Hôm nay,  

Có người Thầy, không thể quên - Để nhớ Cô giáo Đặng Thị Liệu (1933-2021)

10/03/202300:00:00(Xem: 3394)
 

Để nhớ Cô giáo Đặng Thị Liệu (1933-2021)

vvnm 03102023
Hình tác giả cung cấp
 
Lê Xuân Mỹ -  Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp các bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
 
Một buổi chiều cuối mùa đông, nhóm cựu học sinh Đà Nẵng tại Bắc Cali hẹn nhau cùng đi thăm Cô tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose California. Thời gian trôi qua thật nhanh. Thấm thoắt đã hai năm Cô rời xa chúng tôi. Trời ngây ngây lạnh, trong cơn gió nhè nhẹ và cái nắng vàng hiu hắt, chúng tôi đứng quây quần quanh ngôi mộ nằm chênh chếch lưng chừng đồi. Nhớ Cô thật nhiều. Nhớ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười ấm áp với khuôn mặt thật hiền. Nhớ đến một cô giáo có trái tim vô cùng nhân hậu, một người thầy đáng kính, suốt một đời luôn quên hạnh phúc riêng mình, để sống cho những người bất hạnh, những đứa trẻ bụi đời, lang thang, những bé mồ côi và những người cơ nhỡ. Bạn bè cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, một thời trung học, và những ngày tháng trên quê hương thứ hai này. Cùng nhau tưởng nhớ về Cô giáo Đặng Thị Liệu kính yêu của học trò Phan Châu Trinh và Nữ Trung Học Hồng Đức.
 
Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo người Huế. Cha mất sớm, bốn anh chị em quây quần bên mẹ. Từ nhỏ Cô nổi tiếng hiền hậu, thông minh và học giỏi. Trong khi những bạn bè đồng trang lứa vô tư vui đùa trong cái an bình cổ kính xứ Huế,  Cô đã sớm có những ưu tư, đã sớm chọn cho mình một hướng đi vì tha nhân. Lớn lên ở miền Trung đất cày lên sỏi đá, Cô đã xót xa với biết bao mảnh đời nghèo khó chung quanh, những gia đình quanh năm vất vả, cơm không đủ ăn chỉ khoai sắn trừ cơm, những đứa bé lam lũ chưa một lần cắp sách đến trường, lếch tha lếch thếch ngoài ruộng đồng. Mỗi lần đi ngang qua bến đò Gia Hội, Cô lại thấy đắng lòng cho những cô gái lầm lỡ sa chân, nay đây mai đó trên sông nước ở làng vạn đò.  Những cơn mưa thúi đường thúi đất, những ngày khô cằn nắng gắt, những cơn lụt lội triền miên, càng kéo dài thêm nỗi cơ cực, gian nan. Từ những ngày còn rất nhỏ đó Cô đã nguyện trong lòng sẽ sống hết cuộc đời mình vì những con người bất hạnh quê nhà
 
Tốt nghiệp trung học, khá tiếng Anh, Cô được học bổng đi du học Úc do Linh Mục Cao Văn Luận đở đầu. Một cơ hội không dễ gì có được. Nhưng rồi qua nhiều đêm trăn trở, không nỡ để Mẹ một mình, càng không nỡ xa miền đất nghèo quê hương, Cô quyết định ở lại vào học Đại Học Sư Phạm Huế. Bạn bè cho đó là một quyết định dại dột, nhưng cô chưa một lần hối tiếc. Cô là một trong những nữ sinh viên đầu tiên của ngành Sư Phạm Khoa Ngoại Ngữ.
 
Tốt nghiệp đại học, Cô được phân công vào dạy tại trường công lập duy nhất tại Đà Nẵng thời bấy giờ, trường trung học mang tên nhà chí sĩ  Phan Châu Trinh. Lúc tôi vào năm đệ thất, Cô đã đi dạy được sáu, bảy năm rồi. Thỉnh thoảng gặp Cô trong các buổi chào cờ, trong những buổi họp mặt toàn trường, những lần đi cắm trại, nhưng phải đến năm đệ tứ, tôi mới được học Cô. Cô dạy môn tiếng Anh và là giáo sư hướng dẫn lớp. Ấn tượng của chúng tôi, ngày đầu tiên Cô lên bục giảng là dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp, thân thiện. Vẫn có cái uy nghiêm của một người thầy nhưng không  cho chúng tôi cái cảm giác sợ sệt như khi gặp các thầy cô giáo khác. 
 
Lúc Cô phụ trách hướng dẫn lớp hay sau này làm Tổng Giám Thị Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, học trò chúng tôi sợ Cô thì ít nhưng thương cô thì nhiều. Học sinh thường nghịch phá nhưng trong các tiết học của Cô, chúng tôi học hành rất nghiêm túc. Không một học sinh nào ghét cô. Cô ăn mặc thật giản dị, gần gũi. Cô ở một mình trong căn nhà thuê, ngoài giờ dạy học chúng tôi ít gặp cô ở trường. Cô tất bật với các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội. Sau cái bề ngoài nhỏ nhắn tưởng chừng như yếu ớt đó là một con người  hoạt động không mệt mỏi. Tuy là người theo Phật Giáo nhưng Cô hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nuôi dạy trẻ không cha không mẹ của các Soeur. Hồi đó những trại mồ côi thường do các nhà thờ Công Giáo xây dựng và điều hành. Với khả năng ngọai ngữ, cô liên lạc được với các tổ chức thiện nguyện Hoa Kỳ để xin tài trợ. Cô đã hợp tác làm thông dịch cho tổ chức y tế tàu Helgoland, một bệnh viện nổi của Đức cập bến  Đà Nẵng chuyên giúp chữa trị các nạn nhân chiến tranh và thương bệnh binh. Cô thành lập một tổ chức gồm các học sinh lớp lớn chuyên tìm kiếm, giúp đỡ các trẻ em bụi đời, lang thang. Trong khi những bạn bè, thầy cô khác lần lượt lập gia đình yên bề gia thất, Cô cứ lặng lẽ kiên trì với những hoạt động vô vụ lợi của mình. Không phải không nguy hiểm với những lần theo các phái đoàn văn nghệ ra tiền đồn uỷ lạo các chiến sĩ. Không ít những lần Cô một mình trong đêm tối đi tìm gặp những trẻ bụi đời, những đứa con lai. Hình như Cô chưa một lần nghĩ đến bản thân mình. Cô vui khi tìm được nơi ăn chốn ở cho chúng. Cô hạnh phúc khi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên của những đứa bé trong trại mồ côi. Cô sung sướng khi tìm được nguồn tài trợ từ bạn bè, từ các cơ quan đoàn thể. Cô luôn sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Không có gia đình riêng nhưng Cô có những đứa con nuôi. Có đứa được Cô  đem về ở chung một thời gian trước khi tìm được những gia đình mới.  Nhiều đứa tìm được công ăn việc làm, nhiều đứa ra đời thành công. Có đứa sau này gặp lại bên Mỹ , Cô đứng ra thay mặt gia đình  dựng vợ gả  chồng. Với Cô, đó là niềm vui, là hạnh phúc.
 
Cô có liên hệ mật thiết với các tổ chức thiện nguyện, người ta hay thấy Cô hay đi lại với những người nước ngoài, chính vì vậy khi Đà Nẵng mất vào tay Cộng Sản, Cô bị nghi ngờ làm việc cho CIA của Mỹ. Cô là một trong những thầy cô giáo bị cho nghỉ việc đợt  đầu tiên.
 
Nhưng cũng thật may mắn, có thể vì không đủ chứng cớ hay trong những cán bộ Cộng Sản nằm vùng, có người từng quen biết, từng chịu ơn, nên Cô không bị bắt đi tù cải tạo.
 
Cô ở lại quê nhà một thời gian, và giống như bao người khác dính líu với chế độ cũ, Cô đã làm đủ thứ nghề để tồn tại, để sinh sống. Buôn bán đồ cũ chợ trời, dạy thêm… Những ngày đó cô thật vất vả nhưng không than van. Cô biết với vết đen quá khứ, cô khó có thể sống cho cái lý tưởng của mình tại một nơi đã không còn thuộc về mình. Cô kiên trì tìm đường ra đi. Sau nhiều lần thất bại, những lần lẩn trốn, những lần bị giam cầm… cuối cùng vào năm 1979, Cô vượt biên thành công đến trại tỵ nạn đảo Bidong, Malaysia.
 
Thời gian này trại do  Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành, thường xuyên có nhiều phái đoàn từ Mỹ, Pháp, Canada, Úc đến phỏng vấn sắp xếp định cư cho hàng chục ngàn thuyền nhân ở trên đảo. Cô làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ và Úc. Dù thời gian ở đây không dài nhưng Cô cũng đã giúp thông dịch, hướng dẫn các thủ tục, hoàn tất các hồ sơ xin đi định cư cho nhiều gia đình thuyền nhân. Biết bao nhiêu câu chuyện, biết bao nhiêu cảnh đời, biết bao nhiêu hoàn cảnh số phận khác nhau ở nơi đây. Có nhiều gia đình bị kẹt lại đảo rất lâu vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thân nhân ở nước ngoài, điền đơn trật lên trật xuống. Có những đứa trẻ mất cha mất mẹ không người bảo lãnh. Có những người ở lại vì những lý do vô cùng đơn giản, nhiều nhất là trả lời sai câu hỏi lúc được phái đoàn phỏng vấn. Không phải không có những người thông dịch tay ngang, không lương tâm, thông dịch không đúng với nguyên văn của người được phỏng vấn. Có người bị phái đoàn từ chối vì bị nghi lời khai gian dối. Cô đã giúp chuyển nhiều đơn khiếu nại của thuyền nhân kẹt lại đảo do nhiều sai sót khác nhau đến được các phái đoàn. Nhờ vậy có nhiều gia đình được cứu xét ra đi đúng với trường hợp ưu tiên của mình.
 
Năm 1979, được thân nhân bão lãnh, Cô rời trại tỵ nạn qua San Jose định cư. Khoàng thời gian đó, khi những người nhập cư còn ít, nếu muốn, với khả năng ngoại ngữ của một giáo sư dạy Anh Văn, với sự trợ giúp của học trò và người thân qua trước, Cô rất dễ dàng tìm cho mình một công việc ổn định và nhàn hạ. Nhiều công việc tại các hãng xưởng, làm social worker cho chính phủ hay đi dạy học tại các trường công lập. Những công việc nhẹ nhàng, ổn định và đầy đủ phúc lợi. Nhưng Cô đã chọn cho mình một con đường đi khác, gập ghềnh và khó khăn hơn. Một con đường, đúng theo lý tưởng của Cô.
 
Ngay từ những ngày đầu tiên, không xin trợ cấp của chính phủ, Cô vào làm việc cho  IRC (International Rescue Comittee), một tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi, ­­­ lúc bấy giờ vừa mới thành lập văn phòng tại San Jose. IRC  chuyên giúp đỡ cho những thuyền nhân tị nạn mới đến Bắc Cali. Hướng dẫn làm giấy tờ thẻ xanh, giới thiệu học Anh Văn cơ bản ESL, xin việc làm, thi quốc tịch, làm đơn bão lãnh cho thân nhân còn kẹt lại quê nhà. Nói chung là tất cả mọi việc nhằm giúp những những người tỵ nạn sớm ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai này. Mới đầu Cô phụ trách hồ sơ ( Case Worker), sau đó cô lên làm Giám Đốc cho đến ngày về hưu.  Suốt một thời gian dài, Cô làm việc không mệt mỏi, bất kể ngày đêm.  Cô tham gia hội đồng quản trị VIVO (Vietnamese Voluntary Foundation.), cũng là  một tổ chức thiện nguyện chuyên về đào tạo tiếng Anh, tay nghề và tìm kiếm giới thiệu việc làm cho những ngươi tỵ nạn mới đến vùng đất này. 
 
Nhỏ người, nhưng sức làm việc của Cô thật đáng nể. Với chiếc xe cũ do một người bà con tặng, cô rong ruổi khắp miền Bắc Cali. Có người mới qua chưa có xe, cô kiêm luôn tài xế. Mỗi người, mỗi gia đình mới đến là một mảnh đời, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều lạc lõng và bỡ ngỡ như nhau. Cô như một gạch nối làm con thoi đưa những người mới đến sớm hội nhập vào xứ sở tự do nhưng cô cùng xa lạ này. Cô đã chèo không biết bao nhiêu chuyến đò đưa người cập bến bình yên. Biết bao gia đình nhờ Cô mà ổn định, có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Riêng Cô vẫn bao năm một mình trong căn nhà nhỏ đường số 4 gần Downtown San Jose. Rất nhiều gia đình, nhiều học trò cũ từng chịu ơn muốn mời về ở, nhưng Cô đều từ chối. Cô bảo sống một mình tự do quen rồi. Cô cười, Cô nhiều tính xấu, ở chung chắc không ai chịu nổi đâu. Cô nói vậy thôi chứ Cô mà xấu nết thì trên đời còn ai tốt đây, thưa Cô? Đôi khi, trong cái lành lạnh của những cơn mưa nửa đêm, dù chỉ thoáng qua, có lẽ Cô cũng có chút chạnh lòng về nỗi quạnh hiu của đời mình?
 
Giữa năm 1988, trong một chuyến đi trở về thăm lại đảo Bidong và các trại tỵ nạn khác quanh vùng Đông Nam  Á ( Hong Kong, Thai Lan, Indionesia, Singapore, Philippines…) Cô đã vô cùng xúc động khi nghe thấy và chứng kiến bao cảnh đời bi thảm của những chuyến vượt biên. Biết bao trẻ mất cha mất mẹ trên đường tìm kiếm tự do,  Cô cùng một vài người cùng chí hướng trong đó có bác Nguyễn Đình Hữu, cựu đại tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà, thành lập Hội thiện nguyện ARCWP ( Aid To Refugee Children Without Parents) với sự giúp đỡ của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Đến năm 1994 để nới rộng phạm vi hoạt động, ARCWP đổi thành ACWP (Aid To Children without Parents) chuyên giúp đỡ những trẻ em không nhà, không còn cha mẹ không những chỉ do tỵ nạn mà còn nhiều lý do khác. Không những giúp cô nhi tại Mỹ, cùng với ACWP cánh tay nhân ái của Cô còn vươn về đến Việt Nam, về miền đất nghèo miến Trung. Xây trường học cho các trẻ mồ côi. Cấp học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học. Thành lập các trạm y tế chuyên chăm sóc cho trẻ em…
 
Năm 2000, sau khi miền Trung Việt Nam phải chịu một thiên tai thiệt hại lớn nhất thế kỷ, Cô và Bác Hữu  cùng bạn bè sáng lập  “Friends of Huế Foundation”. Một tổ chức thiện nguyện nhằm cứu trợ nạn nhân thiên tai Thừa Thiên Huế và các vùng lân cận.  Hội thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp, xây dựng các nhà chăm sóc trẻ mồ côi do thiên tai, giúp cho vay không tiền lời các hộ dân nghèo thiếu vốn nhằm gây dựng lại cuộc sống, tổ chức các đội y tế lưu động…Với sự trợ giúp của bạn bè, của những học trò còn ở lại quê hương, Cô miệt mài bay đi bay về gần nửa vòng trái đất cho những công việc nhân đạo. Đã có biết bao con người, biết bao gia đình đứng lên được từ những đổ nát tan hoang, đã tồn tại và thành công. 
 
Công việc Cô làm thì nhiều lắm. Sự cống hiến của Cô cho cuộc đời, cho những người cùng khổ trên quê hương thứ hai, trên quê nhà xa xôi nhiều không kể hết. Chỉ có thể nói, trong suốt 87 năm, là một người bình thường nhưng Cô đã làm được những chuyện phi thường. Cô đã sống, làm việc đúng như lời Bác Nguyễn Đình Hữu, từng dặn dò:“ Nếu muốn sung sướng một giờ, bạn hãy ngủ một giấc thật say. Muốn một ngày hạnh phúc, hãy xách cần đi câu cá. Muốn hạnh phúc một tháng, hãy đi lấy vợ, lấy chồng. Muốn hạnh phúc một năm, hãy đi làm kiếm tiền. Nhưng nếu muốn một đời hạnh phúc, hãy đi giúp đỡ người khác, nhất là những trẻ em bất hạnh, không mẹ không cha.”
 
Tôi có nhiều kỷ niệm với Cô thời đi học và cả trong những năm tháng định cư ở Bắc Cali. Năm 2000 sau khi chuyển từ Tulsa OK về San Jose, tôi cùng với một người bạn cùng lớp và từng được Cô cho ở chung nhà lúc mới chân ướt chân ráo qua Cali, đến thăm Cô. Dù đã hơn ba mươi năm thầy trò mới gặp lại, tôi vẫn nhận ra ngay người thầy ngày xưa. Cô không thay đổi nhiều. Vẫn với khuôn mặt thuở đó, vẫn dáng dấp đó, theo năm tháng có gầy hơn xưa nhưng vẫn bình dị ấm áp như ngày nào. Tôi ôm chầm lấy Cô, không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài. Tôi nói,  Cô nhớ em là ai không? Vẫn với nụ cười hiền hậu Cô bảo, Xuân Mỹ tứ 4 mà ai không nhớ. Xúc động và vui vì qua bao năm tháng thăng trầm Cô vẫn còn khoẻ mạnh. Trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Vẫn còn nhớ đứa học trò nhỏ ngày xưa. Cô còn nhớ cả năm học của tôi, nhớ cái dãy bàn hàng đầu tôi ngồi. Nhớ cả lời phê “ Giỏi, ngoan, hiền” trong học bạ của tôi. Hôm đó suốt một buổi sáng chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, trường xưa.  Cô hỏi về những năm tháng ở quê nhà sau ngày mất nước. 
 
Tôi kể Cô nghe về những lần gặp mặt tình cờ các Thầy Cô giáo cũ. Thầy Nhuận bán trà đá ờ bến xe đò Long Khánh, Thầy Bình bán thuốc tây chợ trời Tân Định, Thầy Bích chụp hình dạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Thầy Lan thổi kèn trong ban nhạc đám ma …Nhiều cảnh đời của những người thân quen mà vì đi sớm Cô chưa biết. Khi nhắc đến chuyện Ba tôi chết trong trại cải tạo, Cô rơm rớm nước mắt. “Tội nghiệp ông cụ. Ông cụ làm Cảnh Sát nhưng thật hiền lành. Âu cũng là vận  số của gia đình và đất nước. Cô tin là ông cụ sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho gia đình con.” Những chuyện như thế cứ kéo dài không dứt. Trước khi ra về cô bảo, nếu con cần gì thì cứ liên lạc với Cô.
 
Kể từ đó thỉnh thoảng tôi ghé thăm Cô. Và mỗi khi chúng tôi tổ chức họp mặt lớp hay trường đều mời Cô tham gia. Chúng tôi thay phiên nhau đến nhà chở Cô đi và về. Những lần gặp lại học trò cũ Cô vui lắm. Lớn tuổi nhưng chưa một lần Cô đòi về sớm. Cô luôn là người đến đầu tiên và ra về sau cùng, mặc dù mỗi một lần họp mặt chúng tôi thường ở lại chuyện trò ca hát rất khuya. Tuy nhỏ người nhưng trời cho Cô một sức khỏe thật tốt. Cô bảo từ ngày qua Mỹ đến giờ Cô chưa vào nhà thương ngày nào. Cô cười, vào thăm bạn ở bệnh viện thì có. Cô nhớ vanh vách những chuyện ở Đà Nẵng thời trước 1975. Cô nhớ từng khuôn mặt và tính nết của những đứa học trò cũ. Thật cảm động khi Cô nhắc đến thời gian phụ trách lớp chúng tôi. Cái lớp đệ tứ bốn thời còn trai gái học chung. Cô nói, lớp các em hiền nhất trường. Nam sinh  ít phá phách nhất, nữ sinh thì nhiều em đẹp nhất. Chắc nhờ học chung. Cô hỏi vui, trong lớp có em nào nên vợ nên chồng với nhau không? Cô ơi thời đó mấy đứa con gái cùng lớp coi tụi em như con nít, toàn nhìn lên mấy anh đẹp trai lớp trên, cho đi theo lén là may mắn rồi, dễ gì tán tỉnh được.  
 
Không những sinh hoạt lớp chúng tôi mà cả các buổi họp mặt kỷ niệm Phan Châu Trinh toàn thế giới, Cô chưa một lầnvắng mặt. Nơi nào tổ chức, Nam Bắc Cali hay Houston Texas xa xôi đều có sự hiện diện của cô. Cái hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn ngồi lọt thỏm trong dãy ghế dành riêng cho các cựu giáo viên luôn mãi nhớ trong lòng những đứa học trò chúng tôi.
Nếu phải tìm một người chỉ được thương không kẻ ghét trên quê nhà và trên xứ Mỹ này, có lẽ Cô là một. Cô gíáo Đặng Thị Liệu của tôi.
Từ ngày có đại dịch Covid, cuộc sống mọi gia đình đều đảo lộn. Mỗi người có những nỗi lo lắng, vất vả riêng. Thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại hỏi thăm nhưng chưa một lần đến thăm cô. Mấy lần hẹn với Vĩnh Cường, môt người em họ của Cô, bạn cùng lớp để đến thăm cô. Đâu có bao xa, chỉ 20 phút lái xe mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Lúc thì hắn bận đi bác sĩ check up, lúc đưa vợ đi xạ trị, lúc thì tôi bận chở cháu ngoại đi học, chở mẹ đi nhà thương, cứ thế rồi qua đi. Có thể vì cuộc sống, nhưng có thể vì vô tình và vô ơn, ta đã quên đi những người thân yêu quanh ta. Có những lời hứa hẹn tưởng chừng vô cùng dễ dàng nhưng mãi không bao giờ thực hiện. 
 
Ngày 21/1/2021 Cô té tại nhà riêng được đưa vào nhà thương. Tuổi già sức yếu, bác sĩ không cho ở nhà một mình, sau cấp cứu Cô được đưa thẳng vào Nursing home. Đang mùa Covid trở nặng, dù có nóng ruột chúng tôi cũng không thể vào thăm cô. Chúng tôi chỉ theo dõi tình trạng sức khoẻ của Cô qua trung gian của người cháu.  Những ngày ở nursing home, vẫn nói chuyện được, sức khoẻ dần hồi phục nhưng Cô không thiết ăn uống. Có lẽ để khỏi làm phiền con cháu, Cô đã quyết tâm từ bỏ. Chỉ một tuần sau, đêm 30/1/2021, không vật vã đau đớn, Cô nhẹ nhàng ra đi. Thế là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại Cô nữa rồi. Có nuối tiếc, có ân hận, cũng đã rất muộn màng.
 
Cô ơi, Cô đã trả xong nợ cho cuộc đời và đã thanh thản ra đi. Không chỉ học trò chúng em mà còn bao người còn ở lại sẽ mãi nhớ đến Cô. Nhớ nụ cười hiền lành, tấm lòng nhân hậu và trái tim ấm áp của Cô.  Chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Thiên Đàng. Sẽ có trường học, sẽ có lớp học và sẽ có Cô, mãi mãi vẫn là cô giáo của chúng em.
 
Cô mất đi nhưng công viêc và ý nguyện của Cô vẫn được những người bạn, những người học trò còn ở lại tiếp tục thực hiện. Quỹ học bổng mang tên Cô vẫn được duy trì.
 
Cô vẫn mãi sống trong lòng mọi người và trong tim chúng em. 
 
Lê Xụân Mỹ
San Jose- Tháng 3 năm 2023
 

Ý kiến bạn đọc
12/03/202316:57:28
Khách
Hạnh Phúc phụ thuộc vào quan niệm [perception], hoàn cảnh kinh tế [economic status], trình độ hiểu biết [intellectual level] của mỗi cá nhân.

Thí dụ, hạnh phúc của:

- Đức Đạt Lai Lạt Ma [Dalai Lama] = cuộc sống có mục đích.

- Học giả Lâm ngữ Đường [Lin Yutang] = những niềm vui nhỏ, tầm thường, giản dị trong cuộc sống hằng ngày.

- Cựu TT Donald J Trump = đồ đạc trong nhà phải được lát bằng vàng và "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền".
12/03/202314:42:30
Khách
Tôi thích nhất câu nói này:
“ Nếu muốn sung sướng một giờ, bạn hãy ngủ một giấc thật say. Muốn một ngày hạnh phúc, hãy xách cần đi câu cá. Muốn hạnh phúc một tháng, hãy đi lấy vợ, lấy chồng. Muốn hạnh phúc một năm, hãy đi làm kiếm tiền. Nhưng nếu muốn một đời hạnh phúc, hãy đi giúp đỡ người khác, nhất là những trẻ em bất hạnh, không mẹ không cha.”
Sau khi CS vào miền Nam, con lai ngoài bị kỳ thi, lại bị trù đập trả thù, bị CS đuổi khỏi cô nhi viện, không cho di học, không cho chữa bệnh. May sao Mỹ có chuơng trình định cư con lai mà Pháp không có, con lai đuợc sang Mỹ, nhưng vì nhiều con lai mù chữ hay trình độ văn hoá không quá tiểu học, ho không có cơ hội tiếp tục học để thành kỹ sư, bác sĩ như dân tị nạn hay định cư ODP tại Mỹ. Chỉ vì có cha khác màu da mà trẻ con lai mất cơ hội học thành tài như bao nhiêu nguời Mỹ.
Có lẽ vì sống cả cuộc đời để giúp đỡ nguời khác rất khó nên phần đông chúng ta không có một đời hạnh phúc chăng?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,033
Cách đây mười ngày, trên một ngã tư đèn xanh vừa bật, nhưng một xe Lexus màu đen vẫn đứng yên, tiếng còi xe phía sau vang rền; cả một quãng đường đột nhiên bị tắc nghẽn; năm phút qua đi, nhiều tài xế sốt ruột mở cửa xe chạy đến chiếc Lexus, thấy một người đàn ông nằm gục trên tay lái. Người ta gọi 911 chở ông ta vào bệnh viện và kéo chiếc xe đi.
Dần dà hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thỉnh thoảng rủ nhau học bài chung với bạn khác ở tận ngã Nguyệt Biều, Thuận và Tú đạp xe lên con dốc gập ghềnh khó đi, nhiều đoạn phải xuống xe dẫn bộ. Con đường có những đoạn trông như khu rừng, cây lá um tùm, đôi bạn dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát của buổi nắng hè, nhưng đến mùa thu lá đổi màu nhìn thật thơ mộng. Tú vốn có tâm hồn thơ thẩn, mơ mộng của tuổi thanh niên mới lớn, có thứ tình cảm mơ hồ lâng lâng cảm giác êm đềm mỗi lúc đi bên Thuận, nên đã đặt tên con đường là “Rừng Thu Thơ Mộng” gợi trao chút ý tình nhẹ nhàng và cũng để tạo kỷ niệm khi đi trên con đường này. Lúc ấy Thuận cũng mến bạn nhưng cả hai như “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e.”
Tác giả lần đầ tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầù tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada, 60 tuổis. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả kể lại một câu chuyện tình... cũ mà theo tác giả là chuyện có thật.
Đánh bắt cá linh mùa nước nổi là đặc trưng, đặc thù của sông nước miền tây. Con cá linh đi vào đời sống người dân miền sông nước từ khai hoang lập địa, từ mở cõi phương nam. Mùa cá về ăn tươi đủ món như kho lạt ăn với rau đồng đủ loại mà dân dã gọi là rau tập tàng, rau gì ăn được thì hái chung vô một rổ rau đủ loại, màu sắc hấp dẫn. Chấm nước cá linh kho lạt nên cứ chấm cho ngập rau mà không sợ mặn, mỗi rau mỗi vị tạo nên mùi tập tàng nên gọi là rau tập tàng. Người xưa đơn giản như từ ngữ mộc mạc họ dùng nhưng nghe là thấy thương, nhớ tới cũng còn thương…
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng. Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.
Tết trung thu còn gọi là tết trông trăng, tết thiếu nhi… đây là lễ hội có từ lâu đời ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn gốc chung xuất phát từ nền văn minh Trung Hoa, tuy nhiên khi truyền sang các nước khác thì đã biến hóa để phù hợp với tập tục văn hóa bản địa. Nếu như sự tích trăng trung thu của người Hoa thì là Hằng Nga, Nguyệt Lão, Thiềm Thừ, Ngọc Thố… trăng trung thu của Việt Nam chỉ còn chị Hằng và thêm vào đó là chú cuội, cây đa, con trâu điều này thể hiện sự khác biệt của tết trung thu Việt Nam và vừa cho thấy dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt phương nam.
Chiều mùa Thu thật mau tối, ảm đạm dưới màn trời xám xịt. Tôi dừng xe đổ xăng, rồi bâng quơ nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Marshalls. Tôi chợt nhớ ra trong xe có đôi bao tay tôi đã mua nhưng không vừa ý, cần trả lại tiệm. Ở xứ tự do nói chung và xứ Bắc Mỹ này nói riêng, sướng thật. Khi mua đồ về nhà, trong vòng 30 ngày có thể đem trả lại dù với bất cứ lý do gì miễn là còn tag, còn receipt rõ ràng. Nếu ở Việt Nam thì ... mơ đi nhé, mà nếu họ có đồng ý cho đổi trả thì cũng mặt mày sưng sỉa, nặng nhẹ mắng chó chửi mèo mới hả dạ, làm cho khách hàng cảm thấy mình là “ tội đồ” chớ không phải là “thượng đế”.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài viết mới nhất.
Tôi vặn ti-vi lên, kiếm phim để coi. Đài nào cũng Halloween này Halloween nọ, kẹo bánh đầy tiệm, quần ma áo quỷ, chán quá. Đổi qua đài Netflix, thấy bộ phim dài, The Defeated, phim về thời hậu chiến Thế Giới Thứ Hai, mở ra coi thử. Ráng coi tới tập 2 thì phim vẫn còn quanh quẩn trong một xã hội đổ nát sau chiến tranh, với những ngôi nhà thấp, những tầng lầu cao, cả thị trấn lỗ chỗ dấu đạn, với những thân phận con người vẫn phải tiếp tục sống lẩn quẩn tìm tòi bươi móc trong đống tro tàn, sao mà giống Việt Nam quá. Từ xưa tới nay, thuở khai thiên lập địa, con người xâu xé lẫn nhau, giành đất sống. Rồi chiến tranh. Đệ Nhứt Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến, nồi da xáo thịt Việt Nam, chiến tranh bên nước Ukraine và mới đây, lò lửa Trung Đông vừa bộc phát ở Do Thái bởi Hamas (Palestine), chưa gì dân cả hai bên đã chết và bị thương cả chục ngàn người, Dãy Đất Gaza thành bình địa.
Năm 2017, khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt và giúp tía Hai Lúa trong quá trình trị bệnh, KV có chia sẻ một số cách chữa trị Prostate cancer phổ biến ở Mỹ. Sau 44 lần xạ trị và tiêm hormone mỗi ba tháng, tía Hai Lúa có vẻ khỏe lại. Nhưng có lẽ tía đã không nên chủ quan và vội nghĩ mình đã thoát ung thư, bởi mầm ung thư có sẵn trong mỗi người; khi các duyên hội đủ, ung thư sẽ phát triển. Bốn năm sau, tháng 5/2021, khi đến lúc tía đi siêu âm và chụp Xray hàng năm để canh chừng dấu hiệu ung thư tái phát thì kết quả cho thấy vài bướu ung thư với kích cỡ khác nhau lại mọc lên ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cấp kỳ lên kế hoạch trị bệnh cho tía. Lần này, họ không đề nghị xạ trị nữa mà mạnh dạn cho toa thuốc chemo viên: thuốc tốt nhất, mạnh nhất… và dĩ nhiên đắt tiền nhất, hơn $500/viên.Chỉ vài tuần sau khi tía Hai Lúa bắt đầu dùng thuốc chemo, mọi người trong nhà nhanh chóng nhận thấy tình trạng sức khỏe của tía xuống dốc trầm trọng.
Nhạc sĩ Cung Tiến