Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ba là “Hạnh phúc rất đơn giản” kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tôi rời đất nước đã khá lâu, gần mười lăm năm, bằng quãng đời truân chuyên của Kiều. Ngày rời đất nước, vì nghĩ một đi không trở lại, chẳng bao giờ còn dịp về lại, tôi đã mủi lòng khi máy bay cất cánh, đã bật khóc nức nở khi thấy những thửa ruộng vuông vức xanh ngát, những con sông dài uốn khúc quanh co đã nhỏ dần, nhỏ dần.
Có ai đã từng nói “Đừng bao giờ nói là không bao giờ” tôi thấy rất đúng, ít ra trong trường hợp mình. Bây giờ tôi đang trở về lại thăm Việt Nam trong những ngày tháng chín, những ngày tháng sôi động trên quê hương thứ hai, để chịu tang cha chồng.
Trên chuyến về thăm quê hương, tôi có cái cảm xúc lẫn lộn, vừa xôn xao mong được ngắm những con phố cũ đã một thời tôi sinh sống, đặt chân trên những con đường mà có lần tôi đã đi qua.
Trên chuyến bay chuyển tiếp từ Đài Bắc về Việt Nam, tôi có dịp làm quen những thiếu nữ (chẳng biết goị là gì, thiếu phụ hay thiếu nữ nữa) lấy chồng Tàu, mặt mũi non choẹt, vẫn còn mang nét quê mùa chân chất đáng yêu.
- Cô chú ở Mỹ về hả" Con cũng về thăm nhà, thăm ba má với có “chúc” đồ cho tụi nhỏ.
Rồi cô quay ra la con bằng tiếng Việt.
- Em giỏi quá ha, tụi nhỏ hiểu tiếng Việt hả "
- Dạ, chỗ con ở đông Việt Nam mình lắm, cũng lấy chồng Tàu như con. Được cái ổng cũng tốt, lần trước có theo con về Việt Nam đó cô.
- Làm sao em quen ổng vậy"
- Thì người ta làm mai.
Em là một trong số ít thiếu nữ Việt Nam lấy chồng Tàu may mắn. Em được chồng cho về thăm quê, được chồng cho gom góp ít tiền bạc biếu cha mẹ, ít bánh kẹo cho các em. Tôi thầm mong em có hạnh phúc, ít nhất có hạnh phúc trong việc gom góp tiền bạc giúp đỡ gia đình.
Rồi chuyến bay tưởng chừng dài như vô tận cũng chấm dứt. Rồi tôi cũng bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đặt chân lên mảnh đất thân yêu. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là “Người ơi là người, sao đông như thế này.” Những người có thân nhân ra đón, đang dáo dác tìm những tấm bảng trên ngực áo trong đám đông xem có tên mình trên đó không. Còn vợ chồng tôi (chồng tôi không cho gia đình biết ngày giờ về) thì đang bị các anh tài xế chèo quéo, “Xe của em rộng lắm, có gắn máy lạnh nè” hay “Em tính anh chị giá hữu nghị thôi”.
Cái nóng mùa hè của Cali mà tôi thường than thở không thấm tháp vào đâu với cái nóng của Sài Gòn. Chồng tôi thấy tôi nhễ nhại mồ hôi, đeo trên vai cái backpack, kéo lê cái vali nặng chình chịch nên tội nghiệp ngoắc đại một chiếc xe van.
Đường phố Sài Gòn dường như nhỏ lại, khói xe bụi bậm ngộp khắp trời. Xe cộ chạy chẳng đường lối, ai lách được là cứ lách, cứ bóp còi inh ỏi. Anh tài xế thấy chúng tôi là Việt kiều nên mở cassette nhạc vàng cho chúng tôi thưởng thức, vẫn giọng hát Thanh Tuyền cao vút “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Chẳng biết các em học sinh ở thành phố biết buồn như chúng tôi thời xưa hay không khi đang ở giữa cái thành phố đông như kiến này.
Xe dừng trước khách sạn, anh chàng tài xế chém đẹp 15 đô, chồng tôi rút bóp trả tiền, cằn nhằn:
- Sao lấy mắc dzậy cha. Hữu nghị gì nổi.
Anh tài cười vui vẻ:
- Lâu lâu mới kiếm được chút cháo mà anh chị. Anh chị về chơi vui vẻ nghen.
Trong khi chồng tôi đặt vé ra miền Trung, tôi đứng ngóng xuống đường qua khung cửa sổ. Đối diện trường Lê Qúy Đôn , ngôi trường mà tôi vẫn thường nghe anh nhắc đến một cách thân yêu với những kỷ niệm của một thời niên thiếu. Một khoảng tường đã bị đập phá cho tiện việc bán cà phê, tôi thầm nghĩ chắc anh đau lòng lắm khi nhìn thấy nó.
Vé máy bay muốn đặt mua đã hết. Vậy là chúng tôi được về quê chồng bằng chuyến xe lửa xuyên Việt.
Rời cái thành phố náo nhiệt tôi sung sướng nhìn lại những hàng cây xanh ngắt, những thửa ruộng nhỏ nhắn với những con trâu đang chậm rãi lười lỉnh bước. Tự dưng tôi hát nhỏ (thường tôi không dám hát vì hát dở lắm) “Em theo anh đi về, về quê hương yêu dấu. Em theo anh đi về…” Đang hát tôi chợt nhớ ông xã mình đang buồn vì mất cha nên ngưng lại và nắm nhẹ tay anh.
Trên đường đi, có lẽ chồng tôi đã quen thuộc nên anh kể cho tôi những địa danh mà xe lửa đi qua. Nào Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang… Trên toa tầu tôi cũng được dịp nhìn những Tháp Chàm nằm chơ vơ trên sườn núi, cô đơn, bí hiểm. Nhìn Tháp Chàm tôi lại nghĩ đến nàng Huyền Trân công chúa với hai châu Ô Lý mà bà đã đem lại cho dân tộc Việt, đến Chế Bồng Nga và thời đại huy hoàng của Chiêm Thành, và cả anh chàng ca sĩ Chế Linh với giọng ca buồn nẫu ruột nhất là khi nghe vào những đêm mưa tắt điện “Cóooooo … ai biết được có mình tôi buồn…”
Đang suy nghĩ miên man, giòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt bởi tiếng hát lanh lảnh cao độ với bài hát từ lâu đã chìm trong quên lãng đang phát ra từ trong toa tầu ”Hôm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường sơn đồi núi chập chùng. Năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống...”
Chỉ cần nghe vậy là hình ảnh hiền hoà trong tâm trí tôi lập tức bị thay thế bằng những hình ảnh khủng khiếp của những ngày lao động XHCN, những buổi phê tự phê, của những buổi học tập chính trị dưới mái trường XHCN. Nàng công chúa Huyền Trân lịm tắt dần để thay thế bằng nàng Đoàn viên trong lớp, con một Tỉnh Uỷ miền Nam đang “lên lớp” cho các bạn trong tổ về “làm thế nào để phân biệt rõ bạn và thù, cha mẹ các đồng chí (") nếu là ngụy quân, ngụy quyền thì tui cũng gọi là thằng và con”. Không biết giờ đây cô nàng này còn thấy sự phân biệt giữa bạn và thù có còn rõ ràng nữa hay không" Tôi cố xua đuổi hình ảnh đó bằng cách xoay ra hỏi chồng đủ thứ.
Tầu đã về Bình Định, anh tự hào kể cho tôi những trận đánh oai hùng của vua quân Tây Sơn, về sự khai phá đường Trường Sơn của đô đốc Trần Quang Diệu, về tướng ông Nguyễn văn Tuyết mặc áo trắng cưỡi ngựa trắng xông pha ra trận mạc. Vậy mà trước đây tôi cứ tưởng đường Trường sơn do VC làm nên. Phải công nhận họ đầu độc hay thật. Rừng núi Trường Sơn chập chùng cây cỏ xanh mát, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.
Chuyến tầu đỗ lại tại sân ga Diêu Trì. Chồng tôi nhắc nhở “Xuống đi em, đến nơi rồi”. Tôi theo anh bước xuống sân ga. Các chị em của anh đã đợi ở đó từ lâu, thấy anh, họ chạy lại ôm chầm “Ba mất rồi anh, ba mất rồi em”. Mấy chị em ôm nhau khóc, tự dưng tôi cũng cảm thấy mủi lòng. Và rồi sáu người chúng tôi lục đục chen vào chiếc xe hơi bé xiú để về huyện lỵ Bồng Sơn.
Bồng Sơn, cái tên mà tôi còn nhớ mang máng được nhắc nhở trên báo chí miền Nam trước năm 75, cái địa danh với những cuộc chiến tranh tàn khốc và giờ đây tôi đặt chân đến đây, sao nó hiền hoà dễ thương như vậy. Có lẽ vì đây là quê hương của chồng tôi chăng"
Chúng tôi về nhà vào dịp nhị thất của ba. Tôi xuống bếp phụ với các bà chị chồng, các cô em dâu để nấu giỗ. Thật ra nói là phụ vậy thôi chứ các chị em ông xã tôi chẳng để cho tôi làm gì cả. Thức ăn làm cả vừa chay vừa mặn, nhưng khi cúng chỉ thấy toàn đồ chay trên bàn thờ. Ông xã tôi ngạc nhiên hỏi:
- Má à, khi sống ba đâu ăn đồ chay"
Má chồng tôi trả lời một cách đôn hậu:
- Thì hồi sống má đã lo phần xác cho ba, lúc chết cũng để má lo phần hồn cho ổng chớ.
Nhìn lên bàn thờ, tôi cảm động thấy tên mình nằm cạnh tên chồng trên bức trướng “Trưởng nam N.T. cùng vợ là … “ Gia đìng anh cũng là gia đình mình rồi, tôi thầm nghĩ.
Xong lễ, má nói với chúng tôi ngồi xuống cạnh bà:
- Hồi ba còn sống chưa có ai lo cho má bằng ba hết, mà má cũng chưa lo cho ai bằng lo cho ba con. Má muốn tụi con sẽ yêu thương, đùm bọc nhau mãi mãi nghe các con.
Đã từ lâu tôi chưa được ai gọi bằng tiếng “con” thân yêu kể từ khi cha mẹ tôi mất nên tôi thấy bùi ngùi cảm động và nhớ đến cha mẹ mình.
Chúng tôi ở lại Bình Định một tuần lễ. Anh đưa đi thăm họ hàng, thăm mộ ông bà nội ngoại.
Cái khác lạ ở Việt Nam bây giờ là ngôi mộ thường được xây đẹp đẽ, to lớn bằng đá cẩm thạch, bằng gạch bông, có mái che và trồng bông hoa chung quanh như những dinh thự nho nhỏ. Có lẽ người VN với cái ý nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận ăn vào tâm khảm nên những gì đẹp nhất cũng dành cho người chết chăng"
Những ngày ở Bình Định tôi cũng có dịp thăm trại cùi Qui Hoà, nơi Hàn Mặc Tử đã có lần lui về ẩn dật. Mỗi căn nhà là một kiểu khác nhau, trong sân nhà họ trồng cây cỏ và một vài người nằm mắc võng ngang thân dừa, êm đềm ngủ giữa trưa hè gió thoảng với tiếng vỗ từ biển đưa vào. Đời sống trang trại thật bình an, xa lánh những bon chen bận rộn với cuộc sống bên ngoài. Đã đến những vùng biển khác nhau, ở VN, ở hải ngoại nhưng theo tôi bãi biển Qui Hòa là đẹp nhất. Những hàng dừa xanh chạy dọc dài theo bãi biển cát trắng, xa xa là những ngọn núi xanh ngắt in đậm nét trên bầu trời xanh dương. Ước chi tôi là thi sĩ, tôi biết nó đẹp, nó nên thơ nhưng không biết diễn tả làm sao.
Những ngày ở quê chồng tôi cũng được tha hồ ăn trái cây tươi. Chồng tôi biết tôi them ăn trái cây nên thứ nào anh cũng mua cả chục trái, nào thanh long, nào mãng cầu… Anh nói:
- Em ăn cho đã để về Mỹ anh khỏi nghe em than.
Những ngày ở Qui Nhơn chồng tôi cũng dắt tôi đi thăm ngôi trường tiểu học của anh. Sân trường vắng lặng của những ngày cuối hè, chỉ còn những cây Phượng đỏ khoe sắc thắm.
Nhìn cánh Phượng rơi nhẹ trong gió, tôi nhớ lại những quyển lưu bút ngày xanh mà chúng tôi chuyền cho nhau thời xưa. Những người bạn thưở nhỏ của tôi đâu rồi" Con bé Phải, chị cả của lũ em với những cái tên ngộ nghỉnh Trung, Thành, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Thôi.. . Thằng Trâm ngồi một mình cuối lớp vì nó là con gái nhưng bị ba má bắt cắt tóc ngắn, mặc quần áo con trai nên chẳng con bé nào trong lớp chịu ngồi cạnh. Con Duyên tập vở lúc nào cũng sạch sẽ. Hai chị em con Sắc Huyền sau giờ học phải phụ mẹ bán bánh canh ở chợ Đa Kao, múc cho tôi một tô bún đầy những thịt khi tôi mua của nó.
Chồng tôi cũng dẫn tôi qua thăm ngôi chùa kế bên trường. Sờ vào mặt trống trước sân chùa, chồng tôi nói:
- Hồi nhỏ anh và các bạn hay sang đây phá các sư các vãi, cứ gõ thình thình vào trống rồI bỏ chạy. Bị thầy cô phạt hoài mà đâu có chừa.
- Nhưng lần này đừng có phá nghe anh. Anh lớn rồi đó, không bị thầy cô phạt nhưng vẫn bị em phạt quỳ đó. Tôi chọc anh.
Một tuần lễ ở Bình Định đã trôi qua. Chúng tôi về lại Sài Gòn. Anh có chở tôi đi thăm ngôi nhà cũ, trường cũ của tôi. Ai đã đọc truyện Từ Thức hay Rip Van Winkle chắc hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó. Xa lạ. Hụt hẫng. Bơ vơ. Không những ngôi nhà của tôi mà cả khu phố đều đã đổi thay.
Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hàng ngày tôi vẫn đi từ nhà đến trường Trưng Vương suốt bảy năm trời rợp bóng cây điệp với những bông hoa vàng rực rỡ, gần đến trường là hai hàng cây me xanh ngắt với những lá me nhỏ bay bay trong gió vướng nhẹ lên tóc của những chị học sinh lớp lớn làm rung động trái tim của những anh chàng mặc quần xanh áo trắng của ngôi trường kế bên đứng đợi bên quán Hẹn tập làm người lớn, thẩn thờ trong khói thuốc đã bị đốn ngã tự hồi nào. Tôi chẳng còn nhận ra hình ảnh quen thuộc của ngày xưa trừ ngôi đình Tân An gần nhà, nơi mà chị Côi, chị giúp việc cho mẹ vẫn bế tôi ra nghe Cải Lương hồi còn nhỏ vẫn còn mang hình dáng xưa, nhưng giờ được sơn lại một màu vàng kỳ cục, vàng như nghệ.
THUỲ DƯƠNG