Hôm nay,  

Lộc

22/01/202413:08:00(Xem: 2336)

chuc mung nam moi

Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.

 

 *

Tôi biết Lộc khi tôi dạy tiếng Việt ở trường Việt Ngữ Huệ Quang. Lộc cao và hơi ốm với mái tóc dài chẻ hai, che khuất mắt, phủ tới miệng. Ở trong lớp, Lộc hay thả cho mái tóc phủ kín mặt. Lộc không muốn cho người khác nhìn thấy mặt mình. Lộc là cậu thanh niên cao và lớn tuổi nhất ở lớp tiếng Việt, do tôi dạy.

Ngày đầu tiên vào lớp, tôi viết tên mình lên bảng và tự giới thiệu. Sau đó, tôi gọi tên từng em để các em giới thiệu về mình. Ngoài tên, tuổi, trường các em đang theo học, tôi cũng nhắc các em cho chúng tôi biết vì sao các em lại đến với lớp Việt Ngữ này. Khi tới phiên Lộc, Lộc giới thiệu về mình, rất ngắn gọn:

- Lộc. 15 tuổi. Lớp 10 trường Glen Allen. Lộc không thích đi học tiếng Việt, nhưng mẹ bắt học để nói chuyện với bà ngoại còn ở Việt Nam.

Cũng như Lộc, hầu như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở bên Mỹ này đều không muốn đi học tiếng Việt. Tôi hiểu và thông cảm với các em nên tôi cố gắng trò chuyện với các em. Đôi khi tôi nói cả chuyện với các em bằng cả hai ngôn ngữ để cho các em hiểu rõ hơn. Tôi dạy không theo sách vở mà theo yêu cầu của các em muốn học về đề tài các em muốn tìm hiểu.

Ở trường Việt Ngữ tôi dạy, được chia ra thành sáu lớp từ lớp mẫu giáo đến lớn năm. Tôi dạy lớp bốn, một lớp mà các em đã biết đọc và viết. Trong lớp tôi có chín em đang học, các em từ 11 đến 12 tuổi. Chỉ có Lộc là 15 tuổi. Lý do Lộc lớn tuổi hơn các bạn trong lớp là vì Lộc đã ở lại lớp này ba năm.

Năm đó là năm đầu tiên tôi dạy tiếng Việt ở trường này. Trước khi nhận lớp, tôi được các thầy cô giáo những năm trước cho tôi biết sơ về Lộc. Lộc không được lên lớp như các bạn là vì Lộc không chịu làm bài hay nộp bài. Mỗi ngày đến lớp, Lộc đều gục đầu xuống bàn ngủ hay hí hoáy vẽ vời chứ không để ý gì đến bài vở. Lộc chán ghét lớp Việt Ngữ. Khi được thầy cô giáo của những năm trước cho tôi biết về Lộc, tôi chú ý đến Lộc nhiều hơn.  Quả thật như các thầy cô giáo nói, những buổi học đầu, tôi thấy Lộc cầm viết bên tay trái và hí hoáy vẽ.  Tôi đi đến gần bên Lộc và hỏi:

- Lộc cầm viết bằng tay trái hả?

- Khi viết thì Lộc dùng tay phải, còn những việc khác thì dùng tay trái.  Lộc thuận tay trái hơn tay phải.

- Thú vậy đấy.... Thầy đọc ở đâu đó nói rằng những người thuận tay trái rất thông minh và có khiếu về hội họa.  Mà Lộc đang vẽ gì vậy?

- Dạ, không có gì.  Lộc chán, nên vẽ lung tung thôi.

- Ồ... Khi vẽ, vậy Lộc có nghe thầy giảng trên lớp không?

- Dạ có, Lộc vẽ bằng tay mà.  Tai Lộc có nghe.


Tôi cười thầm và nghĩ đúng là con nít sinh ra ở Mỹ, nên trả lời rất thật và hồn nhiên. Có sao nói vậy người ơi.  Tôi nói với Lộc:

- Thầy cám ơn Lộc đã cố gắng đi đến trường học tiếng Việt.

- Nhưng, Lộc không thích.  Lộc bị mẹ kêu đi học.

Lộc khá thông minh. Ở trường trung học, Lộc là học sinh giỏi, đạt được toàn điểm A trong các môn. Ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, Lộc còn biết tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Có một hôm sau khi tan trường, trong lúc chờ phụ huynh tới đón về, lớp tôi chỉ còn lại một mình Lộc. Lộc khoe với tôi:

- Thầy biết không. Lộc biết tiếng Spanish và tiếng French. Lộc học ba năm Spanish và giờ đang học French. Nhưng Lộc không thích học tiếng Việt.

Tôi cười, khen cậu giỏi và thông minh. Tôi hỏi em:

- Tại sao Lộc không thích học tiếng Việt?

- Tại vì tiếng Việt khó. Tiếng Việt có nhiều dấu khó hơn tiếng Spanish hay French.

- Thầy thấy tiếng Việt em rất khá. Lộc nghe, hiểu và trả lời thầy bằng tiếng Việt. Lộc chỉ cần chú tâm thêm chút nữa là em sẽ yêu thích tiếng Việt thôi.

- Lộc ghét đến trường vào thứ Bảy.

- Ồ vậy là Lộc không thích đến trường Việt Ngữ vào cuối tuần đúng không nè?

- Dạ đúng rồi. Lộc không thích, nhưng mẹ cứ bắt đi học tiếng Việt vào cuối tuần.

- Lộc có thử nói chuyện với mẹ chưa?

- Lộc có nói. Nhưng mẹ không chịu nghe. Mẹ không khi nào chịu nghe Lộc. Mẹ busy ở ngoài tiệm nails. Mẹ không có giờ cho Lộc.

- Vậy những ngày cuối tuần nếu không đi học thì Lộc làm gì?

- Lộc ở nhà cousin chơi games.

- Thầy biết Lộc rất giỏi và thông minh. Nếu như Lộc không thích đi học tiếng Việt cuối tuần thì em cần phải cố gắng chăm chú lắng nghe và học thật giỏi tiếng Việt để mẹ khỏi bắt Lộc tới trường nữa.

Lộc đưa mắt nhìn tôi, rồi ngạc nhiên hỏi lại:

- How come? (Sao có thể như vậy được thầy?)


Tôi không trả lời vội, mà hỏi lại Lộc:

- Em có biết trường Việt Ngữ mình đang theo học có bao nhiêu lớp không?

- Dạ có sáu lớp.

- Đúng rồi. Và hiện giờ Lộc đang học lớp bốn, nghĩa là sau khi học xong lớp này, còn một lớp nữa là Lộc có thể nghỉ rồi. Lúc đó mẹ của Lộc không còn lý do gì để bắt Lộc đi học vào ngày thứ Bảy nữa có đúng không nè?

- Dạ đúng rồi.

- Nếu Lộc chăm chỉ lắng nghe và làm bài đầy đủ thì em chỉ cần học xong năm nay và năm tới là sẽ ra trường rồi.

- Ờ héng. Sao Lộc không nghĩ ra. Lộc chỉ nghĩ khi đủ 18 tuổi rồi thì Lộc đi đại học, mẹ sẽ không bắt đi học tiếng Việt nữa.

- Thầy biết em rất thông minh. Chỉ cần em siêng làm bài và chăm chú lắng nghe thì em có thể làm bất cứ việc gì em muốn.  Lớp tiếng Việt này cũng đâu làm khó em được đúng không nè? Em hãy cho mẹ em thấy rằng, em làm được. Và thầy cũng tin rằng em sẽ là học sinh giỏi nhất ở lớp tiếng Việt năm nay.  Thầy tin ở em. Em có tin ở mình không?

- Lộc tin.


Chúng tôi đang nói chuyện với nhau thì xe của mẹ Lộc đến đón về. Lộc vội vã chào tôi và các thầy cô rồi ra về.


Sau buổi nói chuyện hôm đó, tôi thấy Lộc chăm chỉ học bài và làm bài tập về nhà hơn.

Hết học kỳ một, chúng tôi trở lại trường sau Tết Tây. Thời gian này, tôi không dạy các em học theo sách vở, mà tôi tập cho các em hát cũng như chơi trò chơi tìm tên các loài hoa, tên các con vật, bằng tiếng Việt.

Rồi chúng tôi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ cho hội chợ Tết Nguyên Đán ở chùa Huệ Quang. Tiết mục dành cho lớp chúng tôi là sớ Táo Quân. Trong phần sớ Táo Quân, Lộc đọc rất trôi chảy và đúng theo nhịp mà tôi chỉ dạy. Ngày hội chợ Tết Nguyên Đán của trường Việt Ngữ cũng kết thúc, tôi mừng tuổi cho các em. Và, tôi đã thiên vị Lộc, mừng cho em nhiều nhất với lý do là Lộc cố gắng và trình diễn rất hay trong tiết mục ông Táo. Khi nhận phong bao mừng tuổi, Lộc dang tay ôm và cám ơn tôi đã dạy Lộc học tiếng Việt.

Hai năm trôi qua nhanh. Thoáng chốc đã vào mùa hè.

Trong buổi lễ bế giảng của trường, Lộc đứng lên đọc bài phát biểu của mình. Lộc cám ơn gia đình, thầy cô đã dạy Lộc tiếng Việt. Lộc nhắc đến những lần ngủ gục trong lớp, những buổi trưa dài lê thê đến chán chường của lớp học học tiếng Việt vào cuối tuần như là một cực hình. Nhưng giờ đây Lộc cảm thấy biết ơn gia đình và thầy cô đã dạy bảo Lộc để Lộc biết đọc và biết viết tiếng Việt, biết thêm một ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ của mẹ, nơi mẹ Lộc được sinh ra. Trong bài phát biểu, Lộc có nhắc đến tôi. Sau khi nghe bài phát biểu cảm nghĩ của Lộc, tôi xúc động và thấy cay cay ở khóe mắt.

Bài phát biểu của Lộc vừa dứt, những tràng pháo tay giòn giã từ phụ huynh và thầy cô. Nhiều phụ huynh và thầy cô còn rơm rớm nước mắt.

Buổi lễ bế giảng kết thúc, tôi không còn gặp lại Lộc nữa. Thỉnh thoảng Lộc có gửi email cho tôi và cho tôi biết Lộc đang học ở trường đại học Virginia, cách nhà hơn một giờ đồng hồ.

Rồi đại dịch Covid 19 bất ngờ ập tới, mọi chuyện đều đình trệ. Trường Việt Ngữ nơi tôi dạy cũng đóng cửa hai năm qua. Tôi nhớ các em ở trường Việt Ngữ.

Có những hôm, tôi gọi hỏi thăm cô hiệu trưởng để biết khi nào trường mới mở cửa để dạy tiếng Việt trở lại. Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi có một buổi gặp mặt tại trường sau dịp lễ Giáng Sinh. Trong lúc trò chuyện về trường, về lớp, rồi lan man qua chuyện dịch bệnh, chích ngừa...

Cô hiệu trưởng chợt hỏi:

- Mấy thầy cô còn nhớ Lộc không?

Nghe cô hiệu trưởng nhắc đến Lộc, tôi vội hỏi:

- Có phải Lộc ôm ốm cao cao, tóc dài mấy năm trước học ở lớp em?

- Đúng rồi. Lộc vừa mới mất.

- Trời, tại sao vậy? Covid?

- Không. Lộc tự tử!

- Úi Trời! Ghê vậy. Mà chuyện gì vậy chị?

- Nghe nói Lộc buồn chuyện gia đình, áp lực việc học, việc làm... Lộc bị trầm cảm và tuyệt vọng một thời gian.

Thầy Thanh nói:

- Ở lứa tuổi lửng lơ các em suy nghĩ chưa thấu đáo dễ làm chuyện dại dột...


Tôi thêm vào:

- Đôi khi mình cũng vậy, chứ nói gì các em...


Cô Oanh, tiếp:

- Ôi, tội nghiệp quá.  Rồi sao nữa chị?

- Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình.

- Chuyện xảy ra khi nào vậy chị?

- Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving.

- Trời!


Tôi nghe tin Lộc tự tử mà chân tay tôi bủn rủn rã rời. Tôi lặng người nghĩ đến Lộc. Tôi suy nghĩ tới những nỗi đau của Lộc và gia đình khi em tự kết thúc mạng sống của chính mình. Chắc có lẽ trước khi tự sát em cảm thấy bất lực không thể tìm ra lối thoát ra khỏi nỗi đau khổ vô tận? Chắc có lẽ Lộc âm thầm chịu đựng rồi lên kế hoạch tự sát mà không cho ai biết?

Phải chi Lộc chia sẻ những nỗi buồn, đau khổ của mình với bạn bè, người thân. Phải chi gia đình quan tâm em nhiều hơn một chút có lẽ em đã không rời khỏi thế gian này. Phải chi nước Mỹ kiểm soát được nạn buôn bán súng?  Phải chi và phải chi ... Nhưng tất cả đều muộn...

Hôm nay, những ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới, tôi hy vọng rằng ở cõi nào đó, Lộc không còn đau khổ không tuyệt vọng, cô lập buồn bã. Tôi hy vọng rằng Lộc được vui tươi, mỉm cười và hạnh phúc. Và tôi cũng cầu mong gia đình em kiên cường, cố gắng động viên nhau vượt qua nỗi đau mất mát này.

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
28/01/202406:32:12
Khách
Phải chi nước Mỹ kiểm soát được nạn buôn bán súng????? Lại đổ thừa nữa, nếu không có súng chắc họ không chết à ??? không có súng thì họ tự tử cách khác, có hàng loạt cách tự tử kìa
24/01/202402:50:49
Khách
Lộc là nạn nhân đáng thuơng. Bị mẹ bắt học tiếng Việt mà Lộc không thích, bị thầy giáo đánh rớt bắt học lớp 4 tiếng Việt trong 3 năm. Trong 5 năm Lộc đã chịu cực hình do mẹ và thầy giáo bắt. Dạy học mà học trò không thích học thì là lỗi một phần của thầy giáo. Rồi lên đại học Lộc bị mẹ bắt học môn mình không thích. Mỹ là thiên đàng của thế giới, dân Nam Mỹ đến Mỹ đi làm việc tay chân vẫn thấy sung suớng thì tại sao phải bắt con học ngành này ngành nọ? Dầu sao đi nữa cám ơn tác giả viết bài này cảnh tỉnh cha mẹ không phạm lỗi lầm như bà mẹ Lộc và co thể cứu thêm tính mạng vài em nhỏ trong các gia đinh VN đang ở Mỹ.
Lộc dùng cái chết của mình để cảnh tỉnh các bậc cha mẹ đừng phạm lỗi lầm như mẹ Lộc, thì Lộc đã làm đuợc cái phuớc cứu nguời.
23/01/202416:38:18
Khách
"tôi hy vọng rằng ở cõi nào đó, Lộc không còn đau khổ không tuyệt vọng, cô lập buồn bã. Tôi hy vọng rằng Lộc được vui tươi, mỉm cười và hạnh phúc."

Tự sát là chống lại luật nhân quả, rất là thê thảm trong một thời gian rất là dài, ở cảnh giới thấp nhất trong vũ trụ. Đừng có dại dột đi theo con đường này vì nó rất là nguy hiểm. Hy vọng trong thân nhân của Lộc có 1 tay tài ba, đi theo con đường "Nhất nhân chứng đắc cữu huyền thăng", có khả năng nói chuyện trực tiếp với Đấng Tòan Năng, và vì liên hệ huyết thống nên có khả năng kèo được cậu ta lên.
23/01/202416:32:54
Khách
"Lộc cầm viết bên tay trái và hí hoáy vẽ, Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa."

Mẹ làm nghề nail, con là họa sỹ thì có 1 ngành kiếm ra nhiều tiền gọi là Nail art design, báo Mỹ có nói 1 cô du học sinh qua Mỹ, học xong đi làm hãng, rồi ra mở tiệm nail ở Los Angeles làm cho giới dân khá, lúc đó cô ta kiếm khoãng 600K/năm lương ngang ngữa với kỹ sư loại khá. Cần gì phải đi học kỹ sư cho nó mệt.
23/01/202415:47:02
Khách
Cha mẹ không hiểu sức học của con mà bắt nó làm những việc quá sức mình. Nghe nói con nít Mỹ học high school rất dốt toán, lý, hóa, ....so với học sinh ngoại quốc. Như năm 2022-2023 có 290,000 từ Trung quốc, 270,000 từ Ấn Độ, 44,000 Đại Hàn, 28,000 Canada, 22,000 Việt Nam, 22,000 Taiwan, 18,000 Nigeria, 16,000 Japan, ..... Thời tỵ nạn sinh viên Việt có ưu thế vì đã học Calculus ở trung học, học sinh Mỹ gốc Việt hình như mất ưu thế này. Vì vây đừng có cho tụi nhỏ vào universities ngay, tôi có 2 đứa nhỏ trong dòng họ bị trường hợp này. Đồng ý ở Mỹ phải học những ngành có ra tiền như high tech, coi sinh viên ngoại quốc vào Mỹ làm đầy nhóc trong high tech lương rất cao, có khi lên đến 300K hay hơn nữa. Cái vấn đề là tụi nó mất căn bản, cái thứ 2 là đừng kỳ vọng quá cao như thạc sỹ, tiến sỹ như tụi sinh viên ngoại quốc, cái thử 3 là cái ảo tưỡng trong đầu tụi nó vì sống bám vào cha mẹ, học cho có, bắn game nhiều hơn học, nên sống rất thoải mái, gọi là mấy vị "chín tầng mây"... Đầu tiên là phải nói học để kiếm sống và sống trong khã năng của mình (Buy what you need not what you want) thành ra phải học những nghề kiếm tiền, còn nghề tay trái là họa sỹ, ca sỹ, game sỹ, .... thì cứ học thêm, nếu sau này có khả năng kiếm sống thì có thể bõ nghề chính. Không ai có thể bắt thiên tài họa sỹ Picasso đi làm bác sỹ cho nhiều tiền, vì 1 bức tranh vẽ xong thì có thể bán vài triệu dollars. Hay Michael Jackson đi làm kỹ sư high tech khi mà cất tiếng ca thì có thể kiếm hàng triệu dollars.

Muốn học kỹ sư hay kỹ thuật viên 2 năm, thì phải cho vào community college cho nó học từ lớp thấp nhất của tóan như algebra sau đó coi khả năng học như thế nào, rồi cho học tiếp lên trigonometry, pre calculus, thống kê, linear algebra, discrete math, calculus nếu muốn đi chương trình kỹ sư. Dĩ nhiên sau đó phải học thêm vật lý, hóa, sinh vật từ cơ bản. Nếu không kham nổi thì học làm thợ vì không phải ai củng có khả năng làm thầy. Đồng ý là kỹ sư high tech rất là giàu vì trong 10 - 15 năm nay stocks lên khủng khiếp, nhưng không phải ai củng là kỹ sư và có khả năng đầu tư dài hạn như total stock index, sp500 large cap, sp400 mid cap, sp 600 small cap, growth funds, ...nhưng không vì thế mà bắt đứa không có căn bản từ high school vô university đấu với tụi gà chọi từ ngoại quốc mà tụi nó đươc chuyên về tóan, lý, hóa từ trung học mà trình độ ngang ngữa với 1 hay 2 năm đầu đại học Mỹ. Tôi chủ trương nếu không khá thì 2 năm đầu tái huấn luyện ở community college vừa rẽ, vừa lấy lại lòng tự tin, nếu biết mình biết người thì có hy vọng thành công hơn, và dạy cho nó cách đầu tư từ trẽ sau khi có chút tiền dư vào Ira, Roth Ira accounts cho index funds, ETF low fee funds cho sp500,sp400,sp600, hay growth funds, ....,mổi tháng cho thời gian 20, 30 năm thì đó là kiểu của một số triệu phú ở Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,654
Trời bên ngoài đã chuyển thu hơi lạnh, Nguyên quấn chiếc khăn choàng cổ và đội mũ len ra khỏi nhà cùng với Jim. Nàng níu tay Jim tránh sự vấp ngã đi ra con suối Cherry Creek ngay dưới chân dãy núi Rocky. Qua màn mờ của con mắt, nàng vẫn cảm nhận được ánh nắng đang len lỏi qua hàng cây lá, trời trong xanh bao la xuống gần vây con suối. Dạo quanh những bước chậm rãi, Nguyên nhìn con vực và dòng suối đang chảy như nhìn xuống những thương đau của đời nàng...
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến