Hôm nay,  

Bạn Bè Thân Ở Mỹ

06/12/202400:00:00(Xem: 2712)

phuoc-an-thy lãnh giải về Huế Tết Mậu Thân VVNM tại lễ trao giải VVNM 2018
Tác giả VVNM Phước An Thy
 Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải Đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải Đặc biệt năm 2023. Sau đây lại thêm một bài viết dí dỏm của ông về tính cách và văn hóa ứng xử trong quan hệ bạn bè.
 
***
 
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc.
 
Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
 
Trong công ty, tôi quen Fabien, một người Mỹ đồng trang lứa, cũng là giám đốc ca đêm của tôi. Fabien có bạn gái ở Pháp và thường bay qua thăm cô ấy. Điều khiến tôi ngạc nhiên là Fabien hay nói chuyện với tôi hơn những đồng nghiệp khác, dù tiếng Anh của tôi lúc đó còn rất hạn chế.
 
Lần đầu tôi gặp Fabien là khi tôi đang nói chuyện với sếp nhỏ của tôi. Thấy tôi miệng nói tiếng Anh, kèm theo chân tay khua múa nhiệt tình để diễn tả cho sếp hiểu. Fabien đi ngang qua, nhìn rồi cười nắc nẻ. Thấy tướng sếp Mỹ to cao, oằn người, ôm bụng cười chảy cả nước mắt như vậy, tôi cũng há miệng ra cười. Cười xong, anh ta lau nước mắt, bảo tôi:
 
- Xin lỗi, tôi không có ý gì đâu, nhưng không nhịn cười được.
 
Tôi đáp:
 
- Không sao, tôi quen rồi.
 
Từ đó, Fabien và tôi dần trở nên thân thiết qua những lần trò chuyện và đùa giỡn hài hước trong công việc. Người Mỹ thích nói chuyện giao tiếp và thường nói đùa hài hước kiểu vô thưởng vô phạt và lành mạnh với nhau như vậy. Mới qua Mỹ, thấy các đồng nghiệp hay nói đùa với nhau, nên tôi cũng bắt chước, thật ra tôi không có khiếu hài hước lắm, vì vậy có lần thành công nhưng cũng có lần thất bại ê chề.
 
Tôi không thích vài bạn đồng nghiệp không ý nhị, hay đùa dung tục hoặc lôi những khuyết điểm của người khác ra để trêu chọc. Họ thích thú, tưởng đó là hài hước, nhưng không phải thế, họ đã làm tổn thương và hạ thấp nhân cách của người khác.
 
Biết tiếng Anh của tôi hạn chế, khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, nên Fabien luôn tận tình giúp đỡ. Một hôm tôi đang kéo hàng, Fabien cầm một miếng giấy tiến tới chặn tôi lại, anh ta dán miếng giấy vào xe kéo hàng của tôi. Nhìn vào giấy, tôi thấy có năm chữ tiếng Anh dài. Fabien giải thích đủ kiểu, cũng dùng tay múa máy để tôi hiểu ý nghĩa của những chữ tiếng Anh đó. Anh ta hỏi:
 
- Bạn hiểu không?
 
Tôi gật đầu:
 
- Yes. Tôi hiểu.
 
Anh ta nói tiếp:
 
- Bạn vừa làm vừa học. Trước khi về, vào gặp tôi, nói năm câu có năm chữ này, okay?
 
Tôi nói:
 
- Okay. Cám ơn anh.
 
Fabien có cách dạy từ vựng tiếng Anh rất lạ. Hôm sau cũng thế, anh ta lại dán năm chữ khác vào xe kéo hàng. Anh ta chỉ ngón tay vào tờ giấy, nói với vẻ hăm dọa:
 
- Bạn lo học cái này đi.
 
Tôi cười nói:
 
- Chắc anh phải bỏ việc ở hãng này đi.
 
Fabien ngạc nhiên hỏi:
 
- Tại sao?
 
- Tôi thấy anh nên vào trường dạy học, nhiều học trò, lương cao hơn, chứ ở đây có mỗi học trò là tôi. À, mà anh đừng có mong là tôi trả tiền học đó.
 
Đây là một trong những lần tôi đùa tạm gọi là thành công. Nhờ sự hài hước mà tôi và Fabien gần nhau hơn. Fabien cười ha hả và nói:
 
- Khi nào bạn lên chức thế chỗ tôi thì trả cũng được mà.
 
Anh ta vừa cười vừa bỏ đi vào văn phòng của anh ta. Cứ thế mà vốn từ ngữ tiếng Anh của tôi được nhiều thêm. Làm ca đêm ít người nên không khí, khung cảnh vắng lặng chứ không như ca ngày. Thỉnh thoảng, thấy tôi cặm cụi lau chùi máy móc, Fabien muốn tôi được thư giãn nên đi ngang kêu lớn:
 
- “Eight”!
 
Số Tám tiếng Anh phát âm giống như “Ê”, tưởng anh ta chào, tôi ngước mặt nhìn định chào lại thì anh ta cười và quay mặt đếm:
 
- “Nine, ten, eleven… I got you”.
 
Nhiều lần biết Fabien kêu “Ê” để trêu tôi, nhưng tôi cũng giả bộ ngước mắt nhìn để anh ta có dịp được cười ha hả. Đôi lúc thấy anh ta đang dán mắt vào computer, tôi cũng “Ê” anh ta một tiếng. Thấy anh ta rời mắt khỏi màn hình, tôi đếm, “nine, ten, eleven...”, và cũng cười ha ha, rồi ngoảnh mặt bỏ đi.
 
Khi không có nhiều việc, Fabien gọi tôi vào văn phòng nói đủ thứ chuyện trên đời và tâm sự về tình yêu của anh ta. Tuy không hiểu hết, nhưng tôi chăm chú nghe và cũng kể chuyện của tôi ở Việt Nam cho anh ta nghe.
 
Một lần bạn gái của anh ta từ Pháp sang thăm. Fabien muốn khoe bạn gái của anh ta, nên mời tôi ra “bar” uống rượu. Nói chuyện một lúc, uống vài ly, muốn để hai người ở lại với nhau, nên tôi làm mặt nghiêm trang nói:
 
- Tôi phải đi họp.
 
Anh ta nhướng lông mày hỏi:
 
- Cái gì?
 
- Tôi có hẹn với Tổng thống Bush. (Khi ấy George W. Bush đang là Tổng thống nước Mỹ).
 
Tôi cười và chào hai người ra về.
 
Có một hôm vào hãng, mặt Fabien buồn thiu. Anh ta gọi tôi lên văn phòng:
 
- Bạn có thể ngồi nói chuyện với tôi một lúc không?
 
Tôi nói:
 
- Tôi còn việc chưa làm xong.
 
- Để đó đi, chút nữa tôi ra làm phụ bạn.
 
Rồi anh ta than:
 
- Con tôi bị bệnh!
 
Tôi trợn mắt hỏi:
 
- Anh có con rồi sao? Bệnh gì, có đưa đi bác sĩ chưa?
 
Anh ta gật đầu:
 
- Đưa đi rồi, nhưng bác sĩ nói không chữa được. Nó chết tối hôm qua!
 
Tôi nói:
 
- Chia buồn với anh.
 
Anh ta rướm nước mắt, nói:
 
- Nó nằm chết dưới gầm bàn lúc nào tôi không hay bạn à.
 
Tôi hỏi:
 
- Sao con anh bệnh không nằm trên giường mà nằm dưới gầm bàn.
 
Anh ta đáp:
 
- Nó thường ngủ dưới gầm bàn mà. Bây giờ không còn thấy nó quẩy đuôi mừng rỡ, không còn nghe tiếng sủa mỗi khi đi làm về, tôi buồn quá!
 
Thì ra con chó của anh ta chết. Vậy mà làm tôi lo lắng hỏi han, chia buồn nãy giờ. Thấy anh ta buồn, tôi nói đùa để anh ta vui:
 
- Chỉ là một con chó thôi mà, kiếm một con khác là được.
 
Fabien trợn mắt nhìn tôi vài giây rồi đi ra khỏi phòng. Tôi biết mình đã sai khi đùa không đúng lúc, khi tâm trạng Fabien đang buồn thật sự. Fabien giận, không nói chuyện với tôi mấy ngày. Tôi phải xin lỗi, giải thích với anh ta mỏi cả tay. Mấy ngày sau Fabien mới chịu nói chuyện lại với tôi. Đó là lần đùa thất bại ê chề của tôi, chỉ vì sơ ý một chút, mà tôi xém đánh mất tình bạn với anh ta. Vậy mới thấy, đùa hài hước và đùa vô duyên là rất gần nhau. Lần đó, tôi học được bài học quý giá, đùa giỡn không đúng lúc, đúng mức sẽ làm tổn thương người khác.
 
Một ngày kia đi làm về, tôi thấy căn nhà tôi thuê trọ cháy đen, sụp đổ tan nát vì bị chạm điện. Tất cả vật dụng của tôi cháy hết, chỉ còn mỗi bộ đồng phục của công ty mặc trên người. Vào làm việc, tôi kể chuyện cháy nhà với Fabien. Hôm sau, Fabien mang vào một túi áo quần đưa cho tôi. Anh ta nói:
 
- Bạn lấy về mặc.
 
Tôi chỉ lấy hai cái áo và một cái quần vì quần của anh ta quá rộng so với tôi. Thấy tôi mặc chiếc quần của anh ta, anh ta cười:
 
- Bạn có biết Sác-lô nổi tiếng nhờ mặc cái quần rộng không?
 
Không chỉ vậy, Fabien còn ký một tấm “check” 100 đô la đưa cho tôi. Tôi từ chối vì biết anh ta không có nhiều tiền. Tôi đùa:
 
- Tiền trong nhà băng của tôi có nhiều hơn của anh đấy. Để tiền mà đi thăm người yêu của anh đi.
 
Tình bạn của tôi và Fabien được mấy năm thì xảy ra vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sự kiện này đã làm suy thoái nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Ông chủ công ty cầm cự không nổi, đành đóng cửa. Vậy là tất cả chúng tôi đều bị thất nghiệp.

Dù không để cảm xúc của mình lộ ra ngoài, nhưng trong lòng chúng tôi ai cũng bùi ngùi, luyến tiếc khi phải chia tay nhau. Tôi và Fabien nói vài lời chúc may mắn cho nhau và chào tạm biệt.
 
Trong đời mình, có nhiều người bạn đến và đi, nhưng tôi luôn nhớ Fabien vì anh ta là một người bạn thân thiện và là một người sếp tốt bụng. Fabien và nơi làm việc này đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí tôi về đất nước Hoa Kỳ.
 
Đôi khi tôi tự nhận mình là người nhiều chuyện và gió chiều nào xoay theo chiều ấy, từ quan điểm “ba phải” đó, tôi mạnh dạn kể tiếp chuyện hai người bạn của tôi. Chuyện này chỉ mang tính “kỵ sĩ trảm phong”, chứ không có ý đả kích ai hay điều gì.
 
Ngồi với bạn Ây, bạn có tính cách rất đặc biệt là khách sáo. Ây kể:
 
- Nếu cậu là tớ, cậu sẽ làm gì? Hôm nọ, tớ đến nhà thằng Bi chơi. Lúc đó vợ chồng nó đang ăn cơm. Nó mời, “Sẵn bữa ăn cơm luôn”. Tớ lịch sự từ chối, “Mình mới dùng rồi”. Tệ thay, nó không thèm nài nỉ, mời thêm lần nào nữa, chỉ bảo tớ ngồi chơi chờ nó ăn xong. Vấn đề ở chỗ là vợ nó cũng không mời lấy một câu. Bạn thân lắm đấy, đến nhà nó nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được bữa cơm!
 
Nghe vậy, tôi đành tìm cách nói khéo. Nói chuyện với bạn khách sáo nên tôi cũng khách sáo vì thực sự mà nói, không được ăn một bữa cơm cũng không giận bằng ăn phải một mớ câu nói thật, nói thẳng gây cảm xúc khó chịu. Tôi nói:
 
- Ừ, bạn bè mà cũng không hiểu được. Bi ngay thẳng, nhưng kiểu nó là kiểu thật thà, bạn nói ăn rồi thì nó tin luôn, không nghĩ phải mời thêm nữa. Tuy vợ chồng nó dễ thương, nhưng không hợp với tính cách của bạn cho lắm. Cái cách phù hợp với bạn hơn là trong trường hợp đó, Bi phải nghĩ rằng ăn rồi nhưng chưa no lắm. Tuy nhiên, nếu Bi mời tới mời lui thêm nhiều lần nữa thì lại gây khó chịu cho bạn. Nói thẳng ra, có lẽ Bi sẽ bị bất ngờ vì mày mới ăn rồi mà còn ăn nữa. Thành ra, trong trường hợp này, cứ nói thật lòng thì có khi lại ăn được bữa cơm nhà nó rồi.
 
Ây nghe xong, “hừ” một tiếng:
 
- Cậu nói vòng vo cái quái gì khó hiểu thế, để tớ kể tiếp nào. Hôm nhà tớ mừng tân gia, vợ chồng Bi đến dự. Là chủ nhà khi có tiệc thì khá bận bịu, thế mà vợ chồng nó đến quá sớm trước giờ mời, làm vợ chồng tớ mất thời gian tiếp đón vợ chồng nó. Nhà tớ thì nhỏ mà nó chọn mang đến một món quà to đùng, nặng chình chịch. Vừa mới gặp tớ ngoài cổng, nó liền dí luôn thùng quà vào tay tớ như trút đi một gánh nặng ấy. Tệ là nó không gắng thêm vài bước nữa, vào nhà rồi hãy trao quà. Để tỏ vẻ lịch sự, tớ nói với vợ chồng nó, “Ôi bạn bè đến chơi là vui rồi, quà cáp làm gì. Vẽ chuyện cho thêm tốn kém”. Tớ nói xã giao, thế mà từ đấy vợ chồng nó đến nhà tớ, không bao giờ mang gì tới nữa. Chẳng nhẽ khi nhận quà tớ lại nói, tặng nữa đi, mình thích quà cáp lắm lắm à?
 
Biết nói gì cho phù hợp dạng khiêm tốn quá này, nên tôi lại phải nói kiểu bôi trơn:
 
- Mặc dầu tình cảm mới quan trọng, quà cáp chỉ là phụ, nhưng nếu được tặng quà thì dù ít dù nhiều cũng vui. Bạn bè tặng quà cho nhau là chuyện bình thường, khi nhận quà nếu nói mình thích quà cáp lắm thì hèn kém nên phải nói ngược lại cho sang trọng, vậy mà bạn bè mình chẳng hiểu giùm, tưởng đó là lời nói thật và không tặng quà nữa thành ra hơi buồn.
 
Mấy ngày sau gặp bạn Bi, bản tính Bi thật thà, nghĩ gì nói nấy, ai bảo gì thì nghĩ đúng là vậy rồi. Bi ấm ức kể với tôi:
 
- Hôm tiệc tân gia nhà thằng Ây, đã mất công mua quà khệ nệ mang tới, nó lại nói mua làm gì, vẽ chuyện. Vậy có điên không? Tôi nói với nó, “Hôm nay tôi không có hứng thú nên về sớm”. Tớ không còn hứng thú gì mà ăn uống nên nói thật, vậy mà nó tỏ vẻ khó chịu ra mặt.
 
Với bạn thật thà, tôi không cần phải vòng vo, tôi thẳng thắn khuyên:
 
- Lần sau, cậu không có hứng thú thì nói tôi bệnh rồi về, không cần nói thật lòng mình.
 
Bi vẫn chưa nguôi:
 
- Tớ mời ăn, nó từ chối, vậy mà đi nói, lần nào tới nhà tớ cũng đều mang bụng đói ra về. Có điên không? Tính tớ đến nhà ai cũng mang quà tới, mà nó cứ nằng nặc đòi trả tiền lại. Rồi cứ đùn qua đẩy lại, tưởng nó không muốn thật nên tớ mang về. Rồi tớ bị mang tiếng, tới chơi toàn là tay không.
 
Tôi cười trấn an:
 
- Bạn bè mà, cứ thoải mái lên. Nó nói gì thì nói, cậu cứ mang quà tới, sợ gì.
 
Chơi với hai bạn có tính chất khách sáo và thật thà nên khi giao tiếp tôi phải luôn để ý, cư xử sao để không làm cho cả hai khó chịu.
 
Một lần ngồi trong quán nhậu với mấy ông bạn “Tướng nổ”, uống mới vài ly, các “Tướng nổ” liền nổ đủ thứ chuyện, thời sự thế giới, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, chiến tranh Israel với Hamas, nạn đói ở Châu Phi, bầu cử Hoa kỳ 2024... vụ nổ càng lúc càng hăng, áp suất muốn banh trời. Mấy tướng nổ cứ tưởng mình là nhà chính trị gia, nhà nghiên cứu, bác học, phóng viên, vân vân và mây mây, rồi đập bàn, vỗ ngực nghĩ mình là vĩ nhân tương lai, đem hoà bình, ấm no cho toàn thế giới.
 
Như cá gặp nước, tôi cũng nổ sập nóc nhà luôn (Đã nói ba phải mà, ngồi mâm nào theo mâm đó). Tôi không muốn thua kém chúng bạn. Khi thấy mấy “Tướng nổ” nổ to hơn tôi, bởi vì cái tôi nó lớn lắm và đối với tôi, bạn bè thì không cần khách sáo nên tôi nói:
 
- Hôm nay vui quá, tôi đề nghị tụi mình ra biển nhậu và tiếp tục vái nhau, tha hồ gào lên, tụi mình thông minh quá, tài giỏi quá cho sướng cái mồm, chứ gào ở đây làm đau tai người nghe.
 
Tôi vừa dứt lời, nguyên đám “Tướng nổ” liền nhìn tôi với “Những đôi mắt mang hình viên đạn”. Tôi hơi bối rối, không hiểu vì sao mà bạn bè lại có ấn tượng không tốt như vậy. Hóa ra, cái tôi lớn quá đôi khi lại làm mất lòng bạn bè. Đã có vài lần, khi bạn bè đang ăn uống vui vẻ, nói chuyện rôm rả, tôi nhảy vào phán một câu tán gẫu kiểu đùa như trên thì mọi người liền cụt hứng, “tắt đài” và giận không thèm nói chuyện tiếp nữa.
 
Những hiểu lầm nhỏ nhặt có thể làm rạn nứt tình bạn. Càng lớn tuổi tôi càng nhận ra, tình bạn vô cùng đặc biệt và không muốn mất đi bạn bè vì việc gây dựng tình bạn không còn dễ dàng như lúc trẻ nữa.
Phước An Thy
 

Ý kiến bạn đọc
06/12/202414:21:36
Khách
"Một lần ngồi trong quán nhậu với mấy ông bạn “Tướng nổ”, uống mới vài ly, các “Tướng nổ” liền nổ đủ thứ chuyện, thời sự thế giới, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, chiến tranh Israel với Hamas, nạn đói ở Châu Phi, bầu cử Hoa kỳ 2024... vụ nổ càng lúc càng hăng, áp suất muốn banh trời. Mấy tướng nổ cứ tưởng mình là nhà chính trị gia, nhà nghiên cứu, bác học, phóng viên, vân vân và mây mây, rồi đập bàn, vỗ ngực nghĩ mình là vĩ nhân tương lai, đem hoà bình, ấm no cho toàn thế giới."
TG viết hay quá .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,654
Đến Mỹ, chúng tôi ấn tượng với thiên nhiên hùng vĩ , hệ thống công viên quốc gia rộng khắp đất nước và khả năng tiếp cận cho các tầng lớp. Nhiều người nói, người Mỹ ít du lịch ra nước ngoài, kỳ thực có thể do họ sở hữu hệ thống các công viên quốc gia với các phương tiện đầy đủ. Hệ thống đường sá của Mỹ cũng khoa học, tiện nghi cho nhu cầu du lịch của đủ mọi lứa tuổi và sở thích. Người dân Mỹ do đó đã dành khá nhiều thời gian cho du lịch trong nước và họ tận hưởng những tiện nghi tiện ích trên khắp các nẻo đường đất nước này.
Trước đó, phim ngoại quốc về là người ta Phụ Đề Việt Ngữ, nhưng nhiều khi các vai trò nói mau quá, khán giả đọc chữ theo không kịp, vừa coi hình vừa đọc chữ thì bị thiếu sót, làm phim bớt hay, cho nên mấy hãng phim tạo ra một đột phá lớn là cho nhân vật chuyển qua nói tiếng Việt, bởi vì chính các phim Việt Nam cũng vậy, có khi tài tử minh tinh mặt đẹp diễn hay nhưng tiếng nói thì không thích hợp nên cần mượn tiếng nói của người khác. Nghề chuyển âm ra đời, rất được ưa chuộng.
Mùa hè năm 2023, tôi hộ tống gia đình người bạn thân đến thăm trường võ bị West Point (gọi tắt là West Point) vào ngày các tân sinh viên được chính thức nhận vào học sau khi hoàn thành 6 tuần lễ huấn luyện cơ bản. Trường này cách thành phố Nữu Ước khoảng 80 cây số về hướng bắc. Từ phi trường LaGuadia, chúng tôi thuê xe chạy hơn một tiếng đồng hồ mới tới trường. Ra khỏi phi trường, xe chúng tôi lao vào vùng ngoại ô, hai bên đường một màu xanh ngút ngàn. Chúng tôi lái xe men theo triền núi của cung đường dẫn đến chiếc cầu treo tuyệt đẹp: cầu treo Bear Mountain dài khoảng 6 kilômét bắc qua sông Hudson nổi tiếng. Cung đường trước khi đến chiếc cầu này rất đẹp, một bên ngó lên là vách núi, bên kia nhìn xuống là dòng sông Hudson uốn lượn hiền hòa ôm ấp một vùng thung lũng mênh mông. Vượt qua chiếc cầu treo Bear Moutain chúng tôi chạy về hướng thị trấn Highland Falls. Đây là một thị trấn nhỏ có khoảng 4 nghìn dân cư và cũng là thị trấn dẫn đến cổng chính vào khuôn viên trường.
Thế nào cũng có người thắc mắc khi đọc thấy cái tựa của bài viết này: Cao tuổi mà nói là chưa già thì chừng nào mới gọi là già? Một thắc mắc chánh đáng về vấn đề đặt ra tưởng chừng như nghịch lý. Mặc dầu không có chuẩn mực nào để làm thước đo cho biết tuổi như thế nào thì gọi là cao, như thế nào thì gọi là già. Các nhà khoa học có phân biệt giữa tuổi thật và tuổi sinh học. Thí dụ cùng là 40 tuổi theo ngày tháng năm sinh nhưng một người trông rất trẻ như mới 30 còn một người thì trông già như tuổi 60. Tuổi 30 hay 60 này chính là tuổi sinh học. Do hoàn cảnh sống, lối sống, kể cả yếu tố di truyền tác động vào, khiến cho một người có thể già đi hay trẻ ra so với tuổi thật của mình. Ngoài ra tâm lý là một yếu tố rất quan trọng dự phần vào việc hình thành cái tuổi sinh học của mỗi người. Một người cao tuổi nhưng tâm hồn họ thoải mái, trẻ trung, yêu đời thì họ vẫn trẻ như thường. Do đó khi nói tuổi cao chưa phải là già không phải là cách nói cho vui mà là nói theo khoa học, theo qui luật sinh
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất về chuyện người già đãng trí.
Tôi vừa nhận được thư con gái báo cháu trai ngoại của tôi sẽ dự lễ tốt nghiệp đại học vào tháng sáu, mời mẹ và bố dượng về tiểu bang Cali dự lễ, con sẽ mua vé máy bay và bố mẹ sẽ về nhà con ở hai tuần chơi với cháu trước khi cháu tiếp tục đi học xa. Cầm trong tay tấm thiệp mời màu xanh lá cây nhạt, mắt tôi nhòa lệ nhìn hình cháu trai hai mươi bốn tuổi trong y phục sinh viên tốt nghiệp; sau thảm kịch trên biển năm 1975, tôi không bao giờ hình dung ra được tôi có được cái hạnh phúc như hôm nay. Ấn tượng của thảm kịch hằn sâu trong tâm khảm tôi, giống như vết bánh xe xích sắt lún trong mặt đất mềm.
Người Việt hải-ngoại hãnh-diện về “thủ-đô tỵ-nạn” Little Saigon. Sau 49 năm từ 1975 Miền Nam bị mất nước đến nay đã có 5.4 triệu Việt hải ngoại, trong đó 2.4 triệu ở Mỹ gồm 1.2 triệu ở California trong đó 300.000 quanh “thủ-phủ” Little Saigon gồm năm thành-phố Garden Grove, Stanton, Westminster, Fountain Valley, và Midway. Nghe Little Saigon là nghĩ ngay tới Bolsa Ave, một trong những đại lộ đông người Việt nhất Quận Cam, nhất là từ khúc đường Magnolia đến Brookhurst, và cũng lắm người Việt vô gia cư “homeless” nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO | * Khi đưa bố mẹ già đi bác sĩ, tôi thấy tờ giấy để ở kệ sách, ghi tiêu đề hay quá: How to be a parent to your parents. Tôi cầm tờ giấy đó, và cất ngay vào hồ sơ giấy tờ. Coi như của “gia bảo“. Chúng ta khi phàn nàn, than phiền, quở trách, bắt lỗi, mắng chửi…tóm lại khi chúng ta ở vị trí người buộc tội, phê phán, quy trách… chúng ta luôn luôn chủ quan, nghĩ rằng những gì mình than phiền là đúng, gây “trở ngại cho mình”. Có bao giờ bạn tự đặt mình vào vị trí của người khác. Chắc chẳng ai nghĩ đến điều đó. Chuẩn bị là vừa. Đó là sự thật không ai nghĩ đến, khi trí nhớ bắt đầu có chuyện: nhớ nhớ quên quên.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới nhất của Ông.
Trời bên ngoài đã chuyển thu hơi lạnh, Nguyên quấn chiếc khăn choàng cổ và đội mũ len ra khỏi nhà cùng với Jim. Nàng níu tay Jim tránh sự vấp ngã đi ra con suối Cherry Creek ngay dưới chân dãy núi Rocky. Qua màn mờ của con mắt, nàng vẫn cảm nhận được ánh nắng đang len lỏi qua hàng cây lá, trời trong xanh bao la xuống gần vây con suối. Dạo quanh những bước chậm rãi, Nguyên nhìn con vực và dòng suối đang chảy như nhìn xuống những thương đau của đời nàng...
Nhạc sĩ Cung Tiến