Hôm nay,  

Con Cái Xứ Này

23/08/202400:03:00(Xem: 2238)
 
Giai-Danh-Du
Giải VVNM 2019, lễ phát giải Danh Dự, từ trái: Peter Arnade và Giáo Sư Bùi Tùng từ University of Hawaii, tác giả Võ Phú, Cao Đắc Vinh đại diện tác giả Ngọc Hạnh, Phạm Thị Kim Dung đại diện tác giả Hoàng Chi Uyên, tác giả Hồ Nguyễn, giám khảo Tân Nguyễn.
 
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất nói lên nỗi trăn trở của một vài bậc cha mẹ trước những khác biệt về suy nghĩ và quan điểm sống của con trẻ ngày nay.

*

Tôi biết chị Hồng khi chúng tôi còn sinh hoạt trong cộng đồng người Việt vùng Richmond, Virginia. Chị Hồng là thủ quỹ của hội Người Việt Richmond. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt đều in đặc san Xuân, chị thường nhờ tôi viết bài cũng như giúp chị liên lạc với nhà in CT Printing ở Maryland. Ngoài thủ quỹ của Hội Người Việt ra, chị Hồng còn được biết đến với vai trò ca đoàn phó trong Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tánh tình chị dễ mến, hoạt bát, và hòa đồng.  Chị luôn sốt sắng phụng sự trong giáo xứ cũng như cộng đồng, nên được rất nhiều người quý mến. Công việc thường ngày của chị là thư ký cho văn phòng bác sĩ. Tính tới thời điểm bây giờ thì chúng tôi biết nhau cũng hơn hai mươi năm.

Có một ngày, chị Hồng để tin nhắn cho tôi. Chị hỏi:
- Em đang làm gì đó? Em có bận không?
Tôi trả lời:
- Dạ không, em đang rảnh. Em đang nằm lên nằm xuống lướt Facebook cho qua giờ thôi.
- Vậy chị có thể gọi cho em được không?
- Dạ được.
Chuông điện thoại reng, tôi nhấc phone lên, áp vào tai: Bên kia đường dây, giọng nói của chị Hồng nhỏ nhẹ, hỏi:
- Phú, em khỏe không? Lúc này trên Facebook chị thấy gia đình em đi chơi đủ nơi, chị thích lắm...
- Dạ em khỏe. Em cám ơn chị... Hè mà chị, tụi nhỏ được nghỉ học nên tụi em cũng cố gắng “spent time” với tụi nhỏ trước khi chúng lớn.
- Ờ... Chị phục vợ chồng em. Ông xã chị không thích lái xe đường dài, nên chị cũng đành bó tay.
- Dạ.
- Hôm nay chị gọi cho em có tí việc nhờ em tư vấn giùm. Mấy tháng nay chị bối rối quá, nhưng không biết tìm ai tâm sự.
- Dạ, có chuyện gì hả chị? Chị nói đi, nếu giúp được em sẽ sẵn lòng.
- Là cha mẹ, cho chị tham khảo ý của em với nhé. Bé Kim nhà chị muốn nhuộm tóc màu này màu nọ mà chị không thích. Chị sợ mọi người nói. Hiện giờ thì con bé vẫn còn nghe lời chưa đi nhuộm tóc, nhưng chị không biết được nó sẽ để vậy bao lâu.  Chị không muốn làm nó buồn. Nhưng để cho nó nhuộm mấy cái màu nó thích thì chị rất ngại khi cùng con ra đường. Mấy tháng nay nhà chị, nhứt là hai mẹ con, ra vô gặp mặt nhau nhưng cứ hầm hầm làm chị thấy khó chịu quá. Hôm trước chị thấy trong Facebook của em, em cho con trai nhuộm tóc. Cảm nghĩ của em như thế nào, em có thể chia sẻ với chị được không?

Tôi nói với chị Hồng rằng:

- Trường hợp của em cũng giống chị vậy, khi em cho con trai nhuộm tóc. Nhưng con nít bên này không như bên Việt Nam chị à. Mình càng cấm thì nó lại càng muốn làm cho bằng được.
- Bởi vậy chị rầu lắm. Ý em thì sao?
- Em có nói với con em rằng trước khi làm một việc gì đó hãy suy nghĩ cho thật chín chắn. Nó nói trong trường học của nó có rất nhiều bạn để tóc dài, xăm mình, đeo khuyên tai...
- Rồi em nói sao?
- Em nói ba chỉ đồng ý khi con làm với nhiều điều kiện sau: Nếu như không xâm hại cơ thể như và không để lại thẹo hay dấu vết trên người như xăm mình, đeo khuyên mũi, bụng, lưỡi, vv. vv... Hiện giờ con còn ở chung nhà với ba mẹ, nên con phải tuân theo luật lệ của ba mẹ. Nếu con thích xăm mình, đeo khuyên như bạn thì con hãy đợi con 21 tuổi, ra khỏi nhà thì đó là quyền của con. Còn bây giờ thì không được.
- Ờ…

Tôi tiếp:

- Theo em nghĩ thì nếu như bé Kim thích nhuộm tóc, thì chị cứ cho bé làm. Tuổi của bé bây giờ là tuổi nổi loạn, nhất là ở xứ này, một đất nước tự do và cái tôi rất lớn.  Biết đâu chị để cho Kim nhuộm rồi một vài hôm nó sẽ chán và đổi lại không chừng.  Làm vậy thì hai mẹ con đỡ phải giận nhau. Em kể chị nghe chuyện vui về mái tóc của cậu nhóc nhà em. Mấy lần nhóc nhà em đi trình diễn cho ban nhạc và ngồi chung với bạn bè cùng các trường khác... Để dễ tìm thấy cu cậu nhất, việc đầu tiên em và vợ em tìm là cái đầu tóc vàng... Với cái đầu tóc vàng khè rất nổi trong đám đông và dễ nhận diện. Mỗi lần thấy cái đầu vàng khè là vợ em hay em kêu lên và nhận ra ngay để chụp hình cu cậu trong đám đông. Coi như cũng là một ưu điểm để nhận diện từ xa.... Vậy, chị đừng phiền vì màu tóc của bé chị nhé.
- Chị hiểu rồi.... Chị cảm ơn em đã dành giờ chia sẻ với chị. Qua tâm tình của em, chị thấy cái hay là: em sống cho gia đình em, chấp nhận con cái trong khuôn khổ. Còn chị cứ mang nỗi buồn và e ngại, lại sợ "dư luận" dị nghị, sao để con như vậy v.v... Chúc em một ngày vui nhe.
- Dạ, em cám ơn chị. Chị cũng vậy nhé.
Cúp phone của chị Hồng xong, tôi chợt nghĩ đến chuyện của mình. Khi tôi để cho bác Ba của con trai tôi nhuộm tóc (bác Ba của cháu là thợ hớt và nhuộm tóc), một vài người trong cộng đồng, gặp tôi, họ trách. Trong một buổi hội chợ, tôi gặp một chú trong cộng đồng, ông ta thấy tôi gọi lại và nói:
- Chú nói cái này… Mày nghe đừng giận.
- Dạ chú cứ nói.
- Chú thấy cháu cũng là một người có tiếng trong cộng đồng mà sao để cho thằng con trai tóc dài thòng bây giờ còn nhuộm vàng, nhuộm đỏ nữa, không giống con giáp nào. Cháu làm vậy dễ ảnh hưởng đến những đứa khác. Ví dụ như con cháu ngoại nhà chú. Nó thấy vậy cũng phân bì bảo sao con của chú Phú nhuộm được còn con thì không? Chú giờ cũng không biết trả lời nó ra sao. Cháu để cho thằng con vậy không hay chút nào hết...
Tôi nhìn người đàn ông nọ, mỉm cười, và trả lời rằng:
- Con nít xứ này mà chú... Mình càng cấm cản, nó càng muốn. Với lại nhuộm tóc chỉ là bên ngoài, một thời gian nó chán nó sẽ đổi lại thôi.
- Nói như mày thiệt hết nói... Tao cũng bó tay luôn. Mày không sợ mặt mũi của mày ở ngoài cộng đồng người ta đánh giá này nọ sao?
- Dạ cháu cảm ơn chú đã quan tâm. Theo cháu thấy thì không quan trọng lắm. Thôi cháu xin phép đi hội chợ ạ!


Nói rồi tôi bỏ đi chỗ khác.

Mấy tuần sau khi nói chuyện với chị Hồng xong, tôi thấy hình đại diện trên Facebook của chị là hình ảnh hai mẹ con trong bộ áo dài Việt rất dễ thương và cười rất tươi.  Thấy vậy, tôi có ghi lời bình phía dưới: "Nhìn hai mẹ con chị cười rất tươi.  Bé Kim trong mái tóc màu đỏ hồng cũng dễ thương và cá tính. Mai mốt khi coi lại ảnh cũng có ít nhiều kỷ niệm một thời nha chị...”

Lời bình tôi vừa gửi đi xong chừng vài phút thì tôi nhận được tin nhắn khá dài của chị, nguyên văn như sau: "Chị khóc khi đọc dòng chữ comment của em. Bậc làm cha mẹ ai cũng mong muốn con cái nên người và thành công, nhất là đa số cha mẹ người Châu Á như mình.  Chị muốn con cái theo "khuôn khổ" của mình, nhưng bây giờ thì chị khác rồi. Chị học cách đón nhận. Chị vững tâm hơn sau khi nói chuyện với em. Tối hôm kia chị mừng thầm vì đầu tóc nó đang đổi qua màu vàng (dễ nhìn hơn). Tới khuya, chỉ đóng cửa nhuộm tóc, chị hỏi: Sao kịp giờ con để mai dậy sớm dự Lễ Tốt Nghiệp con? Con bé nói dạ kịp. Nghe vậy chị thở dài một mình....  Hôm ra trường, bé tạo "surprise" cho chị, bé mặc áo dài. Trong khi, trước đó, chị muốn con mặc áo dài cho ngày ra trường không thì bé la lớn lên... Oh, nooooo Mẹ... Có nghĩa là bé biết điều gì chị thích và không thích... Chị thật sự xúc động khi thấy bé Kim mặc áo dài hôm qua. "

Tôi trả lời chị:

- Dạ em rất vui khi cả hai mẹ con chị đã thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
- Em đang làm gì? Chị gọi nói chuyện chút có được không?
- Dạ được.

Chị Hồng gọi điện thoại cho tôi. Nhấc phone lên nghe, lời chị tâm sự:

- Chị muốn chia sẻ với em thêm một điều mà chị đang nặng trĩu lòng, đó là bé Kim "support" về chuyện đồng tính luyến ái. Chị hiểu là mình không chống đối, nhưng chị lo môi trường, bạn bè xung quanh, riết nó thấy bình thường thì sao? Và chị đặt câu hỏi, nếu như con mình "bị" như vậy thì sao? vẫn là con mình chứ sao bỏ được... nặng lòng lắm... Trước đây chị hay sợ bé có bạn trai sớm ảnh hưởng đến học, nhưng giờ chưa thấy có bạn lại lo... Em chia sẻ về việc này với chị được không?
- Dạ chuyện này hơi... khó. Vì mình không trong hoàn cảnh đó nên không biết khuyên sao cho đúng. Nhưng theo em nghĩ những việc cha mẹ nên làm trong trường hợp này là: Tìm cách nhẹ nhàng (nhưng tự nhiên) trò chuyện để hiểu thêm về tâm lý của con mình, giúp/khuyên con sinh hoạt vào trong các hội sinh viên của trường đại học, hay một hội đoàn nào đó để mở rộng giao tiếp, … Từ đó con trẻ sẽ tự xác định hướng đi và cách sống phù hợp nhất cho chúng.
- Chị cảm ơn em nhiều nghe.  Nói chuyện với em chị cảm thấy nhẹ người lắm, không còn lăn tăn đầu óc suy nghĩ.
- Dạ, em cám ơn chị. Hy vọng là em có thể góp ý đôi chút.
- Con cái ở xứ này thiệt là khổ cho bậc làm cha mẹ.
- Dạ, không riêng gì con chị đâu. Đứa nào cũng vậy đó hết chị, nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Thế hệ mà chúng toàn dùng iPhone, máy tính...
- Chị cám ơn em lần nữa nha.
- Em giúp chị nhiều lắm.
- Có gì đâu chị... Mà sẵn đây em hỏi chị chuyện này luôn nhé.  Bé Kim nghĩ như thế nào khi thấy chị ủng hộ cựu tổng thống Trump?
- Thôi khỏi phải nói. Có lúc hai mẹ con không nhìn mặt nhau luôn đó chứ. Chính trị cũng như xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến bé, bằng chứng từ vụ việc "ghét" Trump cộng thêm vụ George Floyd.  Một điểm khác bé lại biết chị "phe" Trump, mẹ con đã từng "tranh cãi" việc này nhưng khó mà dung hòa. Chị chọn im lặng không nói thêm việc này trong gia đình... Bé Kim là một đứa rất ngoan, trước đây luôn làm chị hài lòng. Chị chưa bao giờ phải lớn tiếng hay dùng đòn roi, chỉ cần chị thở dài hoặc cau mày là con bé biết chị không đồng ý một điều gì đó. Khi biết sai luôn miệng nói "Con xin lỗi mẹ, con biết, con hiểu"...

Còn chuyện học hành và chọn trường, chị muốn con đi học trường gần nhà như VCU hay xa một chút thì UVA hay WM, nhưng bé lại chọn trường đại học ở New York.  Ban đầu chị không muốn xa con, nhưng chị đổi ý, chấp nhận cho con đi xa. Chị nghĩ môi trường mới, tự lập, trách nhiệm, và đặc biệt tạm xa nhóm bạn ở đây với hy vọng bé sẽ có cái nhìn khác hơn về cuộc sống...  Nhưng em có biết con bé chọn ngành học nào không? Đó là “Political Science-Chính Trị Học”! Em là người đầu tiên chị chia sẻ, không hiểu sao chị đặt niềm tin nơi em, thấy cách em yêu quý gia đình và cách giáo dục con chị ngưỡng mộ. Chị nêu vài điểm chính, hy vọng em thử đặt mình vào vai trò của bậc cha mẹ, cho chị lời khuyên.

- Dạ em cám ơn chị đã tin tưởng và chia sẻ cùng em. Theo em thì tín ngưỡng và chính trị luôn là những đề tài rất nhạy cảm. Nhất là giới trẻ. Giới trẻ họ có những lý tưởng suy nghĩ thoáng hơn những bậc làm cha mẹ đã từng trải. Để "đối phó" với chúng mình nên tìm hiểu coi nó có những suy nghĩ gì.  Đôi khi mình cũng muốn nổi điên khi nghe tụi nó, nhưng cũng ráng nghe hết suy nghĩ của nó, rồi mình mới biết đường tính. Khi nói chuyện với chúng, chị đừng nói về mình ủng hộ hay theo một phe phái nào... Mình hãy ráng giữ trung lập... Đôi khi những suy nghĩ của chúng khác với mình rất nhiều và mình cũng cần phải mềm mỏng còn không thì chúng sẽ nổi loạn... Con cái bên này rất khó theo ý mình vì sự tự do chủ nghĩa cá nhân thoáng, nên muốn biết hay thay đổi suy nghĩ của con, mình nên hiểu rõ chúng muốn và nghĩ gì để dễ cảm thông hơn.

Em nghĩ sau những năm đại học bé sẽ trưởng thành rất nhiều nhất là khi bé đi học xa nhà. Đôi khi làm cha mẹ mình thương chúng quá cũng khổ... Em chắc rằng sau khi học xa nhà chừng một năm bé sẽ khác và sẽ yêu thương cha mẹ nhiều hơn... Còn việc major học, chị yên tâm... Ngành học nào cũng tốt và nếu cháu yêu thích, cháu sẽ thành công. Bên cạnh đó, theo thống kê thì hơn phân nửa các em sẽ đổi ý khi đi đại học chị à.

- Ờ... Cảm ơn Phú nhiều nhé. Chị vẫn tiếp tục cầu nguyện thật nhiều. Chúc em và gia đình luôn vui vẻ nhé. Chị bye em nha.
- Dạ, em chào chị.

Cúp phone của chị Hồng, tôi ngồi thẫn thờ suy nghĩ về những lời khuyên mà mình nói với chị. Tôi không biết là tôi đang khuyên chị hay là những lời nhắn nhủ tới chính mình vì tôi cũng đang làm cha mẹ với những đứa con đang ở tuổi nổi loạn.  Đúng là con cái ở xứ này rõ khổ!
 
Võ Phú

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Cô sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức. Ba cô là đại úy không quân. Lương của ông không nhiều, nhưng đủ nuôi vợ và đàn con sáu đứa. Như đa số những phụ nữ thời bấy giờ, mẹ cô chỉ ở nhà quán xuyến gia đình. Mọi việc sẽ thuận lợi theo dòng đời, nếu không có hai biến cố đột ngột xảy ra...
Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
Hằng năm vào khoảng cuối tháng năm khi trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa vừa nắng ấm vừa mát mẻ, thì khắp nơi xứ cờ Hoa, học trò các cấp lớp được nghỉ hè, rời mái trường thân yêu một thời gian. Khi ấy các cô cậu có thể đi du ngoạn với gia đình, tìm việc làm ngắn hạn trong mùa hè, hay chỉ nghỉ ngơi thỏa thích bù thời gian vất vả thức khuya dậy sớm suốt niên học.
... Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này. Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới...
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “. Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
Năm 2009 sau chuyến đến Nam Cali thăm gia đình và bạn hữu, tôi viết bài tường thuật cuộc phiêu lưu của tôi tại Orange County, lên Las Vegas, San José, trước khi rời Cali trở về nhà. Ly Kai, biệt danh ông kẹ đi bán chính thức, chủ xị của nhóm Văn Khoa tại đây với Mỹ Dung thường tổ chức mấy bữa họp mặt mỗi khi các bạn từ xa đến đây chơi. Trở về nhà, tôi viết một bài về chuyến du hành năm đó và gửi cho các bạn đọc cho vui, Mỹ Dung khuyên tôi gởi bài này cho báo Người Việt. Mấy tuần sau, bài «Mưa Cali» được NV đăng báo, và cô MC Hồng Vân đọc trên đài VOA tiếng Việt.
... Chúng tôi chia tay, ra về với những nụ cười trên môi. Emily, cô bạn Mỹ tánh tình thẳng thắn, chân thật đã giúp tôi hiểu được những cú sốc văn hóa Việt trên đất Mỹ. Emily đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ, nhờ buổi nói chuyện này mà chúng tôi trở nên hiểu nhau hơn và thân nhau hơn.
Ông Đại biết con Hoài Hương vẫn còn quá trẻ, tính cách chưa định hình, bản dạng giới tính còn lừng khừng, cứ để một thời gian nữa thì nó sẽ tự phát triển và hoàn thiện, lúc ấy thì nó như thế nào thì đó đúng thật là bản tánh của nó. Hãy chấp nhận nó, yêu thương nó như nó là vậy! Đừng vì cái sĩ diện hão của mình mà cưỡng ép con Hoài Hương phải theo cái ý chí chủ quan và cực đoan của mình. Ông bảo bà Thu: “Bà thương con thì phải chấp nhận tình yêu của con, hãy sống vì hạnh phúc của con chứ không thể vì cái danh tiếng của bà”...
Sau những lần ốm đau bịnh hoạn rề rề mà không rõ lý do vào những tháng cuối hồi năm ngoái, Trang bỗng dưng trở nên chậm chạp và nhút nhát hẳn đi. Đầu óc cũng ù lì kém tinh nhanh, làm trước quên sau. Ai dặn cái gì cũng chẳng nhớ. Phải chăng đó là triệu chứng của bịnh… “đã toan về già”? Cách chữa đúng nhất là phải có một người bạn đời để nâng đỡ và chăm sóc nhau trong những lúc trái gió trở trời như thế. Nhưng nếu rủi người bạn đời của mình sức khoẻ không thành vấn đề mà lại bị bịnh (nói theo phim bộ của Tàu) là “si khờ người già” trước mình thì chỉ có nước cùng nhau nắm tay trực chỉ… viện dưỡng lão cho rồi chứ con cái làm sao có thì giờ mà chăm sóc cho nổi. Ôi! Viển ảnh cuối đời người sao mà thê thảm.
Qua báo chí, tôi được biết Yellowstone là một vùng đất rộng nằm ở Tây Bắc Tiểu bang Wyoming, nơi mà cách đây mấy ngàn năm đã có sự hoạt động của một núi lửa lớn với miệng núi đường kính dài 30km. Người ta tưởng tượng rằng nếu giờ này mà nó thức giấc thì cả miền Bắc Mỹ sẽ không còn. Tôi ao ước có dịp sẽ đến đây để tận mắt nhìn những kỳ tích đẹp và hùng vĩ mà núi lửa đã lưu lại sau hơn mấy ngàn năm ngưng hoạt đông, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Năm nay, nhân ngày lễ Memorial, con gái tôi đã sắp xếp xin nghỉ một tuần để lấy tour cùng đi thăm danh lam thắng cảnh này.
Nhạc sĩ Cung Tiến