Hôm nay,  

Thử Làm Điều Mới Lạ

31/12/202408:39:34(Xem: 548)
Thử làm điều mới lạ 1
Phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas (hình do TG cung cấp) 

 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết dưới đây theo dạng tùy bút ghi lại vài điều mới lạ mà tác giả đã thử và làm được như lời kết ở cuối bài - Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
***
 
Hồi tôi còn đi học đại học ở Mỹ, một vị giáo sư giao cho đám sinh viên chúng tôi bài tập  với chủ đề “ Bước ra khỏi vùng an toàn”. Bài tập này yêu cầu sinh viên phải làm một điều gì đó mà họ không cảm thấy thoải mái hoặc làm điều họ chưa bao giờ làm. Mục đích của bài tập này nhằm để giúp cho sinh viên sau này dễ dàng hợp tác với đồng nghiệp hoặc khách hàng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
 
Là một Phật tử, vì thế, tôi đã chọn đi đến một nhà thờ Công giáo để dự Thánh Lễ và tôi phải viết một bài luận kể lại những trải nghiệm của tôi khi đến dự Thánh Lễ ở nhà thờ Công Giáo ấy. Vì tôi là kẻ ngoại đạo nên lần dự Thánh Lễ đầu tiên, tôi lo lắng và hồi hộp vì tôi cảm thấy lẻ loi trong buổi lễ ấy. Khi mọi người bắt đầu cầu nguyện, tôi không biết cầu nguyện nên tôi ngồi im re như thóc. Sau khi dự lễ ở nhà thờ, tôi về nhà viết bài luận, kể lại những gì tôi đã nghe và thấy. Khi ngồi vào bàn để viết về buổi Thánh lễ, tôi không nhớ được hết trình tự buổi lễ. Vì thế, tôi phải quay lại nhà thờ lần thứ hai để ghi lại những gì tôi quan sát được. Cuối cùng, với nhiều cố gắng, tôi đã hoàn thành bài luận của môn học đó.
 
Trong cuộc đời tôi, có đôi lần tôi thử làm những việc tôi chưa bao giờ làm. Trong suốt thời gian đại dịch Covid, trường học đóng cửa. Ru rú trong nhà và có nhiều thởi gian rãnh rỗi, tôi mày mò tự học làm bánh kem, tự học bắt bông kem tươi, làm các loại bánh của Pháp như bánh sừng bò và bánh Quiche Loraine. Tôi tập luôn cách làm bánh trung thu nướng và bánh dẻo, bánh phục linh, bánh mochi của người Nhật. Tôi đã làm hư không biết bao nhiêu trứng và bột nhưng sau cùng, tôi đã làm thành công các loại bánh kể trên, về độ ngon hay dở còn tùy vào người thưởng thức.
 
Tôi còn có ý định chinh phục dòng bánh Wagashi, một loại bánh nghệ thuật  đẹp mắt được làm từ  bột nếp kết hợp với các loại đậu như đậu trắng và đậu đỏ. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ bắt tay vào làm loại bánh cao cấp này vì sau vài tháng đóng cửa, trường học cho phép một số em học sinh được đi học trở lại trong khi phần đông các em vẫn ở nhà học online. Tôi bắt đầu giã từ “sự nghiệp làm bánh” từ đó.   Người Việt có câu “Thời thế tạo anh hùng”, thế nhưng trong trường hợp của tôi, đại dịch Covid đã tạo ra một thợ làm bánh tại gia. Có thể nói đó là thành công nho nhỏ của tôi trong việc nữ công gia chánh.
 
Gần đây tôi tự học đan len. Vào thời đại internet này, muốn học gì tôi đều vào các trang web để tự học. Sau nhiều cố gắng đan móc rồi tháo ra vì đan sai, đến bây giờ tôi đã có thể tự tay đan những chiếc mũ len và những chiếc khăn choàng cổ xinh xắn cho tôi và cho bạn bè của tôi để giữ ấm cho chúng tôi vào mùa đông rét mướt của nước Mỹ. Trên Facebook có rất nhiều thầy cô dạy vẽ, là một người vẽ không đẹp nhưng các thầy cô dạy vẽ đã hướng dẫn tôi vẽ từng đường nét cơ bản nên tôi đã có thể vẽ được những con thú, những đóa hoa xinh xinh. Trước kia tôi chưa bao giờ vẽ một đóa hoa nào cho ra hồn và chưa bao giờ vẽ được một con vật nào. Tôi phát hiện ra tôi có thêm hai sở thích khác là vẽ và đan móc. Hai sở thích này mang lại cho tôi không ít những niềm vui nho nhỏ khi tôi hoàn thành xong các tác phẩm của mình.
 
Có thể nói, tôi, một lần nữa, đã làm một việc tôi chưa từng làm khi tôi tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức. Hồi nhỏ tôi học văn không giỏi và chưa bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc thi viết nào. Tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ đem lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc khi được viết lên những kỷ niệm và viết về những trải nghiệm của cá nhân tôi ở quê hương thứ hai này. Khi tham gia vào cuộc thi của Việt Báo, tôi bắt đầu chập chững tập viết truyện ngắn và bút ký. Vạn sự khởi đầu nan, tôi đã gặp khó khăn trong việc chuyển tải tâm tư tình cảm của mình vào con chữ. Dần dà, việc viết lách trở nên dễ dàng và thú vị hơn.  Có những lúc tôi vừa viết vừa tủm tỉm cười khi nhớ những kỷ niệm vui. Tôi vui và hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được Việt Báo chọn đăng. Nhân tiện đây, tôi xin cám ơn Ban Biên Tập Việt Báo đã tạo cơ hội cho tôi được trải lòng qua những câu chuyện về đời mình, về quãng thời gian tôi sống ở quê hương thứ hai này.
 
Mùa đông năm nay, một lần nữa, tôi đã làm một việc mà tôi không cảm thấy thoải mái lắm, đó là việc tôi cố gắng nói tiếng Pháp với các cô bán hàng tại phiên chợ mùa đông ở thành phố Dallas. Tôi tự học tiếng Pháp đã nhiều năm nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội nói tiếng Pháp vì vùng tôi ở có rất ít người nói tiếng Pháp.
 
Hồi còn đi học đại học ở Mỹ, chương trình học bắt buộc tôi phải lấy 9 tín chỉ ngoại ngữ. Tôi có thể chọn tiếng Tây Ba Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý v..v... Vì thích nghe nhạc Pháp nên tôi chọn học tiếng Pháp để hiểu nhạc Pháp nhiều hơn. Tôi nghe hoài không chán những bản tình ca Pháp tôi yêu thích như Tombe la Neige, Je ne t’aime plus, L’amour C’est pour rien v..v… Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã yêu thích những bản tình ca này dù tôi không hiểu tiếng Pháp. Ban đầu tôi học tiếng Pháp theo yêu cầu của chương trình đại học, dần dà tôi đâm ra phải lòng ngôn ngữ này. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ khó học, khó ngay cả đối với ngưới Pháp. May mắn thay, tôi đã học xong hết 3 lớp tiếng Pháp theo yêu cầu của trường. Thừa thế xông lên, tôi lấy thêm hai lớp tiếng Pháp nâng cao. Khi vừa học xong hai lớp tiếng Pháp nâng cao cũng đúng lúc tôi hoàn tất các tín chỉ của chương trình đại học và ra trường. Vì thế tôi không còn cơ hội học thêm tiếng Pháp ở trường đại học ở Mỹ.
 
Những năm gần đây, lúc rảnh rỗi, tôi lại tự học tiếng Pháp để khỏi quên thứ ngôn ngữ khó nhưng rất quyến rũ này. Tôi tự nhận trình độ tiếng Pháp của tôi thuộc dạng “thường thường bậc trung”. Người Việt có câu “Không thầy, đố mày làm nên” quả rất đúng trong trường hợp của tôi.  Tôi tự học nên đôi lúc tôi giậm chân tại chỗ, mãi vẫn không thấy tiến bộ. Tôi có thể đọc và hiểu kha khá tiếng Pháp nhưng tôi không nói được tiếng Pháp vì ở nơi tôi ở, tìm người nói tiếng pháp còn khó hơn mò kim dưới đáy biển.
 
Vào ngày 8 tháng 12 năm nay, tôi đến phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas để xem có gì hay ho không. Tôi thích đi các hội chợ Giáng sinh Châu Âu mỗi  khi Giáng Sinh về. Phiên chợ mùa đông ở Dallas này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strasbourg nổi tiếng của Pháp, do trường tư thục Dallas International School và tổ chức Pháp Ngữ Alliance Français de Dallas hợp tác tổ chức. Hàng năm chợ họp vào một ngày duy nhất, thường họp vào một ngày đầu tháng 12 với mục đích đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa và nghệ thuật trong không khí của mùa Giáng Sinh.


Thử làm điều mới lạ 2
(Hình do TG cung cấp)
 
Tôi vẫn biết phiên chợ mùa đông này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strabourg nhưng tôi không hề biết  nhiều người bán hàng ở chợ này là người Mỹ gốc Pháp. Lẽ ra tôi phải đoán được điều này ngay từ đầu. Tuy ở Mỹ đã lâu năm, tôi vẫn không biết có một cộng đồng kha khá người Pháp ở khu Dallas-Richardson, bang Texas. Tôi liên tưởng đến chợ Tết của người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên trong khu chợ Tết của người Việt, hầu hết người bán hàng và người đi chợ sẽ là người Mỹ gốc Việt.
 
Quầy hàng đầu tiên tôi ghé lại, cô bán hàng đứng tuổi chào tôi: Bonjour!
 
May quá, tôi hiểu được tiếng Pháp. Tôi chào lại: “Bonjour, Madame! Vous parlez Français?” (Chào bà, bà nói tiếng Pháp?)
 
Cô bán hàng bèn xổ một tràng tiếng Pháp. Tôi hết hồn vì tôi không hiểu được hết nên tôi vội nói tôi chỉ nói được chút ít tiếng Pháp. Tôi đoán cô mời tôi mua hàng. Tôi quan sát thấy cô bán giỏ xách, quà lưu niệm, những cuốn truyện tranh song ngữ của trẻ em và nhiều món hàng khác, có vài món hàng tôi không biết người mua sẽ làm gì sau khi mua chúng về, chẳng hạn như những miếng vải có vẽ hình thù kì lạ.
 
Tôi như người leo lên lưng cọp vì tôi trót khoe tôi nói được tiếng Pháp chút ít, cố gắng lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi cô bán hàng:
 
- Madame, Il y a beaucoup de Français ici? (Thưa bà, ở đây có nhiều người Mỹ gốc Pháp không?)
 
Cô bán hàng tiếp tục líu lo như chim hót. Tôi không hiểu hết nhưng tôi đoán cô ấy nói có một cộng đồng người Pháp kha khá đang sinh sống tại khu vực này. Cô ấy hỏi tôi một câu mà tôi không hiểu nên tôi không biết phải trả lời ra sao. May thay, lúc ấy có một vài khách hàng đến xem hàng hóa của cô nên tôi vội vàng chào tạm biệt cô và lỉnh sang quầy hàng khác.
 
Tôi đi lòng vòng trong chợ và chỉ xem hàng hóa chứ không dám chào các cô bán hàng nữa. Chợ phiên kiểu Pháp năm nay, giống như mọi năm, bán những món hàng trang trí cho cây thông Noel, hàng gốm sứ nghệ thuật, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các loại bánh pháp như bánh sừng bò croissant và một số loại bánh khác như Chocolate muffin, bánh cookies, các loại kẹo Giáng sinh, bánh xăng uýt và nước ngọt. Một vài quầy hàng bán thiệp Giáng sinh rất đẹp. Một quầy hàng bán cả thức ăn cho thú cưng (dog treats) và bán nữ trang giả, kẹp nơ, túi xách v..v.
 
Thực sự tôi rất thích tiếng Pháp dù tôi không nói được nhiều. Tôi yêu tiếng Pháp vì mỗi khi nghe người Pháp nói, âm thanh nghe rất đẹp và hay dù tôi không hiểu hết. Vì vậy, tôi muốn tận dụng cơ hội này để nói vài câu bập bẹ với các cô bán hàng. Tôi đến bên quầy một phụ nữ  nhỏ nhắn và đứa con gái nhỏ của cô ấy. Họ bán những vật dụng trang trí cho cây thông Noel. Tôi chào cô ấy và hỏi cô ấy có nói tiếng Pháp được không. Cô bán hàng nói cô ấy là người Paris. Cô hỏi tôi quê quán ở đâu. Tôi nói tôi là người Việt Nam. Cô ấy nói Việt Nam và Pháp là hai nước có mối dây thân tình với nhau vì lịch sử của hai nước có liên quan với nhau. Tôi vừa nghe cô ấy nói vừa đoán. Dĩ nhiên tôi nói rất ít, nghe nhiều hơn. Tôi hỏi cô ấy có bao giờ coi cuốn phim L’indochine (Đông Dương) chưa vì tôi rất thích cuốn phim ấy. Như bắt được cùng tần số, cô ấy nói huyên thuyên về cuốn phim Đông Dương nhưng tôi chỉ hiểu được sơ sơ. Vì vốn tiếng pháp của tôi hạn chế nên tôi không thể diễn tả được vì sao tôi thích cuốn phim ấy. Thay vì tiếp tục nói về cuốn phim, tôi chen vào một câu lãng xẹt, không ăn nhập gì với mạch câu chuyện, có lẽ chắc tại câu này tôi thuộc lòng một cách máy móc.
 
- Je m’apprends le Français depuis longtemps. (Tôi tự học tiếng pháp đã nhiều năm rồi).
 
Cô ấy ngớ người ra nhìn tôi. Lúc này tôi ước gì đất ở dưới chân tôi nứt ra để tôi độn thổ cho lẹ. May sao lúc ấy có một cặp vợ chồng bước tới quầy của cô ấy. Tôi mừng rỡ tạm biệt cô ấy và lẻn sang hàng khác. Tôi thở phào, như thoát được một kiếp nạn.
 
Tôi tiếp tục lang thang trong chợ. Đến bên một quầy bán đồng phục cũ của học sinh sát bên quầy hàng bán thiệp Giáng Sinh, tôi tò mò đứng lại xem, tự hỏi những bộ đồng phục áo trắng quần xanh có liên quan gì tới chợ Giáng Sinh kiểu Pháp. Thấy tôi tò mò đứng lại xem, cô bán hàng tiến lại gần tôi. Người Việt có câu thành ngữ “Quá Tam Ba Bận”để khuyên can một người nên dừng làm một điều gì sau ba lần thất bại. Tôi mới thất bại hai lần, tôi cho mình thêm một cơ hội nữa.
 
Sau khi tôi chào cô bán hàng, tôi hỏi cô ấy có nói được tiếng Pháp không. Giống như hai cô bán hàng kia, cô thứ ba bắn tiếng pháp còn nhanh hơn gió. Người Pháp nổi tiếng nói nhanh. Tôi khớp quá, vốn tiếng Pháp trong đầu tôi bỗng dưng “cuốn theo chiều gió”, bay đi đâu mất tiêu. Tôi phạm một lỗi cơ bản nhưng trầm trọng: Thay vì dùng ngôi “Vous” cho lịch sự, tôi dùng ngôi Tu để xưng hô với cô ấy. Vì căng thẳng nên tôi chả nhớ được tôi đã hỏi cô ấy câu gì vì sau khi hỏi xong, tôi vã mồ hôi hột vì tôi biết tôi đã phạm một sai lầm chết người. Tôi vội vã xin lỗi cô ấy và tôi chuyển sang nói tiếng Mỹ cho bớt sai sót.
 
Cô bán hàng cho tôi biết cô ấy bán đồng phục học sinh để gây quỹ cho trường Dallas International School. Đây là một trường tư thục có chương trình giảng dạy song ngữ:  tiếng Pháp- tiếng Anh và tiếng Pháp- Tiếng Tây Ba Nha. Cô ấy nói trước nạn dịch Covid, có rất nhiều người bán hàng đem hàng hóa tới phiên chợ này để giao lưu buôn bán. Năm nay chỉ có khoảng 40 gian hàng buôn bán ở chợ này. Cô ấy là một giáo viên của ngôi trường Dallas International School. Cô ấy cho tôi địa chỉ email nếu tôi muốn viết thư cho cô ấy bằng tiếng Pháp để tôi khỏi quên tiếng Pháp. Tôi trở thành bạn viết thư của Nicole kể từ hôm ấy.
 
Tôi có chút thất vọng vì chợ này trang trí không đẹp bằng các phiên chợ phong cách Châu Âu khác ở Mỹ và hàng hóa không nhiều và không đa dạng. Tuy nhiên, điểm son của phiên chợ này là trẻ em được chụp hình miễn phí với ông già Noel.
 
Mặc dù tôi chưa giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp, tôi đã cố gắng vượt lên chính mình để làm một việc mà ngày thường tôi không có cơ hội để làm. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên thử phiên lưu, mạo hiểm chút đỉnh và làm những điều gì mình chưa bao giờ làm, biết đâu chúng ta sẽ đạt những thành công nho nhỏ trong cuộc sống hoặc ít ra chúng ta sẽ có thêm một vài người bạn mới.
 
Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
Mùa đông năm tới, tôi có hẹn với Nicole ở chợ Giáng Sinh Dallas. Và tôi hy vọng sẽ được nói tiếng Pháp vào lúc đó.
 
 
Nhị Độ Hoàng Mai
Tháng 12, 2024

Ý kiến bạn đọc
07/01/202522:53:24
Khách
Cảm ơn Tác Giả miết bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,862
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ...
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn… Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về...
" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."
Tháng Sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp. Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự nhiều buổi lễ và sinh hoạt trong cộng đồng. Trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” do hội Phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.” Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một...
rên bàn thờ cúng 12 bà mụ đầy tháng thằng cu Tí, mẹ tôi bầy nào xôi gấc, chè hương, bánh ga-tô, mâm trái cây ngũ quả, hoa lan tươi thắm, những ly nước nhỏ, nhang đèn nghi ngút khói, hai đĩa thịt vịt đầy ắp để trên một bàn khác để cho khách dùng bữa, còn trên bàn thờ chỉ bầy đồ chay cúng cho các bà mụ, tránh sát sinh cho cuộc sống bắt đầu của cháu được nhẹ nhàng. Chỉ một chớp mắt cu Tý đã được một tháng tuổi, cứng cáp hơn một chút, tiếng khóc to, rõ hơn và có vẻ biết mè nheo hơn. Cho con bú xong, vỗ nhẹ lưng cho tiêu, đặt con nằm vào giường của nó; nhìn nó ngon giấc, làm tôi nhớ lại những tháng ngày chật vật, chỉ mới cách đây một năm thôi, tôi rùng mình hồi tưởng, tưởng chừng đã không có sự hiện hữu của sinh linh bé nhỏ yêu quý của ngày hôm nay...
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
Nhạc sĩ Cung Tiến