Hôm nay,  

Niềm Vui Mới

03/01/202000:00:00(Xem: 9172)

Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.                                                                                    

              

image001
Lớp Anh ngữ thực dụng


                                                     

                Bà Kim sang Mỹ gần hai năm. Chưa đến bảy mươi, mà nhìn vẻ mặt bà khắc khổ, từng trải nhưng không mất đi nét thanh tú, bà nói năng lịch thiệp và hiểu biết của một người có học.

 Hơn mười năm trước, bà Kim lo cho Hương là con gái út đi du học tại Mỹ, học xong Hương xin được giấy phép đi làm, tuy số điểm tốt nghiệp cao, mà tìm mãi mới được việc. Sau đó cô lập gia đình và bảo lãnh mẹ qua định cư. Khi mẹ có quốc tịch cô sẽ financial sponsor (bảo trợ tài chánh) để mẹ bảo lãnh cho anh chị cô mau hơn. Bà Kim còn hai người con ở Việt Nam, Thưởng lớn nhất, là giáo sư trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ. Hường là con gái kế, cô lấy chồng cũng ở gần nhà nên thường bế con về gửi bà ngoại. Bà Kim ở với con trai, con dâu cùng hai đứa cháu nội, trong căn nhá khá lớn ngoài mặt đường gần Ngã Tư Bảy Hiền.

Bà Kim đến California vào một chiều hè ấm áp, ngồi đợi ở phi trường LAX ngắm nhìn thiên hạ tấp nập qua lại một lúc thì thấy Hương tới, đón bà về nhà ở thành phố Fountain Valley. Gặp ngày thứ bảy cuối tuần, bà con bạn bè được tin kéo đến hỏi thăm, chúc mừng thật đông vui. Ngày hôm sau con rể và con gái chở bà đi thăm anh chị sui và vài nơi quen biết. Phố xá ở đây sạch sẽ đẹp đẽ, chứ không lộn xộn như khu Tân Bình nhà bà ở xóm cũ.

            Mấy ngày vui đoàn tụ qua mau, mọi người ai vào việc nấy. Ở nhà còn có bà và thằng cháu ngoại bảy tuổi, đi học về là cắm đầu cắm cổ vào chiếc iPad, bà bảo nó coi chừng hại mắt, nó nghỉ được một lúc, rồi lại chứng nào tật nấy. Cháu bà chỉ hiểu chứ không nói được tiếng Việt, thành ra trong đối thoại hai bà cháu, nó nói tiếng Mỹ còn bà nói tiếng Việt. Bà nghĩ cứ bắt nó nghe tiếng Việt kẻo nó quên, rồi nhắc mẹ nó đưa đi học đọc, học viết sau. Nhìn nó bà lại nhớ mấy đứa cháu bên Việt Nam quá chừng, lúc nào cũng líu lo quanh bà.

             Con rể bà là kỹ sư hóa học làm trong hãng thuốc tây ở Irvine, con gái làm trong phòng xét nghiệm (Laboratory) tại bệnh viện UCI nên rất bận rộn, cô phải mướn người mỗi ngày hai ba tiếng đồng hồ, đến nấu ăn và dọn dẹp, bà cảm thấy như người thừa thãi, như kẻ ăn bám. Bà hết đi ra lại đi vào, bật T.V xem thì buồn ngủ, nằm xuống lại không ngủ được, ngồi lên thì ngủ gà ngủ gật, đụng vào cái gì con gái cũng sợ không quen sẽ đổ vỡ, rồi hư hỏng, nó nói với bà: “Má không phải nghĩ ngợi gì, cứ hưởng tuổi già đi!” bà nghĩ tuổi già ở cái nơi lạ lẫm như người vừa câm vừa điếc này, có gì mà hưởng.

            Buổi sáng thức dậy sớm co ro bên cửa sổ, nhìn ra đường thấy từng cặp đi bộ qua nhà, nắm tay nhau chầm chậm khập khiễng trong gió lạnh, bà Kim thấy buồn buồn. Ở không mãi cũng chán, bà tính nhờ người quen, kiếm xem có việc gì hạp với khả năng để làm cho quên ngày tháng. Nhưng từ ngày đến Mỹ tuổi của bà được liệt vào hạng “Senior”: Bà đi chứng nhận giấy tờ, được giảm giá. Theo con cháu vào tiệm All you can eat buffet, được bớt giá. Đi xe bus giảm nửa giá….Nên chữ “già” cứ ám ảnh bà, sắp bước vào tuổi “Cổ Lai Hy” bà chỉ còn ngồi chờ ngày kiệt quệ, để phải đưa vào nhà dưỡng lão, sống chung với những khuôn mặt già nua ngơ ngác? Bà đã vào đó một hai lần thăm người quen, cứ nghĩ đến là sợ hãi.

Bà mặc cảm cùng mình, khi những người già về hưu tại đất nước này, họ đã làm việc suốt đời, bây giờ được hưởng những phúc lợi của xã hội. Còn bà vì là con mới bảo lãnh, không đóng góp được gì, lại chưa có quốc tịch, nên chẳng được trợ cấp chi. Cũng may chính phủ  cho được cái Medical, đi khám bệnh tổng quát, kết quả bà bị cao máu cao mỡ, bác sĩ khuyên phải tập thể dục và ăn kiêng. Từ đó bà thường đi bách bộ quanh công viên gần nhà, vào mỗi buổi sáng hoặc nắng chiều sắp tàn. Đọc sách, báo để biết cách ăn cho đúng, ngủ cho đủ  giấc. Lên Facebook, liên lạc với các bạn ở Việt Nam, xem hình con cháu cho bớt nhớ thương. Dần dà bà quen được vài người bạn già quanh xóm, cuộc sống của họ cũng lặng lẽ buồn, hắt hiu như lá vàng mùa thu… Nuôi nấng con cái nên người, học thành tài, chúng như những con chim đủ lông đủ cánh, xây tổ ấm riêng không sống chung với cha mẹ nữa. Họ bảo ở Mỹ là như vậy.

            Không như ở Việt Nam, tục lệ người con trai trưởng hoặc út, có trách nhiệm với cha mẹ vẫn còn. Gia đình ba thế hệ sống chung, có ông bà trong nhà, đôi vợ chồng trẻ yên trí đi làm. Người già có thú vui chăm sóc nhà cửa. Khi cháu chắt lần lượt ra đời, thì ông bà nội hoặc ngoại trở thành người giữ cháu, có kinh nghiệm nuôi nấng dậy dỗ hữu hiệu hơn. Khi những đứa cháu lớn lên, buổi sáng bà dẫn cháu đến trường, buổi chiều đón cháu về. Nhờ vậy mà bà có cơ hội giúp đỡ con cháu không cảm thấy mình vô dụng. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng trẻ thơ rộn rã, có hơi ấm và sức sống chan hòa, tuổi già bớt cô đơn. Bây giờ đối với bà chỉ còn là dĩ vãng đã qua.

              Thời tiết giao mùa bà bị bệnh, nằm trên giường trong ngôi nhà vắng lạnh, nhìn qua cửa sổ bầu trời cũng vắng lặng. Bà Kim cảm thấy lòng buồn quay quắt nhớ về Việt Nam, nhớ người chồng hiền lành tử tế, yêu vợ thương con. Ông đã mất tích trong một lần vượt biên, cùng nhiều người trên chuyến tàu định mệnh, phát xuất từ Rạch Giá. Không một ai biết điều gì đã xảy ra cho con tàu? Vì không còn ai sống sót! Những người thân ở hải ngoại, đã gửi email đến Cao Ủy Tỵ Nạn ở Geneva, Red Cross tại nhiều nơi…. Vẫn không thấy hồi âm. Bà trở thành góa phụ không khăn tang, không vật vã một lần khi hạ huyệt. Nhưng bà đã âm thầm khóc thương ông, hơn hai mươi năm nay. Nỗi đau cứ âm ỉ đốt cháy lòng bà. Bà không biết là hận ai? Trách ai? Cái ngày đau thương sau 30 tháng tư năm Ất Mão ấy, đất nước ngưng tiếng súng, tưởng là chấm dứt cảnh chết chóc, nhưng người chết còn nhiều hơn thời loạn, chết đủ cách, chết vì bắt bớ, tù đày bị trả thù. Vì đi “kinh tế mới” chết đói, chết khát. Vượt biên chết trong rừng, chết ngoài biển…. Như câu thơ: “Trước kia chinh chiến còn xum họp, nay đã hòa bình phải biệt ly”.

            Con gái thấy bà buồn, cô liên lạc được mấy người quen của mẹ từ hồi còn ở Việt Nam, cô chở bà đến thăm và trò truyện cho vui. Những người bạn đó ở trong khu người già, xung quanh toàn các cụ trông còn phong độ lắm, có những cặp vợ chồng già liêu xiêu dắt dìu nhau, thật hạnh phúc. Về nhà cô kể lại cho chồng nghe, con rể thấy bà Kim gặp lại những người bạn cũ có phần vui hơn, anh ta bàn với vợ  nộp đơn xin cho mẹ một căn trong khu Senior apartment, phải chờ hơi lâu, nhưng con rể nói, đợi khi mẹ có quốc tịch là vừa. Bà nghe vậy thì buồn dữ lắm.

            Rồi một hôm, có người bạn rủ bà Kim đến tham dự buổi họp mặt, Liên Trường Trung Học của một tỉnh nhỏ miền Cao Nguyên xưa. Một người bạn giới thiệu với bà:

            -Đây là bạn Lynda, một người hoạt động rất tích cực trong các chùa…

 Lúc ra về Lynda hỏi bà: “Chủ nhật Kim có muốn lên chùa chơi không? Trên chùa Điều Ngự có Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Phật Giáo, mở nhiều lớp học miễn phí như: Lớp Thiền, lớp Anh ngữ trung cấp, Anh ngữ thực dụng, lớp hướng dẫn thi quốc tịch v..v...”

            Nghe có lớp Anh văn, và lớp học thi quốc tịch, bà Kim đồng ý ngay. Bà cũng có chút vốn liếng Anh ngữ, nhưng lâu quá không có dịp dùng đến nên quên. Người bạn nói rằng: “Ngôn ngữ địa phương là chìa khóa, mở tất cả các cánh cửa hòa nhập nơi đất khách quê người, từ chối nó, là tự giam mình vào thế giới riêng”. Bà nói: “Đúng, tôi phải đến lớp để học, chứ từ ngày qua đây, thỉnh thoảng đi bộ bên đường gặp người bản xứ đi ngược chiều, tôi chỉ chào được tiếng ‘Hi’! Rồi đi luôn”.

              Thế rồi bà Kim lên chùa, trước nhất là để lạy Phật, để được gặp những người bạn cùng ý nguyện, cùng tìm một điều gì đó trong cuộc sống. Con đường đi đến đạo Phật, là đường đi của những người đặc biệt, có trí tuệ siêu phàm, xuất chúng, có khả năng cứu nhân độ thế. Nhưng cũng là con đường của những người yếu đuối như bà, những người gặp chuyện buồn không thể giải tỏa. Là một Phật Tử với phương pháp thiền định, có thể giúp bà xua tan nỗi muộn phiền, tìm ra chân lý của đời sống, tránh được phiền não khổ đau. Kiên nhẫn tu tập để nuôi dưỡng “thân tâm an lạc” trong cuộc sống và sự bình an vốn có như khi còn ở quê nhà!

              Sau nữa là bà quyết định đi học Anh văn, và theo học lớp hướng dẫn quốc tịch, để khi nào đủ ngày tháng thì bà nộp đơn thi. Từ nhà bà đến chùa Điều ngự không xa lắm, bà đến trước mười lăm phút để điền đơn, ghi danh, địa chỉ và số phone. Xin học lớp thiền vào ngày thứ ba. Hai lớp Anh ngữ, lớp sáng thứ tư do cô Vân Bằng phụ trách và sáng thứ sáu do cô Tư Hiền phụ trách, từ 9:30 AM đến 11:30 PM. Sau đó bà ở lại học lớp quốc tịch từ 12: 30 tới 1:30 chiều. Các cô là những giáo sư có kinh nghiệm dạy ESL đã nghỉ hưu, nhưng vì có tấm lòng yêu thương tha nhân. Các cô đã hy sinh thời giờ, công sức dạy thiện nguyện, trước là giúp ích cho cộng đồng xã hội, sau là niềm vui tuổi về chiều.

Trước 1975, hai cô là giáo sư Anh văn dạy nhiều trường nổi tiếng tại Saigon và ở Hội  Việt Mỹ, nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi xưa. Các cô đã may mắn, thoát khỏi làn sóng đỏ tràn vào từ miền Bắc. Là người “Di tản buồn” năm 1975, cũng có những khó khăn buổi ban đầu nơi đất nước Hợp Chủng Quốc này, nhưng các cô đã vượt qua, để tiếp tục nghề gõ đầu trẻ. Cho đến bây giờ mấy chục năm sau vẫn yêu nghề, vẫn nặng tình với những người học trò “quá đát” đầu đã hai thứ tóc. Cũng có vài người trung niên, thì cũng mới ở Việt nam qua, “tiếng Anh tiếng u” còn ấm ớ, lại phải đi làm, nên bữa học bữa nghỉ, vậy mà các cô kiên nhẫn chỉ bảo từng ly từng tí, dạy đi dạy lại, không gõ đầu, khẻ tay, mà sáng nào đi dạy cũng mang theo hộp bánh hoặc bịch chip, để đến giờ “ra chơi” cả cô lẫn trò vừa ăn vừa tâm sự. Để tỏ lòng quý mến các cô, có người còn hái trái cây trong vườn nhà, nào: nhãn, mận, ổi… biếu cô giáo ăn lấy thảo.

image002
Hợp ca bài You Are My Sunshine



  Cô Tư Hiền có tài sáng tác và ngâm thơ rất hay, đã được nhiều giải thưởng. Nên giờ nghỉ, cô mời ai có tài ca hát, ngâm thơ thì lên góp vui. Một chị ngồi đầu bàn, thân hình tròn trịa, tánh tình vui vẻ, thân thiện, hay thắc mắc hỏi đủ mọi chuyện trong lớp cũng như ngoài đời, các cô đều vui vẻ giảng giải. Ngồi giữa lớp là một chị dáng người nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn ôm sát khuôn mặt tròn, cài thêm chiếc cặp tóc có gắn nơ, nhìn đàng sau tưởng 18 nhưng đàng trước, chị đã qua tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận” mà hay pha trò, làm cả lớp cười ầm, khiến không khí lớp học luôn thoải mái và dễ chịu, nên dù mưa gió lạnh lẽo, mọi người cũng mến cô nhớ bạn cắp sách đi học đông đủ. Lớp có khoảng hơn hai chục người, phần nhiều ở các vùng lân cận, nhưng cũng có người ở Long Beach, Anaheim, lái xe mất nửa tiếng, có người đi hai chuyến xe bus và đi bộ thêm 15 phút mới đến nơi…..

  Lớp cô Vân Bằng vào sáng thứ tư là đông nhất. Lúc nào cô cũng vui vẻ nên nhìn trẻ hơn cả mười tuổi. Gương mặt luôn toát ra nét nhân hậu, cô ân cần như người chị cả trong gia đình. Cô hay nói về thuyết nhân quả và khuyên mọi người nên “ở hiền sẽ gặp lành”. Cô thương yêu và gần gũi với tất cả học trò đủ mọi trình độ, mọi hoàn cảnh, nhờ vậy mới dạy được những học trò có bộ óc đang lão hóa, học trước quên sau.

  Cô còn cẩn thận in các bài học và bài tập, trên những tờ pelure fort, để phát cho từng người. Cô dạy về địa lý và lịch sử nước Mỹ, là quê hương thứ hai mà chúng ta phải biết ơn, và có nghĩa vụ bảo vệ đất nước đã cưu mang mình. Sở dĩ nước Mỹ mới lập quốc hơn hai trăm năm, mà đứng đầu thế giới về mọi mặt, quân sự, cũng như khoa học kỹ thuật. Vì họ có chính sách giáo dục phổ thông, mọi công dân đều được đến trường từ lúc nhỏ. Luôn tạo điều kiện cho những ai muốn đi học, không phân biệt gìa trẻ hay sắc tộc. Nếu người có lợi tức thấp, mà muốn vào Đại Học, chính phủ có chương trình tài trợ (Financial Aid). Hoặc muốn tiếp tục học lên cao, chính phủ sẽ cho mượn tiền không tính lời, cho đến khi ra trường, có việc làm mới phải trả tiền đã mượn. Vì vậy mà nền giáo dục Mỹ đã đào tạo ra biết bao nhân tài.

Bên cạnh những hỗ trợ của chính phủ, còn có những tấm lòng của các mạnh thường quân, và những thầy cô “Volunteer” rất đáng quý.

            Như trong chiều chủ nhật ngày 29.9.2019, tại nhà hàng Seafood World thành phố Westminster, kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập Trung Tâm. Trong bài diễn văn khai mạc, giáo sư Vân Bằng Giám đốc Trung Tâm đã nói, cách đây một năm, Hòa Thượng Thích Viên Lý và Hòa Thượng Thích Viên Huy (trụ trì) chùa Điều Ngự đã nhờ giáo sư thành lập Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Phật Giáo Điều Ngự (TTSHCĐPGĐN). Để mở các lớp Anh ngữ và thi quốc tịch. Từ đó đã giúp cho nhiều người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, trước kia khi mới định cư, đã lao vào công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho con cái, đành bỏ chuyện học hành sang một bên. Khi tuổi về hưu mới nghĩ đến mình, tìm đến lớp để học, thì có nhiều trở ngại, như trí nhớ chậm chạp, sức khỏe yếu kém, tai lãng, mắt kèm nhèm. Tuy nhiên tiếng lành đồn nhanh, từ khi có các lớp “học chùa” không tốn tiền lại nhập học dễ dàng, không phải thi xếp lớp, không cần giấy tờ chứng nhận income. Đau ốm thì nghỉ, khỏe thì đi học trở lại, nên lớp học ngày nào cũng có thêm học viên mới. Có những người “chậm chân” ở Việt Nam mới qua, không có một chữ tiếng Anh lận lưng, thì đã có lớp “vỡ lòng” dạy từ năm Vowels (nguyên âm) a,e,i,o,u. Hai mươi mốt Consonants (phụ âm) b,c,d,f,g,h,j,k,I,m,n,p,q,r,s,t,v,w,x,v,z. Dạy đếm từ number one (số một) đến one hundred (100).  Học thuộc bảy ngày trong tuần, mười hai tháng trong năm…Ngoài các lớp Anh văn, Trung Tâm còn có các lớp:  Dạy sử dụng Computer, iPhone, iPad, lớp Yoga, lớp Khí Công Thiền, các lớp Thể Dục Nhịp Điệu, lớp Vẽ và Cắm Hoa, lớp Thanh Nhạc và Đàn Guitar. Để phục vụ những nhu cầu thực tiễn, về cả trí dục lẫn thể dục….

Dần dần số học viên tăng trên hai trăm người, nên Trung tâm SHCĐPGĐN đã thuê dài hạn tại Boy & Girls Club-Westminster, gần chùa Điều Ngự, cùng đường Chestnut St. thêm phòng học lớn để làm nơi dạy về nghệ thuật hội họa và một phòng Gym cho các lớp thể dục, năm ngày một tuần, từ 9:30 sáng tới 1:30 chiều mỗi ngày. Từ đó bà Kim và các bạn được học trong không khí ấm cúng hơn.

Trong dịp này, Giáo sư Vân Bằng cũng cám ơn, sự nhiệt tình phục vụ vô vị lợi của Ban Điều Hành, Ban Giảng Huấn và quý thầy cô thiện nguyện. Giáo sư cũng không quên cảm tạ những tấm lòng vàng của những nhà bảo trợ cho Trung Tâm, trong đó có người cháu của ông Chánh Án Nguyễn Trọng Nho. Ông là phu quân của giáo sư Vân Bằng, là người đã hỗ trợ tích cực nhất, đã đóng góp vật chất cũng như tinh thần, với lòng yêu thương và nhân ái bao la.

Ngày còn ở Việt nam, bà Kim không tưởng tượng được rằng ở bên Mỹ lại có những người năm, sáu, bảy chục tuổi mà còn được cắp sách đến lớp, vì ngoài việc nâng cao kiến thức, nó còn tập cho đầu óc hoạt động, tránh bị bệnh Alzeihmer. Không khí trong lớp học quan trọng đối với tâm lý người lớn tuổi, sẽ làm họ cảm thấy trẻ trung hơn, quen biết thêm bạn mới, mà cái tình bạn học dù tuổi nào nó cũng chân thật và trong sáng.

 Bà thích nhất là giờ đàm thoại (Conversation) cô giáo vừa luyện cho nói đúng giọng, vừa tập cho mọi người ăn nói mạnh dạn trước đám đông. Với vốn ngữ vựng và văn phạm sẵn có, bà Kim chỉ để ý cách dùng từ vào câu của người Mỹ, rất đơn giản, gọn nhẹ, không rườm rà dài dòng như lâu nay bà học bên Việt Nam. Cái giọng nặng “accent” của bà cũng bớt nhiều.

Nhớ buổi học hôm ấy cô tập cho mỗi người tự đứng lên và giới thiệu về mình: Tên họ, có gia đình hay độc thân? Đang sống tại thành phố nào? ..... Và “Each person’s feelings” (Cảm nghĩ của mỗi người). Đến lượt bà Kim. Ôi! Đúng là dịp để bà thố lộ hết những gì đang chất chứa trong lòng, nào là bà nhớ quê hương, nhớ nhà cửa, nhớ con cháu, nhớ bạn bè, hàng xóm láng giềng, nhớ từng con đường đông đúc xe cộ, chen lấn bụi mù trời. Bà nghẹn ngào tiếp: “Tôi rất nhớ và thương nước Việt Nam của tôi. Nhưng tôi không trở về nữa … Vì tôi đến nước Mỹ này là giấc mơ, mà bao nhiêu người sống tại Việt Nam hiện giờ, đang mơ ước”. Bà nói một hơi, chữ đúng chữ sai, không đầu không đuôi. Nói xong bà như trút hết nỗi lòng nặng trĩu, chia sẻ cùng mọi người, bà cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cả lớp cùng cười, bà cũng cười vô tư như một đứa trẻ con. Nhưng cô giáo khuyên: “Don’t remember the past, live for the present” (Đừng nhớ về quá khứ, hãy sống cho hiện tại). Bà Kim đã nghe lời cô giáo, bà chú tâm vào việc học, bà không vắng mặt buổi nào. Về nhà bà luyện tập cho thuần thục đề tài mới, bà nghĩ ra những câu mình muốn nói, để hôm sau nói đúng hơn. Khi tập nói bà hình dung đến những người bạn trong lớp đang lắng nghe, và sẵn sàng cảm thông với bà. Sự hiện diện của những người bạn ấy đã xoa dịu nỗi buồn trong lòng bà, Hay chính nhờ việc học, đã kéo bà về thực tế, không cho trí óc bà nghĩ ngợi lung tung về quá khứ, về quê hương đau khổ.

Vào ngày Thanksgiving, Trung Tâm cũng tổ chức buổi picnic ngoài Mile Square Park, cũng có tiệc gà tây và mashed potatoes, trái cây, bánh ngọt….Vui nữa là ngày họp mặt trong các dịp lễ lớn, được các cô tập hát để bà cùng các bạn, già trẻ lên sân khấu trình diễn, làm mọi người như sống lại thưở còn ngồi trên ghế nhà trường xa xưa. Hình như chính nhờ sự giao tiếp này đã đem lại cho bà niềm vui mới và hơi ấm tình người, điều mà bà đang ao ước trong tận cùng của tâm hồn. Bà nhớ câu Phật học: “Bởi ta không thể thay đổi hoàn cảnh xung quanh, nên ta đành phải sửa đổi chính mình. Đối diện tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ”.

                                                                       

Năng Khiếu

 

         

 

Ý kiến bạn đọc
30/01/202014:17:22
Khách
Chào chị Năng Khiếu
Tuy không ở trong xứ Mỹ, nhưng tôi vẫn theo dõi VVNM, và thích thú đọc bài chị viết. Bài chị viết gợi nhớ thời gian tuyệt vời tôi mai mắn được làm việc thiện nguyện cho hội Hope tại trung tâm công giáo Orange county, nơi có các sinh boạt cho người cao niên tương tự như chị kể ở chùa Điều Ngự mà bà Kim tham dự
Chúc chị có nhiều cảm hứng, viêt thật nhiều, và có nhiều niềm vui.
CCC
04/01/202018:19:12
Khách
Cám ơn Tới. Không riêng gì lớp Anh văn mà còn có các lớp thể dục chị kể trong bài, như hai lớp thể dục nhịp điệu rất nhiều người tham dự. Riêng chị thích nhất là lớp Yoga, cắm hoa. Thầy cô toàn những người có kinh nghiệm đã về hưu. Tr. &NY. phụ trách lớp thanh nhạc và Guitar đó Tới, hôm tất niên vừa qua Tr. Điều khiển ban hợp ca rất hay.
Chúc Tới và gia đình năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc.
04/01/202008:19:39
Khách
Bên California thật thuận tiện cho các người cao niên không rành tiếng Mỹ. Các tiểu bang khác không thể nào có được cơ hội này. Thật là lý tưởng. Cám ơn chị NK đã vẽ nên bức tranh sống động của cộng đồng người Việt trong cuộc sống hằng ngày.
04/01/202005:29:14
Khách
Cám ơn Kim Dung đã đọc bài và chia sẻ. Đây là truyện người thật việc thật KD ạ.
NK cũng xin chúc KD cùng đại gia đình một năm mới an bình và hạnh phúc.
04/01/202004:56:10
Khách
Chào chị Năng Khiếu,
Mừng cho bà Kim đã có thêm nguồn vui mới, có bạn, đi học Anh văn, đi Chùa...
Để bà không cảm thấy buồn chán, lại đòi về Việt Nam như nhiều người lớn tuổi khác.
Trích: Bà nhớ câu Phật học: "Bởi ta không thể thay đổi hoàn cảnh xung quanh, nên ta đành phải sửa đổi chính mình. Đối diện tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ”. Dạ vâng, đúng như vậy.
Cám ơn chị Năng Khiếu đã cho em đọc bài đầy ý nghĩa này "Niềm Vui Mới"
Trước thềm năm mới Canh Tý con chuột vàng, em xin kính chúc chị và quý quyến được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, và được mọi sự như ý, tài lộc vẹn toàn.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,315
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.