Hôm nay,  

Heo Đất

13/01/202010:14:00(Xem: 11631)


Năm Kỷ Hợi 1959 má ráng rặn đứa con thứ 4 để tránh họa « Tam tai » sau khi sinh ba cậu quý tử, lần này sinh trai hay gái má đều trúng lô độc đắc, tuy nhiên má thích gái hơn trai, con bé sẽ là người hủ hỉ với bà giữa rừng gươm, giúp bà múa chảo, giặt giũ, lau nhà.


Ngày cô út ra đời mọi người bu quanh con búp bê nhỏ xíu tròn xoe hai con mắt nhìn đám đàn ông chúi mũi vào chiếc nôi của mình, cô ngáp dài rồi nhắm mắt ngủ tiếp, bốn ông kia rút lui an tọa cạnh giường má.


Tía tâm đắc, nếp tẻ đề huề, má nửa mừng nửa lo chuyến này bà có phụ tá đắc lực trong bếp nhưng con gái tuổi hợi không bảnh bao như những con giáp khác.

Ba ông anh thích thú nhìn con bé đỏ hỏn trong nôi, anh Hai lúc đó đã mười hai tuổi nhủ thầm, mai này mình tha hồ vênh váo với đám bạn thập thò trước ngõ có ý định « cua em gái tao ».

Cô út lớn lên xinh như đóa hoa hàm tiếu, liếng thoắng nhưng tính nết nông cạn như cơi đựng trầu, mối lo lớn của má, trái bom nổ chậm như hù dọa bà những đêm trăn trở mai này không biết cô sẽ neo vào bến trong hay bến đục.


Anh Hai, Ba, Tư lấy vợ ra riêng, cô út lên đại học phải lòng một gã trong đám bạn « cua em gái tao » của anh Ba, anh Huy lính Thủ Đức sắt đá với giặc nhưng với cô lòng chàng mềm như liễu rủ.

Chuyện tình thơ mộng của cô chưa đến đâu tháng tư đen đã quật ngả Miền Nam, ba ông anh, anh Huy cùng chung số phận quan quân cán chính VNCH đi tù cải tạo, má ra chợ trời chạy gạo từng bữa, cô út trả áo tiểu thư lem luốc lọ nồi bên bếp cơm mù khói củi ướt.


Tía buồn thương vận nước đen đủi bỏ ăn bầu bạn với thần lưu linh, chả nhớ ngày đêm, thỉnh thoảng hỏi má, mấy thằng con đi trận lâu quá sao chưa về phép thăm ông ?

Mỗi lúc ông nói sảng như thế má chạy ra hiên nhà đứng khóc một mình, khóc ngon lành, bà nội trợ cả đời không ra khỏi bếp bỗng trở thành cột trụ nuôi sống cả nhà, trước cuộc đổi đời cay nghiệt bà không biết mình đủ sức cầm cự đến bao giờ.

Năm sau tía mất, đám ma của ông có đủ vợ con dâu các cháu, họ hàng, láng giềng nhưng hồn ông vẫn chưa về với cát bụi, lẩn khuất đâu đó chờ ba thằng con « về phép » tiễn ông lần cuối.


Mấy năm sau trại cải tạo báo gia đình anh Huy lên mang xác anh về an táng, cô út đến tiễn anh đôi mắt sưng húp, lần đầu trong đời cô khóc vì yêu, mối tình đầu vừa đến đã đi trong tức tưởi. 


Sau đó các anh lần lượt được thả về làm đủ nghề chờ ngày ra đi, anh Hai theo gia đình vợ vượt biển đến đảo năm 87, anh chị Ba với các cháu về ở chung với má và cô út, anh Tư về quê vợ ở Bình Dương, gia đình anh Ba, anh Tư đi Mỹ theo đợt HO thập niên 90.


Má mừng vui tiễn con cháu lên đường thắp nén nhang khấn tía phù hộ cho các con an cư lập nghiệp trên xứ người, bà cũng hối thúc cô út lấy chồng cho bà yên tâm.

Yêu cầu của má thật khó xử cho cô vì đó là « nổi buồn thế kỷ » của phụ nữ Miền Nam, đàn ông Cộng Hòa trở thành hiếm hoi, cô dị ứng với bộ đội cán cuốc tràn ngập Miền Nam nên cô cũng như đa số con gái trên hai mươi, ba mươi ế chồng dài dài.


Một hôm má rinh một anh « tàn dư chế độ cũ », con trai của bà bạn hàng ngoài chợ trời, cậu Huy cù lần ít nói nhưng lại là tay buôn thuốc tây rất giỏi khu Nguyễn Huệ, Hàm Nghi Sàigòn về nhà chơi.

Bữa cơm ra mắt má chồng tương lai, cô út làm mâm cơm cá kho quẹt, canh chua, rau muống xào, chè bà ba tráng miệng, thực đơn thời gạo sổ độn bobo như rứa có thể gọi là thịnh soạn.


Má vui lắm sắp di dời hủ mắm qua đơn vị bạn lại trúng ngay đứa làm ăn giỏi, chuyến này cô út lọt vào hủ thuốc tây rủng rỉnh tiền không phải ăn cơm độn. 

Bà sui tương lai hy vọng cô út sẽ cột giò cậu quý tử sau buổi chợ theo bạn hàng chén anh chén chú có ngày lăn cổ ra chết vì rượu đế pha thuốc trừ sâu.


Hai bà má vui như tết, hai nhân vật chính phút đầu gặp nhau bỡ ngỡ, bẽn lẽn chả ai chịu lên tiếng, cô út đành mở đầu câu chuyện « trước lạ sau quen » để cậu Huy hết khớp.


Lấy chồng để khỏi ế chồng, thập niên chín mươi con gái Miền Nam nhắm mắt sang ngang kiểu này nhiều lắm, đến tuổi này đâu còn lựa chọn nào nếu không muốn làm vợ cán cuốc.

Cô út cũng không ngoại lệ, tin cô sang ngang ngang xương khiến các bạn ngạc nhiên, cô sinh viên đổng đảnh với đám cây si xếp hàng trước cổng trường Luật chừ lấy chồng đại cho má yên lòng.


Tiển con qua nhà chồng má mừng từ nay cô út có nơi nương tựa, buồn cho thân già đơn chiết đêm về soi bóng mình trên vác cho bớt hẩm hiu cô quạnh.

Anh chị bên Mỹ được tin vui của cô út đồng thời cũng lo thương má sớm hôm một mình rủi có chuyện gì đêm khuya không biết gọi ai.


Vài tháng sau cô út ốm nghén gầy nhom, má xin phép bà sui cho cô út mỗi ngày về nhà để bà chăm bón, chiều chồng cô ghé nhà ăn cơm rồi chở cô út trở về bên chồng.

Một hôm không thấy chồng qua ăn cơm và đón về, cô mừng húm, đêm nay được ngủ với má, rồi đêm thứ hai và sau đó chồng cô bật tâm, cô quay về nhà chồng mới biết anh đi vượt biên với một ả buôn thuốc tây như anh.


Cô buồn quá xin má chồng về ở luôn với má cho tới ngày sinh con, bé Nụ xinh như búp bê, má bế cháu ngoại trên tay lại lo vu vơ, con bé cùng tuổi Hợi như mẹ nó, con giáp bà không có cảm tình nhưng đành chấp nhận.

Má chồng cô út thương bé Nụ vừa chào đời đã mất cha, con trai bà mất tích trên biển, cô khóc thầm tủi thân cô quạnh, mối tình đầu đến rồi đi không một lời giã biệt, anh chồng dù cô không yêu say đắm cũng là vợ chồng lại lặng lẻ bỏ cô ra đi.


Lần thứ hai đổ vỡ làm cô nghi ngờ tuổi hợi như má nói không bằng mấy con giáp kia, tuy nhiên cô quyết cãi số, thôi cam phận, từ nay cô sẽ một mình lo toan cho má và con gái.

Cô ra chợ trời nối nghiệp chồng, ban đầu cũng bị lừa mua phải thuốc giả, rồi nghề dạy nghề cô làm ăn khấm khá tích lũy ít tiền phòng thân.

Sinh nhật bé Nụ hai tuổi cô mua cho nó con heo đất, mỗi ngày cô bỏ ống cho con, sau này cô mua thêm con heo to cho má và con heo thứ ba cho cô.


Mấy năm sau gia đình cô với má đi Mỹ theo giấy bảo lãnh của anh Hai, má bán nhà, cô đập ba con heo đất đổi ra đô la phòng thân những ngày đầu trên xứ người.

Anh Hai thuê một căn nhà trong cư xá gần nhà anh cho má và mẹ con cô ở và đưa cô vào hãng may kiếm cơm, ba bà cháu tiếp tục sống với nhau như bên VN.


Ngoài giờ làm việc cô học thêm về kế toán, cuộc sống khá hơn khi cô bỏ nghề may nhờ anh Ba xin cho cô một chân trong văn phòng kế toán.

Học kế toán để kiếm sống dù mấy con số không thuộc sở thích của cô nhưng cô phải cố thân thiện với chúng vì sai một ly mất việc như chơi, rồi mến tay mến chân « em nó » (mấy con số) cô đưa mấy em đi « đầu tư » lẻ tẻ.

Số tiền mang từ VN sang cô bỏ vô ngân hàng kiếm lời, mở sổ tiết kiệm cho con gái và má phòng thân sau này, vàng không còn giữ vị trị tuyệt đối như thuở Sàigòn bobo khoai độn.


Mười lăm năm sau mẹ con cô đã có một căn nhà biệt lập, má trồng đủ thứ rau thơm vườn sau nhà chỉ thiếu dây trầu và cây cau để má bớt nhớ VN.


Nhờ các cháu con anh Hai hướng dẫn bé Nụ chọn đại học gần nhà cuối tuần về ăn cơm với mẹ và bà ngoại, lúc này bà bắt đầu lẩn nhớ toàn chuyện xưa, hỏi chồng bà còn say xỉn nữa không, ba thằng con đi tù cải tạo lâu quá sao chưa về.


Bé Nụ đâm lo cho mẹ, cho bà, tuy tuổi hợi nhưng nó không cạn như cơi đựng trầu, sống với hai người đàn bà thiếu cha từ tấm bé, vắng bóng vị anh hùng trong đời con bé trưởng thành trước tuổi.

Thương mẹ đóng vai cha lẫn mẹ, chu toàn phận làm con với bà ngoại, một mình gánh vát hai thế hệ đến quên sống cho mình, nó nghĩ đã đến lúc nó phải phụ mẹ .


Trong đám cưới con trai anh Hai cô út gặp lại cây si thuở sinh viên, giời ạ, Lân thanh tú ngày xưa chừ to như ông hộ pháp.


Bốn mắt nhìn nhau bỡ ngỡ, ông kẹ mở lời :

- Phi Khanh trường Luật Sàigòn vẫn như xưa.


Úi chà ông kẹ khéo nói, cô giờ này đâu còn dáng gầy mắt biếc ngày xưa, tuổi đời chồng chất, cầm tinh tuổi hợi tuy không tròn quay như hắn cô cũng chắc da chắc thịt ra dáng « bà » chứ đâu trẻ trung gì.


Từ tiệc cưới đó Lân mời cô đến nhà chơi và cô gặp lại Bích cũng dân trường Luật, Hà vợ Lân thật dễ mến, dù biết cô là mối tình câm của chồng chị vẫn nồng nhiệt tiếp đón cô vào vòng bạn hữu, thỉnh thoảng rủ cô đến nhà chơi.

Không biết Lân nói gì về cô mà vợ Lân tỏ vẽ rất thích cô, qua điện thoại Hà kể nhân duyên gặp Lân, yêu nhau và lấy nhau đến nay đã hơn ba mươi năm.

Cô Út cũng thật thà kể chuyện đời mình, không êm đềm như Lân với Hà nhưng điều an ủi lớn nhất là con bé Nụ ngoan và học giỏi, hy vọng đường tình sau này của con bé không lận đận như mẹ nó.


Trong một bữa tiệc khác Hà giới thiệu cô cho anh Thục, anh đã nghỉ hưu, góa vợ mấy năm nay, các con đã trưởng thành ra riêng, anh ở lại căn nhà rộng mênh mông đầy kỷ niệm, vào ra một mình nên muốn tìm bạn tâm giao.

Sự ân cần bất ngờ làm cô hơi khó xử dù cô biết đó là thiện ý của Hà, anh Thục tuy lịch sự nhưng không che dấu cảm tình anh dành cho cô và mời cô đến nhà anh chơi.


Thật tình cô chưa bao giờ có ý tìm một bờ vai để nương tựa, có thể hai lần đổ vỡ lúc trẻ làm cô ngại hoặc cô quen sống độc lập mấy mươi năm nay nên đàn ông không còn chỗ đứng trong đời cô.


Tối hôm đó cô gọi bé Nụ vào phòng kể chuyện ông Thục, con nhỏ cười cười :

- Ông già xấu, đẹp mà mẹ chê ?

Cô lắc đầu :

- Câu hỏi trật lất, tuổi này đẹp làm gì, điều cần thiết là tính tình tốt hay xấu thôi.

Con nhỏ gật đầu :

- Ừ thì ổng tốt hay xấu ?

Cô khỏ nhẹ vào đầu con bé :

- Mới quen làm răng biết người ta ra sao mà đoán già đoán non.

Con bé chưa tha cho cô :

- Thì đúng là mới quen nên mẹ phải quen lâu hơn, chưa chi đã muốn rút lui, kỳ cục thiệt.

Cô tặt lưỡi :

- Ông ta tỏ vẽ ân cần làm mẹ khó xử, chưa biết rõ về nhau đã mời đến nhà, hơi hấp tấp đấy, như thế…

Cô chưa dứt lời con bé cắt ngang :

- Vì thế con sẽ đưa mẹ đến nhà ông ta rồi giám sát hai người là biết liền.

- Quan sát chứ giám sát cái gì, mẹ sẽ gọi điện thoại từ chối khéo, hẹn dịp khác.


Con nhỏ lắc đầu bỏ đi ra ngoài :

- Con sợ mẹ luôn, đã bảo, mà thôi...

 

Nó bỏ lửng câu nói làm cô suy tư miên man, nó từng dọa cô, ngày nào bà ngoại qui tiên, con đi làm hay lấy chồng xa lúc đó mẹ sẽ trở thành con khỉ già, ý quên con Hợi già cô đơn.

Từ bao giờ con bé khoát vào người chiếc áo hiệp sĩ bên cạnh bà và mẹ, bây giờ ra tay nghĩa hiệp lo toan cho hai người phụ nữ của đời mình, cô út chợt thương con bé lại rơi vào cảnh ngộ của mình.


Bước thêm bước nữa cô có nghĩ tới nhưng sao cô không cảm thấy xao xuyến trước một người đàn ông nào cả, có thể cuộc sống an vui hiện nay khiến cô không mơ chuyện xa xôi.


Hôm sau cô gọi điện thoại kể chuyện ông Thục cho Bích nghe, xin ý kiến bạn hiền, Bích hỏi  :

- Khanh biết tại sao vợ ông Lân giới thiệu ông Thục cho bồ không ?

Một câu hỏi chí lý mà cô chả bao giờ thắc mắc, chừ Bích làm cô tò mò :

- Không, bồ nói cho mình biết đi.

Bích phì cười :

- Khanh vẫn vậy, nông cạn như cơi đựng trầu, bà Hà sợ « Tình chỉ đẹp khi còn dang dở »

Cô cắt ngang :

- Mình có bồ bịch yêu đương chi ông Lân mà bảo là dang với dở.

- Lại nông nổi, nóng vội nữa rồi, bồ không yêu không thương kệ thây bồ, ai cấm được ông kẹ « ôm bồ vào lòng », mỗi lần đụng độ với vợ ổng mang bồ ra hạ đối thủ, bà Hà không lo xanh mặt mới lạ.


Cô ngạc nhiên :

- Nếu bị so sánh với mình, Hà sẽ không thích mình chứ sao lại thân thiện, tử tế giới thiệu ông Thục ?

Bích chế diễu :

- Cái cơi đựng trầu của tôi ơi, người ta « tiếp cận địch để diệt địch », chơi thân với bồ để dò la xem bồ có « ý đồ » (ý định) quay lại với tình xưa không, để chắc ăn Bích đưa ông Thục vào chắn ngõ ông Lân.

Ai biết được khi gặp lại bồ lão Lân hồi xuân bất tử, khe khẻ hát « Trả lại cho tôi, khung trời đại học… », một trời thương nhớ réo gọi…


Cô la làng :

- Vừa thôi, bồ vẽ vời khiếp quá.

-  Mình rành sáu câu vợ chồng Lân lắm, Hà quý và thân thiện với bạn của chồng, nàng là vợ hiền đảm đang, khéo léo cái nết vượt trội sắc đẹp, khổ nổi với quý ông VN cái đẹp đè bẹp cái nết, bồ xinh hơn Hà, lại là « tình dang dở » Lân tiếc hùi hụi nên Hà phải thận trọng, trói chân bồ vào ông Thục cho an toàn. 


Hôm đó bà thầy tâm lý Bích còn bàn ngang tán dọc về tình yêu và hôn nhân, chẳng hạn như hai kẻ cứ ngỡ yêu nhau đến lúc nằm cạnh nhau chả thấy vị ngọt của tình yêu, vợ chồng cưới xong là hết lãng mạng, phấn son trôi mất, lịch lãm galant trả lại ông tây.


Đàn ông VN quan niệm chớ yêu vợ đắm đuối mất mặt nam giới, bồ bịch đó đây, cơm phở xen kẽ mới đáng mặt đờn ông, thỉnh thoảng nịnh đầm bà xã để vợ yên tâm « chàng vẫn thuộc về ta », chớ có chiều chuộng vợ quá đáng sẽ bị nghi đang ngoại tình dù mình đang có bồ nhí.

Vợ chồng Lân cũng không ngoại lệ, tốt khoe, xấu không che nổi khi giận nhau họ trần truội như ông Adam bà Eva sau khi cắn quả táo, ghẻ lở tùm lum, phải thương nhau lắm sau đó mới lau chùi vết thương lòng cho nhau.

 

Cô út chưa nếm mùi cay đắng, chưa va chạm, chưa lo âu vẫn vơ như Hà, chưa biết « thú thương…đau », tình yêu cũng có cái giá của nó, đắt rẻ tùy người trong cuộc.

Bài giảng của Bích khiến cô phì cười, đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu, tuổi này cô khó yêu ai say đắm, yêu mù lòa, cũng chả có ai để thương nhớ, chỉ con bé Nụ là mối tình lớn đời cô.


Bị bé Nụ o ép, cô theo nó đến nhà ông Thục, để hai người trò chuyện ở phòng khách, nó xin phép chủ nhà đi một vòng « khám điền thổ » xem ông sống ra sao.

Trở vào salon con bé bắt chuyện với chủ nhà, hỏi ông đủ thứ trên đời, hỏi năm nay ông bao nhiêu tuổi, câu trả lời của ông làm cả ba người ngạc nhiên.


Ông tuổi Hợi sắp 72 tuổi, lớn hơn cô út một con giáp, hơn bé Nụ bốn con giáp, con bé nghĩ ông tuổi hợi chắc phải hợp với mẹ và nó dù người ta kỵ năm tuổi chứ đâu có kỵ con giáp bổn mệnh của mình, vấn đề còn lại do cô út quyết định.


Lôi cô út đến nhà ông Thục vài lần, không thấy động tịnh gì, một hôm con bé thắc mắc :

- Mẹ thấy bác Thục ra sao ?

Cô út ngạc nhiên :

- Trăng sao gì, ổng nói chuyện cũng được, nhà cửa gọn sạch, độc thân mà nề nếp như thế hơi hiếm.

- Tính nết có hạp với mẹ không ?


Cô giãy nẩy :

- Mẹ chả nghĩ ngợi chi cả, con thắc mắc làm gì.

- Không nghĩ sao được, mai này con lấy chồng, bà ngoại đi theo ông ngoại mẹ muốn trở thành


Cô rên :

- Biết rồi, khổ quá nói mãi, mẹ sẽ thành con khỉ già, con heo già đúng không.

- Chính xác, mẹ không thấy ông Thục sao, nhà cửa, tiền bạc rủng rỉnh mà cô đơn đến tội nghiệp.


Cô cãi :

- Sao con biết ổng cô đơn mà tội nghiệp, con không phải lo cho mẹ, sau này nghỉ hưu mẹ sẽ trông cháu cho con đi làm, đang yên đang lành tự dưng rước người lạ vào nhà phiền lắm.

- Trước lạ sau quen mẹ khéo lo, mà nhỡ con không lấy chồng mẹ làm gì có cháu để chăn.


Cô giật mình :

- Sao lại không lấy chồng, mẹ góa chồng may còn có con với bà ngoại, ở một mình buồn chết.

- Đấy mẹ vừa nói ở một mình buồn lắm, thế sao mẹ không chịu tiến thêm bước nữa cho con an lòng.


Cô thản thốt :

- Từ bao giờ con bắt đầu sắp xếp cho tuổi già của mẹ, thân con chưa xong lo chuyện bao đồng.

- Biết mình già mà không chịu liệu cái thân để người ta phải âu lo.


Con bé giận dỗi bỏ đi ra khỏi phòng cô út, nó làm cô lo rồi suy diễn, hay nó chờ cô có nơi nương tựa mới yên tâm lấy chồng, mà nó đã có ai chưa, sao nó chẳng tâm sự với cô nhỉ.

Cả đời cô lo toan cho má, cho con, chừ con bé đang vào vai của cô gánh cùng lúc bà với mẹ, tội nghiệp con bé thiếu cha biết thân biết phận không dám ỷ lại, cứng rắng như con trai.


Không thuyết phục được mẹ, con bé tìm bà ngoại làm đồng minh, khổ nổi bà lúc tỉnh lúc quên, nói một hồi bà nói một câu trớt quớt :

- Chồng của mẹ con chết lâu rồi cưới sao được.


Hết đường binh, bé Nụ chạy đến nhà ông Thục « báo cáo » chuyện ông nhờ nó thúc đẩy cô út mà cô vẫn dậm chân tại chỗ, mẹ nó không tính chuyện xa xôi, ba bà cháu đang an vui với nhau, cô không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại.


Ông Thục chợt hiểu tại ông hấp tấp mở lời làm cô khó xử, ở tuổi này làm gì có tiếng sét ái tình, đã qua rồi tình yêu bồng bột, vợ chồng già sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình, tình yêu thuở ban đầu chỉ là kỷ niệm đẹp.

Ông vừa quen cô út, qua lại vài lần chưa biết tính nết nhau, chuyện chắp nối không thể nóng vội, con bé Nụ chưa biết gì về cuộc sống lứa đôi, quá lo lắng cho mẹ nên nó làm liều.


Ông trầm ngâm một lúc rồi nói :

- Bác cảm ơn cháu giúp bác, nghĩ lại mẹ cháu có lý…

Ông chưa kịp dứt lời con bé đâm hoảng :

- Bác nói sao, ý bác không muốn chơi với mẹ cháu nữa ?


Ông lắc đầu :

- Không phải thế, mẹ cháu với bác mới quen nhau chưa đủ thời gian tìm hiểu, tuổi này không thể bồng bột, mẹ cháu thận trọng như vậy mới đúng, bác hơi hồ đồ có thể làm mẹ cháu phật lòng đấy.

Thôi cháu đừng nhắc mẹ chuyện của bác nữa, thỉnh thoảng đến chơi với nhau như bạn lại hay.


Con bé gật gù có vẻ hiểu chuyện rồi hiến kế :

- Cháu có ý thế này, để giải tỏa « áp lực » của hai bác cháu mình với mẹ, cháu sẽ đề nghị mẹ bày cho bác chơi chứng khoáng, hay đầu tư Saving, CD trong ngân hàng, đó là sở trường cũng là đam mê của mẹ, thế nào mẹ cũng đồng ý giúp bác, bác nghĩ sao ?


- Hay lắm, bác cũng tò mò về chuyện này lâu rồi, một công đôi việc, bác cảm ơn cháu.


Con bé ra về hân hoan trong lòng, rồi đây mẹ sẽ lọt thỏm vào cái bẫy của nó và chợt nhớ đến mấy con heo đất, bây giờ cô út bỏ tiền vào ngân hàng kiếm lời cũng gần giống con heo đất ngày xưa đó thôi. 


Về nhà con bé kể cho mẹ nghe nó vừa rủ ông Thục gửi tiền tiết kiệm kiếm lời và hứa với ông nó sẽ nhờ mẹ cố vấn, đòn tâm lý của con bé quá hay làm cô út « mất cảnh giác » sập bẫy ngay.

Cô gật gù :

- Gì chứ chuyện đó mẹ sẳn sàng giúp ông ấy.

Con bé tấn công :

- Vậy thì mình chọn một cuối tuần nào đó mời bác tới nhà dùng cơm rồi bàn chuyện này luôn.


Cô út đồng ý ngay, mấy tuần sau ông Thục đến nhà với hộp bánh kem, bó hồng màu hồng nhạt, bữa cơm hôm đó rôn rả với chuyện đầu tư, cô út như lạc vào cõi của riêng cô. 

Ông Thục cười thầm, bái phục con bé Nụ khéo vẽ, ông sẽ mở Saving, CD gì đó theo chỉ dẫn của cô út.


Ông hy vọng với thời giang ông sẽ chinh phục tình cảm của cô út từ cái đam mê rất « ăn tiền » của cô có thể mang lãi cho ông hiểu theo nghĩa nào cũng đúng, bữa cơm chấm dứt thật vui, chủ khách đều hài lòng. 


Sau đó cô út với ông Thục ra ngân hàng mở saving dài hạng, ngắn hạng, rút tiền bên này bỏ vào bên kia, thế là ông có cớ mời cô đến nhà « vấn ý » đủ chuyện khiến cô không còn e ngại như lúc trước.


« Làm việc » với cô út ông thán phục sự khéo vén của cô, mến cô hơn khi cô phải vào vai đàn ông nhưng không đánh mất sự dịu dàng của mình, ông hy vọng sẽ lây động tình cảm của cô sau này.  


Cô út nông nổi ngày nào đã trưởng thành từ lúc cô lăn lộn chợ trời thuốc tây đường Nguyễn Huệ, bây giờ lại là cố vấn cho ông Thục, tuổi hợi chưa chắc thua sút mấy con giáp khác như má nghĩ.


Từ dạo cô út mến mấy con số trong sổ sách khiến cô nghiện đầu tư lẻ tẻ đó đây, xét cho cùng tuổi hợi đâu có tệ như bà ngoại nói, tiền đầy một bụng như con heo đất ngày xưa đó.

Chuồng heo của cô có bé Nụ, bây giờ thêm ông Thục, ba con heo đất rất hạp nhau ở cái mục đồng tiền xoay tròn một vòng sinh lãi và sản sinh tình cảm.


Cầm tinh con heo chỉ ăn với ngủ, thành kiến đó xưa rồi không hợp thời, ba con heo đất nhà cô đang bước vào năm Kỷ Hợi, năm tuổi nên phải thận trọng đâu dám ăn no ngủ vùi như bày heo trong chuồng.


Ăn vừa phải kẻo tức bụng, ngủ phải mở hi hí một mắt nhòm chừng trương mục tiết kiệm, thị trường chứng khoáng lên xuống, lạng quạng mấy con heo đất vỡ òa bốc hơi như chơi. 

Ừ thì làm ăn phải có máu liều, lúc được lúc thua, miễn là không sạch túi là được rồi, nghĩ lại cô út thấy ông thục cũng hạp với cô ở cái mục đồng tiền sinh lợi này đấy chứ.


Con bé Nụ với ông Thục ưng ý lắm, chuyến này cô út lọt bẫy của họ ngon lành, con heo đất xoay vòng đưa cô đến thật gần ông Thục.

Ai bảo năm tuổi mà cô không kiêng cử để hai người kia xỏ mũi, ông Thục chấp nhận đỏ tình đen bạc, xì tốc xì tiết trồi sụt ông bất cần vì mục đích của ông là thả con heo đất để câu cô Út Hợi đấy.


Nov. 2018 / Đoàn Th

 

Ý kiến bạn đọc
06/02/202015:43:59
Khách
Á hậu Tây luôn luôn dí dỏm với lối viết cá biệt! Merci bien.
30/01/202001:13:12
Khách
Câu chuyện thật dí dỏm, lời văn hay,
Cảm ơn .Mong đọc được nhiều câu chuyện hay của tác giả.
15/01/202014:42:26
Khách
Cảm ơn độc giả Thanh Mai, Nguyen Bao, Phạm Thị Kim Dung & Lê Nguyễn Hằng đã chia sẻ tình cảm thân thiện.
Trước thềm năm Canh Tý xin chúc tất cả độc giả mục VVNM được MAY LÀNH - SỨC KHỎE - HẠNH PHÚC.
15/01/202004:58:39
Khách
Cuối cùng thì Cô Út cũng sa bẫy của con gái Nụ và ông Thục đúng vào năm tuổi của mình, thật ra năm tuổi đôi khi cũng đem đến điều lành chứ không phải lúc nào cũng không tốt cả.
Hy vọng đây là cái bẫy cuối cùng và êm ái cho cô Út được hưởng lúc không còn trẻ nữa.
Cám ơn tác giả cho thưởng thức một bài viết vui và dí dỏm như những bài trước đây.
15/01/202003:34:03
Khách
Chào Tác Giả Đoàn Thị,
Lời văn của tác giả thật dễ thương và dí dỏm từ đầu đến cuối bài.
Thả con heo đất để câu con "heo thật!!"::))
Chúc Mừng Năm Mới
Ptkd
14/01/202020:48:25
Khách
Tôi rất thích lời văn của tác giả . Tác giả dùng chữ một cách khéo léo từ đầu tới cuối câu chuyện khiến bài viết đọc thêm hay .
14/01/202020:14:51
Khách
Nói về mấy con heo đất bỏ ống mà dẫn cả tới chuyện Stock và tình cảm hay thật đó. Câu chuyện rất dí dỏm và lý thú. Cảm ơn tác giả!
Thanh Mai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,486
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.