Hôm nay,  

Hành Trình Đến Mỹ

30/06/202300:00:00(Xem: 4206)

VVNM-0623
Tác giả Đoàn Thị và Chồng chụp với nhà văn Nhã Ca tại Lễ Trao Giải VVNM 2019.
 
Tác giả tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, khi còn ở Pháp. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả - thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Tác giả đã dời sang California an cư cùng gia đình. Đây là bài viết mới nhất kể về hành trình định cư ở Mỹ.
 
*
 
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ.
 
Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
 
oOo
 
Hơn ba mươi năm trước chúng tôi từng trốn chạy CSVN vào tuổi trung niên, hai đứa tôi với hai thằng nhóc lên mười và lên ba dắt dìu nhau qua Pháp làm lại cuộc đời.
 
Qua tổ chức nhập cư tôi may mắn sớm tìm được việc làm, bằng kỹ sư công chánh ĐH Phú Thọ của chàng bên VN hơi khó tìm việc vì phải học lại vài năm để thi lấy bằng kỹ sư tương đương bên này.
 
Vài đồng hương định cư mấy năm trước giới thiệu chàng với anh Quốc KTS Sàigòn đang làm việc cho Văn Phòng Thiết Kế của Pháp nhờ anh ấy giúp đỡ.
 
Vì cùng ngành thiết kế và xây cất nên anh Quốc giới thiệu chàng đến Văn Phòng Xây Dựng chuyên tính toán bê tông cốt thép và cung cấp bản vẽ cho công trường nên xếp Tây nhận chàng ngay.
 
Chàng may mắn làm đúng công việc mà chàng đã làm mười mấy năm ở VN dù phương pháp tính toán hơi khác bên Tây vì VN sau năm 75 không có công trình lớn như nhà chọc trời...
Cùng với những bản bẽ tính bê tông cốt thép là những bản vẽ thi công tại công trường, đôi khi có vài sửa đổi vào giờ cuối để thích ứng tại hiện trường, chàng phải tính lại cốt thép và cung cấp bản vẽ kịp thời để bắt kịp tiến độ thi công.
 
Mỗi sáng hai đứa tôi đưa con đến trường rồi mạnh ai nấy lấy Métro (xe điện ngầm) đến sở làm, cuối tuần đưa các con đến Giáo Xứ VN trong Paris sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và học tiếng Việt.
 
Một năm sau sở của chàng đóng cửa, dù tiền bồi thường thất nghiệp không tệ nhưng chàng không quen ngồi không nên ghi tên vào công ty chuyên tuyển dụng nhân sự về Công Chánh, Kiến Trúc, Điện... cung cấp cho các công ty xây lắp đang thầu công trường lớn của chính phủ.
 
Gần hai năm làm việc cho công ty cung cấp nhân sự các hãng lớn chàng lọt vào mắt xanh tập đoàn công chánh lớn nhất nước Pháp, Bouygues Bâtiments FRANCE (BBF). Hãng này có nhiều công ty nhỏ trong lãnh vực khác và cổ phần trong các hãng lớn, như trường hợp BBF là cổ đông lớn nhất trong đài truyền hình tư nhân số một của Pháp, đài TF1.
 
Đại diện hãng Bouygues đề nghị nhận chàng làm việc với Bouygues Construction Ile de France (BC IDF), một Công Trình Xây Dựng chi nhánh của tổng công ty BBF.  Chàng từ chối và đề nghị làm đối tác của họ vì chàng đã thành lập Văn Phòng Thiết Kế Xây Dựng và ký hợp đồng mỗi năm làm « sub contracteur » cho họ.
 
Giá cả việc tính toán bê tông cốt thép và cung cấp bản vẽ được tính theo giờ, mỗi năm hai bên định giá lại cho phù hợp với thời giá hiện hành. Thu nhập lên xuống tùy công trình, dĩ nhiên lương khá hơn nhân viên của hãng, đôi khi chàng phải làm việc hai ngày cuối tuần để thứ hai cung cấp bản vẽ kịp thời cho công trường thi công.
 
Hai mươi năm cộng tác với BC với tiền lương nhiều hay ít tùy BC giao việc cho chàng, có những công trình kéo dài vài năm như Stade de FRANCE sân vận động lớn nhất Paris đã tổ chức cúp túc cầu thế giới 1998, ngoài ra còn có công trình mở rộng phi trường Charles de Gaulles, tòa tháp chọc trời (Gratte –ciel), đền thờ Hồi Giáo bên Trung Đông...
 
***
 
Trở lại tờ giấy đi Mỹ theo diện F4 từ 12 năm bị Cô Mắc Dịch (dịch covid) phun phẹt vi trùng tùm lum làm thiên hạ điêu đứng, hồ sơ của tôi bị treo lơ lửng chả biết khi nào được NVC réo gọi.
 
Tôi đã nộp đơn nghỉ hưu cho cơ quan hưu trí CNAV của chính phủ năm 2018, gần một năm sau hồ sơ hưu trí của tôi mới hoàn tất, chàng vẫn tiếp tục công việc với B.C.
 
Cũng năm 2018 NVC gửi thư thông báo đơn của tôi đang được duyệt xét, họ báo không nên nghỉ việc, bán nhà ... vì phải qua thời gian hoàn tất thủ tục hành chánh trước khi có kết quả đi định cư.
 
Đọc thư NVC tôi cười mỉm, tôi nghỉ hưu vì đến tuổi chứ chả dính gì đến vụ đi Mỹ, nhà đang ở bán rồi ở đâu, chàng vẫn tiếp tục làm việc.  Thư của NVC làm chúng tôi do dự, ở tuổi này có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời bên kia đại dương?
 
Cuối tuần thằng con lớn mang vợ con đến nhà tôi ăn cơm tháng như thông lệ, nghe tin NVC, chàng hỏi nó nghĩ gì, nó cười:
- Con không có ý kiến, bố mẹ tự quyết định.
 
Tôi trả lời:
- Hồi xưa nhà mình dắt díu nhau qua Pháp để trốn CSVN, gia đình mình tuy lẻ loi ở đây (vì anh chị em của chàng và của tôi đều ở bên Mỹ) nhưng các con được học đại học miễn phí và đã có việc làm ưng ý và đang trả nợ ân tình với nơi cưu mang gia đình chúng ta. Vì thế chuyện đi Mỹ bố mẹ cũng phân vân không biết có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời một lần nữa?
 
Anh chị em bên Mỹ khuyên chúng tôi cứ hoàn tất thủ tục đi Mỹ, thời gian chờ đợi vài năm đủ để chúng tôi quyết định đi hay ở lại.
 
Mãi đến tháng 4 năm 2019 NVC mới cung cấp mã số hồ sơ để chúng tôi đăng nhập vào trang NVC điền hồ sơ như khai sinh, thẻ căn cước của Pháp ..., tất cả phải dịch sang tiếng Anh. Tháng 9 chúng tôi qua Cali thăm gia đình và lấy hồ sơ thuế thu nhập (Income Tax) ba năm cuối cùng của em tôi để mang theo khi đi phỏng vấn.
 
Tháng 2 năm 2020 NVC báo đơn online của chúng tôi đã hoàn tất và yêu cầu đóng lệ phí nộp đơn để họ chuyển hồ sơ qua giai đoạn phỏng vấn, vì chúng tôi đã có tài khoản ngân hàng bên Mỹ từ trước nên đã thanh toán lệ phí online và nhận hóa đơn của NVC ngay.  
 
Thế là chúng tôi đã đi nửa đoạn đường « phiêu lưu », đi hay ở lại vẫn là câu hỏi khó tôi chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng, tôi cầu nguyện xin Bố Mẹ giúp tôi sáng suốt trong lúc này.
 
Sang năm 2021 tin vui làm tôi suýt vỡ tim, thằng út bên Canada vừa được một hãng chiêu mộ qua Mỹ làm việc ký hợp đồng 3 năm với mức lương khá hấp dẫn.
 
Chuyện đi Mỹ của chúng tôi xoay chiều 360°, tôi thôi ngẩn ngơ vào ra tự hỏi đi hay ở, thằng lớn và cả anh chị em thở phào về chuyện đi đứng của chúng tôi.
 
Tháng ba 2021 NVC gửi thư báo hồ sơ của chúng tôi đã chuyển qua Tòa Đại Sứ Mỹ (TĐS) Mỹ tại Paris để họ lên lịch phỏng vấn. Ngày 2 tháng 6, thư NVC báo ngày giờ chúng tôi ra TĐS phỏng vấn, dĩ nhiên phải đem tất cả giấy tờ cần thiết.
 
Đến hẹn chúng tôi đi métro, ngồi công viên đối diện TĐS xem thiên hạ đứng trước cổng vào chờ đến giờ hẹn, người có hẹn chỉ được vô trước 10 phút, dân ta ai cũng có người nhà hộ tống bên ngoài.
 
Đúng 10 phút trước giờ hẹn, chúng tôi đang trình giấy hẹn với cảnh sát, ông kẹ Phi Châu phóng tới cạnh ông cảnh sát chìa tờ giấy và nói:
- Tôi có giấy xin qua Mỹ tìm việc làm...
 
Tôi cười mỉm vì thái độ tự nhiên như kẻ cả của hắn, liếc qua tờ giấy, vị cảnh sát cười trả lời :
- Ông lùi ra phía sau, chờ tôi xem giấy hẹn hai ông bà đây nhá.
 
Số phận hắn ra sao tôi không rõ, tôi nghĩ không phải rành tiếng địa phương là muốn làm cái gì cũng được, ông kẹ ở xứ này bao lâu mà cư xử y như đang ở rừng.
 
Vào bên trong chúng tôi lại trình giấy cho một thầy cảnh sát hướng dẫn đến bên máy điện toán nhập tên tuổi, ngày giờ hẹn phỏng vấn rồi vào phòng chờ được gọi tên.
 
Trước chúng tôi có một cô VN, khi được gọi đến quầy (guichet) nộp các bản chánh của hồ sơ đã gửi online, cô nhân viên kiểm tra lại giấy tờ và hỏi đương sự có muốn lấy thêm tên Mỹ.  Không biết cô ấy có thêm tên gì không chỉ thấy cô tám chuyện lia lịa, cô tâm sự có con trai là sinh viên sắp tốt nghiệp, cô kia nghe một lúc rồi cấp cho cô ta biên nhận hồ sơ của cô.   
 
Đến phiên hai đứa tôi nộp hồ sơ, bản lương của người bảo lãnh và Passport Pháp, chúng tôi để cô ta tự nhiên làm việc cho nhanh, khi cô hỏi chúng tôi có muốn lấy tên Mỹ, chúng tôi lắc đầu.
 
Kiểm tra hồ sơ đầy đủ và cấp biên lai, cô nói :
- TĐS giữ lại Passport của ông bà trong vòng mười ngày để hoàn tất hồ sơ và cấp visa định cư, bà muốn chúng tôi gởi Passport về địa chỉ nhà bà hoặc chuyển qua tiệm bán sách gần TĐS để bà đến đó nhận Passport.
 
Tôi chọn tiệm sách cho ổn, tránh trường hợp ông phát thư nghỉ bệnh, chúng tôi chào bà và qua hàng ghế bên kia ngay sau lưng cô 8 (tám chuyện) lúc nãy, cô xếp giấy tờ và rút ra một tấm hình chờ được gọi tên.
 
Guichet phỏng vấn do một cậu Mỹ trẻ phụ trách, sau mỗi cuộc phỏng vấn, đèn đỏ bật lên báo hiệu tạm ngưng tiếp khách để cậu trẻ ghi chú lên hồ sơ vừa duyệt và cất vào kho lưu trữ.
 
Cô 8 nhấp nhổm, tôi thầm nghĩ, úi chà cậu trẻ bảnh bao này làm răng trong kho lâu rứa khiến cô sốt ruột, tôi cũng không ngoại lệ, mong mình được gọi tên để biết số phận mình đi về đâu ?
 
Đèn xanh bật sáng, cô 8 trình diện cậu trẻ, cậu nhìn thoáng hồ sơ do quầy bên kia chuyển qua rồi hỏi mấy câu chi đó tôi không nghe vì giọng cậu nhỏ nhẹ vừa đủ cho đương sự nghe.
 
Cô 8 trả lời với vẻ vui đùa, có lúc cô dùng tiếng tây cho tiện, dĩ nhiên cậu trẻ cũng rành tiếng địa phương nhưng vẫn trả lời bằng tiếng mẹ đẻ của cậu.
 
Lúc cậu xếp hồ sơ qua một bên, dấu hiệu cậu muốn chấm dứt cuộc phỏng vấn thì cô 8 đề nghị:
- Con trai của tôi sắp tốt nghiệp đại học, ông có thể giúp tôi làm giấy cho con tôi cùng đi với tôi được không?
Cậu trẻ lắc đầu, giải thích luật nhập cư của Mỹ và vui vẻ chúc mừng một mình cô đến xứ Mỹ, và bật đèn đỏ.
 
Tôi sợ cô luôn, chuyện đi định cư cô hiểu rõ, đâu dễ gì đút lót như vi xi, thiệt tình thái độ « tự nhiên như người Hà Nội » của cô làm tôi quê lây.
 
Vì thế khi đèn xanh bật sáng, chờ cậu trẻ gọi tên mình, hai đứa tôi trình diện, cậu lướt qua hồ sơ rồi hỏi:
- Ông bà sống ở đây lâu chưa, bỏ Pháp qua Mỹ ông bà có buồn không?
 
Tôi trả lời:
- Chúng tôi ở Pháp trên 30, ra đi chúng tôi cũng luyến tiếc, tuy nhiên đến Mỹ chúng tôi sẽ được đoàn tụ với anh chị em bên chồng lẫn bên tôi vì tất cả đều ở bên Mỹ từ mấy thập niên rồi.
Tuy nhiên lý do chính mà chúng tôi quyết định «làm lại cuộc đời» ở Mỹ vì thằng con út của tôi vừa ký hợp đồng ba năm làm việc với một hãng tại Sunyvale, bắc California.
 
Cậu trẻ thắc mắc:
- Con bà cũng ở Pháp với ông bà?
- Thưa không, cháu nó sống từ 8 năm nay bên Canada, bây giờ cháu qua Mỹ thì chúng tôi được đoàn tụ với cháu.
 
Cậu trẻ gật đầu, phán một câu thật mát dạ:
- Chúc mừng ông bà đã hoàn tất cuộc phỏng vấn, chào mừng ông bà đến nước Mỹ.
 
Chúng tôi cảm ơn cậu nhỏ, cười thầm không ngờ cuộc phỏng vấn thoải mái chứ không đáng ngại như dân ta từng căn dặn, nào là phải mang theo hình ảnh chụp với người bảo lãnh, hình cũ và hình mới nhất để chứng minh quan hệ gia đình, nếu có giấy nhận tiền giúp đở của họ càng tốt.
 
Tội thật, bên Pháp hai đứa tôi đều đi làm tự sinh tự tồn làm răng mà tôi có tờ giấy nhận tiền của gia đình của tiệm Gửi Tiền Lẹ tại Bolsa để chứng minh.
 
Hôm sau chúng tôi đi chụp hình phổi, thử máu, chích ngừa lao, Polio (bại liệt) tại phòng mạch BS và phòng thí nghiệm do TĐS Mỹ chỉ định cho mọi người đi định cư Mỹ, vài ngày sau kết quả sức khỏe được gửi đến TĐS và địa chỉ mail của chúng tôi.
 
Cuối tháng sáu chúng tôi đến một tiệm bán sách phụ trách trả lại Passport có dán nhãn nhập cư Mỹ.
Đầu tháng 11 chúng tôi lên đường, phi cơ cất cánh tại phi trường CDG lúc 11giờ 40, hạ cánh xuống phi trường LAX lúc 14giờ 20 giờ địa phương, nhiệt độ bên ngoài máy bay là 16°C ấm hơn Paris 8-9°C.
 
Lần này dàn máy điện tử của phi trường LAX để du khách tự đăng nhập thông tin cá nhân không còn nữa, mọi người xếp hàng trước quầy quan thuế chờ trình Passport.
 
Đến phiên chúng tôi, một bô lão đeo huy hiệu nhỏ «Veteran» hỏi tôi :
- Bà đến đây du lịch, thăm gia đình bao lâu?
Tôi trình Passport, trả lời :
- Thưa ông tôi đi định cư.
 
Lúc đó bô lão, lật tới lật lui sổ thông hành, tìm thấy trang dán nhãn định cư của TĐS Mỹ, có đủ thông tin về tôi, ông mỉm cười :
- Bà là người VN, tôi đã đến VN tham chiến, chào mừng bà đến định cư tại quê hương tôi.
 
Nói xong ông gọi điện thoại đến sở di trú cung cấp thông tin của tôi, trong khi chờ bên di trú thiết lập hồ sơ định cư, ông yêu cầu tôi lăn tay, chụp hình.
 
Đến phiên chàng, ông cũng làm đúng như quy trình của tôi, một lúc sau sở di trú gọi lại cho ông cung cấp mã số của tôi và của chàng để ông ghi vào Passport của chúng tôi, đó cũng là hàng số trên thẻ xanh của chúng tôi sau này.
 
Chúng tôi chào ông rồi qua khu hành lý để lấy vali, ra bên ngoài thì trời nhá nhem tối, chờ Uber đưa về nhà em tôi sau đó chàng báo cho gia đình chúng tôi đến nơi an toàn.
 
Theo thông lệ, sau khi ghi danh với sở di trú tại phi trường LAX thì thẻ xanh sẽ được gửi đến địa chỉ đương sự từ một đến hai tháng, chúng tôi đến đây đúng mùa dịch vật nên phải chờ đến bốn tháng.
May thay lúc đó thằng út từ Canada đã đến Sunnyvale nhận việc nên hai đứa tôi có dịp lên bắc Cali thăm gia đình của chàng và gặp con.
 
Lần này chàng mua vé đi tháng 11 năm 2021, về vào tháng giêng năm 2022 nhưng vì chờ thẻ xanh  tôi phải dời ngày về liên tục. Ba ngày trước cuối tháng giêng tôi phải gọi hãng Air France (AF) trên Los Angeles dời ngày về cuối tháng 2.
 
Bấm số tổng đài, có băng ghi âm đặt mấy câu hỏi, quý khách cần gì, ký gửi thêm hành lý, đổi ngày về, hủy chuyến bay...thì bấm số 1, 2, 3...để tiếp cận nhân viên phụ trách. Phải mất trên 10 phút mới được chuyển đến bộ phận liên quan, lại kiên nhẫn nghe điện thoại reng inh ỏi một lúc mới có người bắt máy, gặp cậu trẻ Cànadiên, giọng trọ trẹ nhưng phục vụ tận tình.
 
Xong cuộc đối thoại từ 30 đến 40 phút, sau đó Air France gửi mail vé máy bay mới, sau đó mỗi 3 tuần lễ trôi qua trong vô vọng tôi phải gọi lại cho A.F, riết rồi cậu trẻ cũng quen cú phone của tôi, dời ngày về, đến lần thứ 4 tôi vui mừng giã biệt tổng đài AF.
 
Tháng đầu tiên chờ thẻ xanh, chúng tôi lên Bakersfield ở nhà con gái chị tôi để chàng thi lấy bằng lái  xe, thi viết xong, lấy hẹn tuần sau chàng thi lái, gần hai tuần sau chàng mới có cái Driver Licence dằn bóp.
 
Bốn tháng đi chu du từ Santa Clara chỗ ở của thằng út mấy tháng đầu lập nghiệp tại Sunnyvale, ghé San José nhà hai bà chị chồng rồi gặp gỡ các bạn ĐH Phú Thọ của chàng.
 
Xuống Nam Cali dân Phú Thọ nhiều hơn miền Bắc, đa số lập nghiệp ở đây thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, biết chàng đi định cư ông nào cũng rủ, ông mua nhà gần tui cho vui.
 
Cái thẻ xanh lận lưng chưa có thế mà bạn chàng dẫn đi coi nhà mới ghê, coi cho biết với người ta chứ hai đứa tôi làm gì có tiền mua nhà bảnh như họ, vài bạn có hai ba căn nhà vừa ở vừa cho thuê.
Chợ búa thì cũng rảo một vòng, sợ nhất là khu chợ ABC, hàng quán không thiếu chỉ thiếu chỗ đậu xe cho dân ta đi chợ, ăn hàng quán ..., nên thính thoảng nghe vài lão chửi «đờ mờ» vì vừa hụt chỗ đậu xe làm ngán ngẫm.
 
Ngày nhận được thẻ xanh hai đứa vui như con nít được kẹo, chuyến này thôi lui tới với tổng đài điện thoại A.F xin đổi vé, mình về nhà thôi để trả lời hai đứa cháu nội từng hỏi, sao ông bà đi chơi lâu thế !
 
***
 
Trở về Pháp chàng nhờ văn phòng kế toán tiến hành thủ tục đóng cửa Văn Phòng Thiết kế Công Chánh (VPTKCC) hơn 20 năm hoạt động, đồng thời báo cho công ty BC biết ngưng hợp đồng với họ vì dọn nhà đi xa. Điều bất ngờ và thú vị là đại diện BC đề nghị chàng tiếp tục làm việc với họ, chàng chấp nhận ngay vì chàng chưa muốn về hưu, ký xong giấy tờ đóng cửa VPTK, chàng trở lại Mỹ, tôi phải ở lại để theo dõi kết quả đóng VPTKCC của chàng, đóng thuế on line và những thủ tục khác ...
 
Chàng gom tiền trở lại Mỹ, mua một chiếc xe cũ chạy đỡ, mấy ông thần Phú Thọ thay nhau dẫn chàng đi coi nhà, chà mạ ơi nhà cả triệu đô, mình đâu phải triệu phú.  Tiền Euros chuyển vô ngân hàng bên ni bị mất giá vì ngoài chi phí chuyển tiền, ngân hàng tự động mua lại đồng euro dưới giá thị trường, muốn mua nhà phải vay ngân hàng, tụi mình làm gì có income mà vay. Thế là chàng nẹo hai thằng con, mỗi đứa cho bố mẹ vay để có cái nhà trú mưa trú nắng, trong khi chờ mua nhà chàng mở VPTKCC mới để tiếp tục làm việc với BC bên Pháp như đã hứa với họ.
 
Thủ tục mở hãng bên ni chỉ mất một hai tuần, bên Pháp phải tính vài tháng vì phải qua các cơ quan hành chánh duyệt và cấp giấy phép hành nghề...
 
Sau khi có giấy phép hành nghề tại đây, chàng tiếp tục làm việc với hãng BC Pháp, tuy nhiên hợp đồng và hóa đơn đều phải soạn bằng tiếng Anh để nộp cho văn phòng khai thuế bên Mỹ cuối năm.
Nhờ thu nhập đó hai đứa tôi có tiền trả thuế nhà đất, hóa đơn điện, gaz, nước, đi chợ, đi chơi, vì vậy  chúng tôi an tâm mình không xin tiền trợ cấp (có xin cũng không được), không ăn bám xã hội.
 
Mỗi tháng hãng BC trả tiền cho chàng bằng cách chuyển khoản vô trương mục của VPTK qua ngân hàng BOA, ngoài chi phí chuyển tiền cố định, ngân hàng tiếp tục mua đồng euro dưới giá thị trường.
Tháng nào làm nhiều tiền tháng đó bị «thất thu» nhiều hơn, có khi lỗ cả ngàn dollars, biết làm răng khi mình như cá nằm thớt.
 
Có thêm tiền lương chàng theo hướng dẫn của các bạn mua căn nhà cũ, sau khi nhận nhà chàng thuê thợ tân trang mấy tháng trời, tôi ở bên Tây không hình dung nổi căn nhà như thế nào ngoài mấy tấm hình chàng gửi cho tôi.
Ngày tôi trở lại Mỹ, nhà vẫn đang tân trang cả tháng trời mới xong, sau đó hai đứa tôi đi mua bàn ghế, giường, tủ, nồi niêu son chảo..., rồi báo cho thằng út biết để nó xuống thăm bố mẹ.
 
Mấy tháng sau tôi mới đi thi lái xe, DMV gần nhà quá đông nên bạn bè khuyên nên ra vùng xa vùng sâu vắng hơn, tôi ghi danh tận Costa Mesa, thi lý thuyết lần thứ 2 mới đậu. Tháng sau đi thi lái xe, ba ngày trước khi thi, mỗi ngày chàng chở tôi tới DMV, canh thí sinh cùng giám khảo chạy thực hành, chàng ngồi bên cạnh để tôi lái xe theo đuôi thí sinh học thuộc lòng lộ trình thi.
 
Đến ngày thi thực hành, giám khảo là một cậu Mỹ trẻ đọc hồ sơ của tôi, rồi bảo tôi thử thắng, đèn trước sau, cần gạt nước..., rồi lên xe ngồi cạnh tôi, cậu vui vẻ hỏi :
- Bà gần 70?
 
Tôi hiểu ý cậu, trả lời :
- Sang năm tôi tròn bẩy mươi, vì tôi vừa đến đây nên phải thi để lái xe chứ tôi biết lái xe mấy mươi năm rồi.
 
Cậu gật đầu rồi ra lệnh «lên đường», tôi đi đúng lộ trình tôi đã lái theo đuôi của các thí sinh mấy hôm trước, chạy đến trước cái Park nhỏ cậu trẻ bảo tôi tấp vào lề và de xe. Lúc de xe tôi quay bánh xe cấn lề đường nên phải chạy tới rồi lại lui một lần nữa mới đậu xe ngon lành, cậu trẻ cười mỉm chi làm tôi đâm lo.
 
Sau đó tôi chạy lòng vòng mấy con đường gần đó rồi lái trở về DMV, chờ tôi kéo thắng tay, gài thắng parking và tắt máy, cậu trẻ giải thích:
- Giá bà chỉ de xe một lần chứ không phải hai lần thì tuyệt, tuy nhiên vì là chi tiết nhỏ nên tôi chấm bà thi đậu.
 
Tôi cảm ơn cậu, chờ cậu bước ra khỏi xe, chàng tiến tới, tôi gật đầu dấu hiệu tôi thi đậu, hú hồn từ nay tôi không còn lệ thuộc chàng nữa, mười ngày sau tôi nhận được cái Driver Licence dằn bóp.
 
Sang đây hơn một năm, lần đầu tiên tôi tự tin mình có thể tự đi đứng không làm phiền chàng nữa, đi chợ gần nhà ở tiệm Vons, Trader Joe’s, Aldi mua thịt cá..., rau thơm, mắm muối, khoai mì, rau muống... phải ghé Thuận Phát.
 
Điều vui nhất là tháng nào thằng út cũng xuống chơi với bố mẹ, nó thường mượn xe chạy ra biển chơi, có lần nó than phiền:
- Sao bố mua chiếc xe «bẹc cà na» (dở tệ, cũ xì) thế này, chả có caméra chi cả, chán thật.
Chàng phân bua:
- Bố mua xe chạy tạm đi coi nhà, mua nhà hết tiền rồi.
- Vậy chừng nào bố mới mua xe bảnh hơn?
 
Chàng thắc mắc:
- Ý con là sao ?
- Thì mua xe Hybrid!
 
Chàng gãi đầu:
- Từ từ bố sẽ mua.
Thằng nhóc chưa tha, nó đề nghị:
- Bố mua xe Hybrid đi, xe hơi cũ một chút cũng được, mình sẽ ủng hộ mười ngàn đô, bố hứa đi.
 
Chàng trố mắt nhìn thằng út :
- Tiền đâu mà con cho bố?
Út cười :
- Mình mới được tiền thưởng giữa năm, mình tặng bố một chút thôi, bố ok đi.
 
Chàng đành gật đầu, chuyến này chàng hết đường lùi, nhắm mắt mua xe theo đề nghị của út cưng của tôi cũng đâu có tệ, bỏ thêm tiền là có chiếc xe tiện nghi hơn xe cũ nhiều, riêng tôi sốt ruột chờ chiếc xe mới để de xe dễ dàng hơn hiện nay.
 
Khi chàng trở về Tây vì công việc thì út xuống với mẹ nhiều hơn, chở mẹ đi Laguna Beach, San Diego, ghé Newport beach mua cá tươi về chiên, kho với dứa.
 
Hơn ba mươi năm trước hai đứa bỏ xứ ra đi tìm Tự Do, ba mươi năm sau sắp bước vào tuổi 70 lại khăn gói lên đường băng qua đại dương làm lại cuộc đời, bên ni hay bên nớ nơi nào cũng là quê hương thương yêu của chúng tôi.
 
Vâng, HÀNH TRÌNH ĐẾN MỸ không đơn giản chút nào, hai đứa tôi đã hoàn tất cuộc di dời cuối đời với bao âu lo và vui mừng được đoàn tụ anh chị em bên nội và bên ngoại, nhất là được ở gần và chăm sóc út cưng của tôi.
 
Juin 2023 /Đoàn Thị 

Ý kiến bạn đọc
02/08/202311:01:43
Khách
Chào hoangnguyen, cảm ơn bạn ủng hộ bài này, hẹn gặp lại lần sau.
Thân mến.
21/07/202317:00:03
Khách
Lâu lắm mới được đọc bài của chị. Luôn yêu lối kể chuyện tươi tắn của chị. Mong anh chị an vui trên đất Mỹ và có nhiều chuyện mới kể cho bà con nghe.
06/07/202315:34:29
Khách
Chào bạn KDung,
Út cưng nhà mình di cư qua Pháp với bố mẹ lúc 3 tuổi nên xưng hô : Moi - Toi với mọi người giống như You - Me bên Mỹ.
Tôi xưng "Mình" khi nói chuyện với bạn bè nên Út hỏi "Mình" có phải là Moi của tiếng Pháp ? Tôi gật đầu.
Đa số trẻ con VN lớn lên ở hải ngoại đều xưng hô như vậy nhưng không có nghĩa là các cháu không tôn trọng bố mẹ và người lớn.
Lúc út 4-5 tuổi, khi bị bố phạt quỳ gối vì nghịch là bễ ly tách út khóc sướt mướt, tôi ôm con vào lòng an ủi, em nín đi mẹ thương em, chữ em ở đây là em út.
Vài hàng để bạn rõ, cảm ơn thắc mắc của bạn, chúc bạn một ngày an vui.
04/07/202306:54:00
Khách
Bài viết hay, có điều tôi không hiểu là tại sao cậu út cưng lại xưng "mình" mà không xưng "con" với bố mẹ?
30/06/202318:01:44
Khách
Phải chăng vì ham vui, hoặc cỏ xanh hơn ở phía bên nớ [the grass is greener on the other side], hoặc cảm thấy bất an trước tình hình chính trị/kinh tế/xã hội của Liên Âu ?
Bái phục bạn nate [nathaniel, nathan], câu hỏi trên của bạn là câu trả lời chính xác, nhưng chỉ đúng phần nào thôi vì "con tim" có những lý lẽ riêng đấy bạn ạ
Cảm ơn ý kiến của bạn, chúc bạn cuối tuần vui vẻ.
30/06/202317:32:18
Khách
Thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường cho tới bây giờ, người đọc chưa bao giờ xem cụ Nguyễn Du là thần tượng của mình [trái chiều với cố nhà văn Hoàng hải Thủy] vì cảm thấy "Truyện Kiều" nhàm chán [boring] và dài dòng [lengthy/tedious] văn tự.

Nhưng khi đọc bài này xong, nđ cũng hơi hơi tâm phục cụ ND qua hai câu thơ:

"Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao"

hoặc nếu không thì cũng thành ngữ:

"Ba chìm bảy nổi chín [cái] lênh đênh" mà thương và phục sát đất tác giả và phu quân.

Viết tới đây, người đọc chợt nhớ và bắt chước tác giả Phan [đã có bài được lên khuôn gần đây trong cột VVNM ngày 29/05/2023 với tựa "thoáng nghĩ tháng năm…"] nên cũng có vài "thoáng nghĩ" nhưng là "tháng sáu…” như:

Với số tuổi như vậy và đã vất vả tìm được mảnh "đất lành chim đậu", sao người bỏ ra đi Paris nào có tội tình gì ? Sao người bỏ ra đi Paris nào có lỗi lầm chi ?*

Phải chăng vì ham vui, hoặc cỏ xanh hơn ở phía bên nớ [the grass is greener on the other side], hoặc cảm thấy bất an trước tình hình chính trị/kinh tế/xã hội của Liên Âu ?

Sống và làm việc [hơn 30 năm] ở Hoa Kỳ [đệ nhất siêu cường] gần 50 năm, người đọc quả quyết rằng đất nước này không phải là nơi lý tưởng cho người già [seniors] thuộc giới trung lưu nếu so với Pháp.

["There's no doubt that the French retirement system is more generous than the U.S.," said Monique Morrissey, an economist at the Economic Enterprise Institute, a Washington, D.C. think tank.
https://www.usatoday.com/story/news/world/2023/06/06/retirement-age-france-strikes-is-us-better/70267693007/]

* Sao anh bỏ ra đi em nào có tội tình gì ? Thu Hường - Giọng ca Bolero Trẻ Tài Năng [Youtube]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,033
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Một ngày trước mùa lễ Giáng Sinh, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Trong đường dây điện thoại tôi nghe bà khóc. Vừa khóc bà vừa kể chuyện thằng Út bỏ học. Bà nói cả nhà chúng tôi ai cũng khuyên bảo to nhỏ với nó, nhưng nó không nghe. Nhà chỉ còn mình tôi là chưa khuyên răn nó. Mẹ tôi nói: "Con gần tuổi với nó nhất, biết đâu con khuyên răn được nó đi học trở lại." Tôi lặng người nghe mẹ kể mà không biết an ủi mẹ như thế nào. Tôi nói với mẹ cuối tuần này, anh Đức, một người bạn của tôi về thăm nhà tôi sẽ quá giang nhờ xe để thăm nhà và nói chuyện với Út để coi sao. Tôi nói bà hãy yên tâm. Tôi hy vọng rằng sẽ khuyên bảo được Út trở lại trường để học.
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.
Cách nay mấy tuần, tôi đến thăm một người bạn thân đang ở trong nhà dưỡng lão Elmwood House ở Quận Arlington. Cái khung cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời và thân phận tuổi già. Ra khỏi thang máy tầng lầu 2, trước mặt là một phòng rộng, bày biện mấy bộ salon, năm ba chiếc bàn vuông, bàn tròn sắp xếp gọn gàng; bên phải, bên trái là hai dãy hành lang dẫn vào các phòng ngủ – hun hút, im lìm. Năm bảy cụ quây quần trong phòng giải trí này chuyện trò, đánh cờ tướng, xoa mạt chược, chơi tứ sắc hay bài Tây. Bỗng tôi trông thấy ông Phan đang ngồi đánh cờ tướng với ông cụ cùng trạc tuổi ở chiếc bàn gần cửa. Một chút ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: “chẳng lẽ ông ta cũng vào nhà dưỡng lão?” Hỏi thế, bởi vì ông Phan có đến bốn đứa con học hành thành đạt, đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, tưởng chừng về già ông ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời nào ai biết chắc tuơng lai?
Cái gì? Trại hè Niềm Tin 10 hả? Trời đất quỷ thần ơi, mới ngày nào còn là trại Niềm Tin 1 mà bây giờ đã trại Niềm Tin 10 rồi sao? Thời gian đi nhanh khủng khiếp. Tôi vẫn còn nhớ….
Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thượng Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Bài viết mới của tg về câu chuyện muôn thuở: "Tình".
Ông Ronnie năm mươi bảy tuổi, Mỹ đen nhưng nhỏ con cũng xêm xêm Steven, đã thế mắt lại hơi xếch, tóc nối và thắt thành cái bím dài giống hệt mấy anh thổ dân da đỏ, lại giống đuôi sam mấy anh ba Tàu. Ông Ronnie có trách nhiệm giao và nhận hàng đến đi, hổng biết sao ổng lại nhanh nhạy như những tay thám thính, hễ trong hãng có động tịnh gì là ổng biết sớm nhất, ai còn ai bị ra đi, ai lên hương, ai xuống chó, phúc lợi thế nào… Ổng biêt hết ráo và luôn mách cho Steven, dĩ nhiên là lúc nào cũng kèm theo câu căn vặn:” Im miệng đấy nhé! Tao chỉ cho mày biết thôi đấy!”
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung, những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
Nhạc sĩ Cung Tiến