Hôm nay,  

Merry Christmas & A Happy New Year !

22/12/202300:00:00(Xem: 3251)

Xmas
Hình internet

 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầu tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả.

 

*

 

Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi.
  
Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn!
  
Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo.
  
Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
  
Vì đi tù ở khu rừng thiêng nước độc, làm việc nhiều, nhịn đói, nhịn khát, ăn uống qua quýt, toàn là sắn và khoai, có khi ăn cơm độn bobo, sạn lẫn trong gạo, nhiều lúc cắn nhầm thì gẫy răng, nuốt nhầm thì đau bụng lăn lộn mà không ai cho thuốc men, đi ngoài ra máu cũng ráng chịu. Khi qua Mỹ, cơ thể ngày càng yếu, bố sống không thọ, đã qua đời ở tuổi 48, bỏ lại mẹ mới 35, còn tôi chỉ mới 4 tuổi.
  
Trước khi mất, bố đã trăn trối với mẹ:
  
– Nhất định nuôi thằng cu cho lớn khôn, thành tài và không để nó đi lính! Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tránh nhập ngũ vì sẽ làm cho con người ta hận thù, tổn hại tinh thần, sức khỏe… Hãy hứa với anh nhé!
  
Hình ảnh bố cương trực, người trai của sông núi thuở ấy chắc phải đẹp và can trường lắm, tôi tìm thêm sách vở đọc về người lính sĩ quan của những năm 1965, càng khâm phục và hãnh diện được làm con trai của bố hơn nữa.
  
Có một lần trường học tổ chức cho chúng tôi, những em học sinh viếng trại quân binh ở thành phố West Point, New York, để biết thêm cách sống, sinh hoạt, sự hy sinh của những người lính để thấy rõ sự sống linh động cho một môn học; tôi được thấy tận mắt từng đoàn quân binh tập bước chân đi thật đều đặn, kỷ luật; những động tác chào, tuy nhỏ nhặt nhưng dứt khoát và oai hùng làm sao ấy, đã thấm nhuần vào đầu óc non nớt của cậu bé 10, 12 tuổi; sự khát khao được vào quân đội Mỹ như ngọn lửa nhen nhúm vào trong tim lúc nào không hay và thôi thúc khôn nguôi!
  
Vào lần sinh nhật của tôi, mẹ dắt vào hàng Toys R Us để mua quà sinh nhật, mẹ lấy ra cả khối đồ chơi cho tôi chọn: nào là ống nghe của bác sĩ, cái kìm nhổ răng, khẩu súng trường, cái chảo nấu đồ ăn, cây bút chì, cái bàn máy tính computer… Tôi sung sướng tung tăng chọn ra hai thứ, mỗi tay cầm một cái: kìm nhổ răng và khẩu súng trường. Mẹ giật mình lấy ra khỏi tay tôi khẩu súng vứt ra xa, tôi giậm chân khóc, nhất định chạy nhặt lại khẩu súng cho bằng được. Năm ấy tôi lên 6.
  
Từ lúc đó, mẹ cẩn thận coi chừng tôi thật kỹ, không cho tôi xem những bộ films kích động mạnh, bắn súng, chém giết, mà chỉ xem những băng hoạt hình nhẹ nhàng, yêu thương ở lứa tuổi tôi, tập cho tôi chơi với các bạn hiền tốt ở trường, hướng cho tôi trở thành người có ích cho xã hội và biết giúp đỡ người chung quanh.
  
Cuối năm 16, sắp vào 17 tuổi, sau khi đi học về, thấy mẹ đang làm cơm trong bếp, tôi vứt cặp ngoài salon, chạy vào ôm lấy mẹ:
   – Mẹ ơi, thằng Timmy trong lớp con sẽ đăng ký quân đội Hoa Kỳ… Mẹ cho con đi với nó nhe?
   – Không thể được, con còn nhỏ đang đi học sao lại đi lính? Con…
   – Mẹ đừng lo, con đăng ký đi lính nhưng sẽ vẫn tiếp tục đi học, như nó…
   – Mẹ không muốn con đi lính con hiểu không? Bố đã dặn mẹ phải nuôi con đi học, ra trường thành người tốt có ích cho xã hội, không được đi lính!
   – Tại sao? Tại sao lại không được đi lính? Đi lính cũng có ích cho xã hội vậy, sẽ bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc… như bố! 
   – Không thể nào được, con chưa hiểu đó thôi! Con có thấy bố đi lính ở một chế độ, sau này chế độ đó không còn nữa bố phải trả giá bằng cả cái mạng đó. Mình sống ở nước Mỹ được tự do, tại sao con không học thành bác sĩ, kỹ sư như bao người khác mà phải đi lính chứ? Ai bắt con phải lấy cái nghề hy sinh mạng sống của mình như vậy? Rồi lỡ họ điều con qua mấy nước Trung Đông đánh nhau thì sao? Mẹ chỉ có mình con thôi! Mẹ không bằng lòng!
   – Mẹ! Mẹ nghe con nói đây, con hứa sẽ học thành nha sĩ nhưng con muốn được vào lính, con sẽ vừa đi học trường, vừa tập hành quân như những anh lính trong quân đội vậy. Đó là ước nguyện của con, mẹ bằng lòng nhe mẹ?!
   – ….
  
Mẹ giận tôi, không nói gì nữa bỏ vào phòng ngủ.
  
Tôi nhìn lên hình bố vừa thầm thì vừa đưa tay vuốt mặt bố: 
   – Bố ơi, hãy đổi ý cho con được nhập ngũ nhe, con hứa sẽ cố gắng học giỏi, sẽ làm nha sĩ giúp ích cho người dân, cho bố mẹ vui lòng.

Trong lớp khá nhiều bạn Mỹ nhập ngũ khi vừa mới 17 đúng, tụi nó vẫn đi học, lâu lâu thấy chúng nó vào trường với bộ đồng phục xanh màu lá cây trộn lẫn vằn vện với màu nâu đen của đất đá, đầu đội mũ beret, chân đi boots ống cao, nhìn thật oai phong; sau những buổi tập quân sự bò lê, trườn sát, nhảy sào… thấy chúng nó càng cứng cỏi, da ngăm đen lẫn với màu đỏ của nắng cháy làm hấp dẫn tôi thêm nữa.
  
Tôi không thể chờ lâu được nữa, biết nếu có xin mẹ hoài cũng không được, đánh bạo, tự đem nộp hồ sơ vào quân đội và bắt đầu làm những bài kiểm tra về sức khỏe, vì còn tuổi vị thành niên dưới 18 tuổi, cần phải có chữ ký của mẹ, làm sao đây? Buổi tối về, tôi cùng ăn uống với mẹ, hai mẹ con nói chuyện thật vui, bất chợt tôi nói vu vơ:
   – Nếu một ngày nào đó mẹ ăn cơm một mình, không có con thì mẹ có buồn không?
  
Mẹ nhìn tôi một lúc rồi như dấu cái buồn cho riêng mình, mẹ cười vang lên:
   – Con tưởng mẹ lúc nào cũng phải cần có con hay sao? Con còn phải có cuộc sống của riêng con, tương lai của con, nếu một mai con đi học xa ở một tỉnh khác thì mẹ sẽ phải ăn cơm một mình thôi! Cuộc đời là thế, không lo!
   – Mẹ… không buồn và giận con hả?
   Mẹ ôm lấy tôi như đứa con nít:
   – Giận gì mà giận! Mẹ sẽ rất vui nếu con làm nên sự nghiệp của riêng mình, mẹ bằng lòng ở một mình và có niềm vui khác với các bạn của mẹ, có sao đâu! Miễn sao lâu lâu con về thăm mẹ, hay phone cho mẹ là được rồi.
  
Hôm đó thấy mẹ vui, tôi lấy từ trong cặp ra tờ đơn xin nhập ngũ vào quân đội, rón rén để lên bàn, năn nỉ mẹ:
   – Mẹ hãy đọc và ký tờ consent form này cho con nhe…
  
Mẹ cầm đọc, mặt từ từ đổi từ vui sang nghiêm trang:
   – Mẹ nói mãi con không hiểu hả? Bố đã trăng trối nói không muốn con vào lính mà, con không nghe lời hả? Mẹ sẽ không ký đâu!
   – Nếu mẹ không ký con sẽ chờ đúng 18 tuổi để tự mình đăng ký đó.
  
Mẹ ngước mặt nhìn tôi vừa buồn, vừa thất vọng lẫn tội nghiệp đứa con trai duy nhất.
  
Rốt cuộc mẹ vuốt tóc tôi:
   – Thôi, con cứ đi ngủ đi, mẹ suy nghĩ đã…
  
Sáng hôm sau thức dậy, tôi đã thấy tờ đơn đã ký để trên bàn salon, mẹ đã đi làm từ sáng sớm, tôi hôn lên chữ ký trên tờ giấy, mừng quá nhảy cỡn lên như đứa con nít, đến bên bàn thờ của bố tâm sự:
   – Bố ơi, con cám ơn bố, cám ơn bố rất nhiều đã run rủi cho mẹ chịu ký đơn cho con, con biết điều này làm bố mẹ không vui, nhưng con yêu được làm người lính, được đứng vào hàng ngũ của quân đội, được mặc bộ đồ quân binh oai hùng như bố để bảo vệ đất nước… Con hứa sẽ học ra nha sĩ quân đội để dùng đôi tay và khối óc này phục vụ quân đội … Bố! Tha lỗi cho con đã đi ngược lại điều bố muốn nhe!
  
Kể từ ngày nhập ngũ vào cuối mùa thu, những tân binh không được về phép mà phải tập luyện liên tiếp kéo dài từ 4 đến 6 tháng, bù vào khoảng thời gian mà chúng tôi đã mất ở đại học. Vào trường quân sự phải tập trườn, bò, lết, trèo, rồi có lúc mới 4 giờ sáng, khi nghe tiếng còi hụ tất cả phải thức dậy, làm giường thật thẳng tắp, không một chút vết nhăn nào cả, làm vệ sinh, mặc quần áo thật nhanh và chỉnh tề ra xếp hàng bên ngoài sân; có một tên tân binh mới được 17 tuổi một ngày, mắt nhắm mắt mở thế nào mà chân phải mang một chiếc boot, chân trái mang chiếc giầy thường, hắn bị anh chỉ huy bắt phạt nhẩy xổm 5 vòng cả một khoảng sân thật rộng.
  
Chúng tôi tập chạy ban đầu 5km, sau đó tăng dần lên 10km với chiếc ba lô nặng sau lưng. Lúc đầu tôi mệt nhoài, thở không ra hơi, chóng mặt muốn xỉu, tưởng sẽ bỏ cuộc nhưng dần dần thân thể đã quen được với lối tập luyện khổ nhọc này, tôi có thể chạy xa hơn với sức nặng 30 kg trên lưng. Chúng tôi được tập khâu vá quần áo, ủi đồ, giặt đồ, lau giầy, làm cơm. Đây là những công việc của mẹ mà tôi chưa bao giờ đụng đến nên khi tôi tập vá áo, hai hàng nước mắt chảy xuống ướt cả mặt vì nhớ công lao mẹ đã nuôi, đã khâu vá áo cho tôi mỗi khi tôi chạy nhảy rách quần áo từ lúc còn nhỏ. Từng miếng sandwich kẹp thịt cũng được mẹ làm cho, nay phải tự làm, tôi thấy mình thật may mắn và tình yêu thương, biết ơn mẹ dâng trào trong tim.
  
Sau ba tháng tập luyện chuyên sâu trong quân đội, tôi mong ngóng ngày về, chưa bao giờ tôi xa mẹ lâu đến thế. Mong được nhìn thấy mẹ, được ôm lấy mẹ bằng da, bằng thịt và hít hương thơm nhẹ từ mái tóc dài của mẹ.
  
Nhưng một buổi tối, tiếng còi hụ tập họp tất cả những tân binh, họ ra lệnh phải ở lại trại qua mùa Giáng Sinh! Tôi nghe mà điếng cả lòng, thất vọng vô cùng, thấy tim đau thắt lại, hình ảnh mẹ hiện ra trong đầu lẻ loi bên cửa sổ ngóng trông tôi. Bất giác giọt nước mắt lăn xuống má, tôi vội chùi ngay sợ có ai thấy lại bảo tôi quá tình cảm ủy lụy. Tôi cắn răng chịu đựng cho cảm xúc qua đi, thầm nghĩ chắc họ muốn thử thách lòng can trường của những tân binh trẻ tuổi!
  
Trong trường học quân sự, một cây thông thật, cao vút được dựng lên, với một ngôi sao to lấp lánh trên ngọn, xung quanh được bao quanh bởi những dây đèn đủ màu xanh đỏ vàng chớp nháy thật rực rỡ, dưới gốc cây cả ngàn gói quà cho các tân binh để đón chào họ đến trường quân sự năm đầu tiên, hưởng mùa Christmas xa nhà đầu tiên và cùng các chiến hữu đón ngày Chúa sinh ra đời đầm ấm bên nhau.
  
Bên cạnh cây thông với những ánh điện tỏa sáng ấy, một hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là những thiên thần, tượng Ba vua, thánh Giuse, những chú lừa rải rác.
 
Ban hậu cần để nhạc “We wish you a merry Christmas…. And a happy New Year”. Ai nấy đều vui, hớn hở khi nghe bài hát này, chỉ riêng tôi đứng xa xa nhìn mà cảm thấy thật vô vị.
  
Những mùa Giáng Sinh năm trước tôi đều nghe bài hát này, cảm thấy Giáng Sinh là mùa gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau, nhưng hôm nay xa nhà, xa mẹ đã hơn 3 tháng, tôi thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng! Nhưng tôi vẫn không hối hận với quyết định của mình đã chọn.
  
Tôi thầm hát nho nhỏ: “Mom, I wish you a Merry Christmas and all the joy, peace, love at this time”
  
Thiệp Giáng Sinh đã gởi đi rồi, chắc mẹ đã nhận được, mẹ buồn lắm, nhưng sẽ chịu đựng cho qua thôi, tôi phải tuân thủ chỉ thị cấp trên!
 
***
 
Đúng vào đêm 24 tháng 12, ngày Lễ Vọng (Christmas Eve), 12 tiếng chuông nhà thờ vang lên ở đâu đây, hồi hộp đứng bên ngoài ngôi nhà thân yêu của chúng tôi, vòng hoa holly với chiếc nơ đỏ dài được trang trí ngay ngắn ở chính giữa cửa, đây không phải là giấc mơ chứ! Tôi hít một hơi thật sâu, tay xoay nắm cửa bước vô.
  
Ánh đèn nhấp nháy đủ màu hắt ra từ cây thông trong góc nhà, dáng mẹ ngồi yên bên sofa, khuôn mặt hướng ra cửa như chờ đợi một điều gì đó, cặp mắt bất giác mở to khi thấy dáng tôi đứng sừng sững giữa khung cửa, mẹ không tin vào mắt mình, lấy hai tay dụi mắt, không nhận ra tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân, vì cái đầu lính trọc lóc của tôi, bộ quần áo nhà binh làm tôi như lớn hơn, già giặn hơn.
  
Vài phút trôi qua, mẹ đứng lên ôm chầm lấy tôi trong làn nước mắt:
   – Thằng Cu… con đã về!
   – Mẹ! mẹ… khỏe không? Con nhớ mẹ lắm!
  
Tôi chưa bao giờ yêu mẹ đến chảy nước mắt nhưng đây là lần đầu tiên, tôi ôm chặt lấy mẹ, biết ơn mẹ, dụi đầu vào mái tóc thơm của mẹ hít hà, mẹ lắp bắp:
   – Ủa, sao… sao con được về vậy? Con nói là phải ở đó qua Giáng Sinh mà?
   – Vâng, lẽ ra là vậy, nhưng hôm nay ông trưởng đoàn cho những tân binh trong gia đình có con duy nhất được về với gia đình nên con mới được về đây!
   – Vậy có đông người là con duy nhất không?
   – Khoảng 250 người trong cả ngàn người đó mẹ.
   – Quân đội Mỹ có lòng nhân từ quá, biết nghĩ đến người cha mẹ cô đơn lẻ loi ở nhà trong ngày lễ nhỉ.
    Tiếng hát thánh thót phát ra từ chiếc TV gần đó:
 
   I wanna wish you a Merry Christmas
   I wanna wish you a Merry Christmas
   I wanna wish you a Merry Christmas
   From the bottom of my heart
   Cùng nắm tay hát vang, ngày giáng sinh an lành
   Cầu chúc cho mỗi người, hạnh phúc với nhau trong hương bay ngọt ngào. (Féliz Navidad)
  
Mẹ cắt cho tôi miếng bánh mừng ngày Giáng Sinh, đặt muỗng bánh vào miệng tôi nói:
   – Mẹ ơi, đây chính là mùa Giáng Sinh đẹp nhất…
   – Và sự trở về nhà của con là một món quà hạnh phúc nhất của Chúa ban cho gia đình mình vào ngày Christmas Eve!
 
Sỏi Ngọc
14 Dec’2023
 

Ý kiến bạn đọc
02/04/202421:28:37
Khách
Con là món quà Giáng Sinh hanh phúc nhất cho Mẹ của Con. Thật thay thương cho Mẹ Con quá. Chúc Con thành công trên đường đời...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,872
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Ba tôi qua đời năm Mậu Thân 1968, còn trẻ lắm, em Út thứ 9 trong nhà nói: “em không nhớ mặt Ba”, tội nghiệp, lúc đó nó mới có ba tuổi; Má tôi vừa bỏ chúng tôi đầu xuân năm 2023, thượng thọ gần bách tuế. Từ thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên không có Ông Bà cả hai bên Nội, Ngoại. Ông Bà Ngoại với con cái sống cuộc đời thương hồ, trôi nổi nước lớn nước ròng, buôn bán theo mùa ở Châu Đốc. Rồi Ông Bà lần lượt qua đời khi tuổi không thọ lắm. Má tôi có chồng, thì Má chồng đã mất, Ba chồng bồng ẳm hai cháu Nội mới chập chửng biết đi được vài lần thì gia đình tôi dọn nhà lên Sài Gòn. Rồi ông Nội qua đời. Nghe Ba và Cô Hai kể, Ông Nội nằm đọc báo ngủ trưa, ngủ luôn giấc ngàn thu, rời hơi thở nhẹ tênh, nhà quê gọi là đứt mạch máu. Năm đó, Ông vừa qua tuổi 50. Má kể, tôi cũng được Ông Nội bồng vài lần lúc mấy tháng,
Hằng ngày, một mình, tôi vẫn tiếp tục lặng ngắm bức tranh thêu hai con hạc trắng như ngày nào khi hai chúng tôi bên nhau. Con chim trống luôn luôn là hình ảnh oai phong - khỏe mạnh của chồng tôi những ngày đầu chúng tôi quen nhau cách đây hơn 50 năm. Thương làm sao, lúc về già, chồng tôi y như con hạc trống già vẫn ráng vươn cao cổ che chở con chim mái ướt sũng đứng nép mình cạnh bên. Thương, nhớ… những ngày hạnh phúc có nhau nhưng tôi không bị dày vò , xót xa vì tôi đã sống trọn vẹn và làm đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ …Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật nghiệt ngã, đời người rồi ai cũng phải đi tới các trải nghiệm đó. Chấp nhận và có chuẩn bị chu đáo vẫn hơn là né tránh!?
Tôi đã hứa với Văn, ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần lễ nghỉ phép, tôi sẽ đến nhà làm giúp cho Văn cái giàn mướp. Sau khi mở cửa cho tôi vào nhà, Văn pha cho tôi ly cà phê rồi đến ngồi trên cái ghế xoay đối diện với máy điện toán, tiếp tục đọc trang mạng. Văn thường nói với bạn bè: Đọc và viết là một phương cách giúp cho não bộ hoạt động và thư giãn tâm trí, một món ăn tinh thần tốt lành, không tốn kém. Đọc xong bản tin đặc biệt và bài bình luận thời sự trên trang mạng, Văn đứng dậy, đi đến phòng ăn sửa soạn ăn sáng rồi cùng tôi làm cho xong cái giàn mướp thì điện thoại reo. Văn vừa nói câu hello thì đã nghe giọng nói lớn tiếng từ điện thoại.
Lời tác giả: Gặp Nina Hòa Bình trên trang mạng! Nina nhắc nhở nhè nhẹ, lâu quá, không thấy tác giả Nguyễn Trung Tây trên trang “Viết Về Nước Mỹ.” Khi đó mới chợt nhớ ra, từ hồi Covid ghé vào, tàn phá ngôi làng toàn cầu, tác giả hãi đoàn quân Covid quá! Bởi thế, quân ta trốn trong phòng, không xuất hiện. Thật ra, tháng 6 năm 2016, tác giả đã rời Úc Châu, tu học tại Philippines. Tháng 10, 2020, tác giả bay về lại San Jose, California, trốn Covid. Tháng 5, 2022 tác giả bay về Philippines, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Truyền Giáo tại Divine Word Institute of Mission Studies, nối kết với University of Saint Tomas.
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: ”Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”. Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen “good job” vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã tăng lương hai lần rồi mà mình thì không được, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!
Có người bảo rằng tiếng chuông điện thoại là “niềm vui của tuổi trẻ và nguồn an ủi cho tuổi già” Đối với bà Thoa, tiếng chuông điện thoại còn là tiếng gọi của tình yêu khi còn trẻ, là tiếng lòng thương mến khi làm mẹ, là tiếng gọi mong chờ và là liều thuốc an thần khi nằm trong viện dưỡng lão. Nhớ thuở xa xưa, lúc tuổi xuân thì, bà có nhan sắc lại con nhà danh giá, nhiều thanh niên con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai theo đuổi, nhưng không anh nào lọt vào vòng “chung kết”. Cuối cùng bà “phải lòng” anh phó quận vì tiếng chuông điện thoại.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Cơn hồng thủy ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã xô đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi quê hương và trôi dạt khắp nơi trên thế giới mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Thời đó, hễ thấy ai đầu đen thì người ta chạy riết lại nhìn mặt xem có phải là người Việt không. Nếu phải thì người ta ôm chầm lấy nhau. Có người nước mắt ràn rụa, giọt ngắn giọt dài, vừa mừng vừa tủi vì “ tha hương ngộ cố tri” mà. Dần dà số người Việt định cư ở Mỹ ngày càng đông thì hình ảnh thân thương kia cũng phai nhạt dần khi người ta đã trở thành công dân Mỹ, hội nhập vào đời sống xã hội Mỹ, lúc nào cũng gấp gáp lo chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn thì giờ để quan tâm, dòm ngó tới hàng xóm láng giềng, kể cả bà con thân thuộc, nhất là những người ở xa. Hình ảnh một người Mỹ ngồi trên xe bus đi đến chỗ làm, vừa uống tách cà phê, vừa đọc báo cho thấy là thì giờ ở Mỹ rất hiếm hoi và quý báu. Có ý kiến cho rằng người Mỹ rất lạnh lùng, đèn nhà ai nấy sáng. Điều này không đúng. Giá trị Mỹ nằm ngay ở chính tên gọi của nó
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.
Nhạc sĩ Cung Tiến