Hôm nay,  

Ngày Tháng Thu Tàn

06/12/200100:00:00(Xem: 202816)
Người viết: Nguyễn Thị A Tiên
Bài tham dự số: 02-412-vb81202

Tác giả Nguyễn Thị A Tiên ghi chu’ về tiểu sử: 46 tuổi, vợ một sĩ quan hải quân, qua Mỹ theo diện HO năm 1990, cư ngụ tại Los Angeles, công việc: Chuyên viên thẩm mỹ. Bà cũng là tác giả bài “Đất Nước Lạnh Lùng” đã được phổ biến. Sau đây là một truyện tình được ghi chu’ là “co’ thật trăm phần trăm” được kể bằng lối viết tinh tế và sâu sắc hiếm có.

Ông Tâm dắt hai đứa cháu nội ra khỏi nhà thì mặt trời cũng vừa lên khỏi toà nhà cao nhất trong thành phố. Bây giờ chưa đến 7 giờ 15 sáng. Còn sớm chán. ít nhất 30 phút nữa hai đứa bé mới vào trường ăn sáng rồi vào lớp.
Ông để hai đứa bé tha hồ nhởn nhơ trên hè phố, đuổi bắt nhau, hái những cánh hoa héo nơi hàng rào của một ngôi nhà vắng chủ, tò mò nhìn chú chó bị xích trước sân nhà của một người Mễ. Đứa cháu gái lớn năm nay 9 tuổi học lớp 4, đứa cháu trai nhỏ chưa đầy 5 tuổi học mẫu giáo. Ông săn sóc chúng từ khi chúng mới lọt lòng mẹ. Ngoài việc sinh hai đứa bé ra và đưa chúng đi chơi, hầu như cha mẹ chúng chẳng phải làm gì cho chúng cả.

Ông Tâm được vợ chồng đứa con trai bảo lãnh qua Mỹ cách đây10 năm, khi ông vừa 59 tuổi. Sáu năm sau ông được lãnh tiền già, mỗi tháng trên 600 đô. Bây giờ tiền già được trên 700 đô. Mặc dù có thể làm lai rai, nhất là làm "chui", để kiếm thêm chút ít tiền gởi về cho vợ chồng đứa con gái út đang còn ở Việt Nam, nhưng theo lời cô con dâu, ông cứ ở nhà "chơi" với hai cháu và " vui thú điền viên" với chúng ở khu vườn nhỏ sau nhà. " Già rồi làm gì nữa, mà làm cho ai ăn" Má đã mất hơn 16 năm rồi. Mỗi tháng lãnh trên 700 đô nhưng chỉ phụ trả tiền nhà 150 đô, còn sướng hơn cả tiên. " Cô con dâu nói thế và cậu con trai phụ hoạ thêm. Ông nghe cũng có lý, nhưng vợ chồng cô con gái út cứ gởi thư xin tiền, làm ông đã nhiều lần muốn đi làm thêm. 700 đô làm sao mà đủ cho ông. Ông có một món chi tiêu mà vợ chồng cậu con trai không thể nào ngờ tới. Ngoài ra ông còn phải để dành tiền về Việt Nam thăm gia đình cô con gái út và thăm người tình nhỏ hơn ông gần 20 tuổi. Mỗi lần về Việt Nam ông thấy mình trẻ lại khi gặp những người bạn đồng niên nhưng hom hem hơn ông rất nhiều và ngồi nói toàn chuyện hậu sự như đang hấp hối. Một hôm vừa về đến nhà, ông tình cờ nghe được cô con dâu nói với chồng:
- Không biết ba tiêu gì mà sạch hết 700 đô. Mỗi tháng trả tiền nhà 150 đô, gởi cho vợ chồng con Sáu 100 đô, gởi ngân hàng 150 đô, còn 312 đô làm gì"
-Thì mua sắm, cà phê cà pháo...
- Cũng không hết được.
Cậu con trai cười nói:
- Biết thế nào là "hết và không hết". Hay là ba đi "bia ôm".
- Quỷ! Già rồi mà ôm ai.
- Biết thế nào là "già và không già ".Năm nay ba mới 69, lại rất khoẻ mạnh và đẹp trai.
Nghe đến đây, ông Tâm giả bộ đi xuống thang gác, làm một tiếng động đủ cho người trong nhà nghe, rồi lại đi lên, vừa đi vừa thầm cám ơn cậu con trai đã hiểu mình. Nhưng khi vào nhà thấy cô con dâu nhìn mình tò mò, ông cũng hơi ngượng. Ông ngồi xuống sô-pha lấy tờ báo ra đọc, nhưng chẳng đọc đựơc một chữ nào cả. Quả thật ông đang có một món chi tiêu như thằng con trai nói. Sau khi vợ chết ba năm, ông mới có người yêu . Khi qua Mỹ ông không thể đem bà ta theo được. Còn tại Mỹ ông khó tìm được bà nào cho ra hồn. Ở đây đàn bà quả thật có giá hơn ở Việt Nam. Đọc mục "Tìm bạn tâm tình" trong báo, ông thất vọng vì thấy mấy bà có những yêu cầu quá cao đối với ông, nào là " từ 50 đến 60 tuổi"," có nghề nghiệp vững chắc". Ông suy nghĩ không biết "nghề lãnh tiền gia " có là nghề nghiệp vững chắc không nhỉ" Không chừng nó còn vững chắc hơn các nghề khác nhiều. Nhưng ai lại đem cái "nghề" này ra mà "tìm bạn tâm tình". Thế là ông đành ôm nỗi cô đơn trong suốt 5 năm cho đến một hôm gặp lại mấy ngươì bạn thân hồi còn thanh niên và họ đã rủ ông đi đến một tiệm massage... Sau đó ông có thói quen đến đây mỗi tháng một lần.
Ông Tâm đưa hai đứa cháu vào công viên cho chúng chơi một lát vì bây giờ còn quá sớm. Ông ngồi xuống chiếc ghế đá nhìn mấy người Tàu ngồi đánh cờ tướng. Ông ngạc nhiên tự hỏi sao họ có thể giải trí một cách mất thì giờ như vậy. Ngoài việc đọc sách, ông thích những môn giải trí chẳng khác nào thanh niên như nghe nhạc, nhảy đầm và cái mục giải trí hấp dẫn đã nói trên. Ông ngồi nhớ lại ngày mới đến Mỹ. Sau khi bước chân xuống sân bay Los Angeles, ông đã được cô con dâu biểu diễn một "pha" lái xe nhanh như gió trên freeway, vừa lái nó vừa nói đủ thứ chuyện về đời sống Mỹ. Ông biết nó muốn dợt le với ông nhưng cũng không khỏi thầm phục nó. Mới ngày nào nó chỉ là con bé hàng xóm học hành không đến nơi đến chốn, mặt mày lấm la lấm lét mỗi khi nhìn ông, rồi sau đó trở thành cô con dâu hiền, thế mà bây giờ nó bày vẽ ông đủ chuyện, quên phức ông đã tốt nghiệp đại học và đã từng là một viên chức cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
- Ba nhớ đừng bao giờ hỏi tuổi một người Mỹ. Nhớ đừng hỏi lương họ bao nhiêu. Nhớ đừng ôm hôn con nít nếu chúng không phải là con cháu mình. Nhớ đừng...
Ông ngoan ngoãn nghe nó nói và gật đầu như một đứa học trò. Mấy tháng sau đó, ông ngỏ ý muốn thi lái xe. Cô con dâu gạt phắt ngay:
- Ba đã có tuổi, mắt lại cận thị. Bộ ba muốn rước hoạ vào thân sao. Đây xe cộ nhiều, không phải như ở Việt Nam. Đi đâu đã có tụi con chở, mà ba đâu có đi đâu.
Thế là cho đến bây giờ ông Tâm vẫn chưa có bằng lái xe, dù ông biết là ông còn lái được. Ông nghĩ con cái đã bảo lãnh mình qua đây, thôi thì mình chiều ý chúng cũng được. Vả lại, không lái xe cũng chẳng sao, có khi còn khoẻ hơn là lái. Ông rất thích đi xe buýt, không gì thú vị bằng leo lên xe buýt, đưa cái thẻ ra, ngồi vào ghế nhìn cảnh phố phường đông đúc. Người ta có kẹt xe, ngay cả tông xe, mình cũng chẳng hề hấn gì. Nhân nghĩ đến xe buýt, ông nhớ lại cái lần đi xe buýt cách đây mấy tháng. Hôm ấy ông đã nhường chỗ cho một phụ nữ sồn sồn. Bà ta thoáng hơi ngạc nhiên nhưng rồi cũng cám ơn và ngồi xuống ghế. Ông đưa mắt nhìn bà ta như ngầm bảo:" Tôi nhường ghế cho một phụ nữ, chớ không phải nhường cho người lớn tuổi hơn đâu." Bà ta cũng nhìn ông hình như muốn nói:" Nhưng ông già quá mà, sao phải nhường ghế cho một phụ nữ"". Bây giờ nhớ lại ông còn cảm thấy buồn. Phải chăng ông đẫ già đến mức không cần phải lịch sự với phụ nữ.
Ông Tâm đứng dậy gọi hai đứa cháu đang mê mãi chơi trên sân cỏ. Ông đưa hai cháu băng qua đường và cho chúng vào trường. Ông cẩn thận đưa mắt theo dõi hai đứa cho đến khi chúng đi khuất vào bên trong rồi mới rời trường. Ông định đi thẳng ra đường Hill đón chuyến xe buýt 90 làm một vòng quanh trung tâm thành phố thì nghe có tiếng phụ nữ đắng sau lưng:
- Xin lỗi chú! Mấy giờ"
Ông xem kỹ đồng hồ rồi trả lời:
- 8 giờ kém 7 phút.
Ông vừa trả lời vừa quay mặt nhìn người mới hỏi giờ. Bà ta chừng trên 50 tuổi, không đẹp nhưng trông mặn mà và có thân hình khá cân đối. Ông cảm thấy thích bắt chuyện với bà ta nên nửa đùa nửa thật nói thêm:
- Đúng ra là 8 giờ kém 6 phút 45 giây.
- So far 8 giờ kém 6 phút 43 giây
- So far 8 giờ kém 6 phút 41 giây.
- Đúng ! Đúng! Nhưng ta đứng tính giờ như thế này không ổn đâu, mỏi chưn quá. Già rồi mà.
- Chị mà còn mỏi chưn, huống chi tôi.
- Tôi thì thấy ngược lại. Tôi mới mỏi chưn, chứ chú trông còn khoẻ quá, nếu không... đeo cái thẻ đi xe buýt trên ngực.
Bà ta vừa nói vừa cười như nắc nẻ.


Ông Tâm cũng bật cười nhìn người phụ nữ. "Cái bà này thật là nhanh và bạo miệng". Ông nghĩ vậy rồi im lặng, không biết nên tiếp tục câu chuyện như thế nào. Hai người cùng ngồi xuống ghế và cùng im lặng một lúc khá lâu. Dù đã gần đến Lễ Giáng Sinh nhưng hôm nay trời không lạnh lắm. Bầu trời trong sáng như pha lê. Hàng cây cao lớn trước trường trổ đầy những bông hoa màu hồng thắm. Những cánh hoa rụng đầy mặt đất như những xác pháo khổng lồ. Thảm cỏ trong công viên phía bên kia đường óng ánh những giọt sương đêm còn sót lại trong ánh nắng mai. Vài con chim bay sà xuống đậu trên cỏ và dạn dĩ đến gần các chú chó đang được chủ dắt đi dạo đó đây. Cảnh vật thật êm ả, an bình. Ông Tâm định tìm một câu gì đó để diễn tả nỗi cảm khái của mình trước cảnh sắc hửu tình này nhưng không tìm ra được. Ông nghĩ ngợi một lát rồi hỏi ngươì phụ nữ:
- Chị đưa con hay cháu đi học vậy"
- Tuổi tôi làm sao có con đi học trường này.
- Sao lại không. Con 10 tuổi học lớp 5. Ngay cả một người đàn bà 60 tuổi cũng có thể có con chỉ mới 10 tuổi. Nhưng chị thì chưa...
- Chú đoán tôi bao nhiêu tuổi.
- Con dâu tôi nói người Mỹ lịch sự không hỏi tuổi. - Nhưng đoán chứ đâu phải hỏi, vả lại mình là người Việt mà. - Tôi đoán chị từ 40 đến 50.
Người phụ nữ bật cười:
- Sao không nói từ 40 đến 70 cho chắc ăn. à mà tôi quên trả lời câu hỏi của chú. Tôi đưa con của... người bạn đi học. Tôi chỉ đưa tạm vài ngày vì phải đi làm. à mà tôi muốn nhờ chú việc này. Không biết có tiện không"
- Cứ nói.
- Ngày mai tôi bận, không đưa thằng bé đi học được. Tôi đem nó tới nhà chú. Hình như chú cũng ở gần đâu đây. Chú đưa nó đi và rước nó về nhà chú chơi. Chừng 6 giờ chiều tôi hay mẹ nó sẽ đến đem nó về. Được không" Nếu chú muốn đưa rước thường xuyên cũng được. Mẹ thằng bé sẽ trả cho chú mỗi lần đưa rước 10 đô.
- Ngày mai tôi sẽ giúp chị đưa rước thằng bé. Còn việc đưa rước thường xuyên tôi chưa quyết định được.
- May quá. Tôi đang lo việc này thì được chú nhận lời. Cám ơn chú nhiều lắm. Chú cho tôi số phone và địa chỉ bây giờ được không" Tôi tên là Lan.
Ông Tâm hí hoáy viết tên, số phone , địa chỉ trên một mảnh giấy nhỏ và đưa cho người phụ nữ. Hai người chào nhau và hẹn gặp ngày mai.
Sáng sớm hôm sau ông Tâm đang ngồi uống cà phê thì nghe có tiếùng chuông gọi cửa và lát sau có tiếng cô con dâu gọi lớn:
- Có ai tìm ba đây này.
Ông vội đứng dậy đi ra phía cửa thì thấy bà Lan đứng bên ngoài. Bà ta nói:
- Xin lỗi đã làm phiền. Tôi chỉ gởi hôm nay thôi. Chiều tôi đón sớm.
- Sao lại phiền. Chị cứ để thằng bé đó cho tôi. Tôi đưa cả ba đứa đi một lần cho vui.
Ông nói đến đây thì người con dâu từ trong phòng đi ra nói lớn:
- Trâm, Tú! Đi theo mẹ. Ông nội bận đưa người khác đi rồi. Ba muốn lãnh...cái búa sao. Rủi tụi nó dập đầu vỡ trán thì ai chịu. Ba có license làm bê-bi-sit không"
Cô ta nói xong, vùng vằng kéo nhanh hai đứa bé ra ngoài chỗ để xe. Bà Lan ngỡ ngàng nhìn theo cô con dâu của ông Tâm, định nói gì đó nhưng rồi im lặng cùng ông Tâm và thằng bé đi đến trường. Đi một đoạn khá xa bà Lan mới lên tiếng:
- Tôi hiểu.
- Chị hiểu gì"
- Chẳng lẽ chú lại không hiểu tôi hiểu gì sao.
- Thì dâu tôi không thích tôi đưa thằng bé đi.
- Đúng vậy. Nhưng đây là chuyện gia đình chú. Tôi không muốn nói thêm.
Bà Lan cùng ông Tâm đi đến trường. Đợi cho thằng bé vào hẳn trong trường rồi bà Lan mới chào ông Tâm:
- Chào chú. Bỏ chuyện đưa đón đi. Chiều nay gặp lại.
Ông Tâm định phân trần về thái độ của cô con dâu lúc nãy nhưng bà Lan đã ra xe lái đi.
Buổi chiều ông Tâm đến trường thật sớm nhưng chỉ chừng một phút sau bà Lan cũng đến nơi. Hai người lại ngồi trên ghế chuyện trò vớ vẫn như cùng đợi câu chuyện chính mà người này sẽ thố lộ cho người kia. Sau cùng bà Lan nhanh nhẩu nói:
- Chồng tôi chết trong trại cải tạo nên một mình tôi qua đây theo diện HO. Mấy đứa con tôi còn kẹt lại Việt Nam vì giấy tờ bị trục trặc. Mấy ngày sau khi tôi đến Florida, người cháu gọi tôi bằng cô bảo tôi về Cali ở với vợ chồng tụi hắn.
Bà Lan nghỉ một lát rồi tiếp:
- Tôi cũng vô duyên thật. Chú đâu có hỏi lý lịch mà tôi khai.
Ông Tâm cười nói:
- Tôi muốn...điều tra. Nói tiếp đi.
Bà Lan vừa cười vừa liếc xéo ông Tâm một cái rồi nói:
- Thằng cháu của tôi khi còn ở Việt Nam rất nghèo nhưng qua Mỹ lại làm ăn khá thành công nhờ cái shop sửa xe. Nguyên nó là thợ sửa xe hơi. Đối với thằng cháu tôi, bất cứ người nào từ Việt Nam mới qua Mỹ cũng cần phải được...dạy dỗ cả. Hầu như nó chê tất cả những gì thuộc về Việt Nam. Có lẽ trước đây nó quá nghèo, lại ở một nước cũng quá nghèo nên bây giờ thấy tất cả những gì thuộc về Mỹ đều hay. Lần đầu tiên gặp tôi tại Cali, nó đã nhìn cái thùng sách cũ của tôi đem từ Việt Nam qua một cách chế giễu và nói: "Đây ai mà đọc ba thứ sách đó." Nó dạy tôi đủ điều, thậm chí dạy cả cách ăn mặc và trang điểm. Có lần trong khi lái xe đưa tôi và cả gia đình đi chơi, nó và hai thằng con lớn nhìn tôi xong xổ ra một tràng tiếng Mỹ rồi cười ồ lên. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu chúng đã nói gì về tôi. Được ít lâu, nó khuyên tôi giả bệnh thần kinh để xin tiền bệnh SSI rồi cứ ở nhà nó mà "hưởng nhàn". Sau khi được lãnh tiền bịnh, tôi đã "hưởng nhàn" tại nhà nó bằng cách làm một loại đầy tớ trong khi vợ nó chỉ làm có mỗi một việc là đi Las Vegas. Nó vốn rất sợ vợ. Sau hai năm "hưởng nhàn", tôi học nail, làm nail, mở một tiệm nhỏ và bỏ luôn tiền SSI.
Bà Lan ngập ngừng một lát rồi nói:
- Theo tôi, con dâu của chú chẳng khác nào thằng cháu của tôi. Nó cứ sợ người khác "chớp" mối lợi của nó đi mất. Mối lợi đó là chú.
- Nhưng mà chúng là con cháu mình chớ ai vào đó...
- Vẫn biết là con cháu. Nhưng mình cũng có cuộc sống riêng tư của mình. Và dù có đời sống riêng tư, mình cũng vẫn có thể giúp con cháu, có khi lại giúp được nhiều hơn.
- Tôi năm nay đã 69 rồi. "Nhân sinh thất thập cổ lai hy ".
- Nhân sinh đời ông Đỗ Phủ thì " thất thập cổ lai hy" thật, nhưng đàn ông bây giờ mà lấy dao cạo cắt đầu gối còn chảy máu là còn có bồ.
Ông Tâm ỡm ờ hỏi:
- Chị thấy tôi còn có bồ được không"
- Chú hỏi chú đi.
- Tôi muốn nói cái bề ngoài của tôi.
- Được chớ! Nhưng xin đừng có đeo cái thẻ đi xe buýt trước ngực như vậy. Đừng có mặc cái áo len ở trong cái áo vét như vậy. Đừng có đội cái mũ len này nữa. Thiếu gì cách làm cho ... ấm.
- Các thứ này con dâu tôi sắm cho tôi, nó sợ tôi cảm lạnh.
- Chú biết lái xe không" Lái xe thì sợ gì cảm lạnh.
- Tôi đã từng lái xe rất rành ở Việt Nam nhưng không có bằng lái xe Mỹ.
- Sao không đi thi"
- Con dâu tôi mà nghe nói tôi lái xe thì...
- Giống như lái tàu bay đâm vào cao ốc hả"
Ông Tâm cười nói:
- Chị nói chuyện vui thật.
- Chưa có bằng lái xe thì ít ra cũng ăn mặc cho trẻ trung một chút. Tại sao lại làm cho mình già thêm như vậy" Ngày mai tôi nghỉ. Chú có muốn tôi chở chú đi mua sắm không"
Ông Tâm thấy mình cũng nên ởm ờ thêm một câu nữa:
- Dù tôi có trẻ đi nữa thì cũng bị gọi bằng chú như thường.
- Bây giờ chưa trẻ. Khi trẻ sẽ được gọi bằng anh.
- Vậy thì hẹn gặp ngày mai, sau khi các cháu vào trường.
Bà Lan vừa nói vừa nhìn ông Tâm một cách âu yếm. Ông Tâm cũng nhìn bà theo cách như vậy và thầm nghĩ: "Cái bà này làm gì cũng nhanh. Mỹ mà, đâu phải Việt Nam. Vả lại thời gian đâu nữa mà còn ...ỡm ờ."
Mấy đứa trẻ từ trong trường đi ra tò mò nhìn hai người. Chúng thấy người lớn hôm nay hình như đang có chuyện gì vui nên chúng cũng biết lợi dụng đòi mua đủ thứ quà bánh.
Ông Tâm bịn rịn từ giã bà Lan rồi đưa hai cháu về nhà. Phải chăng đời ông sắp bước qua một giai đoạn khác, hấp dẫn và mới lạ hơn. Lòng ông rộn lên một cảm giác háo hức giông như 10 năm trước đây khi sắp đi Mỹ, nhưng cái háo hức trước đây có pha lẫn nỗi lo sợ cô đơn khi đến xứ lạ quê người, còn cái háo hức bây giờ thì ngược lại.
Hôm nay đứa con dâu đi làm về sớm hơn mọi khi. Hai đứa bé sà vào lòng mẹ kể đủ thứ chuyện. Đứa cháu lớn vừa liếc nhìn ông Tâm vừa nói nhỏ với mẹ nó một chuyện gì đó có vẻ rất bí mật. Ông Tâm đoán nó đang nói về ông và bà Lan. Ông nhìn cô con dâu và cô ta cũng nhìn lại ông với vẻ mặt giận dỗi. Ông vừa thương hại vừa bực mình cô con dâu. Ông lẩm bẩm: "Tụi bây trẻ con quá, chỉ muốn dành riêng nước Mỹ cho mình."
Nguyễn A Tiên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,311,696
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa