Hôm nay,  

Những Kỷ Niệm Mùa Giáng Sinh

22/12/202300:00:00(Xem: 2951)

IMG_0114 
Tác giả qua Mỹ  năm 1991 và đang sống tại  Huntington beach.  Kỷ sư phần mềm cho  Raytheon. Tham gia VVNM từ năm 2002 và nhận giải Danh Dự năm 2017. Sau đây là bài mới nhất của Ông .

*
 
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh.  Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm.  Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau.  Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
 
Hắn lớn lên sau năm 1975 và sống trong những năm cơ cực của thời bao cấp.  Khi đó, hầu như gia đình nào cũng phải bán TV, tủ lạnh và nhiều thứ nữa để có tiền mua thức ăn.  Tuy vậy, có một gia đình trong xóm của hắn vẫn giữ lại được cây thông Noel cao chừng nửa thước và những bóng đèn cũng như các đồ trang trí.  Cứ mỗi mùa Noel gia đình ấy là đem cây Noel ra trang hoàng trong phòng khách.  Đám con nít trong xóm, trong đó có hắn, tối nào cũng đứng ngoài cửa sổ căn nhà đó để ngắm nhìn cây Noel.  Hắn thích nhất là các quả trang trí có tượng các thiên thần thổi kèn hoặc kéo đàn phía bên trong.  Hình ảnh các thiên thần làm hắn tưởng tượng đến khung cảnh huyền nhiệm của đêm Giáng sinh khi Chúa Giêsu giáng trần làm người.  Tuy cây Noel của gia đình hàng xóm không có nhạc nhưng qua hình tượng các thiên thần, hắn nghe văng vẳng trong đầu tiếng kèn, tiếng đàn du dương của đêm thánh vô cùng hai ngàn năm trước.  Những đứa bạn cùng trang lứa chỉ đứng xem chừng năm mười phút mỗi tối là kéo nhau chạy chơi trong xóm.  Hắn thì cứ như bị mất hồn, lạc vào cõi thần tiên và cứ đứng ngắm nhìn cây Noel và hang đá phía dưới hàng giờ mỗi đêm.
 
Ngoài cây Noel và hang đá của nhà hàng xóm, những cuốn truyện thiếu nhi nói về lễ Giáng sinh tại các nước phương Tây với tuyết rơi cũng làm hắn mơ mộng về đêm Chúa ra đời.  Việt Nam là nước nhiệt đới nên đêm Giáng sinh thời tiết vẫn ấm áp.  Những câu chuyện cũng như những tranh vẽ trong các sách hắn đọc đem lại cho hắn mơ ước một ngày nào đó được thấy tuyết rơi trong đêm Giáng sinh.
 
Noel năm 1985 là một trong những Noel đáng nhớ của hắn.  Sau những năm tháng cùng cực thiếu thốn và chỉ được nhìn ngắm cây thông và hang đá từ ngoài cửa sổ của nhà hàng xóm, Noel 1985 là năm đầu tiên gia đình hắn có một cây Noel.  Ba của hắn, sau khi vượt biên và qua đến bến bờ tự do, đã gửi tiền về cho gia đình từ giữa năm.  Ngay trước dịp Noel, ba hắn gửi một thùng đồ Mỹ trong đó có vài dây đèn Noel.  Má của hắn muốn bù đắp những thiếu thốn của những ngày thơ ấu nên bỏ tiền ra mua một cây Noel (hồi đó người ta hay gọi là cây ép tập vở) để ăn mừng lễ Giáng sinh năm đó.  Hắn sung sướng treo đèn lên cây rồi tắt hết đèn trong nhà để dây đèn Noel muôn màu sáng lung linh hơn.  Trong suốt tháng 12 năm đó, tối nào hắn cũng người hàng giờ để thả hồn bay vào những chỗ thần tiên như hang Bêlem nơi Chúa giáng thế hay những vùng bắc cực trong những sách thiếu nhi hắn đã đọc. 
 
Lớn lên một chút, hắn vào giúp lễ trong nhà thờ.  Lễ Giáng sinh luôn là dịp vui nhất của đám giúp lễ vì sau thánh lễ nửa đêm, hắn và các bạn giúp lễ được cha sở cho vào ăn tối rồi ngủ lại trong nhà xứ.  Những đứa trẻ cùng trang lứa cùng lắm là được ba má cho thức đến nửa đêm trong đêm Giáng sinh.  Đám giúp lễ như hắn thì sau khi ăn tối lúc nửa đêm với các linh mục thì còn được thức thêm quá nửa đêm để cùng các cha mừng Chúa ra đời.  Khi các cha đi ngủ rồi, hắn và các bạn giúp lễ năm thì đàn ca với nhau, năm thì đưa bài ra đánh (đương nhiên là lén không cho các cha biết).  Đêm Giáng sinh năm 1988 là một kỷ niệm đáng nhớ khác của hắn với các bạn giúp lễ.  Sau khi ăn tối cùng các cha lúc nửa đêm, đợi cho các cha đi ngủ, hắn cùng đám giúp lễ kéo nhau lên nóc nhà thờ lấy bia và đồ nhắm ra nhậu.  Ngồi nhậu trên nóc nhà thờ, dưới những dây đèn Noel nhiều màu chạy từ tháp chuông xuống các góc sân nhà thờ quả là một kinh nghiệm tuyệt vời.  Đến khoảng 3 giờ sáng, hắn và đám bạn giúp lễ nảy ra một sáng kiến có một không hai: đá banh nhựa.  Thế là cả đám kéo nhau xuống sân nhà thờ và đem trái banh để đá một trận banh để đời giữa đêm Giáng sinh.  Đến 4:30 sáng thì trận banh phải dừng vì tới giờ một số anh em phải vào nhà thờ giúp lễ cho cha sở.  Một kỷ niệm không bao giờ quên của hắn.
 
Ước mơ được đón Noel tại một xứ lạnh của hắn trở thành hiện thực khi hắn đi đoàn tụ với gia đình tại Mỹ.  Tuy miền nam Cali, nơi gia đình hắn cư trú, không có tuyết nhưng khí hậu lạnh buốt của mùa Noel đầu tiên tại Mỹ phần nào làm cho hắn thỏa mãn được mơ ước thời thơ ấu.  Anh lớn của hắn chở hắn ra vườn để mua cây Noel tươi.  Cây Noel ở Mỹ có mùi thơm rất đặc biệt và người bán cây dặn là khi đem về nhà, mỗi ngày nhớ lấy một vật nhọn như dao hay đinh cào thân cây để mùi thơm từ cây tỏa ra.  Ngoài cây Noel, hắn còn giúp ba hắn treo các dây đèn chạy quanh mái hiên và các cây cối trước nhà.
 
Đêm Giáng sinh đầu tiên tại Mỹ,  hắn cùng ba má đến nhà thờ dự lễ.   Trong bảy năm trời trước khi hắn qua Mỹ,  miền nam  Cali bị hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Vậy mà đêm Noel đầu tiên đó, cơn mưa nặng hạt cùng với gió mạnh làm cho thời tiết mùa đông vốn đã lạnh nay còn lạnh hơn. Trên đường đi từ bãi đậu xe vào thánh đường, hắn nhìn thấy một người vô gia cư đang nằm co ro bên bờ tường. Tự nhiên hắn thấy mắt mình cay cay.  Hình ảnh người vô gia cư bỗng dưng làm hắn nhớ lại những ngày tháng khốn khổ ở Việt Nam thời thơ ấu. Ít ra trong thời gian đói khổ ấy, hắn cũng còn có ngôi nhà để ở chứ không phải co ro dưới cơn mưa trong mùa đông băng giá như đêm nay.  Ngay lúc đó, con gió mạnh ùa tới làm hắn cảm thấy đôi tay mình lạnh buốt.  Hắn thò hai tay vào trong túi cho đỡ lạnh.  Đang định bước đi vào nhà thờ vì ba má hắn đang kêu từ phía sân nhà thờ, hắn nhận ra tờ $5 mà anh hắn đã cho hắn cách đây vài tháng, khi hắn vừa đến Mỹ.  Trước hôm đi học ESL, anh của hắn đưa cho tờ $5 này để mua nước uống hay đồ ăn khi cần.  Đối với một thằng chuyên chính vô sản mới qua Mỹ như hắn, $5 cả là một tài sản to lớn.  Hắn cứ tiếc không dám xài.  Ba má hắn tiếp tục kêu hắn mau bước chân vào nhà thờ vì mưa và gió ngày càng lớn.  Hắn nhanh tay móc tờ $5 ra, tiến lại gần người vô gia cư và đưa cho ông ấy.  Ông vô gia cư đưa bàn tay run run ra nhận và miệng cám ơn liên tục trong khi hắn nhanh chân bước về phía nhà thờ. Dù mưa lúc này đổ xuống như trút nước và những cơn gió mạnh tạt nước mưa đập vào mặt nhưng hắn không còn cảm thấy lạnh như khi mới bước ra xe.  Lúc này, hắn cảm thấy một làn hơi ấm chạy khắp người.  Vào đến nhà thờ, ca đoàn bắt đầu hát thánh ca vọng Giáng sinh.  Đèn trong nhà thờ được tắt hết trừ những đèn nơi hang đá Bêlem.  Hắn lựa một chỗ gần nơi hang đá để ngắm nhìn Chúa Hài Đồng cho rõ.  Trong tiếng hát réo rắt của ca đoàn, ngắm nhìn Chúa Giê su trong hang đá với ánh sáng chan hòa, hắn thì thầm hỏi Chúa:
 
“Chúa ơi, Ngài giáng thế để đem an bình cho mọi người, nhưng sao nhiều người vẫn còn đói khổ?”
Bỗng dưng hắn cảm thấy hai dòng nước ấm đang chạy dài trên má. 
 
Noel thứ thứ hai ở Mỹ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của hắn.  Tháng 9 năm đó, hắn đi học tại trường đại học cộng đồng gần nhà.  Hắn xin vào làm việc work study trong thư viện với lương tối thiểu $4.95 một giờ.  Trong thư viện rất nhiều nhân viên từ những người làm toàn thời gian cho đến những học sinh làm work study như hắn.  Có chút tiền kiếm được, để tỏ ra mình cũng tân tiến như dân bản xứ, hắn quyết định bỏ ra $5 mua khoảng hai mươi thiệp để gởi cho mọi người làm việc trong thư viện.  Hắn cẩn thận lựa những cách thiệp màu tím mà hắn cho là rất đẹp vì khi đi lễ nhà thờ, các linh mục cũng như nến trong nhà thờ toàn là màu tím, màu của chờ đợi.  Hắn nắn nót ghi tên của từng người mà hắn muốn trao thiệp.  Ngày đi làm cuối cùng trong năm, hắn hân hoan đi gặp từng người mà hắn làm chung trong thư viện để đưa tận tay tấm thiệp.  Ai cũng cười tươi và cám ơn hắn khi nhận thiệp từ hắn.  Sau khi phát cái thiệp cuối cùng, hắn cảm thấy hài lòng vì nghĩ rằng hắn đã đem lại một niềm vui nho nhỏ cho các đồng nghiệp.  Cái cảm gíac cho đi sao mà tuyệt vời đến thế.  Đang đứng trước cây Noel tại phòng chính của thư viện để thưởng thức cái cảm giác thần tiên thì bà manager của hắn mặt hầm hầm tiến tới.  Hắn hơi ngạc nhiên vì cách đây mấy phút, khi nhận thiệp từ tay hắn, bà cười rất tươi và phúc hậu.  Hắn còn đang ú ớ chưa biết chuyện gì xảy ra thì bà manager chìa tấm thiệp ra trước mặt hắn, gằn giọng:
 
-Sao bạn lại cho tôi cái thiệp tang?  Bộ muốn nhà tôi có người chết hả?
 
Hắn chưa kịp trả lời thì phía sau lưng bà manager, ba bốn người khác với mặt đằng đằng sát khí đang tiến về phía hắn.  Mọi người đều hỏi câu hỏi giống bà manager đã hỏi.
 
Bà manager khi thấy gương mặt tái nhợt của hắn trước sự giận dữ của những người khác liền hạ giọng giải thích cho hắn:
 
-Đúng là mùa vọng Giáng sinh nhà thờ dùng màu tím để nhắc mọi người mong chờ ngày Chúa đến.   Cái thiệp này tuy cũng màu tím nhưng nó là thiệp tang, người ta gởi cho nhau khi có ma chay.
 
Khi nhận ra sai lầm của mình liên tục xin lỗi và nhờ bà manager và những người xung quanh đi thu hồi lại tất cả các thiệp từ tay của những người chưa mở thiệp ra đọc. 
 
Đúng là tình ngay lý gian.
 
 Thời gian cứ trôi qua và năm nào hắn cũng đảm nhận vai trò trang trí mùa Giáng sinh.  Khi lập gia đình và ra ở riêng, hắn vẫn tiếp tục truyền thống này hàng năm.  Nhiều năm, phần thì vì bận rộn, phần vì lười, nhưng hai điều sau đây lại thêm sức cho hắn và chưa năm nào hắn không trang trí Noel và làm hang đá.  Thứ nhất, hắn luôn nhớ đến những năm tháng cùng cực tại Việt Nam và người vô gia cư trong đêm Giáng sinh mưa gió đầu tiên tại Mỹ.  Qua những ký ức đó, hắn nhận ra muôn vàn ơn lành Chúa ban cho hắn và vì thế hắn cố gắng phải trang hoàng nhà cửa để ăn mừng sinh nhật Chúa Giêsu.  Thứ hai là hắn các con của hắn có được những kỷ niệm thần tiên về lễ Giáng sinh cho nên không năm nào hắn không làm hang đá và treo đèn Noel.  Hắn cố gắng mua cây thông thật để cho các con biết mùi thơm của cây thiên nhiên.  Tuy nhiên, giá cây thông thật mỗi năm càng tăng nhiều.  Hắn đành phải mua cây giả sau vài năm dùng cây thật.  Các con của hắn tỏ ra thất vọng khi không có cây thông thật nhưng tỏ ra thông cảm vì bệnh “viêm túi” của hắn. 
 
Giáng sinh năm đó, hắn chở gia đình đi lễ Chúa nhật trước đêm Giáng sinh hai hôm.  Khi lái xe ngang qua khu tiệm Big Lot, hắn thấy lều bán cây thông thật đã tắt hết đèn.  Các cây thông mà cách đây mấy này còn đang được trưng bán nay đang nằm xếp lớp trên nền bãi đậu xe.  Cảnh đìu hiu của gian hàng bán cây thông làm cho hắn nhớ tới cảnh chợ hoa Nguyễn Huệ chiều 29 tết mỗi năm.  Những người buôn từ các tỉnh phải đập bỏ các cây hoa cảnh, quất ngày 29 tết để về lại quê ăn tết.  Hắn đoán rằng gian hàng bán cây thông quyết định bỏ các cây thông xuống đất vì hôm đó đã quá gần đêm Noel và chẳng ai còn buồn mua cây thông nữa.  Biết vợ và các con thích cây thật, hắn dự định ghé vào để lấy một cây đang nằm dưới đất đem về.  Tuy vậy, vì trời chưa tối hẳn, hắn quyết định tiếp tục lái xe đến nhà thờ.  Đi lễ ra, trên đường về nhà, khi đi qua gian hàng bán cây thông kia, hắn thấy có một xe đang dừng lại.  Từ trong xe, một cặp vợ đang lầm lũi khiêng một cây thông lên xe.  Thấy có người cùng chí hướng, hắn mạnh dạn cho xe chạy vào gian hàng bán cây thông đã tắt hết đèn kia.  Vợ hắn ngăn cản:
 
-Thôi đi!  Cây thông hôm nọ họ chỉ bán có $100.  Bây giờ họ đóng cửa và vất lây lất bên đường, lấy về làm gì, không biết xấu hổ à?
 
Hắn tự bào chữa:
 
-Cái này là mình làm ơn cho họ.  Thay vì họ phải trả tiền để đổ rác, mình đem về đổ rác dùm họ.
 
Vợ hắn lườm:
 
-Lại còn ngụy biện nữa hả?  Thôi đi về.
 
Hai đứa con thấy thế nhảy vô bênh vực hắn:
 
-Daddy xuống lấy một cây đi, hai người bên kia họ đang bỏ lên xe kìa, đâu có sao đâu
Nghe hai đứa con kêu gọi, hắn như được tiếp thêm năng lượng, quên cả hiểm nguy hay xấu hổ, liền dừng xe và hùng hổ tiến tới đống cây thông đang nằm lay lốc phía trước.  Trước khi bước xuống xe, hắn còn nghe mụ vợ cằn nhằn, hăm dọa phía sau:
 
-  Chẳng đáng là bao nhiêu, lỡ bị bắt thì hối hận đã muộn rồi!
 
Nghe lời hăm dọa của mụ vợ, hắn cảm thấy chột dạ và tự nhủ là sẽ ra tay thật nhanh để khỏi bị bắt.  Vì trời tối, và để tránh bị bắt, hắn thò tay lấy cây thông nằm trên cùng và nhanh chóng vác về xe của mình.  Khi nhìn thấy cây thông hắn vác về xe, mụ vợ nổi nóng quát tháo:
 
- Đã liều mạng đi làm cái việc đáng xấu hổ như vầy thì sao không lấy cây nào cho nó cao và đẹp như hai vợ chồng cái xe bên kia?  Cái cây này nhìn giống như là thiếu dinh dưỡng, lùn xủn như vầy đem về làm củi à?
 
Trước lý luận quá chí lý của mụ vợ, hắn trở nên tự tin hơn và quyết định đem cái cây thiếu dinh dưỡng này trả lại chỗ cũ và lấy một cây cao khoảng 8 feet.  Sau khi quay về lại xe với cây thông to lớn, mụ vợ tỏ ra hài lòng:
 
-Ừ, cây này coi được đó.  Mấy năm trước mình bỏ tiền ra mua cũng chỉ dám mua cây cao 6 feet. 
 
Hắn sung sướng bỏ cây thông lên nóc xe và lấy dây ra cột.  Hắn nhanh tay vội vào xe để ra khỏi chỗ này trước khi bị phát giác.  Vừa tra chìa khóa vào ổ máy, mụ vợ lại la toáng lên:
 
-Làm gì mà lật đà lật đật như đi ăn trộm vậy.  Xe bên kia nhỏ mà họ lấy những hai cây, xe van mình lớn hơn nhiều sao lại chỉ có một cây. 
 
Nhìn gương mặt ngu của hắn, mụ vợ gầm gừ:
 
-Đi vào lấy thêm một cây nữa!
 
Nhanh như chớp, hắn ra khỏi xe, biến vào bóng tối và quay lại với một cây thông nữa.  Mụ vợ ra vẻ không hài lòng:
 
-Cây này sao một bên to một bên teo, nhìn chẳng quân bình tí nào.
 
Hắn nhăn nhó:
 
-Trời tối quá, không thể nhìn rõ.
 
Vợ hắn hùng dũng bước ra xe:
 
-Để em vào phụ anh. 
 
Nói rồi, vợ hắn rút cái điện thoại ra và mở đèn pin lên soi đường cho hắn đi.  Với đèn pin trong tay, hắn và vợ có thể nhìn rõ từng cây thông một.  Trong cái đống cây phía sau, có đến ba cây thông đều to lớn cùng kích cỡ.  Vợ hắn tuyên bố:
 
-Cả ba cây đều đẹp và giống nhau như đúc, bỏ thì thương, vương thì tội.  Lấy cả ba cây đem về!
 
- Thôi, hai cây là đủ rồi.  Lây ba cây này cộng thêm cây ngoài xe nữa là bốn cây, nhiều quá!
 
Vợ hắn mặt lạnh như tiền:
 
-Đã không làm thì thôi, đã chơi thì chơi cho đến chốn.  Lấy cả ba cây, nhanh lên!
 
Hắn ngoan ngoãn khiêng một cây ra xe trong khi vợ hắn soi đèn pin cho hắn thấy đường đi.  Ra đến xe, hai đưa con hắn vỗ tay vui mừng.  Khi thấy ba má chúng quay đầu chuẩn bị đi lấy cây thông tiếp theo, hai đứa con hắn đề nghị:
 
-Để tụi con quay phim rồi đăng lên facebook cho vui.
 
Tuy đang lo lắng là ở đây lâu sẽ bị phát giác, hắn thì thầm:
 
-Ừ, muốn quay phim để làm kỷ niệm thì quay nhưng chỉ để gia đình mình coi thôi.  Đăng lên facebook thì chẳng khác gì thú tội trước bình minh.
 
Giáng sinh năm đó nhà hắn không khác gì một rừng thông trong các câu chuyện cổ tích hắn đọc khi còn nhỏ.  Khách đến nhà hắn ai cũng trầm trồ khen ngợi.  Một người hỏi đùa:
 
-Năm nay trúng số sao mà ăn Giáng sinh lớn dữ vậy?
 
Mặt hắn vênh vênh tỏ ra tự hào:
 
-Mới được lên chức trong hãng.
 
Năm nay Noel lại đến.  Những ký ức về Noel, từ những ngày ấu thơ cho đến những ngày tháng sống trên đất Mỹ, lại ùa về trong đầu hắn.  Hắn nhận ra rằng khi còn nhỏ, trẻ con háo hức vì được nhận quà.  Khi trở thành người lớn, cái cảm giác cho quà cũng tuyệt vời không khác gì cảm giác được nhận quà.  Hắn cảm thấy sung sướng khi nhìn ba má, các con, các cháu, các anh chị của hắn mở quà của hắn cho.  Dù đã bao mùa Noel qua, hắn vẫn không thể nào quên cái cảm xúc tuyệt vời khi hắn trao cho người vô gia cư gia tài $5 của hắn dưới cơn mưa gió lạnh lẽo.  Có lẽ tình yêu người ta dành cho nhau trong mùa Giáng sinh là lý do tại sao đây là thời gian tuyệt vời nhất trong năm.

Ý kiến bạn đọc
29/12/202318:28:01
Khách
"Hắn nhanh tay móc tờ $5 ra, tiến lại gần người vô gia cư và đưa cho ông ấy. Ông vô gia cư đưa bàn tay run run ra nhận và miệng cám ơn liên tục trong khi hắn nhanh chân bước về phía nhà thờ."
Các cửa hàng Mỹ muà giáng sinh kiếm không ra nguời làm việc nhưng homeless dẫy đầy ngoài phố xin tiền không chịu làm việc. Nguời homeless ở Mỹ đáng thuơng nhưng nạn nhân chiến cuộc đàn bà trẻ con tại Gaza còn thảm thuơng hơn vì không có thức ăn và thuốc men. Quân Do Thái không có các toán Dân sự vụ khám bệnh cứu thuơng hay phát thực phẩm cho dân như quân đội VNCH ngày xưa. Việt Báo loan tin Ðức Giáo Hoàng hôm nay tuyên bố là kẻ giết nguời dân không võ trang là khủng bố. Mong những lời của Giáo Hoàng thức tỉnh luơng tâm kẻ khủng bố và kẻ tiếp tế bom đạn cho bọn khủng bố. Thật đáng buồn là những nguời tự xưng là văn minh nay đã không còn luơng tri nữa. Dân Mỹ đóng thuế để sản xuất bom đạn khủng bố cũng mắc tội.
Cần nói thêm là dân Palestine và Hamas xưa nay nổi tiếng khủng bố nên khi họ bi giết thì thế giới ít nguời thuơng, nhưng trẻ em vẫn là trẻ vô tội.
28/12/202319:37:04
Khách
Cảm ơn cô
24/12/202318:02:30
Khách
Câu chuyện cảm động vì quá thật thà( từ nhỏ tới già).
HĐML giỏi quá.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,745
Con Kelly khá nhỏ nhắn xinh xắn, da trắng, nét mặt người Âu. Nó rất khác với những đồng hương của nó, bọn họ thì to bè bự xương, da ngăm đen, nét mặt thô. Có lẽ tổ tiên nhà con Kelly lai hoặc là di cư từ Tây Ban Nha. Những lúc ăn trưa hay những lúc tụ tập đùa giỡn, con Kelly kể chuyện nó vượt biên từ Honduras qua Mexico và rồi theo đường dây nhập cư lậu để vào Cali và sau đó thì sang thành Ất Lăng này. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, công việc ở xưởng Debug không nặng, chuyên gắn các bộ phận máy điện toán như Hard drive, Memory, Motherboard… Tuy nhiên hai ngón tay cái và cổ tay thì đau nhiều vì phải nhấn và sử dụng nhiều, với lại thời gian kéo dài mười tiếng một ngày. Hôm nó xỉu vì mệt và có thể nó bỏ bữa ăn sáng.
Đôi lúc mẹ có cảm tưởng con gái bây giờ là mẹ của mẹ. Con học cao hiểu rộng luôn chỉ huy mẹ chuyện này điều kia, những chuyện mẹ kể ngày xưa con bác ra không cần nghe. Giọng nói con từ từ oai phong và mang âm điệu ra lệnh, mẹ chỉ biết tuân hành và không cần thắc mắc.
Hễ má gọi Tí là “mày” là Tí biết má đang hổng dzui nên Tí không dám hé miệng thắc mắc nữa. Mà thực ra, trong lớp học, trong xóm khu apartments này đâu phải đứa nào cũng có ba, như chị em con Cẩm thằng Tú con của cô Xuyến bạn của má, họ cũng chỉ có ba mẹ con sống với nhau đấy thôi. Một buổi tối, Tí đang chơi các đồ chơi một mình, rồi như nhớ ra điều gì
Chuyện xảy ra cách đây 8 năm, khi đó tiệm Nails của tôi vẫn còn hoạt động, và tôi còn sống ở Augusta. Thành phố Augusta không lớn lắm, nhưng được nhiều người biết đến, vì nơi đó có Master week. Hằng năm, vào đầu tháng tư, từ khắp nơi trên thế giới, các danh thủ golf sẽ đến đây tranh tài để giành danh hiệu Master. Và đây cũng là dịp để mọi người từ các nước đến tham dự. Không phải nói, ai cũng biết Augusta rất tấp nập vào dịp này. Bình thường, tiệm tôi đã đông vào những ngày cuối tuần. Nhưng thứ bảy của tuần lễ Master, thì đông đến… mệt không nghỉ. Cuối ngày, khi tôi vừa với tay định tắt bảng “open”, thì ba người khách bước vào.
Bố mẹ tôi là một đôi đũa lệch, không phải ở bề ngoài. Bởi vì bố mẹ tôi rất đẹp người, bố cao ráo đẹp trai, mẹ xinh như người mẫu. Nhưng anh em tôi, sau lưng vẫn gọi bố mẹ tôi là đôi đũa lệch. Khi có quá nhiều xung đột, người ta thường chia tay nhau mỗi người một ngả, tan đàn xẻ nghé, mặc cho con cái lêu bêu. Nhưng bố mẹ tôi thì không bao giờ nói đến chuyện ly dị, hai ông bà vẫn ở với nhau gần 60 năm, dù có nhiều lệch lạc.
Sui gia là mối quan hệ đặc biệt từ chỗ không quen biết nhau rồi thì kết thông gia, đi đến chỗ tương kính và thân thiết như người trong một gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa và phong tục của người Việt mà người Mỹ không có. Riêng tôi, có lẽ vì không có duyên nên anh sui thì có mà cũng như không. Ngược lại, tôi lại có duyên với chị sui. Phải nói ngay để tránh hiểu lầm : Duyên ở đây không phải là duyên nợ theo quan niệm thông thường mà là duyên nợ văn chương.
Năm mươi năm là quãng thời gian không đáng kể trong vũ trụ tính tỷ tỷ năm, nhưng là nửa đời người, là ba thế hệ: Thế hệ tham chiến, thế hệ chạy giặc, thế hệ bỏ nước ra đi để làm giàu. Có lẽ nhìn lại từng góc quán một lần để tưởng niệm những bậc cha chú, đàn anh đã ngồi và trò chuyện với đời sau để chúng tôi hiểu biết hơn về chiến tranh ở quê nhà.
Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Lần đầu tham dự chương trình VVNM với bài viết “Ngày qua giông bão". Bà đã từng cộng tác với nhiều tờ báo tại hải ngoại. Sau đây là câu chuyện tác giả gởi cho VVNM ngày 30 tháng 4 với ghi chú: “Câu chuyện bắt đầu từ những ngày của tháng 4/1975 , nhưng nỗi đau vẫn còn lại mãi..."
Tháng Tư đây là Tháng Tư Đen 1975 khi Miền Nam Việt Nam bị “trời sập”! Lúc ấy, tôi mới 9 tuổi nhưng những ký ức vẫn còn đậm trong trí óc dù gần 50 năm đã trôi qua. Trong khi gia đình bác ruột và chú ruột tôi chạy ra Bến Bạch Đằng xuống tàu Trường Xuân thì gia đình tôi lại chạy loạn trong thành phố. Vì nhà tôi gần cửa ngõ sân bay, xung quanh là các căn cứ quân sự, công xưởng của VNCH và kế bên vùng “xôi đậu” An Phú Đông, nên phải kéo nhau vào Ngã Bảy, chung cư Ngô Gia Tự, tá túc nhà người quen. Tưởng đâu sẽ an toàn hơn, nhưng ban đêm khi lũ trẻ chúng tôi nằm chồng chất bên chiếc giường trong nhà thì người lớn ngồi ngoài hiên, đếm từng đóm hoả châu rơi, vọng tiếng đại bác hoặc hoặc tiếng súng lẻ loi, chả biết của “bên nào”.
Nghĩ đi nghĩ lại sao mấy năm nay đi lấy máu kiểm tra sức khỏe hàng năm mà chẳng phát hiện ra bệnh ung thư? Nếu không vì cú té làm bị gãy xương không biết Hoàng vẫn khỏe mạnh, ăn ngon miệng, làm vườn, xúc tuyết hùng hục như trâu không? Có lẽ lâu nay tế bào ung thư nằm phục sẵn chờ xương bị tổn thương là nhào vô tấn công mà cũng có thể là đến thời kỳ bịnh ung thư phát tán và cú té chỉ là chuyện xảy ra trùng hợp? Sau này Hoàng vào Mayo Clinic thay tủy sống mới biết đa số bệnh nhân đa u tủy đều bị té gãy xương trước rồi càng ngày càng rạn gãy thêm mới khám phá ra. Nhưng cũng vì cú té đó mà chụp MRI chỉ thấy nứt 2 đốt xương làm cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cứ nghĩ là do bị loãng xương mà phí thời gian điều trị, tà tà mấy tháng trời để tụi ung thư hoành hành phá thêm mấy cái xương tội nghiệp!
Nhạc sĩ Cung Tiến