Hôm nay,  

Kẻ Nội Thù

06/03/200200:00:00(Xem: 327405)
Bài tham dự số: 2-465-vb80204
Lê Như Đức là tác giả đã được trao tặng giải thưởng sơ kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Ông hiện cư trú tại Houston, là kỹ sư của Boeng. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Ông Hải cầm cái cần đổi đài bấm nút đổi qua đài CNN để coi hình cái anh chàng thanh niên Mỹ tên John Walker Lindh một lần nữa.
Ông đi tới gần sát cái TV để nhìn kỹ mặt mũi gớm giếc của kẻ nội thù nước Mỹ. Cái mũi khoằm khoằm như mũi phù thủy, cặp mắt gian tà không dám nhìn thẳng chỉ chuyên nhìn trộm. Nó lại còn để hàm râu tua tủa theo mốt Taliban trông dơ hết biết.
ỘRâu của thằng này chỉ thua râu thằng bin Laden mà thôi. Râu thằng Osama cũng lởm chởm nhưng lại quăn tít, trông vừa dơ lại vừa dâm. Thảo nào nó không năm vợ. Lâu lâu nó lại làm bộ quay phim mình đang ở trong bưng đeo súng, leo núi kháng chiến. Năm vợ thì còn sức cái mả mẹ nó mà kháng chiến. Bóp cò chưa chắc đã bóp nổi. Không hiểu tại sao người dân A-Phú-Hãn không nhìn ra" Ợ Ông Hải gật gù lẩm bẩm cười khoái chí như mới tìm được một bí mật lớn của quân khủng bố al-Qaida.
Mấy ngày nay hầu như tất cả mọi người đều hướng về cái anh chàng Mỹ đi lính cho Taliban. Chế độ Hồi Giáo cực đoan Taliban đã bị đánh tan tành. Trùm khủng bố Osama bin Laden đang chạy trốn thất điên bát đảo trong hang động như chuột. Các đài truyền hình Mỹ đang lo sắp hết chuyện để nói thì tự nhiên lòi cái anh chàng đâm sau lưng chiến sĩ, John Walker Lindh này ra. Hình như lúc đầu chính phủ Mỹ cũng muốn để vụ này trôi êm nên có nêu chút ít chiến công của y là đã khai báo nhiều bí mật của địch cho quân đội Mỹ. Chiến thắng vinh quang đã tới, ngôi vị bá chủ của nước Mỹ chưa bao giờ được lừng lẫy như bây giờ, vậy thì đưa cái tên ghẻ lở đi lộn chiều này ra tòa làm chi cho thêm nhục. Cả thế giới sẽ xúm vào cười cho thúi...mõm. Nhưng John lại quá mê muội không hiểu lòng nhân đạo của chính phủ mình nên tuyên bố lung tung cho rằng mình đã đi đúng đường và để râu đúng mốt.
Ông Hải bực mình chửi thề:
- Mẹ cha mày. Mày may mắn sinh trong cái nước văn minh, nhân đạo mà không biết thân. Mày làm bậy họ tìm cách cứu mày. Mày không biết hối còn ăn nói mất dậy nữa. Thứ này cho về ở với Việt Cộng thì biết ngay. Nó bắn bỏ mẹ, không thèm xử. Nó còn lôi cả giòng họ nhà mày ra mà bêu xấu.
Bà Hải đang đứng ở trong bếp nấu nồi bún riêu nhìn ra phòng khách thấy chồng lúc thì đi tới thật sát cái máy truyền hình ngắm nghía, lúc lại lui ra xa xa lẩm bẩm như đọc thần chú. Bà hỏi to:
- Ông có thấy tin tức gì mới không" Cái thằng phản quốc đó có gì hay mà ông cứ ngắm nó hoài"
Ông Hải chưa kịp trả lời thì thấy ngoài sân có tiếng xe hơi lái đậu trước nhà ông. Nhìn qua cửa sổ, ông thấy cậu qúy tử của nhà ông đang quay cửa kính xe xuống rồi chui nhẩy ra xe. Ông không trả lời bà Hải chỉ lẩm bẩm một mình:
- Cũng lại cùng giống ngu đần Taliban. Người ta làm cái xe có hai cánh cửa rộng để lịch sự mở ra rồi bước ra khỏi xe thì lại không dùng, cứ phải trèo vô rồi leo ra ngang xương theo lỗ cửa sổ thì mới chịu.
Sơn mở cửa bước vô nhà thấy ông Hải đang khó chịu nhìn mình liền chào hỏi theo đúng luật giang hồ:
- What's up Dad"
Sẵn đang bực mình, ông Hải hỏi to:
- Tao là bố của mày chứ không phải là "đét" của mày hiểu chưa" Còn nữa, tên tao đặt cho mày là Sơn chứ không phải là Sonny đâu. Có muốn dịch ra tiếng Mỹ thì cũng phải dịch cho đúng. Sơn tiếng Mỹ là Mao-tơn (mountain) rõ chưa"
Sơn hiểu tính tình của ông Hải nên không giận chỉ cười cười, tay bá vai, tay xoa lưng ông trả lời:
- Mỹ không có tên Mao-tơn đâu ba. Ba thấy con có gọi ba là Three đâu" Hết chiến tranh rồi, Mỹ thắng lớn, ba phải vui lên. It's party time, my man.
Bà Hải cũng lên tiếng can ông:
- Thôi, ông cho tôi xin. Mình ở xứ Mỹ dùng tên Mỹ cho người ta dễ gọi một tí chứ nó đâu có mất gốc đâu mà ông sợ. Ông không thấy nó vẫn nói tiếng Việt rõ ràng hay sao" Con mình còn hơn vạn con người khác đấy. Tôi nói không phải khoe đâu. Ông không thấy con Bác Cả, con chú Long à. Cha con chỉ nói tiếng Mỹ mới hiểu nhau thôi.
Ông Hải tuy hay la con nhưng lòng ông lại nhũn còn hơn ai hết. Ông nhìn Sơn cảm thấy hơi là lạ, cằm của nó hôm nay để râu lởm chởm như thằng phản quốc John Walker Lindh. Hình như nước Mỹ đang có mốt để râu thật rậm thì phải. Ông châm rãi bước tới thật sát mặt Sơn nhìn. Ông lấy hai ngón tay kéo từng sợi râu của con rồi hỏi mỉa:
- Con nghèo đến nỗi không tiền mua dao cạo râu"
Sơn gạt tay ông Hải ra cười trừ chứ không trả lời. Ông Hải đổi đề tài, lại hỏi Sơn:
- Giờ này mới có sáu giờ mày về làm gì" Để một mình con Xanh đứng coi tiệm rượu, mày không sợ cướp nó vào giết chết em mày à"
Sơn bước vào bếp bốc miếng đậu hũ chiên bỏ vào miệng vừa nhai ngồm ngoàm vừa khua tay trả lời :
- Ba đừng lo cho con Sandy. Thằng Pablo ra đứng với nó từ trưa lận. Hai đứa nó nói con đi mua đồ ăn chiều. Nó muốn ăn đồ Việt nên con về nhà lấy. Mà dù không có thằng Pablo ở đó ba cũng đừng sợ. Cướp có vào tiệm, con Sandy cua cái rụp. Ba không nhớ thằng Pablo cũng vô tiệm mình cướp đó. Giờ nó chả trở thành bồ con Sandy Sao. Súng thiệt hay súng nước bắn con Sandy cũng chả thủng.
Ông Hải nghe con gái một mình ở tiệm rượu với thằng bồ mới người Mỹ gốc Mễ tên Pablo nên hết lo. Ngày đẻ con Xanh thiếu tháng, nó nhỏ xíu và xanh xao yếu đuối nên ông mới đặt tên nó là Xanh. Xanh lớn lên vẫn gầy gò nhỏ bé nhưng lại thích cặp toàn những thằng Mỹ, Mễ khổng lồ. Nó chê Việt Nam nhỏ con không bế nổi nó vào...Hotel. Năm nay Xanh đã hai mươi tám tuổi rồi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Chỉ thích dung dăng dung dẻ cặp bồ lung tung rồi khóc sướt mướt chia tay. Đứa nào khi chia tay nó cũng đều hứa là người tình cuối cùng của cuộc đời nó. Tuần sau nó lại có thằng mới. Riêng thằng Pablo này thì lại to quá cỡ thợ mộc. Nó chính là du đãng thứ thiệt khu tiệm rượu của ông. Khi nó vào cướp tiệm, chỉa súng vào người Xanh bắt đưa tiền. Xanh đã không sợ lại còn cười hô hố lấy ngón tay út thọc vào nòng súng đo một hồi rồi hỏi nó có súng nào bự hơn không" Pablo còn đang trợn mắt ngạc nhiên thì con Xanh kê môi vào nòng súng mút đánh chụt. Từ đó thằng du đảng trở thành người tình của Xanh và người gác tiệm rượu chùa cho gia đình ông. Cả khu phố đều ớn Pablo nhưng cả băng ăn cướp của Pablo đều ngán Xanh vì chẳng ai có gan dám...ngậm nòng súng cả. Rút súng bắn người thì qúa dễ đối với băng của Pablo, nhưng chỉa súng vào mồm ngậm như Xanh thì thật đáng bái làm đại ca. Lần đầu Pablo tới nhà ông, ông sợ nó chui không lọt cửa nhà ông. Nó ôm bà Hải Ộsay HiỢ, bà chết đứng giữa phòng khách. Con Xanh thích chí cười vang:
- Anh Pablo có thể bế cả má lẫn con cùng một lúc.
Ông Hải biết ông không thể nói được Xanh ngưng bắt bồ lung tứ tung. Lần nào đi khám tổng quát tại phòng mạch của bác sĩ gia đình, ông cũng đều xin một lố thuốc ngừa thai về tự động bỏ vào bóp của cô con gái út. Ông thường nhắc bà Hải:
- Nhớ dặn nó đừng quên uống thuốc. Mình không thể cấm nó vào Hotel thì rán nhắc nó đừng để có bầu. Mười sáu tuổi nó đã cặp bồ với cả ông thầy trong trường thì giờ có trời mới cản được nó. Ngày nào nó chửa hoang là ngày đó nó trở thành kẻ nội thù của tôi. Bà nhớ đấy.
Sơn bê hai tô bún riêu ngồi vào bàn ăn. Nó chưa đợi ông Hải cầm đũa đã bê tô húp xì xụp. Bà Hải vẫn còn trong bếp lo sửa soạn đồ ăn chiều bỏ vào giỏ cho con gái và cho cả người tình của nó. Sơn đợi ông Hải húp muỗng nước bún đầu tiên xong cười cầu tài hỏi ông bằng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Mỹ :
- Ba còn hai chục ngàn trong băng cho con mượn mua rượu. Tuần sau là New Year rồi. Party all the times. Tiệm cần ỘlốtỢ nhiều loại rượu mạnh. Qua New Year con trả tiền lại cho ba. Business grand openning cần nhiều loại rượu để get more customers.
Ông Hải trợn ngược mắt. Ông chưa nuốt được hết muỗng nước lèo đã phải phun ra. Tay - Tiệm rượu mày mượn của tao một trăm tám chục ngàn để mua lại của người ta mà mày nói cái gì là business mới mở. Tao về hưu chỉ có được hai trăm ngàn tiền 401K để sống già. Má mày đòi bỏ ra một trăm tám chục ngàn sang lại cái tiệm rượu cho hai anh em mày có việc làm. Tháng đầu tiên mày đưa về được một ngàn, tháng sau chỉ còn sáu trăm. Tháng này chưa thấy gì. Giờ tao chỉ còn có hai chục ngàn còn lại để phòng lúc cần. Mày cũng muốn cướp luôn à.
Sơn cười hề hề, đứng lên xoa lưng ông Hải trả lời :
- Con nói mượn mà. Mượn qua New Year sẽ trả lại. Chỉ mượn có hai tuần thôi. Thằng Pablo nói New Year ai cũng mua rượu để ăn mừng. Năm nay người ta sẽ mua nhiều hơn để mừng thêm chiến thắng Taliban nữa ba.
Bà Hải nghe con trai nói, bỏ vội giỏ đồ ăn chạy lên bàn ăn bàn vào:
- Thì cho con nó mượn có hai tuần có mất gì đâu. Ông để nhà băng lấy lời chả được bao nhiêu. Nghe ông nói tiền lời ngân hàng năm nay cắt xuống cả đến mười lần hơn là gì. Mua rượu bán ngày đầu năm chả lời hơn à.
Ông Hải quát lớn:
- Bà biết gì mà lời với lỗ. Tôi để tiền nhà băng không có lời nhưng còn giữ được vốn. Đưa cho thằng Sơn không có ngày lấy lại được vốn, nói chi đến lời.
Sơn biết tính ba mình hơn ai hết. Nói ngọt nó lọt đến xương. Sơn lại hai tay xoa bóp vai ông Hải mạnh hơn, cười thật tươi giải thích:
- Tiệm rượu đứng tên ba chứ có phải của con đâu. Con với con Sandy chỉ làm công cho ba thôi mà. Mua rượu để vào tiệm cũng là của ba hết. Ngày mai con đưa ba một ngàn tiền cho tháng này. Con có nhiều việc qúa nên con...quên trả tiền cho ba.
Ông Hải dịu giọng xuống, nhưng ông vẫn còn khôn lắm. Ông hỏi Sơn:
- Giờ tao đưa mày mượn hai chục ngàn. Ngày mai mày đưa lại tao một ngàn. Tính ra mày còn lời đến mười chín ngàn. Mày tính hay đấy chứ"
Sơn cười thật to để dấu đi âm mưu đen tối của mình:
- Tiền con đưa cho ba là đưa luôn, không phải trả lại. Còn tiền ba đưa cho con là tiền nợ. Con sẽ phải trả lại ba sau này. Tính kỹ ba lời hay lỗ biết liền.
Bà Hải lại bàn vô:
- Ông không nghe trên đài lúc nào người ta cũng nói phải để tiền đẻ ra tiền hay sao" Nếu ai cũng cứ cái kiểu tính toán cổ lỗ sĩ như ông, lúc nào cũng giữ tiền bo bo, quấn chặt lấy thân, không biết bỏ ra Ộin vétỢ thì kinh tế nước Mỹ này sập sớm.
Ông Hải biết đã đến lúc không thể giữ được hai chục ngàn cuối cùng để chôn nắm xương tàn cuối đời mình. Ông nhìn Sơn cảm thấy râu nó rậm thêm nhiều. Ông thở dài lẩm bẩm ba chữ : kẻ nội thù.
*
Gia đình ông Hải qua Mỹ năm 75. Những năm đầu tỵ nạn cuộc sống thật vất vả, nhất là người không có bằng cấp, không rành ngôn ngữ như ông. Mãi năm năm sau ông mới xin được một chức Janitor trong một trường trung học rồi cần cù làm ở đó cho đến ngày về hưu. Nhờ chịu khó sống tằn tiện, ông cũng mua được căn nhà nhỏ. Đại phú tại thiên, tiểu phú do cần. Ngày về hưu, ông bất ngờ mới biết có được một số tiền khá lớn nhờ mỗi tháng bỏ ít tiền trong 401K của ông. Ông trích ra một phần để trả hết căn nhà, còn lại hai trăm ngàn bỏ nhà băng lấy lời. Cuộc sống của ông tưởng như sẽ thảnh thơi, an nhàn. Nhà cửa đã trả xong, nợ xe cũng không còn, tháng tháng lãnh tiền hưu công chức chỉ để mua đồ ăn và mua xăng chạy vòng vòng ngắm phố Bolsa. Nhưng có ngờ đâu: có tiền là có tội.

Hai đứa con ông từ ngày biết ông có hai trăm ngàn để...chơi trong băng, chúng ngứa mắt, lồng lộn suốt ngày. Nhất là thằng Sơn con trai cả của ông. Nó giở đủ chiêu đủ kế để moi tiền. Lúc cứng lúc mềm, khi giận khi hờn. Cuối cùng, Sơn biết chỉ có ngón đòn tình thương mới quật được ông ngã. Nó bỏ ngồi quán cà phê ban ngày, từ sàn nhẩy ban đêm, và hàng ngày ở nhà đọc Tam Đoạn Luận, ngâm Tứ Tâm Kinh. Ông Hải thua ngay. Ông thua đẹp. Ông phải chi tiền để mua lại tiệm rượu cho hai con có việc làm. Bà Hải cũng hả hê. Tình thương con của người mẹ Việt Nam làm bà mờ mắt. Lòng bà thật đơn giản. Tiền để nhà băng làm gì sao không cho con ra buôn bán với đời. Bà không biết đây là độc chiêu của Sơn. Sơn thiết gì buôn với bán. Nó chỉ muốn hàng ngày có nhiều tiền từ tiệm rượu để ăn chơi thỏa chí tang bồng. Xanh cũng rứa.
Chưa được ba tháng thì rượu trong tiệm cạn dần. Sơn lại nhớ đến hai chục ngàn đô la còn lại của ba. Bản cũ soạn lại, Sơn giở chiêu buôn bán lời to ra nhá bà Hải. Ông Hải lại thua đẹp. Ông thấy rõ ông đã có kẻ nội thù sống ngay trong nhà của ông. Nó rỉa ông hàng ngày không bằng súng đạn mà chính là lời khéo nghe. Nó còn độc hơn cả...Taliban.
Sau ngày New Year, Sơn cần phải nghỉ nhiều sau hai tuần bán rượu cận lực ngày đêm. Sơn chọn... Las Vegas để tĩnh dưỡng. Ông Hải phải ra tiệm bán phụ Xanh và thằng con rể hờ Pablo. Ông chở bà Hải ra tận tiệm để chứng kiến việc buôn bán của hai con. Bà Hải cũng lại chết đứng như lần đầu gặp Pablo. Tiệm bán sạch rượu nhưng cũng sạch tiền mua hàng. Ông Hải than:
- Nước Mỹ chỉ có một thằng John Walker Lindh phản quốc. Còn nhà tôi có cả ba người tính chuyện đâm sau lưng tôi. Tôi có đến những ba kẻ nội thù.
Bà Hải nhỏ nhẹ bàn kế khác:
- Hay là ông đăng bán tiệm. Bán rẻ bán tháo cũng được một trăm ngàn đô la.
Ông Hải cười mỉa:
- Tôi mà có một trăm ngàn đô la để trong nhà băng thì má con bà cũng có để tôi yên đâu.
Tuy nói thế nhưng ông Hải biết rõ mình tuổi đã cao không thể ngày ngày vác thân ra đứng tiệm rượu được nữa. Nhất là tiếng Mỹ của ông không được thông thạo gì cho lắm. Ông buồn bã nói tiếp:
- Bây giờ tôi chở bà về rồi tôi qua nhà Bác Cả mượn tiền về mua rượu bỏ vào tiệm. Phải có chút rượu bầy ra thì mới tính được chuyện bán tiệm. Bà nghe chưa"
Bà Hải thấy ông nguôi nguôi nên bàn thêm:
- Gần tết rồi, ông mượn thêm ít ít cho tôi gửi về Việt Nam làm quà cho ba má. Tháng trước tôi có nhận được thư của con Minh nói sức khỏe ba má độ này xuống lắm. Hai vợ chồng nó phải lo cho ông bà luôn nên không làm ăn gì được hết. Cũng phải gửi cho chúng nó nữa. Nó có công nuôi ba má tôi cả chục năm nay. Tôi theo ông qua đây, tối ngày hết hầu ông lại hầu con nên chả báo hiếu được gì cho ba má tôi. Tôi mang tiếng là chị cả mà không giúp gì được cho gia đình tôi.
Ông Hải chưng hửng, nhưng ông cũng còn đủ bình tĩnh để hỏi bà:
- Thế bà cần bao nhiêu đây"
Bà Hải thật thà bấm tay tính nhẩm một hồi xong ngẩn mặt lên trả lời :
- Tôi tính cho ông bà mỗi người một ngàn tết này. Riêng vợ chồng con Minh thì chắc phải gửi kha khá một chút. Chứ tôi nghe gửi ít qúa họ không thèm nhận, gửi trả lại thì thật xấu hổ. Gửi ít qúa, con Minh nó không còn mặt mũi nào nhìn gia đình chồng nó nữa. Tôi tính phải ba ngàn đô la mới được. Tổng cộng là năm ngàn. Ông nhớ mượn cho tôi.
Ông Hải nhìn khuôn mặt thành khẩn cộng thêm ngây thơ của bà Hải có muốn nổi nóng cũng không được. Ông lặng lẽ bước ra tiệm với vợ, mở cửa xe cho bà xong ông lên xe đề máy. Ông nói thật nhỏ cho chính ông nghe:
- Bao năm nay tôi đi làm sáng tối chứ có nằm nhà chơi đâu mà hầu với hạ. Ở nhà nấu được chén cơm cho chồng cho con, hết kể công lại tính sức.
Chở bà Hải về tới nhà là ông lật đật lên xe lái qua nhà ông Thanh, người anh cả của ông.
Ông Thanh là bác sĩ về hưu. Ông không có nhiều chuyện phải lo như em mình là vì các con của ông đều lập gia đình ở riêng và bà Thanh không chịu ở Mỹ. Bà về sống lại bên Việt Nam từ lâu rồi. Ông Thanh cũng chả ngu gì chịu tiến thêm bước nữa để bị...té thêm. Ông ở một mình tuy cô đơn nhưng lòng thật nhiều thanh thản. Lâu lâu buồn, ông qua nhà các con ông mượn mấy đứa cháu chở chúng đi Disney Land rồi giao lại cho ba má chúng. Ông chơi theo luật Mỹ, tới thăm con cũng có ngày, mượn cháu mình cũng đúng giờ. Đối với các con, ông thích đứa nào thì ông tới thăm lâu chút, chẳng ưa đứa nào thì cả mấy tháng ông mới gặp mặt. Con ông đã trưởng thành nên ông không còn gì phải lo nghĩ nữa. Đứa nào khôn thì vợ con nhờ, dại thì tự mình hứng chịu. Cuộc sống thoải mái về mọi mặt, tinh thần lẫn vật chất, làm ông Thanh trông trẻ hơn ông Hải nhiều. Lắm bà sồn sồn muốn nhào vô, nhưng ông Thanh khôn lắm, bác sĩ mà, ông chỉ Ộta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanhỢ rồi ông chuồn êm. Ông thường khuyên hai em mình là ông Hải và ông Long:
- Hai chú muốn sống hạnh phúc ở xứ này thì phải biết đạp ra, chứ đừng có ôm vào. Con các chú lớn rồi thì mời chúng đi chỗ khác mà sống. Mời không được thì cầm phôn bấm 911. Không thể sống theo cái lối sống như bên nhà được. Gì đâu mà tôi thấy quá ba chục tuổi hơn vẫn còn phải nuôi. Nuôi con không đủ lại còn vác cháu về nuôi tiếp.
Nhiều lần ông Hải cũng cầm điện thoại nhưng không đủ can đảm để bấm. Ông không thể đoạn tuyệt được như anh ông. Ông không biết cách chọn lựa của anh ông hay của ông đúng. Nhưng một điều ông thấy rõ anh ông lúc nào sống cũng thảnh thơi còn ông thì lúc nào cũng khổ sở lo lắng vì vợ, vì con.
Thấy em mình tới, ông Thanh đang tỉa mấy khóm hoa hồng liền đứng dậy ra đón tận chỗ đậu xe nhà ông. Nhìn vẻ mặt thất thần của em, ông Thanh vội lên tiếng:
- Chú vào nhà chơi. Đợi anh rửa tay xong, anh sẽ vô ngay.
Ông Hải gật đầu chào anh rồi cười nửa đùa, nửa thiệt :
- Thôi khỏi vào nhà. Em qua đây muốn mượn anh hai chục ngàn đô la tiêu Tết đây.
Ông Thanh cũng cười tiếp lời em mình :
-Hai chục ngàn đô la tiêu Tết anh thấy hơi ít đấy. Tưởng chú phải cần đến những hai trăm ngàn lận. Nhà chú lại có chuyện nhức đầu rồi chứ gì"
Ông Hải thở dài rồi chậm rãi thuật lại những chuyện đã xẩy ra cho gia đình ông hơn ba tháng qua. Ông kể luôn cả cái cảm tưởng coi ba người sống trong nhà ông như là những kẻ nội thù, đang tìm cách làm khổ đời ông. Ông Thanh im lặng nghe em mình giải bầy. Ông không hề lên tiếng gắt lời em mình. Ông chỉ chăm chú lắng nghe như là một người mộ đạo đang được một vị cao tăng thuyết pháp vậy. Ông Thanh chỉ có hai người em trai nên hiểu rất rõ tính tình của mỗi người. Cuộc sống của họ hoàn toàn không giống ông, lúc nào cũng bận rộn, hết vợ đến con, không bao giờ có được những giây phút sống thoải mái cho chính mình. Mà hình như những người chung quanh cũng không hiểu được cũng có lúc phải để ông yên. Càng ngày theo thói quen càng đòi hỏi nhiều hơn. Kể chuyện cho anh xong, ông Hải hỏi mượn tiền:
- Anh cho em mượn mười lăm ngàn để mua rượu bỏ vào tiệm và năm ngàn để gửi về Việt Nam. Qua Tết em bán tiệm sẽ gửi trả lại anh.
Ông Thanh gật nhẹ đầu. Ông đi vào nhà một lúc rồi trở ra với tấm chi phiếu trên tay. Ông trao cho em không chút ngần ngại. Ông khẻ mỉm cười nói với em mình :
- Có một điều anh muốn nói với chú. Anh chắc chú chưa nghĩ ra đâu. Chính sách của chính phủ Mỹ là tìm cách lật đổ những chế độ phi nhân tàn ác. Họ lúc nào cũng đưa vấn đề nhân quyền và dân chủ ra làm áp lực với những lãnh tụ độc tài. Không thể dùng được quận sự thì họ phải dùng đến chính trị hay ngoại giao. Đôi lúc cả kinh tế. Đối với vấn đề Việt Nam ngày nay, Mỹ không thể khơi khơi đem quân vào dẹp Cộng sản được trừ phi Việt cộng khủng bố đánh sập mấy tòa nhà như bin Laden đã làm. Chắc chú cũng đồng ý với anh điều này. Do đó Mỹ phải dùng đến kinh tế. Bao nhiêu năm nay, Mỹ dùng cấm vận, vây kinh tế làm người dân càng nghèo đói thì càng muốn vùng lên đập tan cái chế độ hủ lậu đó. Khi mà trong nước toàn dân đồng lòng đứng lên cộng với sự hợp tác của chúng ta bên ngoài và thế lực lẫn đồng đô la của Mỹ thì Cộng sản chết chắc. Chúng ta ở đây lại không hiểu cái chiến lược này. Hàng năm người tỵ nạn hải ngoại trên thế giới gửi cả trăm triệu đồng về Việt Nam. Người trong nước lại có chút chút để ngáp qua ngày, lòng dạ đấu tranh sẽ xìu xuống. Việt cộng cũng có một lô ngoại tệ để tà tà sống. Mình đã là công dân Mỹ lại đi ngược lại chính sách của chính phủ Mỹ, như vậy mình có phải là kẻ nội thù của nước Mỹ không" Đối với công cuộc đấu tranh của Việt Nam, mình đã làm kẻ thù có tiền thêm để hãm hại người dân trong nước, như vậy mình có phải là kẻ nội thù của nước Việt hay không" Chú hãy nhìn kỹ lại chính chú đi.
Trên đường về nhà, ông Hải suy nghĩ nhiều về những điều anh mình vừa nói. Tới một ngã tư đường, ông cầm cái kính chiếu hậu trong xe quay về phía mình coi. Mấy bữa nay chuyện nhà dồn dập, ông không có thời gian nhiều để cạo râu. Ông thấy cằm của ông râu cũng mọc nhiều và lởm chởm như John Walker Lindh.
Bà Hải vừa thấy xe ông Hải về là lật đật chạy ra tận xe đón. Bà mới nhận được điện thoại của Sơn gọi về từ một khách sạn ở Las Vegas. Sơn hối hận rất nhiều sau khi đã nướng tất cả tiền cho sòng bạc. Sơn khóc to và thề rằng sẽ nhẩy cầu tự tử để tạ tội với gia đình. Bà Hải còn khóc to hơn và lại còn phải năn nỉ mãi Sơn mới thấy hết tội lỗi. Bà cũng tự đại diện chồng tha thứ tất cả lỗi lầm của Sơn. Ai mà không có những lúc lầm lỡ. Bố con xưa còn gấp vạn lần. Bà tự động chế chuyện và kết tội chồng tỉnh queo. Sơn cũng chưa muốn về nhà vội, nhưng nghe ông Hải đi mượn tiền mua rượu và tính bán tiệm rượu, Sơn ngửi thấy có mùi đồng đô-la đâu đây nên cảm thấy hết tội lỗi nhanh hơn. Sơn lẩm bẩm: Đời còn qúa đẹp, ngu gì chết cho uổngÏ. Đồng đô la của Mỹ quả có nhiều phép lạ. Nó có thể làm con người đang từ tăm tối sáng suốt ra ngay.
Vừa thấy chồng về, bà Hải liền hỏi:
- Ông có mượn được tiền của Bác Cả không"
Ông Hải không thèm trả lời. Ông nhìn bà một lúc rồi thở dài gật đầu nói bâng quơ:
- Tôi cũng đã thấy được hàm râu rậm của tôi lẫn của bà.
Nói xong ông bước vào nhà, vô phòng ngủ nằm nghỉ mệt. Ông muốn có một chút yên lặng, nằm vuốt râu để suy nghĩ lại những gì anh ông vừa nói cho ông biết khi nãy.
Bà Hải đứng ngẩn ngơ trước sân nhà. Bà mơ màng lúc như hiểu được tâm sự của chồng lúc lại mù mờ như người đi trong sương mù. Ngẫm nghĩ một lúc, mặt bà bỗng đỏ ửng lên. Bà vội bước vào nhà khóa chặt cửa lại rồi đi vào phòng ngủ. Bà lẩm bẩm :
- Cái ông già dịch này hôm nay hứng tình sảng. Giữa ban ngày ban mặt đòi coi...râu người ta. Con nó về thấy được thì kỳ chết. Cũng may, mình nhân cơ hội này nói chuyện thằng Sơn luôn.
Houston, đầu Xuân 2002
Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến