Hôm nay,  

Hai Mươi Mốt

29/01/202414:32:00(Xem: 2609)

Nguyễn Văn Hưởng



Ký sự Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Riêng tặng người đã chăm sóc và đồng hành cùng tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.

 

*

 

Từ ngoài một năm nay, mỗi khi nhìn xuống đôi chân, tâm trí tôi thường liên tưởng tới mấy vần thơ của ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch bài "Thần Chết Và Lão Tiều Phu" của La Fontaine:


Lão tiều vác củi cành một bó,

Củi đã nhiều, niên số lại cao.

Lặc lè chân đá chân xiêu,

Lom khom về chốn thảo mao khói mù…


Vâng đôi chân tôi giờ đây mỗi khi bước xuống giường hay đứng dậy rời chiếc ghế ngồi, đã bắt đầu loạng choạng, "lặc lè chân đá chân xiêu". Có lần tôi than thở cùng bà vợ:
- Lúc này chân tôi yếu quá, bước đi chẳng khác gì một ông cụ!


Tôi không nhận được lời cảm thông nào đáp trả, chỉ toàn lời dè bỉu:

- Tới tuổi này rồi không là ông cụ thì là ông gì đây hả ông?

Nhưng cũng may, bước chân tôi chỉ không mấy vững vàng lúc bắt đầu đi thôi, khi đã bước đều rồi cũng không đến nỗi bết bát lắm. Và bởi tôi không chấp nhận số phận hẩm hiu, nên ngày ngày vẫn siêng năng cuốc bộ cả chục dặm đường.

Tôi cũng nghe theo lời khuyên của ông thầy thường nắn bóp xương cho tôi, cứ đôi ba ngày đến Gym một lần, tập vài động tác với hy vọng, một ngày nào đó đôi chân sẽ cứng cáp trở lại. Tiếc thay sự tiến bộ hết sức chậm chạp, không như tôi mong đợi. Rồi một ông bạn khác lại khuyên, hàng ngày nên leo lên leo xuống cầu thang sẽ tốt cho đôi chân hơn. Nhìn cái thang xoắn ốc trong nhà chỉ vỏn vẹn có mười ba bậc, tôi không biết phải leo lên leo xuống bao nhiêu bận mới đạt được kết quả? Trong lúc đang bí lối, bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên chiếc máy leo thang (Stairmaster), mà hàng chục năm về trước tôi từng bước chân lên đôi ba lần nhưng không hề thích. Thế là qua ngày hôm sau tôi liền leo lên đi thêm lần nữa.

Ngay trong lần đầu thử nghiệm, tôi cảm thấy chẳng khó khăn gì, bởi thường khi đi bộ, tôi vẫn hay tìm mấy con đường nhiều dốc cao để đi. Nên bước lên mấy bậc thang cuốn, leo đến tầng thứ 20, tôi thấy từ hơi thở cho đến nhịp chân đi vẫn bình thường, chẳng khó khăn gì. Kể từ đó tôi bị chiếc máy leo bậc thang cuốn hút, bởi tôi cảm thấy đôi chân ngày một khỏe khoắn nhanh hơn. Tôi tự đặt cho mình một mức chỉ tiêu vừa phải, mỗi ngày cố leo thêm một hai tầng là mãn nguyện lắm rồi!

Kể ra đi trên máy thang cuốn cũng lý thú lắm! Tôi thường nhẩm đếm từng bước, cứ đi tròn 100 bước chân, tôi đã leo lên được gần 6 tầng lầu. Đếm hết lượt trăm thứ ba, coi như tôi leo gần tới tầng 20. Hôm nào chán lầm bầm lập đi lập lại mấy con số, tôi đếm bằng mồ hôi. Khi mồ hôi bắt đầu rịn ra đôi vai và lưng, tôi biết mình đã bước khỏi tầng 30. Lúc áo bắt đầu ươn ướt, tôi đã đi qua khỏi tầng 41. Đến khi giọt mồ hôi đầu tiên nhỏ xuống, chân tôi đang bước lên tầng 50. Tới lúc phải rút khăn ra lau mặt, tôi biết chắc chắn tôi đã vượt qua khỏi tầng 64 rồi.

Việc bước lên từng bậc thang cuốn khác hẳn với việc đi trên máy đi bộ hay trên đường, vì vừa đi vừa có thể trò chuyện hay gắn Ipod vào tai để nghe nhạc. Một khi bước trên máy thang cuốn rồi, mắt phải luôn nhìn xuống từng nấc thang liên tục chuyển động. Lơ là hay sơ sẩy một chút là dễ bị trượt chân vấp ngã rất nguy hiểm. Riêng cái miệng phải liên tục đếm và nhớ những con số, vừa để quên đi cái mệt vừa giúp cho thời gian qua nhanh. Dù chưa một lần thử nghiệm, nhưng tôi biết là khó có thể vừa leo thang cuốn vừa chuyện trò với người bên cạnh.

Vậy mà hôm nay, tôi đếm dứt bốn lần con số 100 chưa quá một phút, khi liếc nhìn lên màn hình, con số tầng thứ 35 đã hiện ra. Lúc đó tôi thoáng thấy dáng một người bước lên chiếc máy bên cạnh. Tôi vẫn thản nhiên cúi mặt tiếp tục đếm bước. Người bên cạnh mới leo được độ chừng chục bậc thang, tôi đã nghe tiếng bấm cho máy ngừng lại. Rồi người bên ấy cứ bước, cứ cho máy ngừng liên tục, cho mãi đến khi trên màn hình chiếc máy của tôi hiện lên con số tầng 48. Bất chợt một giọng như than vãn rõ mồn một lọt vào tai tôi:

- Mình qua bên Phi chơi mới có chín tháng thôi, sao người lại yếu đến như vậy cà!

Đến giờ tôi biết chắc, bên cạnh tôi là một người đàn ông. Mồ hôi tôi rịn ra gần ướt hết chiếc áo. Ông ta tiếp tục cho máy ngừng lại nhiều hơn bước lên các bậc thang và hơi thở dồn dập nghe càng rõ bên tai. Tôi bấm mạnh ngón tay vào cái nút "Stop" khi mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt. Tôi vừa đứng vững trên máy, tiếng người đàn ông liền vọng sang:

- Mồ hôi ông tuôn ra nhiều như vậy tốt quá, tốt quá!

Đến lúc này tôi mới có thể ngước mặt lên nhìn. Điểm nổi bật nhất nơi ông ta chính là cái dáng hình suôn đuột, hiếm khi thấy nơi một người đàn ông da trắng hay da đen nào. Nhìn phớt qua gương mặt chỉ một vài nếp nhăn, tôi đoán có lẽ ông ta kém tuổi tôi. Tôi định "nổ" cho ông ta biết, trước khi bước lên cái máy thang cuốn này, tôi đã đi bộ hơn sáu dặm đường, và nhất là tôi đã ngoài bảy mươi lăm tuổi. Khi mồm miệng tôi chưa kịp thốt thành lời, ông ta đã thân mật tự giới thiệu:

- Tôi tên John Smith, còn ông tên gì?

Bởi tên tôi hơi khó đọc theo giọng Mỹ, nên tôi trả lời:

- Tôi tên là Nguyen.

Ông đọc họ của tôi giống chữ "Win" và khen:

- Tôi rất thích cái tên của ông.

Rồi ông tiếp tục nói về mình:

- Năm nay tôi đã chín mươi sáu tuổi rồi.

Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi giọng nói ông chẳng những trong trẻo mà gương mặt càng trẻ trung hơn. Tôi nhận ra tôi gặp hên vì chưa kịp khoe tuổi tác mình ra, nếu không chắc tôi phải mang nhục giống như con cá nục. Tôi thành thật khen ngợi John:

- Tôi cứ tưởng ông mới ngoài bảy mươi thôi.

John cười thật tươi thay cho lời cám ơn, kể tiếp chuyện mình:

- Tôi qua bên Phi chơi hơn chín tháng trời, mới về tới nhà hồi đầu tuần rồi. Tôi không ngờ người tôi độ rày bệ rạc quá! Chắc mỗi ngày tôi phải tới đây tập luyện cho khỏe khoắn trở lại, để còn lo đón bà vợ tôi qua bên này chung sống nữa chớ. Bà ấy trẻ, đẹp và dễ cưng lắm, mới có năm mươi hai tuổi thôi.

Nhìn đôi mắt tôi ngạc nhiên trợn lên, ông ôn tồn kể tiếp:

- Tôi mới cưới vợ được nửa năm thôi! Chắc vài tháng nữa sẽ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ để đón bà ấy qua bên đây. Như vậy kể cũng tốt, vì tôi có đủ thời gian sửa sang lại nhà cửa vườn tược. Chớ hồi độc thân tôi sống buông thả lắm, toàn cơm hàng cháo chợ chớ đâu có nấu nướng gì!

John hóm hỉnh nói thêm:

- Với lại nếu tôi không leo lên cái máy thang cuốn này nổi, thì làm sao leo lên mấy cái thứ khác để giữ hạnh phúc gia đình!

*

Trên đường trở về nhà, tôi bước đi như chân sáo, nghe bao niềm vui len vào lòng mỗi khi nhớ lại từ gương mặt đến giọng nói của John. Tôi chợt nghĩ tới hai số tuổi 96 và 52. Sự chênh lệch nhau những 44 năm này, làm tôi liên tưởng đến một người Việt Nam khá nổi tiếng. Ông hơn tôi một tuổi, qua Mỹ ngay sau biến cố 30 tháng Tư, đã ly dị bà vợ cưới ở bên này. Mấy năm gần đây ông trở về nước cưới bà vợ kém ông 44 tuổi. Xem qua vài đoạn video trên Youtube, tôi thấy ông ấy bảo đó là tình yêu thực sự. Hai người đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh, hiện đang rất hạnh phúc bên nhau. Tôi mong đó là sự thật và cầu chúc cho đôi lứa sống đến khi được Chúa gọi về. Chớ không thể chúc theo lối thông thường là đến khi răng long đầu bạc. Sở dĩ tôi chúc như vậy vì biết ông là người theo đạo Công giáo.

Tôi cũng nhớ đến một cuộc tình khác. Cuộc tình của một người Mỹ gốc Việt rất giàu có, từng nổi đình nổi đám cả chục năm qua. Đôi tình nhân hay vợ chồng này tuổi tác có cùng hai con số hệt như nhau. Một 27 và một 72. Nhìn hình ảnh hai người âu yếm tôi thấy xốn xang đôi mắt! Nhưng người trong ảnh chắc cho là đẹp lắm, nên mới khoe tùm lum tà la để thiên hạ cùng nhìn, cùng chiêm ngưỡng cái đẹp. Cuộc tình giờ đã đường ai nấy đi rồi! Tôi nhắc lại chỉ để nhớ tới một câu hỏi, mà tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng biết trả lời sao! Và đây là nguyên văn câu của một đứa cháu đã hỏi tôi:
- Bác ơi, cháu vừa được một cô bạn mời tới dự buổi tiệc tổ chức rất "hoành tráng" ở Las Vegas vào Chủ nhật tuần tới. Cháu xin bác chỉ cho cháu biết phải xưng hô làm sao cho đúng phép đúng tắc lúc gặp cả hai người. Vì từ trước tới giờ cháu vẫn coi cô bạn này như em gái, bởi cô ta nhỏ hơn cháu hai tuổi. Trò chuyện với nhau hai đứa vẫn xưng hô anh anh em em. Nay nó lấy làm chồng hay là cặp bồ cặp bịch với một ông cụ 72 tuổi. Cháu không biết khi nâng ly chúc mừng hai người trong bữa tiệc, cháu phải xưng hô thế nào cho đúng với luân thường đạo lý, với lễ giáo ngàn đời của người Việt Nam mình?

Trong lúc chưa nghĩ ra câu trả lời, tôi liền khen:

- Cháu gọi người 72 tuổi là cụ, gọi người bé hơn cháu là em thì đúng theo lễ giáo lắm rồi.

Tôi chỉ biết nói đại khái thế thôi, bởi tôi hoàn toàn bí lối, chẳng biết dạy cháu thế nào cho đúng với cách xưng hô của người mình. Tôi định bảo cháu, thôi đừng chơi với họ nữa thì khỏi phải nghĩ ngợi nhức đầu, nhưng khuyên như vậy thì không ổn, đâu giải quyết được vấn đề. Còn khuyên cứ "mi mi, du du, ai ai" thì lại mất đi cái gốc! Cuối cùng tôi đành bảo cháu:

- Đây là chuyện của người ta! Người nào gây ra thì người ấy phải "xử lý". Bác không thể giải quyết thay cho họ được. Với lại bác cũng không muốn nhức đầu, bận tâm tới ba cái chuyện tào lao thiên địa này!

Nhớ đến việc John cưới bà vợ trẻ hơn cụ những 44 tuổi lúc đã ngoài 96. Tôi liên tưởng đến thân phận người phụ nữ ở các nước nghèo, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia đó. Cũng có biết bao nhiêu đàn bà con gái Việt Nam đang muốn rời bỏ quê hương, để mong tìm được một cuộc sống khá hơn qua con đường tìm chồng. Bởi không lâm vào hoàn cảnh đó, tôi không dám phán xét bất kỳ một ai, hay bất cứ câu chuyện tình nào.

Mỗi khi nhớ lại cuộc trò chuyện với cụ John trong Gym, con số Hai Mươi Mốt lại nhảy múa trong đầu, và con tim tôi liền vui trở lại. Hai Mươi Mốt không phải con số mấy người thích chơi bài xì dách hay blackjack mong muốn kéo được. Đó chính là khoảng cách số tuổi của tôi với John. Cụ hơn tôi đúng Hai Mươi Mốt tuổi, đang hạnh phúc sửa soạn "đưa nàng về dinh". Điều này đem đến cho tôi niềm hy vọng lẫn ước ao: Hai Mươi Mốt năm nữa tôi cũng giống như cụ, vẫn lạc quan, trẻ trung yêu đời. Nếu được vậy, tôi không chút ngần ngại bước lên cái máy thang cuốn, bước lâu hay mau, leo được bao nhiêu bậc, lên đến tầng thứ mấy đều không quan trọng. Vì tôi chỉ muốn "tâm sự" với người đi trên chiếc máy bên cạnh rằng:

- Bạn ơi, tôi đã 96 tuổi rồi.

Tôi cũng chỉ mong giống cụ John chừng đó thôi. Còn câu kế tiếp tôi muốn nói là:

- Tôi cưới vợ đã ngoài 72 năm, bà ấy kém tôi chỉ có một tuổi thôi, bà nhà tôi đẹp lắm. Không… không phải vậy, bà ấy đẹp lão lắm. Thôi chào bạn nhen, tôi phải đi về ngay vì sắp tới giờ bà xã tôi đo huyết áp, thử đường trong máu cho tôi và đang chờ cơm tôi ở nhà.

Nguyễn Văn Hưởng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,592
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Nhạc sĩ Cung Tiến