Hôm nay,  

Người Mẹ Cô Đơn

09/01/202000:00:00(Xem: 10212)
Võ Phú
Võ Phú



Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ  2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.

***

 

Tôi đang cắt cỏ ở trước vườn, vợ tôi từ trong nhà đi ra và gọi lớn:

- Anh ơi, có điện thoại nè.

Tôi ngừng lại, tắt máy cắt cỏ, và hỏi vợ:

- Ai gọi vậy em?

- Em không biết, họ nói tiếng Anh.  Hình như là ở bệnh viện gọi.  

Tôi lấy phone từ tay vợ và để vào tai nghe.  Bên kia đầu dây là giọng nói của một người phụ nữ, hỏi:

- Chào ông.  Xin lỗi ông có phải là Mr. Vo không?

- Vâng, tôi đây.  Có chuyện gì không cô?

- Chúng tôi gọi từ bệnh viện St. Mary ở Henrico tin cho ông biết là bà Phuong Do vừa mới bị tai nạn và đang ở bệnh viện chúng tôi.  Chúng tôi tìm thấy số điện thoại của ông trong sổ tay của bà Do, nên gọi thông báo cho ông rõ.

- Vâng, cám ơn cô. Chúng tôi sẽ tới ngay.  Chào cô.

- Vâng, chào ông.

Tôi cúp điện thoại xong, đứng thẩn người một lúc.  Vợ tôi gọi:

- Anh… Chuyện gì vậy?

- Ờ, ở bệnh viện St. Mary gọi nói cho anh biết cô Phượng mới vừa bị tai nạn.

- Có sao không anh?  Mà con cổ đâu sao họ không gọi mà gọi cho anh?

- Anh cũng không biết nữa.  Cô y tá nói họ tìm thấy tên và số phone của anh trong sổ tay của cổ và gọi cho anh.  Thôi để anh thay đổ rồi chạy đến coi sao.  

- Dạ.

Tôi vào nhà vội thay quần áo và lái xe đến bệnh viện.  Trên đường đi tôi cầu nguyện cho cô được bình an.  Tôi biết cô Phượng chừng bốn năm nay.  Lần đầu tôi gặp cô ở văn phòng bộ xã hội, lúc tôi còn làm việc bán thời gian.  Cô Phượng đến nhờ tôi giúp cô điền đơn xin tiền trợ cấp SNAP (Supplemental Nutrition Assistance Program) và xin bảo hiểm sức khoẻ Medicare.  Sau khi điền xong phần sơ yếu lý lịch, tôi chỉ vào tờ đơn và hỏi cô:

- Cô ơi, chổ này họ hỏi income của cô.  Cô làm lương bao nhiêu một năm nói cháu để cháu viết vào.

- Tui về hưu rồi cậu ơi, không có income gì hết.

- Vậy tiền hưu trí mỗi năm cô được bao nhiêu?  Như tiền Social Security đó.

- Tui không có.

- Cô không có công việc làm.  Không có tiền hưu trí, vậy cô lấy gì sống?

- Tui nói thiệt với cậu, tui giữ babysit chui với lại tui cũng có chút tiền mặt của ông chồng tui để lại.

- Dạ.  Cô vừa được 65 tuổi sao cô không nộp đơn lãnh tiền hưu trí?

- Tui đâu có biết.  Mà hồi nào tới giờ tui làm lãnh tiền mặt, có được tiền hưu không cậu?

- Lúc cô đi làm cô có khai thuế không?

- Tui không có khai thuế, nhưng chồng tui có khai chung với tui.  Hồi đó tui làm ở chợ Việt Nam được vài năm, rồi ở nhà giữ cháu hơn mười năm nay.

- Vậy cô ở chung với con cháu cô hả?

- Hồi xưa thôi cậu, giờ thì không.  Tui share cái basement nhà người quen để ở.  Ban ngày tui giữ babysit ở nhà người ta rồi tối về ngủ.  Con trai tui ở trên đường Sleepy Hollow gần Eden đó cậu.

- Dạ.  Sao cô không ở với con trai trên đó mà xuống dưới Richmond này chi cho xa xôi?

- Chuyện dài lắm cậu.  

- Dạ cháu sẽ giúp cô điền đơn xin tiền food stamps SNAP này, xong sẽ giúp cô điền đơn lãnh tiền hưu trí và xin medicare.

- Cám ơn cậu nhiều lắm.  Cậu tốt quá.

- Dạ không có gì thưa cô.  Công việc của cháu mà.

Sau khi làm xong đơn xin tiền food stamps, tôi giúp cô Phượng làm đơn lãnh tiền hưu trí.  Vì cô Phượng làm việc chỉ có vài năm, lãnh tiền mặt và không khai thuế, nên không đủ tín chỉ để nhận tiền Social Security.  Tôi giúp cô làm đơn nhận tiền hưu ăn theo quyền lợi của người chồng (benefits as a spouse). Rồi giúp cô điền đơn xin bảo hiểm sức khoẻ Medicare. Sau lần đó, cứ sáu tháng một lần, tôi lại giúp cô làm người thông dịch lúc cô phỏng vấn để nhận tiền SNAP.

Thời gian tôi quen và biết cô Phượng đã bốn năm.  Sau những lần giúp cô làm người thông dịch khi cô phỏng vấn để xin tiền SNAP, cô kể cho tô nghe chuyện nhà của cô.  Gia đình cô Phượng đến Mỹ theo diện HO vào năm 1990 gồm có vợ chồng cô và hai người con trai.  Người con trai đầu hai mươi tuổi, đứa út chín tuổi.  Đến Mỹ, chồng cô làm nhân viên vệ sinh cho các văn phòng vùng Washington D.C..  Còn cô làm phụ việc ở chợ do người Việt gốc Hoa làm chủ.  Hai vợ chồng, một người làm ca ngày, người làm ca đêm như mặt trời với mặt trăng.  Cậu con trai lớn sau một năm học Anh Văn với ý định học nghề thợ điện.  Học được nửa chừng, cậu cảm thấy chán nên bỏ học để đi làm ở một hãng rắp ráp đồ gia dụng.  Còn đứa con trai út đến trường đi học như bao đứa trẻ khác.  Thời gian đầu tuy vất vả, nhưng rất hạnh phúc.  Sau vài năm làm việc chăm chỉ, chi tiêu dè sẻn họ dành dụm được vài chục ngàn đô để bỏ tiền cọc mua được căn nhà townhouse ở gần nơi làm việc của cậu con trai lớn.  Mua nhà được vài năm, cậu con trai lớn về Việt Nam cưới vợ.  Cả nhà cô khăn gói về Việt Nam cưới vợ cho cậu con trai lớn. 

Một năm sau, cô con dâu cũng được qua Mỹ theo diện vợ chồng.  Sau thì cô con dâu sanh cho cô Phượng đứa cháu nội đầu tiên.  Từ lúc có cháu nội, cô Phượng xin nghỉ việc ở chợ Á Châu để ở nhà trông cháu.  Cô con dâu làm móng tay từ sáng đến tối, nên công việc nhà cửa, chợ búa, con cái đều một tay cô Phượng lo hết.  Cô con dâu từ lúc đi làm móng tay có tiền rủng rỉnh và rảnh tay rảnh chân, nên bắt đầu chưng diện quần áo lụa là và có ý coi thường bà mẹ chồng.  Còn cậu em chồng sau khi vào trung học chẳng chịu học hành lại lêu lõng chơi bời, nên người chị nói nặng nói nhẹ.  Cô Phượng nghe con dâu chì chiết con trai út, nên có đôi lần lớn tiếng với con dâu.  Cô con dâu cũng không chịu thua chửi lại mẹ chồng và coi thường bà hơn nữa.  Vì thương con, thương cháu, nên cô Phượng đành im lặng chịu đựng.  Được nước cô con dâu càng lấn lướt.  Thấy chị dâu coi thường mẹ mình, nên cậu con trai út nói với anh trai.  Nhưng người anh trai lại tin lời vợ và trách mắng cậu em trai là đồ mất dạy, lêu lõng.  Khi bị anh trai chửi và không tin tưởng mình, cậu em trai chán nản bỏ nhà đi bụi theo đám bạn hư hỏng, quậy phá.  Trong một lần ẩu đả với băng nhóm xã hội đen, cậu em đánh chết người nên bị bắt bỏ tù quận Fairfax.   

Sau vài năm cô con dâu đến Mỹ, hai vợ chồng cậu con lớn sanh được ba người con, hai trai, một gái.  Cô Phượng lại càng bận rộn chăm sóc cháu, đưa rước cháu đi học để cô con dâu làm việc.  Căn nhà townhouse bây giờ trở nên chật chội.  Vợ chồng người con trai lớn mới bàn tính với vợ chồng cô Phượng bán đi căn nhà cũ để mua căn nhà mới lớn hơn rộng hơn cho thoải mái.  Nghe con trai nói vậy, vợ chồng cô Phượng đồng ý bán nhà để đưa hết tiền cho con mua một căn single house lớn hơn rộng hơn để ở.  Dọn về nhà mới ở được hai năm thì cô con dâu làm giấy tờ bảo lãnh ba má của cô ấy qua.  Hai bên sui gia ở chung một căn nhà.  Tối ngày ra vào chạm mặt, nhất là cô Phượng khi cô ở nhà chăm sóc cháu.  Từ lúc sui gia sống chung một nhà hai bà sui lời qua tiếng lại liên miên.  Đến lúc không chịu nỗi nữa, cô Phượng mới nói với chồng lấy lại số tiền mà vợ chồng cô đưa cho con trai khi mua nhà để tìm căn townhouse nhỏ để dọn ra.  Sau một hồi bàn tính, chồng cô mới kêu con trai và con dâu lại để nói chuyện và muốn lấy lại số tiền để mua căn nhà nhỏ sống riêng.  Khi nghe ba má chồng muốn lấy tiền lại để mua nhà, người con dâu có ý muốn quỵt và nói với ba má chồng rằng tiền cho con cho cháu mà cũng đi đòi.  Nghe đứa con dâu hỗn hào muốn quỵt tiền dành dụm từ lúc đến Mỹ tới giờ, ông Đạt, chồng cô Phượng tức anh ách trong lòng, nhưng vẫn nhỏ nhẹ, ông nói với con trai và con dâu:

- Hai đứa có bao nhiêu thì trả cho ba má bấy nhiêu để ba má mua căn nhà nhỏ sống khỏi làm phiền lòng anh chị sui và gia đình con.  Hồi đó bán căn townhouse, ba má đưa hơn một trăm ngàn đô cho hai đứa mua căn nhà này.  Giờ ba má muốn lấy lại phân nửa mua căn townhouse để ở.

Nghe vậy đứa con dâu liền nói:

- Tụi con làm gì có dư tới năm chục ngàn mà đưa cho ba má.  Có hai chục ngàn nếu ba má muốn thì con mượn thêm bạn bè trả cho ba má.  Chứ hơn thì không có.

- Thì hai con coi refinance lại căn nhà này lấy tiền trả cho ba má.  Căn nhà này giờ cũng đáng giá hơn bảy trăm ngàn.  Tụi con refinance lại lấy ra một hai trăm dễ quá mà.

- Ba nói dễ quá.  Mỗi lần refinance lại tốn quá chừng tiền giấy tờ.  Ba má lấy hai chục ngàn bỏ vô nhà băng để dưỡng già chứ già rồi mua nhà chi nữa.  Ba còn một vài năm nữa là retire rồi mua nhà sao trả được.

Nghe cô con dâu nói ngang nói ngược, ông tức quá ngất đi và bị bán thân bất toại.  Sau khi ngã bệnh, vợ chồng cô Phượng thuê một căn chung cư gần bệnh viện Fairfax để ở.  Ông Đạt sống thêm được hai năm và qua đời.  Từ lúc chồng mất, cô Phượng không muốn dọn về sống chung với cô con dâu và gia đình sui gia, nên cô đã dọn xuống thành phố Richmond để sống và có ý tránh mặt con trai, con dâu, và ông bà sui gia.  Cô thuê một phòng dưới basement có lối đi riêng của một người bạn để ở. 

 

Tôi đang nghĩ đến cô Phượng thì xe đã đến trước cổng bệnh viện St. Mary.  Đậu xe xong, tôi đi nhanh vào bệnh viện.  Tôi hỏi người thư ký trực ở bệnh viện.  Cô ta cho tôi biết số phòng.  Tôi đi đến thang máy và đi thẳng đến số phòng 506.  Ở phòng 506, tôi gặp cô ý tá trực.  Gặp tôi, cô y tá hỏi:

- Cậu là Mr. Vo?

- Vâng tôi đây.  Bà Do bị gì vậy cô?  Bà ấy có sao không?

- Bà Do bị tai nạn xe.  Xe cứu thương chở bà đến bệnh viện này.  Cậu là người thân của bà Do?

- Không, tôi chỉ quen biết bà Do.  

- Ồ, xin lỗi cậu.  Khi bà Do đưa vô đây, trong ví của bà chúng tôi chỉ tìm được tên và số điện thoại của cậu.  Cậu có thể giúp chúng tôi liên lạc với người nhà bà Do được không?

- Vâng, tôi sẽ cố gắng.

- Cám ơn cậu.  Bà Do bây giờ còn đang trong phòng phẫu thuật.  Cậu tạm ngồi ở đây chờ nhé.  Khi nào xong, bà Do sẽ được đưa đến đây.

- Vâng, cám ơn cô.

Cô y tá rời khỏi phòng 506.  Còn lại một mình, tôi nhìn lên Ti-Vi treo trên tường mà đầu óc cứ quay cuồng không biết cô Phượng thế nào.  Tôi cầu mong cho cô qua khỏi.  Tôi vội lấy điện thoại ra và tìm số điện thoại của chủ nhà cô Phượng thuê để gọi báo tin cho họ biết cũng như xin số phone của cậu con trai cô Phượng ở Northern Virginia.  Chuông điện thoại reng, nhưng không có người bắt máy.  Tôi tắt phone và tiếp tục ngồi đợi.  Đang đợi thì điện thoại lại rung.  Vợ tôi gọi.  

- Alo.  Anh hả.  Cô Phượng bị gì vậy anh?  Có sao không?

- Cổ bị tai nạn xe.  Cũng chưa biết nữa.  Anh đang chờ ở phòng hồi sức.

- Anh có gọi được người nhà của cổ chưa?

- Anh gọi rồi mà không ai bắt máy.  Để tí nữa anh gọi lại.

- Dạ.  Có gì thì gọi cho em biết nhé.  Tội nghiệp cô Phượng.  Sống một mình lẻ loi...

- Ừa, thôi em làm gì thì làm đi.  

- Dạ.

Tôi tắt điện thoại và ngồi nhìn quanh căn phòng một lần nữa.  Căn phòng nhỏ, ngoài những dụng cụ y khoa và chiếc Ti-Vi treo trên tường, còn lại là những dụng cụ y khoa.  Căn phòng tĩnh lặng, chỉ có tiếng rè rè của máy điều hòa.  Tôi mở điện thoại lên lướt web để giết thời gian.  Đang xem một mẩu tin tức thì cô y tá đã đẩy chiếc giường đến phòng 506.  Tôi vội cất điện thoại vào túi quần và đứng dậy chào.  Người bác sĩ đến bên tôi, đưa tay ra và giới thiệu:

- Tôi là bác sĩ Cutshaw.  Chào cậu.

- Chào bác sĩ Cutshaw.  Tôi tên Pete.  Bà Do có sao không bác sĩ?

- Chúng tôi đã kiểm tra cho bà Do.  Bà bị gãy tay trái và bị thương ở đầu.  Nhưng không đến nỗi nghiêm trọng.  Chúng tôi sẽ giữ lại bà vài ngày để check lại kỹ hơn.  Cậu là con trai bà Do?

- Dạ không, tôi làm việc ở bộ xã hội Henrico.  Bà Do là khách của tôi.

- Ồ... Cậu có thể giúp chúng tôi liên lạc với gia đình bà Do được chứ?

- Dạ vâng.  Tôi đã thử liên lạc, nhưng chưa được.  Tôi sẽ cố gắng.  

- Bà Do đang còn mê khoảng mười lăm hai mươi phút bà mới tỉnh lại.  Cậu ở đây với bà Do chứ?

- Dạ vâng.  Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Cutshaw rời khỏi phòng bệnh.  Cô y tá chăm sóc cho cô Phượng thay bịch nước biển và băng bó vết thương cho cô Phượng.  Cô y tá nhìn tôi hỏi:

- Mr. Vo, cậu có biết bà Do có con cái gì không?

- Bà Do có hai người con trai.  Chồng bà mất cách đây hai năm.  Tôi đang liên lạc với con trai của bà ấy.

- Vâng.  Cám ơn cậu.  Khi nào bà Do tỉnh lại, cậu có thể trò chuyện với bà, nhưng chắc bà còn mệt và đầu óc có thể còn lơ mơ...

- Vâng, cám ơn cô y tá.

Nói rồi cô y tá bỏ đi.  Tôi ngồi xuống ghế nhìn cô Phượng.  Người cô nhỏ thó, ốm tong teo nằm trên chiếc giường bệnh trải drape trắng.  Tiếng tít tít của máy đo nhịp tim trong căn phòng tĩnh lặng.  Tôi lấy phone ra gọi cho vợ:

- Alo, em hả.  Cô Phượng được đẩy ra phòng hồi sức rồi.  Cô bị gẫy tay và bị trầy ở đầu, nhưng không sao.  Chừng mười phút nữa cô tỉnh lại, anh nói chuyện với cô một tí rồi về.

- Dạ.  Cầu mong cho cô mau bình phục.  Anh gọi được người nhà của cổ chưa?

- Cũng chưa.  Chắc chờ cổ tỉnh lại rồi hỏi luôn.  Thôi anh bye nha.

- Dạ, bye anh.

 Ngồi chờ cô Phượng tỉnh lại, tôi nghĩ đến những người già neo đơn nơi xứ này.  Nghĩ đến ba mẹ.  Những người đã hy sinh một đời để chăm lo cho con cái, nhưng khi về già lại cô đơn thui thủi một mình.  Tôi lấy phone ra gọi điện thoại cho mẹ.  Mẹ tôi bắt phone và hỏi:

- Mày đang ở đâu?  Có ghé qua ăn bún riêu chay không?

- Dạ con đang ở bệnh viện.

- Trời đất.  Sao ở bệnh viện?

- Dạ không, cô Phượng bị tai nạn xe nên con vào bệnh viện thăm.

- Rồi có sao không?  Vậy mà làm tao hết hồn. Mà cô Phượng nào?

- Dạ cổ bị gẫy tay và trầy ở đầu. Cô Phượng người quen lúc con làm việc ở bộ xã hội.  Mẹ không biết đâu.  Cổ tội lắm, vô bệnh viện mà không có ai.  Con vô thăm chờ cô tỉnh rồi về qua mẹ ăn bún riêu.

- Ờ.  Thôi có gì chút nữa nói.  Ở trong bệnh viện đừng nói chuyện làm ồn người khác.

- Dạ.  Thôi con bye mẹ.

- Ừa.

Cúp phone xong, tôi ngồi chơi game một đỗi thì cô Phượng tỉnh.  Cô nhìn tôi, cảm động và rưng rưng mắt.  Tôi kéo ghế đến gần bên cô và hỏi:

- Cô tỉnh rồi hả.  Cô thấy trong người ra sao?

- Cám ơn cháu nhé.  Cả người còn ê ẩm lắm.  Mà sao cháu biết cô ở đây để vô.

- Bệnh viện gọi cho cháu nói cô bị tai nạn.  Nên cháu biết.  À, cô có số phone của con trai cô không?  Bác sĩ nói con báo cho người nhà biết mà con không có số của anh ấy.

- Thiệt tình cô cũng không muốn báo cho tụi nó.  Nhưng...

- Dạ.. Con hiểu, nhưng dù sao có người thân vẫn hơn cô à.  Cô cho con số phone của anh ấy nhé.

- Ừa...

Cô Phượng đọc số phone của con trai cô cho tôi xong, cô nói:

- Cám ơn cháu nhé.  Gọi cho nó đi.  Cô còn ê người quá.

- Dạ.  Con ra ngoài gọi y tá và gọi điện thoại nhé.

Cô Phượng gật đầu.  Tôi bỏ ra ngoài nói cho y tá biết là cô Phượng đã tỉnh.  Nhắn xong, tôi đi ra ngoài phòng đợi để gọi điện thoại cho con trai cô Phượng.  Chuông điện thoại reng.  Bên kia đầu dây:

- Alo... Ai đó?

- Hello.  Có phải anh Tùng, con trai cô Phượng không?

- Ừa.  Là tui.  Anh là ai?  Có chuyện gì không?

- Má của anh bị tai nạn xe và đang ở trong bệnh viện St. Mary Henrico dưới Richmond này.

- Trời đất.  Bả có sao không anh?

- Bác sĩ nói bị gẫy tay và trầy mặt, nhưng không ảnh hưởng đến đầu óc. 

- Anh cho tui địa chỉ và số phòng tí nữa vợ tui dìa rồi vợ chồng tui xuống.

- Trời… Nghe mẹ bị tai nạn mà anh đợi vợ về mới xuống thăm?  Nói dại nếu cô Phượng lỡ có chuyện gì thì sao?

- Ở đó có bác sĩ lo rồi.  Tui xuống liền bây giờ với chờ vợ tui dìa có khác gì đâu.

- Tui thiệt hết nói... Tui bó tay cho anh luôn.  Được rồi, bệnh viện St. Mary ở Henrico địa chỉ là 5801 Bremo Rd, Richmond, VA 23226. Số phòng là 506. 

Tôi cho địa chỉ và số phòng ở bệnh viện cho Tùng xong liền cúp phone vì tức cho sự thờ ơ của anh ta.  Cúp phone xong, tôi trở vào thăm cô Phượng và nói với cô:

- Cô ơi con đã gọi cho con trai cô rồi.  Thôi cô nghỉ ngơi cho khoẻ sớm bình phục cô nhé.  Để cháu chạy về nhờ mẹ cháu nấu cho cô gô cháo để ăn chứ thức ăn trong bệnh viện sợ cô không được ngon miệng.

- Ờ... Cám ơn cháu.  Thôi cháu về đi.

Tôi tạm biệt cô Phượng và rời khỏi bệnh viện.  Tôi lái xe thẳng ra chợ mua một miếng thịt bò tươi về nhờ mẹ nấu giùm cho cô Phượng một tô cháo nóng.  Trên đường đi, tôi gọi điện thoại cho vợ nhắn vợ để nàng khỏi trông.  

Những ngày sau đó, sau giờ làm việc, tôi đều ghé thăm cô Phượng và thỉnh thoảng đem thức ăn vào cho cô.  Nhìn thấy cô Phượng khỏe lại và có thể đi lại như người bình thường, bác sĩ cho cô về nhà.  Hôm đó là ngày thứ Tư trong tuần, tôi đi làm nửa buổi và xin phép nghỉ nửa buổi để đón cô Phượng về nhà.  Trên đường về, tôi hỏi cô Phượng:

- Hôm nay cô thấy trong người ra sao?

- Cô khoẻ lắm rồi.  Ở trong nhà thương buồn chán quá.  Cũng may có cháu chạy tới thăm chứ không...

- Còn anh Tùng, con trai cô?

- Hai vợ chồng nó có xuống coi thấy không có gì rồi tụi nó đi dìa hết.  

- Dạ... Thôi cô đừng nghĩ ngợi nhiều.  Nếu cô có cần gì thì cứ gọi cho con cũng được.  Bà con xa không bằng xóm láng giềng gần mà cô.

- Ừa cám cháu.

Từ bệnh viện St. Mary đến nhà cô Phượng chừng mười lăm phút.  Đến nhà, cô Phượng đi trước dẫn đường.  Còn tôi đi sau giúp cô sách giỏ quần áo vào phòng.  Căn phòng cô ở dưới basement có lối đi phía bên hông nhà.  Cô Phượng mở chìa khóa phòng và mời tôi ngồi chơi.  Vô đến nhà, cô thở phào khoan khoái nói:

- Dìa đến nhà khoẻ dễ sợ.  Cháu ngồi chơi chút để cô lấy nước...

- Dạ không sao đâu cô.  Cô nghỉ ngơi nhé.  Cháu giờ phải chạy lại sở làm.

- Ừa. Cám ơn cháu nhiều lắm.

Tôi rời căn phòng nhà cô Phượng với biết bao suy nghĩ trong đầu.  Không biết khi cô đau yếu cô phải làm sao?  

 

Ý kiến bạn đọc
13/01/202007:36:18
Khách
Bài viết hay quá !
10/01/202019:12:20
Khách
"Lòng người khó đoán ", " Thời gian trôi và lòng người thay đổi", kể cả lòng của con cái, con dâu mình ! Nghe bợm mất bò, nghe con mất nhà ! Khổ !

Lời văn giản dị, rõ ràng phản ảnh tính tình nhân ái của tác giả.
10/01/202015:59:01
Khách
Giáng Sinh vừa rồi tôi vô nhà thương thăm người thân. Nhà thương có 2 buildings với 6 tầng lầu, có thể chứa cả ngàn bệnh nhân. Vậy mà bãi đậu xe cho người nhà thăm bệnh nhân chỉ có le que vài ba xe. Ba lần vô thăm tôi đều thấy bãi đậu xe của bác sĩ và y tá có nhiều xe hơn rất nhiều. Tầng lầu tôi lên chỉ có hai bệnh nhân được người nhà tới thăm.
Năm ngoái tôi tới clinic khám tổng quát hằng năm. Bãi đậu xe đông nghẹt vì rất nhiều cha mẹ đưa con cái vào khám bệnh. Chả thấy con cái đưa cha mẹ đi bác sĩ mấy. Có nhiều ông bà già phải lái xe tới mình ơn.
“Nước mắt chảy xuôi, không chảy ngược”, Phú ơi.
09/01/202017:09:40
Khách
Cám ơn bài viết của cháu. Nó cũng giúp tôi tự kiểm điểm lại mình để xem mình có thể làm thêm được gì cho ông cụ để tránh cho ông cảnh buồn bã cô độc như cô Phượng trong những ngày cuối đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,697
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.