Hôm nay,  

Thử Làm Điều Mới Lạ

31/12/202408:39:34(Xem: 542)
Thử làm điều mới lạ 1
Phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas (hình do TG cung cấp) 

 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết dưới đây theo dạng tùy bút ghi lại vài điều mới lạ mà tác giả đã thử và làm được như lời kết ở cuối bài - Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
***
 
Hồi tôi còn đi học đại học ở Mỹ, một vị giáo sư giao cho đám sinh viên chúng tôi bài tập  với chủ đề “ Bước ra khỏi vùng an toàn”. Bài tập này yêu cầu sinh viên phải làm một điều gì đó mà họ không cảm thấy thoải mái hoặc làm điều họ chưa bao giờ làm. Mục đích của bài tập này nhằm để giúp cho sinh viên sau này dễ dàng hợp tác với đồng nghiệp hoặc khách hàng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
 
Là một Phật tử, vì thế, tôi đã chọn đi đến một nhà thờ Công giáo để dự Thánh Lễ và tôi phải viết một bài luận kể lại những trải nghiệm của tôi khi đến dự Thánh Lễ ở nhà thờ Công Giáo ấy. Vì tôi là kẻ ngoại đạo nên lần dự Thánh Lễ đầu tiên, tôi lo lắng và hồi hộp vì tôi cảm thấy lẻ loi trong buổi lễ ấy. Khi mọi người bắt đầu cầu nguyện, tôi không biết cầu nguyện nên tôi ngồi im re như thóc. Sau khi dự lễ ở nhà thờ, tôi về nhà viết bài luận, kể lại những gì tôi đã nghe và thấy. Khi ngồi vào bàn để viết về buổi Thánh lễ, tôi không nhớ được hết trình tự buổi lễ. Vì thế, tôi phải quay lại nhà thờ lần thứ hai để ghi lại những gì tôi quan sát được. Cuối cùng, với nhiều cố gắng, tôi đã hoàn thành bài luận của môn học đó.
 
Trong cuộc đời tôi, có đôi lần tôi thử làm những việc tôi chưa bao giờ làm. Trong suốt thời gian đại dịch Covid, trường học đóng cửa. Ru rú trong nhà và có nhiều thởi gian rãnh rỗi, tôi mày mò tự học làm bánh kem, tự học bắt bông kem tươi, làm các loại bánh của Pháp như bánh sừng bò và bánh Quiche Loraine. Tôi tập luôn cách làm bánh trung thu nướng và bánh dẻo, bánh phục linh, bánh mochi của người Nhật. Tôi đã làm hư không biết bao nhiêu trứng và bột nhưng sau cùng, tôi đã làm thành công các loại bánh kể trên, về độ ngon hay dở còn tùy vào người thưởng thức.
 
Tôi còn có ý định chinh phục dòng bánh Wagashi, một loại bánh nghệ thuật  đẹp mắt được làm từ  bột nếp kết hợp với các loại đậu như đậu trắng và đậu đỏ. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ bắt tay vào làm loại bánh cao cấp này vì sau vài tháng đóng cửa, trường học cho phép một số em học sinh được đi học trở lại trong khi phần đông các em vẫn ở nhà học online. Tôi bắt đầu giã từ “sự nghiệp làm bánh” từ đó.   Người Việt có câu “Thời thế tạo anh hùng”, thế nhưng trong trường hợp của tôi, đại dịch Covid đã tạo ra một thợ làm bánh tại gia. Có thể nói đó là thành công nho nhỏ của tôi trong việc nữ công gia chánh.
 
Gần đây tôi tự học đan len. Vào thời đại internet này, muốn học gì tôi đều vào các trang web để tự học. Sau nhiều cố gắng đan móc rồi tháo ra vì đan sai, đến bây giờ tôi đã có thể tự tay đan những chiếc mũ len và những chiếc khăn choàng cổ xinh xắn cho tôi và cho bạn bè của tôi để giữ ấm cho chúng tôi vào mùa đông rét mướt của nước Mỹ. Trên Facebook có rất nhiều thầy cô dạy vẽ, là một người vẽ không đẹp nhưng các thầy cô dạy vẽ đã hướng dẫn tôi vẽ từng đường nét cơ bản nên tôi đã có thể vẽ được những con thú, những đóa hoa xinh xinh. Trước kia tôi chưa bao giờ vẽ một đóa hoa nào cho ra hồn và chưa bao giờ vẽ được một con vật nào. Tôi phát hiện ra tôi có thêm hai sở thích khác là vẽ và đan móc. Hai sở thích này mang lại cho tôi không ít những niềm vui nho nhỏ khi tôi hoàn thành xong các tác phẩm của mình.
 
Có thể nói, tôi, một lần nữa, đã làm một việc tôi chưa từng làm khi tôi tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức. Hồi nhỏ tôi học văn không giỏi và chưa bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc thi viết nào. Tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ đem lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc khi được viết lên những kỷ niệm và viết về những trải nghiệm của cá nhân tôi ở quê hương thứ hai này. Khi tham gia vào cuộc thi của Việt Báo, tôi bắt đầu chập chững tập viết truyện ngắn và bút ký. Vạn sự khởi đầu nan, tôi đã gặp khó khăn trong việc chuyển tải tâm tư tình cảm của mình vào con chữ. Dần dà, việc viết lách trở nên dễ dàng và thú vị hơn.  Có những lúc tôi vừa viết vừa tủm tỉm cười khi nhớ những kỷ niệm vui. Tôi vui và hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được Việt Báo chọn đăng. Nhân tiện đây, tôi xin cám ơn Ban Biên Tập Việt Báo đã tạo cơ hội cho tôi được trải lòng qua những câu chuyện về đời mình, về quãng thời gian tôi sống ở quê hương thứ hai này.
 
Mùa đông năm nay, một lần nữa, tôi đã làm một việc mà tôi không cảm thấy thoải mái lắm, đó là việc tôi cố gắng nói tiếng Pháp với các cô bán hàng tại phiên chợ mùa đông ở thành phố Dallas. Tôi tự học tiếng Pháp đã nhiều năm nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội nói tiếng Pháp vì vùng tôi ở có rất ít người nói tiếng Pháp.
 
Hồi còn đi học đại học ở Mỹ, chương trình học bắt buộc tôi phải lấy 9 tín chỉ ngoại ngữ. Tôi có thể chọn tiếng Tây Ba Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý v..v... Vì thích nghe nhạc Pháp nên tôi chọn học tiếng Pháp để hiểu nhạc Pháp nhiều hơn. Tôi nghe hoài không chán những bản tình ca Pháp tôi yêu thích như Tombe la Neige, Je ne t’aime plus, L’amour C’est pour rien v..v… Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã yêu thích những bản tình ca này dù tôi không hiểu tiếng Pháp. Ban đầu tôi học tiếng Pháp theo yêu cầu của chương trình đại học, dần dà tôi đâm ra phải lòng ngôn ngữ này. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ khó học, khó ngay cả đối với ngưới Pháp. May mắn thay, tôi đã học xong hết 3 lớp tiếng Pháp theo yêu cầu của trường. Thừa thế xông lên, tôi lấy thêm hai lớp tiếng Pháp nâng cao. Khi vừa học xong hai lớp tiếng Pháp nâng cao cũng đúng lúc tôi hoàn tất các tín chỉ của chương trình đại học và ra trường. Vì thế tôi không còn cơ hội học thêm tiếng Pháp ở trường đại học ở Mỹ.
 
Những năm gần đây, lúc rảnh rỗi, tôi lại tự học tiếng Pháp để khỏi quên thứ ngôn ngữ khó nhưng rất quyến rũ này. Tôi tự nhận trình độ tiếng Pháp của tôi thuộc dạng “thường thường bậc trung”. Người Việt có câu “Không thầy, đố mày làm nên” quả rất đúng trong trường hợp của tôi.  Tôi tự học nên đôi lúc tôi giậm chân tại chỗ, mãi vẫn không thấy tiến bộ. Tôi có thể đọc và hiểu kha khá tiếng Pháp nhưng tôi không nói được tiếng Pháp vì ở nơi tôi ở, tìm người nói tiếng pháp còn khó hơn mò kim dưới đáy biển.
 
Vào ngày 8 tháng 12 năm nay, tôi đến phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas để xem có gì hay ho không. Tôi thích đi các hội chợ Giáng sinh Châu Âu mỗi  khi Giáng Sinh về. Phiên chợ mùa đông ở Dallas này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strasbourg nổi tiếng của Pháp, do trường tư thục Dallas International School và tổ chức Pháp Ngữ Alliance Français de Dallas hợp tác tổ chức. Hàng năm chợ họp vào một ngày duy nhất, thường họp vào một ngày đầu tháng 12 với mục đích đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa và nghệ thuật trong không khí của mùa Giáng Sinh.


Thử làm điều mới lạ 2
(Hình do TG cung cấp)
 
Tôi vẫn biết phiên chợ mùa đông này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strabourg nhưng tôi không hề biết  nhiều người bán hàng ở chợ này là người Mỹ gốc Pháp. Lẽ ra tôi phải đoán được điều này ngay từ đầu. Tuy ở Mỹ đã lâu năm, tôi vẫn không biết có một cộng đồng kha khá người Pháp ở khu Dallas-Richardson, bang Texas. Tôi liên tưởng đến chợ Tết của người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên trong khu chợ Tết của người Việt, hầu hết người bán hàng và người đi chợ sẽ là người Mỹ gốc Việt.
 
Quầy hàng đầu tiên tôi ghé lại, cô bán hàng đứng tuổi chào tôi: Bonjour!
 
May quá, tôi hiểu được tiếng Pháp. Tôi chào lại: “Bonjour, Madame! Vous parlez Français?” (Chào bà, bà nói tiếng Pháp?)
 
Cô bán hàng bèn xổ một tràng tiếng Pháp. Tôi hết hồn vì tôi không hiểu được hết nên tôi vội nói tôi chỉ nói được chút ít tiếng Pháp. Tôi đoán cô mời tôi mua hàng. Tôi quan sát thấy cô bán giỏ xách, quà lưu niệm, những cuốn truyện tranh song ngữ của trẻ em và nhiều món hàng khác, có vài món hàng tôi không biết người mua sẽ làm gì sau khi mua chúng về, chẳng hạn như những miếng vải có vẽ hình thù kì lạ.
 
Tôi như người leo lên lưng cọp vì tôi trót khoe tôi nói được tiếng Pháp chút ít, cố gắng lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi cô bán hàng:
 
- Madame, Il y a beaucoup de Français ici? (Thưa bà, ở đây có nhiều người Mỹ gốc Pháp không?)
 
Cô bán hàng tiếp tục líu lo như chim hót. Tôi không hiểu hết nhưng tôi đoán cô ấy nói có một cộng đồng người Pháp kha khá đang sinh sống tại khu vực này. Cô ấy hỏi tôi một câu mà tôi không hiểu nên tôi không biết phải trả lời ra sao. May thay, lúc ấy có một vài khách hàng đến xem hàng hóa của cô nên tôi vội vàng chào tạm biệt cô và lỉnh sang quầy hàng khác.
 
Tôi đi lòng vòng trong chợ và chỉ xem hàng hóa chứ không dám chào các cô bán hàng nữa. Chợ phiên kiểu Pháp năm nay, giống như mọi năm, bán những món hàng trang trí cho cây thông Noel, hàng gốm sứ nghệ thuật, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các loại bánh pháp như bánh sừng bò croissant và một số loại bánh khác như Chocolate muffin, bánh cookies, các loại kẹo Giáng sinh, bánh xăng uýt và nước ngọt. Một vài quầy hàng bán thiệp Giáng sinh rất đẹp. Một quầy hàng bán cả thức ăn cho thú cưng (dog treats) và bán nữ trang giả, kẹp nơ, túi xách v..v.
 
Thực sự tôi rất thích tiếng Pháp dù tôi không nói được nhiều. Tôi yêu tiếng Pháp vì mỗi khi nghe người Pháp nói, âm thanh nghe rất đẹp và hay dù tôi không hiểu hết. Vì vậy, tôi muốn tận dụng cơ hội này để nói vài câu bập bẹ với các cô bán hàng. Tôi đến bên quầy một phụ nữ  nhỏ nhắn và đứa con gái nhỏ của cô ấy. Họ bán những vật dụng trang trí cho cây thông Noel. Tôi chào cô ấy và hỏi cô ấy có nói tiếng Pháp được không. Cô bán hàng nói cô ấy là người Paris. Cô hỏi tôi quê quán ở đâu. Tôi nói tôi là người Việt Nam. Cô ấy nói Việt Nam và Pháp là hai nước có mối dây thân tình với nhau vì lịch sử của hai nước có liên quan với nhau. Tôi vừa nghe cô ấy nói vừa đoán. Dĩ nhiên tôi nói rất ít, nghe nhiều hơn. Tôi hỏi cô ấy có bao giờ coi cuốn phim L’indochine (Đông Dương) chưa vì tôi rất thích cuốn phim ấy. Như bắt được cùng tần số, cô ấy nói huyên thuyên về cuốn phim Đông Dương nhưng tôi chỉ hiểu được sơ sơ. Vì vốn tiếng pháp của tôi hạn chế nên tôi không thể diễn tả được vì sao tôi thích cuốn phim ấy. Thay vì tiếp tục nói về cuốn phim, tôi chen vào một câu lãng xẹt, không ăn nhập gì với mạch câu chuyện, có lẽ chắc tại câu này tôi thuộc lòng một cách máy móc.
 
- Je m’apprends le Français depuis longtemps. (Tôi tự học tiếng pháp đã nhiều năm rồi).
 
Cô ấy ngớ người ra nhìn tôi. Lúc này tôi ước gì đất ở dưới chân tôi nứt ra để tôi độn thổ cho lẹ. May sao lúc ấy có một cặp vợ chồng bước tới quầy của cô ấy. Tôi mừng rỡ tạm biệt cô ấy và lẻn sang hàng khác. Tôi thở phào, như thoát được một kiếp nạn.
 
Tôi tiếp tục lang thang trong chợ. Đến bên một quầy bán đồng phục cũ của học sinh sát bên quầy hàng bán thiệp Giáng Sinh, tôi tò mò đứng lại xem, tự hỏi những bộ đồng phục áo trắng quần xanh có liên quan gì tới chợ Giáng Sinh kiểu Pháp. Thấy tôi tò mò đứng lại xem, cô bán hàng tiến lại gần tôi. Người Việt có câu thành ngữ “Quá Tam Ba Bận”để khuyên can một người nên dừng làm một điều gì sau ba lần thất bại. Tôi mới thất bại hai lần, tôi cho mình thêm một cơ hội nữa.
 
Sau khi tôi chào cô bán hàng, tôi hỏi cô ấy có nói được tiếng Pháp không. Giống như hai cô bán hàng kia, cô thứ ba bắn tiếng pháp còn nhanh hơn gió. Người Pháp nổi tiếng nói nhanh. Tôi khớp quá, vốn tiếng Pháp trong đầu tôi bỗng dưng “cuốn theo chiều gió”, bay đi đâu mất tiêu. Tôi phạm một lỗi cơ bản nhưng trầm trọng: Thay vì dùng ngôi “Vous” cho lịch sự, tôi dùng ngôi Tu để xưng hô với cô ấy. Vì căng thẳng nên tôi chả nhớ được tôi đã hỏi cô ấy câu gì vì sau khi hỏi xong, tôi vã mồ hôi hột vì tôi biết tôi đã phạm một sai lầm chết người. Tôi vội vã xin lỗi cô ấy và tôi chuyển sang nói tiếng Mỹ cho bớt sai sót.
 
Cô bán hàng cho tôi biết cô ấy bán đồng phục học sinh để gây quỹ cho trường Dallas International School. Đây là một trường tư thục có chương trình giảng dạy song ngữ:  tiếng Pháp- tiếng Anh và tiếng Pháp- Tiếng Tây Ba Nha. Cô ấy nói trước nạn dịch Covid, có rất nhiều người bán hàng đem hàng hóa tới phiên chợ này để giao lưu buôn bán. Năm nay chỉ có khoảng 40 gian hàng buôn bán ở chợ này. Cô ấy là một giáo viên của ngôi trường Dallas International School. Cô ấy cho tôi địa chỉ email nếu tôi muốn viết thư cho cô ấy bằng tiếng Pháp để tôi khỏi quên tiếng Pháp. Tôi trở thành bạn viết thư của Nicole kể từ hôm ấy.
 
Tôi có chút thất vọng vì chợ này trang trí không đẹp bằng các phiên chợ phong cách Châu Âu khác ở Mỹ và hàng hóa không nhiều và không đa dạng. Tuy nhiên, điểm son của phiên chợ này là trẻ em được chụp hình miễn phí với ông già Noel.
 
Mặc dù tôi chưa giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp, tôi đã cố gắng vượt lên chính mình để làm một việc mà ngày thường tôi không có cơ hội để làm. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên thử phiên lưu, mạo hiểm chút đỉnh và làm những điều gì mình chưa bao giờ làm, biết đâu chúng ta sẽ đạt những thành công nho nhỏ trong cuộc sống hoặc ít ra chúng ta sẽ có thêm một vài người bạn mới.
 
Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
Mùa đông năm tới, tôi có hẹn với Nicole ở chợ Giáng Sinh Dallas. Và tôi hy vọng sẽ được nói tiếng Pháp vào lúc đó.
 
 
Nhị Độ Hoàng Mai
Tháng 12, 2024

Ý kiến bạn đọc
07/01/202522:53:24
Khách
Cảm ơn Tác Giả miết bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,724
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Cung Tiến