Hôm nay,  

MỘT MẨU CHUYỆN ĐỜI: THÙ DAI

14/03/202314:11:00(Xem: 5249)

 

Tác giả sinh năm 1941, dạy học từ năm 1964 đến 1975. Định cư tại Mỹ 1991 nay đã về hưu và sống tại Orange County, California.

 

 ***

Không biết do bẩm sinh hay sao mà bộ nhớ trong não bộ tôi in chặt những gì làm tổn thương đến bản ngã của tôi. Nó in chặt, giống như một người keo kiệt cất kỹ vàng bạc hột xoàn trong một két sắt. Năm nay tôi đã vào đại học được hai năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ những kỷ niệm đen thời thơ ấu, lúc tám, chín tuổi, thì tôi hầu như sống lại toàn bộ những hoạt cảnh.

 

Khi gia đình tôi qua Mỹ năm 1975 định cư trong một tiểu bang miền Đông, tôi mới có hai tuổi, chị gái của tôi đã tám tuổi. Mẹ tôi vốn giỏi tiếng Anh, tìm được việc làm ngay trong sở xã hội; còn bố tôi chỉ giỏi tiếng Pháp, nên phải đi học thêm tiếng Anh; ông làm nhiều nghề linh tinh, cũng khá vất vả trong những năm đầu; nhưng ông rất thông minh, trong bốn năm ông đã học xong ban cử nhân, tìm được việc làm trong chính phủ, tương đối nhàn nhã.

 

Hai chị em tôi vào học trường Mỹ, chỉ vài năm là nói tiếng Mỹ như gió; ở trường về, hai chị em chỉ nói với nhau bằng tiếng Mỹ; lạ một điều, chúng tôi không học tiếng Việt, nhưng cha mẹ nói với nhau bằng tiếng Việt chúng tôi hiểu hết mà không diễn tả được. Nhất là khi hai người to tiếng với nhau thì chúng tôi nháy mắt biến vào phòng riêng.

 

Mẹ tôi hầu như lép vế, im tiếng trước, khi bố bắt đầu quát tháo. Tôi không hiểu sao ông dễ nổi nóng. Về mặt thể chất, hai người trái ngược nhau; mẹ tôi mỏng- manh; bố tôi vạm vỡ. Có lần ông quát to và giơ tay lên như sắp táng vào mặt mẹ tôi; mới tám tuổi, mà không biết sức gì thúc đầy tôi lao vào đứng giữa hai người, che chở cho mẹ.

 

Như người ta nói “giận cá chém thớt”, bố tôi túm lấy tóc tôi, dí đầu tôi vào tường sắp sửa giộng vài cái thì chị gái tôi hét lên nói chị gọi cảnh sát. Bố tôi như bừng tỉnh từ một cơn điên, buông tôi ra; nếu không, tôi đã bị chảy máu đầu.

 

Sau trận đó, bố tôi trở nên lầm-lì. Nhà bốn phòng, mỗi người đóng kín mình trong phòng, như bốn cái bóng. Nhưng tôi biết rõ, hai chị em tôi đứng về phía mẹ tôi, khiến cho bố tôi hầu như bị cô lập. Có sách nói, trong mỗi đứa trẻ đều có mặc cảm Oedipus, con trai yêu mẹ ghét cha, con gái yêu cha ghét mẹ. Nhưng rõ ràng chị tôi yêu mẹ và bênh mẹ vô cùng; còn tôi tự xét tôi không chịu nổi hành động mạnh bắt nạt yếu; mẹ tôi mảnh- mai như thế, hiền dịu như thế. Chẳng phải vì tác động của giới tính.

 

Chị tôi nói chị muốn mau hết trung học để ra khỏi nhà. Có lần tôi hỏi chị, mai sau có chồng, nếu chồng chị đánh chị thì chị phản ứng cách nào; chị nói chị chẳng muốn lụy về chồng con. Rồi chị cười lớn, hỏi lại, nếu em có vợ, em có đánh vợ không?   Tôi nói, em sợ là vợ đánh em thì có; hai chị em cười vang.

 

Lớn dần lên, tôi vùi đầu vào thư viện, lục lọi sách vở, tìm hiểu xem tại sao bố có chữ nghĩa nhiều mà lại hành xử “barbaric” như thế.

 

Tôi bắt được một bài nói về phân tâm học, theo đó những kinh nghiệm thời thơ ấu, ngoài yếu tố bản năng hay di truyền, có thể định hình tâm tính hay cách hành xử của một người trưởng thành, dù người đó có trí thức cao thế nào. Những kinh nghiệm gây ấn tượng mạnh thường ngủ ngầm như con thú trong hang mùa đông, sẽ bùng dậy lập lại những hành động mà bản ngã đã thụ động nhận, hướng vào một người khác để trả thù.  Rất nhiều hành động của người trưởng thành là những hình ảnh phản chiếu từ tấm gương thời thơ ấu.

 

Bố tôi tốt nghiệp đại học Mỹ, làm sở Mỹ với lương bổng no đủ, mua nhà Mỹ; coi như bố thành công trong giấc mơ Mỹ; nhưng “mối thù dai” như con sâu nằm trong cây mía khiến bố có hành xử kỳ cục (weird) mà bản ngã bố không tự nhận ra. Trong nhà, bố biểu tỏ uy quyền với vợ con, nổi giận khi  ai trái ý với mình; có ai nêu một khuyết điểm của bố, thì lập tức bố moi một lỗi nào của một ai đó lên để lấp- liếm lỗi của mình; tuồng như bố tự khoác lên mình cái nhãn hiệu là người hoàn hảo, không bao giờ sai lầm; ngoài xã hội, người nào hơn bố về học hành, danh vọng, tiền bạc thì bố hay moi móc khuyết điểm nhỏ của họ để chế diễu, mỉa mai.

 

Từ đó, tôi bắt đầu tò mò, tìm hiểu xem thời thơ ấu của bố tôi đã xảy ra những biến cố quan trọng gì.

 

Rình khi bố vắng nhà hai ba ngày, tôi vào phòng bố lục tìm, thì quả nhiên thấy một cuốn hồi ký bố đang viết bằng tiếng Anh, đã được năm chương sách rồi. Bố giỏi chữ nghĩa nên viết hay lắm, như một cuốn tiểu thuyết tự thuật đời mình từ khi còn nhỏ ở nhà quê miền Bắc Việt Nam.

 

Đọc nhanh hai chương đầu, tôi mới thấy gia đình tôi là một bi kịch mà mẹ tôi là nạn nhân trực tiếp. Thuở nhỏ ở nhà quê thời còn chế độ phong kiến và thực dân, bố tôi nhà nghèo phải đi chăn trâu cho một nhà giàu trong làng; khi phạm một lỗi lầm, ông thường bị chủ túm tóc đập đầu vào thân cây. Tôi hiểu ra rồi; cái thù hận đó đối với người có tiền có quyền tạo thành một khối u uất vô thức trong tâm bố tôi, chờ dịp trả thù. Khi làm chồng, làm cha, ông tưởng ông có quyền; cái khối u vô thức thù hận bùng lên khi ông nắm tóc tôi muốn giộng vào tường, như thể lập lại hành động của ông nhà giàu. Thù dai trăm năm! Hành động hay lời nói bạo lực là mặt trái của mặc cảm thấp kém, bị sỉ nhục thời ấu thơ.

 

Nghĩ đến đây, tôi bỗng rùng mình; coi chừng chính tôi cũng bị khối u thù hận đó tác động một lúc nào khi tôi có vợ con.

 

Chương sách tiếp theo cho tôi biết bố tôi đã có một đời vợ trước khi lấy mẹ tôi; ông bày tỏ một mặc cảm tội lỗi đối với cả hai người phụ nữ; vừa phản bội người vợ đầu, vừa lừa dối người vợ sau. Theo như ông viết thì bà vợ trước vẫn còn sống và hình như ông có ý định trở về quê xưa thăm bà ta. Thương mẹ tôi quá. Mong sao cho mẹ đừng biết chuyện này.

 

Tôi không còn can đảm đọc tiếp những chương sau. Tôi cất cuốn hồi ký cẩn thận vào chỗ cũ.

 

Hồi đó tôi đang học lớp 11 và chị tôi sắp tốt nghiệp ngành nha. Chị viết thư nói khi ra trường đi làm chị sẽ nuôi em học đến nơi đến chốn, còn bây giờ em phải chăm sóc mẹ cho kỹ; khi lên đại học em nên tìm một trường gần nhà, đừng xa mẹ.

 

Tôi có cảm tưởng chị cũng đã biết một điều gì đó.Hình như mẹ tôi tìm quên trong kinh kệ; tôi cũng yên tâm.

 

Mùa hè trước khi tựu trường cho năm trung học cuối cùng, tôi suy nghĩ ngày đêm xem mình có năng khiếu ngành gì để chuẩn bị hồ sơ đại học. Suốt 11 năm học trong trường Mỹ, tôi đã được huấn luyện cách suy nghĩ độc lập, phát biểu tự do ý kiến của mình về một vấn đề, sẵn sàng tranh luận với những bạn khác có ý kiến trái chiều. Tôi hay đối chiếu cách giáo dục đó với  

hành xử của bố mẹ tôi. Tôi thấy cả bố mẹ đều chịu một nền giáo dục khác với tôi bây giờ, mà chính cha mẹ cũng chịu hai nền giáo dục khác nhau.

 

Mẹ tôi hay nói: “Ông bà đã nói thế; các cụ ta xưa nói thế”, tuồng như những điều các cụ nói là vĩnh viễn đúng, con cháu chỉ việc theo không bàn cãi. Còn bố tôi thì sao?

 

Bố tôi có một số bạn người Việt, hàng tháng hội họp chè chén ở nhà. Tôi quan sát các bác nói chuyện vê đủ mọi đề tài. Rất nhiều lần, tôi thấy bố tôi cao giọng: “Các anh có quyền giữ ý kiến riêng của các anh, nhưng đừng bắt tôi bỏ niềm tin của tôi vào những chân lý mà các ông X., ông S., ông M. đã nói”.

 

Tôi chán cái thái độ của bố. Trước một vấn đề của đời sống cụ thể, chính tôi phải nghĩ gì để tìm ra giải pháp, chứ không phải theo ông A, ông B đã nghĩ. Họ nghĩ theo hoàn cảnh cụ thể của họ, tại sao phải bắt chước họ áp dụng vào hoàn cảnh riêng của mình?

 

Tôi nhớ có lần thầy giáo tôi gọi về nhà, gặp mẹ tôi bắt điện thoại; thầy nói tuần sau thày sẽ tổ chức cho một số học sinh đi thăm một khu rừng nhân tạo trồng các loài thảo mộc hiếm có cần bảo tồn, tôi là một học sinh được chọn đi. Mẹ tôi mau- mắn nói bà ưng thuận cho tôi đi; nhưng thầy giáo nói, thầy muốn nói chuyện trực tiếp với tôi; ý kiến của tôi mới là chính.

 

Trong mùa hè này, tôi phải quyết định chọn ngành học; tôi không hiểu sao chị tôi chọn ngành nha khoa mau chóng dễ dàng, học nhanh gọn đến thế. Có lẽ tôi do dự giữa hai khuynh hướng, khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên; còn về nghệ thuật thì chắc chắn tôi không có năng khiếu gì. Giữa bi kịch gia đình, tôi muốn đào sâu tâm lý của bố mẹ, và có thể cả bối cảnh lịch sử xã hội đằng sau họ. Tôi rời Việt Nam năm 2 tuổi, có biết tí- ti gì về quê hương đâu; đối với tôi, Việt Nam giống như một xứ sở xa lạ, như nước Nigeria, nước Peru, nước Congo…

 

Khi đọc truyện bố kể lúc nhỏ đi chăn trâu, tôi không thể nào hình dung ra con trâu như thế nào; tự hỏi tại sao một đứa trẻ lại không ở trong trường học mà lại ở ngoài cánh đồng chăn trâu suốt ngày. Đúng vậy, trên đường phố ở Mỹ vào giờ học, có thấy đứa trẻ nào lang thang một mình đâu?

 

Nhưng rõ ràng tôi chẳng thuộc chủng tộc trắng, đen, hay đỏ; dù là da vàng, cũng chẳng phải người Tàu, người Nhật. Tôi nhớ cuốn tiểu thuyết ROOTS của nhà văn da đen Alex Haley (1921-1992), xuất bản năm 1976, chiếu thành phim năm 1977. Tại sao tôi không thể làm như ông Haley, tìm lại nguồn gốc Việt của mình?  Cái việc bố tôi nắm đầu tôi giộng vào tường không chỉ đơn giản là một chuyện gia đình nhỏ nhoi; nó hầu như là hệ quả của cả một thảm kịch lịch sử của dân Việt.

 

Suy nghĩ miên man suốt mùa hè, tôi quyết định sẽ theo ngành sử học. Tôi viết thư cho chị nói về chọn lựa của mình, nhưng chỉ e học ngành này không kiếm được tiền nhiều như ngành y sĩ, kỹ sư vi tính. Chị trả lời, em cứ theo ý thích của em mà học, cứ theo đuổi đam mê của mình đến cùng. Có vấn đề gì về tiền bạc, chị sẽ hỗ trợ em. Tôi cảm ơn chị.

 

Khi tôi nói quyết định của tôi, mẹ bảo tùy con thích thì cứ học; còn bố tỏ vẻ bất mãn, nói học môn đó, biết bao giờ mua được nhà? Nhưng ông biết tôi đã từng chống ông, nên cũng không bàn gì thêm. Tôi lấy làm lạ, ông muốn một mái nhà, một mái gia đình, thế mà ông gây bao phiền muộn trong căn nhà đó. Mái nhà này, ông coi nó như một sân khấu để ông diễn một vai kịch với vợ con; có lẽ vô tình ông khiến vợ con ông cùng trở thành diễn viên kịch. Chị tôi đã ra khỏi sân khấu đó, may cho chị.

 

                       

Tôi mê say đọc sách sử, có kiến thức nhiều về lịch sử xã hội Việt Nam; càng ngày tôi càng nhìn rõ bi kịch gia đình tôi, nhưng tôi im lặng không bày tỏ cho ai, ngay cả chị tôi.

Khi tôi đậu xong cử nhân, chị tôi nói em nên học tiếp ban cao học, nên đào sâu một vấn đề mà em quan tâm. Tôi xin một chân giáo viên môn sử tại một trường trung học để    tự sinh nhai, đồng thời nghe lời chị.

 

Tôi đã thuê một căn hộ gần trường học, để có không gian yên tĩnh làm việc.

Một hôm tôi nhận được một bì thư của mẹ tôi gởi; tôi linh cảm có một biến cố gì quan trọng xảy ra. 

 

Bức thư dài hai trang đánh máy, gởi cho hai chị em. Mẹ viết, mẹ và bố đã ra tòa đệ đơn ly dị; căn nhà đã bán chia đôi để bố lấy tiền về sống ở Việt Nam luôn. Phần của mẹ chia đôi cho hai con; mẹ đã mua một cái cốc nhỏ trong một ngôi chùa ở tiểu bang California ấm áp cho tuổi già, sẽ sống như một cư sĩ; khi chết, nhà chùa sẽ lo tang lễ và hỏa thiêu; các con không phải lo gì, chỉ về dự nghi lễ thôi.

 

Tôi thẫn- thờ buông lá thư, thương mẹ. Mẹ đã hy sinh một đời cho hai con. Những điều tôi biết về bố qua cuốn hồi ký, thì mẹ tôi còn biết nhiều hơn, nhưng câm lặng bao năm.

1976, một năm sau khi qua Mỹ, em gái của mẹ, tức là dì của chúng tôi còn ở Việt Nam viết thư cho mẹ, báo vợ cũ của bố tôi từ Bắc vào Nam tìm chồng.  Chắc bà ta trong giới cán bộ nên tìm ra địa chỉ của mẹ. Khi biết chồng bà ta đã theo mẹ qua Mỹ, bà ta có vẻ thất vọng ra về.

 

Mẹ tôi buồn-bã trong tim, nhưng kể lại cho bố, nói ông nên về với bà ấy; việc ông lừa dối tôi, lấy tôi như một chiếc bình phong cho hoạt động của ông, thì bây giờ tôi trả lại ông cho bà ấy; chỉ xin ông giữ bí mật không cho các con tôi biết, cho đến khi chúng nó tốt nghiệp đại học.

Mẹ nói, tôi đã học nhiều về lịch sử dân tộc, mẹ không cần giải thích, tự con tìm hiểu. Mẹ lớn lên trong nền văn hóa Nho giáo, việc chồng con do ông bà quyết định; không như các con ngày nay, tự do trong luyến ái và hôn nhân.

 

Trong bữa tiệc chia tay, bố tôi ngượng-ngùng xin các con tha thứ cho bố; bố tự nhận lỗi, vì không có can đảm suy nghĩ độc lập; bố suy nghĩ, hành động, nói năng hầu như một thứ phản xạ từ cái mớ tín điều ăn sâu trong tim óc bố; bố như cái cây đang sống, sợ bị bứng gốc đi trồng đất khác sẽ không kịp bén rễ mà chết. Bố thú nhận bố chỉ là con ốc vô tri trong một guồng máy.

 

 Tôi cảm thấy thương hại cho ông; bây giờ ông chỉ là một con ốc rỉ sét mà người ta đã quăng vào sọt rác, thay bằng những con ốc mới, không còn vận hành guồng máy bằng những tín điều lỗi thời mà bố vẫn ôm giữ khư-khư.

 

Hai chị em tôi đưa mẹ về tiểu bang Cali, ổn định chỗ ở cho mẹ. Nhìn mẹ thanh thản, an nhiên tự tại, chúng tôi đều mừng, nói chúng con sẽ hàng tuần gọi về thăm mẹ.

 

Một năm sau, dì chúng tôi viết qua cho biết bố tôi đã bị người ta đưa vào viện dưỡng lão sống khổ cực lắm, sau khi bà vợ cũ moi hết tiền.

 

                                                                                                Đào Ngọc Phong

                                                                                    Califiornia ngày 1 tháng 2 năm 2023

Ý kiến bạn đọc
11/04/202317:37:50
Khách
Bài viết hay, cảm ơn tác giả.
29/03/202311:12:26
Khách
bài viết luyên thuyên, vô nghĩa
16/03/202313:29:03
Khách
Bài viết rất hay và phản ảnh bi kịch cuả nhiều gia đình VN. Một nguời sống lừa dối với mọi nguời, kể cả vợ con, thì truớc sau gì cũng bị nguời khác lưà dối. Rốt cục nạn nhân vợ con của ông bố đuợc giải thoát vì chính ông bố tự đào hố chôn mình.
15/03/202320:46:26
Khách
" Đừng lo không tìm được người để kết hôn, mà nên lo là nếu có gia đình , thì có sẽ duy trì được hạnh phúc gia đình không", tôi nghĩ như vậy .
Có người cho rằng có sự hên, xui trong việc lập gia đình. Hên thì lấy được người tốt, xui thì xung khắc, bạo hành, tan vỡ.
Xung khắc thì có thể " lâu dần mọi chuyện cũng quen hoặc qua" hoặc trong trường hợp xấu nhất là đưa đến tử vong. Thế nhưng bị kẹt giữa hai bên là con cái bị chấn thương tâm lý .
Bạo hành thì có nhiều nguyên nhân. Ở nước Mỹ cũng có bạo hành trong gia đình. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị bạo hành- tỷ lệ 35%, và cứ 4 người nam thì có 1 người bị bạo hành- tỷ lệ 28 %. Ở mức bạo hành tệ, thì cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị bạo hành tệ, và cứ 7 người nam thì có 1 người bị bạo hành tệ.
Hay như ở Đại Hàn, những người phụ nữ nước ngoài lấy chồng Đại Hàn bị bạo hành trong gia đình nhiều hơn những người phụ nữ Đại Hàn bản xứ. Theo thống kê cũ trong năm 2020, có 6338 phụ nữ VN, 3671 phụ nữ Tàu, 1560 phụ nữ Thái lấy chồng Đại Hàn, v.v...42 phần trăm những người phụ nữ gốc nước ngoài này bị bạo hành so sánh với 29 phần trăm phụ nữ bản xứ bị chồng bạo hành.
15/03/202314:40:11
Khách
Hành động bạo lực trong gia đình hoặc ngoài xã hội phần đông thường do hội chứng chấn thương tâm lý [Post Traumatic Stress Disorder] gây ra.

Trường hợp này nên lấy hẹn với bác sĩ tâm thần [psychiatrist] để được chẩn đoán [tìm hiểu nguyên nhân sâu xa] và chữa trị qua đàm thoại/thuốc men nếu cần.
15/03/202300:25:52
Khách
Vì con. Mẹ của ông chịu đựng tất cả đều vì con, chờ cho con học xong đại học mới quyết định ly dị. Thật ra bà không cần phải đợi lâu đến như vậy, chỉ cần học xong trung học, 2 con bà vẫn có thể làm thêm để 3 mẹ con bù đắp cho nhau. Kéo dài quá lâu chỉ làm vết thương khó lành.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 469,742
15/11/202310:21:00
Cách đây mười ngày, trên một ngã tư đèn xanh vừa bật, nhưng một xe Lexus màu đen vẫn đứng yên, tiếng còi xe phía sau vang rền; cả một quãng đường đột nhiên bị tắc nghẽn; năm phút qua đi, nhiều tài xế sốt ruột mở cửa xe chạy đến chiếc Lexus, thấy một người đàn ông nằm gục trên tay lái. Người ta gọi 911 chở ông ta vào bệnh viện và kéo chiếc xe đi.
10/11/202300:00:00
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
08/11/202314:25:00
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
04/11/202301:00:00
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
03/11/202300:00:00
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
01/11/202311:55:00
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
27/10/202300:00:00
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
22/10/202311:56:00
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
20/10/202300:00:00
Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử. Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.
13/10/202300:00:00
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.