Tác giả tên thật Chu Toàn Thắng, sinh năm 1962 hiện là cư dân Garden Grove. Công việc: Minister at Community of Agape Love Church. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Chỉ Cần Một Tay” đã phổ biến đầu năm 2016. Bài viết thứ hai kể về những ngày cuối năm của một gia đình gốc Việt có người chồng, người cha từng là sĩ quan VNCH, cựu tù nhân, và có người con mất tích trên đường vượt biển tìm tự do. Sau 8 năm, tác giả trở lại VVNM gần đây với bài “Homeless ở Đại Lộ Bolsa”, phác họa những mảnh đời bất hạnh vô gia cư trên con đường Bolsa, là bài viết được nhiều “like” nhất trên trang facebook VVNM cũng như được đọc nhiều trên trang vietbao.com.
***
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi.
Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre.
“Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi.
“Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Hình như anh muốn chết thật nên cứ lập lại chữ “chết” với đôi mắt tuyệt vọng.
“Sao anh cứ muốn chết hoài,” tôi an ủi, “Bao nhiêu người bỏ mạng nơi biển cả để qua Mỹ mà anh lại muốn chết. Tôi sẽ giúp anh muốn sống. Đầu tiên anh phải biết lái xe ở cái xứ tám tháng tuyết lạnh Michigan này để khỏi đi xe đạp lại còn chở người ngồi sau.”
“Em trượt té xe đạp mấy lần rồi. May hai vợ chồng không sao,” anh Trị buồn rầu nói, “Còn chuyện học lái xe thì em sẵn sàng nhịn đói tốn bao nhiêu tiền cũng học. Trước đây em có đóng $500 đô học rồi nhưng ông thầy là thằng nhóc giọng Hà-nội sang du học rồi nó trốn ở đây luôn. Nó nhận dạy $500 một người, mà phải đủ ít nhất ba người một lúc ngồi chung xe nó mới dạy.”
“Trời! Ác ôn vậy!” tôi trố mắt nhìn Trị.
“Nó đắt khách như tôm tươi vì chẳng ai cạnh tranh nó cả,” Trị nóng nảy tiếp như trút cơn giận, “Ngồi trên xe nó chửi ỏm củ tỏi lên. Tới phiên ai lái nó cũng chửi người ta. Mà nó chửi tục không à anh. Cứ ‘đé.. đé…’ suốt. Còn chửi người ta ‘ngu như bò,’ ‘ăn gì dzốt thế,’ ‘có phải là người không.’ Mà học trò cứ im re à anh ơi!”
“Thật không thể tưởng nổi,” tôi cũng nổi nóng.
“Tới phiên em thì nó lại càng hung hăng. Nó đuổi em ra xe luôn.”
“Why?”
“Lúc đó nó biết em cụt giò phải, từ đầu gối.”
Chợt cả anh và tôi đều im lặng, cùng nhìn xuống chân anh. Phút im lặng tưởng như thế kỷ.
Rồi chúng tôi nhìn nhau. Vẫn im lặng.
Anh kéo ống quần phải lên để lộ khúc chân gỗ. Anh từ từ tháo khúc chân gỗ ra để hiện nguyên hình “độc cước đại hiệp.”
“Quê em Cà-mau. Lúc nhỏ em chăn trâu đạp phải mìn Việt Cộng gài còn vướng lại sau 30/4,” anh nói nhỏ giọng buồn rầu như ôn lại quá khứ, “Lúc đó nghèo quá, chứ có tiền thì cũng vá víu được. Nhưng thôi, cũng là số phận em dính liền vào quê hương tang tóc mình vậy.”
Tôi đi quanh phòng trong khi anh đang gắn chân giả lại.
“Tôi sẽ dạy anh lái xe miễn phí,” tôi vỗ vai anh nói, “Bắt đầu ngày mai nha.”
Thi lái xe ở Michigan khó hơn Cali nhiều. Trong bãi đậu xe, người thi phải lui được xe vào “hộp,” và khi dừng đầu xe phải nằm đúng giữa hai lằn trắng vạch sẵn, trước khi được chạy ra ngoài đường lớn, rồi ra freeway. Đa số rớt ngay tại bãi đậu.
Tập lái xe cho phế nhân như anh Trị còn khó hơn gấp mười lần vì anh cụt chân phải, nên dùng chân trái bắt chéo qua để đạp bàn thắng và gas, cộng thêm phần anh phản ứng chậm và hoàn toàn không biết chút tiếng Mỹ.
Nhưng rồi cũng qua và ngày thi cũng đến.
Kết quả: Xe chưa nổ máy anh đã rớt. Lý do: Giám khảo không cho chéo chân.
“Vậy lần sau thi anh dùng chân phải nha,” tôi an ủi anh.
“Nhưng chân gỗ nên em không có cảm giác gì thì sao điều khiển được anh,” Trị lo lắng.
“Mình tập lại bằng chân gỗ nha,” tôi khích lệ với triết lý, “Cuộc đời là một chuỗi những thói quen.”
Lần tập này cả hai chúng tôi xém chết mấy lần.
Không bao giờ tôi có thể uống trọn ly cà-phê vì xe cứ gịật tới giật lui khiến ly cà-phê không uống cũng cạn, còn tôi như cây cà-phê sống tỏa hương ngào ngạt.
Nhiều lần Trị muốn bỏ cuộc.
“Tôi không sợ mà anh sợ à,” tôi ra vẻ cứng rắn, “Chúng ta cùng vượt khó để thoát khổ.”
Sau một tuần tập mỗi ngày, Trị đã quen cảm giác dùng chân gỗ điều khiển bàn đạp thắng và gas.
“Cám ơn Chúa. Cám ơn anh. Em mà lái xe được thì vợ càng được hơn nữa. Anh tập cho vợ em luôn nha,” Trị mừng rỡ vừa nói vừa huơ huơ cái bằng tạm lên trời.
Tôi không thể nói không.
Nhưng thực tế khác hẳn. Vợ anh học lái chậm hơn anh gấp mười lần vì cứ lù đù và nhát như thỏ đế. Chị nhất định không dám ra đường lớn dù đã mất gần hai tuần chạy vòng vòng parking lot.
“Chị Liên nè, mai 4:00 sáng chị dậy nổi không?” tôi hỏi, “Nếu tôi dậy nổi thì chị dậy nổi chứ. Mình tập lái lúc đó ngoài đường vắng xe nha.”
“Ô, giờ đó em cũng quen dậy rồi,” chị đáp liền, “Em bị hậu chấn tâm lý cứ 3 giờ sáng là thức mãi đến gần sáng ngủ lại. Qua Mỹ em tưởng đổi giờ sẽ hết nhưng vẫn bị. Chẳng hiểu tại sao.”
“Chị bị khi nào?”
“Hồi nhỏ nhà em làm ruộng ban ngày, cứ khoảng 3giờ khuya là Việt Cộng nó đến lấy gạo nhà em, không cho là nó giết, nên em bị ám ảnh đến nay thành thói quen thức giờ đó.”
“Rồi chị sẽ quên thôi khi hội nhập vào đời sống tự do và sung túc ở đây,” tôi yên ủi chị, “Chị cứ quyết vươn tới sẽ được thôi. Anh Trị lái xe được là chị được.”
“Với lại tiếng Mỹ em không biết gì,” chị buồn buồn, “Có lần người ta chào ‘hi’ em trả lời là ‘bốn,’ vì em nghĩ người ta ‘hi’ mà mình nói lại ‘hi’ là ‘bốn’ chứ còn gì nữa anh.”
Chưa thấy người nào quá đơn sơ như chị Liên.
Ngày thi cũng đến.
“Chị này tay lái còn yếu lắm, xe chạy còn hơi lắc lư, nhưng chị cũng vượt qua được hàng rào vào ‘hộp.’ Tôi du di cho chị đậu đấy nhé. Khỏi ra freeway nha,” người chấm thi DMV nói với tôi đang ngồi ghế băng sau. [Luật Michigan cho người đi theo ngồi phía băng ghế sau.]
“Cũng may ông này vừa hiền vừa nhát gan nên chị đậu đấy. Chúc mừng Liên nha,” tôi nói khi bắt tay chị Liên.
Thế là tôi không nói mà thiên hạ đồn, tôi không cánh mà bay bổng tiếng tăm trong vùng.
“Ai chậm đến đâu cũng có bằng lái xe nhờ ông này đó,” thiên hạ kháo nhau thế, “Vợ chồng ông Trị mà còn có bằng lái xe thì thôi kẻ mù cũng lái được.”
Tôi đắt khách học lái xe như tôm tươi, dù là nghề bất đắc dĩ, dù xe không hai thắng cũng không hai chân gas như California. Cứ thế tiền vô. Cash only!
Một tuần sau, Trị lại đến tìm tôi.
“Rào cản đầu tiên anh vượt qua rồi,” tôi nói với Trị,“Rào cản thứ hai anh phải vượt qua nữa là kiếm một nghề, mà hay nhất là nghề làm nails.”
“Em cũng chán nghề rửa chén nhà hàng rồi. Nhưng trời, vợ chồng em làm ruộng tay chân cục mịch vậy làm sao làm đẹp được cho ai, tiếng Mỹ thì không biết,” Trị nói khi che mặt mình bằng đôi bàn tay thô kệch xòe ra như cánh quạt giấy.
“Đừng lo, tôi có nhiều người quen mở tiệm nails rất cần thợ. Ở xứ lạnh này kiếm thợ khó lắm, nhiều khi phải đăng báo tìm thợ ở Cali qua, gọi là thợ xuyên bang, rất phiền phức vì phải bao ăn, bao ở, bao lương; đã vậy còn bị thợ làm eo làm sách. Được thời gian biết đường đi nước bước rồi thì thợ lại bay nhảy lung tung, có khi mở tiệm cạnh tranh kế bên mình nữa, làm chủ phải mất một số khách, đã vậy phải đăng báo tìm thợ khác. Vòng quay cứ vậy làm mình mệt,” tôi trấn an anh, rồi nửa đùa nửa thật, “À, cùng lắm anh cũng làm chân tay nước được mà. Cày ruộng được thì chà chân khách Mỹ Đen, Trắng, Mễ gì cũng dư sức.”
Chỉ một tháng sau, đúng chỉ một tháng sau khi hai vợ chồng Trị có bằng lái xe để tự lái đi vừa học nghề nails vừa làm tay chân nước, và được chủ bao $300/tuần mỗi người. [Đúng giá thị trường lúc đó là $500/tuần nếu có bằng nails.]
Vợ chồng anh đã mua được xe mới, mướn được căn apartment, tiền bạc rủng rính ra vô không giàu nhưng sống không thiếu gì. Nhất là được tự do, tự lập, và tự tin.
Đúng là cuộc đổi đời lớn mà không riêng gì gia đình anh Trị nhưng cả cộng đồng ba ngàn người Việt vùng Metro Detroit đồn kháo rằng ảnh trúng số nên mới đổi đời như vậy.
Còn chuyện làm nails chỉ để che mắt thiên hạ vì sợ bị cướp.
Còn chuyện bằng lái xe là mua bằng giả.
Còn chuyện chân gỗ chỉ là bịp bợm.
Còn chuyện vợ ảnh làm nail móng bột được thì trời sập.
Nhưng tất cả đều là thật. Thật hơn cả sự thật, vì sự thật có thể tưởng tượng được, nhưng chuyện đổi đời như trên của gia đình anh Trị thì phải hơn cả sự thật thì mới có thể xảy ra được. Và có nhiều sự thật để đổi được đời chỉ đơn giản là đổi đôi chân: Chớ chéo chân.
Trời Michigan tám tháng lạnh, bốn tháng nóng vẫn tuần hoàn muôn thuở. Chỉ có con người là thay đổi không theo luật thiên nhiên mà theo lòng người có thương yêu nhau đủ để giúp đỡ đồng loại hay không.
Và yêu thương nào mà chẳng đòi hỏi ít hoặc nhiều hy sinh, và không bao giờ mất phần thưởng.
Thắng Chu
Nếu chuyện ông Trị có thật thì ông Trị nên báo cho ICE (Immigration and Customs Enforcement) về tên du hoc cộng sản Hà Lội ở "lậu" để ICE điều tra và trục xuất nó về thiên đường xhcn. Cháu ngoan bacho vừa xấc xược vừa bốc lột những người Việt yếu thế hon, theo kiểu tiểu nhân bỉ ổi, thượng đội hạ đạp. Loại cộng sản đồ-bác-dạy xứng đáng bị trục xuất hết về thiên đường xhcn để giảm bớt rác rưới trong xã hội Mỹ.
Ông Trị khi đi làm có tiền thì nên học tiếng Anh cho khá khá để đi bác sĩ xin là một cái chân giả (prosthetic leg) tốt hơn, để an toàn hơn trong việc lái xe và dễ dàng hơn trong việc đi đứng.
Còn vụ cộng đồng người VIệt đồn kháo lung tung về gia đình ông Trị thì chỉ lòi ra bản bản chất nhỏ mọn, ganh tỵ, thích nói xấu người khác, nhiều chuyện vô duyên lãng xẹt, thiếu tính nhân bản của một số (không biết mấy % ? ) trong cộng đồng người Việt. Không biết đa số mấy người vô duyên này có phải là sản phẩm của nền giáo "rục" vịt cộng không?