Hôm nay,  

Tìm Một Người Mất Tích

29/04/202413:34:00(Xem: 4453)

 bo sach vvnm

 

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975 Ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023.

 

*

Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi…

 

Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi:

- Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế?

- Ờ! Ông chỉ có một mình.

 

Từ ngày ông ngoại thằng bé qua đời, nó thường ra đây tìm lại bóng hình ông ngoại. Trông xa, hễ thấy ông già nào râu tóc bạc phơ là nó chạy đến nắm tay thân mật kêu lên: “ông ngoại!” Tiếng kêu đó hình như làm nguôi ngoai nỗi nhớ thương… lúc nào cũng đầy ắp trong tâm hồn nó. 

 

Thằng bé liến thoắng, dễ thương, vào trạc tuổi cháu ngoại của ông - nhưng mấy năm nay ông không được gặp. Một thoáng xúc động, ông già thân mật hỏi:

- Giờ này chiều rồi, sao con không ở nhà học bài hay giúp việc cho mẹ con mà ra đây làm gì cho lạnh.

- Con ra đây mỗi chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật - hy vọng gặp lại ông ngoại của con.


Hơi ngạc nhiên, ông già hỏi:

- Sao lại ra công viên tìm ông ngoại? Ông ngoại không ở chung với cha mẹ con à?


Hai giọt nước mắt lăn trên má, thằng bé thút thít, khóc! Nó mếu máo, nói:

- Ông ngoại con chết rồi!


Im lặng! Nghẹn ngào!

Sự ngây thơ của thằng bé làm ông già cảm thấy ngậm ngùi, ông bảo:

- Chết rồi thì âm dương ly biệt - ông ngoại con không còn ở trên trần gian này nữa đâu mà tìm.

- Nhưng đêm đêm, ông ngoại về trong khi con ngủ, sáng dậy ông ngoại đi đâu mất tiêu. Con đoán: có lẽ ông ngoại đang lang thang trong công viên này.Thằng bé vừa nói vừa khóc sụt sùi… Ông già rưng rưng, xoay người ôm thằng nhỏ vào lòng - im lặng!


Ông thầm nhủ: Làm sao nó hiểu được cái vô thường trong kiếp nhân sinh(?).

Nắng chiều đã tắt. Sương thu lãng đãng phủ mờ cánh rừng thông phía trước. Lá vàng nơi các cây phong cổ thụ tiếp tục rời cành, chao trong gíó. Công viên không còn ai lai vãng. Cảnh vật chung quanh mờ nhạt, hắt hiu…Một già, một trẻ lặng lẽ ôm nhau trên ghế đá công viên, như đang thả hồn về với quá khứ đau buồn.

 

Bỗng tiếng chuông nhà thờ vang lên rồi loãng ra trong buổi chiều tà.


Thằng nhỏ ngước lên, thấy những giọt nước mắt lăn trên đôi má nhăn nheo của ông già. Nó nắm tay ông già, lắc nhẹ…, khẽ hỏi:

-Sao ông lại khóc?

-Ông đang nghĩ đến “cái sự đời”.

- Cái sự đời là gì vậy ông? Khi ông ngoại còn sống, hay nói: “cái sự đời” nhưng con không hiểu nó ra làm sao?

-Sự đời là cái vui, buồn, sướng, khổ; là cái phù du, bất định; là cái chết và sự sống; là cái mơ hồ mộng tưởng và cái thực tế phũ phàng… Bây giờ, con chưa hiểu hết được đâu, lớn lên con sẽ thấu hiểu “cái sự đời”.

 

Không biết bao nhiêu lần ông già đã kể “cái sự đời” bi thảm của đời ông cho những người ở trong viện dưõng lão, cho bạn bè và cho những ai ông gặp. Tựu trung có ba điều sầu thảm giày xéo tâm can ông: thứ nhất là cái sầu mất nước, thứ hai mất vợ, thứ ba là không được ở cùng con gái để vui chơi với thằng cháu ngoại mà ông thương yêu hết mực và quý như vàng!

 

Bởi vậy, ông luôn luôn biểu lộ nỗi buồn hiu hắt trên khuôn mặt già nua. Những người trong Viện dưỡng lão gán cho ông cái tên: “Ông Ba Sầu”. 

 

Hôm nay, ông Ba Sầu gặp thằng bé - bổn cũ soạn lại… ông không cần biết nó có hiểu và có thích nghe chuyện đời bi thảm của ông hay không - ông cứ kể:

“Sau năm 1975, Cộng sản bắt ta vào trại cải tạo - cơ cực, nghiệt ngã! Đêm đêm, trong phòng giam, từ chỗ ngủ của mình, ta nghe một người bạn tù hô lên: “về Sài Gòn anh em ơi!” Lúc ấy, ta chỉ mơ được về Sài Gòn sum họp với gia đình là thõa nguyện lắm rồi.

“Thế mà qua chương trình HO, ta được định cư trên nước Mỹ - tự do và sung túc… Nhưng trong tim ta vẫn ngậm ngùi: mang nỗi sầu mất nước! Cuộc đời như giấc mộng!

“Rời bỏ quê hương, ta đem vợ và đứa con gái thân yêu sang đây, tưởng rằng đời ta sẽ được hạnh phúc, ấm no… Nhưng chỉ được mấy năm, vợ ta qua đời sau cơn bạo bệnh - ta hụt hẫng! Cuộc sống thật vô thường!

“Ta sống trong cảnh cô đơn - gà trống nuôi con! Sau khi con gái ta học xong đại học - nó ra trường, có việc làm tốt. Tưởng rằng cha con sẽ nương tựa vào nhau để sống, nhưng sau đó nó lấy chồng người Mỹ, sinh đứa con trai đầu lòng. Ta được bồng bế đứa cháu ngoại, ta hạnh phúc vô cùng… Nhưng khi được ba tuổi, cha mẹ nó lên Tiểu bang Virginia, vì theo công việc. Ta muốn đi theo, nhưng thằng chồng con gái ta không ưng, viện cớ trên đó lạnh lẽo…

“Vợ chồng nó sắp xếp cho ta vào Viện dưỡng lão Mission De La Casa. Xa thằng cháu ngoại ta buồn đứt ruột… Nhưng cũng đành! Con gái ta an ủi, hứa rằng: sẽ đưa thằng cháu ngoại về thăm ta hằng năm, nhưng sáu, bảy năm nay, chúng nó chỉ về thăm ta có một lần - ngoài ra ta chỉ trông thấy hình hài thằng cháu ngoại trên cell phone. Nó không nói được tiếng Việt. Nó xem ta như người xa lạ… Nó không hiểu được lòng ta yêu nó là dường nào! Năm nay nó cũng vào trạc tuổi của con. Tình đời bạc bẽo lắm! Con ơi!”

 

Ông già rưng rưng nước mắt, than:

- Đời ta thật bất hạnh, cô đơn!

 

Thằng nhỏ không có vẻ gì xúc động, ráo hoảnh, nói:

- Cuộc đời của ông buồn thật, nhưng không bi thảm bằng ông này đâu.

 

Nó rút trong túi ra một tờ rơi (flyer) đưa cho ông Ba Sầu xem. Ông đã biết mọi chuyện. Chiều nay ông ra đây cũng để mong được gặp lại người bạn cố tri này. Nhưng ông không nói ngay cho thằng nhỏ biết - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi! Và ông đang nghĩ về người bạn tâm giao, một thằng bạn cùng khóa, cùng trường - cần cù, nhẫn nại, siêng năng, có nhiều sáng kiến; sống chân thật và sòng phẳng với bạn bè và có tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc…

 

Ấy thế, mà đời hắn lắm nỗi gian truân!

 

Nếu như Nam Cao, Thế Lữ sống lại, nhìn cuộc đời của hắn mà viết nên truyện ngắn thì có thể bi thảm hơn cuộc đời của “Lão Hạc”, “Nhà Mẹ Lê” gấp nhiều lần.

 

Ba Sầu biết hắn từ cái đêm liên hoan đầu tiên trên đồi 4648 ở Đà Lạt. Đêm ấy, tất cả SVSQ tập hợp chung quanh đống củi xếp ở lưng đồi, bên hông Bộ Chỉ Huy doanh trại. Đêm liên hoan có vẻ như đêm lửa trại của thời học trò hơn là một buổi lễ được tổ chức trong quân trường. Khi vị Chỉ Huy Trưởng và quan khách đến - đứng vào vị trí - tiếng vỗ tay vang vang… rồi từ trên cao, trong màn đêm dầy đặc sương mù, một ngôi sao từ trên trời rơi ngay vào giữa đống củi - nổ “bùm!”- ánh lửa bùng lên phừng phực trong đống củi thông… thắp sáng lưng đồi và ấm cả không gian. Tiếng reo hò vang dội…

 

Ai đã làm nên cái cảnh ngoạn mục này? 

- Chính là SVSQ Nguyễn Văn Duyến!

 

Đó là kỷ niệm đầu đời quân ngũ - hắn được bạn bè đồng khóa mến mộ và Ba Sầu kết bạn tâm giao với hắn từ đấy.

 

Nhưng cũng trong bước đầu quân ngũ, hắn mang mối hận suốt đời do cái la bàn gây nên cớ sự (sẽ kể lý do tại sao trong phần sau).

Ba Sầu nhớ lại cái thời: Cả một thế hệ thanh niên đã hy sinh tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến tranh “không cần thiết” - do các lãnh tụ cộng sản cuồng tín của Miền Bắc gây nên - để bảo vệ nền tự do cho Miền Nam.

 

Bạn bè cùng khóa với Duyến, ai cũng phải trải qua: gian nguy nơi chiến trận, khổ nhục trong lao tù, khó khăn bước đầu trên đất khách… Kể sao cho xiết! Nhắc đến, lại thấy đau lòng!

 

Khi đến được miền đất hứa - có nhiều cơ hội để vươn lên mà Thượng Đế đã dành cho những kẻ khốn cùng. Họ xây dựng lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng để tìm cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tự do cho gia đình và tương lai con cháu.

 

Nhưng với Duyến thì không! Suốt cuộc đời cứ mãi gian truân trong nghèo khó, chỉ hưởng được cái tự do để “chửi đổng!”

 

Bây giờ thì mất tích - không ai biết Duyến ở nơi mô và sống chết thế nào?

 

Ba Sầu ngậm ngùi nhớ lại cuộc đời gian truân của người bạn tâm giao: Ra trường, Duyến chọn về Sư đoàn 5 Bộ Binh. Sau hai năm tác chiến, Duyến được thuyên chuyển về trường Mẹ, giữ chức Đại đội trưởng SVSQ. Nhưng tính tình xề xòa, không thích hợp với chức vụ nên được chuyển qua khối Quân Huấn Vụ - dạy địa hình. Oái oăm thay cái sự đời! Ngày mới vào quân ngũ cái la bàn (địa bàn) làm hắn ôm hận suốt đời, bây giờ ngày nào hắn cũng ôm cái la bàn.

 

Một câu chuyện dài dòng: Trong khi học môn địa hình ở trường Bộ Binh Thủ Đức (SVSQ/CTCT được gởi học cơ bản quân sự bốn tháng nơi đây, cùng với Khóa 24, trước khi lên trường chính ở Đà Lạt) , mỗi SVSQ được phát một cái la bàn, hết giờ học phải nộp lại. Nhưng khi hết giờ học, huấn luyện viên kiểm tra thấy thiếu một cái, bảo SVSQ tìm khắp nơi, nhưng không thấy. Ông ta cho lục soát trong ba lô của mỗi SVSQ, để xem anh nào đã “thó”. Duyến nộp rồi, nên yên chí ngồi nghỉ ngơi. Nhưng oái oăm thay: cái la bàn nằm trong ba lô của Duyến! Duyến ngỡ ngàng, ngơ ngác - “thanh minh thanh nga”... thề sống chết! Thì ra, tên phải tội là thằng bạn kế bên nhanh tay bỏ cái la bàn vào ba lô của Duyến. “Tình ngay lý gian!” Nhưng Sĩ quan huấn luyện viên cho qua - chẳng phạt vạ gì…

 

Nhưng Duyến cảm thấy nhục…và để lại trong lòng hắn mối hận suốt đời. Từ đó, cái tình “huynh đệ chi binh” chết hẳn trong lòng Duyến và nghi ngờ sự tử tế của mọi người. Hắn luôn có những lời cay cú, ngang phè với bạn bè cùng khóa.

 

Như hôm, hay tin Duyến bị ung thư mũi (?) anh em cùng khóa đến thăm. Hắn chẳng xúc động và cảm ơn mà buông lời phũ phàng: “Tụi bay nghe tao bịnh, đến phúng điếu đó hả?”.

Một chuyện khác cũng rất buồn cười: Khi biết vợ Duyến là em ruột của một người khoá đàn em, anh bạn cùng khóa với Duyến hỏi chơi: “Ra ngoài, thằng anh vợ gọi mày là niên trưởng, vậy về nhà mày gọi nó là gì?” - “Gọi gì kệ cha tao! Mày hỏi làm gì?”

 

Đó là ngôn ngữ của Duyến đối với bạn bè cùng khóa, làm một số anh em phiền trách. Nhưng “trách vẫn trách mà thương vẫn thương!”

 

Ba Sầu nhớ lại cái thuở mới ra tù: đứa nào cũng rách như xơ mướp… nhưng cố bám bám lấy thành phố. Riêng Duyến lên tận vùng núi rừng Long Khánh - đốt than, đốn củi - khổ nhọc nhưng kiếm chẳng được bao nhiêu tiền lại mang bệnh sốt rét - thân tàn ma dại! Đúng là: “Ma đưa lối, quỷ đưa đường/ Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi…” (ND)

 

Một người đàn em khoá 2 thấy vậy đem về nuôi ăn, nuôi ở…Ngày ngày chỉ có công việc lái xe Honda, đưa vợ anh khoá 2 này đi giao hàng và thu tiền. Một chuyện mới nghe thì cười, nhưng ngẫm ra mới thấy thảm: khi vợ anh khóa 2 vào gặp khách hàng, Duyến dựng xe chờ bên ngoài. Người khách hàng trông thấy Duyến, bèn hỏi: “Ông già của chị đó hả?” - “Không, anh ta là bạn của chồng tôi.” Ôi! Lúc đó Duyến chưa đến tuổi bốn mươi.

 

Thế mới biết: Duyến đã tàn tạ đến mức nào trong những ngày cơ cực ở núi rừng Long Khánh!

Thời gian trôi qua, cũng chính người đàn em khóa 2 này đứng ra tổ chức đám cưới cho Duyến. Một cái đám cưới nghe như chuyện “phong thần!”. Vậy mà thực sự đã diễn ra vừa xúc động vừa xôm tụ: Chàng rể không có nhà, phải mượn căn nhà của một ông cựu Thiếu tá - rộng rãi để rước dâu và  mời khách. Các bà vợ của các bạn cùng khóa đến trang hoàng, sửa soạn bữa tiệc cưới khá xôm tụ vào cái thời “gạo châu củi quế…” và bọn công an khu vực luôn theo dõi sinh hoạt của đám “ngụy quân, ngụy quyền” mới ra tù. Ấy vậy mà đám cưới được ông cựu Đại tá Chỉ Huy Trưởng của trường đứng ra làm chủ hôn - có cả ông Chỉ Huy Phó cùng mười lăm anh em Khóa 1, hai mươi anh em Khóa 2, một số đàn em Khóa 3, Khóa 4 và quý phu nhân tham dự.

 

Như vậy, coi như huy hoàng trong thời mạc vận! Mấy ai có được cái vinh dự như thế!

Có một giai thoại cười ra nước mắt (!?), do vài anh bạn kể lại: Trước ngày đám cưới, Duyến trốn ra từ bệnh viện - tấm thân tiều tụy, mũ áo xác xơ, chân mang dép xẹp… Anh em xúm nhau “tân trang” chú rể để ra chụp hình với cô dâu và quan khách. Tấm hình khá đẹp, chú rể tươi vui!

 

         Sau đám cưới, vợ chồng dắt díu nhau về khu Xóm Mới Gò Vấp, cắt rau muống đem bán cho dân “Bắc Kỳ hai nút”* - bấy giờ tràn ngập Thành Hồ. Công việc nhọc nhằn: buổi sáng chồng kéo, vợ đẩy…chiếc xe ba gác chở mấy cần xế rau muống đi vào thành phố bán - chiều về chỉ đủ cho bữa cơm độn khoai với rau muống chấm tương. Nhưng thôi cũng đành! Vì thời đó, đám công dân hạng bét là “ngụy quân, ngụy quyền” mới ra tù - ai mà chả khổ!

 

Chuyện đến tai “Anh Sáu Vẹc Ni”, một người bạn cùng khóa và cùng phục vụ ở SĐ5BB. Anh này khởi nghiệp nhờ bán vẹc ni ở Ngả Tư Bảy Hiền mà trở nên giàu có, đã tìm đến Duyến, rủ về làm trong lò nấu rượu cồn của anh ta. Sáu Vẹc Ni rất tốt bụng, luôn luôn giúp đỡ các bạn đồng môn… Với Duyến, dĩ nhiên có ưu đãi đặc biệt. Cuộc sống của Duyến bớt khổ và tương đối đầy đủ hơn.

Nhưng chỉ được thời gian, công việc làm ăn của Sáu Vẹc Ni đi xuống vì Liên Xô không nhập rượu cồn nhiều như trước. Một hôm, vợ Sáu Vẹc Ni vô tình nói chơi: “Từ ngày có mặt ông Duyến, công việc làm ăn cứ ì ạch…”

 

Thế là Duyến lặng lẽ ra đi, không lời từ giã.

 

Sáu Vẹc Ni tìm kiếm khắp nơi để kéo Duyến về, vì Duyến là bạn cùng khóa và là một tay đắc lực, giúp Sáu Vẹc Ni nhiều việc. Rồi một hôm gặp nhau trong chợ Tân Bình, Duyến đang ngồi bán quần áo cũ, Sáu Vẹc Ni năn nỉ, bảo Duyến trở về. Nhưng Duyến nhất định không nghe.

Sáu Vẹc Ni than: - Cái thằng tự ái to bằng Trời - “Nói ngọt không ưa, nói vừa không chịu!”

 

Rồi chương trình HO cứu vớt đời Duyến! Một anh bạn cùng khóa bảo trợ Duyến sang Nam CA.

Đa số anh em trong diện HO, bước đầu trên đất khách, ai cũng đi làm “thợ đụng” (đụng việc gì làm việc đó). Ba Sầu nhớ lại: qua thời “thợ đụng” thì mua được xe, kiếm được nhà ở. Còn thằng Duyến - lạ lùng thay: “đụng” đâu “bể” đó! Cuộc sống cứ lêu bêu…

 

Một anh bạn khác, cũng cùng khóa với Duyến, thấy vậy, rủ Duyến về Louisana - nơi cá biển, tôm đầm… bám trụ một thời gian, nhiều người trở thành triệu phú, như anh bạn của Duyến chẳng hạn. Thế mà Duyến bỏ một nơi có nhiều cơ hội tốt để tìm cuộc sống ổn định. Duyến về San Jose. 

 

Ở đây, được một người bạn cùng khóa nữa giúp đỡ: hướng dẫn chia xẻ công việc cắt cỏ. Công việc này, lúc đầu xem qua tưởng là “làm chơi” mà về sau trở thành “ăn thiệt” - đã giúp bao nhiêu người Việt nên cơ nghiệp. Duyến cũng thế - nghề cắt cỏ giúp Duyến mua được cái Mobile Home. Rồi sau đó bắt được cái job - lái xe cho trường học (School bus driver) - cái nghề, tuy không phải là sang cả, nhưng với anh em HO - lỡ thầy, lỡ thợ, lỡ culi… thì đó là cái Job thơm!

 

Anh em đồng môn mừng cho Duyến và nghĩ rằng Duyến đã qua khúc sông định mệnh bần cùng. Đời sẽ lên hương! Nhưng không hiểu lý do gì mà sau đó Duyến không giữ được nhà, mất luôn cả cái Job thơm?

 

Một ngày nọ, người ta thấy Duyến bày một cái bàn nhỏ ở góc chợ trời San Jose - làm nghề cắt chìa khóa. Nghề này do người đàn em Khóa 2 huớng dẫn và giúp đỡ mua đồ nghề.

 

Ai làm nghề này cũng kiếm sống được, nhưng với Duyến chẳng khác Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên:

 

               Mỗi khi chợ trời mở/ Lại thấy ông Việt Nam

               Bày đồ nghề cắt khóa/Bên chợ đông người qua

               Bao nhiêu người thuê cắt/ Tấm tắc khen khéo tay

               Nhưng mỗi ngày một vắng/ Người thuê cắt nay đâu?

               Máy cắt buồn không mở/ Mẫu khóa treo lung lay

               Ông già vẫn ngồi đó/ Khách qua đường không hay

               Năm nay chợ trời mở/ Chẳng thấy ông già đâu!?…

                

Người ta thường ví von rằng: “Ở Mỹ - đói và làm giàu khó ngang nhau.” Đúng là như vậy! Duyến không đói nhưng đã bước xuống nấc thang cuối cùng trong xã hội Mỹ - được cơ quan An Sinh Xã Hội cấp cho nhà ở (housing) và nhu yếu phẩm vừa đủ sống - trừ phi, Duyến muốn đọa đày đời mình để tìm “cái thú đau thương” của nhân loại mới bi thảm hơn mà thôi.

 

Ba Sầu xem xét thằng bạn tâm giao không có ý tưởng đó. Cứ xem cách đặt tên cho đứa con trai đầu lòng với người vợ cả (đã qua đời khi Duyến ở trong tù) thì biết hắn vẫn có những ước mơ đầy tham vọng: Nguyễn Kỳ Đại Thức.

 

Ba Sầu thương cho số phận người bạn tâm giao đã ở nấc thang cuối cùng trong xã hội, vẫn chưa yên thân - người vợ (cưới sau ngày ra tù)  bị ung thư ngực, lại mất trí (alzheimer) phải đưa vào nursing home. Duyến ở nhà đâm ra lẩn thẩn…Bấy giờ cơ quan An Sinh Xã Hội cung cấp mỗi ngày hai bữa ăn, có người mang đến tận nhà. Một hôm người đưa cơm phát hiện: Duyến không có mặt ở trong nhà - đã đi đâu… mất tích!

 

Ba Sầu thở dài… thầm hỏi: Hắn sinh ra đời nhằm ngôi sao xấu hay lòng lành của Chúa đã lãng quên?

 

Thằng bé thấy ông già cứ ngồi bất động, thẫn thờ … nó sốt ruột lay tay ông, nói nhỏ:

- Ông có thấy: người ta treo giải thưởng năm ngàn đô la cho ai tìm được ông Duyến? Ông cháu mình cùng đi tìm nghe ông. Tiền sẽ chia đôi.

- Ờ! Nếu tìm ra, ông sẽ cho con lãnh hết.

- Không được! Như thế không fair.


Sợ thằng nhỏ mất hứng, bỏ cuộc, ông Ba Sầu gật đầu, nói:

- Ờ! Thì chia đôi.

Tấm lòng ngay thẳng của thằng nhỏ làm Ba Sầu nghĩ về nền giáo dục ở Mỹ mà nó được hấp thụ - Cái gì cũng sòng phẳng. Ông ôm chặt nó vào lòng, nói:

- Vậy, ngày mai chúng ta bắt đầu đi tìm. Nhưng con phải xin phép cha mẹ con trước và sáng mai cha hoặc mẹ con dẫn con ra đây gặp ông mới được.

- Dạ! Dễ thôi! Ba con biết ông Duyến mà. Lúc trước, khi ông ngoại con còn sống, thỉnh thoảng ông Duyến có sang chơi. Ông ngoại con thường nói: “Thời trai trẻ, ông Duyến ngon lành lắm: Cả hai ngàn người dự thi vào một trường ở Đà Lạt - ông ngoại con cũng dự thi - nhưng rớt! Ông Duyến được đậu trong số hai trăm người được tuyển chọn.” Qua đây, ông Duyến lái xe School Bus - ổng có cái oai nghe ông - mỗi khi tụi con ồn ào nghịch phá, ông hét một tiếng như trời gầm là tụi con hết hồn, êm re, chẳng đứa nào dám hó hé! Nhưng có khi ổng rất dễ thương, thân mật và phát kẹo cho tụi con. Bọn học sinh Mỹ và Mễ thường gọi lén: “Crazy old man!”

Đèn công viên bật sáng. Ông già chia tay thằng nhỏ, lửng thửng đi về phía nhà dưỡng lão. Thằng bé theo ngã rẽ về nhà. Hẹn ngày mai gặp lại để thực hiện cuộc “Tìm Người Mất Tích”.

 

Những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ - một già, một trẻ lang thang đây đó - trong thành phố rồi ra ngoại ô -  tìm kiếm ông Duyến… chủ yếu đi vào những nơi có đông người homeless.

Ba tháng trôi qua, sự tìm kiếm không có kết quả!

 

Nhưng trong cuộc tìm kiếm này giúp Ba Sầu ngộ được ý nghĩa của hai chữ “tự do và hạnh phúc”:

Ai bảo những người homeless bất hạnh? Chưa chắc đúng đâu! Đi vào sinh hoạt của người homeless: thăm hỏi, chuyện trò… Ba Sầu nhận thấy: Tuy mỗi người một cảnh ngộ …và tùy duyên mà định phận… nhưng họ là những người đã tìm được sự tự do tuyệt đối và hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình.

 

Mấy ông lãnh tụ chính trị thường bảo: sẽ đem lại tự do và hạnh phúc cho  mọi người dân, đều là tán phét! Vì tự do và hạnh phúc đến từ cảm nhận tự phát trong con tim, khối óc của mỗi con người.

 

Ngày cuối cùng sau ba tháng tìm kiếm, ông Ba Sầu ngậm nguì nói với thằng nhỏ:

- Có lẽ ông ta sinh ra đời nhằm ngôi sao xấu và lòng lành của Chúa cũng đã lãng quên. Chỉ còn lại cái tình người… mà tình người đối với ông ta đến thế là cùng rồi, con ạ!

- Chúng ta đành bỏ cuộc sao ông? Thằng bé hỏi.

- Ừ! Cũng đành thôi con ạ!

- Nhưng nếu hôm nào, gặp được ông Duyến, dẫn ổng về, mình có nhận được tiền thưởng, không ông?

- Chuyện đó, con hỏi Hội Ái Hữu của ông ta, ông không biết!!!

 

Một già, một trẻ chia tay nhau trong nỗi ngậm ngùi!*

 

LÊ ĐỨC LUẬN

 (10 Tháng 2/2024)

 

*Người Bắc vào miền Nam sau năm 1975.

*Chúng tôi viết truyện này là chuyện có thật - những mong bạn đọc nào biết được trường hợp tương tự xin vui lòng liên lạc với người viết (703-216-2971) để giúp chúng tôi tìm được “Một Người Mất Tích”.

 

Ý kiến bạn đọc
13/07/202421:43:23
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,862
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến