Nhị độ Hoàng Mai.
Tác giả lầu đầu tham dự VVNM với bài Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point, hiện định cư ởTexas và làm trong nghành giáo dục. Đây là bài thứ hai tiếp theo.
*
Một buổi chiều mùa thu, chị đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, thằng Huy con trai chị, năm nay 17 tuổi, đẩy cửa bước vào. Huy, một cậu bé gầy gò, ngoan hiền, học giỏi và rất thích tham gia công tác thiện nguyện, vừa đi học về.
- Hi Mom! I’m home. Guess what? Con sẽ nộp hồ sơ xin vào học ở học viện quân sự West Point.
Nhắc đến tên West Point, ai cũng biết đó là một học viện quân sự danh giá, đào tạo ra các sĩ quan, những nhà lãnh đạo xuất sắc cho nước Mỹ, một học viện danh giá sánh ngang bằng với đại học Harvard nổi tiếng.
- Con có biết để vào được trường West Point, con phải học rất giỏi và có một sức khỏe thật tốt không? Ngoài ra, cần phải có tài lãnh đạo, có tinh thần phụng sự đất nước và quan trọng nhất là phải được một vị dân biểu giới thiệu.
- Dạ con biết. Con muốn trở thành một phiên bản tốt hơn chính mình và con cũng muốn phục vụ trong quân đội (army).
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Chị nhìn con trai, ái ngại. Huy gầy còm, nhỏ bé. Liệu con trai chị có vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe về thể lực của trường này hay không là câu hỏi thường trực trong lòng chị. Hàng ngày chị vẫn nhắc con tập thể dục vì con trai của chị rất lười vận động. Mỗi sáng, Huy chỉ quơ tay quơ chân cho chị khỏi cằn nhằn. Chị không thể không bật cười vì thấy con tung nắm đấm tay, tung vài cú đá yếu ớt giống như đang đuổi ruồi. Như hiểu được băn khoăn của chị, Huy nói « Má yên tâm, con đã lên kế hoạch tập luyện sức khỏe rồi.»
Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, chị và con trai thường ra công viên gần nhà. Huy tập ném bóng, tập chạy và tập tạ. Chị lượm bóng ném trả lại cho con và chạy lúp xúp cùng con. Huy bền bỉ tập luyện dù sự tiến bộ đến rất chậm. Đã có lúc chị nghi ngờ về sức khỏe của con trai. Không ít lần chị muốn khóc vì thất vọng, Huy đã cố gắng nhiểu nhưng vẫn không ném bóng xa tới 60 feet được. Nỗi thất vọng cộng với những lời bàn ra tán vào của những người sống quanh chị đã đôi lần làm chị ngờ vực, rằng dẫu có cố gắng nhiều, con trai chị sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Gia đình chị và bạn bè thường hỏi chị:
- Có một đứa con duy nhất mà cho đi học xa vậy?
- Sao không cho nó đi học bác sĩ, kỹ sư mà cho nó đi lính? Nhỡ sau này nó phải tham chiến thì sao?
- Có nhiều trường tốt gần nhà với nhiều ngành học và nhiều suất học bổng có giá trị, đâu cần phải cho đi học trường đào tạo sĩ quan?
Đã không ít lần chị tự hỏi quyết định chọn trường của con có đúng đắn hay không khi sức khỏe của con trai không đạt yêu cầu của West Point. Thế nhưng, trước những nỗ lực bền bỉ của con trai, mọi nghi ngờ, thất vọng, băn khoăn của chị đều bay biến, bay xa như chiếc bong bóng bay mà chị thường mua tặng con vào ngày sinh nhật của con. Con trai chị thích thả một chiếc bóng bay vào ngày sinh nhật của mình để gió ngoài sân mang chiếc bong bóng đi thật xa. Chiếc bóng bay mang theo giấc mơ của một đứa con nít muốn được nhìn thấy một thế giới rộng lớn khác ngoài kia vì có lẽ đứa con nít nghĩ thế giới ngoài kia chắc có nhiều điều thú vị, giấc mơ của một đứa con nít-là-con trai chị đang sống trong một khu phố nghèo và đi học ở một trường trung học Title 1 (trường cung cấp các bữa ăn sáng và ăn trưa miễn phí cho các em học sinh thuộc các gia đình nghèo khó). Đứa con nít –là- con trai chị chưa từng được đi đâu xa ra khỏi cái khu phố nghèo này, trong khi phần đông bạn bè của nó năm nào cũng được đi đây đi đó với gia đình. Học viện West Point sẽ là chiếc bóng bay lung linh sắc màu chuyên chở ước mơ của con trai chị bay xa.
Vào một ngày cuối tuần trước kì nghỉ spring break, thằng Huy hớn hở khoe vói chị:
- Má ơi, con được trường chọn làm đại diện về Austin, thủ phủ của bang Texas, để tham gia chương trình của Texas Boys States. Tham gia tuần lễ của Texas Boys State sẽ giúp con ghi điểm với West Point và hi vọng sẽ lọt vào mắt xanh của West Point.
Là dân nhập cư và qua Mỹ lúc không còn trẻ nữa, chị phải tự học, tìm hiểu về việc học hành của con trai chị, về các hoạt động ngoại khóa mà con tham gia. Texas Boys States là một chương trình dành cho thanh thiếu niên ưu tú bậc trung học. Mỗi trường chọn ra một gương mặt đại diện cho trường để về Austin tham dự. Chương trình kéo dài trong một tuần lễ. Các em học sinh được chọn sẽ có cơ hội tìm hiểu về các thức bình chọn các ứng viên vào các cấp của chính quyền tiểu bang, chính quyền cấp quận, hạt và cấp chính quyền thành phố cho cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.
- Má biết không, nếu như tất cả các vị trí công quyền được trao cho một số bạn rồi thì ban tổ chức sẽ nghĩ ra một cái chức vụ nào đó để trao cho các bạn chưa được đề cử, ví dụ như cái chức vụ trash manager (quản lý rác) chẳng hạn.
- Con cố gắng tranh cử vào vị trí nào cũng được ngoại trừ chức vụ trash manager nhé vì con là trash manager của nhà mình rồi mà.
Hai má con cười vang. Chị nửa đùa nửa thật vì sau những giây phút học hành, con trai giúp chị làm các công việc vặt như đổ rác, quét nhà, dọn dẹp ngoài vườn và các công việc không tên khác. Vậy là mùa hè của đầu năm học lớp 12, con trai chị được đưa đón về Austin để tham gia vào tuần lễ Texas Boys States và sau khi tuần lễ này kết thúc, Huy về nhà với một số huy chương và với chức danh «Ngoại trưởng bang Texas” (Secretary of State of Texas). Nếu con trai chị trở về nhà với chức danh Trash Manager, có lẽ chị hơi thất vọng một chút thôi, nhưng chị vẫn sẽ yêu thương con và tiếp tục ủng hộ con như bao lâu nay chị đã và đang làm.
Ở một đất nước có nhiều cơ hội như nước Mỹ, mọi người đều có cơ hội vươn lên trong xã hội nếu có cố gắng nỗ lực học tập và làm việc và nỗ lực nào cũng sẽ được đền đáp khi người ta còn trẻ và có quyết tâm phấn đấu. Để nộp đơn xin vào một học viện quân sự danh giá ở Mỹ, bạn không cần phải được sinh ra trong một gia đình có ba đời là gia đình quân nhân như gia đình Thượng nghị sĩ John MacCain. Chỉ cần bạn là công dân Mỹ, có hạnh kiểm, đạo đức và sức khỏe tốt, học lực khá giỏi, có tố chất làm lãnh đạo, có lý tưởng và có tinh thần phụng sự đất nước là bạn có cơ hội cao được nhận vào các học viện quân sự danh giá ở Mỹ. Nhờ nỗ lực tập luyện các môn như tập tạ, ném bóng, tập chạy, từ một cậu bé gầy gò ốm yếu, con trai chị khỏe mạnh hơn mỗi ngày và đã vượt qua kì thi thể lực (CFA- Cadet Fitness Assessment) của học viện West Point. Từ một cậu bé lười vận động, sau hơn một năm tập luyện, con trai chị đã có vóc dáng của một vận động viên thể thao, phải chăng sức mạnh đến từ ý chí?
Sau khi hoàn tất hồ sơ xin nhập học, con chị được học viện West Point cho một cuộc hẹn gặp để “giao lưu” với đại diện của trường, thực chất là một cuộc phỏng vấn. Đây là một học viện danh giá nên cách phỏng vấn cũng rất đặc biệt. Đại tá Smith, một cựu sinh viên West Point và là một trong những điều phối viên vùng, biến cuộc phỏng vấn thành một buổi hàn huyên giữa hai người bạn. Con trai chị được hỏi lý do vì sao muốn vào học ở West Point và đã nỗ lực ra sao để được nhận vào học. Vị đại tá này kể cho con trai chị nghe về quãng thời gian ông theo học ở West Point, gọi là 47 tháng trải nghiệm West Point. Cuộc phỏng vấn diễn ra ở một quán cà phê Starbuck nhằm tạo được một không khí thân tình và thoải mái cho con trai chị. Đại tá Smith là một bậc thầy tâm lý khi chọn một quán cà phê để tránh những căng thẳng và áp lực cho người được phỏng vấn. Vị
Đại tá đã chiếm trọn cảm tình của con trai chị và hun đúc thêm quyết tâm cho con trai chị theo học ở West Point. Quả thật không ngoa khi báo chí ca ngợi rằng West Point đào tạo ra các nhà lãnh đạo có “dáng vóc của một vận động viên Olympic, trí tuệ của một học giả, ăn nói như một diễn giả và ứng xử như một chuyên gia tâm lý”.
Rồi ngày mong đợi ấy cũng đến. Một ngày đẹp trời của học kỳ mùa xuân của năm học lớp 12, vị Dân biểu, người đã đề cử con trai chị, gọi điện thoại thông báo con trai chị đã được nhận vào học viện West Point. Thằng Huy thì khỏi phải nói, cu cậu nhảy cẫng lên sung sướng. Chị vừa mừng vừa lo. Tin vui nối tiếp tin vui, con trai chị lại được một trường đại học trong thành phố nơi gia đình chị cư ngụ trao học bổng toàn phần nếu theo học ở trường này. Nếu chọn học ở trường gần nhà, con trai chị sẽ chọn học xong đại học chỉ trong vòng hai năm (fast track) và hai má con sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Nếu chọn West Point, con trai chị sẽ xa nhà 9 năm (4 năm đi học và 5 năm phục vụ trong quân đội theo cam kết với học viện West Point) và nếu sau 9 năm này mà con trai chị vẫn chọn binh nghiệp như một lựa chọn nghề nghiệp, chị sẽ phải xa con lâu lắm, có thể phải xa con tới gần hai chục năm. Trái tim chị thì thầm với con trai « Con hãy đi học gần nhà » nhưng lý trí chị lại lên tiếng «Đừng làm tan vỡ chiếc bong bóng của con.». Nội tâm chị bị giằng xé dữ dội hơn bao giờ hết.
Người Mỹ có câu «Life is the trade-off» (Cuộc đời là một cuộc đánh đổi). Để đạt được ước muốn của mình, con trai chị phải hy sinh quãng thời gian tươi đẹp nhất của đời người để học hành vất vả ở một ngôi trường có những tiêu chuẩn khắc khe về học lực và về thể chất. Con chị sẽ phải sống xa nhà, phải trải nghiệm những giây phút độc hành vì không có đủ thời gian để nói chuyện với gia đình và bạn bè, không được tham dự vào những buổi tiệc của gia dình. Trong khi đồng trang lứa của con chị được vui chơi, tiệc tùng vào cuối tuần như những sinh viên bình thường khác, con chị phải lau sàn nhà, dọp dẹp phòng ốc theo yêu cầu của học viện quân sự
Vào ngày nhập học của tân sinh viên West Point, chị đưa con đến tận trường. Sau buổi lễ tiếp đón phụ huynh và tân sinh viên, chị có một phút để tạm biệt con trai. Thằng Huy ôm chị nói:
- Cám ơn Má đã đồng hành cùng với con vào West Point.
- Con phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành chương trình học rất nhiều áp lực của trường. Má tự hào về con.
Thằng Huy vừa đi vừa ngoái nhìn bịn rịn. Chị cố mỉm cười cho con an lòng, dõi nhìn theo những bước chân của con, những bước chân còn bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đến trường để nhập học. Thế nhưng chị tin rằng những bước chân còn bỡ ngỡ đó, một ngày kia, chân sẽ cứng và đá sẽ mềm khi con trai chị bước ra từ cánh cửa trường West Point, bởi vì West Point là học viện danh tiếng, có chương trình đào tạo với những tiêu chuẩn cao, khắc khe nhất để đào tạo ra các nhà lãnh đao xuất sắc cho xã hội Mỹ như câu nói nổi tiếng của trường: “West Point is the worst place to be at but the great place to be from”. (West Point là một nơi gian khổ nhất cho những ai đang theo học nhưng lại là một nơi tuyệt vời để khởi đầu). Chị nhìn theo con cho đến khi thằng Huy đi mất hút, chị nghe như có sóng vỗ trong lòng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
(Tống biệt hành-Thâm Tâm).
Nhị độ Hoàng Mai
Du học sinh đi học taị Mỹ đã nhìn thấy nuớc Mỹ quân tử bao dung thì khi về nuớc nên đề nghị cho trùng tu nghĩa trang QD VNCH, và cho cứu trợ thuơng phe binh VNCH như Mỹ đã làm với thuơng binh Ðức, Nhật.
Mình đọc thấy phục người mẹ này quá.
Lòng thương yêu và lo lắng cho con không bờ bến.
"Nữ phóng viên Kelly O'Donnell của Đài NBC trong phần nói chuyện đã nhắc rằng hàng trăm phóng viên bị giết ở Gaza kể từ ngày 7 tháng 10, nhưng cô không nói về chuyện ai giết phóng viên."
Ký giả này phát biểu trong khách sạn tổ chức bữa tối thường niên cho phóng viên Bạch Ốc, cuả TT Biden. Ngay cả đài NBC cũng cấm phóng viên loan tin quân Do Thái giết ký giả, nhân viên từ thiện, bác sĩ, ... vì sợ bị chụp mũ là antisemitism nên nuớc Mỹ nay là quốc gia bưng bít tin tức. Nuớc Mỹ nay đứng về phe kẻ xấu và lính Mỹ bị chánh phủ Mỹ lợi dụng xuơng máu và phản bội trong chiến tranh VN và Trung Ðông. Các hội từ thiện như Paralyzed Veterans of America, Disabled American Veterans, Wounded Warriors Projects, ... than phiền là chánh phủ Mỹ bỏ rơi lính Mỹ bị tàn tật để họ sống nghèo đói với bệnh tật. Khi lính Mỹ trở về từ chiến tranh VN, họ bị dân chúng và ngay cả VFW bạc đãi miệt thị đến nỗi không dám mặc quân phục khi ra đuờng, mà chánh phủ làm ngơ không bên vực họ. Mãi đến 1980 sau Tổng Thống Regan đắc cử ông mới lên tiếng bên vực cựu chiến binh, xây bức tuờng kỷ niệm Vietnam War Memorial dân Mỹ mới thay đổi thái độ.
Một danh tuớng đã có lần phát biểu là ông thán phục nguời lính bộ binh vì ngoài gian khổ hy sinh họ còn phải chịu bất công.
.
Niềm HÃNH DIỆN cho Mẹ Con và Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại
Cố Gắng Lên nhé !