Hôm nay,  

Nội Ơi, Đừng Khóc!

5/27/202500:00:00(View: 1254)
bo-sach-vvnm

Tác giả là một dược sĩ đã về hưu, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Bài viết kỳ này kể về cảnh đời của một bà cụ được con bảo lãnh sang Mỹ, phải ở chung với con trai và con dâu.
  
***
 
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh.
 
Sợ con dâu phiền hà, mỗi lần thắp nhang cho ông, bà cứ phải rình những lúc nó vắng nhà hoặc đang ngủ, lén lén lút lút giống y như một tên trộm. Duyên mà biết được, thế nào cũng sinh chuyện. Phải nghe nó nhiếc móc đến nhức xương, bà sợ lắm, nên trừ việc thắp nhang cho chồng, nhất nhất mọi việc khác, bà đều không dám làm trái ý nó. Thân ăn nhờ ở đậu, bà biết phận mình phải chiều theo ý chủ nhà.
 
Dạo này thấy hai vợ chồng nó lục đục, hay cãi nhau, bà hiểu là tại bà, con dâu không muốn sự có mặt của một người thứ ba, xen vào đời sống riêng tư của vợ chồng nó. Duyên biểu lộ sự khó chịu bằng bộ mặt lạnh tanh, và những cái lườm nguýt, những câu mỉa mai, bóng gió. Bà giả vờ như không nghe, không thấy, tính bà vốn hiền lành, xuề xoà, chín bỏ làm mười cho vui cửa vui nhà, dâu con có hỗn hào cũng là tại bà đã làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của vợ chồng nó. 
 
Thật lòng bà không ghét con dâu, bà hiểu nếp sống khác biệt của hai thế hệ già trẻ ở chung trong một nhà, đã tạo ra những xung khắc không thể tránh.  Từ xưa đến nay, chẳng con dâu nào ưa thích sống chung với mẹ chồng, nó bực mình cũng có thể hiểu được, bà biết nó cũng phải chịu đựng bà, như bà đã chịu đựng nó. Duyên đang mang bầu đứa con thứ hai, nó có nóng nảy, cáu kỉnh đôi chút thì cũng bỏ qua, bà tự nhủ không nên để nó tức giận, ảnh hưởng có hại tới đứa bé trong bụng. Nhưng bà đã cố gắng nhẫn nhục, trong khi cô con dâu lại ưa kiếm chuyện, vì vậy bà phải cố tránh những cơ hội chạm mặt nó. Khi Duyên ở nhà, chỉ trừ những bữa ăn phải ngồi chung bàn, thường thì bà vẫn lánh mặt ở trong phòng riêng cho nó khỏi gai mắt, và bà cũng khỏi phải nghe những câu nói cạnh nói khoé, chửi chó mắng mèo của nó, những câu nói hỗn hào mà bà cứ phải nhắm mắt làm ngơ cho qua chuyện. Làm mẹ chồng thời nay khổ hơn là làm dâu thời xưa.
 
Đức không để ý gì đến mẹ, cuộc sống vất vả, khó khăn, hắn bận đi làm tối mắt để nuôi gia đình.  Bà Năm chưa bao giờ mở miệng than thở với con trai, hắn có bao nhiêu chuyện phải lo, bà không muốn Đức phải bận tâm thêm vì bà. 
 
Bà Năm lặng lẽ sống những ngày cuối đời trong ngôi nhà sang trọng, giữa những người thân, mà bà cảm thấy cô đơn như đang sống trong sa mạc. Trong nhà, chỉ có đứa cháu nhỏ là còn thương bà, đứa cháu bà vẫn bồng ẵm từ lúc còn nằm nôi. Con bé kháu khỉnh, giống bố như tạc, là nguồn an ủi duy nhất của bà. Chỉ cần nghe giọng nói ngây thơ, và nhìn khuôn mặt dễ thương, đẹp như thiên thần của nó, là bà quên hết bao nhiêu muộn phiền. Nhưng bé Hân mỗi lúc một xa bà hơn, vì nó đã đến tuổi đi học, quên dần tiếng mẹ đẻ, và mặc dù vẫn rất yêu bà, nhưng nó ít có thì giờ quấn quít bên bà như xưa.
 
Bà thở dài, nếu ông còn sống, bà còn có người tâm sự, nhưng ông chết đã lâu rồi, từ khi Đức mới lên mười tuổi. Mặc dù còn trẻ và có nhan sắc, bao nhiêu người theo đuổi, nhưng bà không tái giá, ở vậy tảo tần nuôi con. Nhờ chịu thương chịu khó, và trời thương Phật độ, bà buôn bán phát tài, lo cho con một cuộc sống đầy đủ, không thua kém những đứa trẻ còn đủ cả cha mẹ. Bà chỉ có mình Đức là đứa con duy nhất, nên bao nhiêu tình thương, và tiền của đều dồn cho nó hết. Thuở nhỏ, Đức ngoan ngoãn, chăm học và học khá giỏi. Năm mười tám tuổi, Đức được học bổng đi du học ở Mỹ. Sắp tốt nghiệp, thì xảy ra biến cố tháng Tư, 1975, Đức ở lại luôn bên đó, mẹ con xa cách nhau từ đấy. 
 
Mãi tới khi Mỹ bang giao với Việt Nam, Đức mới về Việt Nam thăm mẹ.  Xa cách hơn mười năm mới gặp lại, bà Năm vui mừng thấy đứa con trai gầy gò thư sinh của bà ngày nào, bây giờ trở thành một chàng thanh niên to cao, khoẻ mạnh. Nhưng tính tình Đức cũng đổi khác, hắn ham mê vật chất, và chỉ thích làm giầu. Thấy mẹ ở một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang, Đức bàn tính, khuyên mẹ nên bán nhà đi, để qua ở với vợ chồng nó, vì lúc bấy giờ đang có chương trình đoàn tụ. Bà vui vẻ làm theo lời con, còn gì sung sướng cho bằng, khi về già được sống chung với con cháu. Gặp vận may nhà đất đang lên, bà bán rất được giá. Tiền bán nhà bà chỉ giữ lại một ít để tiêu vặt, còn bao nhiêu bà cho hai vợ chồng nó hết, bà già rồi, giữ tiền nhiều mà làm gì chứ?
 
Đức làm giấy bảo lãnh cho mẹ sang Mỹ ở với gia đình hắn. Lúc này hắn đã có vợ và một đứa con gái mới tám tháng. Gia đình hắn sống trong sang giàu, Đức có tất cả những thứ mà người đàn ông nào cũng mơ uớc: vợ đẹp, con khôn, và một ngôi biệt thự khang trang, có hồ bơi sau vườn. Để trả giá cho những tiện nghi sang trọng đó, cả hai vợ chồng hắn đều phải làm việc khá vất vả.
 
Thương các con bận rộn, bà Năm cố gắng chia sẻ bớt công việc. Trước đây, hồi mới sang, bà lãnh nhiệm vụ trông cháu, và nấu ăn cho cả nhà. Nhưng chỉ được vài năm, từ khi bước qua tuổi bẩy mươi, bà thấy trong người yếu đi nhiều, tay chân run rẩy, làm việc gì cũng đánh đổ đánh vỡ tứ tung, và nhất là hay quên tắt bếp. Con dâu sợ cháy nhà, nên khóa gas, không cho bà nấu nướng nữa. Những việc dễ dàng như đi đón cháu, bà cũng không làm được, vì bà không biết lái xe, cũng không biết tiếng Anh để giúp cháu làm bài tập.  Bà buồn rầu thấy mình trở thành người vô dụng, một gánh nặng cho con cái.  Tục ngữ có câu: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày" thật chẳng sai chút nào. 
 
Phải sống nhờ con cũng tủi nhục lắm. Con dâu vốn dĩ không ưa mẹ chồng, nay thấy bà ở không suốt ngày, lại càng chướng mắt. Duyên để lộ sự khó chịu ra mặt, và gây với chồng, cho rằng Đức phải chịu trách nhiệm về những xáo trộn trong gia đình. Từ ngày chàng đem mẹ về đây, mọi thứ, mọi chuyện đều thay đổi, cô cảm thấy mất hết tự do thoải mái. Sự bực bội của Duyên mỗi ngày một tăng, giống như một quả bóng căng hết cỡ, chỉ cần đụng nhẹ là nổ tung... Không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt, làm mọi người đều khó thở.
 
Thế rồi việc phải đến đã đến, một hôm Đức nói với mẹ:

- Duyên và con đã bàn với nhau, tụi con sắp bán cái nhà này, để mua một căn nhỏ hơn. Kinh tế khủng hoảng, tiền mất giá, mọi thứ đều gia tăng mà đồng lương thì vẫn vậy, tụi con không kham nổi căn nhà lớn.
 
Thoạt đầu chưa hiểu rõ ý định của con, thấy nó nói vậy, bà gật đầu ngay:
 
- Ừ con tính cũng phải, ở thu nhỏ lại cho đỡ tốn.
 
Đức cúi mặt không dám nhìn mẹ:
 
- Duyên đã tìm được một căn ưng ý lắm, gần sở làm của cô ấy, trường học cũng trên đường đi, tiện việc đưa đón cháu Hân. Nhưng ngặt nỗi... 
 
Bà ngước mắt chờ đợi, Đức đắn đo một lúc rồi mới tiếp tục:
 
- Căn nhà này hơi nhỏ má à, chỉ có ba phòng…
 
- Nhỏ thì nhỏ, có sao đâu?  Bà chợt ngưng lại, nhìn con dò xét... hay con có ý gì khác, cứ cho má biết. 
 
Bà hỏi giọng run run, bây giờ bà đã lờ mờ đoán hiểu, nhưng không chắc lắm. Đức gãi tai, hơi có vẻ lúng túng:
 
- Con sợ ở chật chội quá, má sẽ không thoải mái.  Nhà con lại sắp sanh, cần có phòng riêng cho đứa bé...
 
Bà Năm cố gượng một nụ cười méo xệch:
 
- Má hiểu rồi, ý con muốn nói là nhà chật, không có chỗ cho má phải không?
 
Đức chậm rãi vừa nói vừa lựa lời:
 
- Con nghĩ má cần có một nơi ở thích hợp với má hơn. Tụi con đi làm suốt ngày, má ở nhà một mình chắc cũng buồn, má cần có bạn để chuyện trò, giải khuây...
 
Bà cười cay đắng, có thật là nó quan tâm đến bà không? Có lần đi làm về, thấy mẹ đang ngồi xem phim cải lương, nó gắt:

- Má tắt đi, nghe hoài nhức đầu lắm. Con ghét cái giọng rên rỉ đó, má coi chi mà coi tối ngày?
 
Một lần người bạn của bà gọi đến, bà chưa kịp nhấc điện thoại thì con dâu đã giằng lấy, thản nhiên trả lời:
 
- Hỏi má chồng tôi hả? Bả đi vắng rồi, không có nhà.
 
Lúc đó Đức cũng có mặt, chỉ thấy nó hơi chau mày, nhưng không nói gì, Đức vẫn thường làm ngơ, mỗi khi chứng kiến vợ nó hỗn hào với mẹ. Bà im lặng nghe con nói tiếp:
 
- Mấy tháng nay tụi con đã để ý tìm cho má một nơi ở tốt lắm. Ngôi nhà rộng rãi mát mẻ, có vườn tược, cây cối để má dạo chơi, có người nấu ăn, hầu hạ, và có khối các cụ già để má tha hồ bầu bạn...
 
- Có cả y tá và nhân viên điều dưỡng nữa, phải không con? Bà cười nhạt, nơi đó thì má biết rồi, con khỏi phải dài dòng nữa.
 
Ôi chao! Nó đang tả cái viện dưỡng lão đấy, nơi chứa những xác chết chưa chôn, những thây ma biết đi. Người ta vào đó với tấm thân tàn tạ, và đi ra trong một cái quan tài. Bà rùng mình, gì chứ phải sống giữa những người bệnh tật lê lết, những người lạ khác màu da, không cùng chung ngôn ngữ, phong tục, bà sợ lắm. Viện dưỡng lão từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các cụ già cô đơn. Nhưng bà có cô đơn đâu? Bà có gia đình, có con, có cháu.  Vậy mà...  
 
Bà xua tay ra hiệu cho Đức đừng nói thêm nữa, bà hiểu rồi, con bà đang tìm cách mời khéo bà đi chỗ khác. Tim bà như thắt lại, một cảm giác đau đớn dâng lên, lan nhanh khắp ngực, làm bà choáng váng muốn nghẹn thở. Bà thả rơi người xuống cái ghế xa lông nệm da êm ái, hai tay bà bám chắc lấy thành ghế, mặc cho những móng tay khô cứng làm trầy sát lớp da bọc mịn màng, cái ghế xa lông mà ngày thường bà không dám ngồi, sợ con dâu xót của, cằn nhằn, háy nguýt...
 
Bà ngồi im, chờ cho cơn đau qua đi. Khi gượng lại được, bà đưa mắt nhìn đứa con trai đang đứng trước mặt, giọt máu duy nhất của người chồng đã qua đời để lại, đứa con mà bà thương yêu hơn cả thân bà, đứa con mà bà đã hy sinh cả cuộc đời của bà, để mưu cầu hạnh phúc cho nó. Vậy mà bây giờ nó trả hiếu cho bà bằng cách đó ư? Bà nhắm mắt cố nén cơn đau, dĩ vãng như một khúc phim lại hiện về...
 
Hai ông bà hiếm hoi, lấy nhau gần tám năm mới sanh ra Đức, mà lại sanh thiếu tháng. Lúc mới sanh, Đức chỉ nặng có hơn một kí, phải nuôi trong lồng kính, dây nhợ chằng chịt đầy người, bác sĩ cũng lắc đầu, bảo khó hy vọng.  Bà đã đi hết chùa nọ đến đền kia, để cầu nguyện cho nó, bà van vái Phật trời, xin đổi mạng mình cho con được sống. Thế rồi như một phép lạ, Đức qua cơn nguy kịch và bình phục dần, sau ba tháng nằm bệnh viện, bà sung sướng bế con về nhà. 
 
Vì sanh thiếu tháng, nên thuở nhỏ Đức hay đau ốm, quặt quẹo luôn, chăm lo săn sóc cho nó thật là vất vả. Bà không quản ngại nhiều đêm thức trắng, ẵm bồng, hát ru cho con dễ ngủ. Hàng ngày bà cầu nguyện cho nó hay ăn chóng lớn, khỏi hết mọi bệnh tật, đau ốm... Bà cầu nguyện cho nó khi lớn lên sẽ học giỏi, đỗ đạt, thành công, có một địa vị cao trong xã hội, một địa vị mà bà không thể vươn tới, vì ít học. Bà cầu cho con bà có đủ mọi thứ mà nó mơ ước.
 
Thế rồi ông mất đi, bà phải lăn xả vào cuộc sống, làm ăn vất vả để nuôi nó.  Bà đã quên mình, quên tuổi xuân, quên hạnh phúc riêng tư của bà, để chỉ nghĩ đến con. Nếu có thể làm gì, bà sẽ làm tất cả để cho nó được sung sướng. Suốt đời bà đã hy sinh cho nó, lần này cũng vậy...
 
Cố ngăn nước mắt cứ chực trào ra, bà nghẹn ngào nói với con:
 
- Khỏi phải nói nhiều. Má sẽ đi khỏi đây, nếu điều đó làm cho cuộc sống của con dễ thở hơn.
 
Đức cúi mặt, dấu vẻ ngượng ngùng:
 
- Ồ không má ơi! Con làm vậy là vì má đấy chứ, con nghĩ môi trường mới sẽ tốt cho má hơn.
 
- Má hiểu cả, con không cần nói thêm nữa. Nhưng quãng đời còn lại của má, má sẽ tự quyết định lấy, con khỏi bận tâm.
 
Nói xong bà ra hiệu cho Đức lui ra. Bấy giờ bà mới để mặc cho hai dòng lệ chảy tràn trên đôi má hóp. Bà lặng lẽ khóc, chưa bao giờ bà khóc nhiều thế, bà khóc cho tình đời đen bạc, bà khóc cho thân phận cô đơn của bà, và bà khóc cả cho Đức nữa... Bà biết từ nay nó sẽ sống trong ray rứt mỗi khi nghĩ đến mẹ, bởi vì con người ai cũng có lương tâm, bà cầu cho lương tâm nó được yên ổn. Cuộc đời còn lại của bà nào đáng kể, bà đã hơn bẩy mươi rồi, chẳng bao lâu nữa, tấm thân tàn tạ này rồi sẽ đi vào lòng đất, sẽ trở thành cát bụi, theo qui luật tự nhiên của tạo hoá, con người khởi điểm từ hư vô, thì sau chót cũng trở về hư vô. Bà nghĩ thầm, giá chết được thì may quá, nhưng trời chưa cho chết, bà rùng mình nghĩ tới ngày mai... Con bà không tha thiết đến mẹ, thì sự sống hay chết của mẹ cũng chẳng làm nó quan tâm, bà có thân phải tự lo liệu lấy.
 
Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà Năm thấy chỉ có một giải pháp tốt nhất là về lại quê hương, ở với người em gái út không chồng, đi tu từ thuở nhỏ. Dì Út là sư bà, hiện đang trụ trì trong một ngôi chùa bên Gia Định. Bà sẽ xin nương náu nơi cửa Phật, mặc áo nâu sồng, mượn câu kinh tiếng kệ, quên hết chuyện thế gian. Thu xếp xong xuôi mọi việc, bà mới nói cho dâu, con biết quyết định của bà. Đức xẻn lẻn không dám nhìn mẹ, còn Duyên thì không dấu được sự vui mừng lộ ra nét mặt.
 
Mấy tuần lễ cuối cùng rồi cũng trôi qua nhanh chóng. Hôm nay là ngày bà rời khỏi căn nhà này, và sẽ không bao giờ quay lại nữa, con bà mời bà đến chỉ là bất đắc dĩ, và bây giờ cũng chính nó mời bà ra khỏi nhà. Một cảm giác tủi thân làm bà rưng rưng, bà cô đơn lắm, chẳng có ai để kể lể, tâm sự những lúc vui buồn, ngoài người chồng đã khuất. 
 
Nhìn khói hương bay tỏa, bà thấy lòng ấm lên đôi chút, có cảm tưởng ông đang quanh quẩn ở đâu đây, rất gần… Bà ngước nhìn lên khung ảnh của chồng, cái hình đã cũ lắm, ngả màu vàng ố vì thời gian. Dưới ánh nến lung linh, trông ông linh động như người thật, mắt ông đang nhìn bà đăm đăm, như an ủi, vỗ về... Run run vì cảm động, bà chắp tay lên ngực, thì thầm khấn vái:
 
- Tôi biết mình vẫn ở bên tôi, mình không bao giờ bỏ tôi... Hôm nay tôi phải rời khỏi nơi đây, mình theo tôi về quê, mình nhé?
 
Mắt bà mờ đi, chẳng biết vì khói nhang hay nước mắt. Mấy cây nhang đã cháy gần tới chân, chỉ còn vài đốm đỏ vẫn còn đang ngún khói. Bà đợi khi đốm nhang cuối cùng đã tắt, rồi mới run run cầm lấy khung hình của chồng, gói vào một cái khăn mềm, cho vào va li, đóng nắp lại. Bà mở cửa sổ cho khói nhang bay ra, rồi thay quần áo, và đi xuống nhà dưới.
 
Ngang qua phòng khách, bà thấy cô con dâu đã thức và đang ngồi xem TV.  Nghe tiếng chân bà, cô ta chỉ hơi ngẩng đầu, liếc bà một cái thật nhanh rồi lại thản nhiên xem tiếp, coi như không có sự hiện diện của mẹ chồng, nét mặt nó lạnh lùng, không biểu lộ một cảm xúc nào cả. Mặc kệ, đã quá quen với cảnh đó, bà cũng chẳng buồn để ý. 
 
Đi thẳng xuống bếp, bà lấy một nhúm trà cho vào cái ly, rồi đổ nước sôi lên.  Trong khi chờ trà ngấm, bà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, ngoài kia nắng đã lên, có vài con bướm đang bay lượn quanh giàn mướp trổ đầy bông màu vàng.  Bà thừ người đứng ngắm, giàn mướp này do chính tay bà trồng, và chăm lo vun xới, nên xanh tốt lạ lùng. Bà biết Đức thích ăn món lá mướp non xào thịt bò, bố nó ngày xưa thích ăn cá kho tộ và canh mướp nấu với mồng tơi, tôm khô, nên trong vườn nhà bà lúc nào cũng có một giàn mướp. Hạnh phúc của bà là được sống giữa những người thân, chăm lo săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho họ được sung sướng.
 
Nhưng nay thì không được nữa rồi, bà đã mất tất cả... Sẽ chẳng bao giờ bà còn được nấu nướng những món ngon cho chồng con, đã hết rồi cơ hội được bồng ẵm cháu. Ông đã bỏ bà, ông đi không bao giờ về, con cái cũng hắt hủi, xua đuổi mẹ. Bà sắp phải xa mái ấm gia đình, xa đứa con trai duy nhất, xa đứa cháu nội mà bà thương yêu, và nó cũng rất thương bà.
 
Mãi suy nghĩ, bà không nghe tiếng chân trẻ con chạy nhanh trên cầu thang, và chỉ một thoáng, đứa cháu gái bé bỏng đã xuất hiện ngay sau lưng bà.
 
*
 
Sáng nay vừa thức dậy, Hân đã cảm thấy một sự gì hơi khác thường. Cô bé nhìn quanh phòng, không có ai cả, căn nhà dường như vắng hơn mọi ngày.  Ngoài kia nắng đã lên rực sáng khung cửa sổ, vậy là muộn rồi đấy, cô bé vội vã đi ngay xuống nhà dưới. Hân thấy mẹ đang ngồi xem TV, nhưng nó không dừng lại, mà đi thẳng xuống bếp. Bà nội đang đứng tựa cửa nhìn ra ngoài vườn. Không hiểu bà nhìn cái gì mà chăm chú thế? Hân nhìn theo, chẳng thấy có gì đáng chú ý cả. Cô bé nhìn vào mắt bà nội và phát sợ lên, lạ quá, bà ở đây mà như người đang mộng du. Cặp mắt vô hồn của bà làm Hân sợ hãi, cô bé rụt rè nắm lấy áo bà giật giật, khẽ gọi:
 
- Nội ơi!
 
Bấy giờ bà Năm mới giật mình sực tỉnh, quay lại thấy cháu, thì mỉm cười:
 
- Hân mới dậy đó à? Có đói không? Bà làm bữa sáng cho cháu nhé?

Hân gật đầu, nhưng thấy bà vẫn đứng yên, chẳng nghe bà hỏi cháu muốn ăn gì như mọi ngày. Hôm nay bà làm sao vậy? Trông ngẩn ngơ như người mất hồn... Cô nhắc:
 
- Cháu muốn uống sữa và ăn bánh sandwich với thịt nguội.
 
Bà lật đật đi mở tủ lạnh lấy sữa, và nướng sandwich cho cháu. Xong xuôi, bà ngồi uống trà, âu yếm nhìn cháu ăn. Con bé đang đói, nên ăn ngấu nghiến, vừa ăn nó vừa hỏi:

- Bố đâu rồi bà?
 
- Bố cháu đi đổ xăng.
 
- A!  Hân reo lên mừng rỡ, bố sắp đưa cả nhà đi chơi, phải không bà?
 
Nó hỏi vậy, bởi vì mỗi sáng Chủ Nhật, bố vẫn dậy sớm sửa soạn xe, để đưa cả nhà đi chơi xa, ra khỏi thành phố để thay đổi không khí. Hân hơi thất vọng, khi bà nội lắc đầu:
 
- Không, cháu ạ. Hôm nay chỉ mình bà đi thôi. Lát nữa bố sẽ đưa bà ra phi trường.
 
- Bà đi phi trường làm gì vậy?
 
- Bà về Việt Nam.
 
- Việt Nam có xa không bà?
 
- Xa lắm cháu ạ.
 
Ngẫm nghĩ thế nào, Hân vụt hỏi:
 
- Bà đi lâu không?
 
- Ờ, lần này thì... hơi lâu đó.  Mà cháu hỏi làm gì?
 
- Cho cháu đi với!
 
- Không được đâu, Hân phải đi học chứ.
 
Thấy cháu phụng phịu, bà dỗ:
 
- Hân ở nhà ngoan, bà sẽ gởi đồ chơi ở Việt Nam sang cho cháu.
 
- Thế bà không về nữa à?
 
Tới đó thì có tiếng xe ngừng ngay trước nhà. Đức đang bước vô cửa, thoạt nghe thấy thế thì khựng lại, cau mày rầy con:
 
- Hân không được hỏi nữa. Và chàng quay sang mẹ - Sửa soạn xong chưa má? Mình đi sớm một chút, đề phòng kẹt xe.
 
- Má sẵn sàng rồi.
 
Bà nói và khoác cái áo len mỏng lên người. Thấy đứa cháu bé bỏng đang nhìn mình bằng ánh mắt van nài, bà Năm nói với Đức:
 
- Cho Hân đi tiễn má, con nhé? Chẳng biết bao giờ bà cháu mới gặp lại, má nhớ nó lắm.
 
Đức hơi lưỡng lự rồi gật đầu, quay sang con:

- Được, đi thay quần áo đi! Nhưng phải nhanh lên đấy.
 
Chỉ chờ có thế, Hân vội phóng ngay lên thang lầu, vào phòng thay quần áo. Khi nó trở xuống, Duyên uể oải đứng dậy, đi theo con ra cửa. Lúc bấy giờ cô con dâu mới tiễn biệt mẹ chồng bằng một câu nhạt nhẽo:
 
- Má đi mạnh giỏi.
 
- Ờ, con ở nhà giữ gìn sức khoẻ. Chừng nào sanh, nhớ chụp hình đứa nhỏ gởi cho má.
 
- Việc đó thì đã hẳn, má đừng lo.
 
Nói xong Duyên quay sang chồng, dặn:
 
- Lúc về, mình nhớ ghé chợ Tàu, mua cho em con vịt quay.
 
- Anh biết rồi.
 
Đức lên lầu, đem vali xuống, bỏ vào cốp xe phía sau, rồi ngồi vào tay lái.  Bà Năm quay nhìn một lần chót căn nhà bà đã sống với con, cháu mấy năm cuối đời. Một cảm giác nao nao làm bà thấy lòng như quặn lại, mắt mờ lệ, bà cúi xuống xách cái giỏ, theo con trai ra xe. Bé Hân đã nhảy tót lên xe trước, hai bà cháu cùng ngồi ở băng sau.
 
Ra khỏi thành phố, Đức cho xe phóng nhanh trên xa lộ. Trời đã vào thu, lá cây đổi thành màu vàng thật đẹp. Bé Hân ngồi kề bên bà nội, thích thú ngắm các nhà cửa, cây cối hai bên đường, tất cả đều đang chạy thụt lùi. Trời hôm nay nhiều gió, gió rít ào ào bên ngoài nghe như ma hú. Gió làm chiếc xe hơi tròng trành, Hân ngồi sát vào bà nội. Bà ngồi im lìm, dáng cô đơn trông thật tội nghiệp, suốt ngày bà vẫn im lìm như thế, lặng lẽ như một chiếc bóng.
 
Bất giác Hân nhìn lên băng trước, bố nó đang nói chuyện với ai đó, qua điện thoại di động. Cả ngày bố lúc nào cũng bận rộn, ngay cả những lúc lái xe, còn mẹ thì gắt gỏng suốt ngày. Hân sợ phải nghe mẹ cằn nhằn, và thấy bà nội khóc, mỗi lần như vậy, cô thường hay trốn vào phòng riêng, đóng cửa lại. Cô bé không dám chạy nhảy, đùa rỡn vô tư như trước, vì thấy cả nhà ai cũng quạu quọ. Bà nội cũng không nấu nướng những món cô thích nữa. Dạo này Hân thấy bà âu sầu và hay thở dài, đôi khi thấy mắt bà đỏ hoe, cô hỏi thì bà nói là bụi bay vô mắt, nhưng cô biết là không phải vậy. Hân thương bà, nhưng không biết phải an ủi bằng cách nào.
 
Cô bé nắm lấy tay bà, rồi chẳng hiểu nghĩ sao, Hân bỗng gọi bố:
 
- Bố ơi! con không muốn dọn về nhà mới đâu.
 
Đức nói tiếp cho xong câu chuyện với bạn, rồi mới đặt điện thoại xuống, hỏi:
 
- Tại sao thế?
 
- Tại nhà mới không có chỗ cho bà nội.
 
Đức giật mình:
 
- Ai bảo con vậy?
 
- Mẹ nói nhà có ba phòng, một cho bố mẹ, một cho con, còn phòng kia dành cho em bé...
 
- Ừ, phải rồi. Nhà mới không được rộng như nhà này.
 
- Thế sao bố lại dọn đi?
 
- Tại ở đó rẻ hơn.
 
- Bà nội có về nhà mới với mình không bố?
 
- Không con ạ! Bà sẽ về Việt Nam ở, nơi đó thích hợp với bà hơn.
 
- Bà ở đó một mình hả?
 
- Bà ở với một người bà con. Thôi con đừng hỏi nữa, để yên cho bố lái xe.
 
Nhưng con bé vẫn dai dẳng:
 
- Con không muốn dọn nhà, con không muốn bà đi.
 
Đức cau mày khẽ gắt:
 
- Con nít đừng xen vào chuyện của người lớn. Con phải hiểu thời buổi bây giờ khó khăn, kinh tế xuống dốc, mọi người ai cũng phải tiện tặn. Mẹ lại sắp phải nghỉ việc vì sanh em bé, bố không kham nổi căn nhà lớn.
 
Hân lắc đầu, không hiểu gì hết. Quả vậy, những danh từ đó đối với nó rắc rối quá, khó hiểu quá. Nó chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng, cha mẹ nó tìm cách mua nhà nhỏ, để lấy cớ không có chỗ ở cho bà nội. Nếu thật tình yêu thương bà, sao mọi người không chia sẻ? Hân sẵn lòng cho bà ở chung phòng, chỉ giản dị có thế, đâu cần phải đuổi bà? Nhìn hai dòng nước mắt đang lặng lẽ bò trên đôi má nhăn nheo của bà nội, lòng cô thắt lại, cô nắm lấy tay bà dỗ dành, như bà vẫn dỗ dành cô những khi cô dỗi hờn:

- Nội ơi, đừng khóc!
 
Nhưng chính cô cũng không ngăn được nước mắt. Cô nhoài người sang, ngả đầu vào ngực bà, thổn thức. Cô biết rằng lần chia tay này là lần cuối cùng, sẽ chẳng bao giờ cô còn được gặp bà nữa. 
 
Phương Lan 

Reader's Comment
5/31/202512:00:26
Guest
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình là lời bài hát Lòng Mẹ nổi tiếng. Cha mẹ dưa con sang Mỹ để có cuộc sống tốt đẹp nhưng con cái sau khi thành đạt nhiếu nguời hất hủi cha mẹ thật là đáng buồn.
Send comment
Off
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Your Name
Your email address
)
Add a posting
Total View: 234,525
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Thông thường người đời hay nói con cái là hạnh phúc của cha mẹ. Hơi bi quan một chút thì người ta nói con cái giúp cho vợ chồng sống với nhau trọn đời vì con cái giúp họ tập trung vào chúng thay vì nhìn nhau và gây lộn mỗi ngày. Ở phía tiêu cực thì có người cho rằng con cái những chiếc gông mà bố mẹ phải đeo suốt đời. Người Mỹ thì nói rằng con cái giúp cho bố mẹ sống lại đời mình. Nghĩa là, khi có con, nhìn các con đi học mẫu giáo, rồi tiểu học, rồi trung học, bố mẹ như sống lại đời mình lần thứ hai. Họ cũng nói rằng con cái giúp bố mẹ thay đổi và trưởng thành hơn. Tất cả các lối suy nghĩ trên có lẽ đều đúng. Riêng bài này, xin chỉ tập trung vào cái nhìn tích cực của người Mỹ.
Ngôi nhà của họ nằm trên một làng nhỏ ven biển, nơi quanh năm chỉ có nắng và gió. Cuộc sống họ thật đơn sơ, bình yên như tiếng sóng biển rì rào bên ghềnh đá lở; ngày hai lần anh Hai vác tấm lưới cũ trên vai giong thuyền ra khơi vào sớm tinh mơ, rồi trở về lúc chiều tà với tôm cá nhảy lách tách trong thúng. Chị Hai ở nhà loay hoay với mớ hải sản khô, canh chừng thời tiết mưa nắng bất thường của ông trời. Chỉ cần sơ sẩy một chút là bao nhiêu công cán của hai vợ chồng bỏ sông bỏ bể. Cái ăn của con người ở đây luôn khó khăn vì phải phụ thuộc vào thiên nhiên, mà thiên nhiên nơi vùng biển khô cằn này đa phần là khắc nghiệt.
.Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam năm 1973. Bàn cờ thế cuộc đã thay đổi, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu trong đơn độc và tuyệt vọng. Trong những ngày cuối cùng 30 tháng Tư 1975, dân chúng gồm cả lính tráng hay nhân viên công sở của Việt Nam Cộng Hòa đã tiêu hủy, xé đốt hết những giấy tờ hình ảnh có liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” vì sợ Việt Cộng trả thù. Trong khi chồng Mai còn kẹt lại ở đơn vị chưa thấy tăm hơi, Mai đã thay anh đốt đi nhiều hình ảnh lính tráng từ lúc anh tốt nghiệp quân trường Thủ Đức KBC 4100 đến những hình ảnh khác, cứ hình nào anh mặc đồ lính là Mai nhắm mắt nhắm mũi cho vào ngọn lửa...
Chiếc xe bus “Greyhound” lăn bánh chầm chậm vào bến ở Sacramento, miền Bắc của tiểu bang California vào một buổi chiều thu năm 1999 rồi từ từ dừng lại. Tôi bừng tỉnh khi đang ngồi quan sát cảnh vật bên ngoài, bởi mọi thứ, mọi người ở đây đều lạ lẫm đối với tôi vì tôi chỉ mới tới định cư tại quốc gia này có hai tháng thôi! Đứng dậy, vác chiếc ba lô đang để dưới gầm ghế lên vai tôi bước theo những người đi trước rời khỏi xe.
Ba thế hệ gồm có ông bà, cha mẹ và các cháu nội, ngoại cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà là chuyện bình thường, cũng có thể xem là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng phần nào nền văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc hơn ngàn năm trước. Tên gọi bằng chữ Hán Việt TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG nói lên được ý nghĩa cùng sự trân quý của giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Đó là sự đoàn kết, gắn bó các thành viên trong cùng một gia đình với nhau. Sau biến cố ngày 30/04/1975, nhiều gia đình Việt Nam rơi vào cảnh tan đàn, xẻ nghé, trôi dạt khắp nơi trên thế giới, hình thành những cộng đồng người Việt ở từng quốc gia khác nhau. mà lớn nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi tôi đang sống. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025 là tròn 50 năm. Nửa thế kỷ trôi qua tưởng chừng như là giấc mộng. Nghĩ gì đây và làm gì đây để đánh dấu 50 năm ngày mà có “cả triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”?
Tất cả mọi người miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất đang định cư trên đất nước Hoa Kỳ hay các Quốc gia tự do khác, đã từng sống sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai khỏi kinh hoàng giai đoạn ngập đầy nước mắt, sau ngày giải phóng miền Nam. Rồi cách này hay cách khác đồng bào thân yêu của chúng ta lấy sinh mạng đi tìm Tự Do. Những gia đình may mắn đến được bến bờ mong ước. Vùng đất hứa dang rộng vòng tay yêu thương chào đón mọi người, là những người thế hệ thứ nhất, lót đường cho thế hệ kế thừa vươn lên, sau năm mươi năm gieo giống, cánh đồng của người Việt tỵ nạn đã bội thu trong mọi lĩnh vực, Chính Trị, Khoa học, Quân Đội, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư, và nhiều ngành nghề khác, đã làm vẻ vang người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Cung Tiến