Hôm nay,  

Hổ Phụ Hổ Tử

16/06/202300:00:00(Xem: 13642)
 
Photo-by-Egor-Myznik-on-Unsplash
Hình minh họa - Photo by Egor Myznik từ Unsplash
 
Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Tác giả là một cây bút được yêu mến và đọc nhiều trong giải thưởng VVNM. Sau đây là bài viết mới nhân lễ Father’s Day, với nỗi ngậm ngùi “Đâu phải người Cha nào cũng có được nụ cười hạnh phúc.“
 
***
 
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về.

Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha:

— Kết quả sao vậy anh?

Hắn thở dài đưa tờ giấy từ chối của LSQ cho vợ.
Hai vợ chồng buồn so. Nhà mướn, chỉ có hai chiếc xe máy, cái ti vi, cái tủ lạnh. Có gì đáng giá mà thế chấp.

— Vậy là hết cách rồi!

Nhưng cái khó ló cái khôn. Hắn đâu dễ dàng buông bỏ giấc mộng đi Mỹ của mình. Căn nhà của ba má hắn nằm ở trung tâm thành phố, chính là cứu cánh cho hắn. Sau một đêm trằn trọc không ngủ, cuối cùng hắn đã tìm được lối thoát.

Buổi tối, vợ chồng con cái hắn mua trái cây và thuốc bổ đến thăm ba má hắn.

Lên lầu, vào phòng chào ba má xong, chưa kịp hỏi han tình trạng sức khỏe của mẹ, Nghiệp đã nóng lòng vào ngay vấn đề:

— Con được công ty đề cử đi Mỹ. Nhưng LSQ họ yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Nếu không thì chuyến đi này kể như hủy.

Hà xen và:

— Vợ chồng con xin ba má giúp đỡ...

— Các con nói rõ cho ba má nghe. Cái gì làm được là ba má làm liền. Ông cụ nói ngay.

—Dạ, con xin ba má sang tên căn nhà này cho con. Chỉ tạm thời thôi. Chừng nào phỏng vấn xong con sang tên lại cho ba má như cũ.

— Chuyện thủ tục giấy tờ ba không rành. Các con cứ làm rồi ba má hỗ trợ cho.

Ông cụ mở tủ lấy hồ sơ nhà đưa cho vợ chồng Nghiệp.

Hắn cầm ngay lấy và nói:

— Ngày mai con sẽ đưa ba má đi lên Phòng Công Chứng.

— Má con bệnh hoạn thế này làm sao đi.

— Dạ, thủ tục người ta đòi phải có đủ mặt cả ba lẫn má.

Hà tỏ vẻ chu đáo:

— Tụi con sẽ thuê xe 16 chỗ để má nằm cho thoải mái.

Ông cụ quay sang bên nắm lấy tay bà. Những ngón tay gầy trơ cử động nhè nhẹ. Giọng ông ngậm ngùi:

— Má tụi con yếu lắm rồi.

Nhờ có dịch vụ, nên thủ tục sang tên dễ dàng. Nhưng LSQ Mỹ vẫn không chấp nhận. Họ nghi vấn có gì khuất tất, khi ngày sang tên và ngày phỏng vấn rất sát sao — Chỉ cách nhau 2 ngày.

Nhiều chuyện xảy ra sau đó làm ông cụ quên đi việc nhắc nhở Nghiệp sang tên nhà lại cho ông bà. Có lẽ trong thâm tâm ông vẫn đinh ninh hắn là con cái trong nhà.

Bà yếu dần như ngọn đèn cạn dầu và ra đi nhẹ nhàng trên đường đến bệnh viện cấp cứu.

Biến cố đó làm ông đau đớn, chẳng còn thiết gì.

Nhưng họa vô đơn chí. Bác sĩ phát hiện ông bị ung thư giai đoạn cuối. Ở tuổi ông, bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ đi bàng quan mà không dám liều lĩnh làm thêm phẫu thuật tái tạo. Và ông đành mang hai túi nước tiểu hai bên suốt phần đời còn lại.
  
Lòng tham con người là một điều không tưởng. Nó ẩn nấp sâu trong lòng, chỉ chờ có cơ hội sẽ bộc phát. Ba hắn không hiểu điều đó.

Rồi một ngày, Nghiệp dẫn khách đến xem nhà.

Chị hai ngạc nhiên:

—Ủa, ba kêu bán nhà sao không cho con biết?

— Đâu, ba có định bán nhà bao giờ. Ông cụ ngớ người ra.

Sau khi tiễn khách, hắn ngang nhiên nói như ra lệnh:

— Ba và chị hai liệu mà kiếm chỗ dọn ra. Chứ nhà bán rồi không có chỗ ở đâu nghe.

Ông cụ bực bõ:

— Nhà này là nhà của ba. Con ăn nói gì ngang ngược vậy?

Hắn lật bài ngửa:

— Giấy tờ sang tên con rồi là nhà của con. Ba không còn quyền hạn gì hết.

Làm ơn hiểu chút đi.

Chuyện tranh chấp nhà cửa đưa ra Toà. Dĩ nhiên, Toà trọng chứng hơn trọng cung. Ngôi nhà được xử giao toàn quyền cho hắn.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh nhân đạo, Toà cũng yêu cầu hắn hỗ trợ tiền cho ông cụ một ít để thuê mướn nhà mà sống lây lất những ngày cuối cuộc đời.
Để vụ án dễ dàng, hắn đứng giữa Toà lớn tiếng bố thí:

— Nhà là của tôi. Tiền là của tôi. Đồng tiền liền khúc ruột, cho ông ấy cũng tiếc lắm chứ. Nhưng coi như làm phước. Mà, nhớ là lần cuối nghe. Đừng mong vòi vĩnh lần nào nữa từ thằng này.

Ba hắn run rẩy đứng lên, nhìn hắn bằng ánh mắt đau đáu lẫn xót xa:

— Ba má đã nuôi dạy, yêu thương các con hết lòng. Các con cần gì ba má cũng cho đi mà không tiếc nuối, nghĩ ngợi gì. Bây giờ con nên vóc nên hình, sao đành lòng nào…

Câu nói cuối cùng chưa dứt, cơn ho đã ập tới. Ông cụ ôm lấy ngực, gập người ho rũ rượi.

Nhưng, hắn có kịp nghe ông nói gì đâu. Cả nhà hắn còn đang mải bàn tính chọn nhà hàng nào để ăn mừng thắng lợi.

Có tiền, vợ chồng hắn mua căn nhà đầy đủ tiện nghi ở khu quy hoạch mới. Thuận, con trai hắn được học trường đại học tư sang chảnh nhất thành phố. Phút chốc, cả nhà hắn bỗng được lên đời.

Khi Thuận tốt nghiệp, hắn chạy chọt một chỗ làm có tầm cỡ cho con. Đám cưới Thuận diễn ra cũng xuôi chảy trót lọt ở một nhà hàng lớn để xứng mặt con nhà.

Cuộc sống đang viên mãn, bỗng dưng tai họa ập xuống gia đình Nghiệp. Trên đường đi du lịch, chiếc xe hơi của hắn bị lạc tay lái, tông vào dốc núi bẹp dúm. Vợ hắn chết ngay tại chỗ. Còn hắn bị chấn thương ở đầu và hai chân.

Trời còn thương, cơn thập tử nhất sinh cũng qua đi, hắn tỉnh dậy với ống thở và dây nhợ buộc chằng chịt.

— Đau quá. Có ai đây không?

Nghiệp quờ quạng, cố nhướng mắt lên.

Con dâu hắn mừng rỡ gọi chồng:

— Anh ơi, ba tỉnh rồi nè.

Thuận chạy đến nắm lấy tay hắn:

— Ba làm tụi con lo quá.

— Chuyện gì xảy ra với ba vậy? Mẹ đâu rồi?

Hắn hỏi liên tục nhưng không ai trả lời.  Sự lo lắng làm hắn gần như phát điên lên. Hắn gượng lấy hết sức lực giằng tay đứa con trai:

— Mẹ mày đâu hả?

Thuận vẫn đứng yên mặc cho cha la hét.

Nhưng hắn chợt buông thõng tay xuống. Hắn vừa kịp thấy băng tang đen trên ngực áo của con. Hắn bật khóc nấc lên:

— Hà ơi, mình ơi...

Ngày hắn xuất viện, vợ chồng Thuận đến thanh toán tiền viện phí và ngỏ lời đưa hắn về nhà họ để tiện chăm sóc và để hắn đỡ thấy trống vắng
.
Nghiệp ngồi trầm ngâm. Vợ chồng Thuận nói đúng. Một mình lủi thủi trong ngôi nhà thiếu bóng dáng vợ hẳn sẽ cô đơn lắm. Từ từ, khi vết thương ổn định, và nỗi buồn nguôi ngoai, hắn sẽ trở lại nhà mình.

Phòng khách ngăn đôi ra bằng một tấm rèm. Bộ salon dẹp đi, còn lại bộ bàn ăn và cũng là chỗ tiếp khách bên ngoài. Bên trong kê một chiếc giường đơn và một tủ thấp, trên có đặt tấm hình của vợ hắn và một bát nhang.

Thuận nói, anh chọn chiếc tủ thấp là để cha dễ dàng thắp nhang cho mẹ.

Mỗi sáng, cả nhà cùng ăn sáng với nhau. Buổi trưa vợ chồng Thuận tranh thủ về ăn cơm nhà, vì sợ cha buồn. Buổi tối thì mọi người lại quây quần bên phòng khách coi ti vi, chuyện trò râm ran.

Hai vợ chồng Thuận luôn ân cần chăm sóc cha. Con bé Hạo Nhiên lại tíu tít ông ơi, ông ơi luôn miệng làm hắn cũng thấy lòng ấm áp. Hắn thầm cảm ơn trời đã cho hắn những đứa con đứa cháu hiếu thảo.

Hai tháng trời trôi qua, dù con trai kiên nhẫn đưa hắn đi tái khám thường xuyên, và tập vật lý trị liệu đúng quy trình, nhưng chân hắn vẫn không có khả năng phục hồi.

Đưa cha về nhà, Thuận xem lại phiếu chẩn bệnh của cha và đề nghị:

— Ba sẽ đến ở luôn với tụi con, được không ba?

— Còn nhà cửa của ba và mẹ, đâu có thể bỏ hoang được. Hắn lắc đầu.

— Thì ba bán đi.

Chưa kịp nghe con nói hết câu, hắn đã cảnh giác:

— Con nói bán nhà là thế nào?

Như đọc được ý nghĩ của cha, Thuận cười xoà:

— Tiền bán nhà là tiền ba gửi ngân hàng đứng tên ba và ba giữ để phòng thân. Tụi con có công việc, nhà cửa ổn định, cần gì đến số tiền của ba.
Hân cũng nhẹ nhàng:

— Chúng con giờ còn mỗi mình ba. Xin ba cho chúng con cơ hội báo hiếu.

Hắn nhìn con rồi nhìn dâu, cảm thấy áy náy trước tấm lòng hiếu thảo của chúng. Bất chợt sống mũi hắn cay cay. Cuối đời, hắn nào ao ước gì hơn.
Vừa bước vào nhà, chào cha xong, Thuận đã lớn tiếng gọi vợ:

— Hân ơi, vợ ơi!

Đang dở tay với nồi cá kho, Hân bươn bã chạy ra:

— Gớm, gì mà inh ỏi thế chồng?

Thuận không trả lời mà hỏi ngay:

— Tiền trong tài khoản mình còn bao nhiêu vậy vợ?

— Đâu khoảng một tỷ.

— Thế mai em đi với anh ra ngân hàng nhé. Thuận hào hứng.

— Dự án đầu tư của anh Phan bên nhà đất đang huy động vốn. Ngắn hạn thôi, chỉ trong vòng anh em thân thiết. Mà vợ biết lãi suất bao nhiêu không?

— Mười phần trăm?

— Nhằm nhò gì. Ba chục phần trăm đó. Sướng không?

Hân suýt xo:

— Vậy là mỗi tháng mình có thêm 300 triệu.

Như chợt nhớ ra, Hân bảo:

— Sao chồng không bàn với ba góp vốn vào để lấy lãi?

Thuận gật gù, đi vào ngồi xuống bên giường cha:

— Nãy giờ ba có nghe vợ chồng con nói chuyện không ạ?

— Có, ba có nghe loáng thoáng.

— Vậy ý ba thế nào?

Nghiệp ngần ngừ:

— Thôi, ba sợ rủi ro thì mất hết tiền của.

Thuận thuyết phục cha:

— Anh Phan là giám đốc công ty con, vừa là một doanh nhân lớn trong lĩnh vực đất đai. Ảnh đầu tư đâu là trúng đó. Con là trợ lý của anh ấy mà còn phải xin đến gãy lưỡi.

— Lãi suất ngân hàng có bao nhiêu đâu. Đằng này là 30 phần trăm. Sau 12 tháng, vốn và lãi của ba sẽ là...

Thuận lấy máy tính ra bấm nhoay nhoáy, rồi la to :

— Ba và vợ xem này. Một con số khủng luôn.

Nghiệp lắc đầu:

— Ba già rồi cần gì nhiều tiền. Cứ để ba gửi ngân hàng cũng có đồng ra đồng vào phụ tụi con, mà còn an toàn nữa.

Thuận vuốt ve chân cha, bùi ngùi:

— Chăm sóc cho ba phần đời còn lại, là bổn phận của vợ chồng con. Chúng con chỉ buồn là không thể đủ tiền đưa ba ra nước ngoài chữa trị bằng những phương pháp hiện đại nhất, tốt nhất.


Hân cũng bàn vào:

— Hay là ba chỉ góp trước 1 tỷ như vợ chồng con, thử xem thế nào.

Mở cặp lấy ra bản sơ đồ đất với những dự án phân lô nền rất quy mô, Thuận chậm rãi giải thích cho cả nhà nghe. Rồi anh búng tay, chậc lưỡi :

— Công trình hằng nghìn tỷ của người ta, thì số tiền của mình có là gì đâu. Mà hợp đồng vay vốn còn ký kết rõ ràng nữa thì sợ gì.

Lời con phân tích khiến hắn có phần nao núng. Ừ, nếu có điều kiện để đi ra nước ngoài chữa trị đôi chân, biết đâu... Chẳng lẽ suốt đời hắn cứ phải ngồi xe lăn như vầy sao? Còn chứng từ rõ ràng nữa. Người ta không sợ mình thì cũng sợ pháp luật chứ.

— Con Hân nói phải đó. Mai thằng Thuận đưa ba ra ngân hàng rút tiền. Ba cũng định góp 1 tỷ như tụi con.

Sau tháng đầu tiên, nhận được lãi suất, gia đình hắn như mở hội. Thuận đưa cho cha phần lời của ông là 300 triệu:

—Ba cất vào tủ rồi mỗi ngày lấy ra ngắm cho sướng mắt.  Tháng sau lại có lãi thêm 300 triệu nữa đó.

Vợ chồng Thuận xin nghỉ phép thường niên một tuần để đưa cả nhà đi Phú Quốc. Thuận đặt sẵn một căn biệt thự gần biển thật tiện nghi. Những bữa ăn đầy hải sản tươi rất ngon miệng. Ngày hai buổi, sáng sớm và chiều tối, mọi người đi dạo dọc bờ biển. Thuận đẩy xe lăn cho cha chầm chậm, luôn miệng nhắc cha hít thở đều không khí trong lành.

Lúc cao hứng, Thuận nửa đùa nửa thật:

— Có tiền sướng thật.

Hắn gật gù. Cuộc đời luôn chứng minh chân lý có tiền là tiên là phật .Mà, đồng tiền chui vào túi hắn thật dễ dàng.

Một ngày, Thuận về sớm, đưa cho cha một xấp hồ sơ. Hắn cầm lấy nhưng không hiểu gì, vì tài liệu toàn tiếng Anh.

Thuận lật từng trang, bảo đây là hệ thống bệnh viện hiện đại nhất của Mỹ. Anh đã liên lạc và họ cam kết sẽ chữa trị, phục hồi đôi chân của cha anh trong vòng 1 năm. Vấn đề bây giờ là tài chính.

— Chi phí là bao nhiêu vậy con? Hắn hồi hộp hỏi.

— Trọn gói khoảng năm trăm ngàn đô, ba à. Còn chưa kể phí tổn phát sinh.

Hắn ủ rủ:

— Làm gì mà có ngần ấy tiền. Chắc ba phải ngồi xe lăn suốt đời rồi.

Thuận ân cần nắm lấy tay cha:

— Đúng là hiện nay mình chưa đủ. Nhưng không phải là mình không thể đưa ba đi nước ngoài chữa bệnh được.

— Ý con là...

Thuận gật đầu :

— Dự án của anh Phan giám đốc đang đà phát triển. Chỉ cần ba chịu đầu tư hết vốn đang có, là chúng ta có thừa khả năng chữa trị đôi chân cho ba ở bệnh viện hiện đại nhất toàn cầu.

Ánh mắt anh nhìn cha rưng rưng:

— Con xin lỗi không đủ sức lo cho ba tất cả. Nhưng con mong ba còn sống ngày nào, là được hạnh phúc ngày nấy.

Xúc động trước tấm lòng của đứa con trai yêu quí, hắn đưa đôi tay run run vuốt đầu con:

— Ba hiểu tấm lòng con. Nếu con tin anh Phan là chỗ uy tín, thì ba cũng tin như thế. Ngày mai con đưa ba ra ngân hàng chuyển nốt số tiền còn lại, con nhé.

Số tiền đầu tư nhiều, khiến hắn luôn phập phồng lo sợ. Nhưng mở tấm sơ đồ đất ra xem lại, hắn cũng tạm an tâm.

Đêm đêm, hắn thắp nhang rù rì khấn vái vợ:

— Hà ơi, em sống khôn chết thiêng, về phù hộ cho anh có cơ hội chữa lành đôi chân. Các con mình rất hiếu thảo. Nhưng anh không muốn là gánh nặng cho chúng nó.

Hắn đếm từng ngày, chờ đến ngày nhận lãi.

Rồi thì ngày hắn chờ đợi cũng đến.

Trong bữa ăn chiều, hắn hỏi dò con:

— Tiền lãi tháng này con đã nhận chưa?

Thuận gắp cho cha khứa cá kho:

— Ba ăn đi rồi mình nói chuyện sau.

Sau bữa ăn, Hân châm một ấm trà đặt giữa bàn. Thuận đẩy xe lăn cho cha ngồi bên cạnh anh, nhẹ nhàng rót cho cha tách trà.

— Mấy hôm nay con định thưa chuyện với ba, mà cứ ngại ngần mãi...

Hắn nôn nóng:

— Chuyện gì vậy con?

— Dạ, là chuyện anh Phan vỡ nợ và trốn đi nước ngoài rồi.

— Vậy còn số tiền của mình đầu tư thì sao ?

— Mất hết rồi ba ơi.

Hắn nghe đôi tai mình lùng bùng. Mất quái thế nào được. Còn chứng từ, còn hợp đồng ký kết mà.

— Nó có trốn thì mình cũng kiện nó ra toà để phát mãi tài sản mà đền bù cho mình chứ.

Vừa nói, hắn vừa hấp tấp lăn xe vào. Bàn tay hắn run rẩy tra mãi chìa khoá mà không mở được ngăn tủ cất giấy tờ.  Khoá vừa bật, hắn vội vả mở tung cánh cửa. Ngăn tủ trống rỗng. Ngỡ mình hoa mắt, hắn sục tay vào trong tìm.

— Giấy tờ của ba đâu rồi? Hắn hét to đến lạc cả giọng.

Thuận bước vào. Anh nhìn ngăn tủ trống và hỏi cha:

— Ba có chắc đã để giấy tờ vào đây không hay là bỏ đâu mất rồi. Thôi ba ra ngồi uống trà cho tỉnh táo, từ từ nhớ lại.

Hắn thở dốc nhìn Thuận và Hân:

— Ba chưa già đến nổi lẩn. Tụi mày âm mưu hủy hết chứng từ phải không?

Thuận ôn tồn:

— Ba đừng nghi ngờ tội nghiệp chúng con. Từ lúc ba bị tai nạn đến giờ, chúng con hết lòng chăm sóc ba. Vợ con còn sợ ba ở đây một mình buồn, nên vừa đăng ký cho ba vào viện dưỡng lão cho có bạn bè chuyện trò khuây khỏa.

Hân lấy xấp giấy tờ đưa cho hắn:

— Đây, ba xem. Khó khăn lắm con mới đăng ký được một suất cho ba đó. Chồng con nói đúng. Bây giờ người già rất thích vào viện dưỡng lão.

Hắn nhìn trừng trừng vào Hân và Thuận. Chúng nó đã dày công dựng lên một màn kịch hoàn hảo.

Chỉ tay vào mặt hai đứa, hắn lắp bắp:

— Đồ  đồ ...lừa ...đảo...

Như không nghe thấy gì, Thuận đứng lên nắm lấy tay Hân:

— Thôi mình lên phòng cho ba nghỉ ngơi, mai còn đến viện dưỡng lão sớm nữa.

— Vợ chồng con…Hiếu Thuận, đứng…đứng lại cho ba…

Mặc tiếng hét của hắn, cả hai vẫn điềm nhiên lên lầu.

Hắn buông thõng tay, gục đầu xuống bất lực.

Lòng hắn giằng xé bởi sự đau đớn, uất hận lẫn ăn năn. Luật nhân quả là đây.

Ánh mắt người cha già năm xưa, khi phiên toà chấm dứt, nhìn xoáy vào hắn. Lần đầu tiên hắn hiểu được nỗi khắc khoải, xót xa tột cùng của đôi mắt đó. Từ khoé mắt hắn rỉ ra dòng nước mắt ăn năn muộn màng. Hắn ngước nhìn chung quanh, ngỡ như có bóng cha đang lẩn khuất. Đấm mạnh vào ngực, hắn khóc nức lên:

— Tha lỗi cho con, cha ơi.
  
Thay lời kết :
 
Máy bay chao cánh lảo đảo làm mọi người ngã nghiêng. Tiếng thông báo vang lên nhắc nhở hành khách:

— Hiện đang có cơn lốc mạnh. Yêu cầu quý khách không di chuyển khỏi chỗ ngồi và thắt chặt dây an toàn.
Tôi mở choàng mắt , bàng hoàng biết mình vừa trải qua một cơn mơ dài. Giấc mơ lẫn lộn giữa thực và ảo, kết hợp giữa quá khứ và tương lai của của thằng em bất hiếu bất nhân.

Thật ra, mấu chốt câu chuyện vẫn là như thế. Thằng em tôi đã lợi dụng lòng tin yêu của ba má mình mà sang đoạt ngôi nhà mặt tiền đường Trần Phú,Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Nó cấu kết với bộ sậu gồm thẩm phán, thư ký… toà án thành phố, để dễ dàng đổi trắng thay đen, đuổi ba tôi ra khỏi ngôi nhà mà ông đã cực khổ gầy dựng và nuôi nấng các con mình — trong đó có cả nó.

Ba tôi rất suy sụp, vì số tiền “hỗ trợ” của toà yêu cầu cho ông rất ít ỏi khi bước ra “trả lại nhà” cho thằng con bất hiếu. Tôi đã gọi điện về bảo chị hai tìm mướn cho ông một ngôi nhà khang trang. Tôi không đành lòng để ba mình chui vào ổ chuột lụp xụp (đúng nghĩa là như vậy với số tiền như thế).
— Làm sao mà đủ tiền, em ơi. Chị hai tôi thở dài.

— Chị cứ làm như em nói đi. Em không đủ sức để mua lại ngôi nhà khác cho ba, nhưng em sẽ cố gắng chu cấp cho ba những ngày còn lại.

Và tôi đã vội vã thu xếp công chuyện để đưa hai con về Việt Nam trên chuyến bay này.

Lúc vào nhà, tôi đã bật khóc khi thấy ba hóa thành tượng đá. Ông lặng câm không nói một lời nào.
Chị hai tức tưởi:

—  Thằng khốn nạ . Nó không phải là dòng máu của mình.

Tôi ngồi bên giường nắm lấy tay ba. Bàn tay ông gầy trơ.

Ba khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhờ chịu thương, chịu khó, ông được người thầy truyền cho nghề điện. Và ông lập nên sự nghiệp, với một dàn thợ thuyền trong tay, xây nhà, mua xe, lo cho vợ con một cuộc sống sung túc.

Gia đình tôi rất phong kiến với quan niệm cổ hủ của Việt Nam là “trọng nam khinh nữ”.

Khi thằng em trai tôi khôn lớn, ba má mua cho nó xe dream mới cáu cạnh, một ngôi nhà ở Bình Tân— khu đô thị mới và tổ chức hôn lễ theo ý nó ở một nhà hàng lớn. Nó là ông chủ nhỏ được ba bao bọc hết lòng. Nhưng thường cái gì dễ dàng quá thì người ta không trân quý. Nó ỷ lại, không chịu cố gắng để trau dồi tay nghe, không quản lý được thợ thuyền, lần lượt bán hết nhà cửa , rồi làm thuê làm mướn khi ba già yếu, bệnh tật.

Chị em gái chúng tôi không có gì, ngoài tình yêu thương của ba má. Nhưng, với tôi, như thế cũng quá đủ, dù nhiều khi cũng chạnh lòng, khi ba bảo “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. (Một con trai cũng gọi là có. Mười con gái cũng coi như không.)

Tiếng khóc của người già rất nhỏ mà ray rức tận đáy lòng:

— Ba đã sai rồi.

Tôi lắc đầu, nước mắt chảy dài:

— Ba đừng buồn nữa. Ba đã nuôi dạy chúng con rất tốt. Bên cạnh ba bây giờ, vẫn còn những đứa con ngoan và luôn hiếu thảo với ba.

Nén tiếng nấc, tôi hướng mắt về hai con mình đang đứng kế bên giường:

— Các cháu đã thành đạt và về thăm ông đây.

Lần đầu tiên ba nở nụ cười móm mém, sau những ngày sầu não:

— Ừ, ba vui lắm. Cảm ơn Chúa.

Vâng, Chúa rất nhân từ. Khi cánh cửa lớn đóng lại, thì sẽ có cánh cửa nhỏ mở ra.

Tôi không làm được việc gì to tát cho ba. Nhưng những ngày tôi và các con về nhà, ba đã có lại những nụ cười. Ba đã có thể hãnh diện nói với hàng xóm “Các cháu ở Mỹ mà nói tiếng Việt rất giỏi.“

Cha mẹ là những đấng sinh thành và dưỡng dục. Họ không quản gì hết để lo lắng cho con nên vóc nên người. Ai rồi cũng lớn khôn và vòng đời sẽ tiếp diễn. Hãy sống thật hiếu thảo với cha mẹ để một ngày nào, mình không phải buông câu than thở: “Luật nhân quả là đây!“ 
 
Biển Cát

Ý kiến bạn đọc
24/07/202317:00:01
Khách
Dừng tin ai. Đừng trông mong ai nuôi mình. ai cũng có chuyện phải lo. Văn hóa miền tây là lạc hậu, tàu phong kiến. Tôi không mong cầu nên không cần lập gia đình có con làm gì.
10/07/202314:54:03
Khách
Xin ghi nhận những ý kiến của các bạn Nate, Hung Tran, Bryan N, Anh Bờm An và Windy City.
Xin trân trọng người bạn văn chương Lê Như Đức.
Và BC cũng xin gửi lời cảm ơn đến các độc giả đã cùng BC đi qua suốt cuộc hành trình văn chương VVNM 2022-2023.
Tất cả đã là phần thưởng quý giá của BC.
Thân ái.
08/07/202323:52:18
Khách
Trong văn hoá VN thì hổ (cọp) là biểu tượng cho sự dũng cảm, uy mãnh.
Thường khi người ta nói "hổ phụ sinh hổ tử" là để tả những người anh dũng có con cũng anh dũng. Thí dụ như Lê Lai anh dũng hy sinh cứu Lê Lợi, có 3 con trai đều anh dũng . 3 con trai của Lê Lai: 1.) Lê Lư hy sinh trong chiến trận chống quân Minh; 2.) Lê Lộ đánh bại tướng Tàu nhà Minh là Trần Trí tại ải Kinh Lộng năm 1421 . Đến năm 1424 thì Lê Lộ hy sinh trong một trận khác; 3.) Lê Lâm giữ chức Thủ Quân Thiết Đột năm 1428 trong những trận chiến chống quân Minh.

Còn những người bình thường thì người ta nói "cha nào con nấy".
27/06/202301:20:19
Khách
Tui nghĩ < hổ phụ sinh khuyển tử > cũng tạm đi
23/06/202313:03:28
Khách
Nếu nói: "cha nào con nấy" thì chả khác nào ghép cha tác giả cũng là thứ vô đạo đức, lừa bịp cha mình như người em của tác giả hả? Đối với độc giả thì cha của tác giả tuy không có tiếng tăm nhưng đối với tác giả thì cha của tác giả chính là "hổ phụ" của tác giả đó. Cũng như tôi vậy, cha của tôi không là gì cả với người khác nhưng đối với tôi cha tôi chính là "hổ phụ" của tôi và với các con tôi thì tôi chính là "hổ phụ" của chúng vì bất cứ chuyện gì chúng cũng đều hỏi ý kiến của tôi và luôn nghe lời cho dù chúng hiện là bác sĩ, kỹ sư, CPA... Theo thiển ý của tôi thì nên đổi thành "Hổ phụ Khuyển tử" hay "Hổ phụ Cáo tử" thì đúng hơn.
Chúng ta nuôi con không phải để sau này chúng báo hiếu là đúng nhưng nếu nói không "bắt" đứa con phải sống thật hiếu thảo là không đúng mà phải dạy cho chúng phải có bổn phận phải hiếu thảo, không phản bội, không về lừa lọc cha mẹ. Muốn làm người tốt điều đầu tiên là hiếu thào với bậc sinh thành của mình: "Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh là câu giữ mình. Đằng này câu chuyện tác giả kể chúng không những không hiếu thảo mà còn lừa lọc, phản bội cha mẹ mình vì đồng tiền nữa nên mới đáng nói.
Nhà Phật có câu "Bất hiếu là tội lớn nhất của kiếp người".
21/06/202310:20:27
Khách
- Con hổ là biểu hiệu cho sức mạnh vô song nên được coi như là chúa tể sơn lâm.

Trong văn chương/chữ nghĩa/đối thoại, một nhân vật tầm thường [không có gì đặc biệt, xuất chúng] mà được/tự ví như con hổ thì nghe nó kỳ kỳ nếu không là "hiếp dâm chữ nghĩa".

- Hiếu thảo phải là một hành động tự nguyện/tự giác [epiphany] của người con đối với bậc sinh thành thì mới có giá trị thực sự và đáng quý.

Sản phẩm của một trong bốn cái tứ khoái là hình hài đứa con. Bậc cha mẹ phải có bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục cho nó trở thành người hữu dụng cho bản thân/xã hội. Nếu như bậc cha mẹ kỳ vọng nó có bổn phận phải báo hiếu thì không hợp tình/lý [người đọc coi đó là "double dipping = không biết điều"].
20/06/202321:57:18
Khách
Người đọc đóng góp ý kiến không ngoài mục đích giúp vui tao nhã/trao đổi kiến thức/trình bầy sự hiểu biết về một chủ đề mà tác giả đã tốn nhiều công sức sáng tác.

Người đọc luôn luôn tôn trọng và không hề có ý châm chọc/phê bình rẻ tiền/bình dân với tác giả/độc giả.

Người đọc quan niệm rằng ý nghĩa của cuộc sống là: làm cho mình có ý nghĩa với người khác [make yourself meaningful to others]. 

Vì vậy người đọc lúc nào cũng yêu đời và hạnh phúc.
20/06/202317:43:19
Khách
Tiếng Việt rất phong phú.Ám chỉ một đứa con hư người ta có thể nói là"phá gia chi tử"hoặc thở dài ta thán là"con hơn cha nhà có phúc".Chữ phúc ở đây chắc chắn không phải là phúc đức rồi.
Còn việc đánh giá một con người thường dựa trên tiêu chuẩn đạo đức,nhân cách chứ không phân định theo giai cấp trong xã hội,trừ bọn cộng sản.
Ủa,vậy hổ phụ hổ tử có gì sai trong trường hợp này?
Con ếch với con bò trong truyện ngụ ngôn là ám chỉ sự huênh hoang thái quá.Nếu so sánh hình ảnh con ếch và ông bạn trong những lần phê bình trên trang VVNM mới thật là đúng hết biết chứ không sai chút nào đâu.
Còn nữa,cha mẹ thường chỉ mong con cái thành nhân thành tài chứ không sinh chúng ra để "bắt"chúng báo hiếu cho mình đâu.
Nhưng Hiếu thảo là bổn phận con cái đối với những người đã có công sinh thành dưỡng dục ,là căn bản đạo đức của con người.
Sự hiếu thảo không đơn thuần là vật chất mà còn là sự thảo kính,ân cần ,chăm sóc.Sự Hiếu thảo sao lại bị quy chụp là dopping dipping=tham lam, muốn đủ thứ,hả trời?
Truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta từ bao đời là"Công cha,nghĩa mẹ,ơn thầy".Nếu không dạy cho con cái những đieeuf tốt đẹp thì cũng đừng bài xích để thế hệ sau này không quên mất nguồn cội và sống vô tâm, vô đạo đức.
Làm ơn đừng làm anh hùng bàn phím,đừng tỏ ra quá lợi hại mà làm hại não mọi người. Làm ơn đi mà.
18/06/202304:59:05
Khách
"Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người ".
16/06/202317:12:05
Khách
Hổ Phụ Hổ Tử [Hổ Phụ Sinh Hổ Tử] có hàm ý người cha có tiếng tăm lừng lẫy [tiếng hổ gầm] ai cũng biết và đẻ ra đứa con cũng có tiếng tăm lẫy lừng.

Thí dụ, Cựu TT George H. W. Bush [Hổ Phụ] sinh được hai con trai: một là Cựu TT George W Bush [Hổ Tử] và Cựu TĐ Florida John Ellis Bush [Hổ Tử].

Nếu người cha thuộc hạng trung bình hoặc vô danh tiểu tốt [như nhân vật trong bài viết] thì thành ngữ cha nào con nấy [like father, like son] cũng được lắm rồi.

P.S: Sống độc thân hoặc lập gia đình thì đừng có con. Nếu không kiềm chế nổi thì phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm cho việc làm. Tại sao lại "bắt" đứa con phải sống thật hiếu thảo [double dipping = tham lam, muốn đủ thứ] ? Người đọc và tiện nội chẳng bao giờ bắt hoặc giải thích cho con cái trong nhà phải hiếu thảo với mình mà chỉ luôn luôn nhắc nhở chúng nó phải làm tròn bổn phận đối với con của chúng nó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,729
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch
Nhạc sĩ Cung Tiến