Hôm nay,  

Ngoại Tôi

12/04/201900:00:00(Xem: 8534)
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
Bài số  5661-20-31467-vb6041219

Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.

NGOAI TOI
Con cháu mừng thượng thọ của Ngoại.


***

44 năm về trước, Ngoại tôi cũng bằng tuổi của tôi bây giờ, nhưng hồi đó ai cũng nghèo chứ không dư giả. Vậy mà Ngoại tôi đó, cứ một năm là mấy lần từ quê nhà, tay xách nách mang đủ thứ, gà vịt, chim, mãng cầu, dừa, xoài... đón xe đò lên Sài Gòn thăm cháu.

Nói tóm lại là ở quê trồng được cái gì, nuôi được con gì và thả lưới được con gì là Ngoại tôi đều gom góp mang lên  cho chị em chúng tôi ăn cho nó lành.

Cứ mỗi lần Ngoại lên thăm như vậy, chị em chúng tôi rất mừng, tối đến đứa nào cũng đòi ngủ với Ngoại để được Ngoại quạt cho ngủ cho dù nhà có quạt máy, ăn cơm xong không phải làm gì cả. Ngoại là NUM BỜ GOĂN của chị em tôi.

Như một thói quen, cứ nghe tiếng xích lô máy chạy vào con hẻm nhỏ giữa buổi trưa nắng nóng là chị em chúng tôi tranh nhau chạy xuống cầu thang để được đón Ngoại. Có khi bị tẽn tò vì không phải Ngoại mà là một người nào đó bị đi lạc vào.

Mỗi lần Ngoại lên Sài Gòn, Ngoại cũng xin má tôi giùm cho chị em chúng tôi về quê chơi ít ngày để thay đổi không khí. Tôi là đứa được về quê ở với Ngoại nhiều hơn chị Hai và hai đứa em của tôi. Không phải là tôi giỏi hay được cưng gì đâu mà vì ở Sài Gòn tôi chẳng giúp má tôi coi em được, việc nhà cũng chưa biết rửa cái chén cho sạch, lại oặt ẹo đau ốm, rôm sảy, chốc lở đầy đầu nên cho nó về quê có không khí trong lành thì nó mới khỏe được. Ngoại so sánh tôi với đứa em con của dì tôi "Nhìn nó như cái rãi khoai” chẳng là tôi và đứa em bạn dì bằng tuổi nhau nhưng nó cõng tôi chạy nhong nhong qua ba căn nhà đi về mấy lượt mà chẳng xi nhê gì.

Tháng Ba năm 75, như thường lệ, Ngoại tôi lại lủ khủ các thứ lên Sài Gòn thăm con cháu, ở chơi ít ngày. Ngoại nói với má tôi cho chị Hai tôi về quê chơi vì thấy nó ở trên này bế em vẹo sườn tội nghiệp nó. Chị tôi háo hức đi theo Ngoại nhưng đâu ngờ tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa. Theo Ngoại về quê được ít ngày thì biến cố 30/4 xảy đến, mấy ngày liền, Ngoại đưa chị Hai tôi ra đầu kinh để đón xe lên Sài Gòn không được đành quay về không đi nữa. Vậy là chị Hai không phải bế em vẹo sườn nữa mà cuộc đổi đời đã bị đội lúa rụt cổ, nên bây giờ chị có nick name Yến Rụt là vậy.

Sài Gòn thay tên, vật giá cái gì cũng leo thang, xe vào hợp tác xã khó mua vé nên Ngoại tôi không mang thực phẩm tiếp tế được nữa nên ba má quyết định đưa chúng tôi về quê Ngoại sống. Nhà Ngoại nghèo bây giờ càng nghèo hơn, các con của Ngoại xa cơ lỡ vận quay về tá túc bên Ngoại. Ngoại tôi như một con gà mái xoè cánh ra che chở cho những đứa con cầm bút rành hơn cầm liềm và những đứa cháu mạnh ăn nhưng yếu làm.

Biết chị em chúng tôi ở trên Sài Gòn mỗi sáng má cho tiền ăn quà, về dưới Kinh 5 thì chỉ ngày ba bữa cơm, chẳng được ăn những món ăn vặt mà mình thích hay mỗi trưa ngủ dậy thì có trái cây ướp lạnh ăn cho tỉnh nên Ngoại tôi áo nâu, nón lá trưa nắng lui cui ngoài vườn cắt lá chuối tươi phơi cho héo rồi ngâm gạo gói bánh cho chúng tôi ăn. Mỗi lần Ngoại đưa bánh cho ăn chẳng bao giờ nhận được lời cám ơn từ những đứa cháu mà còn bị chê là ”của nhà ăn no,của cho ăn ớn”.

Ngoại tôi làm bánh theo kiểu ăn chắc mặc bền. Nhân bánh chỉ chạy qua hàng đậu thôi (nhân ít bột nhiều) mà cái bánh hai người ăn không hết, vậy mà Ngoại cứ tính theo đầu người mà phát thì hỏi sao không ớn, mà làm bằng gạo tẻ chứ không phải là nếp.

Coi mòi không êm với món bánh độc chiêu này Ngoại làm món khác. Nhà trồng được đậu, vậy thì nấu chè cho nó nhàn. Đậu chỉ cần nấu sôi mấy phút sau đó vùi vào tro nóng là nhừ. Nhưng chè Ngoại nấu cũng khác người ta, vì đường mắc nên đưa cho các cháu thì Ngoại lại dặn hờ..."Đường ai nấy bỏ". Còn không thì Ngoại ngâm gạo xay thành bột rồi làm bánh đa cho tụi tôi nướng để ăn.

Trên Sài Gòn, tôi chẳng nhớ mỗi năm đón Tết như thế nào, về lại Kinh 5 cái Tết đầu tiên tuy nhà Ngoại nghèo nhưng Ngoại vẫn cho con cháu ăn Tết lớn bằng cách giết con heo mà Ngoại nuôi cả năm trời để con cháu được sum họp và đọc kinh tưởng nhớ tới ông Ngoại luôn.

Hôm đọc kinh cho ông Ngoại, có một người bây giờ là anh rể của tôi đã hỏi một câu tôi vẫn nhớ cho tới bây giờ.

-Ê Hương. Đọc kinh cho ông trước hay ông sau?

Tôi không biết là Ngoại tôi có hai đời chồng nên lắc đầu trả lời là không biết.

Cho tới mãi sau này tôi mới biết là từ bác Hai Đào, bác Ba Châu, má tôi, dì Mai và cậu Toàn là một ông Ngoại. Cậu Vân, dì Thuỷ và cậu Chung là một ông Ngoại.

Nhưng tất cả 8 người con của Ngoại tôi rất thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.

Con đông, ruộng lại ít, Ngoại chia cho mỗi đứa con được 2 công ruộng, làm ruộng chẳng đủ gạo ăn nói chi mua thịt mua cá. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, trưa nắng Ngoại không nghỉ, một mình ngoài vườn trồng cà trồng bắp để cho các con cháu của Ngoại có cái mà ăn.

Kinh 5 quê tôi nhờ gần biển. Năm 78, một phần vì thanh niên bị bắt đi bộ đội một phần vì thiếu ăn nên nhiều người đã liều mạng tìm đường vượt biên trong đó có các con và các cháu của Ngoại tôi.

Mỗi ngày Ngoại ngồi ở đầu hè, tay chống cằm, mắt nhìn về hướng cuối kinh nơi có dòng sông nối liền với cửa biển để chờ tin các con cháu của Ngoại đã đến được bến bờ bình yên chưa.

Trời thương, các con cháu của Ngoại đã được an lành cập bến tự do, làm ăn dần ổn định ở Mỹ và Úc. Ngoại rất mừng, nhưng vẫn không quên nhắc nhở các con, cháu những ngày cơ hàn nghèo khó đã được họ hàng và bà con chòm xóm giúp đỡ cho như thế nào. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ra sao, nhất là anh chị em trong gia đình phải biết câu ”em ngã thì chị nâng”. Nghe lời dạy bảo của Ngoại nên cho dù là con của hai ông Ngoại nhưng ít có người biết.

Năm 84, tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên lên xe bông về nhà chồng, các cậu bên Mỹ gởi vải và thuốc cho Ngoại. Vải Mỹ năm đó rất có giá trị, nhiều người tới hỏi mua nhưng Ngoại không bán, vậy mà Ngoại mang cho tôi một miếng vải và cả tiền công để may áo dài để cho nó bằng chị bằng em với người ta.

Con cháu của Ngoại, tôi là đứa cháu cuối cùng tìm đường vượt biên. Trước ngày xuống ghe để đi, Ngoại lội bộ 2 cây số, qua đò sang sông để cho đứa cháu chào từ giã.

Tôi dẫn Ngoại ra chợ, mời Ngoại ăn bánh ướt nhưng bà cháu nhìn nhau nghẹn lời nuốt không trôi. Cháu đi, Ngoại ở lại.

Bảy năm sau tôi bị cưỡng bách trở về, Ngoại lại dang vòng tay đón tôi, lo cho tôi mọi thứ. Nhà Ngoại bây giờ đã dư giả hơn trước, nhưng con cháu lại ít đi. Tưởng rằng tôi sẽ được ở bên Ngoại để mỗi sáng được Ngoại kêu qua ăn bánh mì chấm với sữa, hay buổi tối ngồi đập muỗi bên võng để nghe Ngoại kể chuyện những năm tháng khổ cực khi mới mười mấy tuổi phải một mình từ Bắc vào Nam làm mướn để trả nợ cho cha mẹ.

Nhưng hai năm sau, tôi được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho định cư tại Mỹ, Ngoại đã cùng tôi đi chuyến xe đêm từ Rạch Giá lên Sài Gòn để tiễn chân.

Một lần nữa, Ngoại nghẹn lời khi căn dặn tôi. "Sang đó con phải ăn uống cho khỏe mạnh chứ đừng đau ốm oặt ẹo để còn về thăm Bà nữa". Tôi lên máy bay đi Mỹ để làm lại từ đầu nơi quê hương mới, Ngoại lên xe về lại nhà nơi có vườn rau ao cá và những đứa cháu nội mà Ngoại lo cho tụi nó từ lúc còn mặc quần thủng đáy và chưa dứt sữa, và mong mỏi những đứa con, cháu ở phương trời xa về thăm.


Năm 2005, Ngoại bị té nằm liệt không đi lại được, bác Hai và cậu Vân về thăm. Nghe tin tôi cũng về.

Bước vào cửa thấy tôi Ngoại bật khóc, tôi cũng khóc theo, tuy Ngoại không nói ra nhưng nhìn vào đôi mắt của Ngoại tôi hiểu được những ước muốn của Ngoại.

Tôi đã hai lần bị liệt. Lần đầu tôi chỉ bị hai chân nhưng lần thứ hai tôi bị hai chân và nửa người bên phải cho nên chỉ những ai đã trải qua cái cảnh có chân mà không đi được, muốn đứng mà không thể đứng được thì nó khổ như thế nào.

Rồi còn vấn đề vệ sinh, ăn vào thì phải bài tiết ra và còn nhiều thứ phiền toái cần tới sự giúp đỡ của người thân.

Cho dù con và các cháu của Ngoại không sợ cực mà lo cho Ngoại nhưng Ngoại vẫn sợ phiền phức tới con, cháu nên Ngoại ăn uống rất ít để con cháu không phải lau chùi vệ sinh cho mình.Tuy đau đớn vì vết thương bị té, vậy mà Ngoại lo lắng hỏi tôi về cuộc sống mới của tôi.

Vì công việc nên tôi về thăm Ngoại được 10 ngày, trước ngày trở qua Mỹ, Ngoại hỏi tôi chừng nào con về nữa? Tôi nói nếu Ngoại khỏe lại thì 10 năm nữa con sẽ về thăm Ngoại. Nhờ kiên trì và ý chí mạnh mẽ nên mấy tháng nằm liệt Ngoại tôi ngồi lên được và đi lại bình thường. Con cháu ai cũng mừng cho Ngoại nhưng tôi biết chắc Ngoại tôi là người mừng nhất.

Khi khỏe lại, các con của Ngoại ở Mỹ và Úc bay về để mừng thọ cho bà. Nhìn Ngoại xúng xính trong chiếc áo dài đỏ giữa bầy con với nụ cười hết răng như trẻ thơ rất dễ thương.

Năm 2015, giữ lời hứa với Ngoại và để mừng lễ Thượng Thọ 100 tuổi của bà, tôi về thăm, các con và cháu về rất đông.

Vừa nhìn thấy tôi, Ngoại lại nhắc lại câu hỏi khi còn bé mà tôi hỏi và dí vào trán tôi mà mắng yêu rằng ”Nó là đứa cháu láo nhất nhà này”.

Ngày lễ đại thọ, Ngoại xúng xính trong bộ áo dài gấm màu vàng ngồi trong xe bông cùng các con và theo sau là đàn cháu hộ tống Ngoại lên nhà thờ tham dự thánh lễ. Khi về tới nhà là tiệc đã được dọn sẵn để mời mọi người và bà con họ hàng chung vui với Ngoại.

Nụ cười hạnh phúc của Ngoại ngồi trên sân khấu khi 11 người con trai gái, dâu rể và hơn 50 đứa cháu chắt hát chúc mừng Ngoại bài Xuân Ca và bài Bà Mẹ Quê.

Ngày vui nào cũng qua, bữa tiệc nào cũng tàn. Sau bữa tiệc đại thọ, con cháu của Ngoại lại tản mạn mỗi người mỗi phương. Ai cũng hứa với Ngoại là sẽ về thăm lại Ngoại, tôi cũng hứa với Ngoại là 5 năm nữa con sẽ về thăm, nhưng không ngờ mới được hơn một năm, tôi đang ngồi làm trong hãng thì thì cậu Út gọi báo tin nói Ngoại tôi bị bệnh nặng đang phải điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nghe tin tôi xin hãng nghỉ, mua vé bay về liền.

Tới phi trường cậu Út đón tôi và đưa về khách sạn đối diện bệnh viện để chờ tới lượt được thăm Ngoại. Bác Ba ở Bình Dương vào, dì Mai dì Thuỷ và mấy đứa con ở dưới kinh 5 lên. Cậu Vân, cậu Chung và mợ Phượng ở Mỹ về đang chờ thêm bác Hai, má tôi, cậu Toàn và các anh chị em ở Mỹ và bên Úc về để vào thăm.

Nghỉ ngơi chừng hai tiếng. Cậu Vân, cậu Chung mợ Phượng, tôi và con gái dì Mai đi qua bịnh viện để xin vào thăm bệnh.

Trời ơi, nhìn cảnh người bệnh nằm la liệt từ gầm cầu thang tràn ra tới lối đi, còn người đi nuôi bệnh thì nằm cảnh màn trời chiếu đất ở các gốc cây và ngóc ngách, vào tới bên trong để chờ thăm được người bệnh của mình thì nhìn khuôn mặt vô cảm và những câu nói của nhân viên trực làm tôi phải so sánh xứ người, xứ ta và tự đặt câu hỏi năm chữ “Lương y như từ mẫu” chỉ có xứ người mới có thôi sao?

Tôi là đứa cháu ở nước ngoài may mắn nhất được gặp và nói chuyện với Ngoại lần cuối cùng. Vào nhìn thấy Ngoại tôi nằm trên giường bệnh, mắt nhắm ghiền mặc chiếc áo bệnh nhân không cột giây để lộ ra một đường mổ hơn một gang tay chưa được khâu lại với những miếng bông gạc đậy hờ hững lên trên. Nhìn Ngoại tôi biết là giờ Chúa đã định nhưng Ngoại vẫn ráng chờ những đứa con ở xa chưa về kịp, tôi nắm tay Ngoại và nói trong tiếng nấc. Ngoại ơi ! Con là con Hương nè, con về thăm Ngoại nữa nè, con với Ngoại có giao kèo với nhau là năm năm nữa con mới về thăm Ngoại mà hôm nay chưa được hai năm con về thăm Ngoại nữa nè. Ngoại mở mắt ra nhìn con đi, Ngoại mở mắt ra để nhìn con khoanh tay xin lỗi vì đã dám hỗn hào mà chỉ vào mặt Ngoại nói "Ngoại già cái đầu rồi còn đái dầm" và hỗn xược hỏi Ngoại là: "Chồng bà đâu" nè.

Tôi thì thầm nói với Ngoại hãy cố lên. Ba mẹ con bác Hai, má, chị Yến vợ chồng Thịnh Dung, Tâm và Tươi Nụ ở Úc và cậu Toàn ở Mỹ mấy tiếng nữa sẽ về tới và vào thăm Ngoại, liền sau đó sẽ đưa Ngoại về quê nơi có thửa ruộng và căn nhà, những đứa cháu sống với Ngoại từ khi nghèo khó cho tới bây giờ. Ngoại cố lên nha, không biết nước mắt tôi rơi xuống hay nước mắt của Ngoại? Nhưng từ đuôi mắt bên phải của Ngoại có một giọt nước long lanh nơi đó.

Cậu Toàn xuống máy bay về tới khách sạn thì tất cả mọi người trở lại bệnh viện để xin vào thăm Ngoại. Nhưng họ không cho vào thăm như lời hứa, trước đó cậu Chung đã trình bày những khó khăn về thời gian của người ở xa về thì họ nói là chờ mọi người tới đủ thì cho vào thăm, vậy mà phút cuối cùng thì họ lại chỉ cho mỗi bác Hai vào thăm.

Thật đúng với câu “Đừng nghe những gì họ nói. Hãy nhìn kỹ những gì họ làm”.

Vào thăm Ngoại khó khăn quá, một mình Ngoại nằm trong đó thật tội nghiệp, lỡ Ngoại rời khỏi thế gian nào ai hay?

Vậy mà xin cho Ngoại được về nhà để được ra đi trong vòng tay thương yêu của các con và các cháu nhưng vì “thủ tục” nên ngày hôm sau Ngoại mới về được tới ngôi nhà khi xưa về đây cực khổ lập nghiệp cùng với 8 đứa con và bây giờ ra đi thanh thản cùng 11đứa con, dâu cùng rể và gần 100 đứa cháu, chắt và chút vào tiết tháng Ba giữa mùa xuân khi hoa đang nở rộ, để lại bao thương nhớ cho các con và cháu chắt của Ngoại

Ngoại tôi đó, nửa đời gian nan vì nghèo đói, nửa đời cực khổ vì con cháu, vậy mà phút cuối của cuộc đời, Ngoại vẫn không muốn con cháu phải phiền lo cho Ngoại nên đã sắp xếp tất cả mọi chuyện hậu sự cho mình một cách đơn giản và còn không quên tới những người nghèo khó.

Tiễn đưa Ngoại xong, chào tạm biệt để trở về Mỹ tôi hứa với Ngoại giỗ ba năm của Ngoại tôi sẽ về. Nhưng người ta thường nói. “Quá tam ba bận” tôi đã giữ đúng lời hứa với Ngoại được hai lần rồi, không biết lần thứ ba này có giữ được lời hứa không? Thôi thì viết những hàng chữ này để tưởng nhớ tới Ngoại đã lo cho các con cháu ở xa và đã coi sóc những đứa cháu ở gần, đã để tôi và chị Mỹ vào thúng gánh ra ruộng vì để hai đứa nó ở nhà lỡ dại ra nghịch nước, chết đuối thì bố mẹ nó xót.

Lúa mùa cây rất cao, Ngoại lại phải kiếm chỗ nào nhiều gốc rạ để làm chòi cho hai chị em tránh nắng rồi chiều lại gánh về.

Cuộc sống của một bà mẹ đơn thân với ba đứa con ở Mỹ được sự giúp đỡ của chính phủ như tôi mà cho tới bây giờ vẫn còn chật vật than trách, vậy mà ngoại tôi đó, một người mẹ goá, một thân một mình về đồng ruộng kinh 5 khi không biết cây lúa trồng ra sao, gia tài mang theo là 7 đứa con và một bụng bầu tất cả mọi thứ đều phải tự tạo, cắn răng chịu đựng nên đến nỗi hét cả răng. Một người Bà một năm mấy lần lủ khủ các thứ, gà vịt, gạo, nếp cá cua, và các thứ trái cây mang lên Sài Gòn cho chị em tôi ăn cho nó tươi

Nhờ sự dạy bảo mà cho tới đời chắt của Ngoại cũng vẫn thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.

Và Ngoại tôi đó, tới cuối đời cũng không muốn các con phải bận tâm vì mình.

Ngoại ơi,
Từ nay nắng sớm mưa chiều
Đâu còn thấy được bà yêu nữa rồi.
Hôm nay con viết đôi lời
Nhắc về ơn Ngoại một đời gian nan.

Cháu của Ngoại
Nguyễn Thị Thu Hương

Ý kiến bạn đọc
12/04/201923:38:00
Khách
Nhân sinh bách thập cổ lai hi. Sống tới tuổi này con cháu đầy đủ, trên thuận dưới hòa như tác giả kể đúng là hồng phúc. Câu chuyện nhắc nhở ta về CỘI NGUỒN.
12/04/201918:19:52
Khách
Mẹ Việt Nam của ngàn đời. Vậy mà giờ đây con cái bỏ ra đi chỉ vì bà bị một cái mụn nhọt cộng sản.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,301
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.