Hôm nay,  

Bông Hồng Cho Bà Nội

25/08/202300:00:00(Xem: 3887)
     
364178933_229762980029229_7133912708066426086_n
Bà Nội (hình tác giả cung cấp).
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái... sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải thưởng danh dự năm 2002. Sau đây là bài mới viết của Ngọc Anh, dành cho mùa lễ Vu Lan đang tới.
 
*
 
Ba tôi qua đời năm Mậu Thân 1968, còn trẻ lắm, em Út thứ 9 trong nhà nói: “em không nhớ mặt Ba”, tội nghiệp, lúc đó nó mới có ba tuổi; Má tôi vừa bỏ chúng tôi đầu xuân năm 2023, thượng thọ gần bách tuế. Từ thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên không có Ông Bà cả hai bên Nội, Ngoại.

Ông Bà Ngoại với con cái sống cuộc đời thương hồ, trôi nổi nước lớn nước ròng, buôn bán theo mùa ở Châu Đốc. Rồi Ông Bà lần lượt qua đời khi tuổi không thọ lắm. Má tôi có chồng, thì Má chồng đã mất, Ba chồng bồng ẳm hai cháu Nội mới chập chửng biết đi được vài lần thì gia đình tôi dọn nhà lên Sài Gòn.

Rồi ông Nội qua đời. Nghe Ba và Cô Hai kể, Ông Nội nằm đọc báo ngủ trưa, ngủ luôn giấc ngàn thu, rời hơi thở nhẹ tênh, nhà quê gọi là đứt mạch máu. Năm đó, Ông vừa qua tuổi 50. Má kể, tôi cũng được Ông Nội bồng vài lần lúc mấy tháng,

Thỉnh thoảng nghe mấy đứa bạn học kể về quê chơi hè, ở nhà ông Nội… Bà Ngoại…trong lòng tôi cũng ao ước mình có Ông Bà, bên Nội hay bên Ngoại cũng được, để gọi tiếng Bà ơi, Ngoại ơi.

Bây giờ tôi được lên chức Bà Nội, Bà Ngoại, nghe cháu nói “Ngoại ơi, con thương Bà Ngoại”, cảm động tới muốn khóc.
 
À, tôi quên rồi, tôi có Ông Nội Bà Nội đó nhe, nhưng đó là Ông Bà bên chồng, và tôi gọi bằng tiếng Mỹ: Grandma, Grandfa.

Lúc gia đình nhỏ chúng tôi tới thăm Ông Bà, cả hai còn khoẻ mạnh lắm. Ông tự làm chủ và làm công một sân chơi đánh gôn nhỏ, dành cho những gia đình có con nít, tới giải trí cho vui. Sân gôn có những núi non, hang động nhỏ xíu dễ thương lắm, có đường lối quanh co, trang hoàng sơn xanh xanh đỏ đỏ coi vui mắt, cho con nít đánh những trái banh nhỏ xíu, nhắm sao cho lọt vào cái lỗ cũng nhỏ tí là reo mừng. Lợi tức đủ cho hai Ông Bà sống an nhàn. Bà làm ở trung tâm Sears, và đã về hưu. Mùa đông lạnh lẻo, tuyết rơi, ông đóng cửa sân gôn, cùng vài người bạn đi săn, ông còn tráng kiện lắm ở số tuổi trên bảy mươi.

Thời gian chúng tôi tới thăm Ông Bà, là dịp lễ Tạ Ơn. Mùa này thời tiết đã nhuốm lạnh, nhưng trong ngôi nhà của Ông Bà thật ấm cúng; và mùi thơm va-ni, mùi hương quế của bánh nướng, mùi thịt đúc lò thơm hương hành hương tỏi tràn ngập cả ngôi nhà nhỏ, ngay từ lúc chúng tôi xách va-ly bước vào nhà Ông Bà.

Những ngày đầu, tôi thích quanh quẩn ở sân sau nhà Bà để làm quen cây cối, và cái sân nhỏ Bà trồng rất nhiều bông hồng men theo hàng rào, thơm lắm.

Trong góc sân, tôi thấy cái gò đất nhỏ, có cây thánh giá sơn trắng, tò mò tôi hỏi thì Bà cho biết đó là nơi yên nghỉ của con chó yêu quý của Bà, đã sống hết đời với gia đình. Ngộ ghê, nhìn Bà vuốt ve bảng tên trên cái mã, nói chuyện thì thầm với nó, tôi tự nghĩ chú chó thiệt là có phước, qua đời rồi vẫn được Bà yêu thương y như lúc còn sống. Hồi xưa, nhà tôi cũng có một con chó, khôn hết biết; buổi trưa Má tôi thường đóng cửa ngủ, nên kêu con chó con mèo vô nhà; con mèo còn õng ẹo qua lại thì chú nhảy tới, ngoạm nhẹ lớp da cổ, tha tiểu thơ vô trong cửa rồi nhả ra, khôn chưa. Ngày nào cũng vậy. Khi chúng tôi chạy giặc cộng năm 75, không biết tụi nó ra sao?  Góc kia là cây mơ gốc gồ ghề, cành nhánh lớn rộng xoè ra như cái tán dù, Bà nói cây già theo Bà, nhưng hằng năm vẫn đầy trái, Bà hái làm mứt dùng cho những bữa ăn sáng.

Lúc đó, chúng tôi còn rất trẻ, mới có đứa con trai đầu lòng chập chửng tập đi. Lạ nhà, ban đêm con khóc dữ lắm, dù Bà Cố đã chu đáo mượn cái giường con nít của gia đình nào đó ở nhà thờ, để trong phòng cho cháu ngủ nó cũng không ngủ được. Nửa đêm thằng nhỏ cứ khóc dỗ không được, Bà Cố qua ẵm cháu về phòng Bà, và ngồi ru cho tới khi nó ngủ.

Bà làm như vậy mỗi đêm vì cháu quen hơi Bà rồi nên ngủ được. Chúng tôi ái ngại nhưng Bà cứ ôm cháu đem về phòng Bà mỗi đêm. Con trai lớn lên không nhớ gì hết, nhưng tôi thì không quên. 

Vậy mà sáng sớm hôm sau, thằng nhỏ còn ngủ say trong giường, căn bếp nhà Bà đã thơm lừng mùi thịt ba rọi muối chiên giòn (bacon), hay mùi xúc xích thơm mật ong và vỉ trứng gà để sẵn trên bếp, ai thức thì Bà bắt ngồi vào bàn ăn, Bà chiên trứng nướng bánh mì, không cho đứa nào đụng tới cái bếp của Bà. Thói quen giáo dục từ nhỏ, con gái thì phải vô bếp, nên tôi không ngồi vô bàn mà cứ đứng sớ rớ bên cạnh Bà, thì Bà nói: con giúp Bà rót nước trà đá vô ly cho mọi người. Vậy là tôi có việc để làm mỗi buổi ăn mấy ngày sau đó, ngoài việc cho con bú sữa.

Ông Bà Nội chồng gốc gác người Do Thái, qua Mỹ sinh sống từ trước thế chiến thứ nhứt. Người Do Thái họ có chung cái mũi cao hơi gãy. Khởi thủy, Cha Mẹ của Bà làm nghề nấu ăn, cho nên Bà học được cách nấu nhiều món ăn rất ngon. Khi rảnh rang chuyện bếp núc, Bà thường kêu tôi tới gần rồi lục mấy cuốn album gia đình cho tôi coi hình ảnh xưa, toàn hình đen trắng, nhỏ và mờ nhạt, những người thân hai bên Nội Ngoại của Ông Bà. Hình đám cưới Ông Bà, lúc đó Bà mới 16 tuổi, bận áo đầm kết ren dài chấm đất, rất xinh đẹp, và Ông 17 tuổi. Nhìn hình, tôi thấy giống y chang hình ảnh trong mấy phim Mỹ xưa đã từng coi hồi nhỏ ở Sài Gòn.

364139932_303547165571213_7554722989747065332_n
Cuốn sách nấu ăn
Những lúc Bà nấu ăn, tôi luôn quanh quẩn bên Bà, cho nên khi Bà làm gì, Bà cũng luôn miệng dạy tôi, y chang Má tôi lúc chúng tôi còn nhỏ. Tuy Bà không cho làm, nhưng tôi ghi nhớ trong đầu.

Bà nấu ăn ngon, hầu hết món nào tôi cũng thích vì Ba nêm nếm gia vị rất đậm đà, ngọt thì ngọt lừ như chè, đó là món bắp hầm kem ngon lắm; mặc dù nó ăn kèm với thịt gà tây nướng.  Bà dạy, con dùng bắp hộp hiệu này… mới ngon, cứ hai lon bắp thì con cho nửa chén đường với một muổng cà-phê muối cho nó đậm đà. Nhớ nhe con, đừng có đổ nửa chén muối với một muổng cà phê đường thì...đổ bỏ. Nói xong bà cuời nắc nẻ.

Món sà-lách khoai tây có vị chua không thua me, nhắc là muốn chảy nước miếng vì Bà vắt nhiều chanh tươi kèm mù-tạt, thêm củ hành sống cắt vụn, dưa chuột muối chua, rồi trứng luộc và sốt trắng trộn vào, vừa thơm nồng vừa cay cay lại béo nữa. Bà còn rắc bột ớt đỏ lên mặt thố sà-lách, nhìn bắt mắt. Ai nói đồ ăn Mỹ lạt lẽo, sai rồi, phải bàn tay nội trợ truyền thống như Bà làm ra, món ăn nhớ đời. 

Con gà nướng vàng rôm lấy ra khỏi lò, Bà xẻ thịt tươm tất, phần thịt trắng, phần thịt nâu, phần cánh, phần đùi, rõ ràng đủ sắc màu đậm lợt, ai thích ăn phần nào lấy phần đó. Nước sốt chan thịt, bà nấu với cổ gà tây cùng nhiều mề, tim, và gan gà cắt vụn nên rất ngọt dù Bà nêm nếm không dùng bột ngọt hay đường. 

Ngoài con gà tây đúc lò có lớp da nâu vàng, còn có những món ăn kèm theo như khoai tây nghiền nát trộn bơ, đậu xanh (peas) trộn sốt trắng, thêm cà chua đo đỏ cho có màu đẹp mắt, Bà rắc chút phô mai lên mặt, củ dền đỏ hầm có vị ngọt đậm, đậu que luộc xanh tươi vừa chín.

Bà còn dùng mấy ngăn tủ bếp, là chỗ mình đựng nồi chảo, có hai ngăn, để chứa cả chục cái bánh pies đủ loại butter milk pies, pecan pies, coconut pineable pies, chocolate pies, mở tủ ra thơm phức như cái tủ gạc-măng-giê của mình hồi xưa. Thiệt tình tôi chưa thấy người Mỹ nào đựng đồ ăn trong tủ chén như bà, sao mà gần gũi người Việt Nam quá trời. Một tay Bà làm hết thức ăn, con cháu chỉ phụ dọn bàn ghế, sắp chén dĩa, rót trà đá.

Bà mua một lần chục trái dưa (catalope), dú trong tủ chén cho chín, mở tủ ra thơm lắm. Bữa ăn nào cũng có một dĩa dưa dòn ngọt thơm tho ướp l ạnh, ăn từ bữa điểm tâm, bữa trưa, bữa tối.

Bà dạy, món nào cũng rắc chút bột ớt lên mặt, cho có màu đo đỏ đẹp mắt. Món gà chiên của Bà ngon hơn gà mua ở Kentucky Fried Chicken, nói thiệt đó, dù Bà luôn nói Bà làm không bằng nhà hàng đâu. Khi luộc khoai tây để làm món salad, Bà dạy, con gọt bỏ vỏ, rồi cắt từng miếng luộc mau chín mà chín đều, món này tôi học từ Bà, vẫn làm cho tới bây giờ, và dĩ nhiên, tôi luôn rắc chút bột ớt đỏ trên mặt thau sà-lách khoai tây cũng như vài món ăn khác.
Rửa chén xong sau khi ăn, Bà cũng dùng miếng khăn vải rửa chén đó lau chùi bếp thật sạch sẽ, rồi vắt khô đem phơi.

Ba ngày lễ qua, Ông mở cửa sân gôn đi làm trở lại, tôi thấy Bà chăm sóc cho Ông ra sao. Mỗi ngày, vào buổi sáng bà dậy rất sớm, nấu bột ngũ cốc không nêm muối, cho ông ăn với trứng chiên lòng đào. Buổi trưa, Bà làm đồ ăn trưa, hai phần, đem tận chỗ làm cho Ông và người bạn già của Ông, cùng làm việc chung. Bà ngồi đợi ông ăn, trò chuyện với Ông nhỏ nhẹ, sau đó thu dọn đem về. Những món ăn trưa cho Ông, Bà để trong cái giỏ mây có quai xách rất ngộ, đậy kín giữ ấm bằng khăn dày, sọc ca-rô trắng đỏ, nhìn Bà như Bà nhà quê, dù Bà lái xe hơi còn ngon lành. Tôi theo Bà mấy bữa, rất thích. Bây giờ tôi cũng mua những miếng khăn ăn lót bàn, lót dĩa có sọc ca-rô hai màu đỏ- trắng, tôi nhớ Bà.
 
Chúng tôi ở chơi với Ông Bà hơn một tuần lễ. Trước ngày cuối cùng, Bà mới đưa chúng tôi đi thăm khu mộ thành phố, nơi người nhà chôn ở đó. Trong dòng họ có nhiều người hy sinh trong hai trận thế chiến. Từng ngôi mộ, Bà dừng lại, giải thích, có mộ người qua đời rất trẻ, chết trong thế chiến thứ nhứt, những ngôi mộ khác, thế chiến thứ hai… những mồ mả rất cũ kỹ, mốc rêu xanh. Rất tiếc lúc đó tôi không có máy chụp hình, nên có rất ít hình ảnh kỷ niệm chuyến đi này.

Bà nói: các con hưởng lễ trước, ăn uống vui chơi cái đã, thăm viếng người đã qua đời sau. Quan niệm sống của Bà thật hồn nhiên, vui trước buồn sau.
Trước khi về, tôi đo vóc người Bà, nói sẽ may tặng Bà một cái áo.

Khi tiễn chúng tôi về, Bà nhét vô túi tôi một ít tiền mặt, nói cho Bà phụ tiền xăng tụi con lái xe quá xa thăm Ông Bà. Từ chối cách mấy cũng không được. Bà để ý từng chút như Bà Mẹ quê.

Còn nhớ, lúc tôi ngồi cho con bú sữa, Bà ngồi gần đó, cho tôi coi mấy tờ giấy viết tay bà ghi trong đó tên họ, ngày sanh của từng đứa cháu. Bà nói, năm nay Bà sẽ cho quà sinh nhựt mỗi đứa 20 đồng. Y như lời Bà nói, mỗi năm gia đình tôi đều nhận được những thiệp chúc sinh nhựt, trong thiệp kèm theo một số tiền nhỏ và lời Bà dặn, tiền này con mua cái áo đầm, hay đôi giày con thích nhe, hay mua gì…gì đó, Bà nghĩ ra và viết vào như phần quà tặng từ Bà. Chúng tôi làm theo lời Bà rồi gởi hình cho Bà coi, vui lắm.

Bà cũng gởi tôi tấm hình Bà mặc chiếc áo choàng ngủ tôi may cho Bà, nói ấm lắm. Trong hình, dáng Bà nhỏ nhắn như một bà Việt Nam, mái tóc bạc trắng, miệng cười chúm chím và sắc mặt hồng hào.

Mỗi khi vợ chồng có chuyện gây gổ, chồng tôi chỉ gọi cho Bà, tâm sự, xin ý kiến giải hòa, Bà luôn nói: Ông Bà sống với nhau bằng tình yêu, từ trẻ tới già nè, qua bao thăng trầm, gây gổ, vẫn còn bên nhau, tận hôm nay Ông Bà vẫn còn có chuyện bất đồng ý kiến nè, đâu có sao.

Bà là linh hồn của con cháu, tình yêu thương của Bà sáng ngời, Bà nuôi con, nuôi luôn mấy đứa cháu Nội khi cần tới tay Bà.

Khi tôi sanh con đầu lòng, cái thai quá lớn, bác sĩ bắt phải giải phẩu, chồng tôi cuống quít lo sợ gọi cho Bà, hỏi có nên cho vợ con mổ lấy em bé ra không? Bà la phải cho phép ngay, sao còn hỏi Bà, nguy hiểm lắm. Tôi sanh con trai khoẻ mạnh.

Hai Ông Bà làm đám cưới bạc, rồi đám cưới vàng, những tấm hình gởi tặng con cháu thấy Bà tươi tắn bên Ông.

Ông đã qua đời, trong một chuyến đi săn cùng bạn bè trong rừng núi ở tuổi 78. Bà cũng mất sau đó 20 năm. Bà thọ gần bách tuế, như Má chúng tôi. Tôi không còn Ông Bà nào khác, ngoài Bà nên nghe tin Bà mất tôi buồn lắm! Xa xôi quá, bận công việc nên chỉ có chồng tôi về đưa tang Bà, nhưng tôi nhớ lời Bà nói: các con cứ sống vui trước đi, chuyện buồn để sau. Khi Bà mất, chúng tôi được thừa hưởng tấm tranh chân dung Bà, do Ba chồng tôi vẽ, và cuốn sách dạy nấu ăn quý giá của Bà, “Cooking in Rochester for 75 Years”. Cuốn sách này người nhà viết tay từ thế kỷ trước, năm 1968 mới gom lại in thành sách, tới nay hơn trăm năm.

*

Ai nói phụ nữ Mỹ không chung thủy, không biết chăm sóc gia đình, ưa ly dị…Bà tôi không như vậy, Bà là mẫu phụ nữ rất tốt, điển hình thời nước Mỹ còn thô sơ, săn bắn và cỡi ngựa. Nhờ Bà mà tôi biết làm những món ăn truyền thống của người Mỹ có từ thời lập quốc, lưu truyền cho con cháu, dù có pha hai dòng máu Mỹ- Việt vẫn còn cái gốc bản xứ thiêng liêng để tôi dạy lại cho con cháu tôi trong những dịp Lễ, Tết.

Nếu Ông có phòng trưng bày những gạc hưu nai, đầu thú rừng Ông săn được thì góc bếp của Bà trưng đầy những keo, lọ, hũ… lũ khũ chứa bánh trái, mứt đủ màu sắc xanh cam vàng đỏ tự tay Bà làm. Con cháu tới thăm đứa nào cũng có phần đem về. 
 
Gần gũi Bà, tôi học được bao nhiêu điều…

Bà dạy tôi lòng thương yêu và chia sẻ khi Bà nói làm bánh luôn luôn hai phần, cho gia đình và tặng chòm xóm láng giềng.

Bà dạy tôi nhẫn và nhịn trong đời sống hôn nhân.

Bà dạy tôi lòng biết ơn người phối ngẫu đã cho tôi mái nhà che mưa nắng qua những lá thơ Bà gởi cho chúng tôi, nét chữ bay bướm có lời cuối luôn luôn ghi cám ơn Phil (tên Ông Nội).

Và nhứt là Bà dạy tôi làm những món ăn ngon cho gia đình, những dịp Lễ, Tết ở nơi tôi đã chọn làm quê hương thứ hai, nơi con cháu tôi lớn lên.

Nếu có dịp viếng mộ Bà, tôi sẽ tặng Bà những bông hồng đỏ thắm như hàng bông Bà trồng trong sân nhà Bà.

Tôi thương Bà lắm, Grandma

Trương Ngọc Anh
 
*Bách tuế (dt): Trăm tuổi, có câu Nhân sinh bách tuế vi kỳ (con người sống ở đời trăm năm là đúng hạn)
*Đám cưới bạc, kỷ niệm ngày cưới 25 năm; đám cưới vàng, kỷ niệm ngày cưới 50 năm, theo phong tục Tây Phương.
*Đính kèm hình Bà Nội và cuốn sách nấu ăn  
 
 

Ý kiến bạn đọc
30/08/202323:05:21
Khách
Bài viết rất hay mà bài nhận xét cũng hay và lịch sự nữa.
30/08/202303:18:36
Khách
Misspelling: Catalope.
Cantaloupe is the correct spelling.

Americans usually call their grandfather as granddad or grandpa.

Bài viết rất hay. Bà nội Mỹ hiền lành, bao dung, rộng lượng, đầy tình thương cho con cháu.

Ba má tôi cũng thích món potato salad. Mới nhìn tưởng ai cũng có thể làm được, nhưng làm ngon lại là một chuyện khác. Gần nơi tôi ở có một chợ Mỹ bán potato salad rất ngon. Trong 48 năm, gần 49 năm ở Mỹ, tôi từng ăn potato salad từ rất nhiều nơi, nhưng chợ gần nhà tôi bán món đó ngon nhứt, nên tôi hay mua ở đó. Nhưng bỗng nhiên vào một ngày khoảng gần hai năm trước đây, potato salad ở đó không còn ngon nữa, không dở, nhưng không ngon, chỉ tầm thường. Vài ngày sau đó tôi mới biết được là bà Mỹ làm potato salad ở chợ đó đã về hưu. Người ta mướn một ông Mỹ gốc Việt trung niên vô làm, he has an extremely long way to go. Tôi mua potato salad ở tiệm khác, tuy không bằng của bà cụ đã về hưu, nhưng vẫn ngon hơn của ông Việt.

Một bà Mỹ láng giềng nói với tôi rằng món gia vị đặc biệt làm cho món ăn ngon là tình thương. Bà đó nói đúng. Bà Mỹ đã về hưu ở chợ nơi tôi hay đến là một người rất hiền lành, tử tế, khiêm tốn, luôn luôn rất nhỏ nhẹ ôn hoà. Còn ông Mỹ gốc Việt trung niên sau này thì --- phải nói làm sao cho thật lịch sự đây --- à, thì tạm nói là he has an extremely long way to go.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,336
Cách đây mười ngày, trên một ngã tư đèn xanh vừa bật, nhưng một xe Lexus màu đen vẫn đứng yên, tiếng còi xe phía sau vang rền; cả một quãng đường đột nhiên bị tắc nghẽn; năm phút qua đi, nhiều tài xế sốt ruột mở cửa xe chạy đến chiếc Lexus, thấy một người đàn ông nằm gục trên tay lái. Người ta gọi 911 chở ông ta vào bệnh viện và kéo chiếc xe đi.
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử. Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.
Nhạc sĩ Cung Tiến