Hôm nay,  

Hai Mươi Mốt

29/01/202414:32:00(Xem: 2606)

Nguyễn Văn Hưởng



Ký sự Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Riêng tặng người đã chăm sóc và đồng hành cùng tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.

 

*

 

Từ ngoài một năm nay, mỗi khi nhìn xuống đôi chân, tâm trí tôi thường liên tưởng tới mấy vần thơ của ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch bài "Thần Chết Và Lão Tiều Phu" của La Fontaine:


Lão tiều vác củi cành một bó,

Củi đã nhiều, niên số lại cao.

Lặc lè chân đá chân xiêu,

Lom khom về chốn thảo mao khói mù…


Vâng đôi chân tôi giờ đây mỗi khi bước xuống giường hay đứng dậy rời chiếc ghế ngồi, đã bắt đầu loạng choạng, "lặc lè chân đá chân xiêu". Có lần tôi than thở cùng bà vợ:
- Lúc này chân tôi yếu quá, bước đi chẳng khác gì một ông cụ!


Tôi không nhận được lời cảm thông nào đáp trả, chỉ toàn lời dè bỉu:

- Tới tuổi này rồi không là ông cụ thì là ông gì đây hả ông?

Nhưng cũng may, bước chân tôi chỉ không mấy vững vàng lúc bắt đầu đi thôi, khi đã bước đều rồi cũng không đến nỗi bết bát lắm. Và bởi tôi không chấp nhận số phận hẩm hiu, nên ngày ngày vẫn siêng năng cuốc bộ cả chục dặm đường.

Tôi cũng nghe theo lời khuyên của ông thầy thường nắn bóp xương cho tôi, cứ đôi ba ngày đến Gym một lần, tập vài động tác với hy vọng, một ngày nào đó đôi chân sẽ cứng cáp trở lại. Tiếc thay sự tiến bộ hết sức chậm chạp, không như tôi mong đợi. Rồi một ông bạn khác lại khuyên, hàng ngày nên leo lên leo xuống cầu thang sẽ tốt cho đôi chân hơn. Nhìn cái thang xoắn ốc trong nhà chỉ vỏn vẹn có mười ba bậc, tôi không biết phải leo lên leo xuống bao nhiêu bận mới đạt được kết quả? Trong lúc đang bí lối, bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên chiếc máy leo thang (Stairmaster), mà hàng chục năm về trước tôi từng bước chân lên đôi ba lần nhưng không hề thích. Thế là qua ngày hôm sau tôi liền leo lên đi thêm lần nữa.

Ngay trong lần đầu thử nghiệm, tôi cảm thấy chẳng khó khăn gì, bởi thường khi đi bộ, tôi vẫn hay tìm mấy con đường nhiều dốc cao để đi. Nên bước lên mấy bậc thang cuốn, leo đến tầng thứ 20, tôi thấy từ hơi thở cho đến nhịp chân đi vẫn bình thường, chẳng khó khăn gì. Kể từ đó tôi bị chiếc máy leo bậc thang cuốn hút, bởi tôi cảm thấy đôi chân ngày một khỏe khoắn nhanh hơn. Tôi tự đặt cho mình một mức chỉ tiêu vừa phải, mỗi ngày cố leo thêm một hai tầng là mãn nguyện lắm rồi!

Kể ra đi trên máy thang cuốn cũng lý thú lắm! Tôi thường nhẩm đếm từng bước, cứ đi tròn 100 bước chân, tôi đã leo lên được gần 6 tầng lầu. Đếm hết lượt trăm thứ ba, coi như tôi leo gần tới tầng 20. Hôm nào chán lầm bầm lập đi lập lại mấy con số, tôi đếm bằng mồ hôi. Khi mồ hôi bắt đầu rịn ra đôi vai và lưng, tôi biết mình đã bước khỏi tầng 30. Lúc áo bắt đầu ươn ướt, tôi đã đi qua khỏi tầng 41. Đến khi giọt mồ hôi đầu tiên nhỏ xuống, chân tôi đang bước lên tầng 50. Tới lúc phải rút khăn ra lau mặt, tôi biết chắc chắn tôi đã vượt qua khỏi tầng 64 rồi.

Việc bước lên từng bậc thang cuốn khác hẳn với việc đi trên máy đi bộ hay trên đường, vì vừa đi vừa có thể trò chuyện hay gắn Ipod vào tai để nghe nhạc. Một khi bước trên máy thang cuốn rồi, mắt phải luôn nhìn xuống từng nấc thang liên tục chuyển động. Lơ là hay sơ sẩy một chút là dễ bị trượt chân vấp ngã rất nguy hiểm. Riêng cái miệng phải liên tục đếm và nhớ những con số, vừa để quên đi cái mệt vừa giúp cho thời gian qua nhanh. Dù chưa một lần thử nghiệm, nhưng tôi biết là khó có thể vừa leo thang cuốn vừa chuyện trò với người bên cạnh.

Vậy mà hôm nay, tôi đếm dứt bốn lần con số 100 chưa quá một phút, khi liếc nhìn lên màn hình, con số tầng thứ 35 đã hiện ra. Lúc đó tôi thoáng thấy dáng một người bước lên chiếc máy bên cạnh. Tôi vẫn thản nhiên cúi mặt tiếp tục đếm bước. Người bên cạnh mới leo được độ chừng chục bậc thang, tôi đã nghe tiếng bấm cho máy ngừng lại. Rồi người bên ấy cứ bước, cứ cho máy ngừng liên tục, cho mãi đến khi trên màn hình chiếc máy của tôi hiện lên con số tầng 48. Bất chợt một giọng như than vãn rõ mồn một lọt vào tai tôi:

- Mình qua bên Phi chơi mới có chín tháng thôi, sao người lại yếu đến như vậy cà!

Đến giờ tôi biết chắc, bên cạnh tôi là một người đàn ông. Mồ hôi tôi rịn ra gần ướt hết chiếc áo. Ông ta tiếp tục cho máy ngừng lại nhiều hơn bước lên các bậc thang và hơi thở dồn dập nghe càng rõ bên tai. Tôi bấm mạnh ngón tay vào cái nút "Stop" khi mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt. Tôi vừa đứng vững trên máy, tiếng người đàn ông liền vọng sang:

- Mồ hôi ông tuôn ra nhiều như vậy tốt quá, tốt quá!

Đến lúc này tôi mới có thể ngước mặt lên nhìn. Điểm nổi bật nhất nơi ông ta chính là cái dáng hình suôn đuột, hiếm khi thấy nơi một người đàn ông da trắng hay da đen nào. Nhìn phớt qua gương mặt chỉ một vài nếp nhăn, tôi đoán có lẽ ông ta kém tuổi tôi. Tôi định "nổ" cho ông ta biết, trước khi bước lên cái máy thang cuốn này, tôi đã đi bộ hơn sáu dặm đường, và nhất là tôi đã ngoài bảy mươi lăm tuổi. Khi mồm miệng tôi chưa kịp thốt thành lời, ông ta đã thân mật tự giới thiệu:

- Tôi tên John Smith, còn ông tên gì?

Bởi tên tôi hơi khó đọc theo giọng Mỹ, nên tôi trả lời:

- Tôi tên là Nguyen.

Ông đọc họ của tôi giống chữ "Win" và khen:

- Tôi rất thích cái tên của ông.

Rồi ông tiếp tục nói về mình:

- Năm nay tôi đã chín mươi sáu tuổi rồi.

Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi giọng nói ông chẳng những trong trẻo mà gương mặt càng trẻ trung hơn. Tôi nhận ra tôi gặp hên vì chưa kịp khoe tuổi tác mình ra, nếu không chắc tôi phải mang nhục giống như con cá nục. Tôi thành thật khen ngợi John:

- Tôi cứ tưởng ông mới ngoài bảy mươi thôi.

John cười thật tươi thay cho lời cám ơn, kể tiếp chuyện mình:

- Tôi qua bên Phi chơi hơn chín tháng trời, mới về tới nhà hồi đầu tuần rồi. Tôi không ngờ người tôi độ rày bệ rạc quá! Chắc mỗi ngày tôi phải tới đây tập luyện cho khỏe khoắn trở lại, để còn lo đón bà vợ tôi qua bên này chung sống nữa chớ. Bà ấy trẻ, đẹp và dễ cưng lắm, mới có năm mươi hai tuổi thôi.

Nhìn đôi mắt tôi ngạc nhiên trợn lên, ông ôn tồn kể tiếp:

- Tôi mới cưới vợ được nửa năm thôi! Chắc vài tháng nữa sẽ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ để đón bà ấy qua bên đây. Như vậy kể cũng tốt, vì tôi có đủ thời gian sửa sang lại nhà cửa vườn tược. Chớ hồi độc thân tôi sống buông thả lắm, toàn cơm hàng cháo chợ chớ đâu có nấu nướng gì!

John hóm hỉnh nói thêm:

- Với lại nếu tôi không leo lên cái máy thang cuốn này nổi, thì làm sao leo lên mấy cái thứ khác để giữ hạnh phúc gia đình!

*

Trên đường trở về nhà, tôi bước đi như chân sáo, nghe bao niềm vui len vào lòng mỗi khi nhớ lại từ gương mặt đến giọng nói của John. Tôi chợt nghĩ tới hai số tuổi 96 và 52. Sự chênh lệch nhau những 44 năm này, làm tôi liên tưởng đến một người Việt Nam khá nổi tiếng. Ông hơn tôi một tuổi, qua Mỹ ngay sau biến cố 30 tháng Tư, đã ly dị bà vợ cưới ở bên này. Mấy năm gần đây ông trở về nước cưới bà vợ kém ông 44 tuổi. Xem qua vài đoạn video trên Youtube, tôi thấy ông ấy bảo đó là tình yêu thực sự. Hai người đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh, hiện đang rất hạnh phúc bên nhau. Tôi mong đó là sự thật và cầu chúc cho đôi lứa sống đến khi được Chúa gọi về. Chớ không thể chúc theo lối thông thường là đến khi răng long đầu bạc. Sở dĩ tôi chúc như vậy vì biết ông là người theo đạo Công giáo.

Tôi cũng nhớ đến một cuộc tình khác. Cuộc tình của một người Mỹ gốc Việt rất giàu có, từng nổi đình nổi đám cả chục năm qua. Đôi tình nhân hay vợ chồng này tuổi tác có cùng hai con số hệt như nhau. Một 27 và một 72. Nhìn hình ảnh hai người âu yếm tôi thấy xốn xang đôi mắt! Nhưng người trong ảnh chắc cho là đẹp lắm, nên mới khoe tùm lum tà la để thiên hạ cùng nhìn, cùng chiêm ngưỡng cái đẹp. Cuộc tình giờ đã đường ai nấy đi rồi! Tôi nhắc lại chỉ để nhớ tới một câu hỏi, mà tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng biết trả lời sao! Và đây là nguyên văn câu của một đứa cháu đã hỏi tôi:
- Bác ơi, cháu vừa được một cô bạn mời tới dự buổi tiệc tổ chức rất "hoành tráng" ở Las Vegas vào Chủ nhật tuần tới. Cháu xin bác chỉ cho cháu biết phải xưng hô làm sao cho đúng phép đúng tắc lúc gặp cả hai người. Vì từ trước tới giờ cháu vẫn coi cô bạn này như em gái, bởi cô ta nhỏ hơn cháu hai tuổi. Trò chuyện với nhau hai đứa vẫn xưng hô anh anh em em. Nay nó lấy làm chồng hay là cặp bồ cặp bịch với một ông cụ 72 tuổi. Cháu không biết khi nâng ly chúc mừng hai người trong bữa tiệc, cháu phải xưng hô thế nào cho đúng với luân thường đạo lý, với lễ giáo ngàn đời của người Việt Nam mình?

Trong lúc chưa nghĩ ra câu trả lời, tôi liền khen:

- Cháu gọi người 72 tuổi là cụ, gọi người bé hơn cháu là em thì đúng theo lễ giáo lắm rồi.

Tôi chỉ biết nói đại khái thế thôi, bởi tôi hoàn toàn bí lối, chẳng biết dạy cháu thế nào cho đúng với cách xưng hô của người mình. Tôi định bảo cháu, thôi đừng chơi với họ nữa thì khỏi phải nghĩ ngợi nhức đầu, nhưng khuyên như vậy thì không ổn, đâu giải quyết được vấn đề. Còn khuyên cứ "mi mi, du du, ai ai" thì lại mất đi cái gốc! Cuối cùng tôi đành bảo cháu:

- Đây là chuyện của người ta! Người nào gây ra thì người ấy phải "xử lý". Bác không thể giải quyết thay cho họ được. Với lại bác cũng không muốn nhức đầu, bận tâm tới ba cái chuyện tào lao thiên địa này!

Nhớ đến việc John cưới bà vợ trẻ hơn cụ những 44 tuổi lúc đã ngoài 96. Tôi liên tưởng đến thân phận người phụ nữ ở các nước nghèo, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia đó. Cũng có biết bao nhiêu đàn bà con gái Việt Nam đang muốn rời bỏ quê hương, để mong tìm được một cuộc sống khá hơn qua con đường tìm chồng. Bởi không lâm vào hoàn cảnh đó, tôi không dám phán xét bất kỳ một ai, hay bất cứ câu chuyện tình nào.

Mỗi khi nhớ lại cuộc trò chuyện với cụ John trong Gym, con số Hai Mươi Mốt lại nhảy múa trong đầu, và con tim tôi liền vui trở lại. Hai Mươi Mốt không phải con số mấy người thích chơi bài xì dách hay blackjack mong muốn kéo được. Đó chính là khoảng cách số tuổi của tôi với John. Cụ hơn tôi đúng Hai Mươi Mốt tuổi, đang hạnh phúc sửa soạn "đưa nàng về dinh". Điều này đem đến cho tôi niềm hy vọng lẫn ước ao: Hai Mươi Mốt năm nữa tôi cũng giống như cụ, vẫn lạc quan, trẻ trung yêu đời. Nếu được vậy, tôi không chút ngần ngại bước lên cái máy thang cuốn, bước lâu hay mau, leo được bao nhiêu bậc, lên đến tầng thứ mấy đều không quan trọng. Vì tôi chỉ muốn "tâm sự" với người đi trên chiếc máy bên cạnh rằng:

- Bạn ơi, tôi đã 96 tuổi rồi.

Tôi cũng chỉ mong giống cụ John chừng đó thôi. Còn câu kế tiếp tôi muốn nói là:

- Tôi cưới vợ đã ngoài 72 năm, bà ấy kém tôi chỉ có một tuổi thôi, bà nhà tôi đẹp lắm. Không… không phải vậy, bà ấy đẹp lão lắm. Thôi chào bạn nhen, tôi phải đi về ngay vì sắp tới giờ bà xã tôi đo huyết áp, thử đường trong máu cho tôi và đang chờ cơm tôi ở nhà.

Nguyễn Văn Hưởng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,559
Trong xã hội, từ thuở dựng nước, tiền nhân đã đặt người làm thầy vào vị trí rất cao trọng, chỉ sau vua, trong thứ tự Quân Sư Phụ. Với tôi, người làm thầy mang một thiên chức cao cả, vì người làm thầy có thể giúp định hình tương lai cho nhiều thế hệ tiếp nối. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thân mẫu là người cả đời chỉ biết đến phấn trắng, bảng đen, có thân phụ vừa là sĩ quan quân đội vừa là huấn luyện viên của Cục Chính Huấn, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tình yêu dành cho việc giảng dạy đến với tôi thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng....
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
Hồi mới qua Mỹ, tiếng Mỹ dở ẹt mà Bách cũng lấy được bằng lái xe hơi trong vòng ba tuần từ ngày đặt chân xứ này. Tuần đầu lo thủ tục giấy tờ thẻ an sinh, thẻ căn cước. Tuần thứ hai đậu viết, tuần thứ ba đậu lái. Nhanh thần tốc. Thế mà sau 30 năm ở Mỹ, hắn phải thi viết hai lần, thi lái bốn lần mới đậu bằng lái xe mô-tô 1.000 phân khối Harley-Davidson. “Anh mướn cái mô-tô nhỏ 300 cc thôi cho dễ thi. Có $20 một ngày à,” người giám thị DMV vừa khuyên vừa an ủi hắn. “Hoặc anh vào trường học có $400 đô một khoá ba tuần rồi thi ở đó luôn cho dễ.” “Thank you chị nhưng đậu bằng xe nhỏ rồi chạy xe lớn chỉ có chết sớm. Tôi sẽ thi lại cho đến khi đậu.”...
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
Nhạc sĩ Cung Tiến