Hôm qua thứ bảy, gần đi ngủ mới nhận được tin nhắn của sếp là đồ phụ tùng đã về, mong mọi người đi làm thứ bảy. Nói tóm lại lời nhắn tin là một sự mong cầu, hy vọng được giúp đỡ chứ không phải lệnh ban ra, bắt buộc mọi người vì báo tin quá trễ. Liền tiếp theo nhận được tin nhắn của hai ông bạn rủ nhậu từ chiều thứ sáu, nhưng tôi từ chối vì bận việc riêng. Hai ông đành dừng bữa nhậu cuối tuần dang dở để sáng thứ bảy còn đi làm vì lời nhắn tin của sếp không bắt buộc nên họ quyết định ngưng nhậu để đi làm thứ bảy như một sự hồi đáp bà sếp biết điều.
Tôi lên giường tối thứ sáu với suy nghĩ bình thường như nhiều người bạn, ngày xưa mong được đi làm thứ bảy để có thêm thu nhập, lương lại gấp rưỡi ngày thường nên tạo vây cánh trong hãng để đi làm thứ bảy. Những người không phe phái nên không được đi làm thứ bảy đành chuyển hướng đi làm nhà hàng hai ngày cuối tuần, hay bất cứ một công việc phụ nào đó để có thêm thu nhập vào hai ngày cuối tuần, có thể nói “nghỉ” không có trong tự điển của người di dân mới định cư. Ngày xưa, cái ngày xưa ấy có xa xôi gì với vài chục năm, với chính những con người ấy bây giờ đi làm thứ bảy như một miễng cưỡng, chẳng đặng đừng thì họ mới đi. Nói vậy, rất dễ hiểu lầm là mọi người đã giàu có hết rồi nên không cần làm thêm thứ bảy nữa. Không phải đâu, vì đã giàu thì ai còn đi làm làm gì với cái ngày xưa đã vài chục tuổi mới đến được nơi này, cộng thêm vài chục năm không thấy mặt trời vì sáng đi thì mặt trới chưa mọc, tối về mặt trời đã lặn từ hồi nào, suốt ngày chỉ biết ánh đèn trong hãng xưởng, nhà hàng, xưởng may, tiệm neo, tiệm giặt... Đến bốn bức tường còn biết ủ rũ thời gian huống hồ con người, nhìn ảnh chụp trên tấm thẻ ra vào hãng, ai cũng trẻ măng; chỉ khi nhìn đến độ cũ, sự bạc màu theo thời gian của tấm thẻ mới tin cái mặt già háp kia không xài thẻ giả.
Vài chục năm, không biết có đáng được xem như hạt bụi trong vũ trụ thời gian tính tỷ tỷ năm, nhưng vài chục năm đã nửa đời người. Đứa bé sinh ra ngày mất nước đã gần năm mươi tuổi, cuộc đời đã nếm trải bao thăng trầm vinh nhục, đã có lúc thở dài với ngũ thập tri thiên mệnh đến rồi. Đỏ hay đen cũng nửa đời đã thành quá khứ, đen hay đỏ nửa đời sau cũng chỉ biết dựa vào sức mình. Không ai thấy cái lưng mình như không ai thấy sự thay đổi của chính mình, nhưng thời gian trả lời người di dân cố bảo tồn tiếng mẹ đẻ, phogn tục tập quán, món ăn quê nhà thì được. Nhưng mưa lâu thấm đất, ở đây riết không phải sinh lười, chỉ sống với người Mỹ nên biết cơ thể cần nghỉ ngơi, tinh thần cần thư giãn. Nên chưa giàu cũng không nên đi làm thứ bảy, chủ nhật vì đã từng nhưng cũng có giàu đâu, và nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần cũng không nghèo hơn hồi mới sang đây…
Sáng nay chủ nhật, trời trở lạnh bất thường vì đêm qua gió mưa. Ba anh em chúng tôi lại rủ rê nhau ra quán cà phê ngồi tận hưởng trời mát khi mùa nóng đã về. Mới mấy hôm trước, trời tám chín mươi độ, người trong hãng cứ giành nhau mấy cây quạt chạy không thấy mát chỉ nghe ù tai, nhức đầu. Mùa lạnh thì không ai chịu để cây quạt chỗ mình cho chật chội, nhưng mùa nóng thì giành nhau như báu vật của đời, làm cho người giỏi tiếng Anh trở thành vô dụng vì không dám nói, người nói tiếng Anh không rành lại la làng, đình công, đòi bỏ việc ra về… cũng là một thay đổi mà người di dân không nhìn ra mình khác xưa cứ im thin thít dù bằng lòng hay không? Nhưng sự việc chỉ khiến người bảo trì trong hãng khó xử vì ông ta nhận lệnh từ cấp trên, ông ta chỉ được điều chỉnh máy điều hoà xuống tới bảy mươi hai độ thôi, xuống thấp nữa thì tiền điện hãng trả không nổi đâu! Không phải hãng mà là chủ hãng, chủ người Canada khi xưa không ngại mùa hè thấy nhân viên mặc áo lạnh trong hãng, nhưng chủ mới người Ấn độ, không ngại nhân viên khoả thân trong giờ làm. Chắc vậy!
Sáng nay trời như mùa thu đã về, dưới năm mươi độ thì ngồi quán cà phê với cái áo lạnh mỏng mỏng, nói chuyện tháng tư và quê nhà, biến cố lịch sử ảnh hưởng nhiều thế hệ, thay đổi nhiều con người; thay đổi nhất thời và thay đổi vĩnh viễn tùy hoàn cảnh, tùy người…
Một người bạn tôi nói, “có lẽ thế hệ mình là những người cuối cùng nói về ngày ba mươi tháng tư. Đời con mình sẽ không ai nói tới nữa vì nửa phần không biết gì về biến cố ấy, nửa phần còn lại thì không quan tâm…” Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta và hỏi, “vậy chứ anh biết gì về ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm?” Anh hùng hồn trả lời, “Biết chứ sao không biết! Cha tôi đi lính nên không biết tin tức là còn sống hay đã chết, hiện đang ở đâu? Mẹ tôi không tự quyết định được nên cứ theo xóm làng mà chạy giặc. Giặc ở sau lưng, dân chạy tới đâu thì giặc chạy tới đó. Tôi tám tuổi, cõng thằng em bốn tuổi trên lưng; mẹ tôi ẵm con nhỏ em út hai tuổi. Vậy mà bốn mẹ con chạy miết từ Đà nẵng vào tới Sài gòn. Hy vọng tá túc người bà con đã vào Sài gòn lập nghiệp, giàu có, thì người bà con đã bỏ nhà bỏ cửa đi nước ngoài. Mấy mẹ con tôi hết đường chạy nên hết sợ Việt cộng, lặn lội về lại Đà nẵng… thì cha tôi lại lặn lội vào Sài gòn để tìm kiếm vợ con. Cả nhà tôi tìm nhau không thôi đã cả năm trời, tôi có học hành gì đâu. Không phải tàu xe khó mà cha mẹ tôi đâu có tiền tàu xe, phải tìm việc làm và dành dụm tiền tàu xa để đi tìm nhau nên cả năm trời gia đình mới đoàn tụ. Tôi về quê đi chăn bò mướn cho người ta, mẹ tôi đi làm mướn cho người nào cho ẵm con theo thì làm vì em gái tôi còn quá nhỏ, thằng em trai may mắn nhất là được ông bà ngoại nuôi dùm… Cha tôi tìm được vợ thì thêm đứa con nữa còn ông đi tù cải tạo. Tôi trở thành trụ cột gia đình khi mới mười tuổi đầu…”
Người bạn trẻ nhất trong ba người chỉ cười nhăn răng khi nghe tâm sự vì anh biết gì đâu, năm bảy lăm em còn trong ngón chân cái ba em vì em sinh năm một chín tám mươi lận mà… Tôi cũng biết gì đâu mà tưởng mình biết nhiều như anh bạn người Đà nẵng, cùng lắm biết máy bay chiến đấu bay như xé toang, xé toạc bầu trời với âm thanh rùng rợn, tiếng bom dội xuống nổ long trời lở đất. Tiếng pháo kích của Việt cộng là trò chơi tuổi nhỏ vì đứa nào tuột xuống hầm trú ẩn trước nhất sẽ được khen thưởng. Đến ngày định mệnh của quê nhà thì chứng kiến người chết bên vệ đường, người chết không thân nhân đã đủ thành ký ức chiến tranh cho một đứa bé sống trong thôn xóm hiền hoà, đi học được cô giáo dạy khi thấy xe tang phải đứng lại với tư thế nghiêm, ngả mũ tiễn biệt người quá cố. Cũng đứa bé đó không gặp lại cô giáo để hỏi phải làm gì với người chết hai lần thịt da nát tan như nhạc Trịnh, người chết như hắt rổ tôm ra sân ở bến tàu, cầu cảng, sân bay…
Tôi biết về cuộc chiến tương tàn ở quê mình qua sách vở là chính, nhưng qua những nhân chứng sống đáng tin cậy là ở quán cà phê này. Những người có tên tuổi ngày xưa như bác Giai (cố thiếu tướng Đỗ Kế Giai) của Quân lực Việt nam Cộng hoà. Những lúc vui, bác trò chuyện với đời sau về sự thật lịch sử bên ly cà phê hải ngoại vẫn đen xì như tiền đồ dân tộc. Cố thiếu tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh Sư đoàn 18) cũng từng ngồi quán này trò chuyện với thân hữu Dallas. Biết bao người tên tuổi từng ngồi đây, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, luật sư, bác sĩ của Việt nam cộng hoà, có cả danh thủ túc cầu huyền thoại của miền nam là sư phụ Tam Lang cũng từng ngồi xuống bàn cà phê với đồng bào hải ngoại khi ông có dịp ghé thăm. Xin mạn phép được dùng từ “sư phụ” khi nói tới danh thủ Tam Lang vì ông thực sự là sư phụ của tôi khi ông làm huấn luyện viên đội bóng Trẻ Cảng Sài gòn. Nhưng trên hết vẫn là biết bao người lính cũ từng ngồi đây trong màu áo không còn binh chủng; áo thợ sửa xe, áo thợ sửa nhà, áo thợ sơn, áo người quét dọn hành lang trong bệnh viện, trường học… Khi người ta buông cây súng xuống thì không còn đổ nát nên không còn binh chủng; khi mặc áo thợ như nhau thì ai cũng làm công việc xây dựng. Tôi nghĩ thầm thôi chứ đâu dám nói ra với chú bác, đàn anh ở quán cà phê này.
Tôi biết về lịch sử qua những nhân chứng sống để kính trọng họ hơn những trang sách mô tả theo thiên kiến người viết hơn sự thật lịch sử, những nhân chứng sống như sự tương phản để đối chiếu với những trang sách đã đọc. Lịch sử là bộ môn đòi hỏi thời gian để kiểm chứng, lịch sử về về cuộc chiến ý thức hệ càng khó vì người viết sách nào chả có thiên kiến lệch về một bên. Những nhà viết sử miền nam đương nhiên nhìn vào cuộc chiến qua lăng kính tự do, dân chủ của hai nền Cộng hoà; ngược lại những nhà viết sử của miền bắc thì không thoát ra được đường lối, chính sách của đảng lãnh đạo.
Nhưng chân dung của cuộc chiến Việt nam từ khó có được chân dung đích thực đã tới hồi kết sau nửa thế kỷ không có tác phẩm văn học nào được cả hai bên công nhận là chân dung lịch sử. Sáng nay ngồi với hai người bạn thuộc thế hệ con em của lính. Ngẫm nghĩ về nhận định của người bạn Đà Nẵng, “có lẽ thế hệ mình là thế hệ cuối cùng còn nói về chiến tranh Việt nam…” Không muốn công nhận nhận định của anh ta vì chưa hết hy vọng khải hoàn cho miền nam Việt nam, nhưng cũng không có lý do chính đáng nào để chống trả cái nhận định đáng buồn ấy. Chỉ có sự thật chua xót phơi bày trong ký ức về góc quán kia, ngày xưa, ông lính già nào thường ngồi sau ngày làm việc. Ngày cuối tuần, mấy ông binh chủng tụ họp rôm rả góc này, góc nọ mấy ông Địa phương quân, Nghĩa quân thầm lặng như chính họ khi chưa gãy súng tháng ba, tháng tư. Mấy ông cảnh sát già ngồi bàn trung lập ở giữa quán như vẫn thi hành nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng cho đồng bào… Ôi những người lính cũ hôm nào đeo tấm thẻ bài trên cổ như vật bất ly thân, cộng thêm năm mươi năm cuộc chiến tàn nên nay họ không ở ngoài nghĩa trang thì ở trong Viện dưỡng lão. Thế hệ cuối cùng còn nhớ, còn nói về chiến tranh Việt nam khi tháng tư về trong hiểu biết nông cạn của danh nghĩa cũng là chứng nhân lịch sử, nhưng chỉ là chứng nhân chạy giặc như tôi với bạn tôi. Những chứng nhân tham chiến đã…
Góc quán tháng tư bái biệt những người lính cũ đã lui về quá khứ, những nhân chứng chạy giặc ngồi điền đơn về hưu non vì chạy đã quá nửa đời người, hết sức. Những lớp người Việt trẻ chỉ biết sơ sơ về cuộc chiến trong lịch sử Việt nam vì có cha anh là lính cũ, họ lịch sự lắng nghe hơn muốn hiểu biết. Những người trẻ du sinh đang đặt cược đời mình trên bàn cà phê ở hải ngoại về tương lai không ngoài tiền bạc. Họ đã đến được Mỹ với dứt khoát từ đầu là không trở về nên họ thậm chí còn không muốn nghe về hai từ Việt nam. Họ tìm cách ở lại Mỹ, kẻ chưa tìm được cách thì tiếp tục tìm bằng cách cứ đi làm nuôi thân, học hoài không tốt nghiệp cái gì hết thì không bị đuồi về cho tới khi có cơ hội được ở lại bằng hình thức khác như kết hôn với người có quốc tịch. Kẻ đã được ở lại thì lo kiếm tiền, nghe những người bạn trẻ du sinh nói ra những câu rởn gai ốc khi đã kết hôn được với bạn học có quốc tịch, “Anh ta phải có trong tay một triệu đô la trước tuổi ba mươi. Ba mươi tuổi mà chưa thành triệu phú thì tự tử chết quách đi cho rồi…” Anh ta không dám nói ra nhưng ngụ ý khinh thường người sống ở Mỹ đã mấy chục năm vẫn đi bấm thẻ ăn giờ. Anh phải khác, sẽ khác, và chờ xem sự khác biệt của văn hoá kim tiền xã hội chủ nghĩa…
Năm mươi năm là quãng thời gian không đáng kể trong vũ trụ tính tỷ tỷ năm, nhưng là nửa đời người, là ba thế hệ: Thế hệ tham chiến, thế hệ chạy giặc, thế hệ bỏ nước ra đi để làm giàu. Có lẽ nhìn lại từng góc quán một lần để tưởng niệm những bậc cha chú, đàn anh đã ngồi và trò chuyện với đời sau để chúng tôi hiểu biết hơn về chiến tranh ở quê nhà.
Lần bái biệt nào không ngậm ngùi, nhưng lần bái biệt này không phải chuyện cá nhân, không phải chuyện riêng tư. Lần này bái biệt cha anh sau nửa thế kỷ chiến cuộc tàn, trở lại đây làm gì nữa khi những người lính cũ đã vắng bóng. Người lính cuối cùng của cuộc chiến Việt nam đã ở tuổi xưa nay hiếm nên góc quán tháng tư xin nhường chỗ cho thế hệ không biết nơi đâu là chốn quê nhà…
Phan
- "Hôm qua thứ bảy,............................" = Con cóc trong hang
- "Tôi lên giường tối............................" = Con cóc nằm đó
- "Vài chục năm, ................................." = Con cóc cuồng chân
- "Sáng nay chủ nhật............................" = Con cóc nhảy ngang
- "Sáng nay trời như............................." = Con cóc nhảy dọc
- "Một người bạn tôi nói,......................" = Con cóc gặp bạn
- "Người bạn trẻ nhất............................" = Con cóc khoái tỉ
- "Tôi biết về cuộc................................" = Con cóc quen lớn
- "Tôi biết về lịch sử............................." = Con cóc hiểu nhiều
- "Nhưng chân dung của......................." = Con cóc lý sự
- "Góc quán tháng tư............................" = Con cóc thấm mệt
- "Năm mươi năm là............................." = Con cóc nhẩy về
- "Lần bái biệt nào không ngậm ngùi..." = Con cóc đi ngủ./.
P.S: Khả năng của người đọc chỉ có vậy. Độc giả nào giỏi hơn, xin cứ tự nhiên múa bút khoe tài. Biết đâu, thời vận tới thì công danh/sự nghiệp văn chương bay cao hơn diều gặp gió.