Hôm nay,  

Trôi Theo Dòng Đời

17/08/201900:00:00(Xem: 8985)

Trôi Theo Dòng Đời

Tác giả: Nguyễn Thu Hương

Bài số: 5766-20-31573-vb7081719

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà sinh năm 1948, định cư tại Hoa Kỳ từ 1985, định cư tại  Nam California từ 1988, và hiện là một cư dân hưu trí tại Quận Cam. Xin lưu ý: Cùng Viết Về Nước Mỹ, từ nhiều năm qua, có tác giả Nguyễn thị Thu Hương, quê Rạch Giá, cư dân Seattle. Tuy cùng tên cùng họ, nhưng hai bà khác nhau.   Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của  Bà Nguyễn Thu Hương California cho thấy sức sống và sức viết hiếm có. Mong bà tiếp tục viết.

 

***

Thời tiết ôn hoà của quận Cam, California luôn làm tôi liên tưởng đến những ngày đông giá dài lê thê của các tiểu bang lạnh giá thuộc miền Bắc Mỹ. Gia đình tôi đến tiểu bang New Hampshire đầu năm 1985, vào mùa đông tuyết phủ trắng xóa.

Trong thời gian đầu, tôi rất thích nhìn ngắm từng cánh hoa tuyết nhè nhẹ rơi hay lội sâu trong tuyết để chụp những tấm hình đẹp. Nhưng khi phải mang ủng lội trong tuyết đến nửa đầu gối, phải qua hai chuyến xe bus mới đến chỗ làm việc, thì tôi bắt đầu ngán tuyết. Khi đã biết tự lái xe đi làm, tôi càng ngán tuyết hơn.

Một hôm sau giờ làm việc, tôi lái xe về nhà với tốc độ bình thường, bỗng nhiên xe lạc hướng trơn tuột quay vòng. Tôi kinh hãi nhưng không dám thắng xe gấp chỉ cho xe chạy vào lùm cây bên đường và từ từ thắng lại. Tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, tôi ngồi trong xe thật lâu mà hú hồn. Ôi chao, bây giờ mới ngán tuyết đến tận cổ. Thật là:

Trông xa cứ ngỡ là mơ

Lại gần mới biết vô bờ đắng cay

Bởi thế, sau gần 4 năm lang bạt kỳ hồ qua các tiểu bang New Hampshire, Kentucky, và Indiana, năm 1988 gia đình tôi đã di cư về Nam California, nơi có khí hậu lý tưởng cho những người Việt lưu vong và cũng để bắt đầu những năm tháng gian nan.

Ông chồng tôi không đuợc hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp vì đã tự ý bỏ việc sau một năm dạy học tại một trường trung học ở Harlan, Kentucky. Anh ấy đã quá chán khí hậu lạnh và e ngại khi lái xe qua những đường đèo ruột tượng trơn trợt nguy hiểm để về Bloomington, Indiana thăm vợ con. Thuở ấy tôi và các con vẫn còn ở lại Indiana để đi học. Nhân một chuyến nghỉ hè về thăm Cali, chồng tôi đã bị Cali mê hoặc và quyết định bỏ việc ngay mặc cho tôi can ngăn khuyên nhủ. Tôi ở lại Indiana vài tháng để lấy bằng Cao Đẳng Thương Mại và cùng các con về Cali sau.

Sau vài tuần thu xếp chỗ ở, chúng tôi được một người bà con đưa đến trung tâm của Cộng Đồng Người Việt để nhờ giới thiệu việc làm. Tại đây, chúng tôi được cho biết là gia đình chúng tôi có thể xin trợ cấp trong khi kiếm việc làm vì có con nhỏ dưới 18 tuổi. Thế là chúng tôi đến ngay sở Xã Hội nằm ở thành phố Santa Ana nộp đơn.

Sau khi được phỏng vấn và được nghe thuyết trình về chương trình trợ cấp, chúng tôi được cấp phát 200 đô tiền mặt để chi tiêu tạm trong khi chờ đơn xin được xét. Cả gia đình yên lòng vui vẻ ra về. Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày Thứ Sáu. Sáng sớm hôm sau ngày Thứ Bảy, trời còn mờ sương, cả nhà đang ngủ say; hai vợ chồng ngủ trong phòng, các con ngủ la liệt ngoài phòng khách (chúng tôi chỉ dám thuê nhà một phòng ngủ của khu chung cư nghèo nàn thuộc thành phố Santa Ana). Bỗng nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập và một người đàn bà lớn giọng: “Chúng tôi là bà…thuộc Sở Xã Hội và ông… (tên Mỹ) thuộc Biện Lý Cuộc yêu cầu mở cửa cho chúng tôi khám nhà.”

            Cả nhà hoảng sợ thức giấc, không hiểu chuyện gì. Mắt nhắm mắt mở tiếp chuyện với khách, họ hỏi chúng tôi tất cả các câu hỏi về lý lịch, chúng tôi từ đâu tới, tại sao về California. Nói chuyện một lúc, chúng tôi mới hiểu là vì hôm qua chúng tôi xin trợ cấp nên các người này đến điều tra. Chúng tôi trả lời là vừa học xong ở Indiana University và trên đó lạnh quá nên muốn chuyển về Cali. Tự nhiên tôi cảm thấy ngại ngùng xấu hổ và cho họ biết chúng tôi muốn hủy đơn xin trợ cấp vì đã nộp đơn xin việc làm và hy vọng Thứ Hai chúng tôi sẽ bắt đầu đi làm.

Nghe nói vậy, họ thay đổi thái độ, nói chuyện nhẹ nhàng cởi mở hơn và chúc chúng tôi gặp may mắn. Số tiền 200 đô là món tiền trợ cấp duy nhất mà gia đình chúng tôi được hưởng tại tiểu bang Cali. Thật sự là lúc đó tôi chưa vào làm Sở Xã Hội nên tôi cảm thấy lạ lùng. Sau này mới hiểu, đối với những khách hàng từ xa đến Cali, Sở Xã Hội thường yêu cầu những Điều Tra Viên đến tận nhà xem xét coi lời khai của khách hàng có gian dối hay không.

Trở lại chuyện đi kiếm việc làm của hai vợ chồng tôi, tôi được nhận làm thư ký cho một văn phòng Luật Sư. Chồng tôi thì khó có thể kiếm việc làm thích hợp với khà năng, cứ làm những công việc năm đồng ba cọc và đổi việc liên miên. Tiền thuê nhà thì quá cao, nên với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng thật khó mà xoay xở cho gia đình năm người gồm vợ chồng và các con. Thấy vậy, một người bà con gợi ý là vợ chồng tôi nên mở một shop may chứ làm công việc làng nhàng như vậy thì bao giờ mới có tiền. Thế là hai vợ chồng quyết định từ bỏ những thành quả của 3 năm dùi mài kinh sử tại Indiana University và bắt đầu vay mượn góp vốn từ các thân nhân và bạn bè tốt bụng trên khắp nước Mỹ và Canada.

Sau khi thủ tục sang nhượng shop may hoàn tất, tôi điện thoại nói chuyện với cô bạn từ thuở trung học. Cô ấy la oai oái:

-   Sao mi làm mà không hỏi tao? Mi mới về đây có mấy tháng nên mi đâu có biết là nghề này là khổ nhất ở xứ Cali!

-   Thôi bồ ơi, đừng nói nữa, để yên cho tui làm việc, đừng làm tui sợ!

Thế là tôi bắt đầu học việc ở shop may. Tất cả các máy đều to lớn kềnh càng. Máy may thì chạy quá nhanh chỉ cần nhích chân là nó chạy xẹt một cái. Có lúc tôi đã nghĩ là phải đem cái máy nhỏ ở nhà đến để may. Nhìn máy vắt sổ với 5 kim, tôi không biết bao giờ mình mới biết cách xỏ chỉ, lại còn máy đóng khuy, nút, và máy hem, thật là nhiêu khê quá! Tháng đầu ông chủ cũ chỉ cách ra hàng cho tôi, giới thiệu tôi với các công ty may mặc ở Los Angeles.  Ông giới thiệu tôi là chị họ của ông và yêu cầu công ty giao nguồn hàng của ông cho tôi. Ông bảo là vợ chồng ông không làm nghề này nữa và đang tính chuyện làm nghề khác. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái! Ông chủ này tốt bụng quá!

Không bao lâu sau, thợ may trong shop cho tôi biết là chủ cũ của shop may này là hai người hùn vốn làm ăn nhưng không hạp nên quyết định sang shop đế ra shop riêng. Hai shop ấy nằm gần shop may của tôi, đi bộ chưa mỏi chân là đến rồi. Thế là các thợ may lần lượt trở lại với hai chủ cũ. Nghe lời xúi dục của chủ cũ, hàng may chưa xong họ cũng không quan tâm. Tôi chẳng còn cách gì hơn là hàng nào lên sào được thì lên, hàng nào lên không được thì bỏ vào bao như một đống giẻ rách và đem giao cho công ty. 

Tôi bị công ty trách mắng thậm tệ lại còn phải trả tiền bồi thường khá nặng. Ông chủ cũ còn bồi thêm một vố, ông cho công ty biết là tôi không phải là chị họ của ông và không chịu trách nhiệm gì về lời giới thiệu của ông trước đây.  Ôi nhân tình thế thái, chua cay biết bao, mới ra quân mà lính không còn một mống! Tôi phải vay mượn thêm tiền để chi phí trong giai đoạn ngặt nghèo này. Chồng tôi quá nản chí, thúc hối sang shop. Ai mà thèm sang một cơ sở làm ăn rách như xơ mướp!

Chúng tôi bắt đầu tạo dựng lại từ đầu bằng cách len lỏi lên Los Angeles tìm công ty mới và đăng báo tìm thợ, chỉ có thợ ở xa mới chịu nhận hàng với điều kiện là hàng phải được giao và nhận tại nhà. Đêm đêm sau giờ đóng shop, hai vợ chồng lái xe giao hàng và nhận hàng từ Riverside, Long Beach, Fullerton… đến 1, 2 giờ sáng mới mò về nhà.

Vì hàng giao quá xa nên khi mang hàng về shop thì phần lớn hàng may bị hư. Hàng hư nặng nhất là khi hàng ráp bị lộn sắc nghĩa là sản phẩm được ráp lại từ nhiều mảnh, tuy cùng là một màu nhưng mỗi mảnh có sắc khác nhau do thợ may bất cẩn ráp lộn. Gặp lúc hàng hư kiểu này là 3 đứa con của tôi kêu gọi bạn bè thân của chúng đến giúp mẹ tháo hàng. Công việc của tôi là sắp xếp các mảnh lại theo đúng màu sắc và thuê thợ ráp lại, đôi lúc mỏi mệt quá phải nằm dài trên sàn nhà để làm việc. Mỗi lúc gặp trở ngại là chồng tôi la toáng lên:

- Dẹp hết đi, đã nói nhiều lần mà không chịu nghe!

Làm sao mà dẹp được. Dẹp thì lấy tiền đâu mà trả nợ, tiền đâu lo cho các con. Tội nghiệp  các con tôi, ngoài thì giờ đi học cả ba anh em tự lo đi chợ nấu nướng chăm sóc cho nhau. Suốt ngày hai vợ chông ở shop may, sáng đi làm sớm, đêm về thật khuya, gần như các con chẳng hề gặp mặt cha mẹ ở nhà. Hai vợ chồng thường hay cãi cọ về công việc, về đến nhà vẫn còn gây nhau. Có lần con gái út của tôi tâm sự:

- Mẹ biết không, mỗi đêm cha mẹ về khuya là tụi con biết hết. Cha mẹ vào phòng đóng cửa là anh Hai ghé tai sát cửa nghe thử cha mẹ có cãi nhau không. Nếu bên trong yên lặng là anh Hai thở phào. Thế là tụi con yên tâm ngủ tiếp, nếu không thì tụi con thao thức không ngủ được.

Tôi bàng hoàng muốn khóc, vì chỉ đủ tiền thuê apartment một phòng, các con phải ngủ ở phòng khách nên chúng mới có dịp theo dõi động tĩnh của cha mẹ. Tôi cảm thấy mình thiếu trách nhiệm với các con, lại còn làm cho chúng lo nghĩ không được vô tư như bao trẻ cùng tuổi, nên bảo chồng từ nay trở đi cứ tha hồ cãi nhau ở shop tránh lớn tiếng ở nhà. Hai vợ chồng thường hay nói đùa:  Ghét ai cứ xúi họ ra mở shop may là cách trả thù hay nhất!

Một năm sau, tôi đã xử dụng thông thạo các máy móc và làm đủ mọi công việc của shop may, chỗ nào thiếu người là tôi nhảy vào, có đêm thức suốt đêm ủỉ hàng cho kịp ngày giao hàng cho công ty. Chúng tôi làm việc 364 ngày một năm, chỉ nghỉ ngày mồng một Tết.

Cho đến một hôm tôi thức dậy sớm đi làm, nhưng không thể nào ra khỏi giường vì đứng lên là thấy trần nhà xoay tròn, lại phải gục xuống. Tôi lo sợ là cơ thể có gì bất thường hay là bị bướu trong não nên định đi khám sức khỏe.

Thật may là lúc đó có anh bạn bác sĩ ở Việt Nam qua Mỹ chơi và ghé nhà thăm. Anh ấy nói là vì tôi làm việc quá sức, chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian là cơ thể sẽ trở lại bình thường. Thế là tôi ở nhà ngủ 3 ngày liên tiếp, chẳng thèm màng đến công việc nữa.

Cũng may là giai đoạn này công việc ở shop may đã đi vào nề nếp, Tôi đã có đủ thợ làm việc. Họ thường hay kể cho nhau nghe câu chuyện mở shop may ngô nghê của tôi. Chị Sáu-người thợ lâu năm của chủ cũ thỉnh thoảng đến giúp tôi sửa hàng, nói với tôi là: 

Chị phục em sát đất, không ngờ em làm được. Mọi người gặp em lần đầu khi em đến sang shop, dáng người mảnh khảnh, không một tí kinh nghiệm của shop may mà dám ra mở shop. Ai cũng cá là trăm phần trăm em sẽ thua!

Tôi thuộc loại người điếc không sợ súng! Thật là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” Qua năm thứ hai, tôi đã thanh toán tất cả các nợ nần, năm thứ ba là tôi đã có được số tiền nhỏ “down” mua nhà cho gia đình có chỗ ở đàng hoàng cố định, chứ ở nhà thuê cứ phải đổi nhà liên miên.

Đối với tôi, công việc tuy khó nhọc, nhưng tôi chưa bao giờ ân hận là mình đã chuyển về Cali để lao đầu vào công việc không dễ ăn tí nào. Chịu đựng gần 10 năm dưới chế độ cộng sản, với những năm tháng lăn lộn tìm đường vượt biển, trải qua bao nhiêu lần thất bại phải vào tù, rồi những gian nan ngoài biển khơi đã luyện cho tôi khả năng chịu đựng tất cả mọi gian khổ của đời người.

Bây giờ các con đã khôn lớn và yên bề gia thất, công ăn việc làm ổn định không vất vả như cha mẹ. Đứa con trai lớn của tôi, bản tính khôi hài lúc nào cũng ưa chọc ghẹo:

- Mẹ là người may mắn nhất vì trong 3 đứa con của mẹ không có đứa nào phá làng phá xóm hết!

Thoáng nghe thì có vẻ mắc cười nhưng nghĩ lại tôi thấy nó cũng có lý. Đâu có phải có con danh vọng cao sang thì cha mẹ mới là người may mắn. Nuôi các con nên người trở thành những công dân tốt là các bậc làm cha làm mẹ đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi! 

Mười năm lăn lộn trong thương trường cũng đã đến lúc chúng tôi cần tìm cơ may kiếm được công việc an nhàn, ổn định. Chúng tôi nộp đơn thi để được vào làm nhân viên của Sở Xã Hội.

Ông Trời cũng khéo trêu ngươi! Đây là nơi chúng tôi đã thi ngay từ lúc mới dọn về Cali nhưng ngày ấy cả hai đều trượt, để rồi không đủ kiên nhẫn theo đuổi kỳ thi khác nên đã trải qua bao nhiêu cơ cực. Lần này thi lại thì được cả hai.

Thế là chúng tôi có được đời sống bình yên trên đất Mỹ của một công chức thuở xưa, cứ sáng vác ô đi chiều vác ô về. Với đời sống cố định, chúng tôi đã vạch ra những kế hoạch cho tương lai mà không sợ những rủi ro. Ngoài công việc toàn thời gian, chồng tôi dạy học bán thời gian môn tiếng Pháp tại Santa Ana College.

Trong thời gian làm việc tại Sở Xã Hội, tôi trở lại Đại Học để tiếp tục học cho xong bằng Cử Nhân Xã Hội Học. Ban ngày làm việc toàn thời gian, ban đêm học bán thời gian tại California State University, Fullerton, và tôi tốt nghiệp Cử Nhân vào lúc 63 tuổi.

Làm việc không bao lâu chồng tôi xin về hưu, suốt ngày cặm cụi với computer, viết lách, làm thơ, e-mail trò chuyện với mấy ông bạn, hay trông giữ các cháu. Tôi vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi nào mỏi gối chồn chân sẽ xin về vườn.

Hằng năm tận dụng những ngày nghỉ phép thường niên, tôi cùng chồng ngao du sơn thủy để quên đi những thăng trầm của cuộc sống và bù đắp cho những năm tháng lận đận hư hao.

Là một công chức, tôi có thể làm việc đến lúc nào tôi muốn nghỉ. Nhưng mỗi năm chỉ được nghỉ nhờ vào những giờ nghỉ phép, mà tuổi đời thì càng ngày càng chồng chất thì phí cuộc đời quá, nên tôi quyết định nghỉ hưu. Thế là tháng 3 năm 2017 tôi hoàn tất thủ tục vui thú điền viên. Trước hết tôi tự thưởng cho mình những ngày hoàn toàn tự do. Tự do ngủ muộn bù lại những buổi sáng phải thức dậy sớm lo sửa soạn đến sở làm. Tự do vui hưởng trọn vẹn mỗi ngày là một ngày nghỉ lễ. Tôi tha hồ ngao du sơn thủy. Du lịch luôn là một điều tôi nghĩ đến khi có thì giờ. Có người cảm thấy buồn khi về hưu vì thời giờ rỗi rảnh quá nhiều, cuộc sống nhàm chán. Đối với tôi, về hưu là giai đoạn nhàn hạ của đời người. Người ta không cần bon chen, thi đua tranh giành quyền lợi, đầu óc thanh thản, chỉ mong sao sống khoẻ mạnh, ra đi bình yên.

            Sau những ngày nghỉ ngơi vui chơi thoải mái, tôi bắt đầu tạo cho mình một thời khóa biểu mới cho cuộc đời hưu trí. Sáng thức dậy sớm, tôi đến lớp tập thể dục, tập Yoga… Trưa về, ăn cơm xong ngủ một tí, chiều lại ra vườn chăm sóc vườn hoa, vườn cây ăn trái, bứng cây này, trồng cây kia. Quả thật là thì giờ của một ngày đối với tôi là quá ngắn ngủi! Tôi chưa làm hết những việc mình yêu thích như ca hát, ngâm thơ, viết lách, thì một ngày đã hết. Một trong những sinh hoạt tôi tham gia đều đặn lúc về hưu đó là lớp thể dục nhịp điệu (line dance). Line dance cũng có tất cả các điệu nhảy của khiêu vũ ballroom hay còn gọi là “múa đôi” như là cha cha cha, rumba, tango…Nhưng line dance là dành cho tập thể, mỗi người nhảy riêng biệt không cần bạn nhảy dìu bước.

Mỗi tuần từ sáng Thứ Hai cho đến Thứ Năm tôi đến Thư Viện Việt Nam thuộc thành phố Westminster để tập line dance từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Trước đây tôi chưa bao giờ biết khiêu vũ nên khi bắt đầu học line dance tôi cảm thấy thật là khó, đến nỗi tôi muốn bỏ ngang để chỉ tập Yoga thôi. Trong lớp line dance có hai cô giáo dạy là cô Ánh và cô Bảo. Nhờ hai cô chỉ dẫn tận tình, từ từ tôi có thề nhảy theo các nhịp điệu. Tại đây tôi đã có cơ hội quen biết thêm rất nhiều bạn bè lớn tuổi vui tính, thích rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khoẻ. Các chị hay mang theo cây trái, chè cháo để mọi người thưởng thức vào giờ giải lao.

            Tôi cũng đã có cơ hội quen biết chị Lệ Hoa Wilson, tuy đã 80 nhưng chị rất hăng hái đến lớp đều đặn, lại còn tham gia vào các công tác từ thiện. Chúng tôi đã có cơ hội theo chị phân phát thức ăn trưa cho những người vô gia cư. Mới đây, nhân ngày Lễ Độc Lập của Mỹ, một nhóm trong lớp line dance đã theo chị đến thăm một trung tâm chăm sóc người bệnh ở thành phố Long Beach. Chúng tôi đóng góp tiền và theo chị mang đồ ăn, âm nhạc đến trung tâm cho mọi người cùng vui chơi ca hát và nhảy line dance. Đây cũng là nột hình thức để cám ơn những người Mỹ lúc xưa họ đã làm việc hăng say đóng thuế để giúp những người tị nạn như chúng tôi.

Với những năm tháng còn lại, tôi chỉ an nhiên vui sống, dành cơ hội làm những việc tốt cho đời, cứ yên lặng xuôi theo dòng đời, lặng lẽ êm trôi đến chân cầu sinh tử. Nhìn đàn con cháu khôn lớn, ngoan ngoãn, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc, mãn nguyện tuy chẳng bằng ai. Được làm người cũng thú vị thật!

Tôi vẫn mơ ước kiếp sau lại được tiếp tục làm người, nhất định không làm “cây thông đứng giữa trời mà reo”

California 7/2019

Ý kiến bạn đọc
21/08/201903:28:47
Khách
Từ Huy cũng vẫn chưa chịu hiểu những gì mình viết: câu cuối ngược câu đầu. Xin trích lại lời viết để mà học hỏi thêm ra:
Câu đầu: “Trời ơi! Bài viết đặc biệt hay quá”.
Câu cuối: “Đọc bài viết này của chị tự dưng em chợt có ý nghĩ…Mai mốt đến tuổi của chị em cũng sẽ tập tành viết lách”.
Câu này có nghĩa là nói tác giả già rồi mà mới TẬP TÀNH viết.
Hy vọng nên suy nghĩ trước khi viết. Đừng bao giờ nghĩ cứ viết khen bừa túi bụi để lấy lòng người là khôn, là đúng. Người đọc sẽ đánh giá trình độ của mình qua lời viết.
Hai chữ “tập tành” có nhiều nghĩa lắm đó. Ôi! Không biết có hiểu hay không?
20/08/201906:52:34
Khách
Lê Như Đức, sao thích xả rác dữ vậy.
“Lạy thánh mớ bái! Xin cho tôi được quyền khiếm nhã, xúc phạm bất kỳ ai nhưng mọi người phải đối xử thật khả ái, dễ thương với tôi!” Lê Như Đức không chào đời hôm qua đúng không.
Lê Như Đức đã tỏ ý của mình. Tôi cũng vậy. Tôi xin kết ở đây.

Xin chào...
Nhau, giữa con đường
Mùa Xuân phía trước... hậu trường phía sau🤓🎶🎶‼️
(Bùi Giáng)
19/08/201902:56:21
Khách
Từ Huy nè,
Đừng bao giờ so sánh người tị nạn CS với tù khổ sai. Chỉ có lũ CS năm xưa mới tròng tội phản quốc và bỏ tù những người vượt biên tị nạn thôi. Ngoài ra, không ai biết Papillon là người bị xử oan tội giết người hay không? Chúng ta chỉ biết ba điều trong truyện ông ta viết là: tòa xử ông tội giết người, ông viết ông vô tội (lẽ dĩ nhiên rồi) và trước đó ông vô nghề, vô nghiệp, ăn chơi phè phỡn ở Paris bằng đồng lương của vũ nữ.
So sánh một gia đình tị nạn tới Mỹ được chính phủ giúp đỡ rồi chịu khó làm ăn thành công với một tên vô lại bị xử án khổ sai thì thua cả “đứa trẻ trâu vô phép” đó.
Viết cho ý kiến thì nên viết thành thật từ trong lòng mình chứ đừng nên viết cương quá độ để “có được nụ cười hạnh phúc” thành ra là đãi bôi, không ai tin. Người có đọc cũng cười mỉa mà thôi. Giống như trong nước, giờ học đường, cơ quan, công sở…chỗ nào cũng bị bịnh thành tích, khen nhau túi xụi mà ai cũng biết là khen láo. Chửi CS, chê CS, trốn CS mà cũng làm y như chúng thì có xứng đáng hay không?
Tuổi bạn nhỏ hơn tôi đừng có viết “đứa trẻ trâu vô phép” rồi viết xin lỗi tác giả nhé. Nên xin lỗi cả độc giả nữa chứ.
Chịu khó suy nghĩ trước khi viết.
19/08/201900:46:33
Khách
Chị cám ơn tất cả những cố gắng của vợ chồng em để sống trong danh dự do những đồng tiền chính mình tạo ra. Nước Mỹ nầy cho chúng ta, bất cứ thành phần nào trong xã hội, rất nhiều cơ hội để ngẩng mặt hãnh diện vì những thành quả lao động và trí tuệ của mình. Một gương sáng cho những người ngồi chờ sung rụng.
18/08/201923:20:51
Khách
Lê Như Đức, vậy ư!
Tôi nghĩ, ở trên đây mình cần tạo dựng sự nhân ái, hòa nhã với nhau để có được nụ cười hạnh phúc. Chứ bắng nhắng như một đứa trẻ trâu vô phép chỉ làm cho đời sống trở nên khó khăn, phức tạp thêm.
Có nói gì cũng phải nghĩ đến cảm xúc của người khác. Chẳng nên buông tuồng thỏa mãn cái tôi một cách thái quá như vậy!
Chị Nguyễn Thu Hương ơi, em thành thật xin lỗi chị! Bài viết đầu của chị mà em đã làm... như vậy. Xin chị thứ lỗi cho em!
Em xin kính chào chị.
17/08/201923:34:40
Khách
Tác giả mới có bài lần đầu mà đã viết hay rồi. Hay hơn nhiều bài được giải thưởng nữa.
17/08/201916:19:46
Khách
Hỡi ơi ! So sánh chuyện gia đình của tác giả và chuyện cuộc đời tù đày của Papillon vừa khôi hài lại vừa vô duyên tệ.
17/08/201908:47:13
Khách
Trời ơi! Bài viết đặc biệt hay quá. Đọc những khổ lụy ban đầu của gia đình chị em liên tưởng tới “Người tù khổ sai, Papillon.” Nhưng sau cơn mưa bão trời lại sáng ánh hào quang! Em xin chúc mừng gia đình chị.
Đọc bài viết này của chị tự dưng em chợt có ý nghĩ... Mai mốt đến tuổi của chị em cũng sẽ tập tành viết lách🤓🥳🎶🎶‼️
Em kính chào chị và mong được đọc những bài viết kế tiếp!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,346
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.