Hôm nay,  

Chuyện Nhà Viola

05/04/202400:00:00(Xem: 4515)
BOB-HILL-1977-RENO-NEADA
Bob Hill, Reno, Nevada 1977. Hình tác giả gửi.
 
Bữa nay soạn hình để viết về mấy chuyện tình cũ nghĩa xưa, chợt một tấm hình nhỏ xíu lọt khỏi cuốn album. Tui nhận ra ngay, là Bob. Lật mặt sau, tui có đề Bob Hill, Reno, Nevada 1977. Trời. Tui nhớ vợ chồng này lắm, nhứt là Viola. Nhớ nhiều lắm.

Chồng cô kêu cô là Hey, Vil.

Bob là bạn đồng nghiệp của chồng tôi. Người tốt, mình chịu ơn nên nhớ hoài.

Mùa thu năm 1971 vợ chồng tôi chân ướt chân ráo từ Tucson Arizona dọn qua Reno, trong lòng rất vui mừng cùng hy vọng. 

Reno, một thành phố của tiểu bang Nevada, hãnh diện có cái cổng chào giăng ngay trung tâm thành phố với hàng chữ:

RENO
 THE BIGGEST LITTLE CITY IN THE WORD

Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine)

Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Khi đi làm việc, ăn uống thất thường và khi ăn thì nuốt chớ chẳng có nhai kỹ, hễ nhắc thì y nói ăn theo kiểu nhà binh, có khi đang ăn mới 2, 3 phút, nghe thổi còi cái hoét là phải đứng dậy chạy, quen rồi.  

Sau khi có gia đình, tật uống rượu vẫn không chừa, thêm chất chồng trách nhiệm nuôi vợ dại con thơ, đời sống bấp bênh, luôn luôn lo lắng, thể xác lẫn tinh thần đều xuống thấp, cái bao tử đã yếu sẵn, bị bào mòn, mang bịnh trong mình mà không hay, mới ra cớ sự.

Làm việc đâu được vài tháng, một hôm, chồng tôi về, than đau bụng, nhức mình. Tưởng y bị cảm, cho uống thuốc xong rồi, ăn buổi tối. Bữa ăn có thịt bò khoai tây chiên dầu mỡ. Cỡ nửa tiếng đồng hồ sau y than đau bụng, vô cầu ói ra máu và ùa theo thức ăn như còn y nguyên từng miếng thịt. Rồi xỉu. Ngã cái đùng xuống sàn nhà. Tui đứng kế bên mà đỡ gì kịp.

Lúc đó tui mới qua Mỹ, tinh thần chưa ổn định, Anh ngữ chưa thông, nhìn từng bụm máu phọt ra từ miệng chồng, hồn phi phách tán chỉ biết run rẩy quay điện thoại kêu cứu bà má chồng.

Rồi y tỉnh lại, nói, không sao không sao.

Cũng may má chồng ở gần, chạy tới, gọi xe cứu thương chở đi nhà thương.  

Nhớ lúc y ói ra máu, tui run quá tay chân quíu lại, mẹ chồng qua rồi theo xe cứu thương với y, tui ở nhà ôm hai đứa con, đứa gần 2 tuổi đứa mới sanh vài tháng. Tui gọi cho Bob hay để nhờ y xin phép cho chồng tui nghỉ bịnh. Chỉ một lúc  sau hai vợ chồng chạy tới. Trên tay Vil ôm hai bịch giấy đầy nhóc đồ ăn. Chị đã ghé chợ trước khi qua. Chị tự nhiên mở tủ chất đồ hộp vô tủ, mở tủ lạnh chất đồ ăn thịt thà rau trái vô. Rồi thấy tui ôm con ngồi đờ ra, ngó, y lục lọi lấy chổi lấy giẻ vô phòng tắm để dọn dẹp

Vil trầm tĩnh, lấy cây chổi quét, gom đồ ăn đống máu hốt bỏ vô thùng rác, lấy cái khăn cũ, vừa đùa vừa lau, cho tới khi không còn giọt máu nào trên sàn, rồi lau cho thật sạch.

Đống máu tươi đỏ lòm hòa với đồ ăn còn tươi nguyên tui thấy gớm, ngồi nhìn y làm mà tui nhợn ói mấy lần, Vil đã chùi sạch sẽ không còn một dấu vết.
Thực sự, từ trước tới giờ phút đó tui cứ tưởng đàn bà Mỹ hay làm điệu chỉ lo diện, làm gì cũng dựa vô máy móc, không chịu cực như người Việt mình và nhứt là có tánh lãnh đạm ích kỷ. Ai mà ngờ người đàn bà này, quen nhau chưa được bao lâu, nói chuyện với nhau có được mấy câu đâu, vừa có lòng tốt vừa không ngại dơ tay, tỉnh bơ quỳ xuống sàn nhà cầm cái giẻ lau và cây bàn chải để dọn dẹp đống máu và thức ăn của người dưng như vầy.

Sau khi lau chùi xong, trong khi tui, một bên thì dỗ dành thằng con lớn, tuy mới biết nói chuyện nhưng thấy Ba nó ói ra máu nó đã biết sợ mà khóc điếng, lấy tay khoát khoát miệng la “No no daddy daddy no no”; một bên thì đang ẵm thằng con thứ cũng đang khóc, Vil pha bình sữa rồi đưa tay đón lấy thằng con nhỏ của tui để cho nó bú, khuyên tui:

- You đừng lo lắng quá. Chồng you là cựu quân nhân được nhà thương quân đội cứu chữa rồi và sẽ không phải trả đồng nào hết. (Quả thiệt y tâm lý lắm, hiểu được sự lo lắng của tui) Ở đây có chúng tôi sẽ giúp cho, cần gì cứ nói. Trong tủ lạnh đã có đầy đủ thức ăn cho 2 tuần, tới ngày lãnh lương Bob sẽ đem về cho you. Khi cần đi thăm, nếu mẹ chồng you không đưa đi được thì tôi sẽ đưa you đi. Điều cần nhứt là you phải giữ gìn sức khỏe để lo cho hai đứa nhỏ. You có hiểu ý tôi nói không?

Cho dù tiếng Anh dở cách gì đi nữa, tui cũng hiểu ý của Vil mà.  

Nhưng, nhà thương không cho con nít vô thăm, mà cũng không tiện việc đi lại nên suốt thời gian đó tui chỉ ở nhà lo cho con.


Trong nhà thương sau khi khám xét từ đầu tới chân bác sĩ cho biết chồng tui bị lở bao tử, đang chảy máu, cấp cứu xong rồi mới quyết định chuyện mổ xẻ.

Khi bác sĩ nói sẽ giải phẫu thì chồng tui hỏi ngoài chuyện đó ra, còn có cách nào khác không, thì bác sĩ nói còn cách là phải bỏ rượu, ăn uống kiêng cữ.
Chồng tui nằm nhà thương chưa tới hai tuần thì về, hay là anh ta đòi về không chừng.

Chấp nhận theo cách cữ kiêng, trong vòng sáu tháng sau, y chỉ ăn tất cả thức ăn hoặc hấp hoặc luộc, không gia vị, muối rất hạn chế, ngưng uống rượu.
Bob là người ghiền uống bia. Thời đó, lương căn bản chỉ có trên 1 mỹ kim/giờ thôi nên tiền Mỹ lớn lắm, vậy mà Bob dám bỏ ra mỗi tháng 50 mỹ kim để hãng đem tới nhà thùng bia, bự lắm, khi uống thì vặn nút cho bia chảy ra, đầy bọt đàng hoàng như bia mới khui. Uống cạn thì hãng đem thùng đầy tới đổi.

Tánh tình Bob tuy rất tốt nhưng nóng như lửa, hung hăng, ăn hiếp vợ, nạt nộ đánh con.

Trái lại, Vil rất trầm tính, dịu dàng, nói năng nhẹ như hơi gió. Nhà cửa đồ đạc phòng nào ra phòng đó, ngăn nắp, sạch sẽ, nấu ăn ngon.

Vợ chồng Bob có hai đứa con, lúc đó còn học tiểu học. Không biết có phải vì cái gốc nghiện rượu của cha hay không mà hai đứa một trai một gái đó thường hay đánh nhau, mà thằng anh thì luôn thua, tánh có hơi ngớ ngẩn.
Đầu năm 1973, vừa nghe có lịnh đình chiến bên Việt Nam, vợ chồng tôi ôm hai thằng con trở về cho tới cuối năm 1974 thì lại trở qua Mỹ.

Lẩn quẩn loanh quanh với đời sống cho tới giữa năm 1975, sau khi Má và đám em được Cầu Không Vận Mỹ bốc ra khỏi Sài Gòn, đâu đó ổn định rồi, đầu năm 1977 vợ chồng tôi mới có dịp trở lại thăm nhà Bob. Hai đứa con của y đã vô Trung Học. Khi gặp chúng tôi, cháu gái có vẻ lãnh đạm, như người không quen, cháu trai thì tránh đi chỗ khác chớ không chạy tới ôm hai đứa con tui đưa đồ chơi cho chơi như xưa. Tui nghĩ chắc hai cháu lớn rồi tánh thay đổi. Nhưng nghe Vil kể lại câu chuyện thương tâm của cháu trai mới hiểu tại sao. Có thể vì hiền quá mà cháu đi học hay bị bạn bè hiếp đáp, rồi xảy ra một chuyện khiến cho em từ đó về sau mang chứng bịnh tâm thần luôn.

Thời đó, học trò nghỉ hè liên tiếp ba tháng ròng, gây khó khăn cho nhiều gia đình nào mà cả cha mẹ phải đi làm, con cái không người chăm sóc, hoặc cha đi làm mẹ ở nhà nhưng nghỉ lâu quá con cái cuồng chân phá phách nhà cửa xóm làng. Có lẽ vì vậy mà nhà trường và công ty tư nhân hằng năm tổ chức những cuộc cắm trại, ở trong trại cả tháng, có khi suốt ba tháng hè luôn, cha mẹ đỡ được gánh nặng, nên họ cho con cái ghi danh tham dự rất đông.

Năm đó cháu trai đi theo đoàn. Mới đầu thì vui vẻ lắm. Trong trại có biết bao nhiêu là trò, vừa chơi vừa học hỏi, thực tập, theo kiểu Hướng Đạo Sinh. Rồi một hôm cha mẹ được gọi tới nhà thương. Mới tá hỏa. Cháu trai đã bị ai đó, đêm khuya lôi vô rừng gần khu cắm trại, cưỡng hiếp rồi bị trói vô thân cây. Cả ngày mới tìm thấy thì cháu đã hồn bay lơ lửng nửa trong nửa ngoài.

Theo cuộc điều tra thì không có ai trong đoàn bị dính líu gì hết. Họ tuyên bố là cháu bị người lạ, người rừng nào đó hãm hại.

Tuy vẫn còn sống, nhưng trí óc đã mất hẳn phần bình thường. Tội nghiệp cho cháu quá.

Vợ chồng Bob rất buồn khổ.

Bẵng đi một thời gian sau nữa, một hôm nghe tin sét đánh, Vil bị tai nạn giao thông, chết rồi. Hôm đó khi sửa soạn bữa ăn chiều, trong tủ lạnh thiếu món gì đó, Vil lên xe chạy ra cái chợ nhỏ gần nhà. Mới vừa chạy tới đầu đường Vil bị một chiếc xe vận tải hạng nặng tông thẳng vô phía bên tay lái, Vil chết liền tại chỗ.

Thời gian sau, nghe nói Bob dọn nhà đi thành phố khác, rồi cưới vợ mới. Con trai thì lẩn quẩn trong nhà, con gái thì khi đi làm khi không. Rồi cũng nghe tin đồn, không bao lâu, Bob đã ly dị người vợ sau.

Hai cháu có người mẹ sống quá tốt, tử tế với người, để đức lại cho con, mà sao vậy? Thượng Đế không có mắt hay sao?

Hình ảnh nhẫn nại của Viola ngồi trên sàn nhà, vừa lau từ trong vừa thụt lùi lần tới cửa nhà tắm. Hai bịch đồ ăn đủ cho chúng tôi không chỉ hai tuần mà cả tháng lận. Sự chu đáo của chị, nào dễ quên. Chị không những lo cho con tui từ hộp sữa mà còn lo cho tôi từ gói băng vệ sinh. 

Vậy mà, mấy chục năm trôi qua, theo dòng đời đưa đẩy, dọn nhà nhiều lần, tui đã làm mất địa chỉ của Bob.

Năm đó Bob lớn hơn chúng tôi mười mấy tuổi, năm nay nếu còn sống thì cũng gần chín mươi tuổi rồi.

Lòng thành, tui mong nếu Bob và hai cháu còn sống đâu đó, có một đời sống tốt đẹp hơn xưa.

Viola, hình ảnh hiền lành của chị mãi mãi tui không quên.

Riêng các bậc phụ huynh, dầu có bận rộn cách mấy cũng nên để ý những sinh hoạt của con cái khi còn đi học. Chuyện gì, người nào, đoàn thể nào cũng có người vầy người khác. Có gia nhập vô đoàn, cũng nên tìm hiểu cho kỹ một chút về mọi phương diện, đừng ỷ y giao hết trách nhiệm cho người khác, đừng để cho con em gặp trường hợp như con của Bob, hư cả cuộc đời và mình thì ân hận suốt đời./.

Trương Ngọc Bảo Xuân.
* Ghi Chú: Bài viết cho mục VVNM, không dự thi.
 

Ý kiến bạn đọc
21/04/202400:15:14
Khách
Cảm ơn Tác giả, một bài viết thật cảm động.
05/04/202418:35:39
Khách
>"Hai cháu có người mẹ sống quá tốt, tử tế với người, để đức lại cho con, mà sao vậy? Thượng Đế không có mắt hay sao?"

Cái câu này tôi nghe rất nhiều trước khi đi vào con đường nội đạo nhưng không thèm để ý, vì lúc đó thiên về vật chất, hay là lúc tập trung đi theo con đường Tà Ma hình như từ chử Yama có nghĩa là hóan tưởng, hay là con đường ngoại đạo. Theo lý thuyết thì con đường khổ ải này nằm trong Tam giới vì chỉ quanh quẩn trong 6 nẽo luân hồi là : Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, Atula, và Trời.

Con đường Vật Chất hay làm việc Thiện, theo kiểu "cánh tay phải cho mà cánh tay trái không biết" là hay nhất, .... còn gọi là con đường Phước Báu nhân thiên, con đường quanh quẩn trong Tam giới. Lảm Phước thì lãnh Phước thì về các cỏi Trời, Atula khá, hay làm Người thì "đại phú do Thiên". Còn không có Phước thì lãnh vô số cái búa, chiến tranh triền miên, thiên tai, và các họa vớ vẩn khác lúc còn là Người. Súc sanh, Quỷ đói, Địa Ngục thì khỏi phải bàn.

Sau này lúc ra trường vào kỹ nghệ bắt đầu theo chiến lược đầu tư là 3 buckets investment cho tương lai ngắn hạn gọi là FIRE có nghỉa là Financial .... thì lúc đó có nghĩ về Tâm Linh theo con đường đầu tư chiến lược, như Lord Buddha lúc Ngài từ bỏ con đường hoảng đế để đi theo con đường Như Lai tức là sẽ là Thầy của Người và Trời, một linh hồn tự do. Ngài lúc đó không còn cách nào khác, nên đành phải đi theo con đường cực đoan, từ bỏ Ngai Vàng để đi theo con đường Như Lai. Nhưng đệ tử của Ngài thì không cần như Ngài Duy Ca Mật, 1 tay đại phú, mà củng trở thành Như Lai như thường. Điều này chứng tỏ rằng một con người có thể có tất cả, bởi vì "God creates Man in His Image".

Tổ Đạt Ma có nói tại triều đình của Lương Vũ Đế "Các hệ thống triết học và tôn giáo đều là trợ thủ của Ma Vương". Thành ra cái kết quả và số phận của 1 người không thể lường trước được nếu không thi hành giới luật (commandments) và kiến Tánh--khả năng nói chuyện trực tiếp với Đấng Tòan Năng. Hình như trong Kinh Thánh củng có câu " Khi các người cầu nguyện với Ta, Ta sẽ ngoản mặt làm ngơ, bởi vì miệng của các người nhuốm đầy máu của chúng sinh vô tội--Ý nói về Ahimsa--trong phép bố thí sinh mạng của chúng sinh trong Phật giáo, hay "no killing" của Thiên Chúa giáo. Coi như tất cả các hình thức khác chỉ có kết quả tương đối và không biết được chiều hứơng nó đi theo chiều tốt hay xấu. theo quyết đinh của Thượng Đế Nhân Quả. Trong tác phẩm "Đường Mây qua Xứ Hoa" của Hòa Thượng Hư Vân là một minh chứng của con đường khổ ải này. Thành ra Giới Luật và kiến Tánh là con đường duy nhất để trở thành 1 linh hồn tự do hay là trở lại bản chất nguyên thủy của mình, con đường "đồng nhất thể" với Đấng Tòan Năng như đã nói trong Kinh Thánh "I have no will, my will is God will", hay là "chúng sinh là Phật sẽ thành" trong Phật giáo.
05/04/202417:35:40
Khách
>"Riêng các bậc phụ huynh, dầu có bận rộn cách mấy cũng nên để ý những sinh hoạt của con cái khi còn đi học. "

Câu này rất chính xác, tôi có quen 1 cô có con gái học ở San Jose nhiều năm trước đây. Cô ta thường chở con lên Mission College học toán (chắc calculus) vì high school không có dạy môn này. Cô con gái học rất khá và có nhiều tham vọng. Biết Cha Mẹ làm trong hãng xưỡng nên cô ta có nói "Mẹ có biết 1 ngày nào đó sẻ có 1 building có tên của con trên đó" . Ý cô ta là sao này mở hãng và lấy tên mình làm hãng, đại khái như HP của Hewlett & Packard, Lam Research của David Lam, ....Cô ta chê high school dạy dở ẹt, thành ra tụi học sinh ngoại quốc vào Mỹ làm mưa làm gió (China, India, ...) trên các trường đại học. Cô bé này lúc này đã vào UC Berkeley rồi, nghe nói đụng độ với dân khá nên bây giờ khiêm nhường hơn. Trong quá khứ cô ta học trong khu vừa có Mễ, Mỹ da màu, Phi, Việt, ... thành ra gọi trong "xứ mù anh chột mắt là vua" thành ra hiếm có đối thủ. Nghe nói ở Mission College lúc cô ta học có ông president là dân Mỹ trắng nên cho tụi học sinh high school vào học, sau này có ông Mỹ đen lên thay không cho tụi nhỏ học nữa, không hiểu tại sao? bộ tính thi hành chính sách ngu dân tòan quốc. Hèn gì vào các đại học và các hãng lớn, kỹ sư sinh đẽ và học high school ở ngoại quốc chiếm vô số, năm 2018 1 thằng cháu xuất thân UC vào hãng khá lớn market cap trên 23 tỹ dollars, lương khởi điểm 170K, tụi bạn làm chung hỏi nó từ quốc gia nào ở Á Châu, nó trả lời là nó sinh ở đây, trong department của nó, nó là đứa duy nhất sinh ở Mỹ làm việc ở đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,534
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Chiếc Mercedes đen bóng loáng chạy vào khu nhà sang trọng, dừng lại trước cánh cổng sắt khép kín, người đàn ông trạc 35 tuổi cho cửa kính xuống, thò tay ra ngoài và bấm mật mã vào cổng với một vẻ quen thuộc. Cánh cổng sắt từ từ chạy sang một bên, anh ta sang số và chiếc xe lăn bánh về phía trước, chạy qua một vài ngõ quanh co, hai bên đường rợp bóng những hàng cây xanh mát rượi. Chiếc xe dừng lại trước một căn nhà xinh xắn với khu vườn nhỏ ngập tràn sắc hoa và cây cảnh được cắt tỉa kỹ càng. Cánh cửa nhà để xe từ từ cuốn lên, người đàn ông điều khiển xe rất khéo léo vào bên trong và cánh cửa lại từ từ khép xuống.
Toản và tôi là bạn tri kỷ từ khi còn ở mái trường trung học, đại học. Sau này vì cuộc sống, vì công việc nên không còn gặp nhau. Toản theo ngành giáo dục, còn tôi theo đời binh nghiệp. Toản là một giáo sư, tôi trở thành một pháo thủ trên miền Tây nguyên. Toản đi vươt biên. Tôi vào tù cải tạo. Sáu năm sau ra tù, tôi cũng vượt trùng dương. Trời phù hộ, chúng tôi tình cờ lại gặp nhau trên đất Mỹ, Toản giới thiệu tôi làm việc chung một chỗ với hắn. Bây giờ, trời xui đất khiến, tôi lại phải đối diện với một tấm hình mà mình đã chụp cách nay 20 năm trong cuộc di tản đầy máu và nước mắt.
Tôi gặp Thu Chan như định mệnh. Nhưng chuyện đó kể sau. Giờ, tôi kể bạn nghe lần gặp định mệnh của Thu Chan mà tôi chứng kiến với một người được cả nước yêu mến trải bao thế hệ Việt bất kể chế độ nào.
Lúc nàng chuẩn bị sanh đứa con thứ hai cũng là lúc vợ chồng nàng bảo lãnh bà má chồng qua đoàn tụ. Bà vốn là dân Nam kỳ thứ thiệt, quê ngoài miệt vườn Mỹ Tho, bao nhiêu năm được nuôi nấng bởi phù sa trù phú nên tâm hồn bà mang nặng hương sắc sông nước miền Tây. Đầu tiên là chuyện ăn nói, bà có giọng nói sang sảng, to như trống làng ngày hội. Có lần nàng đang ở trong phòng ngủ, nghe bà đang to tiếng với chồng nàng ở dưới nhà bếp. Nàng lo sợ không biết có chuyện gì xảy ra khiến bà phải lên tiếng la mắng, bèn ra cửa lắng nghe, mới biết bà đang nói chuyện rất...bình thường và vui vẻ.
Lại bước qua năm mới, mỗi năm đầu xuân, hội Huế thường tổ chức “Ngày Hội Ngộ Mừng Tân Niên”. Năm nay với chủ đề “Xuân Và Tuổi Trẻ”, có lẽ ban tổ chức muốn gieo thông điệp yêu thương đến thế hệ con cháu, với niềm hy vọng tuổi trẻ sẽ nối tiếp cha ông hoạt động và giữ gìn một góc Huế trên xứ người tại vùng Bắc Cali.
Quỳnh nhìn Phong, thoáng nhớ lại những lời chàng ta kể lại sự say mê săn hoa lan của hai cha con khi anh theo cha vào rừng tìm những cụm hoa lan mọc trên những cành cây trong vùng ẩm thấp trên sườn đồi của vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Lúc đó, Phong còn nhỏ và rừng núi cao nguyên còn đầy thiên nhiên hoang dã nên những ngày vào rừng tìm hoa lan thật là thú vị. Vui nhất là có một lần, anh chàng kể lại, sau khi trèo lên cây, bóc được nguyên cả gốc cụm hoa Thuỷ tiên vàng rực nhưng không may có một cành khô gẫy đụng mạnh vào tổ ong gần đó làm cả đàn ong túa ra tấn công kẻ phá hoại làm hai cha con chạy bán sống bán chết mới đến được nhà người Thượng ở cuối thung lũng để xin… tị nạn!!! Điều kỳ lạ là ong không đốt mấy người ở quanh đó mà chỉ tìm hai cha con người phá tổ ong đốt để trả thù mà thôi.
…Tháng Năm, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Tháng Năm lưu lạc làm sao quên tháng năm quê nhà. Đã bao giờ chúng ta trở về hàn huyên cùng sỏi đá, bưng tô canh bún, bún riêu một trưa hè để quên đi quãng đời phiêu bạt. Quê không đuổi ai đi, kẻ ở vẫn chờ người về, nhưng khoảng cách không thước đo trong lòng người là tâm lý Pavlov. Con chó nghe tiếng chuông leng keng biết sắp được ăn, người ta nghe tiếng AK 47 là biết Việt cộng về, mau chạy cho xa…
Người Mỹ có câu “Customer is king” (tạm dịch “Khách hàng là vua”) trong khi Việt Nam có câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để nói lên sự quan trọng của dịch vụ khách hàng. Nếu cơ sở thương mại nào có dịch vụ khách hàng tốt thì cơ hội khách hàng trở lại trong tương lai sẽ cao hơn. Người Mỹ có thói quen cho tiền tip cho người phục vụ mình như người hầu bàn hoặc tài xế xe taxi hay nhân viên dọn phòng khách sạn. Phục vụ càng tốt thì tiền tip càng cao. Tuy người Việt Nam đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự quan trọng của dịch vụ khách hàng.
Ngay khi vào thăm vợ, cô Bình cũng đi với ông vào thăm bà. Bà vẫn nằm yên trên giường với những sợi dây cắm chằng chịt, khuôn mặt thật thanh thản, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi vẫn đượm hồng, cô Bình tự động ngồi bên xoa nắn chân tay cho bà, còn mang theo bộ đồ làm móng vào, làm cho bà tươi đẹp hơn, điều này làm ông thật cảm động, trái tim xao xuyến, ông thầm cảm ơn cô đã tận tình chu đáo với vợ chồng ông quá.
Nhạc sĩ Cung Tiến