Hôm nay,  

Bên Bờ Sinh Tử

08/11/201800:00:00(Xem: 11716)
Tác giả: Susan Nguyễn

Bài số 5541-20-31348-vb4110718

 
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức  50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.

 
 ***
 

Tôi muốn ghi lại câu chuyện này bằng chính kinh nghiệm của tôi để giúp những ai hay coi thường và ỷ lại vào sức khỏe của mình. Nhớ cách đây mấy năm tôi có đọc bài anh Nguyễn Viết Tân viết về một cô em họ sang Mỹ du lịch và chết bất thình lình khi cả nhà đang du ngoạn các tiểu bang nước Mỹ.

Sau khi suýt bị lưỡi hái tử thần hỏi thăm, bài học mà các bác sĩ chữa trị bắt tôi nhớ nằm lòng là "Listen to your body". Hãy lắng nghe cơ thể bạn là khi bạn thấy có điều gì không ổn trong người như nhức đầu, nóng sốt, táo bón, ợ chua... thì phải kiểm soát lại xem mình có làm điều gì sai đối với cơ thể mình không? (Làm việc quá sức, ăn hồng cả ký thì...táo bón là đúng rồi). Nếu vẫn điều độ mà cơ thể trở chứng thì theo dõi và nên đi bác sĩ khám để biết nguyên nhân.

 Cơ thể mình cũng ví như cái xe đang chạy, tiếng máy êm thì không sao, nghe máy kêu khục khịch thì chắc có "sự cố" chi đó, không xăng dổm thì cũng thiếu nhớt hay máy bị nóng quá độ... .

Chuyện là cách đây 2 năm, vợ chồng tôi đi Hawaii để dự đám cưới đứa cháu vào tháng 7, xong một tuần ăn chơi đã đời tụi tôi lại về Cali. để ông xã dự lễ họp mặt thường niên của Y Khoa Huế/HN và thăm bà con ở quận Cam luôn. Khi từ Cali về lại nhà thì tôi có dấu hiệu đau đầu và sốt nhẹ như thường hay bị cảm cúm nên cũng ỷ lại. Cảm cúm thì nó tự hết, chịu khó ăn cháo vài ba hôm là khỏi chứ gì.

Hai ngày sau chúng tôi lại phải lái xe gần 900 km từ BC đến Calgary để ông xã đi làm. Khi đi tôi quên đem theo hai chai thuốc mà tôi phải uống hàng ngày là Prednisone và Synthroid.

Số là tôi bị mổ bướu não hơn 20 năm về trước nên phải dùng 2 loại thuốc này suốt đời để duy trì sức khỏe. Khi đến Calgary, sáng mai lại tôi nhờ con gái chở đến bác sĩ gia đình quen để xin thuốc. Sau khi hỏi thăm vài câu về sức khoẻ và đo huyết áp thì bác sĩ viết giấy giới thiệu bắt tôi vào bệnh viện khẩn cấp liền. Vẫn ỷ lại mình còn khỏe nên tôi bảo con gái chở về nhà, đợi ba đi làm về hẵng hay.

Về đến nhà, cô con gái phone ba báo cáo tình hình. Linh tính có chuyện chẳng lành nên ông xã tôi xin phép nghỉ và về nhà ngay để đưa tôi vào bệnh viện. Lúc đó tôi đã thấy hơi lơ mơ, đi đứng xiêu vẹo rồi. Cũng may là bệnh viện cách nhà chỉ 5 phút, thường vào Emergency thì phải chờ đợi rất lâu, thế nhưng ông xã tôi mới vào trình giấy thì đã có nhân viên chạy ra đo huyết áp xong, hỏi tôi vài câu rồi đẩy tôi vào phòng cấp cứu ngay lập tức.

Mấy phút sau là có 2 bác sĩ và 4 y tá vây quanh chuyền nước biển và tôi nghe thoang thoáng nào là huyết áp dưới 60, thiếu oxy, hồng huyết cầu bạch huyết cầu gì đó. Vì khi hỏi triệu chứng có đau gì không thì tôi bảo không, chỉ có bụng là nóng ran thôi nên cho Xray ổ bụng liền. Khi rọi điện, bác sĩ nghi viêm và vỡ túi mật nên định giải phẩu. Sau khi truyền trụ sinh khoảng 30', Rọi điện lại trước khi mổ thì thấy túi mật rõ hơn và không bị gì hết. Thì ra tôi bị nhiễm trùng máu "Severe Septic Shock" quá nặng nên đã lan khắp ổ bụng. Các y tá cứ chạy đi thử máu và rất nhiều loại trụ sinh được truyền vào tổng cộng tất cả 16 IV được chuyền vào cùng một lúc. Bác sĩ phải lấy vein ở mạch máu cổ bằng cây kim mềm dài 16cm để truyền vào cho nhanh. Mọi chuyện ổn định xong xuôi, bác sĩ quay qua nói với ông xã "Nếu ông mang vợ ông vào đây trễ hơn một tí thì chúng tôi không chắc đã cứu được bà".

 Hú vía!

 Đây là lần thứ 2 tôi đã trốn được thần chết! Sẽ kể chuyện lần thứ nhất thoát chết khi có dịp.

Bác sĩ cũng rất ngạc nhiên hỏi lại tôi "Bộ bà không cảm thấy đau đớn sao, vì thường khi bị nhiễm trùng máu thì bệnh nhân sẽ đau quằn quại ghê lắm".

 Quả thật tôi có đau nhưng bản tánh tự chế cao nên tôi hay quen chịu đựng. Đó là một thói quen tốt nhưng trong trường hợp ni thì không tốt tí nào, suýt nữa đã cướp mất sinh mệnh của mình.

Sau 2 ngày nằm ở phòng cấp cứu, mọi nguy cơ đã qua nên tôi được chuyển lên phòng hồi sức để tiếp tục truyền trụ sinh cho đủ 7 ngày. Hàng ngày tôi chỉ dùng khẩu phần nước (Liquid Diet), không được dùng các thức ăn dairy như sữa, yaourt...

Những ngày nằm ở bệnh viện, tôi suy ngẫm thật nhiều về cuộc sống. Chỉ một hơi thở là thay đổi tất cả. Công danh, sự nghiệp, tranh dành hơn thua rồi cũng theo cánh tay buông xuôi. Phần số, phước phần của một đời người như đã được định sẵn. Duyên nghiệp, họa phước hình như khi nào cũng đi đôi với nhau. Trong hào quang của thành công thì thấp thoáng đâu đây nỗi đau day dứt. Trong thiếu thốn bất hạnh thì ánh lên hạnh phúc bùi ngùi. Nhiều khi muốn thì không được và nhiều khi không muốn thì tự nhiên lại có. Tựu chung, không phải tất cả những điều mình sắp đặt đều trở thành hiện thực nhưng nếu có sự chuẩn bị cho mọi tình huống thì..họa có giáng xuống mình cũng ít ngỡ ngàng.

Trong những ngày nằm ở bệnh viện, tôi có cơ duyên nằm gần 2 bệnh nhân mà cuộc đời họ là chứng minh hùng hồn cho những điều suy ngẫm trên. Mời các bạn đọc đoạn nhật ký tôi ghi chép trong những ngày nằm bệnh viện.

 
August 27
 

Mình đã ra khỏi ICU 2 ngày nay và được chuyển vào phòng hồi sức có cửa sổ nhìn xuống 1 busy intersection và đường phố nhà cửa nhiều cây cối rất xanh và đẹp. Không có gì phàn nàn cả nhưng hoàn cảnh của một bệnh nhân chung phòng làm mình suy nghĩ mãi.

Bà ta là một triệu phú, có một công ty lớn với nhiều nhân viên đang lo sợ thất nghiệp nếu chủ có mệnh hệ nào. Mình biết được điều đó khi quản lý và nhân viên của hãng vào thăm với bình hoa tươi đắt tiền.

Bà vào bệnh viện hồi nào không rõ nhưng chỉ biết là bà có một "sister" vừa mới qua đời. Đám con 5 đứa (3 trai 2 gái ) cùng dâu rể, ngoại trừ hai người con trai ở Mỹ chưa về kịp, vào thăm bà ngày đầu tiên lúc mình mới chuyển qua. Tiếng nói chuyện rổn rảng, có phần hỉ hả khi biết được gia tài ông bà ngoại để lại như thế là thuộc hết vào gia đình mình. Mấy đứa con thay phiên nhau vào hỏi nhẹ nhàng rằng di chúc mẹ để ở đâu, để tên ai cùng với mẹ, mẹ có mấy ngân hàng, mẹ còn tiền bạc cất đâu nữa không? Mình nghe tiếng trả lời miễn cưỡng như "I don't know anything anymore" và lời cô con gái tra vấn "What do you mean you don't know anything anymore". Bà bắt đầu than phiền về sự đau nhức, thức ăn tồi tệ...

Những điều này mình nghe lóm qua bức màn xanh hồng có ánh lên vết nhũ bạc đẹp như tấm màn trên sân khấu. Gia đình một cậu con trai thì hôm nay mới đáp máy bay về từ Salt Lake city. Khay ăn tối đã nguội bây giờ mấy cô con gái mới nhắc bà ăn. Bà lắc đầu chê không nuốt nổi thức ăn bệnh viện. Bà gọi soup weird, orange juice ugly... Chắc bà đã quen những trái cam tươi từ tủ lạnh chỉ được vắt trước khi dùng. Lúc nhân viên nhà bếp dọn đi, ông con rể vói tay lấy cái cup cake và cô con gái lấy hũ strawberry jelly rồi lại ăn và cười nói hỉ hả.

 Lạ một điều là cả một đoàn người đến trong trang phục sang trọng, không ai nói một câu như "Con có nấu cho mẹ món ăn mà mẹ yêu thích" hoặc thậm chí là "Con có mua cho mẹ món ăn ở tiệm mẹ thích..".

Mình thật không hiểu nổi các bạn ơi! Mình thấy rõ ràng là họ đã đối đãi mẹ của mình như người sắp chết và "get the most out of her" một cách xa lạ.

Khi các con, dâu rể ra về, thì mấy cô nhân viên nurse aide người Phi xúm lại tắm rửa và trở người cho bà, lấy nước cho bà uống vì bà khô cổ quá. Sau khi tuck in và tắt điện trong phòng cho bedtime, lúc đó mình bắt đầu nghe những tiếng nức nở khóc đè nén ở giường bên cạnh!!!

Mình có một đêm không ngủ!

 Ha, chỉ vì cái tội nghe lén chuyện người ta!

 
Aug 28
 

Buổi sáng, hai cô y tá phụ giúp bà trở mình sau một đêm trằn trọc, lật phía nào cũng nghe bà than đau, đến lần thứ 4 mới vừa ý. Hai cô vừa làm vừa cười khúc khích nghe rất dễ thương. Có cô hôm nay khen bà tiểu nhiều khi thay nước tiểu trong bình chứa từ foley catheter để đổ vào nhà cầu. Trong khi cho uống thuốc, làm vệ sinh sáng, hai cô luôn miệng khen bà có một gia đình tuyệt vời rất đáng ngưỡng mộ.

Mới sáng đã thấy lác đác mấy người ở nhà bà lên thăm nhưng đi đứng nhẹ nhàng và nói chuyện thì thào khác hẳn hôm qua, có người còn hỏi chỗ bên cạnh có ai ở không? (tức là chỗ tôi đang nằm). Mình nghe thấy tiếng chân rón rén đi qua phía mình và nhìn lén vào khi mình đang giả vờ ngủ.

Hoá ra, ông bố cũng bị vào cấp cứu sáng nay vì dịch tràn phổi gì đó. Cô con gái có vẻ hối hả hơn khi mình nghe thấy mời bác sĩ và y tá trị liệu vào phòng để xin giảm Codeine cho mẹ, giữ mẹ trong tình trạng tỉnh táo hơn để xin giấy chứng nhận các con có thể tự điều hành giấy tờ tài chính, khi cả cha lẫn mẹ đều ở trong BV với chữ ký của bác sĩ lẫn y tá. Xong việc, mấy đứa cháu xà vào với bà trong khi cha mẹ xuống lo cho ông ở phòng cấp cứu.

Bọn trẻ chia nhau gói kẹo Sour và xúm lại bà hỏi chuyện mà nhớ lại giờ mình cũng bật cười vì tính ngây thơ của bọn trẻ.

Thằng cháu trai lên tiếng trước: Bà ơi, bà làm chi cho hết ngày? Bà đi quanh cả ngày rồi tối về ngủ hả? Bà mắng yêu: mày không thấy người ta vào trở mình cho bà à? Bà đi được thì vào đây nằm làm gì, thằng khỉ!

Cô cháu gái hỏi: bà có đọc sách không hả? Bà nhẹ nhàng: Bình thường bà vốn không thích đọc sách rồi cháu ạ.

Cô cháu thứ hai than: Vậy làm sao bà biết được những chuyện đang xảy ra bên ngoài? Bà thở nhẹ: bà không thiết những thứ đó nữa đâu cháu ạ.

Cả bọn chợt nói: Thế thì chán chết nhỉ! Và quay lại chuyện của bọn chúng như khoe chuyện học hành bồ bịch yêu đương ...

Bà  lắng nghe chốc lát rồi quay lại cậu cháu trai nói: Cháu trong nhà sao cũng được vì các em yêu thương cháu nên nhường nhịn, chứ cỡ mày ra đường thì...gái nó nuốt đấy cháu ạ! Mấy cô em cười khúc khích thú vị và cậu trai có vẻ phụng phịu cú đầu lũ em. Mình tìm được chút sinh khí yêu thương ở bên kia tấm màn.

Gia đình người con trai cuối cùng từ Cali về, đám trẻ có thêm nhiều bạn hơn nên ồn ào kéo nhau ra khỏi phòng. Có người qua phòng mình mượn thêm cái ghế và buổi họp gia đình bắt đầu. Mình nghe thấy bà già tỉnh táo hơn vì biết việc phải làm. Nghe loang thoáng sự kê khai tài sản và định đoạt cho ai giữ cái gì...

Mình thiếp ngủ trong giấc ngủ trưa dưới ảnh hưởng thuốc trụ sinh mới được truyền trước đó. Chợt thức dậy vì tiếng khóc nức nở thống thiết của một phụ nữ trẻ bên kia bức màn.  Tiếng van xin sự tha thứ nghe rất chân thật và kể lể những chuyện đã qua như: Mẹ ơi, mẹ tha thứ cho con. Hồi đó con là một "Young Asian Girl", con cũng có danh dự và tự ái của con. Cả gia đình đã xoay lưng lại với con, ngay cả mẹ cũng đã đối xử với con như người ngoài... Qua tiếng Anh hoàn mỹ của cô, tôi không đoán được cô là sắc dân Á Đông nào.

Bà mẹ chồng nhẹ nhàng: Mẹ quên hết rồi con à! Ừ thì mẹ tha thứ cho con!

Cô con dâu nằng nặc: Mẹ phải nhớ vì đây là chuyện lớn, mẹ phải nói là mẹ nhớ nhưng mẹ tha thứ cho con. Con hối hận quá mẹ ạ! Con đã kéo anh W. ra khỏi tay mẹ để qua Cali. Tội con tày trời lắm, có còn kịp không mẹ?

Bà mẹ chồng vẫn nhẹ nhàng: Tại sao con bảo là trễ, con chăm sóc chồng con và cháu nội mẹ. Mẹ vẫn còn đây, Mẹ có đi thì con vẫn còn chồng và con. Cuộc sống luôn tiến về phía trước con ạ, Mẹ thương con... và cô gái nức nở đáp lại: Con cũng thương mẹ lắm.

Lúc Phước vào thăm mình thì cô gái vẫn còn thút thít kể lể nhưng có vẻ nhẹ lòng hơn. Vừa vào đến nơi P. bô bô hỏi "Tại sao người ta khóc vậy?". Mình dơ tay làm dấu im lặng và hỏi nhỏ: Việt hay Tàu vậy anh? À! Ấn Độ!

Ông chồng cổ đang đứng gác ngoài cửa đó.

Thế rồi, tụi mình tíu tít với nhau và quên hẳn nhà bên kia. Lát lâu sau mọi người lại tề tựu đông đủ, ông già đã khỏe lại và chuẩn bị về nhà.

Hoá ra, lúc bà vào BV, đám con vào theo và quên bẵng ông già nên ông ăn uống bậy bạ ra sao mà đường lên và dịch tràn phổi gì đó. Lúc ông được xuất viện, bà mới kêu đám con lại và chỉ dẫn từng ly từng tý làm thế nào để chăm sóc ông ở nhà. Nào là nhắc nhở ông uống thuốc, nên cho ông ăn loại thức ăn gì, buổi tối phải đánh răng và ngâm răng giả như thế nào.

Cô con ngạc nhiên hỏi: Ủa, vậy thường ngày ai làm? Thì Mẹ chứ ai!

Lúc Phước ra về thì đàn con của bà tản mát dần, không gian trở lại yên lặng nên mình thiếp ngủ. Nửa đêm lại bị thức dậy bởi tiếng thì thào và tiếng khóc cố kìm nén của 2 người: cả bà mẹ lẫn người con trai có vợ là "Young Asian Girl"!

 
Aug 29
 

Một ngày mới bắt đầu, vầng dương báo hiệu một ngày đẹp trời! Mình chỉ còn 2 ngày nữa là xuất viện nên thấy lòng phơi phới.

Sau buổi điểm tâm, cô Y tá vào nói chuyện và xin mình cho chuyển phòng. Cũng hơi ngại ngần vì phòng mình là "good spot" nên miễn cưỡng nói sẵn sàng đi "If there is a good reason!" . Lúc đó cô Y tá mới bảo chồng bà cùng phòng nhập viện lại, vì vậy xin mình chuyển đi phòng khác, cho ông được chung phòng với bà tiện gia đình săn sóc. Mình dọn dẹp và sang chúc hàng xóm "Get well & good luck!". Bà luôn miệng cám ơn!

Bệnh nhân chung phòng lần này là một người đàn ông lớn tuổi. Tự nhủ rằng mình vốn hay mẫn cảm với những điều nhìn thấy chung quanh nên lần này nhất định "mũ ni che tai" với gia đình cùng phòng để yên thân tịnh dưỡng. Ông hàng xóm không biết bệnh gì mà chỉ nghe Y tá nói về "Trouble breathing and chest pain" sau mấy cái tests, họ cho ông ngày mai ăn uống lại bình thường và cứ liên tục hỏi "Are you passing gas? And you need to poo!". Con cái túc trực, người vô kẻ ra nườm nượp nói cười vui vẻ. Xuyên qua khe hở của bức màn, mình thấy những đôi giày cao gót khoe những cặp chân trần mang váy rộn rã vô ra. Haizza! Another wealthy family!

 
Aug 30
 

Buổi sáng thức dậy đã nghe tiếng nói chuyện rôm rã bên kia bức màn. "Grandpa! I brought you your favorite breakfast! I ordered Egg Benedict from The Country Golf Club".

Khi cậu con trai và thằng cháu nội bày thức ăn trên bàn thì mình nghe tiếng "Oh; Ah" của ông già một cách thích thú trong khi mình đang dùng điểm tâm đạm bạc chỉ toàn chất lỏng từ khẩu phần của bệnh viện!

Ăn xong, cậu cháu nói "Ông ơi! Ông bước xuống giường được không? Để cháu chỉnh cái giường lên cao một tí rồi ông cháu mình uýnh bài. Ông già hăng hái nhảy xuống giường làm mình ngạc nhiên vì tưởng ông "bed bound" từ tối hôm qua.

Một lát sau thì mình nghe tiếng qua lại như: "Grandpa, watch out!", "You're so dead!", "Got you!"...

Ông bố nhắc ông con rằng có người đang tĩnh dưỡng ở bên kia màn và lên tiếng xin lỗi đã làm phiền. Mình vội nói: Không sao, tôi rất mừng quý vị đã mang niềm vui đến cho ông!

Buổi trưa, cô con gái mang thức ăn đến từ một tiệm Ý nào đó ông thích. Hai cha con vừa ăn vừa nói chuyện nhà. Cô con gái bận rộn với việc dựng lên một cái giá gắn Ipad trên giường để ông tiếp tục công việc viết lại Memoir qua những bức ảnh xưa ông đã cất giữ cẩn thận. Ông đã làm xong quyển 1 trên 200 trang, do các cháu khuyến khích nên ông đang viết quyển 2.

Lúc Phước vào thăm, qua nói chuyện xã giao với ông và rất ngạc nhiên biết được gia đình ông có liên hệ đến 2 công ty lớn. Một cô dâu là executive cho Agrium, một trong những công ty sản xuất và phân phối phân bón của Canada và thế giới. Hai vợ chồng người con gái út là chủ nhân của Broadwalk Properties, công ty bất động sản lớn của Canada. Họ xây dựng công ty từ một chung cư và bây giờ gần như nắm gần hết những condo buildings, những khu townhouses, penhouses lớn nhất, ngon nhất khắp Canada.

Bản thân ông cũng là một tay oil and diamond baron. Tên ông là Gerald Nesbitt Ross. Tuy ông khiêm nhường bảo "Tôi không thành công lắm", nhưng nghe ông kể ông từng qua Nhật, Mã lai, Indonesia ... và vùng Drayton Valley, nơi phát sinh kỹ nghệ dầu hỏa Canada, để săn dầu hay kim cương... thì Phước biết ông không đến nỗi tệ! Con trai ông cũng từng là chủ nhân các công ty dầu hỏa.

Mình lên tiếng khen ngợi sự đoàn kết vui vẻ của các con cháu ông và ông bảo Phước mượn sách đó về cho mình đọc. Qua chuyện trò, tụi mình biết được bà mới mất cách đây 3 tháng tại ngay chính bệnh viện mà ông đang nằm. Mình rất thán phục sự năng động khôi hài của ông, đầu óc minh mẫn khi khám phá rằng ông đã...95 tuổi (cả hai đứa mình cùng nghĩ là ông chỉ trên 80 tí xíu).

Đêm đã khuya, đâu đó vang lên vài tiếng bíp bíp báo hiệu giây truyền IV đến giờ, mình lật từng trang sách đọc kỹ lưỡng và những dòng nước mắt lại lăn dài trên gối. Memoir của ông đi liền với lịch sử lập quốc của Canada. Ông Nội, Ông Cố ông là những nhà tiên phong xây những đường rầy nối liền tỉnh bang này với tỉnh bang kia. Từ đó tạo nên uy tín để trở thành Mayor, Senator. Mẹ ông là người phụ nữ đầu tiên ở Canada ra trường với bằng Kỹ sư xây dựng và cũng là dòng dõi quý phái (có hình chụp chung với vài nhân vật của Hoàng Gia Anh).

Lật sâu vào bên trong mới biết vinh quang nào cũng nhiều nước mắt. Cũng có những phút giây đời thường, lên voi xuống chó. Trong số 7 người con thì có hai người con út, một gái một trai, là thành công nhất (multimillionaire, hay có lẽ billionaire không chừng).

Trong Memoir, ông viết rất nhẹ nhàng, khen rằng ông con thứ 3 đã có can đảm thay nghề đổi việc bao nhiêu lần và cuối cùng vui vẻ với công việc quản lý một "warehouse", và bị tai nạn vì đống hàng đổ dập người. Nhưng làm ông bà vui vì nhờ vậy anh ta về mua một condo ở gần bên để qua lại sớm chiều với ông bà.

Cô con gái thứ nhì là nỗi đau âm ỉ của cả hai vợ chồng. Cô theo phong trào hippy hơi sớm, có bạn trai hippy rồi cũng hút sách và bỏ nhà ra đi khi mới 18 tuổi. Mặc dù biết bao nỗ lực của gia đình để lôi kéo cô lại nhưng cô quen lối sống tự do nên vài ngày sau cô cũng trốn nhà ra đi mỗi lúc mỗi xa. Cô lây lất đó đây trong khi gia đình đã ổn định và thành đạt. Người mẹ đã có lần bắt gặp con mình đứng bán hoa trong bộ áo quần bẩn thỉu ngay tại Downtown Calgary. Bà phải đổi bộ áo quần sang trọng trên người lấy bộ áo quần bình dân của một khách qua đường để đến gần cô mà không bị chú ý. Khi thấy đúng con mình bà nói: Con! Phải D. không? Mẹ tìm con khắp nơi khổ sở quá! Về nhà với mẹ một lát đi con. Bà cặp tay con và gọi taxi về nhà. Nhà cửa ấm cúng, chăn ấm nệm êm, thức ăn đầy đủ cũng không giữ được cánh chim bằng lộng gió. Chưa được một tuần, cô lại trốn nhà lao vào cuộc đời đầy gió bụi.

Có lần ông đi công tác và nghe tin cô đang ở Vancouver, BC, ông đã không ngại mướn taxi đi khắp hang cùng ngõ hẽm để tìm cô. Cuối cùng, trời không phụ lòng người! Ông đã tìm thấy cô trong một xóm lao động và khi thấy ông thì cô bỏ chạy. Ông cũng ba chân bốn cẳng đuổi theo bắt được cô và đưa về khách sạn. Ông dỗ dành hứa sẽ không đưa cô về nhà mà chỉ theo ông vui chơi trong khi ông phải làm việc. Từ Canada, ông đưa cô đi Mexico rồi Cuba. Những lúc phải họp hành, ông mướn người dẫn cô đi chơi. Bước ngoặt đời cô từ đó, cô về lại nhà và ông tạo điều kiện cho cô có công ăn việc làm ổn định, giúp đỡ người già yếu. Hiện giờ, cô là người con thường xuyên chăm sóc ông ở BV.

 
Aug 31
 

Điểm tâm xong, chờ chuyền một liều antibiotic cuối cùng là mình được xuất viện. Phước lên sớm mang theo áo quần cho mình thay đi về. Mình qua từ giã và cám ơn ông đã cho đọc Memoir, vẫn vẻ bình dị dễ thương ông kể cho mình những điều ông sẽ làm tiếp qua quyển 2.

Lúc về ngang qua phòng cũ, định vào chào bà cụ nhưng thấy phòng vắng hoe, chỉ có cụ ông ngồi thẫn thờ như mất trí nhớ khi "một nữa kia" vắng bóng. Thấy buồn quá nên tụi mình bước nhanh ra về mà lòng mang nặng khối ưu tư.

Trong 7 ngày nằm BV, bi hài kịch của 2 gia đình tôi hân hạnh nằm kế bên tựa như tiểu thuyết, làm tôi suy nghĩ nhiều.

Các bạn ơi! Hãy nói lời yêu thương nhau khi có thể, hãy nắm tay nhau để nghe nhịp đập trái tim của bạn đời yêu dấu! Hãy sưởi ấm cho nhau bằng những cử chỉ yêu thương phát xuất từ trái tim. Mỗi ngày, có những buổi sáng Phước đem vào cho vợ vài món cần dùng trước khi đi làm, một nụ hôn vội vàng, cái nắm tay từ giã để kịp giờ làm. Buổi chiều tan sở, về nhà tắm rửa ăn uống sơ sơ rồi lại chạy vào với vợ, ngồi cạnh cũng chỉ để nắm tay. Trong lúc mình chập chờn giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, chàng dán mắt lên TV theo dõi trận banh đang truyền hình trực tiếp, rứa mà thấy ấm cúng lạ.

Hôm nay về nhà, với người chồng nhiều tình thương yêu nhưng...vụng về trong chuyện bếp núc. Tuy đã được xuất viện nhưng tôi còn rất yếu vì liên tục một tuần không ăn uống chi và bụng thì chắc bị trụ sinh rửa sạch nên ăn chi cũng không tiêu. Mỗi bữa ăn chỉ một chén cháo trắng nhỏ, tập dần gần một tháng sau mới ăn uống bình thường được.

Cho đến bây giờ bác sĩ cũng không biết nguyên nhân vì sao tôi bị nhiễm trùng máu. Tôi thì đồ rằng chắc trong 2 tuần đi chơi, ăn uống thất thường, không biết có lỡ ăn cái gì độc lạ mà gây ra như vậy. Tôi chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình để quý anh chị cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, có đi du lịch xa nhà thì cũng cố gắng giữ sự ăn ngủ điều độ một chút thì dễ dàng cho cơ thể thích ứng hơn.

Susan Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
09/11/201810:52:23
Khách
Cám ơn anh Thái Minh Thông đồng cảm. Tôi rất biết ơn chương trình healthcare phổ cập miễn phí toàn dân của Canada. Vào bệnh viện thì không phân biệt giàu nghèo, Tuỳ bệnh trạng thì sẽ được thu xếp vào nơi điều trị hợp lý. Cũng nhờ vậy mà tôi được nằm chung phòng với 2 " đại gia " rồi còn nghe lóm chuyện họ để viết đăng lên đây nữa. Họ mà biết tiếng Việt chắc là...kiện tôi mục xương. Hi hi!
09/11/201810:42:26
Khách
Tôi ủng hộ ý tưởng của anh Lê Như Đức. Ông xã tôi làm việc ở bệnh viện và thỉnh thoảng giúp thông dịch giùm những trường hợp khẩn cấp cho những người không biết tiếng Anh. Vào giờ nghĩ ( break ), anh cũng thường đến thăm hỏi các cụ lớn tuổi đang nằm viện. Mỗi khi thấy anh đến, họ mừng lắm vì biết sẽ có người giúp, hiểu, thông cảm. Quan trọng nhất là họ không còn cảm tưởng lạ lẫm, bỏ rơi vì trở ngại ngôn ngữ.
09/11/201805:54:21
Khách
Tôi cũng đang định cư ở Canada như tác giả và cũng đã từng vào ra các bệnh viện, không những ở Canada mà cả ở Việt Nam, Nhật, Úc,...nên rất đồng cảm và xúc động với bài viết này. Nếu phải làm một cuộc so sánh thì Canada vẫn là số một, trước hết vì hoàn toàn miễn phí, kế đến là thái độ và cách cư xử của Nhân viên tại các bênh viện mà tôi đã được điều trị hết sức niềm nở, ân cần...khiến người bệnh cảm thấy giãm đau và sớm bình phục. Xin tạm mượn trang VVNM đế nói lên mấy tiếng "THANK YOU CANADA"
09/11/201803:44:30
Khách
Cám ơn tác giả với những lời nhắn nhủ bạn đọc cẩn thận và gìn giữ sức khỏe.
08/11/201819:29:13
Khách
Bạn Steven Le có lẽ chưa vào nhà thương làm việc thiện nguyện hay chưa vào nhà thương nằm hai lần như tôi nên không hiểu được những sự an ủi và ấm cúng của những người và những hội đoàn thiện nguyện đem tới cho bệnh nhân đâu.
Năm xưa tôi thấy được rất nhiều bệnh nhân khóc cảm động khi được những người làm thiện nguyện tới thăm họ. Sẽ có một ngày nào đó bạn vào bệnh viện nằm một mình sẽ thấy rất cần những người làm những việc tào lao này.
08/11/201817:11:15
Khách
ý kiến của Lê như Đức cũng hay , về VN mà vào bịnh viện ung bướu thăm viếng xong về là muốn tu liền ..... sợ và tội nghiệp lắm , trong sinh ,lão , bịnh tử ..... bịnh là sợ nhất , dù bất cứ bịnh gì
08/11/201816:40:54
Khách
To Le Nhu Duc
Rảnh quá và cũng vì vậy cả đời you cũng sẽ ko bao giờ có dc cái "quyền năng" tào lao đó
08/11/201815:15:37
Khách
Tôi thường có ý tưởng: Nếu có quyền năng, tôi sẽ bắt tất cả mọi người phải vào nhà thương mỗi năm 3 ngày để làm việc vì khi vào trong bệnh viện, thấy được đau đớn, khốn khổ vì bệnh tật, người ta sẽ sống cẩn thận hơn, năng tập thể dục hơn và thương mến, bao che nhau nhiều hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cám ơn tác giả đã ghi lại những kinh nghiệm qúy báu và tình cảm gia đình thật đậm đà của mình lẫn cay đắng của người bệnh cùng phòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,674
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.