Hôm nay,  

Thử Làm Điều Mới Lạ

31/12/202408:39:34(Xem: 553)
Thử làm điều mới lạ 1
Phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas (hình do TG cung cấp) 

 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết dưới đây theo dạng tùy bút ghi lại vài điều mới lạ mà tác giả đã thử và làm được như lời kết ở cuối bài - Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
***
 
Hồi tôi còn đi học đại học ở Mỹ, một vị giáo sư giao cho đám sinh viên chúng tôi bài tập  với chủ đề “ Bước ra khỏi vùng an toàn”. Bài tập này yêu cầu sinh viên phải làm một điều gì đó mà họ không cảm thấy thoải mái hoặc làm điều họ chưa bao giờ làm. Mục đích của bài tập này nhằm để giúp cho sinh viên sau này dễ dàng hợp tác với đồng nghiệp hoặc khách hàng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
 
Là một Phật tử, vì thế, tôi đã chọn đi đến một nhà thờ Công giáo để dự Thánh Lễ và tôi phải viết một bài luận kể lại những trải nghiệm của tôi khi đến dự Thánh Lễ ở nhà thờ Công Giáo ấy. Vì tôi là kẻ ngoại đạo nên lần dự Thánh Lễ đầu tiên, tôi lo lắng và hồi hộp vì tôi cảm thấy lẻ loi trong buổi lễ ấy. Khi mọi người bắt đầu cầu nguyện, tôi không biết cầu nguyện nên tôi ngồi im re như thóc. Sau khi dự lễ ở nhà thờ, tôi về nhà viết bài luận, kể lại những gì tôi đã nghe và thấy. Khi ngồi vào bàn để viết về buổi Thánh lễ, tôi không nhớ được hết trình tự buổi lễ. Vì thế, tôi phải quay lại nhà thờ lần thứ hai để ghi lại những gì tôi quan sát được. Cuối cùng, với nhiều cố gắng, tôi đã hoàn thành bài luận của môn học đó.
 
Trong cuộc đời tôi, có đôi lần tôi thử làm những việc tôi chưa bao giờ làm. Trong suốt thời gian đại dịch Covid, trường học đóng cửa. Ru rú trong nhà và có nhiều thởi gian rãnh rỗi, tôi mày mò tự học làm bánh kem, tự học bắt bông kem tươi, làm các loại bánh của Pháp như bánh sừng bò và bánh Quiche Loraine. Tôi tập luôn cách làm bánh trung thu nướng và bánh dẻo, bánh phục linh, bánh mochi của người Nhật. Tôi đã làm hư không biết bao nhiêu trứng và bột nhưng sau cùng, tôi đã làm thành công các loại bánh kể trên, về độ ngon hay dở còn tùy vào người thưởng thức.
 
Tôi còn có ý định chinh phục dòng bánh Wagashi, một loại bánh nghệ thuật  đẹp mắt được làm từ  bột nếp kết hợp với các loại đậu như đậu trắng và đậu đỏ. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ bắt tay vào làm loại bánh cao cấp này vì sau vài tháng đóng cửa, trường học cho phép một số em học sinh được đi học trở lại trong khi phần đông các em vẫn ở nhà học online. Tôi bắt đầu giã từ “sự nghiệp làm bánh” từ đó.   Người Việt có câu “Thời thế tạo anh hùng”, thế nhưng trong trường hợp của tôi, đại dịch Covid đã tạo ra một thợ làm bánh tại gia. Có thể nói đó là thành công nho nhỏ của tôi trong việc nữ công gia chánh.
 
Gần đây tôi tự học đan len. Vào thời đại internet này, muốn học gì tôi đều vào các trang web để tự học. Sau nhiều cố gắng đan móc rồi tháo ra vì đan sai, đến bây giờ tôi đã có thể tự tay đan những chiếc mũ len và những chiếc khăn choàng cổ xinh xắn cho tôi và cho bạn bè của tôi để giữ ấm cho chúng tôi vào mùa đông rét mướt của nước Mỹ. Trên Facebook có rất nhiều thầy cô dạy vẽ, là một người vẽ không đẹp nhưng các thầy cô dạy vẽ đã hướng dẫn tôi vẽ từng đường nét cơ bản nên tôi đã có thể vẽ được những con thú, những đóa hoa xinh xinh. Trước kia tôi chưa bao giờ vẽ một đóa hoa nào cho ra hồn và chưa bao giờ vẽ được một con vật nào. Tôi phát hiện ra tôi có thêm hai sở thích khác là vẽ và đan móc. Hai sở thích này mang lại cho tôi không ít những niềm vui nho nhỏ khi tôi hoàn thành xong các tác phẩm của mình.
 
Có thể nói, tôi, một lần nữa, đã làm một việc tôi chưa từng làm khi tôi tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức. Hồi nhỏ tôi học văn không giỏi và chưa bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc thi viết nào. Tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ đem lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc khi được viết lên những kỷ niệm và viết về những trải nghiệm của cá nhân tôi ở quê hương thứ hai này. Khi tham gia vào cuộc thi của Việt Báo, tôi bắt đầu chập chững tập viết truyện ngắn và bút ký. Vạn sự khởi đầu nan, tôi đã gặp khó khăn trong việc chuyển tải tâm tư tình cảm của mình vào con chữ. Dần dà, việc viết lách trở nên dễ dàng và thú vị hơn.  Có những lúc tôi vừa viết vừa tủm tỉm cười khi nhớ những kỷ niệm vui. Tôi vui và hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được Việt Báo chọn đăng. Nhân tiện đây, tôi xin cám ơn Ban Biên Tập Việt Báo đã tạo cơ hội cho tôi được trải lòng qua những câu chuyện về đời mình, về quãng thời gian tôi sống ở quê hương thứ hai này.
 
Mùa đông năm nay, một lần nữa, tôi đã làm một việc mà tôi không cảm thấy thoải mái lắm, đó là việc tôi cố gắng nói tiếng Pháp với các cô bán hàng tại phiên chợ mùa đông ở thành phố Dallas. Tôi tự học tiếng Pháp đã nhiều năm nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội nói tiếng Pháp vì vùng tôi ở có rất ít người nói tiếng Pháp.
 
Hồi còn đi học đại học ở Mỹ, chương trình học bắt buộc tôi phải lấy 9 tín chỉ ngoại ngữ. Tôi có thể chọn tiếng Tây Ba Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý v..v... Vì thích nghe nhạc Pháp nên tôi chọn học tiếng Pháp để hiểu nhạc Pháp nhiều hơn. Tôi nghe hoài không chán những bản tình ca Pháp tôi yêu thích như Tombe la Neige, Je ne t’aime plus, L’amour C’est pour rien v..v… Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã yêu thích những bản tình ca này dù tôi không hiểu tiếng Pháp. Ban đầu tôi học tiếng Pháp theo yêu cầu của chương trình đại học, dần dà tôi đâm ra phải lòng ngôn ngữ này. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ khó học, khó ngay cả đối với ngưới Pháp. May mắn thay, tôi đã học xong hết 3 lớp tiếng Pháp theo yêu cầu của trường. Thừa thế xông lên, tôi lấy thêm hai lớp tiếng Pháp nâng cao. Khi vừa học xong hai lớp tiếng Pháp nâng cao cũng đúng lúc tôi hoàn tất các tín chỉ của chương trình đại học và ra trường. Vì thế tôi không còn cơ hội học thêm tiếng Pháp ở trường đại học ở Mỹ.
 
Những năm gần đây, lúc rảnh rỗi, tôi lại tự học tiếng Pháp để khỏi quên thứ ngôn ngữ khó nhưng rất quyến rũ này. Tôi tự nhận trình độ tiếng Pháp của tôi thuộc dạng “thường thường bậc trung”. Người Việt có câu “Không thầy, đố mày làm nên” quả rất đúng trong trường hợp của tôi.  Tôi tự học nên đôi lúc tôi giậm chân tại chỗ, mãi vẫn không thấy tiến bộ. Tôi có thể đọc và hiểu kha khá tiếng Pháp nhưng tôi không nói được tiếng Pháp vì ở nơi tôi ở, tìm người nói tiếng pháp còn khó hơn mò kim dưới đáy biển.
 
Vào ngày 8 tháng 12 năm nay, tôi đến phiên chợ mùa đông (marché d’hiver) ở thành phố Dallas để xem có gì hay ho không. Tôi thích đi các hội chợ Giáng sinh Châu Âu mỗi  khi Giáng Sinh về. Phiên chợ mùa đông ở Dallas này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strasbourg nổi tiếng của Pháp, do trường tư thục Dallas International School và tổ chức Pháp Ngữ Alliance Français de Dallas hợp tác tổ chức. Hàng năm chợ họp vào một ngày duy nhất, thường họp vào một ngày đầu tháng 12 với mục đích đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa và nghệ thuật trong không khí của mùa Giáng Sinh.


Thử làm điều mới lạ 2
(Hình do TG cung cấp)
 
Tôi vẫn biết phiên chợ mùa đông này là phiên bản của chợ Giáng Sinh Strabourg nhưng tôi không hề biết  nhiều người bán hàng ở chợ này là người Mỹ gốc Pháp. Lẽ ra tôi phải đoán được điều này ngay từ đầu. Tuy ở Mỹ đã lâu năm, tôi vẫn không biết có một cộng đồng kha khá người Pháp ở khu Dallas-Richardson, bang Texas. Tôi liên tưởng đến chợ Tết của người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên trong khu chợ Tết của người Việt, hầu hết người bán hàng và người đi chợ sẽ là người Mỹ gốc Việt.
 
Quầy hàng đầu tiên tôi ghé lại, cô bán hàng đứng tuổi chào tôi: Bonjour!
 
May quá, tôi hiểu được tiếng Pháp. Tôi chào lại: “Bonjour, Madame! Vous parlez Français?” (Chào bà, bà nói tiếng Pháp?)
 
Cô bán hàng bèn xổ một tràng tiếng Pháp. Tôi hết hồn vì tôi không hiểu được hết nên tôi vội nói tôi chỉ nói được chút ít tiếng Pháp. Tôi đoán cô mời tôi mua hàng. Tôi quan sát thấy cô bán giỏ xách, quà lưu niệm, những cuốn truyện tranh song ngữ của trẻ em và nhiều món hàng khác, có vài món hàng tôi không biết người mua sẽ làm gì sau khi mua chúng về, chẳng hạn như những miếng vải có vẽ hình thù kì lạ.
 
Tôi như người leo lên lưng cọp vì tôi trót khoe tôi nói được tiếng Pháp chút ít, cố gắng lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi cô bán hàng:
 
- Madame, Il y a beaucoup de Français ici? (Thưa bà, ở đây có nhiều người Mỹ gốc Pháp không?)
 
Cô bán hàng tiếp tục líu lo như chim hót. Tôi không hiểu hết nhưng tôi đoán cô ấy nói có một cộng đồng người Pháp kha khá đang sinh sống tại khu vực này. Cô ấy hỏi tôi một câu mà tôi không hiểu nên tôi không biết phải trả lời ra sao. May thay, lúc ấy có một vài khách hàng đến xem hàng hóa của cô nên tôi vội vàng chào tạm biệt cô và lỉnh sang quầy hàng khác.
 
Tôi đi lòng vòng trong chợ và chỉ xem hàng hóa chứ không dám chào các cô bán hàng nữa. Chợ phiên kiểu Pháp năm nay, giống như mọi năm, bán những món hàng trang trí cho cây thông Noel, hàng gốm sứ nghệ thuật, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các loại bánh pháp như bánh sừng bò croissant và một số loại bánh khác như Chocolate muffin, bánh cookies, các loại kẹo Giáng sinh, bánh xăng uýt và nước ngọt. Một vài quầy hàng bán thiệp Giáng sinh rất đẹp. Một quầy hàng bán cả thức ăn cho thú cưng (dog treats) và bán nữ trang giả, kẹp nơ, túi xách v..v.
 
Thực sự tôi rất thích tiếng Pháp dù tôi không nói được nhiều. Tôi yêu tiếng Pháp vì mỗi khi nghe người Pháp nói, âm thanh nghe rất đẹp và hay dù tôi không hiểu hết. Vì vậy, tôi muốn tận dụng cơ hội này để nói vài câu bập bẹ với các cô bán hàng. Tôi đến bên quầy một phụ nữ  nhỏ nhắn và đứa con gái nhỏ của cô ấy. Họ bán những vật dụng trang trí cho cây thông Noel. Tôi chào cô ấy và hỏi cô ấy có nói tiếng Pháp được không. Cô bán hàng nói cô ấy là người Paris. Cô hỏi tôi quê quán ở đâu. Tôi nói tôi là người Việt Nam. Cô ấy nói Việt Nam và Pháp là hai nước có mối dây thân tình với nhau vì lịch sử của hai nước có liên quan với nhau. Tôi vừa nghe cô ấy nói vừa đoán. Dĩ nhiên tôi nói rất ít, nghe nhiều hơn. Tôi hỏi cô ấy có bao giờ coi cuốn phim L’indochine (Đông Dương) chưa vì tôi rất thích cuốn phim ấy. Như bắt được cùng tần số, cô ấy nói huyên thuyên về cuốn phim Đông Dương nhưng tôi chỉ hiểu được sơ sơ. Vì vốn tiếng pháp của tôi hạn chế nên tôi không thể diễn tả được vì sao tôi thích cuốn phim ấy. Thay vì tiếp tục nói về cuốn phim, tôi chen vào một câu lãng xẹt, không ăn nhập gì với mạch câu chuyện, có lẽ chắc tại câu này tôi thuộc lòng một cách máy móc.
 
- Je m’apprends le Français depuis longtemps. (Tôi tự học tiếng pháp đã nhiều năm rồi).
 
Cô ấy ngớ người ra nhìn tôi. Lúc này tôi ước gì đất ở dưới chân tôi nứt ra để tôi độn thổ cho lẹ. May sao lúc ấy có một cặp vợ chồng bước tới quầy của cô ấy. Tôi mừng rỡ tạm biệt cô ấy và lẻn sang hàng khác. Tôi thở phào, như thoát được một kiếp nạn.
 
Tôi tiếp tục lang thang trong chợ. Đến bên một quầy bán đồng phục cũ của học sinh sát bên quầy hàng bán thiệp Giáng Sinh, tôi tò mò đứng lại xem, tự hỏi những bộ đồng phục áo trắng quần xanh có liên quan gì tới chợ Giáng Sinh kiểu Pháp. Thấy tôi tò mò đứng lại xem, cô bán hàng tiến lại gần tôi. Người Việt có câu thành ngữ “Quá Tam Ba Bận”để khuyên can một người nên dừng làm một điều gì sau ba lần thất bại. Tôi mới thất bại hai lần, tôi cho mình thêm một cơ hội nữa.
 
Sau khi tôi chào cô bán hàng, tôi hỏi cô ấy có nói được tiếng Pháp không. Giống như hai cô bán hàng kia, cô thứ ba bắn tiếng pháp còn nhanh hơn gió. Người Pháp nổi tiếng nói nhanh. Tôi khớp quá, vốn tiếng Pháp trong đầu tôi bỗng dưng “cuốn theo chiều gió”, bay đi đâu mất tiêu. Tôi phạm một lỗi cơ bản nhưng trầm trọng: Thay vì dùng ngôi “Vous” cho lịch sự, tôi dùng ngôi Tu để xưng hô với cô ấy. Vì căng thẳng nên tôi chả nhớ được tôi đã hỏi cô ấy câu gì vì sau khi hỏi xong, tôi vã mồ hôi hột vì tôi biết tôi đã phạm một sai lầm chết người. Tôi vội vã xin lỗi cô ấy và tôi chuyển sang nói tiếng Mỹ cho bớt sai sót.
 
Cô bán hàng cho tôi biết cô ấy bán đồng phục học sinh để gây quỹ cho trường Dallas International School. Đây là một trường tư thục có chương trình giảng dạy song ngữ:  tiếng Pháp- tiếng Anh và tiếng Pháp- Tiếng Tây Ba Nha. Cô ấy nói trước nạn dịch Covid, có rất nhiều người bán hàng đem hàng hóa tới phiên chợ này để giao lưu buôn bán. Năm nay chỉ có khoảng 40 gian hàng buôn bán ở chợ này. Cô ấy là một giáo viên của ngôi trường Dallas International School. Cô ấy cho tôi địa chỉ email nếu tôi muốn viết thư cho cô ấy bằng tiếng Pháp để tôi khỏi quên tiếng Pháp. Tôi trở thành bạn viết thư của Nicole kể từ hôm ấy.
 
Tôi có chút thất vọng vì chợ này trang trí không đẹp bằng các phiên chợ phong cách Châu Âu khác ở Mỹ và hàng hóa không nhiều và không đa dạng. Tuy nhiên, điểm son của phiên chợ này là trẻ em được chụp hình miễn phí với ông già Noel.
 
Mặc dù tôi chưa giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp, tôi đã cố gắng vượt lên chính mình để làm một việc mà ngày thường tôi không có cơ hội để làm. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên thử phiên lưu, mạo hiểm chút đỉnh và làm những điều gì mình chưa bao giờ làm, biết đâu chúng ta sẽ đạt những thành công nho nhỏ trong cuộc sống hoặc ít ra chúng ta sẽ có thêm một vài người bạn mới.
 
Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn.
 
Mùa đông năm tới, tôi có hẹn với Nicole ở chợ Giáng Sinh Dallas. Và tôi hy vọng sẽ được nói tiếng Pháp vào lúc đó.
 
 
Nhị Độ Hoàng Mai
Tháng 12, 2024

Ý kiến bạn đọc
07/01/202522:53:24
Khách
Cảm ơn Tác Giả miết bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến