong chương trình này.
Trong những chuyến du hành ngắn ngày đó đều có hên, xui, may, rủi. Nếu gặp gia đình giàu thì được ăn ngon được chở đi xem bóng chày, xem hát vv... còn nếu gặp gia đình nghèo hoặc ở trang trại thì phải theo chủ nhân phụ giúp công việc với họ. Tuy nhiên dù nơi nào cũng vậy, chúng tôi đều vui vì đã gặp thêm nhiều bạn Mỹ, học thêm nhiều điều mới lạ bằng tiếng Anh. Đến chiều chủ nhật họ lại chở chúng tôi đến điểm tập trung để giao chúng tôi lại nhà trường với nhiều điều quyến luyến.
Sau 8 tuần hai chúng tôi cũng đã lượm thêm được 10 điểm vì nếu ở lâu quá thời hạn cho phép mà thi rớt là bị tống về nước, mặc dù rất muốn ở lại vì mến thành phố San Antonio, yêu các chuyến xe buýt qua biên giới Texas để vào Mexico City nhưng rồi cũng phải hát bài chia tay. Được những ngày vui vẻ tưng bừng hoan lạc thật sự nơi đây, tôi lại cứ tưởng như đang nằm mơ.
TÌNH ĐỒNG MÔN-TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP CHANUTE
Dời đến trường mới, nhập học môn kiểm soát bảo trì phi cơ này, hai chúng tôi có thêm 6 đồng môn người Mỹ. Họ vào khoảng tuổi chúng tôi nhưng có vẻ già dặn và đều to con gấp rưỡi chúng tôi. Cấp bậc cũng già hơn chúng tôi một nấc. Nếu ở Việt Nam họ sẽ là những cố vấn về chuyên môn họ giỏi hơn những sĩ quan mới ra trường. Hai thằng tôi gọi họ là mấy "ông tổ".


Môn học này có hai tháng văn học và 4 tháng chuyên nghiệp. Phần văn hóa đa số học về toán. Cuối mỗi buổi học đều phải thi trắc nghiệm về bài vừa học. Trong 10 câu nếu ghi sai quá 5 câu thì phải đi học ôn lại vào buổi chiều.
Đầu tiên gặp những câu toán và toán đố, hai thằng tôi xem như ăn gỏi. Còn mấy ông tổ của tôi bị kẹt rào hoài. Bù lại đến những tháng học môn chuyên nghiệp thì hai đứa tôi phải lãnh đủ những ngày đau khổ, không được ngủ trưa và học thêm mỗi chiều 2 giờ. Những lúc đó các ông tổ lại khỏe re. Tuy nhiên, không có ai nhạo báng chúng tôi mà lại tỏ vẻ thương hại cho những bài thi có số điểm thấp lè tè của chúng tôi. Thỉnh thoảng giờ rảnh họ cố gắng giải thích cho chúng tôi những điều khó hiểu.
Hơn nữa, vào những giờ giải lao mấy ông tổ này trở thành sư phụ của tôi về những bài học... luyến ái nam nữ và sau khi tham khảo họ chê tôi "bẹt gièm cổ hủ". Thế rồi mấy sư phụ tranh nhau truyền nghề kinh nghiệm cho đệ tử. Một thầy vẽ hình lên bảng bằng bút sáp, một thầy giảng nghĩa và đồng thời tuyên bố với tôi rằng nếu thuộc bài và trả bài đầy đủ sẽ bảo vệ được hạnh phúc gia đình.
Tình đồng môn thật là thắm thiết, thân mật. Nhưng vui nhất là mỗi ngày thứ sáu vào cuối giờ học. Trước khi về nhà với vợ con, tất cả lớp phải ngồi lại để thầy ôn lại các bài về luật giao thông và học thêm các luật mới, dù ai đã có bằng lái quốc tế. Sau đó đến màn tổng vệ sinh: bảng, tủ, bàn ghế và nhất là phải đánh sira bàn gỗ thật bóng. Chỉ riêng lớp tôi là có phương pháp độc đáo, nhanh nhất nhưng trông thấy thật là khôi hài: hai thằng tôi nhỏ con nên đươc đề cử làm 2 con cóc ngồi trên bàn máy chà để đè thêm sức nặng, hai tay giữ chặt lấy cầu máy để khỏi té, còn mấy ông tổ thì thay phiên đẩy cầu máy, bàn chà và 2 con cóc chạy quanh phòng, 1 vài vòng là sàn bóng loáng. OK ra về với vợ.
Học ở trường này tôi đã được tặng 2 điểm đáng ghi nhớ vào đời:
Điểm 1: Trường tổ chức cho tất cả học viên ngoại quốc được đi du ngoạn ở thành phố Saint Louis trong tiểu bang Illinois.
Nơi đây có nhiều kỳ quan lịch sử, sân vận động vĩ đại, có dòng sông thơ mộng Missisippi. Bên bờ sông thành phố có 1 cầu vòng bằng thép Gateway Arch cao 640 feet. Nơi đây có thể chứa 240 khách lên đỉnh bằng thang máy để xem toàn cảnh thành phố. Bắt qua sông có chiếc cầu EADS xây từ năm 1870. Đặc biệt nhất là chiếc tàu SS Admiral cao 3 tầng chạy bằng hơi nước. Khi tàu rời bến hay cập bến có vang lên những chiếc kèn hơi thổi những bản nhạc chào đón.
Chúng tôi được mời lên tàu miễn phí để cùng khách du ngoạn trên dòng sông. Chúng tôi tản mạn đi khắp các tầng của con tàu. Mỗi tầng là một nơi giải trí: ca nhạc, sân khấu dành cho người lớn, trò chơi điện tử, lái xe điện dành cho trẻ em. Đa số các phụ nữ lại thích ngồi tại các bàn giải khát trên boong tàu để ngắm cảnh và trò chuyện trong khi tàu trôi nhẹ trên sông.
TÌNH ĐỒNG CHÍ TRÊN
BOONG TÀU SS ADMIRAL
Sau khi rã chân vì đã đánh vòng hết con tàu, tôi lên boong để đón gió mát. Tàu chạy sình sịch trên dòng sông xanh, hai bên bờ là thành phố. Nơi cao nhất của con tàu này tôi đã gặp một đoàn nữ hướng đạo từ 13 đến 16 tuổi. Họ vui vẻ và ríu rít như một đàn chim. Tuy đứng ở xa nhưng tôi đã nhìn thấy một cô gái lớn tuổi hơn mấy con chim non kia tôi biết cô là trưởng đoàn. Cùng đồng phục nhưng phù hiệu khác nhau. Sở dĩ tôi phân biệt nhanh là nhờ trước khi nhập ngũ tôi đã là huynh trưởng đoàn nam hướng đạo ở Saigon. Như thế cô ấy và tôi cùng là đồng chí của vị lãnh tụ hướng đạo Baden-Powell. Đến gần nàng, sau lời giới thiệu và cử chỉ chào đón 3 ngón tay, tôi và nàng trở thành bạn nhau ngay (bài học vỡ lòng làm quen của các sư phụ Mỹ đã dạy tôi). Qua một giờ hàn huyên nhận thức được tình cảm qua những cái níu tay và nắm tay của nàng dành cho tôi, tôi mới biết người thiếu nữ Mỹ rất nhạy cảm trong vấn đề yêu đương. Chúng tôi dẫn đến cuối boong tàu để tâm sự tránh những cặp mắt hiếu kỳ. Nàng tên R, tóc vòng 25 tuổi rất xinh đẹp và hiền dịu. Nàng chỉ biết tôi lớn hơn nàng 10 tuổi, độc thân (một tội rất nặng nhưng có thể tha thứ là nói láo trong dịp này).
Đây là những giây phút thần tiên nhiều kỷ niệm của tôi trên đất Mỹ. Tàu cập bến. Chúng tôi chia tay sau khi trao lại địa chỉ cho nhau. Sau đó có những lá thư, những tấm ảnh tìm đến. Có khi nàng ghi vào ảnh rằng "không bao giờ quên tôi" "một mối tình lãng mạn". Tôi nghĩ rằng không nên làm khổ một người con gái trong sáng và có lý tưởng hướng đạo cho các đàn em như cô. Có lẽ nàng sẽ ngạc nhiên vì sự im lặng, cố tình "cắt đứt dây chuông" của tôi.
Bây giờ ngồi viết lại hồi ký này, nhìn lại tấm ảnh cô gái Mỹ xinh đẹp ngày xưa, nay đã là một bà lão 60 tuổi với một đàn cháu vây quanh chắc không còn nhớ tới ai.
Điểm 2: Điểm may mắn thứ 2 của tôi là được dịp thưởng thức kỳ công về kỹ thuật không gian của nước Mỹ đối với thế giới: đó là tàu Apolo 11 đáp xuống mặt trăng và tôi là một trong các số người trên quả đất này trực tiếp xem truyền hình quay bước chân của Amstrong và những bước nhảy của 2 phi hành gia trên mặt trăng vắng lặng. Đến 2 giờ sáng tôi vẫn không rời màn hình và rất ngạc nhiên khi thấy anh bạn Mỹ cùng phòng đang ngủ say không quan tâm. Trái lại tôi biết anh không bao giờ bỏ sót một buổi quay trận đấu võ đài nào dù lớn hay nhỏ, hạng lông hay hạng gà.
TÌNH SƯ PHỤ VỚI
NGƯỜI VIỆT NAM
Ở lớp tôi duy nhất chỉ có một ông thầy từ đầu khóa đến cuối. Thầy tôi già khoảng 60 tuổi nhưng tóc đã bạc phơ. Nhận xét suốt khóa học, thầy là một con người tình cảm, nói năng nhỏ nhẹ và rất mến 2 học viên người Việt. Mỗi khi thi thiếu điểm phải đi học lại buổi chiều thầy giảng lại chậm rãi dễ hiểu. Sau đó thầy dúi cho 2 đứa một mẫu bánh ngọt hay vài trái táo. Lúc đó thầy thường tâm sự với 2 đứa về gia cảnh, xã hội và những lời khuyên, thầy đã dạy trường này hơn 20 năm và sắp về hưu.
Rồi cũng phải đến ngày mãn khóa dành riêng cho lớp tôi. Ngày đó tôi mới thấy thầy mặc bộ quân phục, mang quân hàm trung tá.
Buổi bế mạc khóa học một cách giản dị, bình thường. Sau những lời chúc mừng đến các trò và gia đình, thầy mời từng người lên bục giảng để trao bằng. Các ông bạn Mỹ của tôi nhận bằng, bắt tay cám ơn thầy rồi ra về một cách vô tư, không tình cảm.
Chỉ còn lại hai chúng tôi xin ngồi lại với thầy vài phút. Thầy vui vẻ nhận lời. Tôi mang lên tặng thầy một hộp nhỏ đựng cái cà vạt. Tôi đã chuẩn bị vài câu cuối cùng với thầy nhưng khi đứng trước thầy tự nhiên thấy nghẹn ngào đến nỗi không thốt được 2 chữ "cám ơn". Anh bạn đồng khóa cũng đã thủ sẵn một món quà nhỏ chẳng đáng gì bao nhiêu nhưng cả ba thầy trò đều cảm động, những bàn tay siết chặt từ giã.
Sau khi bạn tôi tiễn thầy r axe, tôi trở vào ngồi lặng yên một mình trong lớp học thân yêu, quan sát từng đồ vật để rồi không bao giờ thấy lại được. Tôi sờ mặt bàn mà tôi đã gần từ mấy tháng nay. Tôi nhìn cái máy đánh bóng sàn đứng tận góc phòng, im lặng như chia buồn cùng tôi. Tôi nhớ lại tiếng máy quay rào rào dưới chân và tiếng cười vang của các ông tổ. Khi thấy 2 con có đang nhảy trên sàn. Tôi đến sờ những vật vô tri đó 1 lần cuối để chia tay. Sẽ không bao giờ gặp lại, chỉ trừ trong giấc mộng sẽ tái hiện tại VN. Tôi lặng lẽ ra về, đóng cánh cửa tâm hồn, mắt mờ lệ như cảm giác đa cảm, đa sầu của người con gái rời xa người yêu vĩnh viễn.

Phan Ngọc Quỳnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến