Thăm Con Du Học
Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2744-168815- vb7100309
Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ." Đây là bài thứ ba trong loạt bài ông viết về đề tài du học từ Việt Nam vào Mỹ.
***
Tiếng điện thoại reo làm tôi giật mình tỉnh giấc. Vội đưa tay chộp cái điện thoại, tôi nhìn lên đồng hồ treo tường: Gần 4 giờ sáng. Tôi bực mình, chỉ muốn vất cái điện thoại xuống sàn nhà. Bực vì mất giấc ngủ thì ít, mà tiếc cho giấc mộng đẹp thì nhiều. Trong giấc mộng tôi thấy mình và cả bà xã đều trẻ lại, cả thể xác lẩn tâm hồn, đến nỗi một con bướm bay qua hay một cánh hoa rơi cũng đủ làm tôi ngây ngất.
Chừng 10 giây sau vẫn không nghe tiếng ai ở đầu giây bên kia. Tôi định bỏ điện thoại xuống thì nghe có tiếng "A-lô."
Tôi vội đi xuống phòng khách, tránh làm kinh động giấc ngủ của vợ tôi. Bà ấy đang mỉm cười trong giấc ngủ. Biết đâu bà ấy đang tiếp tục giấc mộng đẹp của tôi.
-A-lô, tôi nghe đây-Tôi nói hơi lớn tiếng.
-Chắc bên Mỹ chừ cũng gần 7 giờ sáng. Một giọng nữ lạ hoắc.
-Ở Florida thì 7 giờ sáng, nhưng tôi ở Cali,
-Như rứa bên Cali 10 giờ sáng rồi.
-Không có chỗ nào bên Mỹ giờ này 10 giờ sáng cả.
-Ủa, vậy chớ mấy giờ"
-Không lẽ 4 giờ sáng cô đánh thức tôi dậy để hỏi giờ.
-Ủa...
-Ủa gì"
-Ngọc Lan đây, mẹ thằng Kha, anh không nhớ răng" Có chuyện gấp mới gọi anh Hai. Bây giờ Mỹ cho phụ huynh học sinh đi thăm con du học nhiều lắm. Em muốn anh cho biết chi tiết.
-À, thì ra là cô. Cô đến các phòng dịch vụ du lịch mà hỏi. Tôi chẳng biết gì hơn họ-Tôi nói hơi xẵng giọng.
-Rứa mà thằng Kha bảo em hỏi anh.
-Đương nhiên tôi có biết ít nhiều nhưng các dịch vụ bên Việt Nam rành hơn tôi. Cô trả cho họ 50 đô, họ hướng dẫn và làm hết cho. Thôi, để tôi nói sơ qua. Hồ sơ bên Việt Nam gồm có: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu; chứng minh tài chánh như mức thu nhập, sổ tiết kiệm, sổ nghiệp chủ nhà; giấy chứng nhận chuyển tiền sang Mỹ cho con học tập. Ngoài ra cần có khai sanh con, hôn thú để chứng tỏ có sự ràng buộc ở Việt Nam, không ở lại Mỹ. Bởi vậy đi một mình dễ hơn đi cả hai vợ chồng. Hồ sơ bên Mỹ tức hồ sơ của Kha, gồm có: Bản sao hộ chiếu, visa, I-94, I-20, bảng điểm, giấy chứng nhận đóng tiền học. Ngoài ra nếu Kha có giấy khen, bằng danh dự hay loại giấy gì tương tự như vậy, sao gởi về luôn.
-Vậy thôi hả anh"
-À, còn thư mời của trường Kha nữa.
-Vậy thôi hả"
-Còn nữa, cô phải điền mẫu đơn xin thị thực Không di dân DS-156. Hình như cô mới ngoài 40, nên phải điền thêm mẫu đơn xin thị thực không di dân bổ sung DS-157 dành cho người từ 16 đến 45 tuổi.
-Còn chi nữa không"
-Còn chớ, 131 đô lệ phí.
-Ủa, sao không lấy chẵn 130 hay 135 đô, mà lại 131.
-Cái này cô nên hỏi ông Đại sứ Michael Michalak.
-Em cám ơn anh. Anh xin cho em cái thư mời. Phí tổn bao nhiêu em cũng chịu.
-Chắc không có phí tổn gì đâu. À, mà coi chừng. Khi vào phỏng vấn cô làm cho mặt xấu đi. Đẹp như cô Mỹ không cho đi đâu,
-Răng rứa"
-Sợ qua lấy chồng, ở luôn.
-Cái anh quỷ này.
Tôi cảm thấy như bị phát vào người một cái sau câu nói đó. Tôi còn nhớ hồi ở Việt Nam, mỗi lần tôi nói đùa, Ngọc Lan thường kêu lên "Cái anh quỷ này" rồi phát vào lưng tôi một cái.
Tên thật của Ngọc Lan không đẹp như vậy, nhưng tôi không ghi rõ ra đây. Ngọc Lan người cùng xã với tôi. Tuy không có họ hàng gì với chúng tôi nhưng Ngọc Lan vẫn gọi ba mẹ tôi là cậu mợ và gọi tôi là anh Hai. Năm 1990 tôi ngạc nhiên nghe nói Ngọc Lan làm một chức gì đó khá lớn trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, một tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ v.v...của phụ nữ. Khi Ngọc Lan không còn ở trong Hội Liên hiệp Phụ nữ nữa, cô vẫn tham gia đều đặn các sinh hoạt của hội, nhất là các buổi hội thảo về vai trò của phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình, về nhân phẩm phụ nữ v.v... Bước sang năm 2004 Ngọc Lan bỗng giàu sụ lên, làm chủ nhiều cây xăng trong vùng, mặc dù cô hầu như chẳng tính toán gì nhiều trong việc kinh doanh, giống như cái tánh bạ đâu nói đó của cô. Ngay sau khi có chương trình Giao lưu Văn hóa (Tức du học sinh Việt Nam qua Mỹ học 10 tháng rồi về nước), Ngọc Lan cho Kha, thằng con trai độc nhất, đi du học ngay dù nó học rất kém, tiếng Anh cũng chẳng hơn gì, không đúng quy định của chương trình. Kha được cấp visa trong lần phỏng vấn đầu tiên, làm ai cũng ngạc nhiên. Vậy rồi Ngọc Lan chẳng ngại ngùng, nhờ tôi change status cho Kha, nghĩa là xin cho nó tiếp tục ở lại Mỹ học theo chương trình du học không giới hạn thời gian.
Trở lại chuyện Ngọc Lan làm thủ tục đi Mỹ. Một tháng sau Ngọc Lan gọi điện thoại báo tin mừng đã được cấp visa và nằng nặc đòi gặp vợ tôi.
-Bà ấy đi làm rồi- Tôi nói.
-Nhờ anh khẩn trương nói với chị mua giùm em các thứ sau đây: Một chai nước hoa Chà-neo thứ tốt nhất, 1 chai sửa rửa mặt hiệu chi cũng được, 1 chai kem lót phao-đê-sờn hiệu chi cũng được, 1 hộp kem dưỡng da Ê-li-da-bét Ác-đơn...
-Thôi, để bà ấy về, cô gọi lại. Tôi chẳng hiểu gì cả, mà ghi cũng không kịp.
-Cho em nói thêm 1 câu nữa. Có người bạn ông xã đi du lịch sắp về. Chị mua gấp mới kịp gởi. À, còn cái quần Jean nữa...
-Thôi, để bà ấy về cô nói luôn.
-Em "bay" anh nghe.
-Thôi, cô...bay.
Vợ tôi rất thích đi shopping, ngay cả đi shopping cho người khác, nên sau khi nghe Ngọc Lan gọi điện thoại nhờ mua, bà ấy đi ngay.
-Nordsrom Rack bán hàng rẻ, lại đang save. Phải đi mua gấp mới được mới kịp gởi-Vợ tôi nói.
-Em ra ngoài phố Tàu mua cho tiện.
-Ngọc Lan bảo mua thứ xịn nhất. "Nhớ mua bộ đồ như chị mặc khi về Việt Nam"-Ngọc Lan dặn vậy mà.
-Em lên Goodwill mua đi. Ngọc Lan không biết gì đâu. Thỉnh thoảng ở đó có nhiều loại áo quần mới và tốt lắm.
-Bậy! Tội chết.
-Em làm như Goodwill là thùng rác.
Hôm sau ông anh họ tôi từ Việt Nam gọi qua:
-Con Lan sắp đi Mỹ. Chú biết chớ. Nó nhờ chú xin thư giới thiệu của trường hả"
-Phải.
-Chú lấy nó bao nhiêu tiền"
-Trường đâu có lấy tiền.
-Sao chú dại vậy! Con Lan bây giờ giàu lắm. Sao chú không "chém" . "Chém" nó cũng không chết đâu. Nó không biết gì đâu.
-Thôi, để Lan qua đây rồi tôi tính sau.
Ông anh họ tôi cười:
-À, tôi biết thâm ý chú rồi. Con nhỏ hấp dẫn lắm. Nhưng coi chừng bà xã chú, cái miệng con Lan bạ đâu "ngôn" đó.
Thật ra tôi không có ý gì cả. Tôi nghĩ mình đã lấy lệ phí chuyển đổi tình trạng du học cho thằng Kha rồi, bây giờ còn "chém" má nó nữa, thì cũng hơi tàn nhẫn. Vả lại, rủi Ngọc Lan biết trường không lấy lệ phí thì sao. Kỳ lắm! Tôi không sợ Kha tìm hiểu việc này ở văn phòng trường. Nó không phải thuộc loại người tỉ mỉ. Nó lại rất ngại đến văn phòng trường mà ở đó ai cũng nói tiếng Anh như gió, chứ không phải nói chậm rãi như mấy bà giáo, ông giáo của nó. Kha từng thổ lộ với tôi như vậy. Có lẽ nó là một trong những học sinh giao lưu văn hóa hiếm hoi kém tiếng Anh. Không những nó kém tiếng Anh mà còn kém cả ... tiếng Việt; nói đúng hơn, nó chẳng có một kiến thức nào cả. Có lần tôi hỏi nó:
-Kha này! Sao con chẳng biết gì cả vậy"
-Biết gì chú""-Nó hỏi.
-Chú thấy con nói chuyện lịch sử Việt Nam với bạn gái con trật lất. Coi chừng bạn con cười.
-Nó cũng đâu biết gì.
-Nhưng rủi nó biết thì sao"
-Chú dạy con đi.
-Chú test con trước đã. Gia Long là ai vậy"
-Nghe quen quen.
-Gia Long con không biết, nhưng chắc ông này con biết. Trần Phú là ai"
-Tên trường của con.
-Thôi, chú không đủ sức dạy con đâu.
Tôi cười. Nó cũng cười.
Hôm nay tôi và Kha lên phi trường quốc tế Los Angeles đón má nó.
-Khi trở về, chú để con lái nghe.
Tôi biết thằng Kha muốn dợt le với má nó. Tôi nói:
-Ừ, nhưng đừng lái nhanh quá.
Cả hai đợi gần 3 tiếng đòng hồ kể từ lúc máy bay hạ cánh mới thấy Ngọc Lan ra.
-Sao lâu vậy má"
-Má đợi chị Việt Kiều gây nhau với anh hải quan Việt Nam.
-Ủa, hải quan Việt Nam đâu có ở đây. -Cu Kha hỏi.
-Chắc hải quan Mỹ gốc Việt-Tôi nói.
-Phải đó anh Hai.