Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.
*
Mùa báo hiếu đã đến. Các chùa thay phiên tổ chức nguyên tháng bảy âm lịch. Tôi cũng đi chợ mua sắn khoai, đậu, nếp, đường, trái cây, bông hoa và các thứ chuẩn bị đúng ngày rằm 15/7 dâng cúng tứ thân phụ mẫu trong nhà và ngoài trời.
Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật Giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.
Theo trong kinh thì lễ Vu Lan của Phật Giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn
Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".
- Nhưng Bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?
Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."
Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.” (trích từ phathocdoisong.com)
Rằm tháng bảy niềm tin của người con Phật theo câu chuyện ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, về Chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ đời này còn sống luôn được khỏe mạnh, hoặc cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng thoát khỏi cảnh địa ngục, sớm được siêu sanh tịnh độ. Đồng hành sự nguyện cầu là rải ruộng phước để hồi hướng công đức cho cha mẹ luôn được siêu thoát vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Sáng nay tôi đến Chùa Phổ Từ. Xe không còn chỗ đậu phải đi vòng vòng kiếm chỗ. Các đoàn sinh gia đình Phật tử ba đơn vị Chánh Tâm, Chánh Đức, Chánh Hòa đang tập trung dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng.
Trong chánh điện đã chật đạo hữu, các hàng ghế đặt ngoài sân thoáng mát cũng đầy người. Tiếng mõ vang đều, tứ chúng ngồi tụng kinh thành tâm, sau đó quý Thầy ban thời pháp về câu chuyện của ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát, dẫu ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện bà Thanh Đề khi sống ác độc, lúc chết bị đọa xuống tầng ngạ quỷ súc sanh chịu nhiều hình phạt đau đớn, nhưng khi nghe lại mọi người như đang dâng nguồn cảm xúc mãnh liệt, có những giọt nước mắt lặng lẽ đang thương nhớ cha mẹ đã khuất.
Tôi nhớ những mùa Vu Lan trước tham dự Chùa Thiên Trúc trên San Jose, các em ôm rổ hoa vừa màu hồng lẫn trắng đến trước mặt hỏi “Cô dùng màu gì để con cài”, tay run run cầm đóa trắng nhưng cũng cố gắng tỉnh táo che đậy nỗi tủi thân. Đến mục văn nghệ phụ diễn có em lên hát bài “Tâm sự người cài hoa trắng”, mắt tôi mờ dần, nước mắt tràn như mưa, không kềm chế ngăn chận nổi. Chùa Phổ Từ Thầy Từ Lực quan niệm dù mẹ mất, nhưng chỉ mất bằng thân xác chứ mẹ vẫn luôn hiện diện trong trí óc, trong tim mình thì xem như mẹ vẫn còn sống, Thầy cũng muốn tránh sự buồn tủi cho phật tử nên chỉ cho cài một màu hoa hồng. Có lần trước lễ một tuần, một thầy khác thay thầy giảng pháp về đề tài cha mẹ, vạt áo tràng người nào cũng lén chùi mắt mũi đang tràn ướt, không khí im ắng đến nín thở, thầy phải ngưng và nói “nhìn xuống thấy không khí nặng nề buồn bã quá cho thầy đổi đề tài khác”. Vậy mới biết mùa của sự tưởng nhớ về cha mẹ đã làm người con bị khích động sự buồn nhớ tột cùng, và nếu những người con còn cha mẹ, nhìn gương này ý thức mình đang còn cha mẹ là điều quý giá nhất để có thể tránh lỗi lầm, hoặc bày tỏ tình thương thật nhiều qua hành động, cử chỉ báo hiếu những điều thực tế trong đời sống. Nhân tiện xin kể lại hai câu chuyện về Tình Mẹ mà tác giả Đồng Dương đã sưu tập trong đề tài “Lễ Vu Lan”
Câu chuyện thứ nhất:
Xem phim về Hoàng Đế Solomon và Nữ Hoàng Seapa. Trong phim có một clip ngắn khi Hoàng Đế Solomon xử án. Có hai người đàn bà giành nhau một đứa bé, ai cũng nhận đứa bé là con của mình, quan dưới không biết phân xử làm sao, mới đem lên Hoàng Đế Solomon, ông ra lệnh:
- Chặt đứa nhỏ làm hai khúc chia cho mỗi người một nửa.
Nữ Hoàng Seapa ngồi trên ngai nhíu mày, và thầm nghĩ sao mà xử ác độc thế. Nhưng một phút sau đó, một trong hai người đàn bà khóc nức nở quỳ tâu:
- Xin Hoàng Thượng hãy chặt đầu con và cho con của con được sống.
Hoàng Đế Solomon lại ra lệnh:
- Đem đứa nhỏ giao cho người đàn bà này, và giam người đàn bà kia vào ngục thất.
Rồi ông quay qua Nữ Hoàng Seapa và nói:
- Không có người Mẹ nào đành lòng để người con mình bị giết. Chỉ có người Mẹ sinh ra con, mới chịu chết thay cho con được sống.
Nữ Hoàng Seapa cảm phục trí thông minh và phản ứng nhanh lẹ của Hoàng Đế Solomon.
Câu chuyện thứ hai:
Trong trận động đất ở Nhật, đội tìm kiếm những người mất tích đã phát hiện một người đàn bà dưới đống bê tông đổ nát trong tư thế ôm chặt đứa con, bà đã chết cứng vì đá đè, nhưng đứa con ba tháng tuổi của bà được bao bọc bằng tấm chăn bông vẫn còn sống. Đôi cứu hộ đã tìm thấy chiếc Iphone trên ngực đứa bé với một message ngắn: "Nếu con còn sống sót, hãy nhớ rằng mẹ lúc nào cũng yêu con". Message này đã làm rơi nước mắt của bao nhiêu người về tình yêu của một người mẹ đã lấy thân mình che chắn, bảo vệ cho con được sống trong hoàn cảnh nguy khốn nhất.
Cũng vì thế, nhà văn quân đội người Pháp Lucien Bersot đã nói: "Trong vũ trụ này có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người Mẹ.
Sau giờ hành lễ và nghe pháp, mọi người vào thắp hương hai bàn vong khói tỏa nghi ngút, tôi thành tâm khấn nguyện trước di ảnh Tứ thân phụ mẫu được thờ Chùa này trong niềm xúc động vô biên.
Mùa thu lãng vãng đó đây theo luồng gió mát, bóng nắng yếu ớt mơn man những cành hoa giấy đỏ bên hàng rào ẻo lả đong đưa. Mùa hạ đã từ giã, nhưng tình hạ đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm thân thương nhẹ nhàng vô cùng, và càng nhẹ nhàng hơn nữa khi được cài bông hồng trên áo. Dẫu không phải chỉ có ngày lễ Vu Lan mới nhớ đến Cha Mẹ, nhưng đây là ngày lễ đặc biệt, ngày phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần hiếu đạo. Ngày lễ có sức sống văn hoá truyền đạt con người trở về với cội nguồn tổ tiên, biết đền ơn tứ ân đức lớn rộng: cha mẹ, thầy cô, tổ quốc và con người. Một ngày lễ hội Vu Lan của Phật Giáo thật thiêng liêng mang ý nghĩa cao đẹp.
Minh Thúy Thành Nội