Hôm nay,  

Cha Nổ To, Con Khổ Lo

02/08/202313:08:00(Xem: 4009)
unnamed
Tác giả Võ Phú

 

Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.

*

 

Chiều thứ Sáu, Tony gọi điện thoại cho tôi, hỏi:

- Hôm nay vợ chồng nhà you rảnh không?

- Đang rảnh nè, có gì không?

- Ông già tao mới đi câu cá ở Lake Occoquan dìa được mấy con cá “đầu rắn” tính đem qua cho vợ chồng you làm món gì đó ăn.

- Ờ... Tao đang ở nhà nè.  Mà cá đầu rắn là cá gì mà tên nghe ghê vậy?

- Snakehead.  Is that how to translate? 

- Ồ!... Ờ... Cá lóc.  Tiếng Việt mình gọi là cá lóc, cá tràu, hay cá quả nha mậy.  Tao đang rảnh nè.  Qua đây đốt củi rồi làm lai rai vài lon.  Cuối tuần mà.

- Ờ... Tao qua liền.

Cúp phôn, tôi quay qua nói với vợ tôi:

- Em ơi, Tony đang trên đường qua nhà mình.  Ông già nó câu được mấy con cá lóc mà vợ nó không biết làm gì nên đem qua cho mình.

- Cá lóc hả anh?  Còn sống không anh?

- Anh không biết... Chắc còn sống nên vợ nó không dám mần.  Em coi làm được món gì để cuối tuần mình ăn.

- Anh muốn ăn món gì?  Canh chua hay om với bún tàu nấm mèo?

- Om coi bộ ngon á.

- Em đang nấu phở gà.  Nhưng thôi, phở để mai mình ăn.  Giờ em chuẩn bị đồ, hái ít rau ngoài vườn, làm món cá hấp cuốn bánh tráng chấm mắm nêm nha?

-  Ừa được đó...  Em nói làm anh thèm. Thôi anh ra sau đốt củi chút có than nước mực, nhậu.

Tôi đang ngồi nhâm nhi lon bia lạnh và ngắm bếp lửa bập bùng thì Tony tới.  Trên tay nó xách cái xô màu xanh mua ở tiệm Lowe.  Thấy tôi, nó lên tiếng:

- Tao biết mày ở ngoài vườn này, nên đi cửa sau khỏi mất công bấm chuông mở cửa.  Nè....

Tony đưa cái xô tới trước mặt tôi, rồi nó nói tiếp:

- Vợ chồng you mần gì thì mần, nhớ trả lại cái bucket cho ông già tao.  Sớm mai ổng đi câu tiếp.

Tôi xách cái xô cá và nhìn vào bên trong.  Ba con cá lóc lớn, mỗi con cỡ chừng hơn một kí-lô.  Tôi nhìn Tony hỏi:

- Sao mày không để lại ở nhà ăn?

- Mày biết vợ tao rồi, nó không dám nhìn chứ đừng nói tới mần cá.

- Còn má mày?

- Bả đi Việt Nam tuần rồi.

- Sướng hỉ! Ông bà già mày cứ thay phiên nhau về Việt Nam miết... Mà sao hai người không về một lúc mà thay phiên nhau vậy?

- Về một lúc rồi không ai giữ cháu ngoại.

- Ờ... Chờ tao chút.  Tao vô lấy bia cho mày.

- Để tao đi với mày.  Vô chào bà chủ nhà chứ. Với lại tao chưa uống liền đâu.  Tao muốn bỏ vô tủ đá chút mát rồi mới uống.

- Lạnh rồi mà.

- I know, nhưng tao muốn lạnh hơn nữa uống mới đã.

Chúng tôi đi vào nhà.  Tôi gọi vợ tôi:

- Em ơi... Tony tới chơi có cho ba con cá lóc lớn lắm.

Tony mau mắn chào vợ tôi:

- Hello, bà chủ.

- Hello, Tony.  Tiff và mấy đứa nhỏ đâu sao không dắt qua chơi?

Tony để ngón tay lên môi ra hiệu, rồi nói:

- Me trốn mẹ con nó đi chơi cho thoải mái mà you cứ nhắc chi, phiền!

- Sao you không để cho Tiff làm ăn mà đem qua?

- Đừng nói tới bà đó.  She không biết mần.

Vợ tôi quay sang tôi hỏi:

- Sống hay chết vậy anh?

- Ba con to chà bá.  Sống nhăn răng.

- Còn sống?  Vậy anh giúp em làm được không?

- Ừa.  Em làm gì thì làm.  Để anh mần cá cho.

Tôi lấy thau, rổ, thớt, kéo, dao ra sau hè.  Tony hỏi:

- Hai you tính làm món gì vậy? What’s for dinner?

- Khi nãy bà xã tao tính hấp cuốn bánh tráng, nhưng ba con này bự quá chắc hấp một con dư cho ba đứa ăn.

Tony nhìn tôi.  Tôi giải thích với nó:

- Mấy đứa con tao, Mỹ con, tụi nó không ăn cá có nhiều xương.  Tụi nó có phở gà.  Còn lại hai con để hôm nào kho tộ và nấu canh chua, mời Tiffany qua ăn luôn cho vui.  Mày ra đốt củi chơi chờ tao mần cá nha.

- Sure!  Sorry, tao cũng không biết làm... Tự một mình mày làm đi...

Tony nói xong cười hì hì rồi bỏ đi vòng quanh vườn.  Nó hái vài cọng hành và ít lá xả bỏ vào bếp lửa.  Tony đứng gần bếp lửa hít khói, nó lim dim mắt rồi nói:

- Hành và xả thơm quá you ơi!

Tôi lắc đầu, cười.  Tony là vậy.  Mặc dầu nó đến đất nước này khi còn bé và là một dược sĩ làm việc cho hiệu thuốc tây CVS gần hai mươi năm, nhưng bản tánh của nó rất chất phác, yêu thích thiên nhiên.  Những lúc rảnh rỗi nó thường rủ tôi tới nhà chơi và lần nào cũng đốt củi uống bia.  Nhưng Tiffany, vợ của Tony, thì không thích ra ngoài nên nó thường qua nhà chúng tôi chơi và “coi như” tạm thời tránh mặt vợ con vào dịp cuối tuần.  Lần nào qua, nó cũng rủ tôi đốt củi và uống bia.  Làm xong ba con cá lóc, tôi rửa sạch rồi đem vào trong cho vợ hấp.  Khi tôi trở ra, đem theo vài lon bia và khô mực ra nướng. Hai đứa tôi ngồi bên bếp lửa uống bia, nhâm nhi khô mực, và nói chuyện trên trời dưới đất.

Hớp một ngụm bia, tôi hỏi Tony:

- Mai nay cuối tuần ba mày không giữ cháu ngoại sao mà đi câu?

- Không!  Gia đình của con Thủy, em gái tao, đi ăn cưới ở tiểu bang khác nên ổng mới rảnh rang đi câu.

- Coi bộ ổng khoái đi câu quá há.

- Ừa.  Thú vui mà.  Có lúc đi câu dìa rồi chất đầy freezer.  Nhiều lúc phải năn nỉ cho người ta ăn, nhất là cá nước ngọt như cá mèo, cá chép, cá bass.

Tôi nhìn Tony cười rồi nói:

- Cá trê chứ không có cá mèo nha mậy.

- Ừa, cá thì cá trê.  Tao có biết đâu, tao dịch từ tiếng Mỹ ra.  Mà cat là con mèo chứ có phải con trê đâu.  Catfish là con cá mèo bộ không đúng sao?

Nghe Tony giải thích, tôi cười sặc cả bia. Thấy tôi cười sặc sụa, Tony hỏi:

- Tao nói gì sai nữa hả?

- Không... Không... Tại mày nói con trê...

- What's con trê mean?

- Ừa... À...  I don't know what to explain... It's something related to anus, I guess. (Tao cũng không biết giải thích sao nữa.  Nhưng tao nghĩ con trê nó liên quan tới hậu môn.)

Để đổi đề tài, tôi quay qua hỏi Tony:

- Ba má you về Việt Nam mỗi năm, sao you không về một chuyến cho biết gia đình, quê hương?

- Dìa làm gì you ơi.  Tao chưa dìa mà đám em bà con réo gọi đủ thứ hết.  Dìa bển chắc đổ nợ.  Mà cũng tại ông già tao hết đó.

- Sao lại tại ổng?

- Thì ổng có cái tật nổ. Ổng nổ ghê lắm.  Mà không phải ông nổ mình ổng đâu.  Ổng đem tao ra để nổ. Mà mày biết rồi đó, ở bển đâu hiểu cuộc sống bên mình.  Họ cứ thấy nhà cao cửa rộng, xe cộ này kia là xin thôi.  Mỗi lần ổng dìa là tao sợ ổng luôn.

- Mà ổng nói gì mà mày kêu nổ?

- Thì ổng nói tao ở nhà ngàn tỷ, xe BMW, xe Lexus đậu đầy cả garage tới bốn năm chiếc.  Lương một tháng hai vợ chồng đem dìa gần ba trăm triệu.

- Tao thấy ổng nói cũng đúng mà, đâu có nổ lắm...

- Thì cũng đúng, nhưng tiền đô mà ổng cứ đem đổi ra tiền Việt để mà nói cho sang, cho chảnh.  Ở bên đó cứ tưởng mỗi tháng vợ chồng tao dư mấy trăm triệu mà không gửi cho được vài trăm đô... Này kia khác nọ.  Mà không phải tao kể chứ.  Chán lắm mày ơi... Mỗi năm vợ chồng tao gửi về cũng năm bảy ngàn chứ ít đâu.

- Ừa... Nói về Việt Nam là chuyện dài nhiều tập không có hồi kết mà mậy.

- Còn chưa hết.  Hôm trước thằng em thi đậu đại học ở Sài Gòn, ổng nói ổng tặng nó cái laptop làm quà mừng.  Ổng nói cho đã miệng rồi kêu tao mua.  Làm mất hơn cả ngàn mua cái máy cho má tao đem dìa.  Mới hôm qua nè, thêm ba bốn đứa gọi qua xin laptop đi học.  Tao mệt với ổng luôn đó mày ơi! Còn mày?  Lương ba cọc ba đồng như vợ chồng you sao chịu nổi bên Việt Nam?

- Cũng tùy thôi mày ơi.  Ông bà ta có câu"liệu cơm gắp mắm" mà. Tụi tao không ai nổ nên cho cũng được không cũng không sao.  Mỗi năm tụi tao chỉ gửi về một vài ngàn hoặc khi nào có dịp gì đặc biệt thì gửi chút ít chứ không có tiền gửi nhiều.

- Yeah... That's right, man!  Ai như ông già tao.  Lần nào dìa cũng nổ rồi bắt tao ôm show.  Lần nào ổng dìa tao cũng tốn cả chục ngàn cho quà cáp này nọ.

- Bộ ổng không có tiền riêng sao?

- Thì cũng có chút chút tiền ổng để dành, nhưng chỉ đủ mua vé máy bay và tiêu xài của ổng ở cả tháng bên đó.  Mà vui lắm.  Tháng rồi ổng dìa bển, facetime qua cho tao. Lúc đầu chơi sang đãi mọi người uống bia Heineken này nọ... Độ chừng hơn một tuần hết tiền chỉ dám uống bia Sài Gòn hay bia 33 thôi.  Tới lúc hết tiền gọi qua kêu bà già tao gửi thêm.  Mỗi lần vậy, bà già tao chửi quá chừng mà cũng không chừa cái tật nổ.  Mà ổng uống bia như uống nước chứ không giống như tao với mày đâu.  Mới uống hai lon là quắc cần câu rồi. Nói thì nói vậy thôi, nhưng tao kệ ổng.  Cho ổng vui chứ biết sao giờ.

- Ổng có nhiêu tiêu hết vậy mai mốt về già sao?

- Thì bởi tao mới nói.  Mà nói với ổng miết mà ổng có chịu nghe đâu.  Mỗi lần nói là ổng kêu tao là thằng mất gốc này nọ.  Mà mày thấy tao có mất gốc không?  Mất gốc mà lo cho ổng được như vậy sao.  Tao chỉ không biết đọc và viết thôi chứ giờ nói tiếng Việt tao không thua ai đâu.  Ngày nào tụi em họ tao cũng facetime qua hết, riết hồi giỏi tiếng Việt luôn.

- Ừa... Thôi cụng ly. Bỏ qua chuyện Việt Nam đi.  Mày ngồi chờ tao chút.  Tao vô coi thử vợ tao có cần giúp gì không nha.

- Ừa.

Mở cửa bước vô nhà, vợ tôi nói:

- Anh ra gọi Tony vô nhà ăn cá hấp cuốn bánh tráng, em làm xong rồi.  Hay là anh muốn ăn ngoài sân?  Em nghĩ ăn trong nhà đi, ngoài đó sợ ruồi.  Ruồi nghe mùi mắm nên nó tới nhanh lắm.

- Ờ... Có lý.  Để anh gọi Tony vô trong.

Tony và tôi đi vào trong nhà.  Trên bàn là món cá lóc hấp hành gừng, bún tàu, nấm mèo, tiêu, ớt thơm phưng phức với rổ rau xanh mơn mởn vừa hái sau vườn với cả chén mắm nêm làm chúng tôi nuốt nước bọt. 

Chúng tôi ăn cá cuốn, nhâm nhi lon bia mát lạnh.  Tạm quên những công việc mệt nhọc trong tuần.  Tạm quên chuyện về Việt Nam và cả chuyện nổ của ba Tony. Đúng là cha nổ to, con khổ lo!

Ý kiến bạn đọc
03/08/202309:55:03
Khách
Vẹm cộng biết Việt kiều không đành lòng khi thấy người thân đói nên mở nghị quyết 36 chiêu dụ mang tiền về VN nuôi chúng. Người trong nước nghèo khó nên không biết làm gì ngoài trơ mặt xin ăn. Chính vì vậy mà chúng mới có ngoại tệ nuôi sống chúng đến giờ để hành hạ người dân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,792
Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quí phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách. Mọi thứ đồ đoàng có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi! Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.
Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau” Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, viết để chia xẻ một kinh nghiệm chìa khóa xe bỗng dưng không mở được cửa nữa và những điều cần phải làm sau đó thay vì hoảng sợ.
Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.
Nhờ Đi Dự Đám Cưới Cô Cháu, Tôi Biết Có Những Người Bị Đồng Bệnh Mắt Với Mình Để Chia Sẻ Thứ bảy tuần vừa qua April 8th, 2023. Toàn thể đại gia đình chúng tôi đã đi dự tiệc cưới của cô cháu, con gái của cô em tôi. Trong buổi tiệc cưới ấy, chúng tôi ngồi cùng bàn với cha mẹ của cô dâu. Mọi người trong bàn đều nhìn nhau bằng ánh mắt băn khoăn, như tự hỏi, sao không thấy sự hiện diện của hai ông bác, là anh của ba cô dâu. Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng mọi người hơi ngần ngại, chưa ai dám cất lời hỏi cả. Thần giao cách cảm! Như đã nằm lòng, đoán biết thế nào cũng có người hỏi về sự vắng mặt của hai ông anh mình. Với sắc thái nhạy cảm, ba của cô dâu đã lên tiếng trước để chia sẻ với chúng tôi là cả hai bác đều bị bệnh đau mắt giống nhau, nên không ai dám lái xe nữa, vì khi lái xe, nhìn xa thấy cái gì cũng nhiều gấp đôi, bảng tên đường, lằn gạch vẽ trên mặt đường, mũi tên quẹo phải, hay trái và những đèn đường toàn là nhiều nhân gấp hai lần, nên sợ quá, bỏ lái xe luôn.
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ. Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
Cây cam trước cửa sổ phòng làm việc của bà Vi đã nở đầy hoa, dày đặc những chùm hoa trắng nõn nà. Một số cánh hoa từ từ rụng xuống để lại những chùm trái nhỏ xíu lấm tấm như những đầu chiếc đinh ghim mầu xanh ngộ nghĩnh. Sáng nay bà Vi dậy sớm, thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ, mải mê ngắm hai con chim đang bay ra bay vào xây cái ổ tít trên cành cao của cây cam. Chiếc tổ chim vừa hoàn thành, những sợi cỏ khô mỏng mảnh đã được bện thành một cái tổ gọn gàng, nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Chúng khôn quá, xây tổ trên cành cam, khi chim con ra đời sẽ được thưởng thức mùi hương hoa cam thơm ngát. Bà mỉm cười nghĩ thầm, rồi rảo mắt nhìn ra phía vườn sau.
Ông nhếch môi cười chua xót ngẫm lại cuộc đời mình: tuổi trẻ làm người lính VNCH, rồi bị tù hơn 13 năm, cũng mộng ước như bao nhiêu người khác nghĩ đến tổ quốc thân yêu, nhưng rồi lực bất tòng tâm, quay đi bước lại soi gương đầu đã bạc. Ông chạnh nhớ người vợ đầy xót xa đau ruột, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ trong thời gian ông bị tù đày. Qua Mỹ tìm tiểu bang Minnesota lập nghiệp, vợ chồng làm việc siêng năng, bắt tay vào cuộc sống cày bừa gầy dựng tương lai, lo các con ăn học và muốn an cư lạc nghiệp. Các con tốt nghiệp ra trường, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Một ngày mùa hè người vợ bỏ cuộc với căn bệnh tàn nhẫn, dứt áo ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Ông chới với hỏng chân, tinh thần suy sụp chỉ biết mượn rượu uống cho say, công việc bỏ bê bị laid-off. Ông chẳng còn thiết sống, nhà cửa do vợ chồng gầy dựng tưởng sống tới bạc đầu, bù đắp những ngày khốn cùng cay nghiệt ở VN, thế mà vợ chồng ông đã đầu hàng... buông hết. Con trai sợ ông sinh bệnh ép về ở chung để chăm sóc,
Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời. Vậy mà bố không biết chữ! Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe. Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi. Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi! Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo.
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Nhạc sĩ Cung Tiến