Hôm nay,  

Chiếc Xe Đạp

15/03/202314:14:00(Xem: 2646)

tg võ phú

Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.

*

Lúc mới đến Mỹ, ba tôi đã cho tôi một chiếc xe đạp.  Chiếc xe mà ba đã dùng để đi lại trong những năm đầu đến đất nước này cho tới khi bảo lãnh cả gia đình chúng tôi qua.  Chiếc xe đạp được ba mua năm mươi đô ở một buổi bán đồ tồn dư cuối tuần gần khu nhà mà ba thuê phòng.  Ba tôi ở chung với vài gia đình người Việt khác trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Springfield, tiểu bang Virginia.  Chiếc xe đạp rất nhẹ.  Bánh và yên xe có thể dễ dàng tháo gỡ và gắn lại mà không cần dùng cà lê hay mỏ lếch.  Cái yên xe được bọc một lớp lông màu trắng, có thể là lông cừu, rất mềm, êm, và thoái mái dù ngồi trên yên xe mấy giờ đồng hồ liền.  Chiếc xe đạp làm tại Nhật. Nó là một gia tài quý giá của tôi lúc bấy giờ.

Khi còn ở Việt Nam, tôi luôn ao ước có một chiếc xe đạp để đi học hay dạo chơi ở những buổi tối mát trời, hay những ngày lễ lớn như Tết, mồng tám tháng ba, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy, lễ Lao Động, ngày Nhà Giáo Việt Nam... Cả nhà tôi khi còn ở Việt Nam chỉ có một chiếc xe đạp duy nhất.  Chiếc xe đạp đó cả nhà tôi rất quý.  Mỗi lần muốn đi đâu, tôi đều phải năn nỉ anh trai cả ngày trời và phải có lý do chính đáng mới được cho mượn.  Lần nào mượn được, tôi cũng đi quá giờ và cũng bị đánh đòn.  Giờ có được một chiếc xe đạp của riêng mình, nên tôi trân quý chiếc xe đạp lắm.

Gia đình tôi gồm bảy người, ba mẹ và năm anh em trai sống trong một căn hộ hai phòng trên lầu ba của khu chung cư.  Những ngày đầu, tôi đều hì hục dắt chiếc xe đạp cất vào phòng vì sợ người ta lấy trộm chiếc xe đạp đi.  Lúc đầu ba mẹ và mấy người anh trai của tôi vẫn để cho tôi rinh lên rinh xuống, nhưng nhà thì chật mà để chiếc xe choáng cả đường đi, nên ba tôi mua cho tôi một ổ khóa để tôi khóa nó lại ở khu để xe công cộng.  Mỗi lần khóa, tôi đều cẩn thận khoá ở bánh sau và tháo bánh trước lẫn cái yên đem vào nhà khỏi sợ người ta lấy trộm chiếc xe ấy.            

Chiếc xe đạp đã cùng tôi đi khắp nẻo đường.  Tôi dùng chiếc xe đạp này đi từ trường trung học này đến trường trung học nọ để học thêm môn Anh Văn vào ban đêm cho đủ điểm tốt nghiệp trung học.  Có nhiều lần tôi đạp xe trong cơn mưa lạnh buốt đến nhà thì người và sách vỡ ướt mèm, rã rời.  Một lần đang đạp xe từ trường về nhà, trời mưa to.  Tôi cắm đầu đạp cho thật nhanh để về nhà, chợt nghe phía sau lưng tiếng còi xe.  Tôi giật mình, tấp vào lề, dừng lại.  Chiếc xe Toyota Camry đằng sau cũng dừng lại theo và đèn khẩn màu đỏ vàng chớp nháy liên hồi.  Trên xe bước xuống là một người phụ nữ có dáng người nhỏ, độ chừng năm mươi.  Cô ta là người Á Đông.  Cô ấy xuống xe và hỏi tôi:

- Chào cháu... Cháu là người Việt hả?

- Dạ, chào cô.  Cháu người Việt.

- Trời mưa lớn thế này mà sao không trú mưa mà đạp xe đạp vậy, nguy hiểm lắm.  Nhà cháu ở đâu?

- Dạ cháu ở Edsall Gardens, trên đường Edsall, gần tiệm Ames...

- Thôi lên xe đi, cô chở về cho chứ đạp xe thế này thì nguy hiểm quá.

- Dạ... Cám ơn cô... Nhưng...


Cô ấy nhìn tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp, cô chợt hiểu ý và nói:

- Không sao đâu.  Để cô chở về luôn.


Nói rồi cô mở cốp xe phía sau và giúp tôi bỏ chiếc xe đạp lên xe và chở về nhà giúp tôi.  Ngồi trên xe cô hỏi tôi vì sao mà ba mẹ tôi không chở tôi đi học mà để tôi tự đạp xe đi như vậy.  Tôi nói với cô ấy rằng gia đình tôi chỉ có một chiếc xe duy nhất và chỉ có một mình ba tôi biết lái xe.  Nhưng ba đi làm ca đêm, ban ngày ba ngủ, nên tôi phải tự mình đạp xe đi học.  Cô hỏi:


- Sao cháu không đi xe buýt mà đạp xe đi học:

- Dạ tại vì sau khi học xong ở Annandale, cháu phải đi học đêm bên trường Woodson nên phải đi xe đạp.

- Trời đất! Từ Annandale mà đạp qua tận Woodson luôn hả?

- Dạ.  Tại cháu học chậm nên phải học thêm mới đủ điểm ra trường.  Còn không cháu phải ở lại thêm một năm để học Anh Văn.

- Ờ ... Cực cho cháu quá...


Hai cô cháu nói chuyện một hồi thì cũng đến chung cư nhà tôi.  Cô ấy giúp tôi khiêng chiếc xe đạp xuống và chia tay tôi.  Sau này tôi nghe cô bạn học chung trường kể lại mới biết thì ra cô ấy là bác của bạn tôi.

Chiếc xe đạp còn giúp tôi dạo vòng quanh xóm này đến xóm nọ để tìm việc làm, cắt cỏ thuê.  Ngoài ra, vào những dịp cuối tuần tôi cũng đạp xe đến nhà những người bạn để chơi.  Tôi có một người bạn thân, cả hai cùng thích sưu tập tem, nên cả hai thường đạp xe đến tiệm bán tem cũ trong khu chợ Springfield Plaza hoặc đạp xe ra bưu điện để mua tem.  Mỗi cuối tuần, chúng tôi đều đạp xe lang thang để mua tem từ những tiệm bán tem và tiền cũ ở Springfield đến Alexandria.  Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đạo xe dạo công viên này đến công viên nọ... Có một lần, chúng tôi tổ chức một buổi đạp xe dạo công viên cùng với nhóm bạn người Việt chung trường ở một công viên xa nhà.  Chúng tôi hẹn gặp nhau ở công viên Lake Braddock và đạp xe vòng hết bờ hồ công viên.  Khi chúng tôi gặp nhau ở trước cổng công viên, một người bạn nhìn chầm chầm vào tôi và chiếc xe đạp khúc khích cười.  Thấy vậy tôi hỏi người bạn kế bên:

- Ê Trí, mày biết thằng John cười gì vậy không?

- Không biết.  Kệ nó đi.

Tuy nói kệ, nhưng Trí vẫn hỏi:

- Ê John, mày cười gì vậy?

- Tao cười bạn mày.... Đạp xe vòng công viên mà dùng xe đạp đó.  Mà lại xe đạp nữ nữa mới chết...

Thằng Trí nhìn qua tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp của tôi, nói:

- Ừa, nó nói tao mới để ý. Sao mày không mua chiếc mountain bike, mà đi mua chiếc xe của con gái?

- Chiếc này không phải hả?


Cả đám tủm tỉm che miệng cười.  Thằng Trí nói tiếp:

- Ừa xe con gái.  Mày không thấy cái sường xe hả.  Của con trai nó nằm ngang, không xuôi như vầy.  Và còn cái yên nữa, lông lá tùm lum.  Chỉ có con gái mới đi loại xe đạp này.

- Nhưng chiếc xe này êm lắm... Xe đạp nào cũng là xe đạp thôi.  Có gì mà phân biệt...

Thằng John nói:

- Chắc nó là bê đê nên mới đi xe của con gái.  Thôi kệ thằng bê.  Mình đi nào...

- Thì kệ tao.  Có xe đạp đi là được.  Con gái con trai gì cũng mặc tao...


Tuy nói ngoài miệng như vậy, nhưng trong đầu tôi lúc đó cứ suy nghĩ miếc về sự khác biệt giữa xe đạp nam và xe đạp nữ.  Hồi tôi còn ở Việt Nam làm gì có phân biệt xe đạp của nam hay của nữ. Ở cái xứ này sanh ra đủ thứ chuyện.  Giống y như câu người xưa thường nói: "Phú quý sinh lễ nghĩa" rồi đẻ ra, phân biệt của nam của nữ cho bán được nhiều xe hơn... Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng từ lúc biết được chiếc xe đạp của phái nữ, tôi cũng ít dùng khi tụ tập bạn bè trong nhóm bạn hơn.  Tôi không muốn bị chúng bạn cười cợt, nhưng tôi vẫn thích chiếc xe đạp này.

Sau hơn một năm sống ở Mỹ, tôi mới biết rằng việc mua xe đạp ở đây rất dễ dàng và hầu hết con nít ở Mỹ đứa nào cũng có một chiếc xe đạp riêng, nên không ai lấy cắp chiếc xe giống "đàn bà" của tôi làm chi.  Tôi không còn tháo bánh xe trước và yên xe đem vào nhà nữa.  Nhưng tôi vẫn khóa chiếc xe lại để mấy đứa con nít trong cùng khu chung cư khỏi phá chiếc xe yêu quý của tôi. 

Ba năm sống ở Mỹ, tôi cũng học lái xe hơi và được nhà trường cấp bằng lái xe tạm trước khi ra tòa án lấy bằng chính thức.  Học sinh trung học được phép lấy bằng lái xe do nhà trường dạy mà không cần phải ra sở lưu thông để thi lấy bằng lái như người lớn. Tuy có bằng lái xe hơi, nhưng tôi vẫn dùng chiếc xe đạp đi đây đi đó mỗi khi có việc cần mà không muốn làm phiền gia đình hay anh trai. Chiếc xe đạp đó đã gắng bó với tôi gần bốn năm trời từ ngày tới Mỹ cho đến lúc tôi đi học xa nhà.

Tôi tốt nghiệp trung học và đi học xa nhà, bỏ lại chiếc xe đạp ở khu chung cư.  Lúc đi, tôi dự tính sẽ đem chiếc xe đạp theo sau khi ổn định nơi ở.  

Mùa lễ Giáng Sinh được nghỉ học, tôi đi ké xe của một người bạn chở về khu chung cư với gia đình.  Vừa về đến nhà, tôi chạy ra nơi để xe, chiếc xe đạp của tôi không còn nữa.  Tôi hỏi ba mẹ và mấy anh chị em, nhưng không ai biết số phận của chiếc xe đạp đó kể từ khi tôi đi đại học. Tôi chạy qua văn phòng cho thuê nhà hỏi họ thì mới biết là họ gởi thông báo dời khu để xe đạp qua một nơi khác để xây thùng thư ngoài trời.  Luật mới của bưu điện lúc bấy giờ là không dùng thùng thư bên trong chung cư nữa mà bắt buộc xây thùng thư bên ngoài.  Nhưng vì thông báo mà không ai đến lấy, nên họ đã cắt ổ khóa và đem tặng chiếc xe cho hội từ thiện.  Nghe cô thu ngân ở văn phòng cho thuê căn chung cư nói vậy, tôi tức tốc mượn xe của ông anh trai chạy đến nơi bán đồ từ thiện để tìm chiếc xe đạp của mình, nhưng không thấy nó đâu.  Có lẽ người ta đã mua chiếc xe đạp đó rồi.  Tôi mong rằng chủ nhân của chiếc xe đạp ấy cũng yêu quý chiếc xe đạp mà tôi từng yêu quý...

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ chiếc xe đạp đó là chiếc xe đạp tốt nhất mà tôi có được từ trước đến nay.

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
16/03/202306:36:15
Khách
Một bài viết hay .
Trước 75, ba tôi dẫn đi xem phim Những Kẻ Trộm Xe Đạp- phim Ý xưa 1948, và thuộc loại trắng đen- ở Viện Văn Hóa Pháp, Sài gòn . Phim rất hay và cảm động .
Nay có thể tìm thấy lại phim này trên YouTube, và ấn chọn cc để xem phụ đề tiếng Anh:
https://www.youtube.com/watch?v=TVw2ctnL22M
Bicycle Thieves
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,729
Cách đây mười ngày, trên một ngã tư đèn xanh vừa bật, nhưng một xe Lexus màu đen vẫn đứng yên, tiếng còi xe phía sau vang rền; cả một quãng đường đột nhiên bị tắc nghẽn; năm phút qua đi, nhiều tài xế sốt ruột mở cửa xe chạy đến chiếc Lexus, thấy một người đàn ông nằm gục trên tay lái. Người ta gọi 911 chở ông ta vào bệnh viện và kéo chiếc xe đi.
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử. Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.
Nhạc sĩ Cung Tiến