Hôm nay,  

ĐÂU PHẢI NĂM TUỔI!

24/01/202000:00:00(Xem: 12292)
Xuân ký sách VVNM 2019
Tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân ký tặng sách VVNM tại Giải Thưởng VVNM 2019, Grand Garden, Westminster

Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.

Sân trước tôi trồng cây mai tứ quý, bông vàng bông đỏ nở quanh năm. Cây đào tới mùa Tết thì không thấy lá, nhánh nào cũng nở đầy bông để đón xuân. Mùa Xuân trên đất khách mà tưởng như quê nhà nhờ những loại hoa quen thuộc ấy.  

Sân sau rộng rãi, trồng những cây ăn trái như nhãn, xoài, đu đủ, quít, tắc, bưởi, mãng cầu, ổi xá lị, cùng những bụi sả, bụi ớt và vài thứ rau sống ăn cuốn, rau thơm nêm canh.

Đầu năm 2019, chúng tôi gọi thợ tới phá bỏ cái bếp làm bếp mới, thế rồi, sẵn dơ nhà cho dơ luôn, quyết định sơn nhà và thay cả cái sàn. Chịu cực ngủ trên hai cái ghế lười (lazy chairs) cả hai tháng trời. Khi mọi việc xong xuôi, vợ chồng già thoải mái sống trong căn nhà sạch sẽ như nhà mới.

Đùng một cái, vào tháng bảy, nước chảy lênh láng, ngập nền nhà.

                                                     …

Sáng ngày 9 tháng 7, tôi đi ngang qua phòng ngủ, ủa lạ, cái nền nhà gỗ mà sao có cảm giác như mềm mềm, như đi trên thảm vậy ta? Tôi nghĩ bụng “À, sàn mới lót từ hôm Tết ta, có lẽ họ đóng sát quá hay sao, bây giờ sàn bị đùn lên. Thôi kệ, chắc bước lên tới lui lâu ngày nó cũng đâu vô đó.”

Buổi tối, cỡ 7 giờ, sau khi tắm ra, đi ngang qua tấm vách ngăn giữa nhà tắm và phòng ngủ, tôi nghe có tiếng rào rào như mưa đổ. Nhìn ra cửa sổ, mùa hè giờ này còn sáng trưng, mưa gió gì đâu. Ngạc nhiên, nghe tiếng nước chảy càng lúc càng lớn, tôi vội áp lỗ tai vô vách như nghe trộm, thì rõ ràng là tiếng nước chảy ồ ồ trong vách. Hết hồn, tôi chạy ra phòng khách báo với ông chồng.

Y ra sân tìm cái chốt khóa nước. Y nói có mấy cái khóa hổng biết cái nào nên biểu tôi vô nhà nghe. Tôi bên trong áp tai vô vách, y bên ngoài, chừng khóa được đúng cái chốt đó thì tiếng nước ngưng. Thôi chết rồi, chắc là bể ống nước rồi! Cái nền nhà càng phút càng thấy như phình lên thêm mà nhà thì không có nước xài.

Sáng hôm sau tôi nhắc chồng gọi hãng bảo hiểm nhà cửa.

Phải đợi điện thoại, chuyền từ số này qua số kia cả buổi trời mới có người nói chuyện trực tiếp với mình. Hai bên đối đáp với nhau vài câu, đại khái như:

“Có phải nhà ông bị ngập nước vì ảnh hưởng của trận động đất vừa rồi hay không?”

Chồng tôi trả lời, lời nói ra tôi chận không kịp:

“Có lẽ…”

Bên kia nói gì đó…

Hai bên nói qua nói lại một hồi rồi chồng tôi láp dáp vài tiếng chửi, cúp máy cái cụp. Y quay lại cau có nói:

“Họ nói nhà bị hư ống nước vì ảnh hưởng bởi mấy trận động đất thì kêu thợ tới sửa, tự trả, hãng không bảo hiểm chuyện ống nước. Mình không có bảo hiểm động đất nên không được bồi thường.”

Trời! tôi nhìn cái nền nhà, mới lót hồi Tết ta, bây giờ phập phềnh. Trời! 

Tức tốc gọi thợ ống nước tới sửa thì họ hẹn sáng ngày mai mới được.

Thế là thêm một ngày nữa không có nước. Tôi ngồi ngẫm nghĩ, rồi tức nghẹn. Tại sao chồng tôi nói “Có lẽ tại động đất…? làm sao biết tại động đất?”

Chỉ giận dữ, càm ràm rồi là xong sao? Còn cái nền nhà ướt thì sao? Chưa biết đã hư hại thế nào, cái sàn này và nhà tắm mà sửa thì... trời đất ơi, hôm Tết...  mới tốn mấy chục ngàn thay cái bếp mới, sơn phết, thay sàn nhà mới…

Hôm sau, thợ tới đục vách ra một lỗ bự, hàn lại chỗ ống bị nứt xong, có nước lại nhưng sàn nhà phòng ngủ chánh càng lúc càng phình lên, lan ra hành lang, qua phòng bên cạnh. Không xong rồi, nước không có đường thoát đã lan rộng ra mọi nơi.

Càng ngẫm nghĩ rồi tức thêm. Câu “Tại động đất!” cứ làm bận lòng tôi. Lấy hồ sơ bảo hiểm ra coi, tôi thấy có phần bồi thường “water damage” gì đó…

Tôi chuẩn bị cuốn sổ, ghi ra giấy những gì cần nói, cần hỏi và tập trung vào những câu đó để không bị người bên kia làm cho phân tâm lạc đề và cũng sẽ lẹ tay ghi lại những gì bên kia nói.

Phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ, qua hai ba người, mới được tiếp chuyện. Đầu tiên, ông ta nói:

“Hôm qua chồng bà đã chấp nhận nhà bà bị hư vì động đất nên chúng tôi đã đóng hồ sơ, không có gì dính líu đến bảo hiểm.”

Tôi nói:

“Đóng rồi thì mở hồ sơ mới. Tôi muốn khiếu nại. Ông hãy quên đi những gì chồng tôi nói hôm qua. Bây giờ ông nói chuyện với tôi. Ông chưa tới coi, làm sao ông biết ống nước bể vì động đất? Đất động từ tuần rồi, tuần này mới bể thì tại sao đổ cho là tại động đất? Nhà tôi có người tàn tật, chúng tôi là hai người cao niên, nhà thì ngập nước, chúng tôi có bảo hiểm về nhà cửa bị ngập nước, ông phải cho người tới coi, chúng tôi bị dị ứng với nấm, mốc...”

Cãi qua cãi lại, ông ta cứ đẩy qua lý do động đất, tôi cứ khăng khăng chuyện ống nước bể. Trong lúc nói qua nói lại, tôi nghe có tiếng gõ lóc cóc bên kia đầu dây. Tôi nghĩ, à thì ra ông ta đang đánh máy tất cả những lời khai của tôi. Như vậy, có nghĩa là ông ta đang điền vô cái đơn khiếu nại của tôi.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ nói chuyện, họ biểu chờ, rồi tiếp tục nói chuyện, đôi co qua lại, sau cùng, ông ta cho tôi số điện thoại của một hãng chuyên xem xét chuyện nhà cửa hư hại vì nước.

Cho người tới coi tức là họ đã nhượng bộ, tôi gọi liền, Servpro, là hãng chuyên về làm khô nước. Họ hẹn khoảng một tiếng sau sẽ tới.

Khi hai người của hãng này có mặt, họ dùng một cái máy to cỡ hai nắm tay, rà xuống sàn nhà và vách, chỗ nào đèn đỏ sáng lên, có nghĩa là bên dưới có nước, họ dán mẫu băng keo màu xanh dương lên. Tôi nhìn, phòng ngủ chánh, phòng ngủ nhỏ, phòng đọc sách, phòng khách, hành lang, chỗ nào cũng có giấy màu xanh làm dấu.

Xong xuôi, họ đẩy vô nhà tôi một cái máy bự như máy rửa chén, chạy bằng điện, đặt ngay chỗ vách có ống nước bể, nói là để làm khô nước bên trong vách và xung quanh chỗ nước đọng.

Cái máy này chạy ù ù. Ông hẹn ngày mai sẽ đem thêm một cái máy nữa để trong phòng khách vì nước đã lan ra cả nhà. 

Chuyện mắc cười là, ông ta nói:

“Đáng lẽ thợ sửa ống nước không nên đục một lỗ to trên vách như vậy để sửa, chỉ nên tắt nguồn nước mà thôi.”

Tôi cười, hỏi lại:

“Tắt nước thì chúng tôi đã làm rồi, vì vậy nhà tôi đã không có nước hai ngày, nếu ông thợ không phá vách thì làm sao ổng hàn cái ống?”

Ông ta làm thinh, rồi giải thích:

“Bởi vì nhà này là nhà cũ, cất trước năm 1970, có thể họ sử dụng những vật liệu chứa chất lead và asbestos, vách bị hở như vậy sẽ tiết ra chất độc hại cho sức khỏe. Tôi sẽ cho hãng bảo hiểm biết, để họ cho người tới thử nghiệm. Việc làm khô nước khẩn cấp thì hãng bảo hiểm sẽ trả, còn bồi thường sàn nhà hay không thì phải đợi adjuster xem và quyết định.”

Vụ lead và asbestos này tôi hiểu như sau:

Thế kỷ thứ 20 chất asbestos được người ta sử dụng rất nhiều trong vật liệu xây cất vì chưa rõ sự độc hại. Tới thập niên 1970 người ta phát hiện ra chất bụi từ asbestos này có ảnh hưởng tới sức khỏe con người cho nên nhiều quốc gia trên thế giới đã ra lịnh cấm giới xây cất không được xài những vật liệu có chứa chất này nữa. Cho dù bị cấm, đã có cả trăm ngàn người mất mạng vì những chứng bịnh có liên quan tới sự tiếp xúc với chất asbestos.  

Thế là ngày đêm chúng tôi phải nghe tiếng cái quạt khổng lồ chạy để thổi cho khô vách và sàn nhà, cùng mối lo, không biết họ có thường cho mình hay không!.

Sau hơn một tuần lễ phải chịu đựng nghe tiếng cái quạt ầm ầm chạy liên tục, họ tới lấy cái máy đi. Tất cả mọi chuyện họ đều “gởi kết quả tới hãng bảo hiểm.”

Đồng thời, hãng gọi cho biết sẽ có một nhân viên gọi là adjuster của hãng tới để “định bịnh”. (Tôi không biết tiếng Việt gọi chức vụ của người này là gì).  

Sau khi adjuster đi một vòng xem xét và nói chuyện với người của Servpro, cô cho biết hãng bảo hiểm sẽ bồi thường cho chúng tôi nguyên cái sàn mới. Cô sẽ gởi chúng tôi ra sống ở khách sạn hay nhà nhỏ có tiện nghi, đồ đạc sẽ dời hết ra hai cái kho chứa, đậu ngay sân trước. Thời gian sửa chữa có thể từ 1 tới 3 tháng.

À, thì ra, adjuster là người có nhiệm vụ xem xét, hòa giải, điều đình và quyết định.

Năm hôm sau, một cô nhân viên xách cái va li đồ nghề tới xét vụ lead và asbestos, người nhỏ nhắn ăn nói dễ thương. Trong vòng mấy chục phút, cô rà xét, cắt lấy mẫu tấm vách và gì đó, đem đi.

Khi hãng báo cho biết nhà tôi không bị chất lead hay asbestos thì tôi lo soạn những vật dụng cá nhân đem theo để họ bắt đầu dọn nhà. Chuyện này cũng đỡ vì nếu có những chất độc hại ấy, họ sẽ phải sơn hết căn nhà, giặt hết màn cửa… và không biết còn phải làm thêm những việc gì, kéo dài tới bao lâu nữa.

Đầu tiên, họ kéo hai cái thùng chứa, cái nào cũng lớn và dài như thùng xe tải 18 bánh, điều khiển bằng cái remote, đặt song song ngay trong sân trước. Một nhóm cỡ 10 nhân viên bận đồng phục tới, làm rụp rụp, vô thùng mọi vật dụng trong nhà. Họ khiêng ra thùng chứa, tất cả mọi thứ, cái nhà trống rỗng. Xong, khóa lại, công ty Servpro giữ chìa khóa.

Ngay chiều đó, cô adjuster cho địa chỉ, chúng tôi khăn gói tới khách sạn sống tạm, ngay trung tâm của khu vui chơi Disneyland.

Ở khách sạn này một tuần lễ, chúng tôi chịu hết nổi vì phải nghe tiếng nổ của pháo bông từ Disneyland bắn lên mỗi đêm cho nên tôi đã yêu cầu tìm chỗ ở khác.

Hãng vội vàng tìm được một ngôi nhà nhỏ nhưng chúng tôi phải ứng trước bốn ngàn Mỹ kim đặt cọc, khi dọn ra họ sẽ trả lại. Có nghĩa là, nhà cửa phải giữ sạch sẽ và không bị hư hại gì. Thấy hình ảnh căn nhà hai phòng tiện nghi quá nhưng tôi không thích vì hơi xa. Nhờ tôi hỏi ông bạn Tân, chỉ tôi lên internet phần B&B để tìm chỗ khác nên tôi kiếm ra khách sạn Marriott Resident Inn cách nhà cỡ hai dặm. Chúng tôi sống ở đấy gần hai tháng mới dọn trở về nhà.

Có một công ty xây cất sửa chữa nhà cửa người bản xứ, liên lạc với chúng tôi. Họ sẽ gởi bảng chiết tính và giá cả để sửa nhà tới hãng bảo hiểm.

Nếu chúng tôi có một nhà thầu nào khác gởi thêm bảng chiết tính và giá cả thì hãng cũng sẽ cứu xét. Tôi nhờ công ty của người Việt đã sửa nhà hồi đầu năm đến để định giá. Thế nhưng, đợi tuần lễ chưa thấy gì, tôi gọi chủ thầu thì y nói bận sửa nhà quá, tối về sẽ làm, nhưng, dầu có được chọn đi nữa cũng phải đợi một, hai tháng sau, y mới có thể bắt đầu.

Chúng tôi đâu thể đợi lâu như vậy nên đành phải nhờ nhà thầu người bản xứ. Ý muốn ủng hộ nhà thầu người Việt mình nhưng không xong.

Sau khi chờ đợi hai tuần lễ thì được thư báo cho biết họ chấp nhận giá tiền sửa nhà của công ty ấy. Thế là tôi ký ngân phiếu đặt cọc và họ chở vật liệu tới, bắt đầu việc sửa chữa.

Từ hồi liên lạc với hãng bảo hiểm cho tới khi bắt tay vào việc, gần một tháng trời.

Chuyện buồn cười là, chúng tôi đã nhận được thư chấp nhận bồi thường rồi thì lại nhận thêm liên tiếp hai ngày hai lá thư bảo đảm từ văn phòng chính của hãng bảo hiểm, nội dung là “vì nhà bị hư hại bởi lý do động đất gây ra cho nên sẽ không được bồi thường”. Tôi gọi để hỏi thì có người trả lời, “Ủa vậy à? Thế thì hãy coi như không có lá thư ấy” và ông ta sẽ chuyển hồ sơ của chúng tôi qua dạng được bồi thường!

Thiệt tình! Bộ những người này làm việc theo tính cách cá nhân, không liên lạc với nhau hay sao ta?

Ở khách sạn mới, có phòng ngủ, phòng khách và cái bếp. Nhưng, tôi không quen với bếp điện nên nấu nướng cũng bất tiện. Mỗi buổi sáng ăn điểm tâm tại đây. Mới đầu ăn trứng gà thịt heo hay thịt bò, về sau, ngán quá, tôi chỉ ăn một mớ rau dền và miếng trứng thôi. Buổi trưa và tối thì nấu đại gì đó dễ dễ, đôi khi tôi đi mua thức ăn ở tiệm, những món nhẹ nhàng thanh đạm.

Hằng ngày chúng tôi về thăm nhà. Sân trước, sân sau đều phải tưới để cây cối không bị nắng làm khô héo, đem quần áo về giặt và coi thợ làm tới đâu rồi.

Khi nhà thầu đem những mẫu sàn nhà tới cho tôi lựa, bởi vì trong đầu luôn nghĩ rằng chồng tôi thích sàn gỗ cho nên tôi đã bỏ ngoài tai khi họ đưa cho coi những mẫu theo thời trang bây giờ, màu khói lam, màu xám lợt, rất sang và mắc hơn loại sàn cũ nhưng sau cùng, tôi đã chọn mẫu gỗ màu nâu non, có vân đẹp tuy màu hơi tối.

Trong khi chờ đợi, mỗi khi có gì cần hỏi thì tôi liên lạc với cô adjuster bằng điện thư. Ngay lúc đầu, tôi đã yêu cầu cô ấy dùng điện thư để liên lạc vì tôi có trở ngại khi nghe điện thoại và chồng tôi có bịnh quên, ai nói gì nhắn gì, vừa buông điện thoại xuống là y quên mất tiêu.

Thật ra tôi yêu cầu nhà thầu và nhân viên của hãng bảo hiểm liên lạc bầng điện thư để tôi có thể hiểu hết ý của người ta, đồng thời cũng có cái gì để mà giữ làm bằng chứng.

Sau hơn tháng trời thì sàn nhà cũng xong. Họ sửa rất kỹ. Khi nạy cái sàn cũ lên, (cả lớp cũ cũng như lớp mới lót hồi đầu năm), mới thấy bên dưới đã hư hỏng quá nhiều, Vài chỗ những miếng đà ngang đã mục, bể. Kỳ rồi họ chỉ đắp lớp gỗ mới lên trên lớp gỗ cũ mà thôi. Kỳ nầy họ cạy bỏ cả hai lớp ấy, thay đà ngang đà dọc, lót những tấm ván nền lên, rồi mới lót sàn gỗ.

Khi sửa xong, đồ đạc đã sắp đặt đâu ra đó, chúng tôi dọn trở về. Bước lên cái sàn nhà mới tinh, vững chắc, tôi thấy an tâm.

Từ chuyện làm khô sàn và vách, cạy sàn đắp nền, dọn, chứa đồ đạc ra vô, khách sạn, ăn uống, tiền nước bị tăng cao của tháng Bảy cùng tiền xăng tới lui, v.v… tổng cộng chi phí sửa chữa cái nền nhà này là trên sáu chục ngàn Mỹ kim. Một khi đã chấp thuận bồi thường thì họ lo rất chu đáo.

Người Mỹ có câu:

“Don’t Take ‘No’ For An Answer.”

 (Tạm dịch: “Đừng chấp nhận tiếng trả lời ‘không’”.)

Qua chuyện lần này, tôi học được bài học và công nhận câu nói trên rất đúng.

Lý do đôi co giữa hãng bảo hiểm và chúng tôi là đường biên mơ hồ. Họ biết nhà mình không có bảo hiểm động đất cho nên cứ ép qua lý do này: “Ống nước nhà bà bể vì động đất” tôi cãi: “Động đất ngày Lễ Độc Lập tuần rồi, ngày 9 tuần này ống mới bể”.

Chúng tôi đã đọc kỹ lại hồ sơ bảo hiểm, không bồi thường vì động đất nhưng bồi thường những sự hư hại vì nước. Phải mất công chờ đợi, phải lì, không cho họ gạt ngang và cãi đúng lý để họ phải gởi người tới xem xét và bằng lòng sửa nhà cho mình.

Và chúng tôi đã thắng!.

Khi cô bạn dược sĩ biết chuyện của tôi, cô nói:

“Phải chi em biết sớm hơn, vợ chồng em đã không phải tốn mấy ngàn sửa cái nền nhà. Năm qua bếp và nhà xe của em bị ngập nước, đâu có nghĩ tới chuyện gọi hãng bảo hiểm. Thấy nhà ngập như vậy thì quýnh quáng vội vàng gọi thợ tới, sửa ống nước, sửa nền liền. Tiếc quá!”

Giờ đây, ngồi trong căn nhà ấm cúng, sạch sẽ, mới tinh, tôi thấy sung sướng và hài lòng.

Ý là chúng tôi chỉ sống tạm thời trong khách sạn tiện nghi gần ba tháng thôi mà còn cảm thấy hụt hẫng, nghĩ thương cho những người dãi nắng dầm mưa, không có cái nhà để mà về.

Dù là một ngôi biệt thự khang trang hay một chòi lá, miễn là nhà của mình thì khi bước vô, thoải mái dễ chịu làm sao. Ra sân trước thấy cây đào, cây mai đang từ từ nẩy thêm cành mới, đến vườn sau, giàn bông giấy nở bừng đỏ ối, mãng cầu đậu vài trái hiếm quí, đu đủ trên cao đang hườm hườm, quít từng chùm, cây xoài mướt lá, cây ổi sai trái lủng lẳng thấy ham.

Năm ngoái không phải năm tuổi nhưng chắc có sao Thiên Di chiếu mạng cho nên đã xảy ra đủ thứ chuyện, phải chịu đựng những bực bội và bất tiện mấy tháng trời.

Năm nay Canh Tý, là năm tuổi của cả hai vợ chồng.

Cầu, Đủ, Xài. và bình yên./.

Trương Ngọc Bảo Xuân.

Ngôi nhà màu nâu, 2020.

Ý kiến bạn đọc
25/05/202117:49:34
Khách
Chào K. Dung,
Tình cờ trở vô bài này mới thấy câu hỏi của K. Dung, xin lỗi lời trả lời quá trễ. K. Dung ơi, sau khi xem xét tới lui, họ cũng không biết rõ lý do gì mà ống nước bể. Theo sự nhận xét của tôi thì có lẽ ống nước quá cũ nên bị nứt.
Cám ơn K. Dung đã đọc bài. Chúc K. Dung luôn an lành.
29/04/202021:34:48
Khách
Chào chị , chị cho biết lý do gì mà ống nước bị bể ko chị
02/02/202016:55:47
Khách
Kính chào quí bạn đọc, quí thân hữu.
Hôm nay là một ngày quá đặc biệt, 02- 02- 2020, mùng Tám Âm lịch năm Canh Tý. Ngàn năm sau mới thấy 03- 03- 3030.
Cám ơn quí bạn đã đọc bài này.
Đặc biệt cảm ơn những lời chia sẻ của các bạn Năng Khiếu, Phạm Thị Kim Dung, Thanh Mai, Nguyễn Văn Tới và Nguyễn Bảo.
Thân quí.
25/01/202016:14:15
Khách
Hic, cái nhà, chiếc xe phục vụ ta một cách hữu ích trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đến khi ta phải phục vụ chúng thì thật là mệt ơi là mệt, lao tâm khổ trí, hao tốn tiền bạc...

Cám ơn tác giả đã viết một bài hữu ích chia xẻ những kinh nghiệm về nhà bị bể ống nước và đấu lý với hãng bảo hiểm nhà cửa .
25/01/202010:36:00
Khách
Bài viết rất chi tiết và hữu ích chị Xuân ơi! Cám ơn chị nhiều lắm!
24/01/202023:21:01
Khách
Cái bực mình nhất ở Mỹ là nói chuyện với bảo hiểm. Bất cứ bảo hiểm gì :Xe, nhà, nhân thọ v...v...Vừa tức cành hông, vừa chán nản, mà ko mua thì ko được. Tụi nó lập ra bảo hiểm để make money là đúng. Cám ơn chị về kinh nghiệm này: trước khi phone, chuẩn bị kỹ càng, do your home-work, rồi mới nói chuyện với họ.
24/01/202019:48:36
Khách
Chào Tác Giả Trương Ngọc Bảo Xuân,
Cám ơn chị Bảo Xuân đã viết kể ra kinh nghiệm về ngôi nhà của chị bị ngập nước, đã bị hư hại nặng, cho mọi người biết để học hỏi. Dù nhà em chưa có lần nào bị, song đây là kinh nghiệm hiếm quý, dành để nằm lòng, sẽ kể cho gia đình và những người thân quen biết, khi gặp trường hợp như vầy thì hiểu, biết đường mà ứng dụng.
Trước thềm năm mới Canh Tý 2020, KD xin kính chúc chị và quý quyến được nhiều sức khoẻ, hạnh phúc vạn an và được mọi sự như ý. Chúc chị Ăn Tết vui vẻ bên những người thân yêu nhé!
Ptkd
24/01/202019:16:08
Khách
Nhờ đọc bài viết của tác giả đã tỉ mỉ kể từng chi tiết, mà NK học được câu: "Đừng chấp nhận tiếng trả lời không" thật hữu ích. Cách nay bốn năm khi nhà NK chưa lớp mái mới, cũng bị dột một góc của phòng khách, mà con trai lớn cũng phải gọi tới gọi lui mãi hãng bảo hiểm họ mới xét.
Chúc chị TN Bảo Xuân và gia đình một năm mới được an lành hạnh phúc trong căn nhà ấm cúng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,527
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.