Hôm nay,  

Tết Lại Sắp Đến Rồi

16/01/202316:42:00(Xem: 2744)

 

phuoc-an-thy
Tác giả Phước An Thy nhận Giải Đặc Biệt Huế Mậu Thân  VVNM 2018, Westminster.

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.

 


*

 

Lễ hội Giáng Sinh vừa qua, giá lạnh mùa đông vẫn còn, nhưng không khí mùa xuân, đón Tết Việt Nam đã lại trở về trên đường phố quận Cam, Cali, vì năm nay Tết đến sớm hơn mọi năm.

 

Những sắc màu trang trí, hàng hoá Tết đã bày bán khắp phố xá và những giai điệu đầy cảm xúc của các bài hát Tết quen thuộc từ các cửa hàng thương mại đã vang lên rộn ràng khiến tâm hồn mọi người náo nức, mong ngóng một cái Tết nữa lại về.

 

Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.

 

Mọi người tươi trẻ, ăn mặc đẹp xinh cùng gia đình đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết hoặc vui vẻ đưa người thân, bạn bè ở xa về đi tham quan phố Việt. Cảnh gia đình đoàn tụ, hình ảnh gắn bó tình cảm họ hàng, đồng hương, những khoảnh khắc gặp gỡ người thân, bạn bè, hỏi thăm và chúc tụng những điều may mắn, thành công, hạnh phúc cho nhau. Những lời nói yêu thương, bày tỏ lòng biết ơn, các cử chỉ tử tế, trìu mến của mọi người dành cho nhau làm tôi bồi hồi xúc động và hạnh phúc theo cùng với mọi người.

 

Ai cũng bị lôi cuốn bởi cách trang trí đẹp đẽ, ấm áp Tết Việt Nam của các khu thương mại. Chợ Tết bao giờ cũng đông vui, kẻ mua người bán, tiếng trò chuyện râm ran, náo nhiệt khác với ngày thường. Niềm vui biểu lộ trên khuôn mặt mọi người khi dạo quanh khu chợ hoa, chọn cho mình những câu đối, tranh Tết và các chậu hoa đẹp để trưng bày trong nhà hay dành tặng cho nhau. Các cây mai, cành đào đầy hoa sắc màu lộng lẫy nổi bật lên ở giữa những chậu hoa sặc sỡ, đặc trưng ngày Tết như hoa vạn thọ, cúc, huệ, lan, thược dược, cẩm chướng... được bày bán trong nhà hoặc ngoài sân.

 

Các thương xá, chợ của người Việt bày bán đủ các mặt hàng Tết. Thật sự là ở đây không thiếu thứ gì dành cho những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, giò, chả, xôi, bánh kẹo, các loại mứt và hột dưa, hạt bí, hạt điều… Các loại trái cây, bưởi, đào, hồng, quýt, quất, lê và mâm ngũ quả gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (cầu sung vừa đủ xài). Các loại rau xanh, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ... Những chiếc đầu heo, thịt heo quay, gà luộc nguyên con, cá chiên giòn... Ngoài các loại rượu Tây, rượu vang, sâm banh, còn có rượu ngâm thuốc và các loại nước uống đặc trưng kiểu Việt nữa.

Nhờ các siêu thị, nhà hàng và những quán bán thức ăn ở khắp mọi ngõ đường quanh phố mà tôi được ăn các món sang trọng hay bình dân của cả ba miền thường có trên mâm cơm, bàn tiệc của người Việt trong ba ngày Tết.

 

Tôi rất thích xem múa lân. Vẫn như hồi còn nhỏ, tôi thường đi theo xem các đội lân mang mùa Xuân may mắn đến tận nhà hay tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không thua gì các đội lân ở Việt Nam, các đội lân ở đây rất chuyên nghiệp, nhiệt tình, sáng tạo với những bước nhảy dũng mãnh không chê được.

Các đầu lân nhiều màu sắc, mắt biết nhấp nháy sành điệu như người ta đá lông nheo, bay nhảy như tài tử xi-nê-ma và biết trân trọng bao lì xì.

 

Các con kỳ lân được sự dẫn dắt của các ông địa, đầu hói to tròn như quả dưa hấu chưng Tết, bụng bự như bà bầu sắp đẻ, trông rất vui nhộn. Các tay trống, ngoài cách đánh trống múa lân kiểu cổ truyền, còn biểu diễn đánh theo phong cách nhạc trẻ. Tiếng trống rầm rộ, càng nghe lòng càng rộn ràng.

 

Trong các thú vui ngày Tết, tôi thích nhất là được đọc các bài viết, xem những hình ảnh về Tết trên các tờ báo, giai phẩm Xuân tiếng Việt. Tôi cảm thấy thiếu hương vị Xuân nếu không có các tờ báo Tết nên năm nào tôi cũng mua vài tờ báo Tết, giai phẩm Xuân để trên bàn tiếp khách như là một phần không thể thiếu của các vật dụng trang trí trong mấy ngày Tết.

 

Mỗi năm chỉ có một dịp nên các toà báo đều quan tâm, thể hiện tính mỹ thuật của hình thức và nội dung phong phú cho tờ báo Xuân của mình để độc giả không thất vọng. Khi nhìn ngắm hình thức và đọc các bài viết của một giai phẩm Xuân, người ta nhận ra những điểm nổi bật của mỗi toà báo. Báo Tết, giai phẩm Xuân luôn mang hình thức đẹp từ bìa đến trong ruột. Hình họa trên bìa các tờ báo Tết được in nổi bật, sặc sỡ, đa dạng, vẽ đủ các đề tài về cảnh Tết xưa và nay. Nội dung báo Xuân, từ các bài viết, bài thơ cho đến sớ Táo Quân, tử vi, mục truyện vui, tranh khôi hài, ảnh hí họa... tất cả đều được chọn lọc làm cho độc giả bị thu hút, thích thú và đắm chìm vào sự tươi thắm của ngày Xuân.

 

Ngoài những tờ báo Tết, giai phẩm Xuân thì những chương trình, các ca khúc về mùa Xuân, ngày Tết cũng là một phần không thể thiếu trong những ngày sum họp của mỗi gia đình. Ngày Xuân nhộn nhịp, vui tươi hơn khi các đài radio phát thanh các bản nhạc Tết tuyển chọn, nổi tiếng, quen thuộc và đã trở thành bất hủ xưa nay. Những ca khúc mộc mạc, chân quê gần gũi, tình yêu đôi lứa, chan chứa niềm tin cho những người đang yêu hay các giai điệu trữ tình, trau chuốt, tha thiết tạo nên sự bâng khuâng cho người đang xa gia đình, xa quê hương.

 

Các đài truyền hình tiếng Việt phát nhiều chương trình đặc biệt về Xuân. Những mục chúc Tết, chúc mừng năm mới sinh động của đài, của các hội đoàn, đoàn thể, những cơ sở kinh doanh và nhiều cá nhân làm cho khán giả cảm nhận rõ không khí tưng bừng đầu Xuân, mang hy vọng một năm mới nhiều điều thay đổi yên vui và may mắn.

 

Tết Việt Nam ở đây, năm nào các nhà thờ, chùa, các hội đoàn cũng tổ chức những buổi lễ, các sinh hoạt vui Xuân, hội Tết và ca nhạc mang truyền thống văn hóa Việt. Có hội chợ, múa lân, ca nhạc văn nghệ, thi đố vui, cờ tướng, thi hoa hậu áo dài, biểu diễn võ thuật, thi gói bánh chưng... Các cuộc diễn hành Tết của cộng đồng người Việt với những xe hoa lộng lẫy đủ kiểu diễn ra nhiều nơi. Các khu thương mại rộn rã tiếng pháo đì đùng, tràn ngập xác pháo vào đêm Giao Thừa và ba ngày Tết.

 

Những ngày cận Tết, tôi thường dạo quanh khu phố bán hoa để được ngắm, được thưởng thức các loại hoa. Như ông cụ non, tôi thích cái thú “uống rượu thưởng hoa”. Tôi không nói ý bóng, ý gió về thú uống rượu ngắm mỹ nhân của các thi sĩ, các cụ ngày xưa hoặc về người già chơi trống bỏi. Tôi nói theo nghĩa đen của uống rượu và ngắm hoa.

 

Phía sau hiên nhà tôi, có một góc lý tưởng để ngắm hoa và uống rượu khi rảnh rỗi. Nơi tôi cởi bỏ áp lực sau một tuần rong ruổi trên đường cao tốc đầy xe và sự bận rộn nơi công sở. Ở góc vườn đó, tôi uống rượu, ngắm hoa lan để thả lỏng cơ thể và đầu óc tự do bay bổng. Trí óc tôi được thoát ra khỏi cơ thể, trở về miền quá khứ, đến khắp nơi trên thế giới và có thể bay vào cả tương lai. Khi ấy, tôi nhâm nhi rượu một mình, chứ không nâng ly chén tạc chén thù “tới bến” với các bạn của tôi.

Nói đến chén tạc chén thù, tôi có vài người bạn, khi nâng ly trong các cuộc rượu thì chỉ nói giọng Nam hoặc Bắc vì giọng Trung khi cụng ly gọi là “vô”. Tôi tên Phước, không lẽ cứ mỗi lần cụng ly lại “vô phước, vô phước”, chầu nhậu kéo dài nhiều giờ, vô phước hoài thì tôi có mà giảm thọ. Trong đám bạn đó lại có người tên Nhân, Tâm, Hậu, Lễ, không lẽ nhậu cụng ly với nhau cứ vô nhân, vô tâm, vô lễ và vô hậu hoài coi sao được. Vì vậy mỗi lần nâng ly, chúng tôi nói giọng Nam là “dzô” hoặc giọng Bắc là “vào”. Thỉnh thoảng có một người bạn khác tới nhậu, cụng ly gọi “vô” hay “vào” gì nó cũng không chịu vì nó tên Viện. Nó nói, nhậu mà vào bệnh viện thì nhậu làm gì.

 

Trở lại uống rượu thưởng hoa, mũi được ngửi mùi thơm, miệng cảm nhận vị ngon của rượu và mắt được ngắm màu sắc của hoa thì thật là sảng khoái và bình an. Rượu vang tôi mua vì không làm được, nhưng hoa phong lan là tự tay tôi chăm sóc, nuôi từ nhỏ, khi chưa ra hoa.

 

Không phải lúc nào cũng có rượu để uống và hoa để ngắm, vì vậy tôi luôn thưởng thức một cách trọn vẹn và “sang chảnh” nhất mà mình có thể, để thấy cuộc đời thật đẹp. Tôi dặn lòng, uống vừa đủ để còn ngắm hoa cho tao nhã như các cụ ngày xưa, nhưng rồi mê hoa, uống mãi thấy mình đã ngà say.

Nhiều ông hay dùng câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” để uống riêng với nhau, theo tôi nam hay nữ gì cũng uống rượu được và ai cũng có thể uống rượu thưởng hoa.

 

Tôi thấy, thưởng hoa nhà mình thì thoải mái và ít rắc rối hơn là đi thưởng hoa nhà người khác.

Ba ngày Tết Việt Nam năm nay, ngày Mùng Một sẽ rơi vào ngày Chủ Nhật, còn Mùng Hai và Mùng Ba vào đầu tuần nên mọi người lại phải đi làm. Riêng tôi, tôi lấy thêm hai ngày nghỉ phép để đi lễ, thăm người thân và vui Xuân. Nói nhỏ, thực ra tôi kiêng kị nhiều thứ lắm, trong đó có việc sợ làm vất vả vào các ngày đầu năm. Theo quan niệm xưa, trong ngày đầu năm mà có điều tốt đẹp hoặc gặp điều không may thì cả năm sẽ có nhiều điều như vậy xảy ra cho mình. Ngày đầu năm tôi kiêng kị to tiếng, nói xấu hay cãi vã. Tôi sợ lỡ cãi nhau với sếp thì sẽ cãi cả năm, như vậy chắc chắn sếp sẽ cho mình về vườn sớm. Tôi tránh cau có, bực bội và cười miệng lớn đến nhăn nhó vì sợ cả năm mà như vậy thì các nếp nhăn sẽ làm mình già nhanh hơn.

 

Tết Việt ở đây có đầy đủ mọi thứ như ở Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy như là không khí Tết bây giờ vẫn không bằng ở Việt Nam ngày xưa.

 

Xuân về, những kỷ niệm xưa thường âm thầm len lỏi ở trong lòng tôi. Chúng níu kéo những mùa Xuân đẹp nhất của tuổi ấu thơ, những ngày Tết chất chứa bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời mới lớn trở về làm cho lòng tôi bùi ngùi. Sự hớn hở chờ đợi của đám trẻ chúng tôi quanh những giây pháo dài, treo đong đưa trong gió, trên nhánh cây trước túp lều tranh ở chợ quê. Sau tràng pháo nổ râm ran, giòn giã, chúng tôi ùa vào giành giật những viên pháo còn sót lại.

 

Bây giờ mỗi lần đi xem đốt pháo tôi không còn tranh nhau lượm pháo, mà thay vào đó tôi hít thật sâu đầy phổi mùi thuốc pháo cùng hương vị của đất trời mùa Xuân hoà lẫn vào nhau và dường như có cái gì đó đang ẩn sâu trong lòng làm cảm xúc bồi hồi dâng cao.

 

Mỗi năm tụ tập bên mâm cỗ ăn Tết với nhau, anh em chúng tôi luôn cố dạy con cháu làm quen, hướng về những giá trị truyền thống của ngày Tết cổ truyền và thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên của mình. Để đón một năm mới tới, đêm Giao Thừa, khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, cả gia đình làm cơm, đặt mâm ngũ quả, bánh trái lên bàn thờ tổ tiên và cùng nhau lặng đốt những nén hương trong đêm, cầu mong Chúa Xuân đưa linh hồn ông bà, cha mẹ về vui Xuân cùng với con cháu.

Năm nào cũng vậy, anh em chúng tôi dặn nhau thôi nhắc về một thời đã qua, nhưng khi mở rượu ra, những mùa Xuân xưa vẫn lãng đãng quay về trong lòng mỗi người. Thế rồi niềm vui trong những ngày xưa ấy lại được kể ra cho nhau, cho con cháu nghe. Những ngày Tết xa xưa được mặc áo quần mới, theo ba mẹ đi chúc Tết ông bà, họ hàng, cười vui với các bao tiền lì xì, chơi bầu cua cá cọp, đi xem múa lân. Trong nhà có đầy các loại hoa, mai vàng, vạn thọ, cúc vàng đại đoá, có đủ pháo, mứt, hột dưa, hạt sen, các loại kẹo bánh, trái cây và những tấm thiệp Xuân đủ màu treo trên cành mai trong nhà.

Hạnh phúc là nhắc lại cho nhau nghe những ngày Tết xa xưa còn đọng mãi trong hồn, để nhớ cả đời những mùa Xuân sum vầy, còn cha mẹ ông bà. Tất cả chỉ để cố tìm lại những mùa xuân nồng ấm, những ngày Tết đoàn tụ đã qua mà chẳng nơi đâu và không bao giờ còn có được.

 

Sắp Tết không nên nói chuyện buồn, nhưng tôi xin phép kể chuyện buồn của Tết năm rồi. Tết đến thì già thêm một tuổi, năm ngoái tuy tôi đã hơi già, nhưng tôi cố chấp chưa chịu nhận là mình già. Tết năm ngoái mọi chuyện với tôi thật tốt đẹp, vui vẻ cho đến khi có một chị trông lớn tuổi hơn tôi hỏi:

- Anh nhuộm tóc ở đâu mà như tóc thật thế.

 

Tôi hơi bực mình vì tóc tôi xanh mơn mởn, chưa tốn một đồng tiền nào cho việc nhuộm tóc. Tôi nói:

- Tóc thật mà chị, có nhuộm gì đâu.

 

Chị ta quay đầu bỏ đi. Tôi thầm nghĩ, người gì đâu ngày xuân mà hỏi một câu vô duyên tệ.

Hôm sau, có một gã thanh niên lớn tuổi chào tôi là chú. Trước giờ, tôi chào người khác là chú, bác, ông, nay bị gã này kêu chú, tôi giật mình. À thằng này muốn “thắp nhang” cho mình hay cho nó đây. Tôi giận dỗi đáp lại gã thanh niên:

 

- Sao không gọi bằng bác luôn đi.

 

Gã lúng túng, có lẽ không biết tôi nói thật hay đùa, gã cười khì khì rồi bỏ đi. Giọng cười của gã thật là đểu, tướng đi thấy ghét. Tôi buồn, đang trẻ trung, bỗng dưng thấy mình già đi cả chục tuổi.

 

Về nhà, tôi lấy gương ra soi. Tôi xem có “vết chân chim” ở đuôi mắt không, coi trán có 3 đường nhăn mà các thầy bói thường gọi là “trời, đất, người” chưa. Vẫn chưa hằn dấu vết nào. Tôi vạch tóc ra xem có sợi nào chuyển màu bạc trắng chưa, chỉ có một vài sợi. Nghe nói khi già da tay sẽ nhăn, tôi nhìn da tay mình thấy còn căng và mịn màng như da phụ nữ và tôi cũng chưa tăng cân ngoài ý muốn mà.

 

Chuyện xem xét cơ thể mình già hay chưa này, thật chẳng hay ho và hấp dẫn tôi tí nào.

Tôi gõ cửa phòng con gái hỏi:

- Con thấy ba già chưa.

Nó đáp:

- Ba còn trẻ lắm.

Con nó nói thế thì chắc là thế rồi.

Chưa yên tâm, tôi liền đi khám bác sĩ gia đình. Tôi lo lắng hỏi:

- Bác sĩ, để lâu già thì phải làm gì?

Bác sĩ nói:

- Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, bớt ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ và tinh bột.

Rồi ông gửi tôi đi soi ruột. Kết quả soi ruột tốt, bác sĩ nói, mười năm nữa đi soi ruột lại. Kết quả thử máu cũng không bị bệnh gì. Sức khoẻ vậy là ổn.

 

Gặp đám bạn cùng trang lứa, tôi lén nhìn bọn chúng để so sánh mặt và da tay bọn chúng với mình xem ai già hơn (Bệnh thiệt). Cuối cùng, tôi không thấy gì cả vì chúng tôi già đều như nhau.

 

Bây giờ chỉ còn vấn đề tinh thần. Phải lạc quan, nếu nghĩ mình trẻ thì vẫn trẻ. Nhưng tôi cứ bị nghe những câu chào chú, chào bác, chào ông của những thanh niên ngày càng nhiều làm tôi muốn rối loạn não bộ luôn. Thôi rồi, vậy là mình phải chuyển từ nhóm người ít tuổi sang nhóm người cao tuổi sao.

 

Tôi tìm đọc các nghiên cứu về người già, nghiên cứu nói, “Người lớn tuổi thường bị suy giảm trí nhớ và khả năng suy luận nên khó nhận ra và hiểu sự buồn cười trong các câu chuyện hài”. Sợ đám bạn cho là già chậm hiểu, nên khi chúng nó kể chuyện hài, dù chưa hiểu hết tôi cũng cười khà khà. Có khi chúng kể chưa dứt, tôi vội khà khà thật to. Nhiều lần như thế, chúng nó bực mình nói, “Thà mày về nhà ngủ, nửa đêm bật dậy cười, còn đỡ hơn khi tao kể chưa xong mà mày đã cười”. Đấy, nghe chuyện hài và cười đúng lúc cũng không dễ chút nào phải không.

 

Việc già nua đi không phải là điều gì vui vẻ và mới mẻ. Sinh ra trẻ, rồi già, đó là điều tự nhiên không ai tránh khỏi. Bây giờ, tôi đã chịu nhận là mình già. Khi chấp nhận như thế, lòng tôi bỗng thấy nhẹ nhàng. Tuy vậy, tôi không buông xuôi mà phải chiến đấu, hãm lại tuổi già đang sòng sọc xông tới. Đã đến lúc dành sức khỏe cho bản thân, phải xem lại các thói quen của mình, làm quen với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

 

Về tinh thần thì phải luyện trí nhớ vì nghiên cứu nói (lại nghiên cứu), “Người già thường dễ mắc các bệnh liên quan đến thần kinh trong đó có tình trạng suy giảm trí nhớ”. Có bạn thấy tôi hay viết lách nên nói, hãy giữ những kỷ niệm cho riêng mình, viết làm gì cho mệt. Tôi không trả lời, vì tôi viết để luyện trí nhớ và tôi cũng không muốn bị bệnh lú lẫn sớm.

 

Thật dễ chịu khi biết chấp nhận mình già.

 

Ấy vậy mà giờ tôi lại có sự không yên lòng, vì già rồi nhưng tôi không thấy mình bị trầm cảm mà vẫn vui vẻ như khi còn trai trẻ. Tôi thắc mắc, tại sao mình vẫn chưa cần máy trợ thính, sao tóc mình chưa cần đến thuốc nhuộm và răng tôi vẫn cứng như đá, mà quan điểm của người xưa cho rằng, già răng sẽ rụng, nếu còn đủ răng là điềm xấu cho con. Trời!

 

Càng rối hơn nữa, khi đã an phận mình là người già, tôi lại giật nảy cả mình khi có một cô bé gọi tôi bằng anh và xưng em. Nói thật không chút xấu hổ, lòng tôi cũng mừng mừng, nhưng tôi làm mặt lạnh lùng nói:

- Chắc em phải gọi anh bằng chú đó.

Cô bé bối rối hỏi:

- Vậy anh thích gọi bằng gì á.

 

Ái dà, làm khó nhau rồi. Tôi buông thỏng hai tay:

- Gọi sao cũng được, tuỳ lòng hảo tâm của cháu đi.

 

Bây giờ ai gọi tôi là anh, chú, bác, ông, cụ gì cũng được hết. Thôi kệ, suy nghĩ chi nhiều thêm mất ngủ, lại già hơn. Cứ diện áo đẹp đón Tết và vui vẻ sống tiếp thôi. Nói thì nói vậy, chứ ai khen trẻ, tôi vẫn thích và cảm ơn nhiều.

 

Trong tâm tình tạ ơn trên đã gìn giữ, ban muôn ơn lành cho năm qua và với niềm vui đón chào năm mới Quý Mão sắp tới, tôi xin gửi lời cầu chúc cho người thân, bạn bè và từng người Việt trên đất Mỹ này được bình an, mạnh khoẻ, may mắn và đạt nhiều thành công.

 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
18/01/202315:15:52
Khách
Cảm ơn và chúc Mary Haney vui khỏe luôn. Phước
17/01/202321:45:41
Khách
chao anh Phuoc An Thy. Chuc anh mot man moi day suc khoe, binh an va may man. Em Mary Haney.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,241
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch
Nhạc sĩ Cung Tiến