Hôm nay,  

Tết Lại Sắp Đến Rồi

16/01/202316:42:00(Xem: 2213)

 

phuoc-an-thy
Tác giả Phước An Thy nhận Giải Đặc Biệt Huế Mậu Thân  VVNM 2018, Westminster.

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.

 


*

 

Lễ hội Giáng Sinh vừa qua, giá lạnh mùa đông vẫn còn, nhưng không khí mùa xuân, đón Tết Việt Nam đã lại trở về trên đường phố quận Cam, Cali, vì năm nay Tết đến sớm hơn mọi năm.

 

Những sắc màu trang trí, hàng hoá Tết đã bày bán khắp phố xá và những giai điệu đầy cảm xúc của các bài hát Tết quen thuộc từ các cửa hàng thương mại đã vang lên rộn ràng khiến tâm hồn mọi người náo nức, mong ngóng một cái Tết nữa lại về.

 

Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.

 

Mọi người tươi trẻ, ăn mặc đẹp xinh cùng gia đình đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết hoặc vui vẻ đưa người thân, bạn bè ở xa về đi tham quan phố Việt. Cảnh gia đình đoàn tụ, hình ảnh gắn bó tình cảm họ hàng, đồng hương, những khoảnh khắc gặp gỡ người thân, bạn bè, hỏi thăm và chúc tụng những điều may mắn, thành công, hạnh phúc cho nhau. Những lời nói yêu thương, bày tỏ lòng biết ơn, các cử chỉ tử tế, trìu mến của mọi người dành cho nhau làm tôi bồi hồi xúc động và hạnh phúc theo cùng với mọi người.

 

Ai cũng bị lôi cuốn bởi cách trang trí đẹp đẽ, ấm áp Tết Việt Nam của các khu thương mại. Chợ Tết bao giờ cũng đông vui, kẻ mua người bán, tiếng trò chuyện râm ran, náo nhiệt khác với ngày thường. Niềm vui biểu lộ trên khuôn mặt mọi người khi dạo quanh khu chợ hoa, chọn cho mình những câu đối, tranh Tết và các chậu hoa đẹp để trưng bày trong nhà hay dành tặng cho nhau. Các cây mai, cành đào đầy hoa sắc màu lộng lẫy nổi bật lên ở giữa những chậu hoa sặc sỡ, đặc trưng ngày Tết như hoa vạn thọ, cúc, huệ, lan, thược dược, cẩm chướng... được bày bán trong nhà hoặc ngoài sân.

 

Các thương xá, chợ của người Việt bày bán đủ các mặt hàng Tết. Thật sự là ở đây không thiếu thứ gì dành cho những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, giò, chả, xôi, bánh kẹo, các loại mứt và hột dưa, hạt bí, hạt điều… Các loại trái cây, bưởi, đào, hồng, quýt, quất, lê và mâm ngũ quả gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (cầu sung vừa đủ xài). Các loại rau xanh, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ... Những chiếc đầu heo, thịt heo quay, gà luộc nguyên con, cá chiên giòn... Ngoài các loại rượu Tây, rượu vang, sâm banh, còn có rượu ngâm thuốc và các loại nước uống đặc trưng kiểu Việt nữa.

Nhờ các siêu thị, nhà hàng và những quán bán thức ăn ở khắp mọi ngõ đường quanh phố mà tôi được ăn các món sang trọng hay bình dân của cả ba miền thường có trên mâm cơm, bàn tiệc của người Việt trong ba ngày Tết.

 

Tôi rất thích xem múa lân. Vẫn như hồi còn nhỏ, tôi thường đi theo xem các đội lân mang mùa Xuân may mắn đến tận nhà hay tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không thua gì các đội lân ở Việt Nam, các đội lân ở đây rất chuyên nghiệp, nhiệt tình, sáng tạo với những bước nhảy dũng mãnh không chê được.

Các đầu lân nhiều màu sắc, mắt biết nhấp nháy sành điệu như người ta đá lông nheo, bay nhảy như tài tử xi-nê-ma và biết trân trọng bao lì xì.

 

Các con kỳ lân được sự dẫn dắt của các ông địa, đầu hói to tròn như quả dưa hấu chưng Tết, bụng bự như bà bầu sắp đẻ, trông rất vui nhộn. Các tay trống, ngoài cách đánh trống múa lân kiểu cổ truyền, còn biểu diễn đánh theo phong cách nhạc trẻ. Tiếng trống rầm rộ, càng nghe lòng càng rộn ràng.

 

Trong các thú vui ngày Tết, tôi thích nhất là được đọc các bài viết, xem những hình ảnh về Tết trên các tờ báo, giai phẩm Xuân tiếng Việt. Tôi cảm thấy thiếu hương vị Xuân nếu không có các tờ báo Tết nên năm nào tôi cũng mua vài tờ báo Tết, giai phẩm Xuân để trên bàn tiếp khách như là một phần không thể thiếu của các vật dụng trang trí trong mấy ngày Tết.

 

Mỗi năm chỉ có một dịp nên các toà báo đều quan tâm, thể hiện tính mỹ thuật của hình thức và nội dung phong phú cho tờ báo Xuân của mình để độc giả không thất vọng. Khi nhìn ngắm hình thức và đọc các bài viết của một giai phẩm Xuân, người ta nhận ra những điểm nổi bật của mỗi toà báo. Báo Tết, giai phẩm Xuân luôn mang hình thức đẹp từ bìa đến trong ruột. Hình họa trên bìa các tờ báo Tết được in nổi bật, sặc sỡ, đa dạng, vẽ đủ các đề tài về cảnh Tết xưa và nay. Nội dung báo Xuân, từ các bài viết, bài thơ cho đến sớ Táo Quân, tử vi, mục truyện vui, tranh khôi hài, ảnh hí họa... tất cả đều được chọn lọc làm cho độc giả bị thu hút, thích thú và đắm chìm vào sự tươi thắm của ngày Xuân.

 

Ngoài những tờ báo Tết, giai phẩm Xuân thì những chương trình, các ca khúc về mùa Xuân, ngày Tết cũng là một phần không thể thiếu trong những ngày sum họp của mỗi gia đình. Ngày Xuân nhộn nhịp, vui tươi hơn khi các đài radio phát thanh các bản nhạc Tết tuyển chọn, nổi tiếng, quen thuộc và đã trở thành bất hủ xưa nay. Những ca khúc mộc mạc, chân quê gần gũi, tình yêu đôi lứa, chan chứa niềm tin cho những người đang yêu hay các giai điệu trữ tình, trau chuốt, tha thiết tạo nên sự bâng khuâng cho người đang xa gia đình, xa quê hương.

 

Các đài truyền hình tiếng Việt phát nhiều chương trình đặc biệt về Xuân. Những mục chúc Tết, chúc mừng năm mới sinh động của đài, của các hội đoàn, đoàn thể, những cơ sở kinh doanh và nhiều cá nhân làm cho khán giả cảm nhận rõ không khí tưng bừng đầu Xuân, mang hy vọng một năm mới nhiều điều thay đổi yên vui và may mắn.

 

Tết Việt Nam ở đây, năm nào các nhà thờ, chùa, các hội đoàn cũng tổ chức những buổi lễ, các sinh hoạt vui Xuân, hội Tết và ca nhạc mang truyền thống văn hóa Việt. Có hội chợ, múa lân, ca nhạc văn nghệ, thi đố vui, cờ tướng, thi hoa hậu áo dài, biểu diễn võ thuật, thi gói bánh chưng... Các cuộc diễn hành Tết của cộng đồng người Việt với những xe hoa lộng lẫy đủ kiểu diễn ra nhiều nơi. Các khu thương mại rộn rã tiếng pháo đì đùng, tràn ngập xác pháo vào đêm Giao Thừa và ba ngày Tết.

 

Những ngày cận Tết, tôi thường dạo quanh khu phố bán hoa để được ngắm, được thưởng thức các loại hoa. Như ông cụ non, tôi thích cái thú “uống rượu thưởng hoa”. Tôi không nói ý bóng, ý gió về thú uống rượu ngắm mỹ nhân của các thi sĩ, các cụ ngày xưa hoặc về người già chơi trống bỏi. Tôi nói theo nghĩa đen của uống rượu và ngắm hoa.

 

Phía sau hiên nhà tôi, có một góc lý tưởng để ngắm hoa và uống rượu khi rảnh rỗi. Nơi tôi cởi bỏ áp lực sau một tuần rong ruổi trên đường cao tốc đầy xe và sự bận rộn nơi công sở. Ở góc vườn đó, tôi uống rượu, ngắm hoa lan để thả lỏng cơ thể và đầu óc tự do bay bổng. Trí óc tôi được thoát ra khỏi cơ thể, trở về miền quá khứ, đến khắp nơi trên thế giới và có thể bay vào cả tương lai. Khi ấy, tôi nhâm nhi rượu một mình, chứ không nâng ly chén tạc chén thù “tới bến” với các bạn của tôi.

Nói đến chén tạc chén thù, tôi có vài người bạn, khi nâng ly trong các cuộc rượu thì chỉ nói giọng Nam hoặc Bắc vì giọng Trung khi cụng ly gọi là “vô”. Tôi tên Phước, không lẽ cứ mỗi lần cụng ly lại “vô phước, vô phước”, chầu nhậu kéo dài nhiều giờ, vô phước hoài thì tôi có mà giảm thọ. Trong đám bạn đó lại có người tên Nhân, Tâm, Hậu, Lễ, không lẽ nhậu cụng ly với nhau cứ vô nhân, vô tâm, vô lễ và vô hậu hoài coi sao được. Vì vậy mỗi lần nâng ly, chúng tôi nói giọng Nam là “dzô” hoặc giọng Bắc là “vào”. Thỉnh thoảng có một người bạn khác tới nhậu, cụng ly gọi “vô” hay “vào” gì nó cũng không chịu vì nó tên Viện. Nó nói, nhậu mà vào bệnh viện thì nhậu làm gì.

 

Trở lại uống rượu thưởng hoa, mũi được ngửi mùi thơm, miệng cảm nhận vị ngon của rượu và mắt được ngắm màu sắc của hoa thì thật là sảng khoái và bình an. Rượu vang tôi mua vì không làm được, nhưng hoa phong lan là tự tay tôi chăm sóc, nuôi từ nhỏ, khi chưa ra hoa.

 

Không phải lúc nào cũng có rượu để uống và hoa để ngắm, vì vậy tôi luôn thưởng thức một cách trọn vẹn và “sang chảnh” nhất mà mình có thể, để thấy cuộc đời thật đẹp. Tôi dặn lòng, uống vừa đủ để còn ngắm hoa cho tao nhã như các cụ ngày xưa, nhưng rồi mê hoa, uống mãi thấy mình đã ngà say.

Nhiều ông hay dùng câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” để uống riêng với nhau, theo tôi nam hay nữ gì cũng uống rượu được và ai cũng có thể uống rượu thưởng hoa.

 

Tôi thấy, thưởng hoa nhà mình thì thoải mái và ít rắc rối hơn là đi thưởng hoa nhà người khác.

Ba ngày Tết Việt Nam năm nay, ngày Mùng Một sẽ rơi vào ngày Chủ Nhật, còn Mùng Hai và Mùng Ba vào đầu tuần nên mọi người lại phải đi làm. Riêng tôi, tôi lấy thêm hai ngày nghỉ phép để đi lễ, thăm người thân và vui Xuân. Nói nhỏ, thực ra tôi kiêng kị nhiều thứ lắm, trong đó có việc sợ làm vất vả vào các ngày đầu năm. Theo quan niệm xưa, trong ngày đầu năm mà có điều tốt đẹp hoặc gặp điều không may thì cả năm sẽ có nhiều điều như vậy xảy ra cho mình. Ngày đầu năm tôi kiêng kị to tiếng, nói xấu hay cãi vã. Tôi sợ lỡ cãi nhau với sếp thì sẽ cãi cả năm, như vậy chắc chắn sếp sẽ cho mình về vườn sớm. Tôi tránh cau có, bực bội và cười miệng lớn đến nhăn nhó vì sợ cả năm mà như vậy thì các nếp nhăn sẽ làm mình già nhanh hơn.

 

Tết Việt ở đây có đầy đủ mọi thứ như ở Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy như là không khí Tết bây giờ vẫn không bằng ở Việt Nam ngày xưa.

 

Xuân về, những kỷ niệm xưa thường âm thầm len lỏi ở trong lòng tôi. Chúng níu kéo những mùa Xuân đẹp nhất của tuổi ấu thơ, những ngày Tết chất chứa bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời mới lớn trở về làm cho lòng tôi bùi ngùi. Sự hớn hở chờ đợi của đám trẻ chúng tôi quanh những giây pháo dài, treo đong đưa trong gió, trên nhánh cây trước túp lều tranh ở chợ quê. Sau tràng pháo nổ râm ran, giòn giã, chúng tôi ùa vào giành giật những viên pháo còn sót lại.

 

Bây giờ mỗi lần đi xem đốt pháo tôi không còn tranh nhau lượm pháo, mà thay vào đó tôi hít thật sâu đầy phổi mùi thuốc pháo cùng hương vị của đất trời mùa Xuân hoà lẫn vào nhau và dường như có cái gì đó đang ẩn sâu trong lòng làm cảm xúc bồi hồi dâng cao.

 

Mỗi năm tụ tập bên mâm cỗ ăn Tết với nhau, anh em chúng tôi luôn cố dạy con cháu làm quen, hướng về những giá trị truyền thống của ngày Tết cổ truyền và thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên của mình. Để đón một năm mới tới, đêm Giao Thừa, khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, cả gia đình làm cơm, đặt mâm ngũ quả, bánh trái lên bàn thờ tổ tiên và cùng nhau lặng đốt những nén hương trong đêm, cầu mong Chúa Xuân đưa linh hồn ông bà, cha mẹ về vui Xuân cùng với con cháu.

Năm nào cũng vậy, anh em chúng tôi dặn nhau thôi nhắc về một thời đã qua, nhưng khi mở rượu ra, những mùa Xuân xưa vẫn lãng đãng quay về trong lòng mỗi người. Thế rồi niềm vui trong những ngày xưa ấy lại được kể ra cho nhau, cho con cháu nghe. Những ngày Tết xa xưa được mặc áo quần mới, theo ba mẹ đi chúc Tết ông bà, họ hàng, cười vui với các bao tiền lì xì, chơi bầu cua cá cọp, đi xem múa lân. Trong nhà có đầy các loại hoa, mai vàng, vạn thọ, cúc vàng đại đoá, có đủ pháo, mứt, hột dưa, hạt sen, các loại kẹo bánh, trái cây và những tấm thiệp Xuân đủ màu treo trên cành mai trong nhà.

Hạnh phúc là nhắc lại cho nhau nghe những ngày Tết xa xưa còn đọng mãi trong hồn, để nhớ cả đời những mùa Xuân sum vầy, còn cha mẹ ông bà. Tất cả chỉ để cố tìm lại những mùa xuân nồng ấm, những ngày Tết đoàn tụ đã qua mà chẳng nơi đâu và không bao giờ còn có được.

 

Sắp Tết không nên nói chuyện buồn, nhưng tôi xin phép kể chuyện buồn của Tết năm rồi. Tết đến thì già thêm một tuổi, năm ngoái tuy tôi đã hơi già, nhưng tôi cố chấp chưa chịu nhận là mình già. Tết năm ngoái mọi chuyện với tôi thật tốt đẹp, vui vẻ cho đến khi có một chị trông lớn tuổi hơn tôi hỏi:

- Anh nhuộm tóc ở đâu mà như tóc thật thế.

 

Tôi hơi bực mình vì tóc tôi xanh mơn mởn, chưa tốn một đồng tiền nào cho việc nhuộm tóc. Tôi nói:

- Tóc thật mà chị, có nhuộm gì đâu.

 

Chị ta quay đầu bỏ đi. Tôi thầm nghĩ, người gì đâu ngày xuân mà hỏi một câu vô duyên tệ.

Hôm sau, có một gã thanh niên lớn tuổi chào tôi là chú. Trước giờ, tôi chào người khác là chú, bác, ông, nay bị gã này kêu chú, tôi giật mình. À thằng này muốn “thắp nhang” cho mình hay cho nó đây. Tôi giận dỗi đáp lại gã thanh niên:

 

- Sao không gọi bằng bác luôn đi.

 

Gã lúng túng, có lẽ không biết tôi nói thật hay đùa, gã cười khì khì rồi bỏ đi. Giọng cười của gã thật là đểu, tướng đi thấy ghét. Tôi buồn, đang trẻ trung, bỗng dưng thấy mình già đi cả chục tuổi.

 

Về nhà, tôi lấy gương ra soi. Tôi xem có “vết chân chim” ở đuôi mắt không, coi trán có 3 đường nhăn mà các thầy bói thường gọi là “trời, đất, người” chưa. Vẫn chưa hằn dấu vết nào. Tôi vạch tóc ra xem có sợi nào chuyển màu bạc trắng chưa, chỉ có một vài sợi. Nghe nói khi già da tay sẽ nhăn, tôi nhìn da tay mình thấy còn căng và mịn màng như da phụ nữ và tôi cũng chưa tăng cân ngoài ý muốn mà.

 

Chuyện xem xét cơ thể mình già hay chưa này, thật chẳng hay ho và hấp dẫn tôi tí nào.

Tôi gõ cửa phòng con gái hỏi:

- Con thấy ba già chưa.

Nó đáp:

- Ba còn trẻ lắm.

Con nó nói thế thì chắc là thế rồi.

Chưa yên tâm, tôi liền đi khám bác sĩ gia đình. Tôi lo lắng hỏi:

- Bác sĩ, để lâu già thì phải làm gì?

Bác sĩ nói:

- Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, bớt ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ và tinh bột.

Rồi ông gửi tôi đi soi ruột. Kết quả soi ruột tốt, bác sĩ nói, mười năm nữa đi soi ruột lại. Kết quả thử máu cũng không bị bệnh gì. Sức khoẻ vậy là ổn.

 

Gặp đám bạn cùng trang lứa, tôi lén nhìn bọn chúng để so sánh mặt và da tay bọn chúng với mình xem ai già hơn (Bệnh thiệt). Cuối cùng, tôi không thấy gì cả vì chúng tôi già đều như nhau.

 

Bây giờ chỉ còn vấn đề tinh thần. Phải lạc quan, nếu nghĩ mình trẻ thì vẫn trẻ. Nhưng tôi cứ bị nghe những câu chào chú, chào bác, chào ông của những thanh niên ngày càng nhiều làm tôi muốn rối loạn não bộ luôn. Thôi rồi, vậy là mình phải chuyển từ nhóm người ít tuổi sang nhóm người cao tuổi sao.

 

Tôi tìm đọc các nghiên cứu về người già, nghiên cứu nói, “Người lớn tuổi thường bị suy giảm trí nhớ và khả năng suy luận nên khó nhận ra và hiểu sự buồn cười trong các câu chuyện hài”. Sợ đám bạn cho là già chậm hiểu, nên khi chúng nó kể chuyện hài, dù chưa hiểu hết tôi cũng cười khà khà. Có khi chúng kể chưa dứt, tôi vội khà khà thật to. Nhiều lần như thế, chúng nó bực mình nói, “Thà mày về nhà ngủ, nửa đêm bật dậy cười, còn đỡ hơn khi tao kể chưa xong mà mày đã cười”. Đấy, nghe chuyện hài và cười đúng lúc cũng không dễ chút nào phải không.

 

Việc già nua đi không phải là điều gì vui vẻ và mới mẻ. Sinh ra trẻ, rồi già, đó là điều tự nhiên không ai tránh khỏi. Bây giờ, tôi đã chịu nhận là mình già. Khi chấp nhận như thế, lòng tôi bỗng thấy nhẹ nhàng. Tuy vậy, tôi không buông xuôi mà phải chiến đấu, hãm lại tuổi già đang sòng sọc xông tới. Đã đến lúc dành sức khỏe cho bản thân, phải xem lại các thói quen của mình, làm quen với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

 

Về tinh thần thì phải luyện trí nhớ vì nghiên cứu nói (lại nghiên cứu), “Người già thường dễ mắc các bệnh liên quan đến thần kinh trong đó có tình trạng suy giảm trí nhớ”. Có bạn thấy tôi hay viết lách nên nói, hãy giữ những kỷ niệm cho riêng mình, viết làm gì cho mệt. Tôi không trả lời, vì tôi viết để luyện trí nhớ và tôi cũng không muốn bị bệnh lú lẫn sớm.

 

Thật dễ chịu khi biết chấp nhận mình già.

 

Ấy vậy mà giờ tôi lại có sự không yên lòng, vì già rồi nhưng tôi không thấy mình bị trầm cảm mà vẫn vui vẻ như khi còn trai trẻ. Tôi thắc mắc, tại sao mình vẫn chưa cần máy trợ thính, sao tóc mình chưa cần đến thuốc nhuộm và răng tôi vẫn cứng như đá, mà quan điểm của người xưa cho rằng, già răng sẽ rụng, nếu còn đủ răng là điềm xấu cho con. Trời!

 

Càng rối hơn nữa, khi đã an phận mình là người già, tôi lại giật nảy cả mình khi có một cô bé gọi tôi bằng anh và xưng em. Nói thật không chút xấu hổ, lòng tôi cũng mừng mừng, nhưng tôi làm mặt lạnh lùng nói:

- Chắc em phải gọi anh bằng chú đó.

Cô bé bối rối hỏi:

- Vậy anh thích gọi bằng gì á.

 

Ái dà, làm khó nhau rồi. Tôi buông thỏng hai tay:

- Gọi sao cũng được, tuỳ lòng hảo tâm của cháu đi.

 

Bây giờ ai gọi tôi là anh, chú, bác, ông, cụ gì cũng được hết. Thôi kệ, suy nghĩ chi nhiều thêm mất ngủ, lại già hơn. Cứ diện áo đẹp đón Tết và vui vẻ sống tiếp thôi. Nói thì nói vậy, chứ ai khen trẻ, tôi vẫn thích và cảm ơn nhiều.

 

Trong tâm tình tạ ơn trên đã gìn giữ, ban muôn ơn lành cho năm qua và với niềm vui đón chào năm mới Quý Mão sắp tới, tôi xin gửi lời cầu chúc cho người thân, bạn bè và từng người Việt trên đất Mỹ này được bình an, mạnh khoẻ, may mắn và đạt nhiều thành công.

 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
18/01/202315:15:52
Khách
Cảm ơn và chúc Mary Haney vui khỏe luôn. Phước
17/01/202321:45:41
Khách
chao anh Phuoc An Thy. Chuc anh mot man moi day suc khoe, binh an va may man. Em Mary Haney.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 464,438
15/12/202300:00:00
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
11/12/202300:00:00
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
08/12/202300:00:00
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
04/12/202310:05:00
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
02/12/202322:15:00
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
30/11/202313:49:00
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
29/11/202312:02:00
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
24/11/202300:00:00
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
21/11/202318:34:00
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
17/11/202300:00:00
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.